Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thành hoàng làng Phương Sơn: Huyền tích, thần tích và hiện thực

Yến Thọ
Quảng Trị là một mảnh đất có bề dày về lịch sử - nơi gặp gỡ, hội tụ và giao lưu của nhiều nền văn hóa; trong đó có cuộc tiếp xúc, hòa hợp, hòa nhập, kế tục, tiếp biến, chuyển hóa của các yếu tố giữa hai nền văn hóa Champa và Đại Việt trong quá khứ. Chính quá trình thừa kế quyền sở hữu đất đai đã dẫn đến quyền sở hữu các thành tựu văn hóa. Người Việt xây dựng làng xóm của mình trên các làng xóm cũ của người Chăm, sử dụng lại các công trình quân sự, hệ thống thủy lợi, công trình tôn giáo tín ngưỡng như chùa chiền, đền tháp... của người Chăm. Và một khi đã chấp nhận sống trên những gì mà người Chăm để lại thì người Việt cũng phải nhanh chóng tìm cách hợp thức hóa ngay những gì thuộc lớp người tiền trú để lại thành cái của mình. Chính điều này là cơ sở, là xuất phát điểm sản sinh ra các huyền tích mà vốn dĩ liên quan đến cuộc sống của người Chăm nhưng lại mang cảm quan tư duy của người Việt. Sự tích về vị Thành hoàng làng Phương Sơn (xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong) chính là một trong rất nhiều câu chuyện ra đời trong hoàn cảnh như vậy.

Hàng trăm năm trôi qua, đằng sau lớp khói sương huyền thoại của huyền tích và thần tích về một vị Thành hoàng làng là một hiện thực phản ánh về quan niệm nhân sinh và sự đối đãi, giao hòa giữa các cộng đồng người thể hiện trong tục thờ cúng của người dân Việt ở làng Phương Sơn nói riêng và Quảng Trị/ Đàng Trong nói chung. Thành hoàng làng Phương Sơn được thờ trong một ngôi miếu có tên là Miếu Nghè nằm trên một cồn cát phía Đông của làng Phương Sơn; trong một khu vực thờ cúng có cả miếu bà Chúa Ngọc, miếu Thành hoàng bổn thổ, miếu Khai canh.

Nguyên xưa, miếu được làm bằng gỗ, trải qua hai cuộc chiến tranh miếu đã bị hỏng hoàn toàn. Năm 1994, dân làng đã dựng lại ngôi miếu bằng chất liệu gạch, xi măng kiên cố như hiện nay. Cạnh miếu Nghè là một ngôi miếu khác được xây lớn hơn nhưng rất giống về kiểu dáng và được dân làng gọi là miếu Vua. Bao quanh hai ngôi miếu là hệ thống la thành xây bằng gạch, cao chừng 0,5m phía trước mở hai lối đi. Miếu được cấu trúc theo mô thức tường gạch chịu lực có hai tầng mái, ở giữa có đường cổ diêm trang trí hoa lá. Ba phía mở 3 cửa vòm cuốn. Trên cửa chính của miếu Nghè đề 4 chữ Hán theo lối đại tự “Chung linh tú khí”. Dọc theo hai bên cửa của ngôi miếu còn có hai câu đối và hai mảng trang trí. Bên trong là án thờ xây bằng xi măng, trên đó đặt thờ một pho tượng bằng đá có hình hài của một vị nam thần được tạc dưới dạng phù điêu. Vị thần này được dân làng coi là thần Thành hoàng và đã được nhà nước phong kiến Nguyễn nhiều lần sắc phong. Phía trước pho tượng còn có một mộc chủ/ thần vị bằng gỗ, trong lòng ghi hàng chữ Hán viết song hàng:

本境城隍天慶聖威尊神加贈保安正直又天焞疑翊保中興城隍中等神神位 (Bản cảnh Thành hoàng Thiên Khánh thánh uy tôn thần, gia tặng Bảo an Chính Trực Hựu Thiên Đôn Nghi Dực Bảo Trung Hưng Thành Hoàng Trung đẳng thần thần vị).

Chuyện tích kể về lai lịch của vị thần Thành hoàng làng Phương Sơn được người dân lưu truyền từ xưa đến nay và đã được biên chép lại thành văn trong một chuyên khảo “Notes sur quelques empacements Chams de la province de Quang Tri” (Ghi chú về một vài địa điểm di tích Chăm ở tỉnh Quảng Trị) đầu thế kỷ XX của L.P. Cadière1 và trong tập “Văn học dân gian Triệu Hải” thập niên 90 của Hồ Quốc Hùng 2. Mỗi chuyện kể có sự khác nhau về một số tình tiết nhưng tựu trung có 2 phần: Phần đầu là việc tìm thấy tượng đá và phần sau là cuộc tranh giành để thờ phụng thần Đá giữa làng Phương Sơn và làng An Lưu.

Nội dung chính phần đầu kể rằng: Ngày xưa ở làng Phương Sơn có một chàng trai nghèo chuyên sống bằng nghề dũi cá. Một hôm, như thường lệ, anh vác dũi ra đồng. Anh làm việc cật lực, từ sáng đến trưa mà vẫn không kiếm được một con tép. Thế mà cứ mỗi lần dũi xuống là cứ thấy nặng ì không đẩy nổi, dở lên chỉ thấy một hòn đá nằm ở trong. Chàng trai nhặt rồi ném ra xa nhưng lần khác hòn đá vẫn nằm trong dũi. Nhiều lần như thế, chàng trai sinh nghi bèn khấn rằng: Nếu có thần linh thì phù hộ cho con được nhiều cá, con sẽ đem ngài về thờ tự! Quả nhiên sau đó các mẻ dũi đều nhiều cá vô kể. Chàng trai mừng lắm bèn đem viên đá về đặt lên bàn thờ ngày đêm hương khói. Từ đó chàng giàu có lên trông thấy. Làng biết được đã đề nghị cho làng lập miếu thờ để cùng hưởng lộc và chàng đồng ý. Từ khi làng thờ đá thì cả làng phát đạt, hưng thịnh, có nhiều người học hành, thi cử đỗ đạt, nhiều người được phong chức tước, làm quan. Miếu thờ hòn đá được mang tên là miếu thần Đá (cũng gọi là Bà Đá). Từ đó làng cầu gì được nấy.

Miếu Nghè thờ Thành hoàng làng Phương Sơn  (Triệu Sơn - Triệu Phong) - Ảnh: Y.T

Miếu Nghè thờ Thành hoàng làng Phương Sơn (Triệu Sơn - Triệu Phong) - Ảnh: Y.T

Đầu thế kỷ XX, trong một lần đi điền dã, linh mục - học giả người Pháp là L.P. Cadière ghi lại câu chuyện kể từ người dân địa phương rằng: Sau khi khấn “Thần hỡi, người mà đang giữ cái dũi của tôi, hãy cho phép tôi gỡ nó rồi tôi sẽ thờ phụng ngài xứng đáng!” để gỡ cái dũi đang bị mắc thì ngay lập tức, anh ta hoàn thành công việc không mấy khó khăn và trong dũi có một pho tượng bằng đá. Anh ta đem về nhà, đặt thờ trong một ngôi miếu nhỏ ở góc vườn và phụng thờ chu đáo. Từ đó trở đi, gia đình anh ta luôn phát đạt và trở nên giàu có. Tin được truyền đi khắp làng. Dân làng yêu cầu được thờ chung. Vậy là từ đó, dân làng có đầy đủ mọi thứ nhờ sự phù hộ, che chở của thần Đá3.

Chi tiết khác biệt trong “Văn học dân gian Triệu Hải” của Hồ Quốc Hùng là khi phát hiện hòn đá, chàng trai lận vào lưng quần rồi đem về nhà thờ. Ít lâu sau, hòn đá bỗng lớn lên trông thấy, lại mọc cả tay chân trông giống hình người. Sợ quá, chàng trai bèn ra trình làng. Hương trưởng không tin cho là chuyện nhảm nhí liền sai người về xem thực hư ra sao. Tiếng đồn lạ tai lan khắp làng. Sau đó, chuyện được đưa ra bàn tính trong các vị đầu mục. Người thì cho là ma quỷ, kẻ lại bảo là thánh thần, chẳng ai chịu ai. Rốt cuộc, dân làng kéo nhau thỉnh hòn đá ra rồi lập đền thờ4.

Nội dung chính phần hai tương truyền: Làng An Lưu bên cạnh thấy làng Phương Sơn nhờ có thần đá mà cuộc sống ngày càng sung túc, hưng thịnh nên rất muốn được như vậy, họ đã tổ chức một cuộc đánh cắp thần Đá để về thờ. Cuộc tranh giành giữa hai làng Phương Sơn và An Lưu đã làm cho tượng đá bị gãy mất một tay. Sau cuộc này, làng Phương Sơn đồng ý cho làng An Lưu thờ vọng thần Đá/ Bà Đá. Về sau, thần Đá/ Bà Đá được làng Phương Sơn tôn xưng là Thành hoàng và miếu thần Đá được gọi là miếu Nghè.

“Văn học dân gian Triệu Hải” của Hồ Quốc Hùng chỉ chép vắn tắt: Một tối nọ, sau khi dọn dẹp xong, ông từ gác đền lăn ra ngủ. Nửa đêm, một cơn gió ùa vào. Giật mình tỉnh dậy thì thấy tượng đá đã biến mất. Ông từ vội đánh phèng la gọi làng. Mọi người đổ xô đi tìm. Ra đến giữa đồng, gặp một nhóm người đang khuân tượng đá. Thế là hai bên xông vào giằng xé nhau. Tượng đá vì thế mà gãy mất một tay. Dân làng giành lại tượng đá mang về. Từ đó, làng gọi tượng là ông Nghè5.

Người dân làng Phương Sơn lại tương truyền khá tường tận: Nhóm người làng An Lưu sau khi mang tượng đá về đến điểm ranh giới của hai làng thì không đi tiếp được vì thần ứng vào một người đàn ông bán cá đang đi qua, chạy xuống ruộng kêu dân làng Phương Sơn (lúc này đang làm đồng) lên cứu. Khi dân làng Phương Sơn chạy lên đến nơi thì dân làng An Lưu buông xuống bỏ chạy cho làm cho tượng thần bị gãy một cánh tay6.

L.P. Cadière ghi lại câu chuyện có chi tiết rất thú vị đầy tính huyền thoại: Dân làng An Lưu - một làng giáp ranh với Phương Sơn thấy vậy tỏ ra ganh tỵ bèn âm mưu đánh cắp pho tượng mang về. Khi chỉ còn vài bước trước lúc vượt ranh giới, bỗng nhiên pho tượng tự kêu lên: “Ôi, hỡi những người dân làng Phương Sơn, nếu ai trong số các bạn có lòng tôn kính và yêu mến tôi, hãy mau đến giải cứu cho tôi!”. Những người dân làng An Lưu nghe thấy sợ hãi vội buông thả tượng vào một bụi rậm rồi tẩu thoát. Đó là nguyên do mà một trong hai bàn tay của tượng đã bị mất. Sau khi người dân Phương Sơn đưa thần về lại chỗ cũ, bằng cách lên đồng, thần đã hiển hiện và tuyên bố rằng: “Nhân vì dân làng An Lưu đã sẵn sàng tôn kính và muốn thờ phụng ta, vậy từ nay họ có thể làm việc đó bằng cách thờ vọng!”7.

Từ sau khi có sự đồng ý của thần Đá và được sự thỏa thuận của hai làng, làng Phương Sơn thờ chính, còn làng An Lưu chỉ thờ vọng. Hàng năm, hai làng thay nhau lo việc tế thần. Làng An Lưu tế vào ngày 15 tháng 5, làng Phương Sơn tế vào ngày 15 tháng 6 âm lịch. Làng An Lưu cũng có miếu thờ nhưng chỉ có bài vị. Từ đó, hai làng hoà thuận, qua lại với nhau như anh em một nhà. Khi bên này làm lễ cúng thì bên kia đến dự. Trước đây, cứ mỗi lần diễn ra lễ tế, hai làng thường đến chỗ đất ngài bị làng An Lưu thả xuống làm cho tay ngài bị gãy (ranh giới hai làng) khi rước về không thành để thắp hương khấn ngài rồi mới tiến hành làm lễ. Lễ cúng thần được nhân dân hai làng duy trì cho đến ngày nay, trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng truyền thống từ bao đời.

Thần Đá/ Bà Đá - Thành hoàng làng Phương Sơn rất linh thiêng nên trong làng đã hình thành nên những luật tục kiêng cử riêng mà cho đến ngày nay vẫn đang còn được áp dụng như không dùng từ đá mà gọi chệch sang là đớ; các phương tiện, vật dụng gia đình như cối giã gạo, gia vị, xay bột... đều không làm bằng đá; khi làm nhà hoặc các công trình xây dựng khác trong làng đều không dùng đá táng chân cột cũng như làm móng bằng vật liệu đá.

Xung quanh sự hiển linh của thần còn được tô điểm thêm những câu chuyện đầy tính huyền tích bí ẩn.

Ghi chép của L.P. Cadière có đoạn: “Người ta kể lại rằng có một người dân trong làng, sau một thời gian làm giàu ở Huế với những năm tháng tuổi thanh xuân của mình, anh ta trở về quê hương và xây nên một ngôi nhà rất đẹp có những viên đá làm bệ cột (đá táng). Ngôi nhà mới làm xong thì tự nhiên bốc cháy. Đó là sự rủi ro vốn tiềm ẩn trong tất cả các ngôi nhà dùng đá để xây hoặc tệ hại hơn là những tai họa khác sẽ giáng xuống những thành viên trong ngôi nhà bởi sự thiếu tôn kính thần Đá”8.

Năm 1969, một trung đội lính Việt Nam cộng hòa tới khu vực Nghè chặt củi, có một tên đã chặt phải một ống chân và đêm đó trung đội lính Việt Nam cộng hòa bị quân giải phóng tấn công, một tên chết tại chỗ, một tên bị thương nặng. Năm 1972, lính thuỷ quân lục chiến Việt Nam cộng hòa lấy trộm chuông của miếu Nghè, đưa vào đến Đà Nẵng. Sau mười ngày, tên chỉ huy nằm mơ thấy cụ già râu tóc bạc phơ nói rằng: “Mày lấy trộm gì của tao thì trả lại ngay không thì chết”. Thế là hai ngày sau chúng phải đem về trả lại chỗ cũ.

Ngôi miếu Nghè lúc đầu quay hướng ra làng Linh Yên của xã Triệu Trạch. Bỗng dưng cả xóm của Linh Yên bị cháy, làm lại nhà mới cũng bị cháy. Từ đó cho đến nay, dân Linh Yên ở xóm nằm chính hướng của miếu không ai dám làm nhà ở nữa, đất để không. Dân gian truyền nhau là do có ngài nhìn ra nên không ở được. Trong những năm chống Pháp, làng Linh Yên huy động nhân dân đắp một mô đất cao hơn miếu của làng Phương Sơn nhằm chắn tầm nhìn của miếu, dân làng Phương Sơn kiện lên quan. Quan trên về xử: làng Linh Yên phải bỏ ụ đất đi nếu không sẽ bị tịch thu tất cả các lư hương trong làng.

Tất cả đó là huyền tích, thần tích về vị thần Thành hoàng làng Phương Sơn được truyền tụng từ xưa cho tới nay và không ngừng được thiêng hóa.

Thực ra viên đá ấy là một tác phẩm nghệ thuật của người Chăm. Ðó là một tấm lá nhĩ (tympan) được lấy ra từ một ngôi tháp Chăm cổ đã bị đổ nát. Bên trên tấm lá nhĩ này tạc hình thần Shiva ngồi ở tư thế thiền, hai chân xếp bàng rộng 45cm, hai tay của thần đặt lên hai bàn chân, lòng bàn tay ngữa lên trên. Tấm lá nhĩ này nguyên là một thớt đá đặt trên cửa của một ngôi tháp, hiện nay bị vỡ một phần. Phần còn lại cao 85cm, rộng 45cm. Sau khi đem tấm đá này về thờ, người Việt đã xây thêm bệ và đài sen (cao 18cm) để đặt phiến đá. Họ cũng đã gắn thêm nhiều chi tiết phụ bằng gỗ và xi măng để biến thành một khối hình chữ nhật cao toàn bộ là 1,03m rộng 50cm. Điều dễ nhận thấy nhất là sự ghép thêm chiếc lọng bằng gỗ hoa văn hình rồng bên trên cùng với một khung gỗ hình chữ nhật đứng tương xứng có viền hoa văn mây, lá được chế tác và gắn sau tượng. Một mảng đá vỡ cũng được sáng tạo thành chiếc nón hình chóp gắn trên đầu tượng, làm cho tính chất  “thuần Việt” không thể nào diễn tả một cách gần gũi hơn. Ngoài ra, dân ở đây cũng đã cho sơn thếp lại hình tượng thần Shiva làm cho tấm phù điêu lá nhĩ bị biến dạng rất nhiều. Khối tượng đá bán phù điêu này đã được người Việt tu chỉnh lại khá hoàn hảo bằng việc sơn phủ lên toàn thân Shiva một màu sắc lòe loẹt và gia cố thêm phần gỗ, xi măng để tạo ra một tượng thần bán phù điêu đúng nghĩa. Đây là sự tiếp nhận và thay đổi một phần hình dáng tượng thờ theo chủ ý của người Việt khi sử dụng các hình tượng của các vị thần Chăm.

Tấm lá nhĩ (tympan) tạc hình Shiva ngồi ở tư thế thiền, hai chân đặt chéo lên đùi dù không còn nguyên vẹn nhưng được dân làng Phương Sơn tôn làm thần Thành hoàng làng. Vì thế mà nơi trú ngụ của thần được gọi là miếu Nghè. Không rõ là do khách quan hay chủ tâm của người Phương Sơn mà cả tấm phù điêu lá nhĩ hiện chỉ còn lại phần hình hài của thần Shiva, các mảng phụ khác đã bị mất khiến người bình thường rất khó nhận ra nguyên thủy nó là một tấm tympan.

ượng thần Đá/Bà Đá - Thành hoàng và long vị thờ tại miếu Nghè  làng Phương Sơn (Triệu Sơn - Triệu Phong) - Ảnh: Y.T

ượng thần Đá/Bà Đá - Thành hoàng và long vị thờ tại miếu Nghè làng Phương Sơn (Triệu Sơn - Triệu Phong) - Ảnh: Y.T

Khắp các làng xã vùng miền Trung có rất nhiều ngôi đền, miếu, chùa của người Việt thờ các tác phẩm nghệ thuật dạng phù điêu, tượng của người Chăm. Albert Sallet từng nhận định: “Nhờ vào giới luật và dễ chịu của tín ngưỡng An Nam mà một loạt tượng Champa đã nghiễm nhiên ngự trị trong vô số miễu, đó là nhân vật thuộc phái nam hay phái nữ, lắm lúc có cả những công trình điêu khắc động vật... Bí mật dày đặc vẫn còn bao trùm lên nguồn gốc của nhiều tục thờ cúng và trong sinh hoạt. Các pho tượng thờ này được sửa chữa qua nhiều lần, hoặc được tô nhiều lớp vôi vữa dày, hoặc được gia công trang trí lại, làm mất đi khá nhiều đường nét vốn có, và không phải đến đây đã chấm dứt, mà chúng có thể được sơn phết lại...”9. Đó là thái độ ứng xử vừa là sự kính sợ vừa là sự mở lòng đầy tính nhân văn của người Việt đối với di sản mà những người tiền trú đã để lại.

L.P. Cadière đoán định rằng bản thân pho tượng vốn thuộc về một tháp Chăm tọa lạc trong khu vực có tên là Cồn Giàng10.

Những cán bộ nghiên cứu Bảo tàng Quảng Trị căn cứ vào tấm lá nhĩ, miếu thờ bà Chúa Ngọc (Thiên Yana Ngọc diễn phi) và một số viên gạch có kích thước lớn (30 x 15 x17cm) trên khu vực miếu Nghè, cho rằng có thể đây là dấu tích của một đền tháp Champa đã bị đổ nát từ lâu. Ngoài ra, trong khu vực xung quanh miếu thờ, qua nhiều đợt khảo sát, khai quật của Bảo tàng Quảng Trị đã cho thấy ở đây có sự tồn tại một di chỉ khảo cổ học thuộc giai đoạn từ hậu kỳ đá mới đến thời kỳ tiền Champa. Làng Phương Sơn của người Việt được hình thành từ nửa cuối thế kỷ XV trên cơ sở của một vùng đất mà người Chăm đã sinh sống từ trước đó rất lâu. 

Sự tích về lai lịch của thần liên quan đến một huyền thoại với kết cấu khá đầy đủ của một chuyện tích. Ðó là câu chuyện về một anh chàng đi dũi cá tình cờ vấp phải hòn đá rồi đem về thờ cúng, để rồi sau đó trở thành một vị thần bảo trợ cho cả làng. Cốt lõi chính của chuyện là việc phát hiện ra thần - vị thần Đá chưa có trú sở hoặc bị lưu lạc khỏi nơi trú sở của mình - linh ứng tức thời đối với người phát hiện; vì thế nên được đem về thờ phụng. Sau đó, do có nhiều công lao giúp rập cho dân làng nên được thờ cúng và tôn vinh thành một phúc thần thuộc hàng thượng đẳng. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì vị thần linh ẩn trong lốt đá kia hẳn không khác gì hơn những vị thần đá đã và đang được phụng thờ ở nhiều nơi khác. Và cũng nếu chỉ có vậy thì không thể có đủ tiêu chuẩn để tấn phong làm thần Thành hoàng làng. Vấn đề ở chỗ là danh phận của thần đã được định vị, thần đá kia chính là người bảo trợ cho cả làng trên cõi thiêng, là Thành hoàng nên xiêm y và nơi tọa vị của thần phải được thay đổi để làm sao mất đi càng nhiều càng tốt cái lốt đá vốn có. Chính điều này đã làm cho thần tích của thần càng sinh động nhờ các tình tiết của chuyện tích.

Cốt chuyện còn là sự giải thích gắn với thuật phong thủy khi cho rằng ban đầu, miếu được đặt ở một khu đất có tên là Lòi Nậy được người dân trong làng coi là địa cuộc linh thiêng. Miếu được xây dựng hướng về phía làng Linh An thì ngôi làng này thường xuyên xảy ra hỏa hoạn, buộc dân làng này phải dựng một “hòn mô” để trấn.

Thần là phải linh thiêng nên ngay từ ban đầu, sự linh ứng đã được thể hiện bằng những tình tiết “ngài” làm cho cái dũi cá quá nặng so với sức đẩy của chàng trai lực lưỡng nọ. Rồi chàng trai cầu khấn đến “ngài”, lập tức cái dũi của anh ta được dỡ lên một cách dễ dàng kèm theo một hòn đá/ pho tượng đá. Ngay lúc đó, “ngài” đã cho anh ta được nhiều cá. Chàng trai đem hòn đá/ pho tượng về nhà và lập bàn thờ cúng. Những người làng đến cầu xin ban phát ân huệ đều được ứng nghiệm. Sau đó, vì thấy có nhiều linh ứng nên làng yêu cầu được thờ chung rồi tấn phong làm Thành hoàng.

Cái sự thiêng của thần còn được đẩy lên đến đỉnh điểm của huyền thoại khi viên đá ban đầu mới đưa về thì nhỏ nhưng tự nhiên bỗng lớn lên trông thấy, lại mọc cả tay, chân trông giống hình người. Và đến khi dân làng bên cạnh - làng An Lưu - vì ganh tỵ về sự thịnh vượng mà thần đá mang lại cho làng Phương Sơn nên đã tổ chức đánh cắp thần thì thần lại nói được tiếng người: “Bớ những người dân Phương Sơn, nếu ai trong số các con có lòng tôn kính với ta thì hãy mau mau đến giải cứu cho ta!”.

Chính cuộc tranh chấp này đã làm cho thân thể của thần không còn được nguyên vẹn. Thần không nỡ bạc bẽo với sự thờ phụng của dân làng Phương Sơn nên không muốn rời khỏi nơi trú sở của mình, nhưng càng không nỡ thờ ơ với thái độ muốn cầu cạnh của dân làng An Lưu đối với thần, vì thế nên đã đi đến quyết định tuyên bố chấp nhận cho dân làng An Lưu được thờ vọng trong một cuộc thượng đồng.

Giải thích lý do thờ một tác phẩm điêu khắc Chăm của người dân Việt làng Phương Sơn là vì “ngài” linh ứng phù hộ cho dân làm ăn ngày một thịnh vượng. Còn trả lời cho việc vì sao tác phẩm ấy không nguyên vẹn thì là do việc tranh chấp để được thờ “ngài” giữa hai làng Phương Sơn và An Lưu. Cái hiện thực trong tính phi hiện thực đáng yêu của truyền thuyết là ở chỗ hiện nay, bên cạnh ngôi miếu thờ chính ở Phương Sơn thì ở làng An Lưu vẫn có miếu thờ thần với đúng nghĩa thờ vọng và hàng năm vào dịp tế thần (tháng 5 âm lịch) hễ cứ năm này tổ chức tế thần tại làng Phương Sơn thì năm sau lại được tổ chức tại làng An Lưu.

Hiện tượng sùng bái thần thánh và tranh giành Thành hoàng, đánh cắp sắc phong, thần chủ như cách làm giữa hai làng Phương Sơn và An Lưu không phải là xa lạ gì trong đời sống tín ngưỡng của các cộng đồng cư dân Việt vào các thế kỷ trước. Ðiều đáng nói ở đây là từ một tác phẩm phù điêu đá của Champa lại được Việt hóa đến mức cao độ thông qua truyền thuyết để trở thành một vị thần Thành hoàng bảo trợ không những cho một làng mà còn cho cả nhiều làng. Hiện tượng này có lẽ chỉ xẩy ra sau thế kỷ XVIII, đúng hơn là vào thời Nguyễn, còn trước đó thì vị thần nói trên chỉ được gọi là thần Đá: Bà Đá và trú sở của thần cũng chỉ được gọi là miếu thần Đá/ miếu Bà Đá chứ chưa được gọi là miếu Nghè.

Trên hành trình đi về phương Nam, thần Thành hoàng - một vị thần có nguồn gốc Trung Hoa đã được người Việt đồng hóa với Bà Mẹ xứ sở/ Mẫu đất/ Poh Yan Inư Naga/ Thiên Y Ana Ngọc phi. Hai vị thần hoàn toàn khác biệt về gốc gác (Trung - Ấn) và giới tính (Ông - Bà) nhờ một cuộc chuyển giao quyền sở hữu đất đai và các quyền lực khác trên trần thế bằng con đường hòa hiếu đã xích lại gần nhau, quyện vào trong nhau trong một mối tương tác được hình thành từ mối quan hệ được định hình không chỉ từ phía nhà nước mà còn phổ biến trong đời sống của lưu dân Việt trên vùng đất mới. Cũng như Thành hoàng, một đối tượng thờ tự có tính phổ quát trong các làng xã người Việt miền Trung là vị thần Bổn Thổ/ Bổn Cảnh/ Bổn xã Thành hoàng. Đó là lưu ảnh của vị Thành hoàng ở quê hương đã được người Việt mang theo và nhớ đến khi dựng làng. Trong bối cảnh hoang mang ở thời kỳ đầu của người Việt thì vị thần Mẹ xứ sở/ Mẫu đất/ Poh Yan Inư Naga đã được lựa chọn để tấn phong thành một vị thần tối thượng. Mẹ xứ sở/ Mẫu đất đã chuyển thành Bổn Thổ/ Bổn Cảnh/ Bổn xã cộng với yếu tố Thành hoàng vốn đã ngự trị trong tâm thức từ lâu trong làng xã Bắc Bộ. Chính vì thế, một tượng thờ Chăm, một thành phần kiến trúc Chăm kể cả là nam thần Shiva cũng được biến thành một vị thần nữ: Bà Đá. Và cũng chính vì thế, bên cạnh miếu thần Đá/ Bà Đá - Thành hoàng ở làng Phương Sơn là miếu thờ bà Chúa Ngọc - Thiên Y Ana Ngọc phi/ Poh Yan Inư Naga.

Sự kiện phong chức, cất trụ sở cho một loạt Thành hoàng ở các tỉnh và địa phương mà nhà Nguyễn thực hiện trong nửa đầu thế kỷ XIX đã đem lại một chút thay đổi trong quan niệm về Thành hoàng trước kia. Trong khi các làng ở Bắc đã cố gắng tạo cho các vị thần có nguồn gốc chưa rõ ràng bằng việc khoác thêm bên ngoài cho các thần những lớp xiêm y mới về lai lịch và sự tích - và để đạt được mục đích ấy, không ngần ngại đến cả việc sang đoạt thần tích có sẵn của một ông thần đã qua cái thời có gốc gác lờ mờ - thì ở phần cực Nam, việc thiếu thần tích của các Thành hoàng, việc ăn cắp sắc thần đã xảy ra chỉ còn mang ý nghĩa ở nhu cầu có một bằng cớ công nhận của người chủ tể vùng đất; do đó càng nổi bật tính chất ý niệm về thần hơn là bản thân một ông thần cụ thể. Và khi thần đã được thừa nhận là Thành hoàng thì phải có những cấm kỵ nên hèm lưu lại của tục này là dân làng Phương Sơn không dùng các đồ bằng đá như cối đá, chày đá, không xây cất nhà cửa bằng các vật liệu đá; trong cách nói hàng ngày cũng kiêng dùng từ “đá” mà gọi lái sang là “đớ”.

Lịch sử thờ cúng của dân Việt Quảng Trị cũng như cả Ðàng Trong là cả một quá trình hội nhập văn hóa trên vùng đất mới trên cơ sở tảng nền của truyền thống lâu đời. Tục thờ nhiên thần, trong đó có việc thiêng hóa các vật đá vốn là tín ngưỡng xưa cũ của người Việt có từ thuở hồng hoang. Tinh thần ấy càng được phát huy mạnh mẽ khi bắt gặp những nét tương đồng từ tín ngưỡng thờ các pho tượng đá - hay nói đúng hơn là nghệ thuật sử dụng chất liệu đá trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm - mà người Việt nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với truyền thống của mình. L.P. Cadière và M. Colani khi khảo sát trên vùng Bình - Trị - Thiên hồi đầu thế kỷ, nhất là vùng Cồn Tiên - nơi có hệ thống khai thác nước sử dụng chất liệu đá xếp - đã cho thấy ngoài dấu vết thờ ông thần Ðá (đá bùa, đá trấn) với các hình hoạ mang tính ma thuật khắc trên các hòn đá nằm ở những vị trí đặc biệt, có linh ứng...còn có những hòn đá gốc là thuộc tín ngưỡng Chăm hay là một phần tượng, bia Chăm11. Những tầng lớp văn hóa chồng chất bên trong tục thờ đá của người Việt có dạng nguyên thủy không mất đi và có dạng nối tiếp. Quan niệm coi đá là thần linh, coi thần là bản chất của đá linh đã tạo cơ hội cho folklore khoác lên mình những thần đá các câu chuyện tích. Vì không có một ông Cao Lỗ, ông Ðống nào ở gần bên như ngoài Bắc để thành một Phù Ðổng Thiên Vương nên truyện tích đã hướng theo một phía khác mang tính cận hiện đại và địa phương hơn: ông “Thần thạch bất cảm đương” (một thứ tên Hán - Việt trên đất Việt: “Thần Ðá ai dám cản” để chỉ Thần Mốc) ở làng Tùng Luật, Trung Ðơn... chỉ là khúc dạo đầu để tiến tới việc hoàn chỉnh nên một ca từ về thần Ðá làng Phương Sơn.

Sự tích miếu Nghè Phương Sơn với việc phong Thành hoàng cho tác phẩm điêu khắc đá Champa (tympan) chính là quá trình huyền thoại hóa để thiêng hóa một vật đá mang trong mình bản chất thần (thần Shiva) của một dân tộc khác thành vị thần bảo trợ cho dân tộc mình. Ðó chính là một thái độ ứng xử rất văn hóa của người Việt Phương Sơn/ Quảng Trị đối với các di sản văn hóa của quá khứ trong quá trình chuyển giao quyền sở hữu đất đai từ một dân tộc tiền trú thành sở hữa của một dân tộc kế tiếp.

Điều này cho thấy sự tài tình linh hoạt trong thái độ ứng xử của lớp cư dân Việt trước đây trong việc giải quyết những mối quan hệ phức tạp của xã hội đương thời, đặc biệt là vấn đề tín ngưỡng tôn giáo tâm linh.

Âu cũng là một di sản phi vật thể đáng trân trọng và ngưỡng mộ!

Y.T

________________

Chú thích:

 1, 3, 7, 8, 10 L.P. Cadière. Notes sur quelques empacements Chams de la province de Quang Tri. B.E.F.E.O. 1905, tr. 4, tr. 6.

2, 4, 5 Hồ Quốc Hùng. Văn học dân gian Triệu Hải. Sở Văn hóa & Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1988, tr. 56.

6 Bảo tàng tỉnh Quảng Trị. Sự tích Thành hoàng làng Phương Sơn (Phiếu kiểm kê di sản VHPVT). Đề tài nghiên cứu Văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Trị, 2016. Bản đánh máy, tr. 41.

9 Albert Sallet. Les souvenirs Cham dans le Folklore et  les croyances Annamites de Quang Nam. BAVH, số X (5-6/1932).

11 M. Colani. Emploi de pièr en des temps réules: Annam - Indonésia - Assam. B.A.V.H. 1940.

Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 323

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground