Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thiên lý ký Vạn lý kỳ

K

ỳ, Ký, Nô, Thai là bốn loại ngựa được xếp hạng theo dân gian. Loại thì dũng mãnh phi thường, thứ thì thuần phác dân dã. Huyền tích sau đây về một nhân vật lịch sử cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII có liên quan đến ngựa Ký ngựa Kỳ mỗi ngày chạy ngàn vạn dặm.

Mùa hè năm 1972, HTX Nông nghiệp Vĩnh Phước nằm ven mái nam dãy Hoành Sơn, trong khi kiến thiết đồng ruộng đã khai quật ngôi mộ cổ đặc biệt, phát lộ di hài một phu nhân táng đã gần 400 năm mà dung mạo vẫn hồng hào nguyên vẹn. Tiếc thay, hồi đó đang chiến tranh không có điều kiện nghiên cứu sâu. 20 năm sau, khai quật ngôi mộ cổ một lần nữa và câu chuyện liên quan đến người dưới mộ được vén lên cùng với số phận một thượng tướng tài năng xuất chúng thời Trịnh - Nguyễn và những con chiến mã quý hiếm bậc nhất trong lịch sử chiến tranh.

Sử chép, năm 1545, Nguyễn Kim tiến đánh Sơn Nam, đến Yên Mô (Ninh Bình) thì bị hạ độc. Con rể là Trịnh Kiểm lên thay kiếm cớ xử tội Nguyễn Uông là con đầu của Nguyễn Kim. Năm 1958, Nguyễn Hoàng (em của Nguyễn Uông) lo sợ bị hại phải xin vào trấn thủ Thuận Hóa là vùng đất Bình - Trị - Thiên ngày nay. Huyền tích kể nhiều về câu tiên tri bất hủ “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân” (dải đất phía sau dãy Hoành Sơn có thể dung thân vạn đời) của Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm hiến cho Nguyễn Hoàng. Lần thứ hai từ Thăng Long về Thuận Hóa tháng 5/1600, trong số tướng tá đất Bắc Hà tháp tùng Đoan quốc công Nguyễn Hoàng có vị tiến sĩ Lê triều Nguyễn Khắc Minh. Ông tài năng xuất chúng, văn võ kiêm toàn người làng Vĩnh Phước, phủ Quảng Trạch, tổ phụ ông ở làng Nhân Mục, Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Thân phụ là Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tuân. Ông nội là Nguyễn Khắc Trung, hai lần Tiến sĩ dưới hai triều, được tôn xưng là Tiến sĩ trường khoa. Cũng vì tài năng quá xuất chúng mà Nguyễn Khắc Minh bị ghen ghét dèm pha. Nguyễn Hoàng tin lời định bắt ông xử trảm. Một cung phi của Nguyễn Hoàng tiếc thương người tài bèn ra tay cứu mạng. Bà ngầm báo cho Nguyễn Khắc Minh và khuyên ông trốn đi. Đang đêm, Nguyễn Khắc Minh đột nhập tàu ngựa, đả thương giám mã, dắt được Vạn Lý Kỳ ra nhưng lại chần chừ không trốn ngay vì sợ liên lụy đến ân nhân. Trong tình thế cấp bách, bà phi tình nguyện trốn theo ông. Nguyễn Khắc Minh đỡ ân nhân lên mình ngựa, nhằm hướng Bắc ra roi. Trời dần sáng rõ, sông Gianh hiện ra nhưng đằng sau vang rền tiếng vó ngựa truy sát. Nguyễn Khắc Minh nhìn lại, giật mình thấy con chiến mã chở hai người không phải là Vạn Lý Kỳ (ngựa vạn dặm). Trong đêm tối lại đang vội vã, ông đã dắt nhầm con Thiên Lý Ký (ngựa nghìn dặm). Quan vệ úy tay cầm bảo kiếm, cưỡi trên Vạn Lý Kỳ sấn tới. Trước mặt là Đại Linh Giang cuộn sóng không một bóng thuyền, sau lưng là người đàn bà ân nhân nhẹ dạ đã gửi gắm số phận cho ông và đội quân nhỏ đang lăm le thi hành án trảm của chúa. Đường cùng, Nguyễn Khắc Minh khoa đao đánh tan tốp quân sĩ, chém rớt đầu quan vệ úy, cùng ân nhân tháo chạy…

Nhưng, khi đã rộng đường tẩu thoát thì Nguyễn Khắc Minh lại phân vân: Bên kia là quân Trịnh, sau lưng là án chém và lớn hơn có thể là án tru di cho tội “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung”. Cuối cùng, ông hộ tống ân nhân về một xóm nhỏ mà theo ông là “Chân không đến đất, cật không đến trời”. Hoành Sơn là dãy núi ngang xuất phát từ sơn hệ Trường Sơn, chạy ra biển gặp chân sóng tạo thành một khu vực rất hiểm trở: Trên là ghềnh đá cheo leo, dưới là sóng dữ gầm thét. Nguyễn Khắc Minh làm lều cỏ, nghi trang thân thế cho cả hai người, rồi một chiều đứng trên ghềnh đá ném bảo đao xuống biển giã từ nghiệp binh thề lòng ẩn dật nuôi dưỡng ân nhân.

Nhưng rồi, một buổi sáng trở dậy, Nguyễn Khắc Minh không thấy “tri kỷ”. Bà đã ra đi để lại bức thư khuyên ông đừng vì thói nữ nhi thường tình mà lỡ chí trai thời loạn. Cực lòng, Nguyễn Khắc Minh tay không đi vào đất quân Trịnh để tìm bà, bị bắt đưa về Thăng Long. Chúa Trịnh biết tài Nguyễn khắc Minh liền phong ông làm thượng tướng quân, cai quản vùng Bố Chính, sau phong đến Lại bộ thượng thư, tước Lại quận công. Sau khi phu nhân qua đời, Nguyễn Khắc Minh đưa thi hài về quê Vĩnh Phước mai táng bằng phương pháp hết sức đặc biệt…

Khi dân làng đào sâu xuống chừng một mét gặp một lớp vỏ dày 28 centimét màu xám nhạt trông như hộp xốp hiện nay nhưng rất cứng, gọi là quách. Phá vỡ được lớp quách này, bên trong gặp nhiều lớp lụa tơ tằm quấn quanh một chiếc quan tài sơn son thếp vàng còn nguyên vẹn. Phải rất khó khăn mới cạy được nắp ván thiên. Bên trong, ngập chìm giữa lớp nước trong và dẻo tựa như dầu lạc là thi hài một thiếu phụ xinh đẹp, tóc cắt ngắn, tuổi chừng 35 nằm miên man như sắp tỉnh giấc

Nguyễn Khắc Minh mất năm 1637 tại quê nhà, thọ 84 tuổi. Năm ấy, ở nam sông Gianh, Vĩnh An hầu Đào Duy Từ đã hoàn thành hệ thống phòng thủ mạnh nhất trong lịch sử chiến tranh phong kiến và cũng đã tạ thế được ba năm. Cuộc phân tranh Trịnh - Nguyễn còn kéo dài 150 năm nữa cho đến khi Tây Sơn Nguyễn Huệ vượt sông Gianh thống nhất sơn hà. Mặc dù mang tội bất trung nhưng 200 năm sau, ông vẫn được vua Khải Định truy phong tước Nghiêm quận công. Thật cũng khó đoán định được hết chiều sâu bi kịch cá nhân trong lịch sử. Trong thời gian cầm quân bên Trịnh, nhiều lần ông bắt được quân tướng chúa Nguyễn, nghĩ tình cố quận, bèn tha. Chính ông cũng có lần bị một tướng giỏi của chúa Nguyễn là Tả phủ Hiền vây chặt. Nhưng khi biết là Nguyễn Khắc Minh thì chính Tả phủ Hiền (người Bố Trạch- Quảng Bình) cũng bí mật mở một “Hoa dung tiểu lộ” cho ông ra roi Vạn Lý Kỳ chạy thoát.

* * *

Năm tháng trôi qua, trong gian giữa nhà thờ họ Nguyễn Khắc ở Vĩnh Phước vẫn tọa táng thi hài vị tướng tài ba xuất chúng nhưng đầy mâu thuẫn, bi kịch: Tiến sĩ triều Lê, cận thần chúa Nguyễn, thượng tướng quân chúa Trịnh, Nghiêm quận công vua Nguyễn- chung quy cũng vì tri kỷ. Thế mới biết phận làm tướng đã khó mà đạo làm người có nghĩa có tình càng khó thay. Cách nơi ông nằm mấy bước chân là mộ cải táng bà cung phi với danh tính nôm na: vợ Nguyễn Hoàng. Xa hơn, theo hướng nhà trông ra có hai cái gò nhỏ đang bị bào mòn dần theo năm tháng nằm song song như hai vọng gác, như hai tay ngai, hoặc giả như những ngoại triều sơn trong phép phong thủy- tương truyền là phần mộ của Thiên Lý KýVạn Lý Kỳ - hai con chiến mã quý hiếm bậc nhất một thời của chúa tiên Nguyễn Hoàng nằm lại cùng ông nơi tả ngạn Đại Linh Giang dưới chân thềm Hoành Sơn trong những thế kỷ dằng dặc núi sông cắt chia, ngút trời trận mạc.

                                                               Đồng Hới 2013

                                                                      N.T.T

 

NGUYỄN THẾ TƯỜNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground