Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thơ viết về Đông hà - Trong vài thập niên trở lại đây

...

T

rong khuôn khổ phần văn học thành văn, qua khảo sát, chúng tôi đề ra mục tiêu khiêm tốn là giới thiệu được một đội ngũ tác giả trực tiếp viết về Đông Hà và chỉ giới hạn trong hơn nửa thế kỷ trở lại đây (với thơ muộn hơn). Nửa thế kỷ hào hùng, bi thương, tàn khốc bởi khói lửa đạn bom, cắt chia và ly tán. đâu có đạn lửa chiến tranh, ở đó mọi sự sống đều bị huỷ diệt hoặc thiên di. Cái thị trấn Đông Hà nhỏ nhoi thời tạm chiếm này chịu đựng, chi phối bởi cả hai đặc điểm là huỷ diệt và thiên di. Chính hiện thực nóng bỏng, khốc liệt của chiến tranh này trào dâng bao nhiêu khát vọng: một là chiến thắng kẻ thù chung của dân tộc ngày đêm đang gieo rắc tội ác lên đầu người dân vô tội và hai là ngay cả sự thiên di cũng trĩu nặng ân tình đối với quê hương xứ sở. Có thể coi đây là chủ đề thứ nhất của văn học thành văn viết về Đông Hà, chủ yếu ở thể loại văn xuôi. Chủ đề thứ hai là khát vọng hồi sinh từ khi thị xã Đông Hà bắt tay vào công cuộc tái thiết, xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới. Đan xen giữa hai chủ đề nói trên, viết về Đông Hà còn có nhiều tác giả hoài cố hương, hoài cố nhân, nhớ về những mảnh làng, cảnh cũ người xưa, thời vàng son quá vãng... ở thể loại thơ, thể loại chứa đựng nhiều cung bậc yêu thương, hờn giận, hào sảng... phản ánh đan xen cả hai chủ đề sau.

   Nhà thơ Lê Thị Mây có một thời gian khá dài sinh sống, công tác ở Đông Hà khi tỉnh nhà lập lại. Trước khi chị ra Hà Nội đã in khá nhiều tập thơ: "Những mùa trăng mong chờ", "Tặng riêng một người", "Du ca cây lựu tình", "Khúc hát buổi tối", "Phố còn hoa cưới"... Thơ chị từ cách cảm, cách nghĩ thiên về khái quát và diễn đạt thiên về ấn tượng với nhiều biểu tượng đa diện. Nói như nhà thơ Vũ Quần Phương thơ Lê Thị Mây có "những nét nhoè". Người thơ cũng như cuộc đời thực của chị, dai dẵng chịu đựng nổi ám ảnh về thân phận người phụ nữ trước hạnh phúc lứa đôi sau  chiến tranh: Những bão giông số phận, chông chênh kiếp người, những éo le cảnh ngộ, đợi chờ cay đắng, mất mát dở dang... Chị khá thành công trong việc diễn đạt nhiều tâm trạng phức điệu của con tim; vừa cảm nhận vừa khái quát thực tại, kiểu "lý trí nằm ngay trong cảm xúc". Nhiều bài thơ chị viết về Đông Hà đều nằm trong mạch cảm xúc như thế: Phố giờ đông người bán mua tấp nập /Chỉ riêng em nhớ ai cầm nón lỡ quên chào/Trái tim đập nghiêng theo vườn trĩu quả/Em biết mình yêu vừa phóng túng xanh xao/Khi ra chợ một mình mua một giá...

Đối diện với bài thơ, ta thấy bóng dáng người phụ nữ tự dìu mình qua những buồn vui là chị; vừa dịu dàng, bạo liệt, xót xa cũng là chị; vừa lặng lẽ gom nhặt từng niềm vui nhỏ nhoi, đơn độc cũng là chị "khi ra chợ một mình mua một giá". Lê Thị Mây thường hay mượn ngoại cảnh để nói lòng mình. bài thơ "Sông Hiếu" chị có cách nói rất riêng: Nhớ lần em dừng chân/Một mình bên sông Hiếu/Ngày ấy chưa có anh/Mà gặp sông em hiểu/ Cội nguồn ta thương nhau... Bây giờ bên sông Hiếu / Anh chợt về tìm em?/Cội nguồn ta thương nhớ/Chảy qua đá đá mềm/Ôi một dòng sông Hiếu /Chảy từ anh sang em... Tương tự ở bài thơ "Trở lại Đông Hà" cũng thế: Mười ba năm trở lại Đông Hà/Bên kia sông Hiếu vẫn ồn ào chợ búa/Bao cô gái bây giờ ru tình mẹ/Mà lá trầu còn xanh với người mua... Sau 13 năm chị trở lại Đông Hà, những cô gái đã trở thành các bà mẹ mà lá trầu dạm hỏi ngày cưới còn xanh. Đằng sau những câu thơ đã chạm đến đáy lòng: Đã qua sông kể chi mấy chuyến đò/Sao còn dấu nỗi buồn trên bến đợi... /Nhớ chợt về theo phố biết tìm đâu/áo người bỏ quên ước chi tôi còn vá... /Mười ba năm nông sâu niềm cách trở/Sao bây giờ còn hỏi thơ ngây... /Thuở ấy người hẹn với lá trầu cay/Dù xế bóng chợ chiều tan vãn khách/Chút vôi hồng đỏ môi tôi thầm tiếc/Trách tôi cười cái nón hoá chia ly/Mười ba năm trở lại Đông Hà/Chợ vẫn đấy tôi chẳng mua chẳng bán...

Đó là nỗi buồn thầm kín của chị, rằng "đã cất tiếng khóc khi còn lại một mình", đúng như chị tâm sự trong tuyển tập "Nhà văn Việt Nam hiện đại". Ngoài thơ, chị Lê Thị Mây còn viết bút ký, trong đó có bút ký "Đông Hà mặt trời mọc ở phía Tây" (đăng trong tập "Mưa ngâu"). Đó là một bút ký hay viết về Đông Hà trước vận hội con đường xuyên á đang xây dựng. Nó có "hồn đất, hồn người, có nắng mưa bộn bề của đời sống, có chiến tranh và hoà bình trong mỗi rủi may của số phận" như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng nhận xét.

Tiếp nối, nhà thơ Phan Văn Quang viết về Đông Hà. Không phải ngẫu nhiên mà tập thơ đầu tay của anh mang tên "Ta ôm một nửa đời người luân lạc". Trước khi anh về nhận công tác ở tạp chí Cửa Việt đóng trong thị xã Quảng Trị, anh từng là cán bộ phòng Văn hoá Thông tin thị xã Đông Hà, người có công sáng lập ra Câu lạc bộ thơ Sông Hiếu. Đề tựa tập thơ "Ta ôm một nửa đời luân lạc", nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chỉ ra cái chất thi sĩ khác người của anh: "Phan Văn Quang là một nhà thơ thuộc "trường phái phong trần"... gương mặt chì bởi nhiều màu nắng, áo cũ bởi nhiều bụi đường, và thơ mang không gian rộng của những phương trời".

"Thơ mang không gian rộng của những phương trời" là vì trước đó lưu lạc xứ người, anh đã có nhiều bài thơ tình nổi tiếng in các tạp chí văn nghệ ấn hành ở Miền Nam trước ngày giải phóng như "Tháng sáu Pleiku", "Ngậm ngùi rời Huế"... Còn gương mặt... màu nắng" và "áo cũ... bụi đường" là do cái "kiếp phong trần", cơ cực, long đong lận đận của anh. Đánh bạn với anh nhiều năm, tôi hiểu cái chất "phong trần" này ở anh. Hãy nghe anh tâm sự: "Bạn tôi nói: dù nghèo đói mấy cũng đừng chê đời. Vợ tôi nói: dù nghèo đói cũng đừng xa nhau. Con tôi nói: dù nghèo đói cũng đừng bỏ con. Vì những lẽ đó tôi đã làm thơ và sẽ mãi mãi làm thơ". Tôi biết đó là thời điểm anh gặp hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là ngặt nghèo trong cuộc sống, thế mà vẫn tỏ bày tình nghĩa, trách nhiệm và lòng yêu đời của người thơ kia mới lạ. Sau đó ít lâu anh lại va đập vào một "cú sốc" khác, ấy là khi bị "thất nghiệp" (nghỉ việc ở tạp chí), thơ anh viết cứ như không, mới đời: Vợ tôi mở hàng cháo nuôi con/Tôi mất việc trở thành người có việc/Gã làm thơ hành nghề cháo bột/Cháo nuôi tôi giữ trọn trái tim người (Không đề).

Có một Phan Văn Quang thầm lặng, đau đớn, khóc cười, suy tư, thao thức theo kiểu người đời; có một Phan Văn Quang yêu thương, tỏ tình, hạnh phúc, uống rượu và hi vọng theo kiểu nhà thơ - chúng ta mới có những bài thơ tiêu biểu viết về thân phận một thị dân sinh sống trên đồi Phường 5, thị xã Đông Hà. Phải nỗi lòng cơ cực lắm, anh mới phơi bày cái điều "chân thật" này ra: Trải chiếu giữa sàn/ Mưa chém vào phên nứa/Chai rượu đứng nghiêm chào những người bạn cũ/Đĩa mồi mấy con mực nằm nghiêng/Xưa như trái đất vẫn còn thằng áo rách/Manh chiếu lủng tròn thành chiếc mâm/Lúc nhúc những chiếc ly cụng vào đêm sâu/Vỡ mặt - tháng năm dài/Niềm vui vô tình lấp sau liếp cửa/Sợ chạm phải ni đau xưa.Ngoài hiên - mưa/Chiếc dép, chiếc giày ngã nghiêng bên vệ cỏ/Ngủ say (Tĩnh vật sống).

Tĩnh vật sống, hay nói ngược đi sự sống đã được đóng khung thì không khác gì nhau. Có điều, tôi biết trái tim nhà thơ độ lượng, tâm hồn nhà thơ phải vị tha lắm mới le lói những tia hi vọng và nhân bản này trong nhiều bài thơ: Nhận nhát dao sống lưng/Trước khi vào lò quay/Con heo đất hồi sinh/Qua tay người thợ gốm... Mấy con dế lửa, dế than/Vài con đủ chân và tóc/Tù binh bắt trên cánh đồng làng/Nhốt chung trong hộp dứa/Đám trẻ nhà quê lên tỉnh bán... Mười con mất nửa còn năm/Bến chợ - nhiều thằng chạc tuổi/Biết khôn ranh mua bán thiếu thừa/Buổi trưa hè tôi về úp mặt/Con heo đất ăn vội cầm hơi... Con heo nuôi không dọc không ngang/Tuổi thơ tôi đong đếm được thời gian/Mười mấy ngón tay biết cân đời nặng nhẹ/Lúc lắc đồng tiền lủng lẳng đêm khuya/Tôi thả con heo đất ở phút giao thừa/Giữa cũ và mới/Giữa ngày và đêm/Từ cao xuống thấp/Xông đất nền nhà bằng những đồng tiền sấp ngửa/Nằm yên (Ký ức về con heo đất).

Đó cũng là "Tĩnh vật sống", là hi vọng theo kiểu cách riêng của nhà thơ Phan Văn Quang, không lẫn vào ai mà để lại dấu ấn và hiệu quả trong thơ sâu lắng, hàm súc. Hạnh phúc của Phan Văn Quang cũng chân thành, độ lượng như thế. Hãy cùng nhà thơ về quê vợ ở làng Lập Thạch qua bài thơ "Quê Ngoại": Đầu năm trăm ngõ lòng thơm thảo/Đám trẻ xênh xang áo đủ màu/Hương cau man mác vờn hương bưởi/Tiếng cười đon đả hỏi thăm nhau/Mẹ già bảy chục sương vào tóc/Bỏm bẻm trên môi đỏ miếng trầu/Mừng con lên tỉnh thêm vài cháu/Buồn nghe khế rụng nửa vườn sau...

Tất cả những bài thơ viết về Đông Hà của Phan Văn Quang trích dẫn ở trên đều rút ra từ tập thơ "Mưa nắng quanh đời". Trong tập còn nhiều bài viết về Đông Hà như "Buổi chiều và cơn mưa", "Thơ viết từ phòng Hộ sản", "Cuối năm đi chợ Tết"... đều là chuyện mưa nắng quanh đời. Hy vọng ở tập thứ ba sắp xuất bản, anh có nhiều bài thơ hay hơn nữa giành riêng cho Đông Hà thành phố tương lai.

Sinh thời, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Đạt tung hoành ở nhiều thể loại: Viết ký, viết truyện và sáng tác thơ. thể loại nào anh cũng thành công, song có thể nói thơ mới là ngôi nhà để tâm hồn anh trú ngụ, lưu dấu lại cho đời, cho dù cuộc đời của anh thì thật ngắn ngủi.

Đọc "Người đi nhặt cuội” và "Khúc hát tình tang" của Nguyễn Tiến Đạt, chúng ta bắt gặp những bài thơ thương yêu đến khắc khoải ngôi làng quê nơi anh sinh ra. Đó là những bài thơ "Tôi có một làng", "Dòng sông đời mạ", hay "Bến Hiền Lương"...  Nếu như những bài thơ làng của Nguyễn Tiến Đạt "khắc khoải", "cô liêu", "thảng thốt" bao nhiêu (chữ dùng của nhà văn Xuân Đức) thì khi viết về thị xã Đông Hà (Nơi anh có thời gian công tác, lập nghiệp và trưởng thành) anh lại có một giọng điệu trữ tình pha lẫn cái chất khinh bạc; tiếu ngạo pha lẫn bông phèng. Nhiều lúc tôi tự hỏi: Có phải cái chất nông dân," quê mùa"trong anh nó lớn quá chăng? (Anh có bài thơ "Mugic" đầy tự hào về những phẩm chất ấy). Thế nhưng điều đó vẫn chỉ là vấn đề nghi vấn, chớ nên ngộ nhận. Tôi biết rất rõ những uẩn ức, những lúc thất cơ lỡ vận của Nguyễn Tiến Đạt ngay giữa phố thị Đông Hà. Cay đắng trộn lẫn ngọt ngào; hoài vọng lẫn thất vọng bởi mưu sinh nhọc nhằn muôn thuở kiếp người, "hạnh phúc đựng trong tà áo hẹp" ngay giữa phố thị. Những  lúc như thế thi sĩ thường trực diện với nỗi buồn, cô đơn cùng tận; tấm lòng thanh bạch của người thơ rung lên nhiều cung bậc cả hờn giận, yêu thương lẫn hào sảng và căm ghét. Một trong những bài thơ như thế ra đời, Nguyễn Tiến Đạt trìu mến "tặng riêng cho Đông Hà của tôi" bài thơ "Em ơi! Thức cùng thị xã": Anh chẳng biết mình bắt đầu từ đâu/Để nói với em về nơi chúng mình đang ở/Trong thinh không nghe lá về gõ cửa/Ngỡ người thân anh thức dậy bao lần/Lại thẩn thờ nghe tiếng dế tí tách/Sau vườn lay nhẹ cọng cỏ non/Có hạt sương tan ra thấm vào đất/Có hạt trầm mình đợi ánh sáng mặt trời...

Thì đó cũng là điều dung dị bình thường của người thơ, một mình trong đêm bâng khuâng, hồi tưởng. Dĩ nhiên có nhiều nơi chốn để người thơ hướng về. khổ thơ trên, người thơ hướng ra sau vườn, ngẫm "hạt sương tan ra thấm vào đất", "có hạt trằm mình đợi ánh sáng mặt trời", hướng thiện. Chàng nông dân thi sĩ ngồi ở phố thị, trong căn nhà ở đời của mình nhớ về góc vườn tuổi thơ yên ả ở quê nhà. Cũng gần gũi, bên cạnh mình là người vợ thương yêu, nơi người thơ rất cần để "gửi tấm thân nhỏ mọn": Phải không em? Phải không?/ Ngày mình yêu nhau anh thấy mặt trời đỏ trong lồng ngực/ Tung hô thị xã trên vai mình... Dù cái "thị xã không dài hơn tiếng vọng còi tàu", cái "thị xã như bàn tay chai sần nắng lửa/ Một ngày chạy hết lượt người thân/ Vừa xuống dốc đã bắt đầu leo dốc" đi chăng nữa thì người thơ vẫn tin là ai cũng thức cùng mình vì "phía cuối tiếng còi tàu sẽ chạm đến bình minh!". Nhưng cuộc sống vốn chứa đựng nhiều bất trắc, con người thời cơ chế thị trường không biết khóc, biết cười, biết xót thương, động lòng, cảm thông thì người thơ không thể không thảng thốt. Khi đã biết, đã thấy trên những tầng cao kia: "Mặt trời không tròn hơn vành nón", khi đã phát hiện ra cái bất ổn "Từ thuở em rời vườn cấm/ Đến cùng anh ra ngồi phố chợ trời..." thì từ bất lực này đến bất lực khác, người thơ liên tưởng và đây là cái kết cục thật đáng sợ trong con người Đạt. Nói như Xuân Đức trong lời đề tựa tập thơ "Còn đây thương nhớ" thì đây là "cái kết cục nghe rùng mình, một sự thảng thốt đầy linh cảm định mệnh": Dậy đi em! Dậy đi em!/Có ai xiêu vẹo ngoài kia chúng ta cùng đón/Có thể là người cụt chân đi tìm lại chân mình/Chiến trường xưa giờ đã cao tường kín cổng/Hãy dựa vào bàn chân còn lại của anh/Để biết thế nào là sự sống/Anh yêu em! Yêu quá vô ngần.

Thì "có thể" đồng thời đồng nghĩa với "không thể". Có thể có người "cụt chân" ngoài kia đi tìm lại chân mình thật nhưng sao người thơ bảo người vợ trẻ của mình hết sức cụ thể: "Hãy dựa vào bàn chân còn lại của anh?..." Dù sao chúng ta vẫn lý giải được cái điều ước của người thơ, dù có thất nghiệp, dù "manh áo miếng cơm quá lắt lay" đi chăng nữa thì đôi vợ chồng trẻ còn phải dựa vào bàn chân còn lại của mình. Dù sao thì ở những giây phút xao lòng, bi quan nhất, Đạt vẫn là con người của sự hướng thiện, song cuối cùng anh vẫn không vượt qua được mệnh số. Nơi cứ ngỡ là phồn hoa nhưng vô cùng nghiệt ngã, nên anh đã sớm quay về cái nơi anh gọi "Tôi có một làng" để khóc, để chết...

Sinh thời tôi cũng biết Nguyễn Tiến Đạt không hề bị đói cũng như bị đày vì làm thơ nhưng anh vẫn viết trong bài thơ "Tặng bạn": Làm thơ không chết vì cơn đói/ Nhưng đói từ đây đến cuộc đày!/ Ngoãnh lại non cao bao sư phụ/ Mãi nhìn con trẻ mắt thơ ngây/ Lòng ta hoảng hốt câu thi tứ/ Vô vi thì buồn - viết thì sợ/ Trời rộng đành nâng chén ngang mày... Đó là những lúc anh thích nói hát vu vơ trước thế sự, nhân tình thế thái. Tương tự như thế khi viết về Đông Hà anh còn có những bài thơ: "Thị xã", "Ghi chép ở một góc phố", "Hành trình"... Tất cả, tôi nghĩ dồn lại ở một bài thơ "Thức cùng thị xã" là đủ.

Sẽ rất là thiếu sót khi không nhắc đến một nhà thơ như là đại biểu của người con Đông Hà xa xứ, đó là nhà thơ Tạ Nghi Lễ. Tuổi thơ anh học trường làng nhưng lớn lên thì  ở thị xã Đông Hà. Vốn là cựu học sinh trường Trung học Bán Công, trường Đắc Lộ cho đến năm 1972, trôi dạt về phương Nam, định cư, sinh sống ở Trãng Bom, Đồng Nai và thành danh ở Tp. Hồ Chí Minh.  Tạ Nghi Lễ xuất bản nhiều đầu sách: "Yêu một người làm thơ" (Tập truyện), "Nàng Hải Sư và tôi" (Tập truyện), "Những mảnh đời khác nhau" (Tập truyện), "Những khoảng trời trong sáng" (Thơ) và "Quê mình" (Thơ)...

Với thơ, Tạ Nghi Lễ tỏ ra nặng lòng với quê hương Quảng Trị yêu thương. Thơ là dòng sông ký ức, là "tiếng lòng" đồng vọng tràn ngập tình yêu quê nhà, dẫu đi trọn cuộc đời vẫn còn dư vị. Thơ làm sống lại dĩ vãng của một thời hoa niên đầy thơ mộng; của tình yêu - những rung động tinh khiết đầu đời tuy ngắn ngủi. Dĩ vãng ấy có thể ngọt ngào, có thể đắng cay, có thể đầy ắp những đau đớn ngậm ngùi - nỗi đau của đứa con, của loài chim thiên di, lạc loài. Chính vì thế mà bao trùm lên đời thơ của anh là tình yêu quê nhà vừa mộc mạc chân thành, vừa day dứt, suy tư đầy trải nghiệm và có sức lay động, nói hộ tấm lòng cuả những người con xa xứ.Chúng ta có thể chỉ ra cái lôgic của vấn đề, bắt đầu từ bài thơ "Tháng chín, mùa học cũ" của Tạ Nghi Lễ: Anh về thăm trường cũ/Mùa thu đứng rưng buồn/Ngậm hương lòng cố xứ/ Thấy đời bỗng như sương...

Tháng chín, mùa thu, mùa tựu trường cũng là thời khắc vọng ngân muôn ngàn cung bậc ký ức của miền thơ ấu, dù nay chỉ là vang bóng nhưng siết bao kỷ niệm đầu đời, sao chỉ còn trường cũ, mùa thu rưng buồn, lòng cố xứ, đời như sương... Nhà thơ, nhà giáo Đoàn Thương Hải đã đặt ra một câu hỏi: "Anh tìm về khu vườn của tuổi thơ sao lòng anh không vui? "Hỏi chỉ là cái cớ, và chính nhà thơ Đoàn Thương Hải đã tự hoá giải: "Thì ra anh (Tạ Nghi Lễ) về thăm trường cũ, chốn xưa bằng tâm hồn vọng tưởng của mình, chỉ vì: Xin tạ lỗi cùng quê hương/Hai mươi năm chưa hề trở lại/Nợ áo cơm chặng đường xa ngái/Lòng hẹn lòng tôi nhé, về quê...

Hai mươi năm anh chưa về Đông Hà, Quảng Trị, nhưng trường cũ, quê xưa vẫn chập chờn trong nỗi nhớ người đi. Dù anh đã về hay chưa về thì nỗi nhớ cũng chỉ một mà thôi... "Rõ ràng Quảng Trị trong thơ Tạ Nghi Lễ là của hoài niệm, của yêu thương, của những năm tháng đong đầy nỗi nhớ". Ai xa quê cũng thấy bóng hình của mình trong đó và nhà thơ chỉ nói hộ nỗi lòng những người tha hương: Tôi sẽ về tìm lại ấu thơ/Con sông nhỏ một thời tắm mát/Chiều thị xã, hương sầu đông thơm ngát/Tiếng ve khô cong ngọn gió nam Lào... Tình yêu quê hương trong thơ anh vô cùng tha thiết. Đó là một Quảng Trị thân yêu của những đêm thị xã bình yên chưa có chiến tranh mà nắng mưa, khó nghèo đến tội: "Có nơi mô như ở quê mình/ Khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước/ Đất chật họ tên không cần thêm chữ lót/ Cơ cực gì đeo đẳng suốt trăm năm". Và khi chiến sự lan tràn thì mặc cảm "thiên di", "lạc loài", "đau đớn ngậm ngùi" kia lại được nhân lên: Có nơi mô như ở quê mình/Mẹ đợi con, tóc hoá ngàn lau trắng/Lưng nặng thời gian, nghìn ngày bên bến vắng/Đứa tận miền Nam/Đứa ở Trường Sơn/Biền biệt không về... Xa quê hương, Tạ Nghi Lễ có những dòng thơ se sắt người đọc: Chiều cuối năm nơi đâu/ Bếp nhà ai đỏ lửa/ Gợi chi người xa xứ/ Nỗi nhớ quê nhà xa... (Chiều cuối năm). Tứ thơ gợi cho ta cảm giác vừa gần gụi thân thương vừa xa lơ xa lắc cái thời xa vắng. Viết về quê, thơ anh không bóng bẩy, cầu kỳ mà ngược lại tâm tình, thủ thỉ, dung dị nhưng không kém phần lắng đọng bởi hình tượng và tiết điệu thơ phong phú, giàu chất liệu dân ca nơi anh sinh ra và lớn lên: Tôi ghé ngã ba Đông Hà/ Vợ chờ chồng dài xa năm tháng/ Nghĩa tào khang: "Gừng cay muối mặn"/ Đá vàng nào tạc mãi ngàn năm... Hoặc: Tôi người con lưu lạc phương Nam/ Nghĩ về quê hương như gà con nhớ mẹ/ Đi mô cũng giọng mình trọ trẹ/ Cuống rún đầu đời ai xa nỗi quê hương...

Là đứa con lưu lạc xa xứ, nghĩ về quê như gà con nhớ mẹ, đi mô cũng giọng mình trọ trẹ, và vì cái cuống rún đầu đời ấy nên không xa nỗi quê hương, nên lòng dặn lòng rằng: Tôi sẽ về, tôi sẽ về, tôi sẽ về... Nguyên Phương có lời bình "Những câu thơ cứ ngân hoài điệp khúc ấy như thúc giục, như vỡ oà ra để ôm choàng lấy quê hương" và "Có yêu quê hương, có tha thiết mới day dứt nhiều đến như thế" (Đêm thị xã). Nói như nhà văn Xuân Đức khi bàn về thơ Tạ Nghi Lễ: "bài mà người Quảng Trị hiểu về Tạ Nghi Lễ nhiều nhất, sâu sắc nhất chính là bài anh hiểu về quê hương nhất, bài thơ “Về". Bài thơ “Về” đã được nhạc sĩ Nguyễn Tất Tùng và bài “Thị xã tôi về” được nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện phổ nhạc, là hai trong 24 bài thơ giàu nhạc điệu trong Khoảng trời trong sáng, đầy ắp hoài niệm đã được các nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước tái hiện bằng nhạc, lập tức nó như neo đậu giữa lòng của biết bao nhiêu người dân Quảng Trị.

Trên cánh đồng thi ca Quảng Trị, chúng ta bắt gặp một Hoài Quang Phương hào sảng khi viết về Đông Hà: Mưa phố cứ bong bong/ Trên mặt trống đời thường căng hết cỡ (Mưa phố). Đi trên đường phố Nguyễn Du, nhà thơ liên tưởng: Đường Nguyễn Du nối với đất Tiên Điền/ Phố nhỏ Đông Hà mang tên nhà thơ lớn/ Đôi lứa qua đây sắc tài Thuý Kiều, Kim Trọng/ Sông Hiếu xanh ánh mắt giai nhân... Đường Nguyễn Du bàn chân đời đang bước (Đường Nguyễn Du). Không dừng ở liên tưởng, Hoài Quang Phương đang chiêm nghiệm; đang làm công việc nối nghìn xưa với cả ngàn sau lúc ở trên đường Nguyễn Huệ: Ngọn cờ đại thắng Đống Đa/ Còn bay trong gió Đông Hà, còn bay... Bên đường Nguyễn Huệ xuân nay/ Xin nâng chén rượu ngang mày! Đường Xuân (Dọc đường Nguyễn Huệ). Da diết trong ta những tâm sự vui buồn, đó là nhà thơ Nguyễn Văn Dùng. Qua thơ anh chúng ta thấy một Đông Hà thật khác lạ qua cặp kính màu yêu thương và  hờn giận... nhưng trên hết vẫn là cái sự thuỷ chung đôn hậu của tâm hồn nhà thơ đối với thị xã mình yêu: Bởi lòng đá đã chót yêu/ Một Đông Hà nắng gió/ Một Đông Hà mới lạ... (Đêm Đông Hà khuyết ánh trăng). Với Nguyễn Văn Dùng Đông Hà là khoảng trời riêng, rất riêng. Khi thì người thơ là "trăng Đông Hà lạnh tái" khi thì "thị xã như hải cảng đời tôi neo đậu" khi thì ngẩn ngơ đến chơi vơi Tôi đi qua biết mấy phương trời/ Lại trở về giữa lòng thị xã/ Phố mới, đường xưa vừa thân vừa lạ/ Tiếng con tàu réo gọi nỗi niềm ai (Thị xã và tôi); khi thì là nơi Gió thổi miền tối sáng/ Xa khơi một con buồm/ Có một niềm yêu mến/ Nhạt nhoà màu tháng năm (Hình như); khi thì ở ngoài này... băng giá/ Mưa dầm dề, vườn rơi nhiều lá/ Gió vô hồi đất thấm mệt từ lâu (Ngày Giáng sinh); khi thì Người ta ra giếng để gánh nước trong/ Còn tôi ra giếng để không làm gì... Và vì thế Nguyễn Văn Dùng Sống chết cả một đời mắc nợ/ Thị xã ơi, tôi lỗi hẹn mất rồi! và Đông Hà có cả "lời yêu lẫn lời buồn" là vậy. Trong khi Hoài Nhạn vừa táo bạo vừa chân thành trong những bài thơ "Đàn ông", "ánh mắt đàn bà" đến "Đi tìm một nửa" và ngồi giữa phố thị Đông Hà "Đợi chờ mưa ngâu" cô đơn đến sâu thẳm tận cùng: Ta đi lang thang giữa phố phường/ Đông Hà ơi! Những chiều cháy khát! Mưa vẫn rơi mà lòng ta khô khát/ Phố thì đôi - ta chỉ một mình... Hồng Thám cũng có một "Thị xã tôi yêu", lòng náo nức khúc xuân sang khi đi giữa phút giao thừa thế hệ: Đông Hà ơi chiều nắng nhạt sang cầu/ Bước chân trẻ nhịp thời gian trẻ... Qua được "Phút giao thừa thế hệ" đã vỡ oà niềm đau: Ai đem phố buộc sau nhà/ Tôi ngồi chắp nối ngày xa tháng gần/ E rằng nặng gánh với Xuân/ Tôi về bán bớt nửa phần truân chuyên".

Thơ viết về Đông Hà trong hai thập niên qua còn có nhiều tác giả, tuy là ngẫu hứng, sáng tạo tình cờ thôi nhưng rõ ràng là có sức lan toả. Có thể liệt kê ra đây tuy chưa đầy đủ: Hồ Thế Hà với "Đông Hà vắng em tôi" Ngô Minh: "Đông Hà, tôi có" Nguyễn Lãnh: "Đi chợ", "Mưa" Vương Thừa Ân: "Khi thị xã lên đèn" Hải Hiền: "Ngã tư Đông Hà" Võ Văn Hoa: "Ghi ở trường Lê Lợi" Lê Bá Tạo: "Bài thơ viết ở tuổi 28" Đinh Ngọc Du: "Đông Hà cuối đông" Lê Văn Trâm: "Tôi đi tìm tôi" Hồ Chư: "Chổi và rác" Nguyễn Văn Phương: "Thơ tặng cô công nhân vệ sinh môi trường", "Thơ tặng người bán thuốc lá"  và nhiều tác giả khác trong cả nước có dịp đến với Đông Hà như nhà thơ Nhất Lâm, Ngàn Thương, Võ Quê, Ngô Cang... ở Huế; Phan Bùi Bảo Thi, Đông Trình ở Đà Nẵng; Văn Lợi, Hoàng Vũ Thuật, Hoàng Bình Trọng, Lý Hoài Xuân, Nguyễn Văn Dinh ở Quảng Bình; Nguyễn Ngọc Phú, Bùi Quang Thanh ở Hà Tĩnh; Ngọc Cương, Nguyễn Văn Hùng ở Nghệ An; Mạnh Lê, Thạch Quỳ... ở Thanh Hoá.

          Y.T

* Rút từ đề tài Địa chí Đông Hà, sẽ đăng tiếp phần văn xuôi.

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 146 tháng 11/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground