Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thử phác thảo về một không gian tâm linh đôi bờ Thạch Hãn

T

rong dịp thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca về một dòng sông”, lấy bối cảnh tại thị xã Quảng Trị, một Biên tập viên của VTV3 đã có phát hiện gây xúc động khi cho rằng, Quảng Trị hiện có 2 nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9. Quảng Trị còn có hai nghĩa trang không bia mộ là Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn.

Từ các thung lũng và bồn địa giữa núi đồi, những dòng suối nhỏ ngang dọc đã tích hợp thành nguồn của các con sông lớn đổ về đồng bằng, trong đó có dòng chủ lưu đã tạo nên nguồn Hàn, con sông trở thành một trong những biểu tượng thiêng liêng của quê hương Quảng Trị: sông Thạch Hãn. 

Thành Cổ Quảng Trị là một công trình kiến trúc quân sự dưới thời quân chủ phong kiến, nơi có một thị xã duyên dáng, thanh bình nép mình bên bãi ngô, ruộng lúa, bờ sông và hàng hàng phượng vĩ đỏ thắm. Thành Cổ Quảng Trị từng chấn động dư luận thế giới và lay động lương tri loài người khi được lịch sử lựa chọn làm “quyết chiến điểm” trong 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Trên diện tích chưa đầy 2 km2 của Thành Cổ Quảng Trị đã phải gánh chịu hàng ngàn tấn bom đạn của kẻ thù trút xuống với sức tàn phá vô cùng khủng khiếp. Thành Cổ Quảng Trị tạc vào lịch sử đấu tranh thống nhất nước nhà những trang bi tráng và hào hùng, nơi ý chí bất khuất, kiên cường của các chiến sĩ Quân giải phóng được khắc ghi với những chiến công đi vào huyền thoại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thành Cổ Quảng Trị và dòng sông Thạch Hãn là nơi yên nghỉ của hàng vạn người con mọi miền Tổ quốc, vì miền Nam, vì Quảng Trị, vì độc lập tự do của cả dân tộc mà nằm lại, hóa thân thành màu xanh cỏ cây, đất đai, sông nước đất này.

Nếu đôi bờ Hiền Lương được xem là không gian biểu thị cháy bỏng nhất khát vọng thống nhất, đoàn tụ hai miền Nam- Bắc, thì cùng với Thành Cổ Quảng Trị, trong tâm thức của người dân đất Việt, người dân Quảng Trị, đôi bờ Thạch Hãn từ lâu đã trở thành không gian tưởng niệm, không gian tâm linh, không gian tri ân vô cùng thiêng liêng. Điều đó cắt nghĩa tại sao những hành động tri ân các anh hùng liệt sĩ diễn ra ở đôi bờ sông này thường có sức lan tỏa mãnh liệt do có sự tham gia thiện nguyện và tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Từ việc thả hoa trên sông viếng đồng đội của một cựu chiến binh, đến bây giờ, việc thả hoa trên sông vào các dịp lễ trọng của quê hương, đất nước đã trở một mỹ tục cảm động. Đây có thể xem là bản thông điệp giàu sức sống về sự tri ân các anh hùng liệt sĩ, chắc chắn sẽ được bảo tồn, lưu truyền qua nhiều thế hệ con người Quảng Trị. Từ việc thả hoa trên sông Thạch Hãn, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm tích cực của chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ của các doanh nhân, doanh nghiệp, bến thả hoa ở đôi bờ sông này đã được xây dựng bề thế, tạo một điểm nhấn trang nghiêm ở nơi trung độ của dòng sông chảy qua thị xã, tính từ cầu Ga nhìn về phía hạ lưu. Từ bến thả hoa phía bờ Nam đã có sự liền mạch không gian với các công trình kiến trúc khác như quảng trường, tháp chuông, kế đến là hệ thống Thành Cổ, trong lòng Thành Cổ, nơi đã được tập trung nâng cấp, xây dựng nhiều hạng mục có tính biểu tượng và giáo dục cao như tượng đài, khu hành lễ, nhà bảo tàng... Sự liền mạch này được cho là khá hợp lý, tạo ấn tượng tốt đối với du khách khi đến với thị xã Quảng Trị. Đặc biệt, đây còn là không gian lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa thu hút đông đảo mọi tầng lớp người dân tham gia, thuận lợi khi triển khai ghi, phát sóng truyền hình và các chương trình nghệ thuật sử thi hoành tráng bởi dễ bố trí ánh sáng thuận, lớp ánh sáng tự nhiên từ bờ sông đến Thành Cổ rất dày, có chiều sâu, tạo nên thứ ánh sáng nhiều tầng nấc rất độc đáo nên các đạo diễn truyền hình, nghệ sĩ nhiếp ảnh khi tác nghiệp ở đây đều rất tâm đắc. 

Tuy nhiên, với dấu ấn lịch sử của đôi bờ sông Thạch Hãn, không gian tâm linh không chỉ có bến thả hoa và nhà hành lễ như hiện nay. Với tất cả sự trân trọng và kỳ vọng đối với mảnh đất và con người Thành Cổ, trong tương lai gần, chúng tôi mong muốn có thêm các công trình kỳ vĩ khác như cụm tượng đài, công viên, vườn tưởng niệm...để xứng đáng với tầm vóc của đôi bờ sông thiêng này. 

Về tượng đài tưởng niệm những chiến công bất tử của người chiến sĩ Quân giải phóng đã chiến đấu và hy sinh nơi Thành Cổ, thực tế cho thấy không gian đôi bờ sông Thạch Hãn rất khoáng đạt từ nhiều hướng, nhất là khi du khách ngắm nhìn nếu có dịp qua lại cầu Ga trên đường thiên lý Bắc- Nam. Do vậy, tượng đài cần xây dựng đồng bộ trong một quần thể tượng, phù điêu, tranh hoành tráng, khối biểu tượng, kết hợp hài hòa với cảnh quan và các công trình phụ trợ. Theo chúng tôi, quần thể này có thể xây dựng dựa vào hình tượng những dãy núi đồi trập trùng của non Mai được cách điệu gợi lại vành mũ tai bèo của người chiến sĩ Giải phóng quân. 

Ở đó, tám mươi mốt ngọn lửa vĩnh cửu luôn được thắp sáng bên dòng sông hoa đỏ để cho khi du khách có dịp qua thị xã Quảng Trị, ngày cũng như đêm, đều có thể cảm nhận, đang đi qua ngang mình dòng sông Thạch Hãn huyền thoại. Sân vườn phụ trợ được trồng chủ yếu là cây mai vàng, sắc màu trung trinh của con người Quảng Trị... Nếu xây dựng riêng lẻ, có chiều cao mà không có chiều rộng, lại được chiêm ngưỡng từ phía trên cao xuống, chắc chắn tượng đài sẽ không tạo được điểm nhấn cần thiết, không đủ sức đem lại sự rung cảm thẩm mỹ, tính giáo dục toát ra từ tượng đài, theo đó, cũng không được như mong muốn. Tượng đài nếu xây dựng theo hướng này sẽ dễ “mất hút” trong một không gian quá rộng lớn của đôi bờ Thạch Hãn. Nếu xây dựng tượng đài, thiết kế quy hoạch phải đi trước một bước, làm cơ sở để nhà điêu khắc, họa sĩ sáng tác phác thảo mỹ thuật. Việc xây dựng dự án và thể hiện công trình cần đảm bảo sự hài hòa giữa mỹ thuật và kiến trúc. Tượng đài là công trình nghệ thuật hoành tráng, mang dấu ấn lịch sử của một vùng đất, được bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, do vậy phải có nội dung tư tưởng và giá trị thẩm mỹ cao. Nếu xây dựng tượng đài ở bờ sông Thạch Hãn, thì cần hết sức thận trọng trong lựa chọn mẫu phác thảo, thẩm định chất lượng mỹ thuật và tổ chức thi công. Giá trị tư tưởng và nghệ thuật phải được đặt lên hàng đầu. 

Về công viên và vườn tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Thành Cổ Quảng Trị, theo chúng tôi cũng là những hạng mục nên làm để tạo sự đồng bộ trong không gian tâm linh đôi bờ Thạch Hãn. Địa điểm, diện tích mặt bằng của quy hoạch công viên và vườn tưởng niệm nếu xây dựng thì phải được tính toán và thể hiện trong quy hoạch kiến trúc đô thị thị xã ngay từ bây giờ. Do đặc điểm về mùa mưa, nước sông Thạch Hãn thường dâng cao gây ngập lũ, nên chọn nơi đắc địa để quy hoạch xây dựng công viên và vườn tưởng niệm một cách hợp lý, bền vững. Theo mong ước của chúng tôi, công viên và vườn tưởng niệm đôi bờ Thạch Hãn nên trồng chủ yếu là cỏ lau. Loài lau can trường đã từng nhuộm xanh Thành Cổ khi mới nhú mầm và trổ những chùm bông bạc trắng rất nhiều nhắc nhở từ bấy đến giờ. Giữa bạt ngàn hoa lau là quần thể phù điêu hình tượng đàn chim bồ câu bằng chất liệu pha lê được tạo dáng và kết nối một khối vững chắc đang tung cánh bay lên giữa trời cao đất rộng, thể hiện khát vọng hòa bình của mảnh đất Thành Cổ. Hình tượng này, nếu chăm chút về nghệ thuật tạo hình và dụng công trong phối cảnh hài hòa với không gian xung quanh, chắc chắn sẽ gây xúc động mạnh mẽ đối với người thưởng ngoạn... 

Hàng năm, bên cạnh tổ chức lễ thả hoa, cần đa dạng thêm hình thức tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Xông trầm trên sông Thạch Hãn để cả một quãng sông Thạch Hãn thơm ngát hương trầm cũng là một gợi ý cần tham khảo. Trong điều kiện khả năng tài chính còn khó khăn, thị xã Quảng Trị cần có cơ chế vận động “xã hội hóa” trong quá trình tiến hành xây dựng không gian tâm linh đôi bờ Thạch Hãn. Điều cần làm là thị xã xây dựng một cơ chế thông thoáng trong quy hoạch, vận động, tạo điều kiện giải phóng mặt bằng...để công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” này được tiến hành thuận lợi. Cuối cùng, nếu tiến hành xây dựng đồng bộ không gian tâm linh đôi bờ Thạch Hãn, hàng năm địa phương cần bố trí nguồn kinh phí duy tu bảo dưỡng, chống xuống cấp các công trình và phát huy lâu dài giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tượng đài, công viên, vườn tưởng niệm, tạo thành điểm văn hóa hấp dẫn, góp phần cải thiện môi trường đô thị, cảnh quan thiên nhiên, thu hút các tầng lớp nhân dân, khách tham quan đến chiêm ngưỡng, nghiên cứu, học tập và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho muôn đời con cháu mai sau... 

Đ.T.T 

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 213 tháng 06/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground