Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thuế khóa ở Quảng Trị dưới triều Nguyễn (1802 - 1885)

Q

uảng Trị là một tỉnh nằm chính giữa khúc ruột miền Trung đất nước, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc và Nam Việt Nam. Phía Đông giáp biển Đông trên một chiều dài hơn 100km, phía Tây giáp tỉnh Savannakhet và Salavan của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 208km đường biên giới, phía Nam giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình. Quảng Trị có tọa độ địa lý kéo dài từ 16018’ đến 17010 độ vĩ Bắc và từ 106024 đến 10702 kinh độ Đông.

Nộp thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của nhân dân, là một phần ngân sách quan trọng đảm bảo cho hoạt động của nhà nước. Việt Nam là một nước nông nghiệp, cho nên nguồn thu ngân sách nhà nước được đóng góp chủ yếu là từ nông nghiệp. Việc thu thuế dưới triều Nguyễn được tiến hành rất sát sao, tỉ mỉ trong cả nước từ miền núi xuống đồng bằng.

1. Thuế đinh

Thuế đinh là nghĩa vụ của người dân đối với nhà nước, là một khoản thu nhập quan trọng của nhà nước. Năm 1803 vua Gia Long quy định: “Phàm dân hộ cung hạng hoặc đào hạng, còn dôi 9 suất thì chia làm 3 hạng: Tráng, quân, dân…như có 9 suất thì mỗi hạng 3 người, 8 suất thì quân 2, tráng và dân đều 3, 7 suất thì quân 3, tráng và dân đều 2; 6 suất thì mỗi hạng 3;5 suất thì hạng quân 1, tráng và dân đều 2, 4 suất thì quân 2, tráng và dân đều 1; 3 suất thì mỗi hạng 1; 2 suất thì một tráng; 1 dân, 1 suất là quân. Các đội nậu, dân biệt nạp và biệt tính, tiền thân dung hạng tráng coi như hạng quân, hạng lão tật thì nộp một nửa. Hàng năm thượng tuần tháng 4 thì thu, hạ tuần tháng 7 thì đủ, tháng 10 sửa lại sổ. Người chết thì năm ấy được xóa bỏ, người trốn thì chưa ghi vào sổ, thu đến 1 năm, sau mới được xóa(1).

Năm 1803, vua Gia Long quy định thuế thân chung cho các xã thôn từ Quảng Bình đến Gia định:

Tráng: Chính  hộ tiền thân dung 1 quan 6 tiền, khách hộ 1 quan 4 tiền

Quân: Chính hộ 1 quan 4 tiền, khách hộ 1 quan 2 tiền

Dân: Chính hộ 1 quan 2 tiền, khách hộ 1 quan, tiền dầu đèn và tiền chuổi mây đều 1 tiền.

Lão tật: Chính hộ 8 tiền, khách hộ 7 tiền, tiền dầu đèn và chuổi mây đều 30 đồng.

Việc định lệ thu thuế chính hộ, khách hộ đã được vua Gia Long thực hiện một cách rõ ràng cụ thể nhằm quản lý một cách chặt chẽ dân nội tịch và ngoại tịch. Năm 1805 Gia Long định lệ chính hộ khách lệ từ Quảng Bình đến Phú Yên chiếu rằng: Những địa phương các ngươi từ loạn lạc đến nay, nhân dân tản mác 4 phương, hoặc có người phụ vào sổ để chịu thuế cũng như chính hộ mà xã dân sở tại thường lại ruồng bỏ cho là khách hộ, thực không phải là nghĩa đất của vua dân. Nay trong nước đã định, sổ dân cần nên chỉnh đốn. Đặc biệt chẩn cho người có nhà ở hay ở ngụ đã ghi tên vào sổ duyệt tuyển. Năm quý hợi thì cho làm chính hộ khẩu phần ruộng đất và ngạch thuế thân dung đều theo lệ chính hộ, từ năm giáp tý về sau mới đến ngụ thì vẫn là khách hộ, không dự khẩu phần. Những xã thôn không có ruộng đất công thì dân ngoại phụ không kể mới hay cũ đều là khách hộ theo lệ nộp thuế.

Dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị thuế đinh ở Quảng Trị hầu như không có sự thay đổi vẫn giữ nguyên như thời Gia Long. Đến thời Tự Đức, nhà vua chia thành năm khu vực(2) đánh thuế. Quảng Trị thuộc khu vực II từ Quảng Bình trở vào Nam: Hạng tráng, con quan gồm: Có ruộng công 1,5 quan; không có ruộng công 1,3 quan. Hạng đinh già ốm gồm: Có ruộng công 7 tiền 30 đồng, không có ruộng công 6 tiền 30 đồng.

So với các khu vực I, III, IV thì thuế đinh ở khu vực II khá nặng, nó chỉ nhẹ hơn so với khu vực IV. Do Quảng Trị gần vùng đất kinh kỳ nên triều đình thường xuyên huy động lực lượng dân binh đi lao dịch, đi lính. Hầu hết lao động chính trong gia đình bị triều đình nhà Nguyễn huy động vào các công trình xây dựng như kinh đô, lăng tẩm, cung điện. Thuế đinh là loại thuế vốn có tác dụng mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho nhà nước, đồng thời là một thứ nghĩa vụ có ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, do đó mà việc lập sổ đinh được các vua triều Nguyễn tiến hành một cách rất cẩn thận. Gia Long năm thứ 18 (1819) xuống chiếu dụ dân chúng rằng: “Đinh lấy sổ mà định, là muốn những người dân đinh cùng khổ đều được trên soi xét, chứ không phải lấy đấy để thêm bớt thuế khóa đâu”(3)

Ở Quảng Trị thuế đinh được xem là một loại thuế nặng nhất đầu thế kỷ XIX, điều này đã làm cho vùng đất Quảng Trị vốn đã nghèo đất lại xấu. Lại phải chịu khoản thuế đinh nặng nề nay lại càng vất vả hơn.

2. Thuế ruộng đất công, tư ở Quảng Trị:

Tô thuế là nguồn thu nhập chính của nhà nước và là nguồn cung cấp lương chính cho đội ngũ quan lại. Triều Nguyễn đã thu thuế một cách triệt để hơn trong phạm vi cả nước so với các vương triều trước đó. Với nguyên tắc “nông gia thiên hạ chi đại bản”, chủ trương trọng nông khinh thương. Ưu thế của nghề nông chỉ đứng sau nghề sĩ, ruộng đất là nhân tố cơ bản để phát triển nông nghiệp.

Năm 1802 sau khi lên ngôi, Gia Long đã chính thức định lại phép thuế tô dung. Chiếu rằng: “Nhà đủ ăn không phải vì trốn thuế. Nước đủ dùng không phải vì đánh thuế nặng. Triều đình ta từ Thái Vương dựng nghiệp tới nay, phép đánh thuế không nặng không nhẹ. Ruộng thì chia làm 3 hạng, hộ thì phân biệt chính hộ và khách hộ, vì rằng đất có chỗ tốt chỗ xấu, người có kẻ giàu kẻ nghèo, cho nên tùy hạng trưng thu cho khác nhau. Vừa đây Tây Sơn nổi loạn, khinh bỏ phép cũ, cho rằng ruộng dân hạng nhất hạng nhì thì ít mà hạng ba thì nhiều, bèn không chia đẳng hạng, đại để cứ thu mỗi mẫu thóc tô 35 thăng. Đến như tiền thuế thân dung thì cũng không chia ra chính hộ, khách hộ mà thu gồm làm một. Thuế má nặng nề đến thế là cùng. Đã vài mươi năm nay dân bị hà ngược, ta nay đã thu lại dư đồ, xa thư một mối, biết rõ nỗi đau khổ của dân, đặc biệt hạ lệnh cho đình thần theo rộng rãi mà sửa định khiến cho dân có thuế chính cung, nước phép nhất định dùng làm lệ thường mãi mãi”(4). Ở Quảng Trị nửa đầu thế kỷ XIX, việc thu thuế cũng được nhà nước tiến hành một cách sát sao, chặt chẽ.

2.1 Đối với ruộng đất công

Nửa đầu thế kỷ XIX, phần lớn đồn điền trên đất Quảng Trị đã lần lượt chuyển thành ruộng đất công. Tuy nhiên, mức thuế các loại đánh không đều nhau, có nơi đánh theo lệ ruộng công như đồn điền ở huyện Hải Lăng, ở xã Minh Lương, có nơi đánh theo lệ ruộng tư Tam đẳng ở đồn điền phường Kỳ Lân huyện Minh Linh (Quảng Trị). Lệ này đặt ra từ thời Minh Mạng, sau đó vua Tự Đức có thay đổi mức thuế trên cả nước nhưng ở Quảng Trị hầu như vẫn giữ nguyên như cũ.

Đối với loại thuế quan điền, quan trại thì thu thuế theo hình thức phát canh thu tô. Thời Gia Long toàn quốc có mức tô thuế chung là 100 bát/ mẫu. Thời Tự Đức từ 10 thăng – 245 thăng/mẫu. Ở Quảng Trị, huyện Minh Linh thuế quan điền được đánh theo thuế ruộng tư từ 20 đến 40 thăng/ mẫu, thuế quan trại ở Đan Duệ, Mỹ Tá (Minh Linh, Quảng Trị) đánh theo lệ ruộng tư Tam Đẳng tức là 20 thăng/ mẫu.

Như vậy, xét trên bình diện cả nước thì việc đánh thuế quan điền, quan trại ở Quảng Trị thấp hơn so với các nơi khác. Đây là một điều thuận lợi cho người dân Quảng Trị. Năm 1803, vua Gia Long ra nghị định thuế lệ ruộng đất công tư để dân có đóng góp chính thức làm phép thường lâu dài. Chiếu rằng: “…Thuế ruộng thì các phủ Triệu Phong, Quảng Bình, Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên…, ruộng công và tư hạng nhất mỗi mẫu nộp thóc 40 thăng, hạng nhì 30 thăng, hạng 3 là 20 thăng, ruộng mùa thu và đất mía mỗi mẫu 10 thăng. Các hạng tiền và thẻ tre, khoán khố, điền mẫu thường tân và cung đốn, không cứ công hay tư, mỗi mẫu nộp 3 tiền”(5).

Thời Gia Long chia cả nước thành 4 khu vực(6) Quảng Trị thuộc khu vực I. Đến năm 1836, vua Minh Mạng định lại thuế ruộng đất quy về ba khu vực(7) đánh thuế. Quảng Trị vẫn thuộc khu vực I và mức thuế vẫn không thay đổi, vẫn giống như thời Gia Long quy định. Đến thời Tự Đức, nhà vua thay đổi chế độ tô thuế một lần nữa, cả nước chia thành năm khu vực(8) đánh thuế. Quảng Trị thuộc khu vực II cùng các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Năm 1875, vua Tự Đức đã tiến hành cải cách thuế lệ điền thổ. Tự Đức nhận định rằng từ Hà Tĩnh trở ra Bắc thuế ruộng công quá nặng so với thuế ruộng tư, và nhà vua cho áp dụng một thuế lệ đồng nhất cho toàn cõi lãnh thổ, bất kỳ ruộng công hay tư, mỗi mẫu: Nhất đẳng nộp 40 thăng lúa, Nhị đẳng nộp 30 thăng lúa, Tam đẳng nộp 20 thăng lúa(9).

Thuế ruộng đất phải nộp bằng hiện vật, nhưng chính phủ cũng cho phép nộp tiền thay thóc lúa vào những trường hợp như vận chuyển khó khăn và lâu, hay mất mùa không đủ thóc…

Cuộc cải cách thuế lệ điền thổ năm 1875 dưới thời vua Tự Đức được thực hiện với mục đích giảm nhẹ cho giới tiểu nông một phần những phụ đảm đè nặng lên vai họ. Việc thu tô thuế ruộng đất ở khu vực II từ Quảng Bình đến khánh Hòa đã được quy định “Nếu một thăng bằng 2,7kg thì mức thuế chung sẽ là 108kg, 81kg, 54kg/ mẫu. Theo quy định đương thời, một mẫu bằng khoảng 0,49ha, như vậy ruộng hạng nhất phải chịu thuế hơn 216kg/ha, nghĩa là khoảng 10 % thu hoạch(10).

Nhìn chung dưới thời Tự Đức, thuế ruộng không đồng nhất, tùy theo các vùng khác nhau. Từ Quảng Bình vào Nam thuế ruộng công và ruộng tư bằng nhau, nhưng từ Hà Tĩnh ra Bắc cho đến năm 1875 ruộng công phải trả thuế nặng hơn ruộng tư nhiều. Có thể nói trải qua các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị tô thuế ruộng đất công ở Quảng Trị không thay đổi mấy. Sang thời Tự Đức cùng với cải cách thuế lệ điền thổ 1875 thì tình hình ruộng đất ở Quảng Trị đã có tính ổn định. Tuy nhiên xét cho cùng cuộc cải cách năm 1875 vẫn không nằm ngoài mục đích tài chính, nhằm bổ khuyết nguồn ngân quỹ quốc gia. Sửa đổi cơ sở đánh thuế ruộng đất cho phù hợp hơn với thực trạng của cơ cấu điền thổ, chính phủ có thể chờ vào những thu hoạch bổ sung để bù trừ cho các hao hụt sau khi phải nhường cho Pháp các lãnh thổ trong miền châu thổ sông Cửu Long. Mặc dù luật lệ bán ruộng đất công, tư điền vẫn phát triển không ngừng, làm cho diện tích công điền thu hẹp dần, nạn kiêm tính ruộng đất vẫn liên tiếp diễn ra.

Cuộc cải cách lại được áp dụng trong một bối cảnh không mấy thuận tiện. Các tai họa, lụt lội, hạn hán, mất mùa diễn ra liên tục. Chúng tác động đến giá cả thực phẩm, hậu quả khó tránh của chúng là nạn đói làm cho giá gạo giao động mạnh, ngày một vọt lên, để vào mùa đông năm 1879 mỗi vuông (khoảng 30 lít) giá đến 6 quan, tại các tỉnh miền Bắc, và đến 8 quan tại 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, tức là gấp đôi giá cả bình thường. Tính đến năm 1877 thuế điền thổ ở Quảng Trị là 41325 hộc. Ngoài việc thu tô thuế ruộng đất công, các vị vua đầu triều Nguyễn còn quy định các loại đất bãi. Ở Quảng Trị (khu vực I) đất trồng mía đánh 10 thăng/ mẫu, đất trồng lúa 120 bát/mẫu (1 bát= 2/3 thăng). Các loại đất khác đánh bằng tiền.

2.2  Đối với ruộng đất tư

Triều Nguyễn chia làm 4 khu vực đánh thuế, tuy nhiên mức thuế không bằng nhau ở mỗi khu vực và thay đổi qua các đời vua.

Dưới thời Gia Long, vùng Quảng Trị thuộc khu vực I, mức tô thuế ruộng đất tư bằng ruộng đất công: Nhất đẳng nộp 40 thăng/ mẫu, Nhị đẳng nộp 30 thăng/ mẫu, Tam đẳng nộp 20 thăng/ mẫu.

Ruộng đất trồng mía quy định 10 thăng/ mẫu. So với các khu vực II, III, IV thì mức thuế ở khu vực I khá nặng. Đến thời Minh Mạng, mức tô thuế ruộng đất tư giống thời Gia Long. Đến thời Tự Đức chia cả nước thành 5 khu vực, Quảng Trị thuộc khu vực II từ Quảng Bình đến Khánh Hòa nhưng mức thuế ruộng tư vẫn giữ nguyên như cũ.

Nhìn chung chế độ thuế ruộng đất của nhà Nguyễn khá chặt chẽ, nhà Nguyễn chia khu vực đóng thuế với những mức khác nhau. Lý giải vấn đề này tác giả Đỗ Bang cho rằng: “Nhà Nguyễn thừa nhận tính hợp lý của các chế độ trước kia, không cần phải thay đổi hoặc nhà Nguyễn chưa đủ điều kiện để thực hiện một chính sách thuế hợp lý hơn chung cho cả nước”(11)

(Còn tiếp kỳ sau)

T.T.T.N

1. Quốc sử quán Triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (T1), Nxb GD, Hà Nội, tr.549-550.

2. Khu vực I (Thừa Thiên), khu vực II (Quảng Bình-Nam), khu vực III (Hà Tĩnh-Ninh Bình), khu vực IV (Đồng bằng Bắc Kỳ), khu vực IV (Các tỉnh ngoài Bắc Kỳ).

3. Đại Nam thực lục, sđd (T1), tr.988.

4. Đại Nam thực lục, sđd (T1), tr.548.

5. Đại Nam thực lục, sđd (T1), tr.549.

6. Khu vực I (các phủ Quảng Bình, Triệu Phong, Điện Bàn, Thăng Hoa, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Hòa, Diên Khánh), Khu vực II (Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, phủ Phụng Thiên), Khu vực III (Yên Quảng, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng), Khu vực IV (Bình Thuận, Gia Định, Định Tường, Long Xuyên, Kiên Giang).

7. Khu vực I (Như thời Gia Long), Khu vực II (Từ Nghệ An-Bắc), Khu vực III (Như khu vực IV thời Gia Long).

8. Khu vực I (Thừa Thiên), Khu vực II (Như khu vực I củ), Khu vực III (Như khu vực IV thời Gia Long), Khu vực IV (Như khu vực II thời Gia Long), Khu vực V ( 6 tỉnh Quảng Yên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hưng Hóa).

9. Đại Nam thực lục, sđd (T8), tr.132.

10. Trương Hữu Quýnh, Đỗ Bang (1997), Tình hình ruộng đất, nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.138.

11. Tình hình ruộng đất, nông nghiệp và đời sống nông dân dưới triều Nguyễn, sđd, tr.141.

  

 

Trần Thị Tuyết Nga
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground