Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tín ngưỡng thờ Thủy thần của người Việt Quảng Trị

Trong các tín ngưỡng thờ cúng thần linh của người Việt Quảng Trị từ xưa cho đến nay, tín ngưỡng phổ biến và quan trọng bậc nhất khi phản ánh quan niệm, ứng xử của con người với nước là thờ cúng Thủy thần/thần Nước. Bởi vì, nước không chỉ là nguồn sống thiết yếu cho sinh hoạt của con người và vạn vật, mà nó còn đánh thức, hồi sinh và phát triển muôn loài. Hơn thế, nước còn gây ra những tai họa khủng khiếp, những trận đại hồng thủy kinh hoàng, có thể hủy diệt mọi thứ. Sự tàn phá kinh khủng của hiểm họa thiên nhiên này làm cho con người vừa muốn chế ngự vừa muốn sùng bái nên việc thờ cúng Thủy thần ra đời là tín ngưỡng tự nhiên phổ biến ở các vùng sông nước, biển cả.

Huyền tích các vị Thủy thần Quảng Trị

Trên vùng đất Quảng Trị tồn tại khá nhiều đền thờ và được ghi chép tỉ mẫn vào các tư liệu cổ, nhưng cũng khá nhiều huyền tích lại được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ người dân.

- Đền thờ Tứ vị Thánh nương: Dương Văn An trong Ô Châu cận lục viết năm 1553 nói đến đền thờ Tứ vị Thánh nương, ở châu Minh Linh (Vịnh Mốc - Vĩnh Linh ngày nay) có nhiều linh ứng trong việc cứu giúp thuyền bè đi lại trên vùng biển này. Đây là một vị thần biển - thần bảo trợ cho các cư dân đi biển. Phu nhân Công Chúa nhà Tống vì nước mất nhà tan, trôi dạt đến phương Nam... tranh giành ngôi báu kế vị, để thứ phi sai cắt bộ phận sinh dục của hoàng tử mới sinh, vì thế Hoàng Hậu phải bị lưu đày và chết giữa biển khơi. Ngư dân ngủ đêm ở đó được thần báo mộng rằng: Ta là vua nước Nam, bị kẻ khác rắp tâm hãm hại. Thượng đế thương mẹ con ta nên đã phong làm thần rồi. Dân chài khấn rằng: Như thần có linh thiêng, xin phù hộ cho đánh được nhiều cá, chúng tôi sẽ lập đền thờ. Quả như ước nguyện, ngư dân liền lập đền thờ và trở nên vô cùng linh ứng. Hằng năm, đến ngày tế lễ, người dân thường cầm hoa đỏ nhảy múa, lâu dần trở thành tục lệ.

- Đền thờ Thần Thủy tộc: Đền thờ Thuỷ tộc ở Hà Lỗ và Câu Nhi (Hải Lăng) lại là một vị thần chuyên đi chọc ghẹo đàn bà vì thông dâm với một trinh nữ người làng Hà Lỗ làm nàng chết oan, dân làng đem đến thờ chung với thần, rồi thần lại dan díu với vợ xã trưởng làm bà có thai đẻ ra một bọc trứng và chết, đến mức trong Ô Châu cận lục - Dương Văn An phải gọi hạng dâm tà không phải gọi là thần được1. Nhưng trong sách Đại Nam nhất thống chí lại viết: Thần là cô gái 20 tuổi chưa chồng bị chết đuối, rồi xưng là Thủy tộc long vương Phu nhân và đã được vua Minh Mạng sắc phong Phổ trạch trai tỉnh trừng khiết nhan uyển chi thầnvì đã linh ứng trong việc giúp dân cầu mưa.

Đền thờ thần Trảo trảo: Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Đại Nam nhất thống chí phần về Quảng Trị đều nhắc đến đền thờ Trảo Trảo (Qua Qua) phu nhân. Thật ra đây là đền thờ thần sông ở Ái Tử, huyện Đăng Xương (Triệu Phong), được lập từ thời Nguyễn Hoàng (nửa cuối thế kỷ XVI) ghi công nữ thần sông đã giúp Nguyễn Hoàng diệt được Quân Lập (Lập Bạo, tướng nhà Mạc) trong thời kỳ đầu mới đặt chân vào Đàng Trong. Tương truyền, khi Nguyễn Hoàng đóng dinh ở Ái Tử, có một đội quân nhà Mạc do dũng tướng Lập Bạo kéo vào đánh Ái Tử. Qua nhiều lần giao chiến mà không phân thắng bại, bèn hoãn binh tìm kế sách. Một hôm, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đang đóng binh ở bên bờ sông bỗng nghe tiếng Trảo Trảo, chúa lấy làm lạ ra xem thì thấy tiếng sóng gió nổi lên cuồn cuộn, bèn quỳ gối khấn: Thần sông linh thiêng thì cố giúp ta, ta đang bí nước. Đêm ấy Chúa nằm mơ thấy người đàn bà mặc áo xanh, sắc đẹp như tiên giáng trần đến gần Chúa và bảo: Người hãy dùng mỹ kế mới thắng được giặc. Chúa mừng rỡ vì thấy điềm lành. Hôm sau Chúa sai người hầu là Ngô Thị mang lễ vật và thư giảng hòa đến doanh trại của Lập Bạo, thấy Ngô Thị sắc đẹp mỹ miều lại liếc mắt đưa tình theo chiều lả lơi, Lập Bạo không kìm được mình bèn xuống thuyền đi theo và rơi vào trận địa mai phục của quân Chúa. Biết mình bị lừa, Lập Bạo liền nhảy xuống nước để thoát thân, nhưng khi lặn đến đâu y cũng bị con chim chài cá bay theo đến đó. Do bị kiệt sức Lập Bạo đã bị quân Nguyễn bắt được, quân nhà Mạc tan tác.

Để nhớ ơn vị thủy thần giúp đỡ, Chúa Nguyễn cho lập đền thờ tại làng Ái Tử và phong thần: Trảo Trảo Linh Thu Phổ Trạch Tướng Hựu Phu Nhân. Đời Gia Long liệt vào miếu Hội Đồng. Năm Minh Mạng thứ 5 gia tặng: Nhu Hoài Đoan ý Chiếu Linh Trợ Thuận Trai thục trung đẳng thần. Miếu đã bị hư hại trong chiến tranh chống Mỹ.

Trước đó, ở vùng này sử cũ đã chép lại còn có miếu Thanh Tương, cũng là miếu thờ thần sông, sau Nguyễn Hoàng đã sai quân triệt phá vì nó không giúp ông mà đã dung cho đảng giặc vào cõi.

- Đền, miếu thờ Cá Ông: Nhiều làng ven biển như: Vịnh Mốc, Tùng Luật, Thử Luật (huyện Vĩnh Linh); làng Bạch Lộc, Hà Lợi Thượng, Cát Sơn, Xuân Khánh (huyện Gio Linh); làng Phú Hội, Gia Đẳng, Ba Lăng (huyện Triệu Phong); làng Mỹ Thủy, Thâm Khê, Trung An, Thuận Đầu (huyện Hải Lăng)... đều có đền thờ Cá Ông. Cá Ông được xem như là một vị phúc thần cứu giúp dân đi biển khi gặp bão tố. Tục thờ cá Ông liên quan đến việc cầu hưng thịnh cho nghề đi biển. Mỗi lần cá Ông lụy/chết dạt vào bờ là một sự kiện lớn của ngư dân. Cá Ông dạt vào địa phận làng nào được coi là may mắn cho làng đó. Dân làng tổ chức mai táng và lập đền thờ. Hiện nay, ở các làng làm nghề đi biển, miếu Ông là nơi thờ tự tôn nghiêm các vị thần biển; phía trước có rất nhiều phần mộ các loài cá Ông lụy được dân làng đưa vào an táng. Cả miếu và mộ đều quay mặt về hướng biển Đông.

- Miếu thờ thần Dương bà: Ở Thác Mệ (làng Văn Vận - xã Hải Phúc): Trong Hoàng Việt Nhất thống dư địa chí có chép: 1900 tầm, hai bên bờ đều là núi cao chót vót, núi đá lởm chởm, đường sông ở đây vì nước chảy mạnh nên không thể đi được nữa. Đến xứ nước treo, tục gọi là Thác Bà, bên bờ Nam có một tảng đá đứng sừng sững, trên bờ có một ngôi miếu thờ thần Dương Bà, thuyền bè qua lại thường vào miếu cầu đảo3. Theo tương truyền, ngày xưa dân cư phía thượng nguồn sông Thạch Hãn thuộc các xã Ba Lòng, Hải Phúc, Triệu Nguyên, Mò Ó chủ yếu là dân tộc Vân Kiều, người Việt chỉ mới lên định cư thưa thớt. Lúc này giao thông đường bộ đi lại vô cùng khó khăn, người dân muốn ngược lên thượng nguồn chỉ bằng đường thủy, chủ yếu là thuyền buồm chèo bằng tay, dọc đường phải gặp nhiều khó khăn nhất là lúc vượt lên các ngọn thác. Thác Mệ (nay thuộc địa phận làng Văn Vận - xã Hải Phúc) và thác Cấu (nay thuộc địa phận Vạn Na Nẫm - xã Triệu Nguyên) ngăn sông Thạch Hãn làm thành hai bậc nước cách nhau khoảng chừng 1 mét, nước chảy xiết. Muốn vượt lên hai ngọn thác này phải cùng nhau xuống thuyền và dùng sức đẩy lên, đó là chưa kể những mùa mưa lũ tràn về càng gây thêm nhiều khó khăn, nguy hiểm cho thuyền bè qua lại. Có một nữ thương gia người họ Đặng làng An Tiêm - Triệu Thành chuyên xuôi ngược buôn bán trao đổi hàng hóa dọc đôi bờ sông Thạch Hãn, nhiều lần đi lại thuận lợi, làm ăn phát đạt đã phát tâm nguyện lập miếu thờ tại khu vực thác Mệ. Sau này bất cứ thuyền bè nào đi ngang khu vục này đều ghé lại cúng bái để cầu may. Qua năm tháng, ngôi miếu này nay đã không còn, nhưng chốn linh thiêng tại thác Mệ vẫn còn trong tâm thức những người khi có dịp xuôi ngược dòng Thạch Hãn.

- Miếu thờ ông Dài ông Cụt: Truyền thuyết về việc thờ cúng tại miếu ông Dài ông Cụt (làng Nhan Biều - Triệu Thượng) kể rằng: Xưa kia, tại làng Nhan Biều có một gia đình nông dân hiền lành, chăm chỉ làm ăn lại làm rất nhiều việc lương thiện, giúp đỡ mọi người, nhưng buồn một nỗi là không có một mụn con để nối dõi. Hai vợ chồng luôn cầu nguyện Trời, Phật, thần thánh cho họ có một đứa con, ít lâu sau người vợ có thai và sinh được một đôi rắn. Hằng ngày khi người cha đi làm đồng hai con rắn cứ bò theo sau. Một hôm khi đang chặt (phạng) cỏ ở ven bờ ruộng, người cha đã vô tình chặt đứt đuôi một con… Sau này khi hai con rắn chết đã hiển linh thành ông Dài và ông Cụt, luôn phù hộ, trợ giúp cho dân làng gặp nhiều may mắn, tránh những tai ương, bất trắc trong cuộc sống. Từ đó, người dân đã lập miếu thờ và phong lên làm thần thánh. Hiện nay trong miếu phía trên án thờ có trang trí hình rồng cuộn và hai mộc chủ bằng chữ Hán: Bổn thổ Chủ cảnh Long vương thượng đẳng thần/ Bổn thổ Chủ cảnh Long vương tôn thần.

- Miếu đôi: Cũng thờ ông Dài ông Cụt nhưng tại xóm Triêu làng Cổ Thành - Triệu Thành lại có huyền tích khác biệt: Có một gia đình sinh một lúc hai người con trai, một người bình thường nhưng người kia bị tật nguyền không có chân… Sau khi hai người mất, đến ngày giỗ khu vực làng thường có giông tố, gió lốc kèm theo mưa lớn, chỉ một thời gian ngắn lại biến mất. Người dân cho rằng ông Dài, ông Cụt về ngự. Thấy linh thiêng dân làng liền lập miếu thờ và tôn lên hàng thần thánh. Chỉ tiếc rằng hiện nay trong miếu Đôi không còn mộc chủ hay các văn bằng gì liên quan đến hai vị thần trên, nhưng theo chúng tôi đây là những vị thần sông mà những người dân sống ven sông Thạch Hãn thường thờ cúng để cầu mưa thuận, gió hòa, bình yên đối với muôn loài.

- Dinh Ông làng Gia Độ: Theo huyền tích: Ngày xưa sát tại khu vực ngã ba Gia Độ có một vực nước khá sâu, thường xuyên xuất hiện những con cá lớn và dài, khi chúng bơi nước sông rẽ thành nhiều đường sóng; loài cá này cũng được Dương Văn An nhắc đến trong sách Ô Châu cận lụcBến Dã Độ tại làng Phù Hoa huyện Hải Lăng. Nước từ nguồn Viên Kiều và Cảo Cảo đổ về, bến sâu rộng, có loài cá mập lớn sinh sống4. Người dân cho rằng thần Long vương xuất hiện và không ai dám đến khu vực này vì sợ ngài bắt gặp, dần dần khu đất sát bờ sông ngày một trở nên linh thiêng, huyền bí. Để giải quyết các vấn nạn về tâm lý và củng cố niềm tin của con người vào cuộc sống hiện tại giúp dân làng yên ổn làm ăn, làng đã lập dinh Ông để thờ cúng. Hằng năm vào ngày 7/1 (âm lịch) dân làng thường tổ chức lễ hội đua thuyền tại khu vực gần dinh Ông để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu…

Điều đáng nói trên địa bàn các làng xã ở Quảng Trị, hầu như đều có thờ cúng Thủy thần tại các ngôi miếu/miếu bà Thủy. Tuy không có sự tích rõ ràng nhưng tất cả đều cầu mong nguồn nước để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt và tránh xa lũ lụt tàn phá.

Nguyên nhân, ý nghĩa thờ cúng Thủy thần

Từ sự tích các vị Thủy thần chúng ta nhận thấy: Thủy thần bao gồm thần sông suối, thần biển, thần hồ... có thể là người chết hoá thành, cũng có khi là các linh vật như rắn, cá... Tất cả đều được thờ cúng ở dinh, đền, miếu - những nơi tôn nghiêm bậc nhất ở các làng xã. Thờ cúng Thủy thần vốn đã thiêng liêng, song để thần khác thường và linh thiêng hơn nữa người dân Quảng Trị còn huyền thoại hóa các vị Thủy thần. Cùng song hành với việc xây dựng các ngôi đền, miếu để thờ phụng một cách trân trọng, trang nghiêm là việc củng cố niềm tin bằng cách tạo ra các sự tích, huyền tích vừa mang tính chính sử vừa mang tính truyền thuyết huyền thoại; nhưng vẫn không ngoài mục đích là phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, việc ban sắc phong thần do nhà nước phong kiến quyết định cũng tăng độ quyền uy và linh thiêng cho các vị thần, bởi sắc phong thường có nội dung ca ngợi, tôn danh các vị Thủy thần tại nhiều làng xã.

Nước là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, là hiện thân của sức mạnh thần bí, là nguồn lực mà cuộc sống con người phải lệ thuộc, là biểu tượng cho sự thịnh vượng, chính nó đã góp phần tạo nên tín ngưỡng văn hóa của một vùng đất. Nước không chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như ăn, uống, lao động sản xuất, tưới tiêu để mùa màng tốt tươi, bội thu, một trong những nguyên tố cấu thành giúp vạn vật sinh sôi nảy nở; mà nước cũng có thể hủy diệt mọi thứ, những trận bão lũ thiên tai luôn là nỗi lo rình rập con người. Chính vì sức mạnh, quyền năng của nước và sự cần nước, sợ nước mà người Việt càng sùng bái Thủy thần.

Với quan niệm vạn vật hữu linh, mọi vật đều có linh hồn và bắt đầu từ thế giới tự nhiên xung quanh mình, cùng môi trường sống gắn với điều kiện sông nước; nên thờ cúng Thủy thần là một tín ngưỡng có từ rất sớm và phổ biến ở các làng quê trên vùng đất Quảng Trị. Chẳng khó khăn gì để tìm kiếm những ngôi miếu thờ Thủy thần tại các làng xã, điều này càng minh chứng rõ cho quan niệm và tín ngưỡng tôn sùng các vị thần nước của người Việt. Đặc biệt, các làng sống bằng nghề trồng lúa nước lâu đời và hành nghề đánh bắt, buôn bán dọc các dòng sông, ven biển. Nghiên cứu truyền thuyết về các vị thần được thờ trong các đền miếu của Quảng Trị, cùng với các tập tục thờ cúng, lễ hội đua thuyền, lễ rước thần nước… đã cho thấy tín ngưỡng thờ Thủy thần khá đậm nét và rất phổ biến ở các làng quê.

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp làm chủ đạo, lại là trung tâm giao lưu văn hóa với các vùng, miền trong khu vực và trên cả nước, nên đa số người Việt ở Quảng Trị mang nặng tín ngưỡng dân gian là thờ cúng các vị thần liên quan đến nghề nghiệp của mình. Với những làng lấy nông nghiệp làm kế sinh nhai thì việc thờ Thủy thần vô cùng quan trọng, bởi lao động sản xuất làm ra của cải vật chất bao giờ cũng là một quá trình tương tác với điều kiện tự nhiên. Vì thế, con người luôn luôn phải dựa vào tự nhiên để vừa tận dụng, khai thác những mặt thuận lợi vừa phải tìm cách thích ứng, hài hoà đây là mối quan tâm hàng đầu của các cư dân nông nghiệp. Nước - đấng siêu nhiên đáng tôn sùng được người nông dân khôn khéo gửi gắm lòng tin, kính sợ và nương nhờ; để họ cầu mong phò hộ độ trì cho con người và vạn vật tốt tươi: Lạy trời mưa thuận gió hòa / Để cho chiêm tốt, mùa tươi em mừng.

Sức sống mạnh mẽ của đất và người miền biển nghìn đời nay vẫn vậy, luôn đan xen, hòa quyện hài hòa giữa đất trời với biển cả và không thể thiếu tín ngưỡng tâm linh về làng nghề - nghề biển; để rồi lễ cầu ngư, lễ cúng và an táng cá Ông, Thờ cúng thần Sát Hải, lễ rước thần nước... ra đời. Đây là lễ hội dân gian truyền thống tồn tại rất lâu đời, thể hiện giá trị văn hóa tín ngưỡng vô cùng độc đáo của ngư dân làm nghề đánh bắt trên biển Quảng Trị. Lễ hội cầu ngư phản ánh đời sống văn hóa tinh thần phong phú và những tín ngưỡng mang màu sắc huyền bí trên sông nước được tổ chức hàng năm nhằm cầu trời yên biển lặng, được mùa cá tôm những chuyến đi biển bình yên, cầu cho cuộc sống người dân no đủ, quốc thái dân an.

Có thể nói, đối với những người dân Quảng Trị cho dù cuộc sống mưu sinh bằng nông nghiệp, ngư nghiệp hay buôn bán… tất thảy đều quen nếp sống dựa vào thiên nhiên, đặt hy vọng và trông chờ vào các đấng thần linh phò trợ, giúp rập thì nước trở thành siêu nhiên hơn cả. Bởi vì, đây là sự sống, là sự phát triển của muôn loài. Sùng bái nước là một hành vi mang tính cộng đồng và đã ăn sâu vào mỗi người dân qua bao thế hệ. Nước mặc nhiên trở thành một biểu tượng mang tính giá trị, mang một quyền năng, một sức mạnh đặc biệt đối với đời sống con người. Nỗi sợ hãi nước đi đôi với niềm tôn kính ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, tạo nên những vị Thủy thần mà người Việt qua bao thế hệ tôn kính.      

Thờ cúng Thủy thần là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, phản ánh rất nhiều mặt về đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân Quảng Trị. Đây là những truyền thống tốt đẹp đáng trân trọng và giữ gìn.

C.T.V

____________

(1), (4) Dương Văn An. Ô Châu cận lục. Bản dịch và chú giải của Văn Thanh và Phan Đăng. Nhà xuất bản chính trị quốc gia Hà Nội 2009.

(2) Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình). Tập 9. Tu trai Nguyễn Tạo dịch. Nha Văn hóa Sài Gòn.

(3) Lê Quang Định. Hoàng Việt nhất thống dư địa chí. Nhà xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ  Đông Tây.

CÁI THỊ VƯỢNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

14 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

20 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground