Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ chiến dịch Điện Biên đến tuyến lửa Vĩnh Linh

C

ụ Đặng Ngọc Lương, trú tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có dòng sông Lam thơ mộng, hiền hòa. Quê hương cụ nổi tiếng văn thao, võ lược và yêu nước thương nòi. Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành được Tổ quốc từ tay đế quốc - phong kiến, cụ tham gia hoạt động trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc. Năm 23 tuổi chàng thanh niên ấy xây dựng gia đình với một cô gái cùng quê. Năm 1949 chàng tình nguyện vào bộ đội địa phương khi nàng đang mang thai tháng thứ bảy. Gia đình nghèo khó, neo người nên nàng tìm cách ngăn cản chàng ra tiền tuyến. Nhưng chàng đã thuyết phục được nàng; đi chiến đấu "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" để bảo vệ nước Việt Nam độc lập, tự do và dân chủ. Giành lại mùa xuân cho lớp trẻ hôm nay. Ngày ấy cụ là chàng trai vạm vỡ, nhưng bây giờ tóc đã bạc, mắt đã mờ, có điều trí còn minh mẫn.

Năm 1951, cụ được bổ sung vào Đại đoàn quân tiên phong. Rồi  cùng đơn vị vào sinh ra tử. Đại đoàn đánh đâu thắng đó làm lũ Pháp bao phen kinh hoàng. Thu Đông năm 1953 Đại đoàn tiến lên Tây Bắc giải phóng tỉnh Lai Châu. Cụ thường kể chuyện đi kháng chiến với thế hệ chúng tôi: "Để chuẩn bị chiến dịch Điện Biên toàn thắng. Cuối năm 1953 bộ đội được tập trung tại Nà Sản để học tập quyết tâm của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch: "Giải phóng Điện Biên bằng mọi giá". Quân ủy Trung ương quyết tâm: "Đánh nhanh, thắng nhanh" Đảng và Chính phủ huy động lực lượng, phương tiện với hàng vạn người vận chuyển lương thảo, đạn dược, thuốc men... lên Tây Bắc trong tầm đánh phá của máy bay và biệt kích Pháp. Bộ đội ta mở đường kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và cường độ địch đánh phá ác liệt. Nhưng khi tất cả các hướng sẵn sàng nổ súng, dội lửa đạn vào đầu giặc thì nhận được lệnh của cấp trên: "Bí mật kéo pháo ra để đánh lâu dài, đảm bảo chắc thắng và đảm bảo tránh thương vong cho bộ đội". Lúc đó tư tưởng của một số cán bộ chiến sĩ có ý thắc mắc. Nhưng mệnh lệnh phải thực hiện triệt để.

Trước khi bước vào chiến dịch Điện Biên, tôi viết thư gửi về quê khuyên vợ: "Chiến trường ác liệt, sống chết kề nhau trong gang tấc. Nếu anh có mệnh hệ gì, em cố gắng nuôi dạy con của chúng ta nên người. Có ai đó thương yêu thì đi bước nữa em nhé". Trong thư tôi không đề địa chỉ. Khi vào cuộc chiến thì không còn vướng bận chuyện vợ con nữa. Tất cả lòng căm thù giặc được dồn lên nòng súng đợi ngày khai hỏa.

 Đại đoàn quân Tiên phong được Bộ Chỉ huy mặt trận giao nhiệm vụ chủ yếu phối thuộc với Trung đoàn 312 đánh chiếm đồi Độc Lập. Cứ điểm bình phong án ngự cụm cứ điểm địch trong lòng chảo Mường Thanh và truy kích địch ở Hồng Cúm tháo chạy sang Lào. Ngày 13 tháng 3 năm 1954, bộ đội ta nổ súng mở màn chiến dịch. Rạng sáng ngày 15 tháng 3, đại đội tôi nổ súng đánh vào đồi Độc Lập. Khi đó tôi là tiểu đội phó hỏa lực đại liên Mác Sim, thuộc đại đội 223, tiểu đoàn 29, trung đoàn 88. Cuộc chiến đấu diễn biến chừng hai mươi phút thì xạ thủ số 2 là Trần Văn Minh hy sinh. Tôi tự tay moi đất mai táng sau con suối cạn. Cùng lúc đó chiến sĩ Định bị thương nặng được chuyển về tuyến sau. Bộ đội ta lợi dụng địa hình tiến sát công sự địch, thả thủ pháo vào boong - ke tiêu diệt các ổ đề kháng của địch. Toàn bộ cứ điểm Pháp bị ta tiêu diệt. Trận đánh này quân ta diệt gọn một tiểu đoàn Âu - phi. Quân ngụy đóng giữ Bản Kéo sợ bị diệt, hàng ngũ hoảng loạn bỏ cứ điểm tháo chạy co cụm tại trung tâm Mường Thanh. Sau trận này tôi được đề bạt làm cán bộ trung đội.

Cuộc chiến bước sang giai đoạn bao vây, chia cắt địch co cụm tại trung tâm Mường Thanh, tôi chỉ huy một trung đội cùng các đơn vị bạn chia nhau đào giao thông hào cắt đứt sân bay Mường Thanh. Từ các cứ điểm quanh sân bay, súng địch bắn như vãi đạn vào đội hình ta. Lơ là một chút phải trả giá tính mạng chiến sĩ. Nhiều đồng đội tôi đã ngã xuống chiến hào. Bộ đội đào hào trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như sương mù dày đặc, dưới những cơn mưa dầm của núi rừng Điện Biên, giá lạnh làm tê tái. Cuộc chiến thật sự gian khổ, khó khăn đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết: "Máu trộn bùn non". Tôi có lần bị thương đành phải cắn răng chịu đựng, bám trụ trận địa chỉ huy đơn vị làm nhiệm vụ. Bị bộ đội Điện Biên chia cắt. Đường bộ bị bao vây chặt. Đường không bị vô hiệu hóa, quân giặc bị dồn vào cái túi khổng lồ như : "Cá nằm trên thớt" đợi quân ta tiêu diệt. Vũ khí, đạn dược, lương thảo đã cạn. Cứu vãn tình thế,  Bộ chỉ huy Nava tính kế dùng máy bay chở lương thảo, vũ khí thả xuống tiếp tế cho Đờ Cát. Những máy bay địch bị pháo cao xạ Trung đoàn 51 đánh quyết liệt, ta bắn rơi nhiều máy bay địch. Lũ giặc lái sợ chết phải bay tít tận trời xanh rồi thả dù xuống tiếp tế. Mây móc làm mù mắt giặc. Gió Điện Biên thổi hàng vạn tấn hàng hóa của giặc Pháp "tiếp tế" cho bộ đội ta. Quân ta sử dụng vũ khí của giặc đánh lại chúng. Lính Điện Biên ngày ấy nói vui: "Khí số thằng Pháp đã hết. Đến ông trời cũng giúp đỡ quân ta. Cứ đánh mạnh vào, thiếu vũ khí, lương thảo, đã có tướng Nava tiếp tế".

Kể tới đây cụ Lương cười hóm hỉnh. Khuôn mặt trẻ lại thời trận mạc. Cụ đứng lên chỉ vào tấm bản đồ chiến trường Điện Biên treo trong căn phòng khách rồi thong thả giảng giải. Nom cụ như nhà giáo dạy bài học lịch sử trước học trò. Giọng cụ chùng xuống hẳn: "Đợt ba của chiến dịch Điện Biên rất quyết liệt, máu thấm đẫm chiến trường. Tại các mõm đồi C1, A1, E2, D1, các cứ điểm xung quanh hầm Đờ-cát ta và địch  quyết chiến "giành giật nhau từng tấc đất." Ta đánh liên tục cả ngày lẫn đêm với quyết tâm "nắm yết hầu địch mà đánh". Ta đánh trên mặt đất, trên không, trong hầm hào, lô cốt kiên cố. Lần lượt tiêu diệt các cứ điểm quan trọng. Đánh liên tục 55 ngày đêm không nghỉ. Hai bên đánh nhau, thương vong nhất định không thể tránh khỏi. Đồng đội tôi nhiều người đã nằm lại Điện Biên với mùa hoa ban đỏ." Cụ xúc động. Nước mắt tự nhiên ứa ra trên khuôn mặt cương nghị. Không khí trong căn phòng như đặc lại. Chừng dăm phút trôi qua, cụ Lương mới tiếp tục câu chuyện:

"Sáng ngày 7 tháng 5 tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy đơn vị đưa bộ đội vào rừng chặt cây làm công sự chiến đấu. Ra đến cửa rừng thì trời đã về chiều. Nhìn về trung tâm Mường Thanh, thấy vải dù địch làm cờ dựng lên trắng cả núi rừng Điện Biên. Tôi mới biết tướng Đờ- cát và Bộ chỉ huy Pháp đã ra hàng. Trên cánh đồng Mường Thanh giặc cởi trần trùng trục, mồ hôi mồ kê tháo ra như tắm, mặt mũi đứa nào đứa nấy ủ rủ. Giặc thua trận ngồi bệt trên giao thông hào chờ bộ đội ta dẫn về trại tập trung. Sau hôm đó ít lâu, tôi nhận nhiệm vụ đưa bộ đội đi san mặt bằng sân bay để máy bay Pháp đáp xuống Mường Thanh tiếp nhận thương binh, tử sĩ từ Điện Biên chở về Hà Nội hoặc sang Lào."

Cuộc chiến Điện Biên là sự kết tinh truyền thống yêu nước, thể hiện lòng quả cảm, sức mạnh đoàn kết, tài văn thao võ lược kết hợp mưu trí tạo ra sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Là mốc son chói lọi, viết tiếp trang sử đấu tranh vệ quốc do Đảng ta lãnh đạo, nhân dân ta thực hiện.

Kết thúc cuộc chiến Điện Biên cụ Đặng Ngọc Lương được cấp trên đề bạt chính trị viên đại đội 217, đơn vị chủ công của tiểu đoàn 29. Ngày 10/10/1954 cụ hành quân trong đoàn quân chiến thắng về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Là một cán bộ tiểu đội, qua thực tế chiến đấu chống quân xâm lược đã trưởng thành và trở thành sĩ quan chỉ huy trong quân đội cách mạng.

Năm 1957 cụ được  Đảng, Bác Hồ, Bộ Quốc phòng tin dùng làm cán bộ khung huấn C37, trường Bờ Bể để chuẩn bị thành lập quân chủng hải quân nhân dân; xây dựng quân đội chính quy tinh nhuệ và hiện đại; sẵn sàng đối phó âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai bán nước cầu vinh. Giặc Mỹ biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự khống chế cách mạng. Mỹ ngụy ra sức phá hoại hiệp định Giơnevơ càn quét, tìm diệt cán bộ cách mạng, ly dán nhân dân Nam Bắc, chia cắt đất nước ta với nhiều chiến lược như: "Chiến tranh đặc biệt; Chiến tranh cục bộ; Việt Nam hóa chiến tranh". Nhưng âm mưu, thủ đoạn của địch bị quân và dân ta bẻ gãy từng bước một:

"Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam thực hiện chiến lược "Chiến tranh cục bộ" hô hào "Bắc tiến" dùng tàu chiến và máy bay leo thang đánh phá miền Bắc. Tôi được điều về làm chính trị viên tiểu đoàn 11 pháo mặt đất, trung đoàn 164, quân chủng pháo binh quân khu 4. Trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Năm 1965 tôi cùng tiểu đoàn 11 hành quân vào Vĩnh Linh để xây dựng tuyến hỏa lực phòng ngự bờ Bắc sông Bến Hải. Tuyến phòng ngự trải dài từ xã Vĩnh Tú, Vĩnh Nam đến Vĩnh Chấp. Trong những năm gian khổ ấy, tiểu đoàn đánh vài ba chục trận, bắn chìm bắn cháy nhiều tàu biệt kích giặc xâm nhập vào lãnh hải Tổ quốc. Tôi còn nhớ rõ lắm. Ngày 27 tháng 7 năm 1966, tiểu đoàn đặt pháo 105 ly tại xã Vĩnh Sơn nhận lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu, tiểu đoàn phối hợp với các đơn vị bộ binh đánh chiếm Dốc Miếu. Đúng giờ G pháo ta khai hỏa. Từ Dốc Miếu địch phản pháo yếu ớt. Rồi bị pháo tiểu đoàn tôi đánh dập đầu. Căn cứ Dốc Miếu cháy bùng lên, sáng một góc trời Quảng Trị. Thấy tiểu đoàn đánh quá hay nhân dân xã Vĩnh Sơn từ già đến trẻ, từ gái đến trai phấn khởi vỗ tay, hò reo dậy đất (điều đó làm Ban chỉ huy tiểu đoàn rất lo. Nhỡ ra quân địch phản pháo thì gay go đến tính mạng đồng bào. Nhưng rất may pháo địch không thể đánh trả). Ngày ấy lãnh đạo xã Vĩnh Sơn cử đoàn mẹ chiến sĩ cùng Đảng ủy, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã đến trận địa chúc mừng chiến công của cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn. Bấy giờ đồng bào Vĩnh Linh nghèo lắm. Bữa cơm độn ba phần khoai sắn. Nhưng tình cảm của đồng bào đối đãi bộ đội thì không chê vào đâu được. Đồng bào coi bộ đội như con đẻ, sẵn sàng nhường nhà cho bộ đội đóng quân; tháo dỡ nhà cửa giúp bộ đội làm hầm pháo, lấy đất đỏ cho bộ đội trát lên nòng pháo 105 ly để che mắt địch.

Đánh xong trận Dốc Miếu, tiểu đoàn lập tức rút khỏi xã Vĩnh Sơn, xe kéo pháo đến xã Vĩnh Chấp củng cố lực lượng. Sau đó tiểu đoàn nhận vũ khí mới. Đó là loại hỏa tiễn sáu nòng (H6) do Trung Quốc sản xuất. Bộ đội ta gọi là "Rồng lửa Vĩnh Linh". Bộ đội cải tiến sáng tạo bằng cách tháo rời từng nòng để bắn phát một. Cuối năm 1966 tiểu đoàn nhận nhiệm vụ nả pháo mở đường cho bộ binh diệt cao điểm 341 tại địa danh Cù Đinh - Ba De. Bọn giặc trên cao điểm này bị pháo ta dập tơi bời khi tiểu đoàn trùm "Rồng lửa Vĩnh Linh" lên đỉnh cao, tạo điều kiện cho bộ binh xung phong. Có điều đáng buồn vì trong trận này tiểu đoàn 11 hy sinh một tiểu đội đó là tiểu đội thông tin làm nhiệm vụ rải dây đặt đài quan sát thì đụng độ một đại đội địch phục kích. Toàn tiểu đội chiến đấu quyết liệt. Quân ngụy khép chặt vòng vây rồi dùng loa gọi chiêu hàng. Nhưng tiểu đội đáp lại chúng bằng những điểm xạ ngắn. Anh em chiến đấu đến viên đại cuối cùng thì dùng lê AK, báng súng quần nhau với giặc. Nghe tiếng súng nổ chỉ dội từ phía đặt đài quan sát vọng lại, Ban chỉ huy tiểu đoàn cử  tiểu đội trinh sát cắt rừng đi tiếp viện cho anh em thông tin. Nhưng khi họ đến nơi thì bọn thám báo đã rút. Anh em đàng mình không còn ai. Dấu vết anh em quần nhau với giặc còn tươi nguyên. Nhiều chiến sĩ hy sinh trong tư thế tay còn nắm chặt khẩu AK, lưỡi lê dính máu giặc. Tiểu đội trinh sát moi đất mai táng anh em nơi bìa rừng, vẽ sơ đồ báo cáo với ban chỉ huy tiểu đoàn. Đầu năm 1967 tôi được quân khu điều về làm cán bộ chính trị cục hậu cần nam Quân khu 4. Lúc đó  cục đóng tại núi U Bò (Ba  Rền, Quảng Bình) để làm nhiệm vụ trung chuyển cơ sở vật chất như lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược chuẩn bị cho bộ đội tổng tấn công trên chiến trường Trị Thiên vào xuân Mậu Thân năm 1968. Sau Mậu Thân, cục giải thể, tôi chuyển về làm công tác Chính ủy Viện Quân y 4. Năm 1976 thì về nghỉ hưu bước vào mặt trận chóng đói nghèo và lạc hậu".

Là người lính xuyên suốt hai cuộc chiến vệ quốc khi về hưu cụ Đặng Ngọc Lương chiến đấu trên mặt trận không tiếng súng. Tham gia công tác xã hội với nhiều cương vị khác nhau như Bí thư chi bộ; Cán sự đội sản xuất, tổ trưởng an ninh kiêm an ninh viên, trưởng ban liên lạc hưu trí, phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã Tiên Điền. Ở cương vị nào cụ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cử đi báo cáo điển hình về công tác quốc phòng toàn dân do tỉnh nhà tổ chức. Mùa xuân này cụ bước sang tuổi 78, thuộc lớp người "xưa nay hiếm". Với 28 tuổi quân, 55 tuổi Đảng, thương binh, cựu chiến binh có nhiều năm gắn bó với chiến trường Quảng Trị. Về cuối đời cụ giành thời gian đi kể chuyện truyền thống đánh giặc cứu nước của dân tộc ta - thế hệ Hồ Chí Minh và tìm hiểu cội nguồn văn hóa dòng họ truyền lại cho thế hệ trẻ.

           Đ.V.T

Đặng Viết Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 115 tháng 04/2004

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground