Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ tầm nhìn chiến lược đến sự đồng cảm, sẻ chia…

Các chúa Nguyễn từ Nguyễn Hoàng (1558 - 1613), Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1634) đến Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648), Nguyễn Phúc Tần 1648 - 1687), Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725)… đều đặc biệt coi trọng kinh tế đối ngoại đồng thời coi kinh tế đối ngoại là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vị thế chính trị của chính thể quân chủ...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (người bên phải) tiếp đoàn lãnh sự quán Nhật Bản - Ảnh: H.T

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng (người bên phải) tiếp đoàn lãnh sự quán Nhật Bản - Ảnh: H.T

Chính nhờ phương cách “phi truyền thống” này mà chính quyền Đàng Trong vừa thích ứng với môi trường sinh thái, điều kiện chính trị và xã hội mới vừa mau chóng nắm bắt và hội nhập với thế giới bên ngoài. Trong đó, người đặt nền móng quan trọng phải kể đến Chúa Tiên.

Tại hội thảo khoa học “Quảng Trị - đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613)” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức vào năm 2013 đều khẳng định: “Nguyễn Hoàng là người nắm được thời cơ để phát triển kinh tế hàng hóa vùng Thuận Quảng và việc Nguyễn Hoàng gửi nhiều thư cho chính quyền Nhật Bản và đã được đáp ứng, chứng tỏ Nguyễn Hoàng là người đầu tiên thực hiện chính sách mở cửa và cánh cửa được mở đầu tiên để đất nước phát triển là tại Quảng Trị”(1).

Kết nối và phát triển…

Trong lịch sử, do có tiềm năng và vị trí địa lý thuận lợi, miền Trung Việt Nam đã sớm thiết lập quan hệ giao thương với nhiều quốc gia Đông Á. Bằng nhiều con đường, cách thức và mức độ khác nhau, từ thời đại Champa cho đến thời kỳ Đàng Trong, các thương cảng miền Trung luôn là tâm điểm của hoạt động giao thương Đông Nam Á và là một trong những trung tâm sôi động của hệ thống hải thương châu Á thế kỷ XVI-XVIII. Các mối quan hệ, giao thương rộng mở, đa dạng đó không chỉ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, mở rộng tầm kiến văn của chính quyền Đàng Trong mà còn góp phần tích cực vào sự phồn vinh của khu vực. Các hoạt động giao thương quốc tế đã để lại nhiều di sản, kinh nghiệm quý cho sự lựa chọn con đường, mô hình phát triển của Việt Nam trong những giai đoạn sau.

Theo nhiều tài liệu cổ của Nhật Bản, ngay từ rất sớm Nhật Bản đã tăng cường giao lưu với bên ngoài, đặc biệt là với các nước như Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha... Chính sự giao lưu này không những làm phát triển Nhật Bản, mà còn làm thay đổi tư duy vốn từ lâu bị lệ thuộc vào tư duy truyền thống. Và Việt Nam cũng là một vùng đất mà người Nhật hướng tới. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh ngay từ đầu thế kỷ 15 đã có một số ít người Nhật Bản tới buôn bán ở Việt Nam. Thời kỳ Toyotomi Hideyoshi (1536 - 1598), thương gia Shirahama Kenki đã cùng 5 chiếc thuyền lớn đến buôn bán ở Cửa Việt (Thuận Hóa) thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay. Đây có thể nói là mốc quan trọng trong việc Nhật bản mở rộng thông thương với Đàng Trong. Sau thương gia này, còn có nhiều thương gia khác tới Đàng Trong với mục đích buôn bán.

Kế thừa và phát huy quan hệ lâu đời trước đây, cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó tới nay, trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện.

Đối với tỉnh Quảng Trị, ông Trần Khánh Phối, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có 40 dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi do Nhật Bản tài trợ với tổng vốn là 47,4 triệu USD (trong đó vốn ODA là 31,59 triệu USD, vốn đối ứng là 15,81 triệu USD). Một số dự án điển hình như: Đường giao thông Vĩnh Hòa - Thị trấn Cửa Tùng; Đường liên xã Cam An - Cam Thanh; Đường liên xã Cam Chính - Cam Nghĩa; Cầu Đại Lộc... Các dự án do Nhật Bản hỗ trợ có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn nhưng lại đa dạng về lĩnh vực nên hết sức thiết thực đối với tỉnh Quảng Trị; đồng thời có tác động tích cực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống nhân dân tiến tới thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, các dự án về giao thông đã thúc đẩy mạnh mẽ sự vận chuyển trao đổi hàng hóa giữa khu vực nông thôn và đô thị.

Takaya Hiroko - nữ sinh viên Nhật Bản cùng giáo sư Trần Quốc Vượng thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị năm 1997. - Ảnh: H.T.T

Takaya Hiroko - nữ sinh viên Nhật Bản cùng giáo sư Trần Quốc Vượng thắp hương tại Thành cổ Quảng Trị năm 1997. - Ảnh: H.T.T

Ngoài các dự án ODA, Nhật Bản còn hỗ trợ Quảng Trị thông qua viện trợ nhân đạo và thực hiện các dự án NGO. Nhiều tình nguyện viên Nhật Bản đến Quảng Trị giúp đỡ trên lĩnh vực y tế, giáo dục và nhiều hoạt động từ thiện có ý nghĩa như: trao học bổng, cung cấp trang thiết bị y tế, hỗ trợ người nghèo... Tổng giá trị các khoản viện trợ NGO của các đối tác Nhật Bản dành cho Quảng Trị khoảng 4 triệu USD. Tháng 3/2022, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm Quản lý thiên tai và trang thiết bị phòng chống tội phạm cho Công an tỉnh với kinh phí khoảng 300.000 USD. Gần đây, ngày 31/1/2023, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã trao tặng các vật tư, trang thiết bị vệ sinh - y tế thiết yếu cho tỉnh Quảng Trị như: xà phòng, nước rửa tay sát khuẩn và các trang thiết bị y tế như máy đo thân nhiệt, máy nhiệt kế hồng ngoại, và máy đựng nước sát khuẩn tay nhằm hỗ trợ các cán bộ tuyến đầu khu vực biên giới, đảm bảo quá trình mở cửa trở lại thông hành quốc tế của Chính phủ Việt Nam diễn ra an toàn.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, có dự án đầu tư Khu công nghiệp Quảng Trị (QTIP) có sự tham gia của liên doanh 3 nhà đầu tư, bao gồm: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (“VSIP JV”), Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa (Công ty thuộc Tập đoàn Amata của Thái Lan) và Sumitomo Corporation, trong đó có Sumitomo Corporation là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Dự án có diện tích mặt đất sử dụng là 481,2 ha và tổng vốn đầu tư của dự án là 2074 tỷ đồng. Dự án QTIP được đặt cận tuyến đường Quốc lộ 15D nối Cảng biển nước sâu Mỹ Thuỷ đi qua Cửa khẩu Quốc tế La Lay (Quảng Trị) để đến nước bạn Lào và kết hợp với tuyến đường xuyên Á nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Trị như một trung tâm kinh tế trong tương lai dọc theo Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Ngày 30/4/2022, dưới sự chứng kiến của Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định thành lập QTIP; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cho liên danh các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Seibu Nousan và công ty Sumitomo Corporation triển khai thành công dự án trồng Dưa lưới công nghệ cao thử nghiệm trên vùng đất cát thuộc huyện Gio Linh và thành phố Đông Hà và đang có kế hoạch tiếp tục nhân rộng.

Ông Trần Khánh Phối cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đề nghị ngài Yakabe Yoshinori - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, với những kinh nghiệm quý báu của mình, sẽ thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia nói chung và giữa Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng với tỉnh Quảng Trị nói riêng. Để tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, ngoài việc phát huy nội lực, Quảng Trị rất cần đến sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là sự giúp đỡ có hiệu quả của tổ chức JICA. Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị đề xuất Tổng Lãnh sự tiếp tục quam tâm, tạo điều kiện để địa phương mở rộng mối quan hệ hợp tác với Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là tổ chức JICA quan tâm tài trợ cho dự án Kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây với chuỗi các đô thị và khu kinh tế động lực phía Đông Nam tỉnh Quảng Trị nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, biến hành lang giao thông thành hành lang kinh tế, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao khả năng cạnh tranh hấp dẫn trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển khu kinh tế Đông Nam đang được hình thành với huyện Triệu Phong, Hải Lăng và các huyện phía Đông của tỉnh Quảng Trị. Đề nghị Tổng Lãnh sự tiếp tục quan tâm, ủng hộ để QTIP triển khai thành công tại tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới và hỗ trợ, giới thiệu thông tin tỉnh Quảng Trị đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Trị, đặc biệt là đầu tư vào KKT Đông Nam Quảng Trị…

Bắc mới nhịp cầu…

Sau khi Nguyễn Hoàng qua đời năm 1613, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên kế nghiệp. Ông tiếp tục mối quan hệ với Mạc phủ và vào năm 1619, đã công bố việc gả một công nữ(2) cho một thương nhân Nhật Bản tên Araki Sotaro. Người công nữ này có tên gọi theo tiếng Nhật là Wukaku (Vương Gia Cửu), ngoài ra, còn có một cái tên thân mật nữa là Anio-san. Sau khi bà mất, người dân ở Nagasaki đã tôn vinh bằng Lễ hội Kunchi (diễn ra từ ngày 7 đến 9 tháng 10 hằng năm) phục dựng lại mối tình đẹp của hai đất nước Việt - Nhật. Tại lễ hội người ta tạo hình một chiếc thuyền buôn với bé trai đóng vai Araki và bé gái đóng vai Anio-san, bé trai mặc trang phục truyền thống Yukata, còn bé gái mặc áo dài Việt Nam, con thuyền vượt trùng khơi rồi trở về với một cặp uyên ương. Cứ mỗi năm, chiếc thuyền buôn của Araki lại được đóng mới, trang trí với hình thức khác và chiếc áo dài của bé gái đóng vai Anio-san cũng được thay đổi, rất đẹp và lộng lẫy.

Gần 400 năm sau câu chuyện một người Việt làm dâu đất Nhật thì có một cô gái Nhật đến làm dâu ở Quảng Trị. Nakamura Noriko sinh ra, lớn lên ở Kyoto, Nhật Bản. Ba chị là một nghệ nhân dệt chiếu truyền thống, còn mẹ làm nghề giáo viên. Từ nhỏ, chị Noriko đã nghe ba mẹ kể về đất nước Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, chị sang Việt Nam làm việc cho một dự án của Nhật Bản chuyên hỗ trợ người dân về phòng, chống thiên tai. Một lần vô tình, Noriko gặp Phan Thành Công - người con trai Quảng Trị lúc này đang theo học thạc sĩ tại Đại học Nông lâm Huế.

Sau khi kết hôn một thời gian, anh Phan Thành Công phải xa nhà, đảm nhận công việc mới ở huyện miền núi phía tây Quảng Trị. Chưa quen với phong tục, tập quán, lại phải xa chồng, nuôi con nhỏ, cô gái người Nhật nhưng may mắn là ba mẹ chồng đã “thấu hiểu” và luôn xem Noriko như con đẻ. Ông bà đồng ý cho chị cùng con lên huyện miền núi Hướng Hóa sống để gần chồng hơn.

Đến nay, vợ chồng chị Nakamura Noriko mở lớp dạy tiếng Nhật ở TP. Đông Hà. Sau này, lớp học đã phát triển nhanh chóng, trở thành Trung tâm Du học và Xuất khẩu lao động NIJI. Chọn cái tên NIJI đặt cho trung tâm, chị Noriko mong muốn bắc một nhịp cầu từ Quảng Trị, Việt Nam sang Nhật Bản.

Từ câu chuyện của chị Noriko, tôi lại nhớ đến một người con gái Nhật khác tên là Takaya Hiroko đã đặt chân đến Quảng Trị đã được tác giả Lê Đức Dục và Nguyễn Tiến Đạt kể lại trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 29 (tháng 2/1997). Năm 1992, Takaya Hiroko, một sinh viên Nhật Bản đến Quảng Trị để nghiên cứu văn hóa vùng đất này cùng giáo sư Trần Quốc Vượng và cô đã viết về Quảng Trị rất chân tình: “Trong những ngày tôi ở Quảng Trị nhiều người nói với tôi “Quảng Trị khổ”. Tôi chưa biết được nhiều mà nghĩ rằng: Tôi đã nhìn thấy được nhiều dấu vết của nhiều dân tộc như thế này là chứng minh Quảng Trị có cái làm cho người hấp dẫn phải không? Và Quảng Trị có khả năng làm cho cuộc sống con người phong phú hơn và hạnh phúc hơn phải không?”. Dường như những gì thẳm sâu ở miền đất gió cát này có nhiều sự đồng điệu để người Nhật đặt chân đến đây đều lưu luyến. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự đồng cảm và chia sẻ với những mất mát, đau thương do chiến tranh đem lại.

Như mối quan hệ tình cảm Hiroshima - Quảng Trị bắt nguồn từ thành phố Hiroshima và Thành Cổ Quảng Trị là 2 địa danh chịu thiệt hại nặng nề vì bom đạn chiến tranh. Tháng 4 năm 2009, lần đầu tiên Đoàn Hội hòa bình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam (JPVF) và Hội hòa bình hữu nghị Hiroshima - Việt Nam (HVPF) đến thăm Quảng Trị. Trong dịp này Đoàn đã bày tỏ nguyện vọng xúc tiến, thúc đẩy để thành phố Đông Hiroshima - tỉnh Hiroshima và thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị trở thành hai thành phố kết nghĩa trên cơ sở thỏa thuận hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh Hiroshima - Quảng Trị.

Trong năm 2018, phía tỉnh Quảng Trị đã có 2 đoàn công tác đến thăm và làm việc tại Hiroshima. Tháng 10/2019, HVPF và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị đã ký 1 Bản ghi nhớ về quan hệ hữu nghị hợp tác. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid nên hai bên không thể gặp nhau trực tiếp nhưng tổ chức HVPF vẫn gửi quà hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020, trao học bổng trực tuyến cho học sinh Trường Dân tộc nội trú năm 2020, 2021…

Phó giám đốc Sở Ngoại vụ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị Trần Khánh Phôi cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đề nghị quan tâm, hỗ trợ sinh viên Quảng Trị tiếp cận với các chương trình học bổng của Chính phủ Nhật Bản trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp công nghệ cao, giao thông và phát triển đô thị... Đồng thời mở rộng, tăng cường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp... Quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giới thiệu các mặt hàng nông sản tiêu biểu như: gạo, cà phê, tiêu, đồ mộc mỹ nghệ, mây tre, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, sắn và tinh bột sắn, dược liệu... đến với thị trường Nhật Bản. Đề nghị Tổng Lãnh sự giới thiệu các đối tác phi chính phủ nước ngoài Nhật Bản hỗ trợ tỉnh phát triển trong các lĩnh vực: Khắc phục hậu quả bom mìn; Xây dựng trường học, trung tâm y tế tại các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng chịu nhiều ảnh hưởng do thiên tai; Hỗ trợ nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai cho các vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt ở các vùng ven biển tỉnh Quảng Trị... và đặc biệt là hỗ trợ địa phương trong việc kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Hiroshima và các địa phương khác của Nhật Bản trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi./.

______________

1. “Nguyễn Hoàng với vùng đất Quảng Trị - Mấy vấn đề đặt ra hiện nay”, Đỗ Bang, Tạp chí Cửa Việt số 229 tháng 10/2013.

2. Hiện nay các nguồn sử liệu và nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về người con gái gả cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro.

HOA QUANG
Chuyên đề 9: Mở cõi & Bang giao

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground