Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 12/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vài nét về Hội Cổ học Quảng Trị và Hội Thơ Hãn Mai

Hồi mới lớn, tôi thường thấy quý cụ gọi nhau đi dự Hội Cổ học. Mỗi lần đi dự hội quý cụ chuẩn bị khăn đóng, áo dài cho vào gói đeo vai sẵn sàng trước mấy ngày. Từ làng tôi vào thị xã Quảng Trị tính theo quốc lộ 1 khoảng chừng 24 km nên một chuyến đi tầm ba đến bốn ngày mới trở về nhà. Bởi, sau ngày đất nước chia cắt tạm thời 1954, việc lưu thông từ Gio Linh, hoặc Trung Lương vào Quảng Trị phải đi bộ đến Đông Hà mới có xe khách đi Quảng Trị. Ngày ấy xe nào cũng chật như nêm, phần nhiều là khách đứng, nếu đi đường sông thì phải đi trước ba ngày, thế nhưng năm nào quý cụ cũng tham gia đông đủ.

Tôi là người trẻ nhất của phân hội Cổ học Gio Linh nên được ghi danh vào Hội Cổ học Quảng Trị và năm 1962 được đề cử vào ranh giới Trị Thiên để đón phái đoàn Cổ học Trung Ương từ Huế ra. Sau này khi vào hội mới biết tôn chỉ của Hội Cổ học và ngày tế Đức Khổng Tử.

Nói về tôn chỉ là phải biết về quan điểm của Hội Cổ học, biết về phần học thuyết Nhân sinh quan, theo quan niệm luân lý Á Đông, sự suy tôn Vạn thế sư biểu, cùng hiểu qua tiểu sử của Đức Khổng Phu Tử và các môn đệ tiêu biểu của ngài như: thầy Nhan Hồi, thầy Tử Cống, thầy Mạnh Tử chẳng hạn…

Về sinh hoạt của Hội Cổ học Quảng Trị tôi thấy sự cung kính chào, thưa ngày thường thật sự là nề nếp nho phong đúng phép tắc của Cổ học. Người xưa trọng chữ tín và tuân thủ lễ nghĩa, trọng phẩm cách nhưng không ươn hèn mà họ gọi là “đạo Quân tử”. Đạo Quân tử lấy sự lập ngôn (lời nói phải cách) làm đầu gọi là lễ. Chữ lễ chia ra nhiều cách như: lễ phép thì bằng phép tắc xưng hô, lễ nghi thì bằng nghi thức ứng lễ và lễ nghĩa thì bằng sự cư xử ở đời cho phải đạo. Thứ hai là lập đức thì bằng đạo đức trong việc ứng xử, đạo hạnh trong việc cư xử, đạo lý trong việc luân lý. Thứ ba là lập chí bằng kiên định lập trường, quyết đoán chín chắn trong việc làm và cuối cùng là lập thân thì phải làm tròn ba nhiệm vụ trên. Đó là tiêu chí của mỗi hội viên Hội Cổ học Quảng Trị ngày xưa. Tôi cũng xin nhắc lại ở đây Hội Cổ học được danh xưng là “đạo Quân tử” nhưng không phải là một tôn giáo.

Song song với Hội Cổ học là Hội Thơ Hãn Mai còn gọi là Hãn Mai Thi Xã và thường thì hội trưởng Hội Cổ học kiêm luôn chức hội trưởng Hội Thơ Hãn Mai. Hồi tôi mới vào hội, hội trưởng là cụ Tú tài Nguyễn Hữu Hiệt, gọi tắt là cụ Tú Hiệt, bút danh là Thạch Lữ, một nhà thơ nổi tiếng của Quảng Trị (người làng Đại Hòa - Triệu Phong). Không những thơ Nôm mà còn thơ chữ Hán của cụ cũng được in trên các tạp chí Đài Bắc hay Hồng Kông.

Tôi không nhớ năm nào cụ Lê Hữu Nguyện (làng Cửa Tùng - Vĩnh Linh, là anh ruột Đức Cha Lê Hữu Từ) lên thay cụ Tú Hiệt, sau đó là cụ Hoàng Trọng Thuần còn gọi là Thầy Thoàn hay cụ Tú Thoàn (làng Phúc Lộc - Triệu Phong) lên nhậm chức và kiêm luôn hai chức vụ hội trưởng. Cụ Thoàn là người năng động, muốn mở rộng hội viên cho lớp trẻ để không trầm tĩnh như trước đó nên giáo viên các trường tham dự khá đông và phân viện Hán học Đại học Huế thường giao du, trong đó có linh mục Nguyễn Hy Thích, thầy Giản Chi, thầy Phan Văn Dật, nhạc sư Nguyễn Hữu Ba v.v… thường tới lui ngâm vịnh. Hội Hãn Mai còn có các nhà thơ lão thành như: cụ cử nhân Trần Doãn Trai (cựu Thị lang Bộ Hộ), cụ Nghè Ba, cụ Học Thược, cụ Mộng Xuân Đoàn Lỗ Bửu, thầy Thái Tăng Liên đều rất uyên Nho. Đặc biệt dung hòa giữa tân học và cổ học như các thầy Lê Đình Ngân, thầy Trợ Khởi, thầy Trợ Triển, thầy Thông Thạnh, cụ Nguyễn Văn Thư, thầy Trợ Bân, thầy Ấm Đức, thầy Giáo Đích, thầy Trợ Thể, thầy Trợ Đăng, thầy Trợ Ngoạn, cụ Cửu Dương, cụ Xạ Dương, cụ Khóa Dương, thầy Trợ Mễ, cụ Tổng Vận, nghị viên Lê Thọ Dương, cụ Khóa Đào, cụ Khóa Ấm, cụ Phó Đào, cụ Khóa Huyên, cụ Hai Phố, cụ Hoàng Trọng Hưởng, cụ Tổng Quỳnh, cụ Nghị Khôi… Một số giáo viên Ty Tiểu học vụ Quảng Trị và đa số giáo sư Trường Trung học Nguyễn Hoàng, một số thầy ở phân ban Nha học Chánh Trung Nguyên Trung Phần cũng tham gia.

Năm 1969, có cụ Kỉnh Chỉ Phan Văn Hy, còn gọi cụ Đốc Hy (quê Nhan Biều một bác sĩ đầu tiên của miền Trung) hội viên Hội Cổ học Quảng Trị xưa ở Sài Gòn về thăm quê nên đã có một cuộc xướng họa thỏa thích. Khi trở về thăm cố hương cụ Kỉnh Chỉ có bài thơ:

Khi trở lại làng

Mãi ở trong Nam mới trở về

Viếng thăm làng xóm dạ buồn ghê

Nương vườn bỏ trống dân sưa sết

Đồn bót vây quanh Mỹ bộn bề

Đưa đón đò còn nguyên bến cũ

Lại qua người cũng khác năm tê

Căm hờn muốn vạch trời mà hỏi

Dâu bể gây chi cuộc ấy tề!

Rồi cuộc tiễn đưa cụ Kỉnh Chỉ cũng không ít những bài thơ đầy ắp ân tình, rơi lệ vào mùa xuân năm 1970 khi cụ qua đời.

Kính điếu cụ Kỉnh Chỉ

Ba sinh duyên nợ mãn lời nguyền

Nhường chán cõi trần chọn chỗ yên

Giấc mộng tương tư vàng nhớ tuổi

Thanh bia trường hận đá nhìn tên

Thi mơ tuyệt tác tiên dừng bút

Đàn vắng tri âm khách cặm thuyền

Đâu nữa Hãn Mai ngày hạnh ngộ

Hồn thơ lai láng bể Tây Thiên

                                        (Thạch Lữ)

Kính điếu Bs Phan Văn Hy

Cảnh Tiên Ông đã lên rồi

Nơi đây cảnh tục Ông ngồi mà chi!

Tìm đâu cho thấy bậc cao thâm

Thuốc thánh(*) thơ thần dội tiếng tăm

Nước Hãn đầy vơi lời ứa nghẹn

Non Mai trầm bỗng bóng xa xăm

Làng thơ còn đợi thi hào xướng

Người bệnh đang chờ bác sĩ thăm

Vòi vọi càng trông càng vắng vẻ

Ai ngờ Ông đã bước trăm năm

                                         Phụng bút - Linh Đàn

Cuối năm 1970 tôi lên Đà Lạt tìm kế sinh nhai, không ở Quảng Trị nữa, hơn nữa hồi đó sự liên lạc với nhau không có phương tiện hiện đại như bây giờ nên không còn biết gì về Hội Cổ học cũng như Hội Thơ Hãn Mai nữa. Ôi! Những bước đường lưu lạc, những hình ảnh quê hương sâu nặng bao đời có còn chăng trên gối! Người đời sau ai còn biết những sinh hoạt đầy ắp tính nhân văn mà Quảng Trị một thời tô đậm.

L.Đ

___________________

(*) Thuốc thánh: Bác sĩ Phan Văn Hy chữa bệnh cả thuốc Tây lẫn thuốc Bắc cực kỳ giỏi.

LINH ĐÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Đừng cho tôi tất cả; Gom

02/05/2025 lúc 06:20

Đừng cho tôi tất cả                                             Đừng cho tôi tất cảTôi sẽ không tồn

Đường xưa; Tháng năm

02/05/2025 lúc 06:16

Đường xưaNgày xưa ùa về trong tiếng mưa đêmLang thang trên con đường một

Quê hương; Thưa ba

02/05/2025 lúc 06:04

Quê hương Tôi yêu nhánh lúa bờ treMẹ tôi cắp rổ ra khe xuống

Cơm chiều

02/05/2025 lúc 06:02

Em thường hỏi chiến tranh đã xaMà anh cứ kể hoài chuyện cũNắng vàng, hốc

Người về Diên Sanh

02/05/2025 lúc 05:55

Hải Lăng xanh thắm tình quêNăm mươi năm lại tìm về Diên SanhHồ Khe Chè nước

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

13/05

25° - 27°

Mưa

14/05

24° - 26°

Mưa

15/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground