Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về miền Văn chương Xuân Mỵ

Xuân Mỵ là một trong 65 làng cổ của châu Minh Linh xưa, thuộc huyện Gio Linh và huyện Vĩnh Linh ngày nay. Trải qua hơn 500 năm tạo dựng hưng nghiệp, người dân làng Xuân Mỵ đã chung lưng đấu cật, xây dựng hương thôn ngày càng phát triển. Không chỉ có vậy, những người dân quê chân chất ấy đã tạo nên danh xưng đất học với nhiều thế hệ xưa và nay đỗ đạt, thành tài, có ích cho xã hội.

Đền Văn Thánh Xuân Mỵ - Ảnh: N.V.H

Đền Văn Thánh Xuân Mỵ - Ảnh: N.V.H

Sự tích của làng

Xuân Mỵ thuộc xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nằm về phía bắc của huyện Gio Linh, làng Xuân Mỵ được dòng sông Bến Hải lịch sử và các sông Cánh Hòm, Rào Cụt như những dải lụa xanh uốn quanh ôm ấp lấy làng. Tương truyền rằng, do địa thế của làng như một cái nghiên mực tàu, nên kể từ khi sáng lập hưng nghiệp đến nay trải qua hàng trăm năm mảnh đất này đã sinh ra nhiều thế hệ học hành thi cử đỗ đạt, giúp ích cho đời.

Theo cổ sử Ô Châu cận lục của Dương văn An, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì làng Xuân Mỵ được thành lập từ rất sớm ở xứ Đàng Trong, là một trong 115 làng cổ đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Theo chiếu di dân của vua Lý Thái Tông, người Việt từ các vùng miền Bắc Trung bộ, vùng Thanh Nghệ đã di dân vào vùng đất mới châu Minh Linh, định cư xây dựng sự nghiệp lâu dài cho con cháu. Tổ tiên người Xuân Mỵ đã đến định cư lập làng bên bờ Nam sông Bến Hải trong khoảng thời gian từ 1075 đến trước 1555. Sách Ô Châu cận lục ấn hành vào năm Ất Mão (1555) của Dương Văn An khi viết về vùng đất châu Minh Linh có nội dung đề cập đến làng Xuân Mỵ: “Nhà cửa vinh hoa, chim chào người hót nhịp; viên lâm Xuân Mỵ, oanh đàn khách bay ngang”. Như vậy, trước thời điểm 1555 thì làng Xuân Mỵ đã thành nề nếp sung túc, có cảnh quan đẹp, làng mạc quy củ, an yên.

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, làng Xuân Mỵ đã trải qua nhiều lần chia tách, sát nhập vào các xã khác nhau và đến năm 1979 thì chuyển về xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho đến ngày nay. Có một điều ngạc nhiên là qua bao lần vật đổi sao dời, tách chia địa bộ, nhưng tên làng Xuân Mỵ vẫn còn nguyên khi sơ khởi. Theo cuốn địa bộ của làng được thiết lập vào năm 1810 và cuốn địa chí làng Xuân Mỵ cho rằng chữ Xuân và Mỵ được viết theo chữ Hán lấy từ câu: “Xuân quang minh mỵ” có ý nghĩa là mùa xuân có tiết trời trong sáng và tươi đẹp”. Không biết có phải do tên làng là “Mùa xuân đẹp” nên mãi trường tồn với thời gian chăng? Ông Nguyễn Đức Lợi, một vị hào lão trong làng cho biết: “Làng tuy ở gần sông, biển nhưng người Xuân Mỵ chỉ làm nghề nông. Qua đó cho biết tổ tiên của làng gốc gác khi xưa ở miền ngoài không làm nghề đánh cá, nên việc chọn nơi lập làng chỉ khai hoang đất đai để làm ruộng, khác với các làng lân cận làm ngư nghề”.

Tại Xuân Mỵ có một điều thú vị là ngoài các đình chùa miếu vũ như các làng khác lại có một miếu thờ tôn vinh cho học vấn, đó là đền Văn Thánh. Lập miếu thờ Khổng Tử là một nét khác biệt của làng Xuân Mỵ với nhiều làng cổ Quảng Trị trong giai đoạn các nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Việc coi trọng nho học và lập ra văn miếu thờ Khổng Tử là điều dễ hiểu, nhằm nhắc nhở cho con cháu trong làng về truyền thống  hiếu học và tôn sư trọng đạo. Do vậy, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 trong làng có rất nhiều người học hành đỗ đạt ra làm quan.

Đền Văn Thánh nằm ở hướng Đông cuối làng, gần giáp với với ranh giới làng biển Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh. Tương truyền, Văn Thánh xưa kia là một đền thờ vọng có xây thành bao quanh bằng đá, trang nhã trên vùng cồn Văn Thánh với nhiều cây cối cổ thụ tỏa bóng mát. Sau những biến thiên thời cuộc, chiến tranh tao loạn tất cả những nơi thờ tự, am miếu đều bị tàn phá và ngôi đền cũng cùng chung cảnh ngộ.

Hiện nay thì Đền Văn Thánh được tôn tạo và vẫn ở nguyên vị trí cũ. Trước trụ biểu có đề 2 câu đối: “Văn hiến cổ thiên tạo/ Thánh hiền kim lai tạo” với ý nghĩa ngợi ca tiền nhân đã tạo dựng nên nền học vấn để cho muôn đời sau tiếp nối truyền thống. Ông Trần Cảnh Thọ, Trưởng họ Trần Cảnh, làng Xuân Mỵ cho biết: “Hàng năm vào ngày đầu xuân, các vị chức sắc hào lão trong làng đều ra tại ngôi đền để làm lễ, tưởng nhớ tiền nhân. Con cháu các gia đình trong làng trước khi đi thi cử đều đến để cầu tài. Sau khi học hành đỗ đạt đều đến làm lễ tạ ơn. Ngôi đền Văn Thánh là một biểu tượng cho sự học hành đỗ đạt của người làng…”.

Một trong những nét đẹp tâm linh gắn liền với làng Xuân Mỵ đó là giếng làng. Giếng Cồn nằm ở phía trước của đình làng, tương truyền giếng có một vị thần tên là Ngũ Vương Long Tinh Thần Quang bảo hộ, là vị thần nho nhã văn phong trong giới thần của Trung Hoa cổ đại. Ở Trung Quốc xưa, gia đình nào kính thờ vị thần này trong nhà sẽ được độ trì cho con cái học hành thành đạt. Đây cũng là điều đặc biệt vì thường trước đây trong các làng luôn có một số cái giếng dùng sinh hoạt chung cho cộng đồng, nhưng không có tôn Thần như giếng ở làng Xuân Mỵ. Thời gian gần đây, hầu như toàn bộ dân trong làng đều lấy nước giếng này để dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Được biết đây là giếng cổ có hàng trăm năm tuổi còn sót lại trên địa bàn Quảng Trị. Giếng Cồn xưa xây bằng đá tổ ong, dưới đáy cừ ván gỗ trai. Đặc biệt, theo tích xưa kia mỗi lần trong làng có người qua đời thì nước giếng tự nhiên đục ngầu trước đó ba ngày…

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, người dân Xuân Mỵ trung kiên với cách mạng, là một “địa chỉ đỏ” của địa bàn huyện Gio Linh. Những năm tháng đó, rú Xuân Mỵ là nơi làm kho tàng lương thực vũ khí của vùng đông Gio Linh. Trong trận chống càn vào ngày 15/12/1968, một tiểu đội chỉ bảy đồng chí du kích đã đánh nhau ác liệt với một tiểu đoàn bộ binh và 14 chiếc xe tăng của địch, các anh đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương... Ông Trần Cảnh Hiếu, Chi hội trưởng Cựu chiến binh Xuân Mỵ cho biết thêm: “Qua hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều người con ưu tú của làng Xuân Mỵ đã hy sinh, nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng dâng hiến những người con của mình cho độc lập tự do của tổ quốc”.

Đình làng Xuân Mỵ - Ảnh: N.V.H

Đình làng Xuân Mỵ - Ảnh: N.V.H

Danh xưng “đất học”

Nhắc đến cảnh quan của làng Xuân Mỵ ngoài những kiến trúc nhân tạo, không thể không nhắc đến những cảnh quan thiên tạo. Có thể nhận thấy rằng, bất cứ làng mạc nào nằm bên những con sông lớn, đều tạo cho làng những hồn cốt văn hóa đặc trưng. Cánh Hòm là con sông đào nối từ sông Bến Hải vào sông Rào Cụt, rồi chảy qua Cẩm Phổ vào sông Bến Ngự (thuộc huyện Gio Linh) và nhập vào Sông đào Vĩnh Định rồi tiếp tục xuôi ra Phá Tam Giang. Theo sử sách ghi chép thì con sông này được đào vào khoảng thời gian từ thời Chúa Nguyễn Phúc Tần năm 1668 đến năm Minh Mạng thứ 6 - 1825 mới hoàn thành. Khúc sông từ Bến Hải vào đến vùng Cao Xá gọi là sông Cánh Hòm. Sông Cánh Hòm và sông Rào Cụt như là lá phổi điều tiết khí hậu cho làng Xuân Mỵ. Chính cái ngọt lành của phù sa màu mỡ trên những dòng sông đã tạo nên sinh khí đất trời, thấm đẫm vào con người nơi đây để tạo nên một vùng đất học lưu danh.

Nói đến địa danh làng Xuân Mỵ hẳn nhiều người sẽ nhớ câu đồng dao xưa “Văn chương Xuân Mỵ”. Danh xưng này cũng chính là một địa danh về đất học. Đã có nhiều thế hệ người làng Xuân Mỵ vươn lên từ gian khó để học hành, đỗ đạt và giúp ích cho đời. Đây là một niềm tự hào của không chỉ người Xuân Mỵ mà cũng là niềm tự hào chung cho mảnh đất Quảng Trị quanh năm chống chọi với thiên tai bão lũ.

 Qua nhiều tài liệu chính sử và gia phả của các họ tộc cho thấy, từ khi vùng đất này dần ổn định dưới thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, bên cạnh phát triển các dòng họ thì công tác khuyến học đã được các gia tộc ở đây quan tâm, nhiều gia đình tuy không phải là phú hộ nhưng đã thuê các thầy giáo nơi khác về dạy học con cháu trong nhà. Cũng từ đó, đã có nhiều nhà khoa bảng của làng bắt đầu xuất hiện.

Theo cuốn địa chí làng Xuân Mỵ ấn hành vào năm 2016 của ông Nguyễn Xuân Vân và Nguyễn Xuân Liêm thì phát khởi đầu tiên việc học hành đỗ đạt là ông triệu thủy tổ họ Trần Cảnh, Trần Quý Công có tên thụy là Dư Khánh làm quan Huấn Đạo Chiêu Đức Nam, năm thứ 12 dưới đời vua Lê Anh Tông (1569). Ông theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp. Chức Huấn Đạo là quan coi việc học tập của một phủ huyện. Tiểu sử của ông được ghi lại trong gia phả của họ Trần Cảnh như sau: “Huấn Đạo Chiêu Đức Nam, khai khẩn tương lương, quan cốt hướng tại Bàu Trũng, xứ tọa hướng khôn thần. Chiêu Lê Anh Tông, chính trị ký tị thập nhị niên, tùng Nguyễn Tiên Hoàng tiên chúa. Nam hạnh hữu văn học, thọ quan tước…”.

Theo các văn bản cổ thống kê các vị tiến sỹ, phó bảng lưu lại trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn, cuốn Quốc Triều Khoa Bảng Lục của Tổng tài Quốc Sử Quán Cao Xuân Dục, phần tỉnh Quảng Trị ghi rõ thi đỗ có 14 vị tiến sỹ 10 vị phó bảng. Làng Xuân Mỵ có hai vị đỗ tiến sỹ, một vị đỗ phó bảng và nhiều vị tham chính sự trong triều đình. Tiêu biểu có các ông Nguyễn Phiên và ông Trần Phát đỗ tiến sỹ, ông Nguyễn Xuân Bảng đỗ phó bảng, bên cạnh đó có các ông trong các dòng họ Trần, Nguyễn trong làng đã học hành đỗ đạt ra làm quan, lập nhiều công trạng với nước, với dân.

Cuốn địa chí làng Xuân Mỵ thống kê những nhà khoa bảng xưa của làng như sau:

Ông Nguyễn Văn Phú. Đỗ Sinh Đồ năm (1659) được bổ làm quan Huấn Đạo, được làng Xuân Mỵ phong làm Hậu thần.

Ông Nguyễn Xuân Thức. Đỗ Sinh Đồ năm Quý Mão (1783), làm quan trong Bộ Hình, chức Bộ Binh Câu Kê, hàm Ngũ phẩm văn giai. Ông là vị quan có phẩm hàm cao nhất đầu tiên của làng.

Ông Nguyễn Xuân Luận. Là em của ông Nguyễn Xuân Thức, đỗ Sinh Đồ cùng năm với anh mình. Ông mất trong lúc cùng quân Tây Sơn ra bình định Bắc Hà.

Ông Nguyễn Xuân Sắc. Ông đỗ đạt và làm quan triều Nguyễn với chức Thiếu Khanh, hàm Ngũ phẩm.

Ông Trần Nguyên Tưởng. Ông đỗ đạt và làm quan triều Nguyễn với chức Án Sát Sứ xứ Hà Tiên. Là thân phụ của cử nhân Trần Nguyên Phường.

Ông Nguyễn Xuân Hạ. Ông theo học Quốc Tử Giám khoa sinh, được chọn vào học Quốc Tử Giám theo tiêu chuẩn Cống sinh, tức là người học giỏi vang danh ở địa phương. Ông là thân phụ của phó bảng Nguyễn Xuân Bảng, tiến sỹ Nguyễn Phiên và tú tài Nguyễn Xuân Phức.

Ông Trần Quang Bảo. Đỗ đạt và giữ chức Chánh đội trưởng, tước Nhân Đức Hầu.

Ông Nguyễn Hữu Lượng. Đỗ đạt và làm quan chức Tri huyện.

Ông Trần Nguyên Phường. Đậu cử nhân Khoa Đinh Dậu (1873), hàm Tòng lục phẩm văn giai.

Ông Nguyễn Xuân Bảng. Đỗ cử nhân năm Giáp Ngọ (1834), đỗ phó bảng khoa Mậu Tuất (1838). Ông giữ các chức vụ: Lang Trung Bộ Lại, Án Sát Sứ xứ Tây Sơn, Khánh Hòa; Khâm Sai Đạo Thuận Khánh, Đạo Sơn Hưng Tuyên, Thừa Thiên Phủ Doãn. Được phong tặng Gia Nghị Đại Phu hàm Chánh Tam phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Phức. Thi đậu tú tài.

Ông Nguyễn Phiên. Đỗ cử nhân khoa Canh Tý (1840), đỗ Đệ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi Quý Mão và được khắc tên trong bia tiến sỹ tại Huế. Chức Hàn Lâm Viện Trước Tác. Bổ chức Tri Phủ Phủ Kiến An, Định Tường, hàm Chánh Ngũ phẩm.

Ông Nguyễn Xuân Bá và Nguyễn Hữu Đào, đỗ tú tài.

Ông Nguyễn Xuân Cam. Đậu cử nhân văn giai dưới thời vua Tự Đức, chức Chánh Đội trưởng hàm Chánh Lục phẩm.

Ông Trần Phát. Đậu Giải Nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương khoa Bính Tý (1852), khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1877), Đệ Tam Giáp đồng tiến sỹ xuất thân. Có tên trong bia tiến sỹ tại Huế. Được phong chức Thị Giảng Học Sỹ, truy tặng Thị Độc Học Sỹ hàm Tòng Tứ phẩm.

Như vậy các khoa thi Tiến sỹ dưới thời triều Nguyễn trong thời gian từ 1822 cho đến năm 1919, tất cả có 39 khoa thi, đã có 293 vị đỗ tiến sỹ trong cả nước. Với một ngôi làng bé nhỏ bên sông của vùng đất từ khi khai phá Đàng Trong như làng Xuân Mỵ, rất vinh danh tự hào vì đã có nhiều người con của làng học hành thi cử đỗ đạt, đặc biệt có đến 2 vị đỗ tiến sỹ và một vị đỗ phó bảng. Những vị tiền nhân ấy đã để lại tiếng thơm cho các dòng họ và làng Xuân Mỵ, tô thắm thêm sợi chỉ đỏ về truyền thống hiếu học xuyên suốt từ xưa cho đến mai sau.

Vĩ thanh

Xuân Mỵ hôm nay đang bắt tay vào xây dựng một nông thôn mới với bao giấc mơ đẹp dần thành hiện thực. Bên cạnh những chuyện xưa tích cũ là những hình ảnh tươi mới của một làng quê. Các thiết chế văn hóa mới song hành cùng với phát triển đời sống văn hóa cơ sở đã tạo nên một Xuân Mỵ cổ kính pha nét văn minh hiện đại bình yên sau lũy tre làng.

Phát huy truyền thống can trường có từ xa xưa, người Xuân Mỵ đã chắt chiu nhẫn nại gieo hạt lại gặt mùa, để hôm nay hoa trái tỏa hương khoe sắc trên mảnh đất này. Hiện nay các dòng họ trong làng Xuân Mỵ tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, nhiều người con dân làng Xuân Mỵ thành tài và giữ nhiều chức vụ trong các ngành, các cơ quan đơn vị nhà nước, tiếp tục làm rạng danh cho đất học Xuân Mỵ.

Về với Xuân Mỵ, đi trên trầm tích văn hóa đang trầm mặc với bóng thời gian, chắc hẳn chúng ta sẽ cảm nhận được trong cái lặng im cổ kính là những lung linh không bụi mờ. Ở đó có những con người bình dị khuất sau lũy tre làng nhưng đã góp phần tạo dựng nên văn hiến quê hương, đất nước để thế hệ hôm nay chúng ta tự hào vì có một miền quê như thế.

                                                                             N.V.H

Nguyễn Việt Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 326

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/04

25° - 27°

Mưa

25/04

24° - 26°

Mưa

26/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground