Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về với giọng hò Như Lệ

...Một giọng hò nhớ nhớ thương thương

Quê hương ơi tha thiết giọng hò...

Nghe câu hò đất mẹ, thấy dáng hình quê hương

Quê em đây miền Quảng Trị...

B

ài hát “Giọng hò thương nhớ” của nhạc sĩ Lê Anh đã lay động tâm hồn tôi, và có lẽ cũng gợi lại bao nỗi niềm khắc khoải cho những ai dằng dặc xa quê! Cứ mỗi lần nghe giọng hát ấy, vẫn những lời quen thuộc ấy nhưng sao lòng tôi cứ nôn nao, thẫn thờ nghĩ về một miền quê sông nước hay một vùng đất lắng sâu bao kỷ niệm vui buồn, nhớ nhớ thương thương không thể nguôi ngoai trong ký ức.

Tôi đã từng nghe giọng hò sông Mã của Thanh Hóa, với những “dô tả, dô tà” vượt qua bao ghềnh thác, nghe điệu “hò khoan” Lệ Thủy nhắn gửi bao nỗi niềm tha thiết của miền quê sông nước Kiến Giang, sông Gianh, Nhật Lệ cùng với những chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình. Tôi cũng đã từng say đắm điệu hò mái đẩy, mái nhì phảng phất tà áo tím như thực như mơ của những thôn nữ uyển chuyển nhịp chèo trong ráng chiều trộn lẫn dòng Hương Giang của Huế đẹp, Huế thơ, ít nơi nào có được. Và, giọng hò “Ba trạo” (bạn chèo) - có nơi gọi là hò chèo cạn - của ngư dân nam Trung Bộ trong lễ hội cầu ngư đầu năm, vừa réo rắt như tiếng nhạc đưa linh, vừa mang âm hưởng của gió, của sóng đại dương dào dạt mạn thuyền... đã làm hồn tôi ngây ngất...

Khi nghe tâm sự của nhạc sĩ Lê Anh, tôi mới vỡ lẽ:

Từ giọng hò Như Lệ của xã Hải Lệ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã tạo cảm xúc cho tác giả có được một nhạc phẩm trữ tình, mang nét đẹp của mạch nguồn xứ sở Non Mai, Sông Hãn. “Giọng hò thương nhớ” ấy đã đưa tôi về với miền quê Hải Lệ, để được nghe giọng hò Như Lệ của những bậc cao niên, để hiểu thêm sự quyến rũ của giọng hò riêng có được sinh ra trên mảnh đất này?

Xã Hải Lệ nằm dọc theo bờ Nam sông Thạch Hãn, cư dân ở đây thừa hưởng phù sa màu mỡ của dòng sông đã tạo nên những biền ngô xanh mướt soi bóng xuống dòng xanh tha thướt, lững lờ ôm cả trời mây, làm cho dáng vẻ của vùng quê đẹp như cô gái tuổi dậy thì. Hải Lệ là vùng quê vừa có sự sôi động, ồn ã của thị xã Quảng Trị ở phía đông, vừa có nét trầm tư của miền gò đồi, sơn cước giáp với xã Ba Lòng của huyện  miền núi ĐakRông ở phía tây. Hải Lệ có năm thôn: Tích Tường, Như Lệ, Phước Môn, Tân Lệ, Tân Mỹ. Thôn Như Lệ nằm ở trung tâm xã. ở giữa xã lại có một con hói, chạy từ phía bắc sang phía nam, tạo ra khoảng cách giữa hai làng Tích Tường và Như Lệ. Vì thế từ xưa đã có câu ca:

Tích Tường - Như Lệ bao xa

Cách nhau con hói chia ra hai làng.

Con hói như một con rồng vắt qua xã, đầu rồng gối bên dòng Thạch Hãn. Hói này cũng có tên là Như Lệ. Nhiều người ngầm nghĩ rằng: con hói này thiên về Như Lệ nên mới bồi đắp cho Như Lệ một nét đẹp văn hóa riêng. Nếu không phải như thế tại sao ở xã Hải Lệ chỉ có giọng hò Như Lệ đã từng làm xiêu lòng bao thi sĩ văn nhân, mà không phải thôn nào khác? Xã Hải Lệ tự hào quê hương mình có thôn Như Lệ sinh ra một thứ giọng hò không giống nơi nào nghe rất hay nhưng nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc cũng chưa gọi thành tên nhưng vẫn cứ thừa nhận nó và đặt tên nó là giọng hò Như Lệ. Thời đang còn là tỉnh Bình Trị Thiên (trước năm 1990), chị Ngô Thị Thời ở thôn Như Lệ cùng đội văn nghệ của xã đi hội diễn văn nghệ quần chúng ở thành phố Huế, tiết mục giọng hò Như Lệ được ban tổ chức tặng giấy khen. Giọng hò của đội văn nghệ xã Hải Lệ, các nhạc công gõ phách, đệm nhạc không theo được, nhưng ban giám khảo vẫn thừa nhận hay, giọng hò lạ, nên vẫn xếp giải. ở thôn Như Lệ có nhiều người biết hò và hò rất hay. Những cô thôn nữ duyên dáng của làng lần lượt theo chồng về xứ lạ mang theo giọng hò thương nhớ của quê hương nhưng không phát huy được ở quê chồng. Chỉ có những chị em ở lại quê hương bản quán, lấy chồng, sinh con, vẫn giữ được nét duyên của một thời trẻ trung sôi nổi, vẫn góp vui trong những lần hội làng, những đêm văn nghệ bằng điệu hò truyền thống của quê hương. Hiện nay ở Như Lệ có ba người từ tuổi sáu mươi lăm trở lên đã từng một thời đem giọng hò của xứ sở mình sánh cùng các giọng hò của những miền quê khác, đó là các mẹ: Ngô Thị Thời, Ngô Thị Huế, Ngô Thị Khuyến. Có lẽ từ dòng máu “văn nghệ” của mẹ Ngô Thị Thời  nên ba đứa con đều vào đời bằng nghiệp ca hát. Đó là ca sĩ Thu hằng ở Đoàn Ca kịch Thừa Thiên Huế, ca sĩ Kiều Như ở Đoàn ca nhạc Cung đình Huế, còn đứa con gái út Nguyễn Thị Bình cũng theo học ở Trường trung học Văn hóa nghệ thuật Huế. Con em của Như Lệ sinh ra trong điệu hò man mác của quê hương, lớn lên một chút lại được theo mẹ cha đến với những đêm văn nghệ đắm say, cứ thế, giọng hò nơi biền ngô, hói nước xanh trong của làng đã thôi thúc trái tim của nhiều cô gái đến với nghệ thuật ca hát. Nghệ sĩ Nhân dân hát tuồng Ngô Thị Liễu cũng là người con của thôn Như Lệ. Đến mảnh đất này, tìm hỏi những bậc cao niên về nguồn gốc giọng hò ở đây có tự bao giờ thì ai cũng chịu, vì khi họ lớn lên đã nghe các thế hệ đi trước cứ hò hát như vậy rồi. Và không thể tìm được người đầu tiên soạn ra điệu hò. Tất cả đã đi vào lòng người và lưu truyền trong dân gian.

Theo ông Nguyễn Nghiệm - người thôn Như Lệ, đã có một thời gian dài làm Chủ tịch xã Hải Lệ, nay đã nghỉ hưu thì, thời Pháp thuộc, Hải Lệ, Hải Lâm, Hải Phú thuộc xã lớn có tên gọi là Hải Thanh. Riêng thôn Như Lệ vẫn được giữ nguyên theo tên gọi ban đầu, cách đây khoảng năm trăm năm, trong khi có một số thôn khi chia tách xã lớn đã đổi sang tên gọi mới không giống ban đầu. Ngày xưa, giữa thôn Như Lệ có ba hồ nước trong veo, nhìn rõ đáy, có những cây sanh, cây bàng, cây đa cổ kính, vừa tạo ra sự linh thiêng, vừa tôn nghiêm vừa là vẻ đẹp độc đáo ở nơi đây. Ba hồ nước không bao giờ cạn. Dân cứ lấy nước ăn và sinh hoạt từ ba hồ nước của làng. Có lẽ nhờ nguồn nước ấy nên con gái Như Lệ da trắng, tóc dài, có nét đẹp duyên dáng khiến trai tráng từ nhiều nơi tìm về hò hẹn say như điếu đổ. Cũng chính vì thế ở Như Lệ mới có câu hò, thoạt nghe có vẻ như kiêu kỳ nhưng thực sự không ngoa chút nào:

Con gái Như Lệ bông ba, hoa lý

Con trai Nhan Biều năn nỉ chạy theo...

Nhan Biều là một làng của huyện Triệu Phong, nằm ở phía Bắc sông Thạch Hãn, đối diện với xã Hải Lệ. Nghe câu hò ấy, con trai Nhan Biều cũng như xã Triệu Thượng không những không tự ái mà trái lại càng thấy khoái, càng mạnh dạn hơn, trước ngoài sân sau lân vào nhà, quyết chinh phục cho bằng được cô gái mình thầm mong trộm nhớ. Bởi nếu không “liều lĩnh” như thế thì sẽ có chàng trai khác ngấp nghé ở bên ngoài, tiếc lắm... Con gái Như Lệ đẹp người đẹp nết, làm dâu xứ người đã xây dựng nhà chồng thịnh vượng, hạnh phúc, nết ăn nết ở mang tính gia phong của vùng đất đã thấm vào máu thịt, trở thành ý thức từng con người ở đây. Nhiều nơi khi nghe nói đến Như Lệ hay Hải Lệ, nghĩa là có chữ “lệ” thì đều nghĩ rằng: Lệ tức là nước mắt. Nhưng khi được nghe các cụ ở Như Lệ cắt nghĩa thì mới ngớ ra: Như cũng có nghĩa là Nguyên, Lệ phải theo đúng nghĩa người xưa đã đặt là: tục lệ, luật lệ, mỹ lệ. Như Lệ tức là: nơi giữ nguyên tục lệ của làng, của nước. Và trên thực tế, từ xa xưa cho đến nay, thôn Như Lệ là nơi có luật lệ nghiêm túc, có tôn ti trật tự, trở thành một nét đẹp văn hóa cộng đồng, ai ai cũng thừa nhận. Các dòng họ ở đây cũng răn dạy cháu con dù đi đâu về đâu cũng phải giữ được cốt cách của con người Như Lệ, giữ được gia phong truyền thống của dòng tộc.

Ngày nay, trong cuộc sống hối hả của nền kinh tế thị trường, các dòng nhạc của ta và của Tây đã về với nông thôn, đến tận những miền quê mà người ta cứ ngỡ sẽ còn rất lâu mới thay đổi được tư duy của con người. Thôn Như Lệ cũng ở chung trong dòng chảy của xu thế xã hội ấy. Tôi đã gặp mấy cụ già ở đây, nghe các cụ hò lại những câu ngày xưa, lúc các cụ còn ở tuổi chưa vướng bận chuyện chồng con. Thì ra, các cụ ngày xưa cũng khoáng đạt, đa tình, hò hát giao duyên thâu đêm suốt sáng. Mạch sống của mảnh đất này cứ trào dâng, tươi trẻ, tràn trề trong những câu hò đối đáp nam nữ còn vọng mãi với thời gian; bên nam buông lời ướm hỏi:

- Hỡi em ơi...

Mấy lâu ni anh mắc đi trùng Giang, bể Thánh

Khác chi con chim Phụng Hoàng lạc cảnh non tiên

Em ơi! Nghiêng tai cho anh hỏi thử thuyền quyên

Con Tùng bấy lâu nay còn theo phụ mẫu

Hay thầy với mẹ đã định hướng duyên nơi nào?

Bên nữ kín đáo lời thưa:

- Hỡi anh ơi!

mẫu hề cúc ngã, sanh hề cúc giã

Ai ơi, phụ mẫu sinh ngã cù lao

Em đây đương còn giữ trọn má đào.

Tu niềm tiết hạnh, cắm sào đợi anh...

Những vui buồn của cuộc sống, những cuộc tình trái ngang như vết đau lặn vào tâm khảm của những lứa đôi trong chế độ phong kiến xưa cứ lặng lẽ vang ngân qua giọng hò xa xót, giọng hò văng vẳng dọc triền ngô, hay giọng hát ru con giữa đêm thanh vắng, chỉ có những người tri kỷ tri âm mới hiểu cặn kẽ nỗi niềm lưu luyến, tiếc mong, đồng vọng giữa đất trời. Đêm khuya thanh lặng, tiếng một người vợ trẻ ru con, hay ru nỗi lòng trắc ẩn (?):

- (à...ơi) ngọn gió hiu hiu (ơ...ơ) thổi về bãi bể

Ngọn trăng kia đà vội xế non đoài

Một mình thiếp không biết than thở cùng ai

Trông cho (rồi) gặp bạn (à...ơ) để thở vắn than dài đôi câu...

Có tiếng hò đáp lại của người con trai, nhưng không phải là cung bậc tình yêu buổi đầu gặp gỡ, nghe gần lắm nhưng rất xa vời, như thầm trách, như cảm thông sâu sắc:

- (à ơi) ống quyển dài khen cho ai đà khéo thổi

Thả xuống giọng trầm nhiều nỗi mê man

Đêm nằm giấc điệp mơ màng

Nghe giọng hò ai yểu điệu (a ờ) như bạn cũ đông sàng ngày xưa...?

Nghe những người già ở Như Lệ say sưa hò lại những điệu hò thời xa xưa, mới hiểu được rằng: Loại hình văn nghệ dân gian này chỉ có sinh ra trên mảnh đất này, đã chia bùi sẻ ngọt với con người trong cuộc sống lao động, tình yêu, trong chiến đấu với giặc ngoại xâm. Thời giặc Pháp chiếm đóng, Như Lệ là quê hương cách mạng kiên cường. Giọng hò Như Lệ là tiếng tâm tình của người vợ, người yêu gọi  người thân về theo chính nghĩa:

- Nghe Bắc Bộ thắng to

Đồn gịăc thành tro thành khói

Cán bộ nhiều lần kêu gọi anh lui

Nay lần mai lửa, anh cứ lôi thôi

Anh ơi! Anh chớ theo giặc

Thêm một giờ thêm một tội

Phản lại kháng chiến

Phản lại giống nòi răng anh?

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước, đội văn nghệ của thôn Như Lệ đã góp sức mình bằng những lời ca, điệu hò địch vận xoáy vào tâm can những người lầm đường lạc lối. Giọng hò quê hương thân thuộc ấy chính là tiếng mẹ ru con, tiếng vợ ngóng chồng, tiếng xóm làng tha thiết chờ mong:

- Hò ơi!...

Ngày xưa, em tưởng rằng anh chung đầu cùng một gối

Không ngờ đâu bọn phản bội đã phỉnh phờ mua chuộc lòng anh

Chúng quyết đẩy anh lên trung Lào

Đày anh ra chiến trận, không được trở lui về với vợ, với con...

Giọng hò Như Lệ đi qua thời gian, làm đẹp thêm cung bậc cuộc đời. Giữa xô bồ cuộc sống, giọng hò ấy vẫn ngân vang một giai điệu riêng. Buồn vui của con người, của vùng đất đã in dấu qua mỗi điệu hò. Thuở nước mất nhà tan, giọng hò đau trong từng chữ từng câu. Thời đói khổ lầm than, điệu hò nghẹn lại giữa chừng, tức tưởi. Những ai có công sưu tầm giọng hò Như Lệ, chắc sẽ thấy rất rõ mỗi bước thăng trầm của xứ sở này qua từng mốc thời gian...

Tìm về với giọng hò Như Lệ, tôi đã gặp một Hải Lệ tươi xanh, đổi mới, lặng lẽ sinh sôi. Có một người, khi tôi tìm hiểu cuộc sống của người dân, tìm hiểu những điệu hò ngày xưa, anh đều nói vanh vách, cụ thể. Đó là anh Ngô Hữu Truyện, Bí thư Đảng ủy xã - là người con của thôn Như Lệ. Chính anh Truyện là em của mẹ Ngô Thị Thời mà tôi đã gặp và nghe mẹ hò. Anh Truyện còn hẹn với tôi rằng: Đến khi vào giữa vụ ngô sẽ mời nhạc sĩ Lê Anh (tất nhiên không thể vắng tôi) cùng ăn ngô luộc, đi đò trên sông Thạch Hãn đêm trăng sáng để được nghe giọng hò Như Lệ, nghe hơi thở của mạch nguồn Non Mai ngai ngái phù sa.

Từ “Giọng hò thương nhớ” của nhạc sĩ Lê Anh, tôi về với giọng hò Như Lệ. Lần đầu tiên tôi đến với mảnh đất này. Cái giọng hò nhớ nhớ thương thương ấy quyện chặt hồn tôi. Và... những biền ngô xanh ngăn ngắt bên dòng sông Thạch Hãn mang lời của gió thì thầm như níu giữ bước chân người. Vang vọng mãi trong lòng tôi giọng hò từ vùng quê thương nhớ:

(Hò ơ ơ...) Nhớ về Hải Lệ ai ơi

Có dòng Thạch Hãn, bãi bồi ngô non

Đâu đây võng tiếng ru con

Điệu hò Như Lệ vẫn còn (ơ...hơ...) vấn vương...

L.N.H

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 144 tháng 09/2006

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground