Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Mai - Một nhà báo tài năng của quê hương Quảng Trị

Lâu nay, chúng ta biết nhiều, nhớ đến Vĩnh Mai với tư cách một nhà hoạt động chính trị, một cán bộ lãnh đạo văn nghệ, một nhà thơ sôi nổi có những dấu ấn rất riêng trên văn đàn Việt Nam những năm đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng ít ai hay ông còn là một nhà báo cách mạng đầy tài năng, giàu bản lĩnh và sáng tạo, một nhà báo dấn thân, yêu nghề say đắm hơn mọi thứ mà mỗi câu chữ ông viết ra “chắc nịch như con trâu tơ” thấm đẫm nỗi lòng của người cách mạng trước vận mệnh của dân tộc, trước thời cuộc khó khăn và đổi thay của đất nước.
 

Nhà báo Vĩnh Mai tên thật là Nguyễn Hoằng, theo gia phả thì ông sinh năm 1916 (nhưng lý lịch lại khai năm 1918) trong một gia đình nho học bậc trung ở thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông là người nhiệt thành yêu nước rất sớm. Khi còn thụ giáo tại trường Quốc học, ông đã tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào của Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế. Năm 1936, ông đỗ Tú tài. Từ đó ông bắt đầu con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp của một trí thức. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 9 - 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở Huế, sau đó đày đi nhà tù Buôn Ma Thuột vì tội “hoạt động cộng sản” cùng với nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác.

Vào cuối tháng 3 - 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, trong một hoàn cảnh “lỏng lẻo của kẻ thù” ông nhanh chóng thoát khỏi nhà ngục Buôn Ma Thuột; theo sự phân công của chi bộ nhà tù, ông về hoạt động trong tổ chức Việt Minh của tỉnh Phú Yên; sau đó lại có lệnh điều ông trở ra Huế. Nhiều tài liệu đã công bố cho biết, có giai đoạn Vĩnh Mai làm Bí thư Thị ủy Thuận Hóa (tức thành phố Huế sau này). Cuối năm 1947, Xứ ủy Trung Bộ điều ông ra nhận công tác ở Quảng Trị, được chỉ định vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Vĩnh Mai trực tiếp phụ trách Ty Thông tin Tuyên truyền Văn nghệ và Báo chí…

Theo hồi ký Tết trong tù của Vĩnh Mai thì ông bắt đầu học làm báo khi còn ở nhà đày Buôn Ma Thuột. Làm báo trong điều kiện thiếu thốn trăm thứ, lại bị bọn cai ngục luôn rình rập và sẵn sàng nhảy vào xử lý tù nhân nếu chúng cảm thấy nghi ngờ “có chuyện”. Mặc cho giam cùm tù tội, các chiến sĩ cách mạng vẫn bí mật tổ chức xuất bản tờ báo viết tay lấy tên “Vịt đực” làm tài liệu tuyên truyền. Có thể nói chỉ ở Việt Nam mới có những tờ báo ra đời như thế. Và mặc dù chỉ một giai đoạn ngắn “học làm báo ở trong tù”, nhưng có lẽ “cái thú” của nghề báo “bắt đầu thấm vào Vĩnh Mai như một định mệnh đeo đuổi ông suốt đời”.

Trở lại với Huế, với miền sông Hương núi Ngự, với những gì từng gắn bó tuổi trẻ và chỉ gần hai năm thôi, ông được giao nhiệm vụ vừa làm công tác chính trị, vừa là chủ bút tờ nhật báo Quyết Chiến, cơ quan của Thành bộ Việt Minh Thuận Hóa. Tờ báo này ra số 1 vào ngày 27 – 8 - 1945, mỗi số có hai trang khổ A3, thi thoảng ra số đặc biệt hay phụ trương. Theo nghiên cứu của chúng tôi, đến đầu tháng 12 - 1946, tờ Quyết Chiến xuất bản được gần 400 số. Đây là tờ nhật báo đầu tiên của cách mạng được xuất bản ở miền Trung (có thể sớm nhất của cả nước) ra sau ngày ta giành chính quyền ở Huế. Nhật báo Quyết Chiến có nhiều chuyên mục, đa dạng về bài vở, phong phú về nội dung, cập nhật thông tin trong nước và quốc tế rất kịp thời; lại có cả phần văn nghệ, thơ, truyện ngắn, vui cười...

Thời bây giờ, với một người được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm hay Tổng Biên tập một tờ báo - nhất là nhật báo, vì lý do khách quan và vì quá bận bởi công việc quản lý thì rất ít khi bị tòa soạn giao “bắt buộc” phải viết bài. Nhưng với Vĩnh Mai, vào giai đoạn đất nước còn khó khăn ấy, ông không những là nhà hoạt động chính trị - Bí thư Thị ủy, làm chủ bút, đôi bữa lại sắm vai thầy giáo đi giảng bài cho các lớp huấn luyện cán bộ các đoàn thể do Xứ ủy triệu tập từ các nơi trong xứ về Huế học; mà ông còn hoạt động tích cực dưới vai trò một phóng viên năng nổ, nhanh nhạy, nắm bắt vấn đề mau lẹ; thông thạo Pháp văn và triết học phương Tây nên ông viết bài rất nhanh.

Đọc lại nhiều số báo Quyết Chiến, tôi rất ngạc nhiên và tự đặt câu hỏi: “Không biết Vĩnh Mai viết báo vào lúc nào?” mà gần như mấy chục số liền đều thấy bài của ông đăng liên tục, nhiều số đăng hai đến ba bài. Mỗi bài được ông viết theo một thể loại: Bình luận, ghi chép, tường thuật, phản ánh, tin nhanh, châm biếm. Dù viết nhiều thể loại để in trên một số báo nhưng mỗi bài đều có giọng văn riêng không trùng lặp, tôi thích thú đọc say sưa những bài báo ấy của Vĩnh Mai đã “ngủ quên” suốt bảy mươi năm, giờ thì theo tôi, đến lúc phải thức dậy.

Cái nhanh nhạy trong cách làm báo của Vĩnh Mai là biết chắt lọc sự thật nguồn tin, trung thực với thông tin, sự kiện chính trị, văn hóa, viết ngắn và nhanh chóng cho công bố trên Quyết Chiến. Đúng như ai đó nói rằng “Nhà báo là người làm tuyên truyền, người chép sử hàng ngày”. Vĩnh Mai là người như thế. Nhờ vậy mà rất nhiều tư liệu quý như sắc lệnh, chỉ thị, thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào miền Trung và cả nước cũng như đồng bào cả nước gửi tới Người lúc ấy đều được Quyết Chiến cho công bố kịp thời, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trước những tình hình chiến sự diễn biến phức tạp, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Cả dân tộc phải nhất tề đứng lên kháng chiến. Cuối năm 1947, Vĩnh Mai được Xứ ủy điều động ra Quảng Trị, trở về quê hương công tác. Với chút ít kinh nghiệm sẵn có từ những ngày còn làm báo ở Huế, ông nhanh chóng cho tổ chức xuất bản tờ báo Tiếng Vang bằng chữ Việt và một tờ Echos (cũng là Tiếng Vang) bằng chữ Pháp. Ông còn giúp cho lực lượng vũ trang Quảng Trị ra tờ Người Lính

Tháng 3 - 1948, Vĩnh Mai làm Đoàn Trưởng Văn nghệ của Quảng Trị ra dự Đại hội lần thứ nhất để bàn việc thành lập Đoàn Văn nghệ kháng chiến khu Bốn, họp tại Thanh Hóa. Đại hội đã bầu Vĩnh Mai vào Ban Chấp hành phụ trách văn nghệ của khu Bốn tại Quảng Trị, nhà thơ Lưu Trọng Lư phụ trách Thừa Thiên, nhà thơ Dương Tử Giang phụ trách Quảng Bình. Đấy cũng là lý do mà năm sau nhóm Văn nghệ Nguồn Hàn ra đời do Vĩnh Mai trực tiếp tổ chức theo chủ trương của Đoàn Văn nghệ kháng chiến khu Bốn.

Từ cuối năm 1949 đến giữa năm 1954, Vĩnh Mai chuyển ra Thanh Hóa, công tác ở Tuyên huấn Khu ủy rồi phụ trách Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác và Chi hội Văn nghệ Liên khu Bốn. Tuy đơn vị công tác mới nhưng vẫn là cơ quan “có nhiều duyên nợ” và gần gũi với báo chí.

Từ năm 1961 cho đến khi nghỉ hưu 1981, Vĩnh Mai về nhận công tác ở Tuần báo Văn nghệ, với chức trách là Trưởng ban thơ. Cái ghế Trưởng ban thơ nhưng không phải ban “ăn rồi đi tổ chức làm thơ” như mọi người suy luận, mà là ban thơ của một tờ báo văn chương nổi tiếng nhất Việt Nam. Nghĩa là ông vẫn là người làm báo đích thực, người tổ chức thẩm định và cho đăng những bài thơ hay trên Tuần báo Văn nghệ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam suốt hai mươi năm cuối cuộc đời.

Sau Cách mạng Tháng Tám, có ba người con của quê hương Quảng Trị trực tiếp phụ trách ba tờ báo lớn ở Huế. Đó là nhà báo Lê Chưởng với tờ Quyết Thắng của Xứ ủy, nhà báo Đỗ Hữu Phú với tờ Reo của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ và Vĩnh Mai với tờ Quyết Chiến của Thị ủy Thuận Hóa. Nhờ những gì báo chí bấy giờ để lại mà chúng ta có tư liệu hiểu thêm về những sự kiện lịch sử sau Cách mạng Tháng Tám và những ngày đầu cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai.

Nhà báo Vĩnh Mai sinh ra bên dòng sông Thạch Hãn, nhiều năm học và sống bên dòng sông Hương thơ mộng. Ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng từ Huế, làm báo nổi tiếng cũng từ Huế. Gặp người yêu Phương Chi rồi thành vợ cũng từ những buổi lên lớp ở Huế… Để rồi rong ruổi mấy chục năm qua bao nhiêu vùng miền đất nước theo nhiệm vụ của Đảng, cuối cùng khi đã nhẹ nhàng siêu thoát, ông trở về yên nghỉ bên chân đồi Từ Hiếu, nơi có ngôi chùa cũng do một vị Hòa thượng quê hương Quảng Trị lập nên. Trong sâu thẳm của tiếng chuông chiều Từ Hiếu, hình như ông muốn được gần hơn với những Thái Phiên, Trần Cao Vân và nhiều đồng đội khác nữa đang yên nghỉ vĩnh hằng tại chốn này.

 

Rất khó có thể khái quát vài dòng về một nhà báo cách mạng tài năng như Vĩnh Mai. Những gì tôi nghiên cứu về ông, nghĩ về con người ông thông qua những gì ông để lại, tôi thấy rằng đây là một con người thông minh, yêu nước chân chính, con người luôn có những suy nghĩ độc lập, tư duy luôn mới, một con người trọn đời đi theo lý tưởng mà mình đã chọn, suốt đời chung thủy với Hồ Chí Minh. Một nhà báo đầy tài năng và có nhiều cống hiến đối với nền báo chí cách mạng.

D.P.T

 

DƯƠNG PHƯỚC THU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 249

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground