Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vui thú bài chòi

V

ui xuân có nhiều trò chơi thật cuốn hút. Đua thuyền, đánh vật, đấu võ, kéo co, cướp cù, đánh đu, chơi cờ tướng (cờ người)... Mỗi chốn quê có một thú vui riêng. Bài chòi là thú ham mê của nhiều miền quê Quảng Trị. (Ở Liên khu 5 chơi bài chòi rất phổ biến. Bởi thế điệu bài chòi tấu lên thành làn điệu khá riêng biệt của Liên khu 5).

Trên một khoảng đất rộng, người ta dựng hai dãy chòi đối diện cách nhau chừng mười lăm đến hai mươi mét. Mỗi bên 5 cái. Bốn chung quanh phải có chỗ thoải mái cho người đứng xem. Chòi cao chừng ba, bốn mét làm sao cho người chạy bài dưới sân vừa tầm tay với lấy thẻ bài, người đánh ngồi trên chòi trao cho; Chòi có làm bậc thang lên xuống chắc chắn và ván lát, chiếu trải bằng phẳng tử tế. Một bó thể sáu mươi chiếc bằng tre hình như thể chiếc chèo thu nhỏ, đầu bản chèo dán giấy ghi tên và hình vẽ các con bài những là Ông Ầm, Đỏ Mỏ, Noọc Đượn, Bạch Tuyết, Lá Liễu, Thất Giọn, Lục Chuông, Ngũ Trưa, Bát Bồng, Nghèo, Gà, Thưa, Dày Rún.v.v... bằng mực tàu màu son, màu đen. Sáu mươi con bài chia làm ba mươi cặp cho hai bên. Người làm trọng tài (Ban tổ chức) lăn, xáo con bài trên mặt bàn rồi rẽ làm hai phần; mỗi phần chia làm năm suất (cho 5 chòi) cho vào chiếc ống, mỗi ống sáu thẻ (kiểu như chia bài tu-lơ-khơ). Người chơi không kỳ mọi đối tượng: Đàn ông, đàn bà, trẻ già, trai gái - ham thích nhất là các bà, các mẹ, các chị - mỗi người tham gia chơi góp vào một định suất năm, ba tiền, hoặc năm, mười đồng bạc Đông Dương (tiền ngày xưa), mươi, mười lăm ngàn đồng tiền ngày nay, tùy quy định của Ban tổ chức; xong léo lên chòi ngồi. Ngồi chòi nào cũng được. Trên mỗi chòi có một chiếc mõ trẻ. bầu không khí sân chơi luôn rộn rã tưng bừng. Trống đánh, sáo thổi, kèn thúc, mõ réo.

Người chạy xướng bài giữa sân khác nào một diễn viên hài trên sân khấu. Trò chơi vui ít, vui nhiều, náo nhiệt, sôi động hay tẻ nhạt, trầm lắng phần quan trọng là ở vai trò thông minh, nhạy cảm, năng động sáng tạo của người này. Phải có hai ba người để thay đổi nhau.

Khi trên chòi đã có đủ mười địch thủ sẵn sàng tư thế thì trò chơi bắt đầu. Thoạt tiên mấy người chạy bài đặt các ống thẻ lên chiếc khay rước dâng lên cho từng chòi một. Trên chòi ai cũng đã nhận được ống thẻ, người chạy xướng bài dưới sân hát hò múa may gì đấy để giới thiệu mình là người thực thi nhiệm vụ, phục vụ hội chơi. Anh ta sẽ rút một thẻ bài của bất kỳ chòi nào đó giơ cao, lên giọng xướng. Chẳng hạn anh ta xướng: "Hai bên lẳng lặng mà nghe, ông Âm đi chợ mà Kè mụ mô! Mụ mô, mụ mô, mụ ở lộ (1)  mô?... Như thế có nghĩa con bài anh ta vừa rút khai cuộc là con Âm. Những người chơi bài đã kiểm tra xem trong ống thẻ của mình có những con gì ngay từ khi vừa được nhận ống. Nghe xướng "Ông Âm đi chợ", trong ống thẻ chòi nào có con Âm tức thì cốc cốc cho tiếng mõ vang lên đáp báo. Người chạy xướng bài liền múa may nói những lời ngẫu hứng mà chạy đến chòi có con Âm. Người trên chòi sẽ trao cho anh ta con Âm thứ hai mình có và  đi kèm theo một con bài khác nữa. Giây phút tò mò chờ đợi háo hức của cả hội chơi là ở đây. Người xướng bài sẽ chưa vội mà công khai ngay tên con bài mới. Anh ta cứ bước năm, bước ba, hướng xuôi, hướng ngược, đọc, nói pha trò những lời lẽ, vần điệu có liên quan đến nó. Chẳng hạn nó là con Đỏ Mỏ, anh ta sẽ tua lua một dãy: "Mụ Gà, mụ Rim, Thất Giọn, Lục Chuông, Lá Liễu, Bát Bồng, nói không thành có là con Đỏ Mỏ, Đỏ Mỏ đây rồi; Đỏ Mỏ mi ơi..." Rồi bỗng dừng chân, giơ cao con bài xướng to: Đỏ Mỏ, nào nào Đỏ Mỏ. Đỏ Mỏ lộ mô?" Anh ta vờ dõng tai, lắng nghe và hướng phía chòi có tiếng mõ đáp báo vừa chạy tới vừa reo: "Đây đây, xin co mổ  gia, nghe tiếng mõ la, là ta có mặt...". Anh ta lại được người trên chòi trao cho con Đỏ Mỏ, kèm theo một con bài khác. Lại cầm con bài mới trong sự hồi hộp chờ đợi của mọi người anh ta đọc, nói làm hề...

Như kiểu đánh bài tới, ván bài chòi cứ thế mà loại dần. Khi ống thẻ của ai đó còn hai con bài thì không đánh nữa chỉ ngồi chờ tới, có ván bài rất lâu tới, thậm chí còn bị thối nữa. Bởi nhiều người còn hai con, ai cũng ngồi chờ, lộn tới lộn lui không còn con bài trùng, thế là không ai tới được cả. Nhưng cũng có ván bài tới rất nhanh. Ấy là hạn hữu ai đó có mấy vòng lộn đều trúng bài mình, đi được cả, còn hai con bài chờ lại may mắn được kêu trúng nữa, thế là tới.

Khi chòi ai đó gặp bài tới, tức tui vui mừng sung sướng, tiếng mỏ liên hồi cốc cốc vang lên. Một người bưng chiếc khay trên đặt phần thưởng (ngang với suất tiền đã xuất đặt ống thẻ) đưa cao ngang đầu, theo trước theo sau, cờ rước, trống đánh, kèn thổi, lân múa, ông địa tung tăng thủng thỉnh đi đến và trân trọng dâng lên cho chiếc chòi có người thắng cuộc; Lại cắm cho một lá cờ nheo trên chòi nữa để xem trong hội chơi có chín trận, ai đánh được nhiều lá cờ. Mở ngoặc tí để nói một hội có mười suất đặt sao chơi 9 trận? Ấy là dành lại một suất để làm kinh phí chi chung cho cả cuộc chơi.

Thuần phác, giản dị thế thôi mà thú bài chòi thật có sức thu hút. Dù là chơi nhưng đã là trò "thua được" thì cần đến đầu óc tính toán, động não. Tương tự tu-lơ-khơ và tiến lên, các con bài trên tay đều bí mật, nhưng những con đã xuất hiện buộc người chơi phải vắt óc tính toán, tiếp theo nên đi nước bài nào thì sẽ chặn được hoặc lấn nước đối phương... Lại còn chuyện gian lận nữa. Có một nhóm nào đó bí mật quy ước ký hiệu các con bài để ra dấu cho nhau. Chẳng hạn Ông Âm thì vờ vuốt ngược tóc; Bạch Tuyết thì nheo nheo mắt, Đỏ Mỏ thì lắc lắc đầu, Lục Chuông thì khẽ vỗ hai bàn tay.v.v... Bên này "đồng mưu" đang chờ bên kia "chiến hữu"  đến lượt đi họ trông sang, kín đáo ra dấu cho nhau. Hễ bên kia có con bài đúng ký hiệu trong tay là kẹp vào ngay cho bên tới.

Trong ba mươi cặp bài, con nào có tên gì đều có hình vẽ tượng hình con ấy. Chẳng hạn con Âm vẽ hình ông người tướng mạo có vẽ dữ tợn và luôn bằng màu son đỏ; Con Nghèo thì lêu đêu, khẳng khiu như sếu như cò con Gà hình vẽ con gà con Rún hình vẽ con Rún... Có hai con bài độc đáo đó là Bạch Tuyết và Noọc Đượn. Bạch Tuyết vẽ hình ngọn lá nhưng luôn hàm ý cái "hoa" rất quý hóa ấy của các bà các chị. Đối lại, con Noọc Đượn, không dấu được vẽ in hình "bộ sậu" kín đáo nhất của giới mày râu. Những người mê thích bài chòi đều rất quen thuộc gốc gác hai "anh chị" này. Một khi ống thẻ ai đó có cả Noọc Đượn lẫn Bạch Tuyết, có cơ hội, muốn cho cả làng cả nước được phen khoái chí, sôi sục hò reo, họ không ngần ngại kẹp hai "Anh chị" vào nhau mà trao cho người xướng chạy bài "rêu rao" công bố. Anh diễn viên hài sân khấu rõ đã vớ được cơ trổ tài,  anh có thể nhảy nhót, quay cuồng và xướng lô tô: "Lẳng lặng mà nghe, cái vè Bạch Tuyết, đẹp như mặt nguyệt, chẳng kém nàng tiên, thế mà... gặp trai theo liền, theo anh Noọc Đượn! Ơ hớ hơ... Gái lẳng trai lơ là anh Noọc Đượn! Noọc Đượn! nào ai có thêm anh Noọc Đượn nữa để gả luôn một gái hai chồng nào!...". Quả nhiên đồng loạt rào lên, vang động những trận cười. Trai gái được dịp ngả nghiêng, xô đẩy trêu chọc nhau đỏ mặt tía tai, sượng sùng e thẹn...

Bài chòi, trò chơi đậm màu dân dã. Nó không cầu kỳ, khe khắt, luật mẹo rườm rà. Vừa thưởng thức không khí vui vẻ tết vừa chơi. Trên một chiếc chòi có  khi cả nhà cùng kéo nhau ngồi lên đó. Bà mẹ vừa quệt trầu nhai vừa quán xuyến quân bài ngẫm ngợi từng đường đi nước bước. Ông bố dựa cột chòi cuốn thuốc lá hút. Con cái người cầm ống thẻ chờ đợi, người quan sát cử động bốn chung quanh. Lũ trẻ tranh nhau cầm đùi mõ sẵn sàng cốc cốc cho nó nhộn nhịp, giòn giã, vang vang. Chơi bài chòi tuy phải xuất đặt tiền, có ăn có thua, nhưng không mang tính "sát phạt". Người ta hầu như không quan tâm đến chuyện tiền nong; có chăng là để xem mình hơn, kém người khác, mấy lá cờ nheo, để rồi cuộc chơi còn có thể Ban tổ chức trống đánh kèn thổi mà rước dâng cho phần thưởng.

Bài chòi không kéo dài qua ba ngày tết. Xong tết cũng là hết bài chòi. Trên bãi đất vừa hôm qua còn nhộn nhịp tưng bừng, hôm nay trống không, ngày vui qua mau để lại những nỗi niềm luyến tiếc, đợi chờ.

N.T.H

Nguyễn Trung Hữu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 89 tháng 02/2002

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

35 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground