Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vườn đào kết nghĩa trên quê hương Quảng Trị

Cho đến nay chắc không mấy người biết rằng trên quê hương Quảng Trị của chúng ta từng có những tổ chức hoạt động bí mật hưởng ứng phong trào Cần Vương, chống thực dân Pháp mang cái tên bán công khai là Vườn Đào Kết Nghĩa.

Vườn đào kết nghĩa là điển tích xuất xứ từ tiểu thuyết lịch sử Tam quốc chí của La Quán Trung nói về việc ba nhân vật hào kiệt là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi kết nghĩa anh em, thề đồng sinh đồng tử, đánh giặc Khăn Vàng, tôn phù nhà Hán. Giới sĩ phu yêu nước đương thời ở quê ta mượn điển tích nầy để nêu cao tinh thần trung quân ái quốc khi đất nước đang bị giặc Pháp giày xéo.

Nhà thờ Chi Nhất A - Họ Hoàng Bích Khê từng được Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính sử dụng làm Vườn Đào Kết Nghĩa. Nhà thờ này đã bị bom đạn huỷ diệt trong chiến cuộc 1972. Nay đã được thay thế bằng từ đường mới trên nền đất cũ - Ảnh: T.L

Nhà thờ Chi Nhất A - Họ Hoàng Bích Khê từng được Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính sử dụng làm Vườn Đào Kết Nghĩa. Nhà thờ này đã bị bom đạn huỷ diệt trong chiến cuộc 1972. Nay đã được thay thế bằng từ đường mới trên nền đất cũ - Ảnh: T.L

Vườn đào ở đây là những nhà vườn có trồng cây đào - loại cây để ăn trái (còn gọi là cây mận, cây roi) chứ không phải là cây hoa đào vì thổ nhưỡng nước ta từ miền Trung vào Nam Bộ không thích hợp với loài hoa này. Những nhà sáng lập và lãnh đạo Vườn Đào Kết Nghĩa thường chọn một khu nhà vườn có mặt bằng thoáng mát, địa hình thuận lợi để họp mặt - công khai thì xướng họa văn chương thi phú mà bí mật thì bàn chuyện quốc sự. Đằng sau những câu thơ, chén rượu cuộc cờ của kẻ sĩ phong nhã còn có sự xuất hiện kín đáo của những người nghĩa dũng, những phụ nữ tần tảo lo khâu hậu cần phục vụ chồng con em làm việc lớn.

Theo các tài liệu sưu tầm được thì ở Quảng Trị từng có ít nhất là 6 Vườn Đào Kết Nghĩa sau đây:

- Vườn Đào ở làng Tường Vân - Triệu Phong của cụ Lê Thế Vỹ - thân phụ của hai nhà cách mạng tiền bối là Lê Thế Hiếu và Lê Thế Tiết.

- Vườn Đào ở làng Sơn Nam - Cam Lộ của cụ Nguyễn Khóa Bảo (Nguyễn Hữu Đồng).

- Vườn Đào làng Linh Yên - Triệu Phong của Đề đốc Nguyễn Thành Đốc. Về sau vị đại quan này bị giặc Pháp xử trảm ở bãi bồi làng Nhan Biều -Triệu Phong.

- Vườn Đào làng Bồ Bản - Triệu Phong của cụ Ấm Muộn.

- Vườn Đào làng Bích Khê - Triệu Phong của Hoàng Giáp Hoàng Hữu Bính.

- Vườn Đào làng Mai Xá - Gio Linh của cụ Tú tài Trương Quang Cung.

Như trên đã nói, những Vườn Đào nói trên có thể xem là chân rết của phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi hiệu triệu và hai vị đại quan yêu nước, chủ chiến là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chủ trì đại cuộc. Phong trào nầy khởi đầu với việc vua Hàm Nghi ban hịch đánh Tây tại căn cứ Tân Sở (Cam Lộ - Quảng Trị) ngày 13/7/1885. Suy ra niên biểu hoạt động của các Vườn Đào ở Quảng Trị cũng bắt đầu từ thời điểm nầy. Mỗi Vườn Đào có một thủ lãnh riêng, hoạt động độc lập, chỉ kết nghĩa chứ không bị lệ thuộc vào Vườn Đào khác.

Trong số các thủ lĩnh, nhân vật có danh vọng cao nhất là Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính (còn gọi là Hoàng Bính - 1857 - 1900) của Vườn Đào Bích Khê. Ông đậu thủ khoa của khoa thi đình năm Kỷ Sửu (1889) được khắc tên vào bia đá ở khu Văn Thánh và ở Ngọ môn Huế. Năm 1891, ông được bổ nhiệm làm Tri phủ Tuy An (Bình Định). Nhưng chỉ làm quan được một năm, ông không chịu nỗi sự chèn ép của người Pháp. Trong một lần giao tiếp với viên Công sứ Pháp, bị nó xúc phạm, ông đã ném cái ghế vào tên quan hỗn xược ấy rồi tự ý bỏ chức quan, đi đường bộ về Huế chịu tội với triều đình. Từ đó ông ghét lũ Tây dương đến độ không cho chụp hình, không chịu chích thuốc Tây khi đau ốm (Cũng giống như nhà Nho Nguyễn Đình Chiểu ở Nam Bộ, ghét Tây đến nỗi không thèm dùng sản phẩm của Tây là cục xà bông để tắm giặt).

Ở vùng Quảng Trị từng có câu hát:

Trái đào non rơi ngoài vườn hạnh

Chàng ơi chàng chàng định mần răng?

Vườn đào kết nghĩa trăm năm

Hỏi người quân tử đục trong lẽ nào?...

Bia và chữ khắc trên bia Tiến sĩ của Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính - Ảnh: T.L và Vài trang thủ bút của Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính - Ảnh: T.L

Bia và chữ khắc trên bia Tiến sĩ của Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính - Ảnh: T.L và Vài trang thủ bút của Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính - Ảnh: T.L

Những câu trên không chỉ là lời hát ru con mà còn ngụ ý thăm dò, thả thính để tìm người bạn đời đồng tình, đồng chí. Quả thực đã có không ít mối lương duyên chính trị kết hợp từ các tổ chức Vườn Đào. Ông Hoàng Hữu Bính có người trưởng nữ là bà Hoàng Thị Đường. Từ mối quan hệ kết nghĩa với Vườn Đào Mai Xá, ông Bính gả bà Đường cho ông Trương Quang Dự, con trai của Tú tài Trương Quang Cung, thủ lãnh Vườn Đào Mai Xá. Họ Hoàng Bích Khê cũng vừa kết nghĩa Vườn Đào vừa kết tình thông gia với họ Lê của cụ Lê Thế Vỹ ở làng Tường Vân. Rồi từ làng Tường Vân, cụ Lê Thế Vỹ lại liên lạc với cụ Khóa Bảo để vừa kết tình thông gia vừa phát triển thêm Vườn Đào ở làng Sơn Nam - Cam Lộ.

Đặc biệt, Vườn Đào ở làng Mai Xá thường họp mặt vào dịp đầu Xuân nên còn có danh xưng là Mai vàng tụ nghĩa Cần Vương. Bấy giờ, trong làng có ông Trương Quang Đông, đi lính Cần Vương, được phong hàm bát phẩm. Hàng đêm, cả nhà ông tự nguyện nấu cơm, vắt thành hàng trăm vắt nhỏ trộn muối mè để phát cho những người đang đánh giặc.

Sau khi ban hịch Cần Vương, vua Hàm Nghi và đoàn tùy tùng đã bôn ba gần khắp tỉnh Quảng Trị. Những nơi có dấu chân của nhà vua đi qua, thường mọc lên những Vườn Đào Cần Vương. Vì vậy số Vườn Đào ở Quảng Trị chắc phải còn nhiều hơn chứ không hẳn chỉ có 6 vườn nói trên. Năm 1888, vua Hàm Nghi bị tên Trương Quang Ngọc phản bội, bắt giao cho Pháp. Nhưng phong trào Cần Vương với hàng loạt cuộc khởi nghĩa võ trang vẫn dấy lên ở khắp ba miền đất nước.

Năm 1896, giai đoạn 2 của phong trào Cần Vương coi như kết thúc với sự tan rã của nghĩa quân Phan Đình Phùng, Cao Thắng ở Hương Khê. Năm 1916, vua Duy Tân ngự giá đi nghỉ mát và câu cá ở Cửa Tùng. Nhân dịp nầy, một số thành viên Vườn Đào bấy giờ đã chuyển sang hoạt động trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội liên lạc với vua để chuẩn bị cùng các lãnh tụ Thái Phiên, Trần Cao Vân lo việc khởi nghĩa. Sau đó lịch sử chuyển mình qua những cuộc vận động mới - Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội rồi Đảng Cộng sản ra đời. Sự thực là cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta chưa khi nào ngừng nghỉ, thoái trào trong dòng chảy lịch sử.

Trong dòng chảy ấy, hậu duệ của các lãnh tụ Vườn Đào Kết Nghĩa vẫn tiếp tục truyền thống yêu nước của tiền nhân. Các dòng họ lớn của Vườn Đào đều xuất hiện những chiến sĩ cộng sản xuất sắc như: các đồng chí Trương Quang Phiên ở Mai Xá, Lê Thế Hiếu ở Sơn Nam, Hoàng Thị Ái, Hoàng Hữu Huy ở Bích Khê...

Ngày nay tuy chúng ta không còn tìm được nhiều tư liệu về tổ chức và hoạt động của các Vườn Đào Kết Nghĩa Cần Vương ở Quảng Trị nhưng hãy tin rằng trong khí thiêng của Non Mai sông Hãn hẳn phải có một phần chính khí Vườn Đào mà các bậc sĩ phu tiền bối đã lưu truyền cho con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác, vẫn còn mãi đến bây giờ và mai sau.

                                                                                   H.P.N.P

Hoàng Phủ Ngọc Phan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 326

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

3 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

9 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground