Đã hơn ba mươi năm trôi qua, bao nhiêu hình ảnh về Đông Hà ngày đó vẫn còn in đậm trong ký ức. Cái thị xã nhỏ bé nằm bên dòng sông Hiếu hiền hòa lúc đó còn rất nghèo và trông xơ xác lắm. Cả thị xã hầu như chưa có tòa nhà cao tầng nào, đường sá nhỏ hẹp, chủ yếu là đường đất, mùa hè bụi bay mù mịt. Tôi ở nhà bà con để đi dạy. Với chiếc xe đạp cọc cạch, mùa hè liêu xiêu trên từng con dốc dưới cái nắng chang chang và gió Lào thổi như xô cả xe lẫn người. Ngày đó tôi thường đi qua đường Hùng Vương, đường Nguyễn Trãi và ngày nào cũng ngang qua Lô cốt Đông Hà, một chứng tích thời chiến tranh còn sót lại. Lô cốt như một điểm cao nhất ở Đông Hà lúc đó. Tôi còn nhớ các em nhỏ thường đến đây chơi đùa, chúng tập trung quanh lô cốt, nào là đánh trận giả, trốn tìm, có đứa buổi trưa còn nằm ngủ trong lòng lô cốt, mặc cho cái nóng như thiêu của những ngày hè cháy bỏng. Mỗi lần đi dạy về, tôi thấy các em lại tập trung ở đây chơi, ngồi vắt vẻo trên nòng pháo, nòng xe tăng...
Đông Hà ngày đó trong tôi còn có hình ảnh thân thương của Trường Thực Nghiệm Đông Hà, một ngôi trường nhỏ bé nằm bên cạnh Chùa Đông Hà, vốn một thời được mọi người biết đến là trường duy nhất của tỉnh giảng dạy theo Chương trình Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Tôi đã gắn bó với ngôi trường ấy 19 năm. Nếu ai quan tâm đến giáo dục Đông Hà thời đó thì hẳn biết về Trường Thực Nghiệm Đông Hà. Trường chỉ có mấy lớp học, song các em học sinh được học một chương trình được xây dựng rất khoa học, với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Câu khẩu hiệu “Đi học là hạnh phúc” cũng đã quen thuộc với thầy trò từ những ngày đó. Lớp học sinh của Thực Nghiệm bây giờ cũng đã trưởng thành, có nhiều em thành đạt trên nhiều lĩnh vực khác nhau và luôn tự hào về ngôi trường đặc biệt ấy….
Hình như tôi nhớ không nhầm thì năm 1991 là năm đánh dấu rất nhiều dấu mốc quan trọng về sự chuyển mình đi lên của cái thị xã nhỏ bé. Chợ Đông Hà cũng được khởi công xây dựng với quy mô là một trong những chợ lớn nhất của miền Trung, cầu Đông Hà cũng được xây dựng lại từ năm đó cùng với việc mở rộng quốc lộ 1A. Rồi năm 1993, di tích Lô cốt Đông Hà cũng được phá dỡ để mở rộng những tuyến đường huyết mạch của thành phố Đông Hà ngày nay. Những công trình hạ tầng quan trọng của Đông Hà được lần lượt mọc lên từ mảnh đất khô cằn ấy.
Lô cốt Đông Hà năm 1990- Ảnh: Hồ Thanh Thoan
Những đổi thay của Đông Hà thực sự nhanh chóng, đặc biệt từ khi Đông Hà được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2009. Bây giờ du khách muôn phương đến Đông Hà sẽ ngỡ ngàng về một thành phố trẻ đang phát triển từng ngày. Đi trên những ngả đường của thành phố hôm nay bạn sẽ cảm nhận được nhịp sống của Đông Hà đang hối hả vì một thành phố năng động trong tương lai. Trong mỗi người dân của Đông Hà hôm nay cũng đang khát khao và hy vọng những thay đổi, những sự phát triển hơn nữa của quê hương mình.
Với cá nhân tôi, là một giáo viên, cũng đã gắn bó với giáo dục Đông Hà hơn 30 năm, tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn và tự hào vì được đứng trong đội ngũ của giáo viên Đông Hà từ những năm tỉnh nhà mới lập lại cho đến hôm nay. Thời gian đó cũng đủ cho tôi cảm nhận được sự phát triển của giáo dục Đông Hà. Những ngôi trường khang trang, sạch đẹp với những trang thiết bị dạy học hiện đại không ngừng được đầu tư, xây dựng để học sinh được học tập, được rèn luyện trong một môi trường thân thiện, lành mạnh, an toàn và thực sự là “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…
Rồi một ngày không xa chắc chắn Đông Hà sẽ trở thành thành phố giàu mạnh, đô thị thông minh như mong ước.
Thời gian thấm thoắt trôi nhanh, đối với tôi, Đông Hà đã trở thành quê hương thứ hai. Mỗi khi đi đâu xa, mọi người hỏi tôi quê ở đâu, tôi không chút ngần ngại mà trả lời rằng “Mình quê ở Đông Hà, Quảng Trị”.
Đông Hà ơi! Tôi yêu tự bao giờ!
N.T.K