Đứng trên cầu treo Đakrông nhìn xuống, dòng sông mang cái tên huyền tích rất đẹp - Krông Klang - bỗng mềm mại như tấm lụa dài, lặng tờ trôi soi bóng sắc trời. Những cô gái Vân Kiều đeo gùi trên lưng đang đi dọc con suối, bàn chân trần men theo những tảng đá lớn trơn trượt. Dáng đi uyển chuyển như giấu hết những gập ghềnh nhấp nhô nơi suối đá. Đôi má của các cô ửng hồng, những giọt mồ hôi rơi trên mắt như những hạt sương sớm tinh nghịch, nét cười dâng lên sóng sánh hòa cùng tiếng nói, tiếng cười vang rộn cả khúc sông.
Thi thoảng vài cánh bướm trắng rập rờn bay trên những đóa xuyến chi trắng muốt làm nên những sắc trắng tinh khôi đẹp đến ngỡ ngàng. Bất giác, lòng ta thốt lên một ý thơ vào nét bút, như bâng khuâng, như thương nhớ những tiếng thầm thì chốn huyền tích về một mối tình xa xưa gắn với tên sông.
Ảnh: THANH THỌ
Dòng sông có tên là Krông Klang. Theo tiếng Vân Kiều, Krông nghĩa là sông, Klang nghĩa là chim đại bàng, dòng sông mang theo mình một câu chuyện tình buồn. Câu chuyện kể về một đôi trai gái hết lòng yêu thương nhau nhưng do mâu thuẫn gia đình nên họ không đến được với nhau. Chợt nghẹn lòng dâng lên đôi dòng lệ, như nghe đâu đó trong thuở u linh tiếng sáo Amam thổi lên làn điệu Zau tâm tình, vào những buổi đi sim hò hẹn trong những đêm trăng rất đẹp chốn núi rừng. Nhưng số phận không cho họ đến được với nhau, đá rừng, hàng cây, con nước bỗng buồn lặng ngẩn ngơ. Và một ngày nọ, cả hai lên đỉnh núi cao tự vẫn. Nước mắt cô gái chảy thành dòng sông. Dòng sông chảy trong lòng núi như ủ ấp lời hẹn ước mãi mãi không bao giờ cạn vơi. Còn chàng trai sau khi chết biến thành chim đại bàng.
Từ đó, hằng ngày chim đại bàng xõa cánh bay dọc dòng sông, dang đôi cánh ôm lấy tình nương vào lòng cùng dòng nước trong xanh, để họ mãi mãi không bao giờ bị chia cắt nữa. Dòng sông Krông Klang càng thêm quanh co với những khúc đổi dòng liên tục tựa nỗi đau quặn thắt trong trái tim người.
Dòng sông hiển hiện trên một vùng đất như đứa con sinh ra và lớn lên trong lòng người mẹ. Từ thượng nguồn về đến hạ lưu, con sông xanh thẳm hiền hòa uốn lượn quanh chân núi, hòa cùng khúc cồng chiêng làm nên vẻ đẹp trầm tích thủy mặc chốn núi rừng miền Tây Quảng Trị. Dòng sông bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía nam huyện Đakrông và chảy về hướng bắc, song song với Quốc lộ 14 Đường Hồ Chí Minh.
Đứng trên cầu Rào Quán nhìn xuống ta bỗng ngỡ ngàng thốt lên kinh ngạc, nước sông một dòng lại có hai màu - bên trong bên đục - song song chảy bên nhau nhưng không hòa mình vào nhau. Dòng trong, dòng đục tự cách chia bằng một làn nước mảnh dẻ diệu kỳ không hề có vết tích nhân tạo, ấy vậy mà suốt bao nhiêu năm trôi trên huyền sử vẫn không chịu hòa chung. Lòng sông, lòng suối như lòng người Pa Kô, Vân Kiều vậy, trong đục phân minh, ghét thương thật tình.
Lại nhớ lòng yêu cách mạng như người mẹ Tà Ôi năm nào “địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô”, “mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”, và “mẹ địu em đi để giành trận cuối”. Để rồi, từ trong bom đạn em đến chiến trường, từ trong đói khổ em vào Trường Sơn! Lịch sử còn đó soi bóng xuống lòng sông, người xưa còn đó dấu chân in trong từng trang sách vở. Đakrông hôm nay phủ sắc xanh lên từng hố bom chi chít ngày xưa. Để ta hôm nay mải miết di chân trên những rong rêu tìm về ngày tháng.
Ta mỏi chân dặm dài, ngồi bệt xuống thảm đá mát lành ven sông, tháo đôi giày cho gan bàn chân đê mê sắc nước, thấy lòng thảnh thơi như uống no khí mát thanh lành. Hòa cùng khúc réo rắt của nước chảy là tiếng hát trong veo của những cô thôn nữ, cõng nhọc nhằn trên vai vẫn thắp sáng ánh lửa tin yêu nơi bản làng. Trong lấp loáng bình minh, bỗng thấy nắng sóng sánh chảy tràn trên vai mình, óng ánh trong màu xanh của cây lá buổi ban sơ, gió và nước như đang rì rào hát khúc tình ca để cảm giác mát lành mơn man khắp da thịt. Giữa mảnh mai những sợi nắng chưa gắt, dòng sông xanh thẳm như màu trời, duyên dáng uốn lượn theo hình sông dáng núi.
Xuôi theo cung đường từ cầu Rào Quán, đến cây số 52 thôn Vùng Kho, dòng sông Krông Klang bỗng đổi sang hướng đông và chảy song song với Quốc lộ 9 đến thị trấn Krông Klang. Chiếc cầu treo duyên dáng vắt hai bên bờ ngày lại ngày soi bóng xuống con sông bao bước chân qua, bao nước mắt nụ cười, bao người đã đến và đã đi. Suốt những năm tháng thanh xuân, ta đã chạy xe hàng ngàn lần trên tuyến đường 14, ấy thế mà chưa một lần dừng lại thì thầm cùng cầu treo. Hai bên con dốc cầu treo nơi tuyến đường 14 là hai ụ núi cao lớn, ta thường tự gọi là núi đôi, sừng sững vươn cao, trầm mặc soi mình xuống dòng Krông Klang như hai cánh chim đại bàng tung sải đôi cánh từ nguyên sơ. Như vòng cung ôm chiếc cầu vào lòng núi, lòng sông, lòng suối, êm ả, chan hòa.
Sông chảy song song với cung đường đến thị trấn Krông Klang và tiếp tục chảy qua thung lũng Ba Lòng, rồi chảy sang địa phận xã Hải Lệ và đổi tên thành sông Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn xuôi về vùng đồng bằng Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt, đi tiếp hành trình hòa suối vào sông, hòa sông vào biển cả. Dòng sông như đời người, sông có khúc, người có lúc, có chỗ trong vắt, có chỗ gập ghềnh, có chỗ đôi bờ trong đục, lại có chỗ oằn mình len lách qua những mỏm đá ngăn dòng.
Sông vẫn miệt mài chảy mãi, cuốn theo trong lòng mình những mặn mòi bất tận của đất đá, hòa cả vào những mưu sinh nhọc nhằn của một đời tôm cá thủy sinh. Há chẳng phải người ta, cũng nên vì những khúc đụn khác nhau trong đời mà sải chân bước qua những gập ghềnh. Dẫu không ít lần ta đã dạt trôi trên số phận với những lương duyên không ai định trước. Dẫu không ít lần ta ước, lòng mình như lòng sông, vẫn trong trẻo soi bóng nền trời khi hạ nắng, cũng âu sầu cuồn cuộn khi đông về. Thỉnh thoảng trong veo dễ nhìn thấy đáy, nhưng cũng có lúc u trầm lặng lẽ, cố giấu mình trong những lần sông gợn sóng lăn tăn.
Trong những đêm phố núi đầy sao, bên ánh lửa bập bùng nơi góc bếp nhà sàn, cùng lắng nghe huyền sử tình yêu của dòng sông Krông Klang đang rì rầm ì oạp dưới chân núi đá, lại thêm yêu mảnh đất miền Tây Quảng Trị. Lắng nghe một khúc sông xa, nơi gió núi nhẩn nha bên cây rừng uy nghiêm lặng lẽ, ta chợt thấy lòng mình như bâng khuâng, thẳm sâu trước những tiếng thầm thì xưa cũ.
Krông Klang nơi đó - một dấu tích lấp lánh...
T.H