Bây giờ siêu thị bán nhiều mẫu búp bê hơn; có những con búp bê có khớp mà ngày xưa tôi phải nài nỉ anh Rốp mua trên mạng cho được; những bộ áo quần búp bê đẹp đẽ chỉnh chu mà chả phải những miếng vải xuềnh xoàng được may vào nhau bởi đường kim sơ sài đứa bé lớp 2 của tôi;…
Tôi ngắm chúng và nhớ tới gia tài đồ sộ thuở nhỏ của bản thân. Các chị trong xóm ngày nào cũng tới nhà tôi chơi búp bê, cho đến bây giờ tôi vẫn còn oai và tự hào về bộ sưu tập hồi nhỏ của mình lắm!
Ảnh: M.T
Là hộp búp bê tiên cá mua gấp để tối mẹ đi trực bệnh viện khi tôi mắt đỏ hoe đòi cho được. Là con gấu bông mặc váy hồng đáng yêu được anh Rốp mua ngay sau ngày Giáng Sinh như đã hứa với tôi lúc khóc vì em Nhọn được ông già Noel tới tận trường tặng quà còn tôi thì không. Là hơn hai mươi con búp bê nhựa mỏng trông chả đẹp mỗi lần ba ghé quán mụ Niềm mua tạm để tôi đỡ mếu máo vì phải đi học mẫu giáo. Còn có hộp đồ bếp mua bất ngờ mà mẹ nói phải giấu đừng cho ba biết, khắc ấy tôi chỉ biết hộp đồ bếp ấy hẳn phải nhiều tiền hơn những món quà mẹ hay mua... Cứ mỗi ngày tôi đem chúng ra và sắp lại sao cho những kho báu của tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tôi mua về; ngôi nhà mỗi trưa nắng không ngủ tôi xây cho chúng khi ở trong tủ, lúc dưới gầm bàn. Tôi mê mẩn đắm chìm mãi trong thế giới của mình và tự hứa với lòng sẽ mãi ở bên những món đồ chơi ấy.
Những món đồ chơi cứ nhiều lên sau mỗi lần tôi khóc trước mặt cả nhà. Sau này, những mong muốn “khác hơn” tôi lại ít có được, chắc do tôi biết khóc một mình.
Bây giờ, tôi cất chúng ngổn ngang một góc trong tủ, mỗi lần lên trên tầng lấy đồ, áy náy chạm mặt, tôi dặn lòng lúc rảnh sẽ chọn chỗ trưng lại. Và chẳng bao giờ tôi hoàn thành lời hứa kia.
Đống đồ chơi cô đơn, nằm mãi trong góc khuất chẳng biết bao giờ được sống lại… cũng như ước mơ của ba mẹ đã phải thực hiện vì tôi.
…
Lớn lên, tôi không đơn thuần ngắm nghía cuộc đời qua màu sắc hình ảnh mà còn bằng những con số.
Và những con số cũng cho tôi biết gia đình đã không chỉ tặng tôi tròn những hộp búp bê.
“Chậc, khiếp! Hộp được con nhỏ xí mà tận 150 ngàn, thế là bằng hai cái áo của mình rồi!”
Tôi có thói hay nhìn giá mỗi khi mua đồ, và đương nhiên những thứ có mệnh giá quá đắt đối với tôi lập tức tôi sẽ gắng biện ra những nhược điểm để ủi an tinh thần mẹ rằng chúng thật sự không cần thiết cho tôi. Thế nên mẹ hay nạt tôi bởi điều ấy.
Điều gì làm cho tôi của sau này, sẽ quên cái thói quen nhìn giá ấy?
Tôi mãi đứng đó, chợt có bé gái với đôi giày búp bê thật xinh. Em phấn khích, cứ vẫy tay mẹ em ở đằng sau.
“Không phải mẹ hứa chỉ cần con ăn xong cơm tối là được mua búp bê hả mẹ?”
Mẹ em chầm chậm tiến tới, mở chiếc ví sần vì cũ, nở nụ cười trìu mến và cất giọng dịu dàng.
“Con yêu của mẹ hôm nay giỏi quá, con cứ chọn đi, nhưng nhớ phải ăn thật nhiều nếu con cứ nhỏ xí như vậy mẹ sẽ buồn và không mua búp bê cho con đâu!”
Một giao kèo đầy tình thương. Dẫu ở những khoảnh khắc ngỡ không thể, bằng một cách nào đó gia đình luôn gắng sức yêu thương ta trọn vẹn.
Nhanh chân chạy xuống tìm mẹ, tôi xách giúp túi rau xanh. Lòng cứ áy náy bởi cả nhà chỉ mỗi tôi không ăn được hành và cứ thế lúc nào mẹ nấu ăn cũng phải chuẩn bị một tô không rau cho tôi hoặc anh tôi sẽ là người hứng trọn đống hành tôi tỉ mỉ lấy ra.
Có lẽ đôi khi những điều cao cả lại bị cái gọi là “máu mủ” quên đi rồi cho là hiển nhiên.
Và hoá ra cái giá của sự lớn lên đã vô hình tước đi từ những điều nhỏ nhất trong hồn tôi.
…
Gửi gia đình của con.
Con thầm trân trọng và luôn nhớ những hộp cơm tấm mẹ mua chỉ mỗi con ăn, những tờ 20 ngàn luôn có sẵn mỗi khi có thức dậy để đi ăn phở, những tô cháo không hành luôn được chuẩn bị riêng, những cái xoa đầu lén của ba khi con ngủ vì con hay nạt ba phiền, những lần ba chở con đi học ngồi sau xe bực hối hoài đi nhanh lên không thì muộn mất nhưng chưa bao giờ xảy ra, những khoá học mà anh trai đã luôn chuẩn bị trước cho em và em chẳng bao giờ làm đủ bài tập tự luyện,…
Những điều con đang may mắn nhìn thấy đều từ gia đình mà ra.
V.L.M.T