Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Amiang ơi

Cả khu rừng xáo trộn bởi tiếng hú dài, giọng nhỏ thanh, có lẽ đó là giọng một phụ nữ. Cu Dừn nghĩ có người cần sự giúp đỡ. Họ gọi người đi cùng đoàn hoặc phát ra tín hiệu cho người khác biết họ cần một thứ gì đó, ví như định hướng đi hoặc để biết trong khu rừng hoang sơ này còn có người. Cu Dừn đặt hai tay lên miệng tạo thành vòm rồi hú lên một tiếng rõ dài, rất hoang dại. Tiếng hú chạy theo dãy núi, đi sâu vào rừng và từ phía bên kia, người ấy đáp trả, âm thanh vang lên tươi tắn. Cu Dừn hấp háy mắt, nghĩ thế là ổn rồi.

Ngọn núi U Sau mùa này đặc hoa bằng lăng cánh tím, trập trùng triền dốc. Những cây bằng lăng đứng san sát vào nhau tạo nên những ngọn đồi tím mênh mang. Cu Dừn nhớ rất rõ, những dãy núi này trước chỉ có tầm vài chục cây bằng lăng, những gốc cây Cu Dừn đã trò chuyện cùng May. Mới đó mà đời người đi qua, suối Amiang vẫn còn trẻ quá. Ngày đêm thả mái tóc xanh, suối tóc vờn qua mấy mươi chân đồi cùng tiếng suối tươi trong như trẻ thơ.

Có khi Cu Dừn ước, không phải cho mình, ước cho May như dòng suối Amiang, được thế Cu Dừn cũng chịu hết. Chiến tranh tàn ác, cái ngày Cu Dừn chưa được già thì bom cày nát cánh rừng. Những tiếng nổ lớn kéo nhau rầm rập trên trời, đùng đoàng nhảy xuống mặt đất, suối Amiang có nhiều đoạn bị vùi lấp. Bản làng người chết ngổn ngang, Cu Dừn đi dọc ngọn đồi, dọc con suối, lật từng hòn đá, cành cây bằng lăng nhưng vẫn không tìm thấy May. Ai cũng bảo May đã chết, bom cày nát bản làng đến cái cây còn đổ huống hồ người con gái bé nhỏ như May. Cu Dừn ngập nước mắt, môi mím chặt, tay lăm lăm con dao. Cu Dừn đi tìm May, hơn bốn mươi mùa hoa tím, năm này được thêm một mùa hoa tím.

Tranh của PHẠM VĂN CƯỜNG

Tranh của PHẠM VĂN CƯỜNG

Bản Arieng gần mười năm lại có mùa lễ lớn. Cứ thế mà thực hiện. Những người chết chôn cất nay đưa về một nơi mới làm mộ đẹp hơn, chỗ đất tốt hơn. Cu Dừn bấm đốt ngón tay, một năm, hai năm, ba năm… rồi gần mười năm. Đây là mùa lễ cuối cùng để Cu Dừn tìm kiếm May. Rất nhiều mùa già làng bảo làm lễ cho May, một nghi lễ cầu hồn, vốc một nắm đất rồi giải oan để cho May nghỉ, cũng để Cu Dừn thôi lang thang trên những cánh rừng. Cứ xem Cu Dừn từ chối những cuộc tình đã qua, cứ xem Cu Dừn từ chối những tình yêu đến muộn thì May cũng cần có ngày được yên nghỉ, được người già xin cho về với mẹ, với sông suối, với cây rừng. Cu Dừn chỉ lặng im chứ không nói gì, cây dao trong tay không buông, già làng không đành lòng nên cho khất nhiều mùa lễ, cứ bảy đến mười năm khi mùa lễ diễn ra, Cu Dừn lại khất. Già làng thay bao người nhưng nước mắt Cu Dừn vẫn khóc vì May, Cu Dừn bảo, cho tôi xin thêm mùa lễ. Và cứ mỗi khi trống đánh phèng la, Cu Dừn lại thấy hối hả, đi như chạy trên những cánh rừng, vừa đi vừa hú, vừa chạy vừa gọi tên May, tiếng gọi cứ vang xa Maaaa..aaay…. ơi….. như người làng gọi suối, rất thần khẩn, thê thiết.

Suối Amiang chảy ra từ núi U Sau. Ngày cũng như đêm tiếng nước chảy như tiếng hát. Có người bảo, lẫn trong tiếng suối là tiếng hát sơn nữ. Có thể đó là linh hồn của May hòa vào tiếng suối gọi Cu Dừn từ mùa mưa sang mùa nắng. Có người bảo, đó là âm thanh của dòng suối Amiang bị bẻ cong bởi những hòn đá lớn. Ngày trước, bom đạn cày xới làm hòn núi đổ nhào. Chiếc hang to lớn dẫn vào lòng núi U Sau bị vùi lấp. Suối Amiang ngày xưa một dòng, từ khi núi lở phân thành hai. Một nguồn chảy về bản A Bung còn nguồn kia chảy đi đâu không ai rõ, chỉ thấy một dòng nước khá lớn đâm thẳng vào chân núi, nước vào mà không thấy ra, lá trôi đi biền biệt, người ta bảo có khi nước vào ngủ trong đất, sau này thức dậy thành những trận hồng thủy. Ngày trước ở bản đã chứng kiến rồi, trời không mưa nhưng đất nổ tung, nước đỏ tràn lên khắp bản.

Cu Dừn lần theo tiếng hú, chạy băng băng qua những cánh rừng, giẫm lên những thảm mục theo dấu vết của người đi trước. Đoạn Cu Dừn dừng lại, một góc cây ngập cánh bằng lăng, nó được bàn tay ai đó gom lại thành một bức tranh có đôi trai gái. Là May ư? Không thể nào, nếu còn tồn tại May sẽ về, nếu còn tồn tại mọi người sẽ bắt gặp May, nếu còn tồn tại May sẽ tìm Cu Dừn… trong những ngày mòn mắt bởi hình bóng May thì giờ đây Cu Dừn không dám tin vào những điều mình hy vọng. Là May ư? Không phải đâu. Nhưng lối gom hoa này, lối ghép hoa thành hình người hạnh phúc không phải May thì đó là ai.

Tiếng trống khua vang khắp bản làng, tiếng trai gái hì hụi, tiếng hát dội vào từng vách núi. Cu Dừn biết đã đến mùa lễ. Giờ này già trẻ trong làng đang cải táng cho những người đã khuất. Không, Cu Dừn phải về, May không thể chết.

Vỗ Nghìn cầm nhánh lá, tay kia cầm mảnh vải, già đang cầu an cho một gia đình có nhiều người không may. Nghe tiếng bước chân, già biết rằng Cu Dừn đang chờ mình ở cửa. Làm lễ xong, già nghiêng mặt nhìn Cu Dừn.

- Cột chiếc dây, nối về nhà để chỉ đường cho con May…

- Không già ơi! Lễ diễn ra ba ngày, đây là ngày đầu tiên, già cho con xin thêm hai ngày nữa… Cu Dừn cúi xin già làng Vỗ Nghìn. Già vuốt tóc Cu Dừn, nước mắt già chảy.

- Nó là con gái út của ta, yêu thương nhiều lắm nhưng đành phải chấp nhận.

- Già cho con xin thêm thời gian...

Cu Dừn đi lên rừng, tình yêu được gia hạn thêm ba ngày để tìm kiếm. Cu Dừn đi rất chậm, mặc dù hai ngày sẽ trôi nhanh. Người làng đã chuẩn bị cái quan tài làm bằng gỗ rừng, bỏ sẵn ở đó. Khi Cu Dừn quay về mà không tìm được May thì họ sẽ lấy đất cạnh con suối Amiang bỏ vào xem như vong hồn May đã nhập vào trong đó. Quan tài của May được đặt ở khu vực những người chết oan, phần lớn những ngôi mộ được cải táng mất từ hồi chiến tranh đang còn, số ít bị ngã cây, trôi lũ… phía kia là những người chết tự nhiên, có ít người chết già. Mỗi chiếc áo quan có người thân ngồi cạnh bên, họ khóc. Còn nước mắt của Cu Dừn mấy mươi năm vẫn được người già người trẻ chứng kiến, nó rớt trên những dãy đồi, qua những mùa hoa tím.

Già làng Vỗ Nghìn tổ chức họp dân. Mọi việc được giải quyết trình tự. Từ những việc bất hòa đến những việc tốt, ai có gì cứ nói. Khách các bản làng đến thăm được ngồi ở nhà Vỗ Nghìn, được ăn cơm khách ở đây. Cứ mỗi gia đình mang đến một mâm cơm để đãi khách. Vì thế dù khách đông đến mấy thì cũng được ăn uống chu toàn. Vỗ Nghìn xem đó là giá trị của dân tộc mình, già bảo con cháu phải biết gìn giữ những điều đẹp đẽ ấy. 

- Năm nay có ai không về? Già hỏi rồi nhìn quanh một lượt. Không thể nhớ hết được những ai, vì đến ngày lễ con cháu xa mấy đời cũng về, miễn là có dòng họ, có gốc gác ở bản làng thì đến mùa lễ phải về đông đủ.

- Về nhiều, còn hai người không về được. -  Một người trong bản trả lời Vỗ Nghìn, ông ấy tên là Kôn Thương, người phụ trách đón khách và nắm số lượng con cháu đi về mỗi năm.

- Ốm à? Vỗ Nghìn hỏi.

- Hai người họ chết, già rồi…

Vỗ Nghìn lặng im một hồi, già lục lại ký ức của mình rồi hỏi.

- Có phải Kôn Thoang và Kăn Thoang không?

- Đúng vợ chồng Kôn Thoang.

Vỗ Nghìn chắp tay khấn lầm rầm. Già nhớ về họ như sợi chỉ đỏ trên chiếc áo thổ cẩm của dân tộc mình. Sợi chỉ tượng trưng cho tấm lòng thủy chung, sự dũng cảm và may mắn. Từ hồi chiến tranh, vợ chồng Kôn Thoang là du kích, kháng chiến kết thúc, họ lao động không biết mệt. Cả bản Aroang học theo. Ngôi nhà cộng đồng ngày nay ở A Bung chính là nhà của vợ chồng Kôn Thoang, một ngôi nhà truyền thống rất đẹp mà vợ chồng họ đã cống hiến cho cộng đồng. Họ đi về phía núi để cất ngôi nhà khác, họ bảo Aroang còn nhiều đất, có nhiều nước, qua bên đó tha hồ mà làm ruộng, trồng cây…

- Sang mùa lễ sau nhớ đem vợ chồng Kôn Thoang về, phải tìm chỗ đất rộng và đẹp để họ ở đó, mùa sau, có lẽ ta không còn được nói…

Mọi người lặng im hồi lâu sau tâm sự của Vỗ Nghìn. Họ quay về nơi đặt những cỗ quan tài trên bãi đất trống của bản làng, được che mái. Ngày mai là ngày cuối cùng của lễ.

Cu Dừn vẫn chưa trở về làng. Mọi người vẫn nhìn chiếc quan tài còn trống được cắm hoa bằng lăng xung quanh. Người ta bảo May đẹp lắm, đẹp như hoa bằng lăng rừng. May có mái tóc xoăn như viền hoa, mi cong như cánh hoa, mắt to tròn và môi tươi tắn. Lần May đi vào rừng để dò la tin tức của quân địch đó là lần May không trở về. Đó cũng là ngày mà mấy mươi năm sau người ở đây còn nhắc bởi sự ác liệt của chiến tranh, là ngày suối Amiang bị chia đôi, ngày Cu Dừn lòng lạnh như nước suối mùa đông vì tìm người không thấy. Ngày Cu Dừn đi lấy từng cây bằng lăng nhỏ bằng ngón tay, trồng từ bản ra suối, trồng từ suối lên đồi, trồng từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác rồi trồng đến chỗ chân núi U Sau, nơi có một nhánh sông chảy vào hang núi, ở đó, những cánh hoa trôi không về, ở đó người ta bảo nơi ngủ quên của nước. Và cũng chính ở đó phát ra tiếng hát sơn nữ trong veo như tiếng suối mùa thu.

Nếu không tìm thấy May, Cu Dừn sẽ không trở về bản, Cu Dừn tự nhủ với lòng thế. Bao nhiêu năm ở từng ngọn núi, ngủ dưới gốc cây chỉ mong một điều, May ở đâu lên tiếng. Nếu May không còn mọc lên như cái cây thì cũng phải cho Cu Dừn thấy ở trong thảm là vàng. Không như loài hoa trên cây thì hãy cho Cu Dừn thấy những cánh hoa dưới gốc cây. Cu Dừn lại nghe tiếng hú, mỗi lúc rõ to. Cu Dừn đi đến chân núi, lại thêm một thảm hoa được gom lại bằng những đôi bàn tay của ai đó. May, chắc chắn là May rồi. Cu Dừn đi nhanh hơn, đến chỗ nước chảy vào chân núi, Cu Dừn ngẩn ngơ. Dưới gốc cây bằng lăng, những bàn tay đầy lông lá đang gom hoa trở vào gốc. Con đực hót hoa tím rắc lên đầu con cái, nó dí dí ngón tay rồi kêu lên âm thanh yêu thương, nó cất tiếng hú, bầy con bé tí đua nhau nhảy nhót trên cành. Thì ra, những thảm hoa được bầy linh trưởng gom lại. Và tiếng hú cũng xuất phát từ đây. Cu Dừn khoanh tròn hai tay cất tiếng hú. Lũ linh trưởng không những không dáo dác, chúng nghiêng đầu nhìn, một vài con đang ở trên cây bám chặt chân, chúng thả lỏng nhìn mênh mang hoa rơi trong nắng. Từng cánh hoa lẹ làng trôi qua, đáp cánh mỏng tang trên những cánh hoa êm đềm.

Phía rừng dội vào tiếng trống hối thúc trong ngày cuối cùng của lễ, già làng Vỗ Nghìn gật đầu cho người làng bỏ ít đất vào chiếc quan tài của May. Người làng nối nhau đi thành một đoàn người. Tiếng trống vang lên, tiếng chân người đi, tiếng xua đuổi những điều không tốt cho người thân… họ đi đến ngọn đồi cỏ tranh rồi đặt những chiếc áo quan xuống đám cỏ xanh rờn. Ở đây nhìn về phía chân núi U Sau có nhiều hoa màu tím.

Mỗi mùa hoa đến sẽ nhắc cho người làng nhớ về tình yêu. Người làng không còn ai nhìn thấy Cu Dừn nữa, họ kể cho nhau nghe một đêm trăng sáng, cũng mùa hoa bằng lăng, chân đồi U Sau phát ra tiếng nổ lớn. Hơi lạnh từ đó thổi ra phừng phừng, người già con trẻ rúm ró ngồi sát bên nhau. Họ nhìn về phía suối, chiếc hang được mở ra, từ đó chảy ra dòng sông hoa tím. Trên sông bồng bềnh xác của một sơn nữ. Người ta thấy vầng trăng đứt gãy, nó rớt xuống đỉnh đồi có hình bóng của một chàng trai lang thang. Trăng cháy hết, nguồn Amiang cũng cạn. Đó cũng chính là vào tháng bảy âm lịch mỗi năm, bản làng làm lễ cầu mưa, gọi Amiang về…

H.H.L

 

 

 

 

HOÀNG HẢI LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 335

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground