Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bên kia chợ là hoa

Bà ấy có vẻ già lụm đụm rồi. Ngó vóc dáng mà đoán phải tầm bảy mươi. Bà vừa bán hàng, vừa lúi húi đan lại mấy bó chổi và sắp xếp thứ này thứ nọ, thế mà ai đi qua cũng được bà mời chào lịch sự. Lần đó, anh chạy ra mua ít đồ cho mạ, đi ngang qua gặp bà ngẩng mặt lên mời “chú ơi mua chổi về quét nhà đi chú”. Anh cười, đáp dạ không, rồi đi. Chẳng biết can cớ chi mà anh nhớ, chắc vì chất giọng không phải người vùng này, lơ lớ pha Bắc pha Nam với lại bà cười ngó bộ hiền lắm. Dù chi đi nữa, dẫu có nằm mơ, có chết đi sống lại, anh cũng không bao giờ tin bà ấy là người đẻ ra anh.

Ba nói cuộc đời mà, luôn bày sẵn nhiều bất ngờ lắm. Có bất ngờ thú vị khiến mình vui sướng thì có bất ngờ làm mình hẫng hụt, băn khoăn. Sống lâu trên đời, phải dần đối mặt và thích nghi, mình là đàn ông cần kiên cường này nọ. Nói thì bao giờ cũng dễ, chứ thử nghĩ coi, ba mấy tuổi đời, bỗng dưng một ngày biết mình là con nuôi. Ừ, đối diện, anh đối diện được rồi. Thế mà chưa hết, cũng ngày hôm ấy, biết được vài sự thật về thân phận mình. Là nghiệt ngã, trái ngang thì ba mươi bốn mươi hay năm mươi, đàn ông hay đàn bà, có cảm xúc ắt đều đớn đau cả, dễ chi so bì hả ba.

Hồi nhỏ ba hay kể chuyện cho anh nghe. Chuyện thời chiến đấu của ba mạ, sự tích cái miếu ở chợ rồi thì chuyện dốc Ma. Đêm nằm ngủ nghe ba nhắc tới dốc Ma là anh im re, buồn tiểu mấy cũng không dám đi. Từ nhỏ đến lớn, anh nhận ra nhà mình rất hay. Tính ba mạ vô tư, lúc nào cũng cười đùa vui vẻ dù nhà neo người. Bởi vậy, khi anh dự định lập nghiệp ở xa thì ba mạ cười hì hì, ừ, ưng đi mô cứ đi, chẳng như nhà người ta được thằng con sẽ bắt về quê bằng được.

Minh họa: NGUYỄN THÀNH SƠN

Minh họa: NGUYỄN THÀNH SƠN

Sự tự nhiên đó khiến anh yên tâm vẫy vùng ở thành phố. Thế rồi chuyện làm ăn thất bại, bị bạn lừa mất số tiền tích cóp cộng với tiền ba mạ cho để khởi nghiệp. Ba điện vô gọi anh về, thua keo này bày keo khác, chẳng trách móc giày xéo chi cả, vẫn ngọt ngào ủi an. Nên chi anh nghĩ có khi ba mạ bày trò, soạn chuyện ra nói vậy để thử lòng anh hay có ý chi khác. Suy nghĩ ấy vừa hiện lên thì ngó qua, thấy mạ buồn hiu hắt, nỗi buồn sâu sắc chưa bao giờ hiển hiện trên gương mặt bà.

Con đi Nam đi Bắc xa xôi, thấy chợ nào có miếu thiêng nằm ngay giữa chợ như ở chợ mình không. Đất Đông Hà này cũng vậy, ngày xưa đâu có chi. Chỉ toàn dốc và cong queo từ dốc Sỏi, dốc Chùa, dốc Ma, ngã nào ngã ấy cong vòng, lượn lên lượn xuống. Thời ấy, ba đạp xe chở mạ lên mấy đoạn đó chỉ muốn đứt hơi, đất thì toàn bom bi với bao cát. Chừ đó, thành phố hẳn hoi, sôi động và phát triển từng ngày. Chỗ dốc Ma xưa không ai thèm ngó, giờ có miếng đất ở đó tính ra cũng ngót nghét vài tỷ. Bao nhiêu chỗ hồi trước nằm trong hẻm hóc, có dự án mở đường là đất đai lên giá, nhà ra mặt tiền. Nên đời này, đâu có điều chi là không thể.

Ba nói phải, quê nhà chừ khác lắm. Những quán cà phê sang trọng, cửa hàng điện tử, showroom ô tô, shop thời trang mọc lên khắp nơi. Chiều chiều, mấy ông bà về hưu chạy xe đi học khiêu vũ, tụi con nít căng mắt học đàn hát, học tiếng Anh với người bản xứ. Cuối tuần, ô tô đậu một hàng dài ở các con phố chính. Đông Hà sôi động đúng như bản chất một thành phố đâu thua kém nơi nào. Bạn anh, vài người chọn quê nhà lập nghiệp nay ra dáng thành công đĩnh đạc, ai cũng có nhà đẹp, xe sang. Ký ức về thị xã nghèo với nhà không số phố không tên chỉ còn trong hoài niệm. Ngó nghiêng, đột nhiên anh thấy chút hối tiếc.

Ngôi chợ mà anh gắn bó thuở nhỏ bấy giờ lúc nào cũng xôm tụ, đông đúc từ sớm đến chiều. Lần đầu tiên, ba mạ đã gặp bà ấy ở chợ. Hồi đó chợ nhỏ nhưng người điên, người lang thang về đây trú ngụ khá nhiều. Ban ngày họ đi quanh quẩn khắp chợ, người này cho cái bánh, người kia cho bát cơm. Tối đến họ ngủ trên các quầy hàng đã đóng. Người phụ nữ đó cũng lang thang ở đây, tay bồng đứa con nhỏ. Ban ngày, ai cho chi thì ăn nấy, tối thì ngủ trên sạp hàng vải.

Sớm hôm ấy, bồng con trên tay, chị ghé quán của mạ xin ly nước rồi hỏi chuyện bâng quơ. Hỏi về cái miếu ở chợ. Mạ nói nghe người ta kể lại ngày trước có một con hổ tự nhiên về ở rồi chết tại đây. Người dân đã chôn con hổ và lập miếu thờ ngay phía trên. Cũng có người kể rằng, miếu thờ là của một gia đình khi xưa ngụ ở đó, sau khi chợ dọn đến, họ giữ nguyên miếu thờ này cho chợ. Người phụ nữ gật gù rồi nói miếu chắc là thiêng lắm. Tự nhiên mạ chợn chợn trong người, giọng của chị ta từ đâu đến, chẳng biết có ý chi mà ghé lại đây rồi còn hỏi lung tung.

Đến tối khi mạ chuẩn bị dọn hàng thì chị lại đứng trước cửa. Chị bảo cho mạ đứa bé đang bồng trên tay. Ba mạ ngơ ngác nhìn nhau chưa kịp hiểu chuyện chi thì chị đã bước tới dúi đứa trẻ đang mút tay chùn chụt vào tay mạ. Người phụ nữ nói tại hoàn cảnh không thể nuôi đứa trẻ này, chị hứa suốt đời suốt kiếp mang ơn và không bao giờ đòi lại. Rồi vợ chồng anh chị có được bao nhiêu tiền thì cho em một ít để làm lộ phí về quê.

Mất mấy chục phút định thần và hỏi ngọn nguồn, thế rồi mạ cũng quày quả vô lấy hai khâu vàng đưa cho người đàn bà nọ. Chẳng hiểu sao mạ tin những lời ấy là thật, tin như ánh mắt của chị lúc chiều hỏi mạ vòng vo về đất này, về ngồi chợ này rồi gian miếu ở trong. Mạ nghĩ hẳn chị muốn coi gốc gác nơi này sao rồi mới để con mình lại nên chi hai chỉ vàng ba mạ tằn tiện lâu nay có là bao. Ba mạ nghĩ đơn giản thiệt, lỡ mô bà bắt cóc con nít rồi đem bán thì sao. “Té ra, con được bán với giá hai chỉ vàng.” Anh cười chua chát.

Thời đó đâu như chừ, người ta đói khổ thì đói khổ đó nhưng mấy vụ bắt cóc bán buôn người này nọ chưa nghe tới. Với lại, nhìn mắt bà ấy rất chân thật. Ba mạ xưa chừ tâm niệm đời cho chi nhận lấy. Ba đi bộ đội về, nhiễm chất độc nên khó đường con cái. Ba mạ cũng định bụng đi đâu đó xin đứa con về nuôi. Vậy nên có người mang đến cho như vậy, dễ chi chối từ. Mạ hớn hở đón lấy đứa bé từ tay người đàn bà, gạt qua phân vân âu lo về thân phận thực sự của nó. Ba bảo chắc không can chi, mà rủi mình nuôi đôi ba bữa rồi cô ấy tới đòi cũng vậy. Coi như mình có duyên với nó trong chừng ấy ngày đã là vui.

Nếu ba mạ mang theo bí mật này, có lẽ anh còn vô tư vậy mãi. Ba mạ chỉ có mình anh, nên muốn giữ kín chuyện này cũng không quá khó, chỉ cần mang anh đi nơi khác sống thì đâu ai hay biết. Người kia có về tìm lại cũng dễ chi kiếm ra tung tích. Chỉ tại không đành. Mạ chuyển từ hàng gạo sang buôn trái cây, hoa quả và đồ cúng. Mấy gian hàng cách nhau cũng chẳng bao xa, ai cần tìm cứ đến chợ hỏi ra thì sẽ rõ. Mạ nghĩ sẽ có ngày người ấy về tìm lại con mình bởi dù chi cũng đứt ruột đẻ ra. Dù từng bỏ đi nhưng không thể chối được khúc ruột của mình, chỉ vì hoàn cảnh nên cơ sự vậy thôi chứ thâm tâm đâu ai muốn. Mình được nuôi, được bồng bế chăm bẵm rồi trông nó lớn tới chừng này, cắt đứt mọi bề với người đẻ nó ra thì coi chi được.

Nghĩ thì nhẹ nhàng vậy nhưng từ tháng trước, mạ mất ngủ mấy đêm liền. Rõ ràng đó là người đàn bà đã bồng thằng con trai giúi vào tay mạ nhưng bà ta nhìn mạ bình thản như chưa hề quen biết. Cũng chẳng thấy ngóng trông hay tìm hiểu chi, mạ thử ngó coi bà có đi tìm hỏi han chi một vợ chồng hàng gạo mấy chục năm trước đã bán buôn ở góc kia nhưng tuyệt nhiên không.

Được ba bữa quan sát từ xa rồi suy tính mệt quá nên mạ lại gần, định hỏi thẳng. Ngồi xuống hỏi mua chổi rồi hỏi sơ về gia cảnh, mạ càng thêm suy nghĩ. Bà ta nói ở ngoài Bắc, theo cô con gái lấy chồng bên An Lạc. Hỏi chuyện hồi lâu mà chẳng nhận ra chi cả. Mạ ngờ ngợ không biết người này giả vờ quên, giả vờ điên hay thật. Sao có thể quên sạch trơn chuyện mình từng đẻ đứa con, từng mang nó đi cho (hay bán). Người ta có vô tình hay cạn tâm đến đâu cũng dễ chi đóng kịch một cách tỉnh bơ vậy được.

Mạ kể với ba rồi cả hai quyết định nói rõ cho anh nghe. Mạ hồ nghi có thể biến cố nào đó làm người đàn bà mất trí nhớ hoặc là đau khổ quá mà quên đi, chứ làm chi vờ quên hay ho vậy được. Người đời diễn giỏi đến mấy nhìn sâu vào mắt cũng thấy lăn tăn gợn sóng chớ, đằng này, vẫn là ánh mắt thiệt thà đáng tin của ngày xưa mà ba mạ đã gặp. Cả tuần nay không thấy bà đi bán nên mạ lo. Mạ sợ kiếp này anh không gặp được mẹ đẻ, dù sao công mang nặng đẻ đau cũng không thể phủ nhận. Ba gật gù, chừ đi kiếm cũng không phải là khó, xách xe qua bên cầu, hỏi mấy nhà trồng hoa ở bên đó, có khi gặp.

Thực tình, anh đâu biết làm chi trong tình huống này cho phải. Tìm kiếm và sum họp một người hình như chẳng mặn mà đến sự tồn tại của mình ư, để làm gì? Ba mạ anh sống đạo đức quá, giá đem anh khỏi xứ này để không ai hay biết, không phải gặp lại nhau có phải là yên ổn hơn không. Ba nói dễ chi yên ổn, làm sao mình có thể hạnh phúc khi người ta đau khổ, nhớ nhung, dằn vặt được.

Sớm hôm đó, anh xách xe chạy lang thang khắp thành phố, đi lòng vòng rồi qua cầu lúc nào không hay, phía bên kia đã là làng hoa An Lạc. Cách một con sông mà bên này bên kia khác hẳn, xa chợ nên phía này im ắng, bình yên. Một cảnh đời với cỏ hoa cây lá tách biệt với tiếng còi xe và cả thanh âm xôn xao của chợ của người. Anh chưa kịp nhớ gương mặt người phụ nữ hôm trước, chỉ nhớ mang máng bà có bảo vườn hoa con gái về làm dâu rất rộng. Ba mạ không biết rằng mới đây thôi, bà bắt chuyện hỏi bâng quơ vì kêu anh giống người quen. Dặn anh hồi nào rỗi thì ghé chơi, bên kia chợ là hoa nhiều lắm.

Đ.M

Đồng Mai
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground