Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Câu chuyện tình yêu

T

ứ về Linh Sa thăm Nghĩa chỉ là một sự tình cờ, không chủ định trước. Nhân chuyến vào công tác tại một tỉnh miền Trung, sau khi làm việc xong, thấy thời gian cho phép, anh báo trưởng đoàn, rồi một mình đón xe đò về quê Nghĩa. Nhưng thật rủi, khi Tứ có mặt ở Linh Sa thì bạn anh không còn sinh sống ở đó nữa. May thay, người đầu tiên anh gặp, cho anh hay tin này lại là chủ tịch xã và là em họ của Nghĩa, đã lởi xởi mời anh về nhà mình. Biết rõ chẳng còn nước non gì, Tứ vẫn lẳng lặng đi theo. Anh cho rằng, dù không gặp được Nghĩa, nhưng qua người em họ, anh có thể biết được đôi điều về người đồng đội cũ của mình.

Lúc ấy mới khoảng tám giờ sáng, mặt trời chỉ mới ngoi lên khỏi ngọn cây, nắng thu ong ong, dìu dịu, Tứ vẫn cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Hai người ngồi trên chiếc chõng tre đặt dưới gốc hồng xiêm trĩu quả. Chủ tịch xã vừa pha trà vừa nói: “Anh Nghĩa ra quân hơn mười năm nay, nhưng chỉ sống ở quê có hơn một năm là đi xây dựng vùng kinh tế mới. Anh cứ nghỉ lại đây, đến chiều chúng ta sẽ cùng đi đến đó. Tôi cũng từng là bộ đội, nên quý các anh biết tận dụng chút thời gian ít ỏi tìm thăm lại nhau thế này”. Không gian như bỗng ùa đến một luồng gió mát, Tứ thở phào, cảm thấy phấn chấn hẳn lên. “Vợ chồng anh Nghĩa làm ăn có khá không anh?”. - Tứ hỏi. Người em họ của Nghĩa mỉm cười, cả khuôn mặt anh tràn trề niềm vui: “Khá lắm anh ạ! Anh Nghĩa bây giờ đã là một ông chủ trang trại vườn đồi, có trong tay cả chục hecta vừa cây lâm nghiệp vừa cây công nghiệp. Năm vừa rồi anh ấy thu bảy, tám chục triệu đồng từ cà phê và hồ tiêu. Nhà cửa đã xây, tiện nghi sinh hoạt, dụng cụ sản xuất không thiếu thứ gì”. Tứ chưa hết ngạc nhiên trước những gì vừa nghe, chủ tịch xã đã lại rút trong cặp ra một tờ báo, dở mấy trang rồi chìa cho anh :“Đây, một trong những bài báo mới nhất vừa viết về anh Nghĩa”. Tứ cầm tờ báo đọc qua cái nhan đề: “Người cựu chiến binh đã trở thành triệu phú”. Chủ tịch xã nói: “Mùa thu này đến với trang trại của anh Nghĩa mới cảm nhận hết cái đẹp của rừng cây do anh ấy tạo nên”. Tứ như nuốt lấy từng lời. Anh không ngờ người đồng đội thân nhất của anh hai mươi năm trước bây giờ đã thành đạt trong làm ăn, khiến anh vừa khâm phục vừa tự hào. “Thế còn Xoan thì sao hả anh?”. - Tứ hỏi. “Xoan nào?”. - Chủ tịch xã ngạc nhiên hỏi lại. “Vợ của Nghĩa!”. “Đâu phải Xoan! Miên chứ!”. “Miên à?”. - Đến lượt Tứ ngạc nhiên. “Vâng, Miên! Thế ra anh không nhớ tên chị ấy à?”. Tứ ấp úng: “Vâng, có...có lẽ do lâu ngày quá nên tôi...tôi đã nhầm”.

Nói thì nói vậy, Tứ vẫn lấy làm lạ. Rõ ràng vợ Nghĩa tên Xoan. Mối tình của hai người anh chứng kiến ngay từ đầu. Gần hai mươi năm rồi, cái tên của người con gái Nam Bộ ấy anh vẫn thường nhắc nhủ. Không thể nào anh quên được, càng không thể nào anh nhầm được. Chỉ có điều, vì lý do gì đấy mà vợ Nghĩa đổi tên khác thì anh chịu. “Chị Miên là một người làm vườn giỏi. - Người em họ của Nghĩa nói - Người ta thường bảo, được chồng thì hỏng vợ, được vợ thì hỏng chồng, đằng này thì giỏi giang cả hai. Phải thừa nhận gái Nam Bộ vừa đẹp, vừa giỏi”. “Anh chị ấy được mấy cháu rồi anh?”. Chủ tịch xã mỉm cười hóm hỉnh: “Anh chị ấy “kế hoạch” cao lắm! Gần hai mươi năm qua vẫn một cháu trai đưa ở biên giới ra. Cháu học rất giỏi. Năm rồi thi đỗ hai trường đại học, bây giờ đang theo học ngành ngoại thương ở thành phố Hồ Chí Minh. - Chủ tịch xã đứng dậy - Bây giờ tôi ra uỷ ban làm việc, anh vào nhà mà nghỉ”. Còn lại một mình, Tứ đứng dậy đi lui đi tới một lúc. Chán, anh vào nhà cầm cuốn sách ra hiên, ngả người xuống chiếc võng mắc gần đó. Nhưng Tứ đã không sao đọc nổi. Cả bài báo nói về Nghĩa, gắng lắm anh cũng chỉ đọc được một nửa. Tứ đặt cuốn sách và tờ báo lên ngực vừa hút thuốc vừa suy nghĩ. Chiếc võng đu đưa như nhắc nhở anh nhớ về quá khứ.

...Đêm biên giới, trời tối đen như mực. Trong một con hào bùn ngập ngang mắt cá chân, Tứ nằm cách Nghĩa khoảng ba mét. Trong lúc đang phải căng hết thần kinh quan sát phía trước, Tứ bỗng phát hiện thấy một bóng đen từ bên kia biên giới đang lò mò đi qua. Anh lập tức bò đến bấm nhẹ vào chân Nghĩa. Nghĩa quay lại, rê nòng B41 theo hướng tay Tứ chỉ. Nghĩa cũng đã phát hiện ra. Thấy bóng đen đi đứng có vẻ khác thường, hai người ra hiệu cho nhau nán quan sát thật kỹ. Rồi Nghĩa ghé vào tai Tứ thì thào: “Phải bắt sống!”. Tứ gật đầu đồng ý với quyết định của Nghĩa. Anh cho rằng, đang lúc biên giới ác liệt thế này mà tóm được một thằng lính trinh sát của bọn Pônpốt để khai thác nắm tình hình thì quý vô cùng. Thằng lính đang mò qua đây có vẻ là một thằng trinh sát lắm! Cả hai nín thở, hồi hộp. Bóng đen đi đến bờ kênh trước mặt thì dừng lại ngó nghiêng như xác định phương hướng rồi trườn xuống lội bì bõm trong lòng kênh. Một lúc sau, cái đầu nó nhô lên, nhô lên, rồi sau cùng hiện rõ trước mặt. Bây giờ thì nó chỉ cách mũi súng của hai anh chưa đầy hai mét. Nghĩa bấm vào tay Tứ vọt lên như một tia chớp. Ý định của anh là dùng thế võ quật ngã đối phương trong nháy mắt. Nhưng lạ quá! Khi tay Nghĩa vừa vung lên đã chạm phải một mái tóc dài. Mái tóc gần như rối bời, xoã tung bị tay Nghĩa hất ngược lên rồi rũ xuống quấn lấy một bàn tay anh. Như có linh tính mách bảo, tay Nghĩa khựng lại giữa chừng. Chỉ trong một tích tắc, cú siết cổ lợi hại đã được anh kịp thời dừng lại. Tưởng Nghĩa bị đánh phủ đầu khi chưa kịp ra tay, Tứ nhảy vội lên bờ hào xáp lại hỗ trợ bạn. Tức thì bóng đen lùi lại và một tiếng khóc bật lên. Tứ và Nghĩa nhận ra tiếng khóc khản đặc của một cô gái trẻ. Trong đêm thanh vắng, tiếng khóc đột ngột vỡ oà, nghe thật rùng rợn, bi thương. Tiếng khóc dội vào đêm tối, xé nát màn đêm tĩnh lặng, phá tan bầu không khí tang thương, chết chóc của vùng biên ải đang từng ngày đổ máu. Cả Tứ và Nghĩa cùng giữ chặt lấy cô gái, kéo cô xuống giao thông hào. “Cô nín ngay đi, nín ngay đi, chúng nó bắn bây giờ”. - Nghĩa vừa dứt lời thì lập tức một tràng 12 ly 7 và sau đó là tới tấp các loại súng khác của địch từ bên kia biên giới thi nhau bắn sang. Cô gái hiểu ra không khóc nữa nhưng vẫn không hết tấm tức. Cô ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào thành hào, hai tay ôm lấy đầu gối và cứ thế nấc lên từng lúc. Các chiến sĩ đổ xô lại chật cứng cả con hào. Nghĩa hỏi cô gái: “Cô là ai, tại sao cô đến đây vào lúc này?”. “Em...em...em…là…là Việt kiều ở...Cămpuchia”. - Cô gái chỉ nói được từng ấy rồi ôm mặt khóc. Cả người cô run lẩy bẩy trong rất đáng thương. Các chiến sĩ nhanh chóng đưa cô về tuyến sau. Khi bình tâm lại, cô cho biết, cô tên là Xoan, theo gia đình sang làm ăn ở Cămpuchia rồi kẹt luôn bên ấy không về được. Cách đây một năm, trong một lần khủng bố, tàn sát Việt kiều, bọn lính Pônpốt đã giết hại cả gia đình cô. Lúc ấy, cô vắng nhà nên may mắn sống sót. Hơn một năm qua, cô sống lang thang và cùng với một số Việt kiều khác tìm cách trốn về nước, nhưng không lần nào thoát được. Lần này, cô liều mạng đi một mình vào ban đêm.

Cả đơn vị xúm lại chăm sóc Xoan như một đứa em gái. Xoan có khuôn mặt khá xinh và một mái tóc dài, đen mượt. Những ngày sống trốn tránh, chui lủi nhìn cô phờ phạc, rách rưới. Chỉ một tuần sống với đơn vị, trở về với đồng loại, sức sống tươi trẻ trong Xoan trỗi dậy rất nhanh. Tuy vậy, nỗi đau mất cha mẹ, người thân vẫn luôn ám ảnh cô. Nhiều đêm nằm ngủ, trong cơn mơ, Xoan hét toáng lên và khi tỉnh dậy vẫn chưa hết bàng hoàng. Rồi Xoan được ban chỉ huy cử chiến sĩ đưa về quê cũ. Người được cử đi không ai khác mà là Nghĩa. Lúc trở về gặp Tứ, Nghĩa nháy mắt, ghé tai Tứ nói nhỏ: “Cái cô tên Xoan ấy đẹp quá Tứ nhỉ!”. Tứ không nói gì chỉ mỉm cười với bạn. Anh nghĩ: “Cậu khen Xoan đẹp thì cũng giống mình, giống anh em chứ có gì mà phải ghé tai ra vẻ bí mật”. Sau này Tứ mới biết Nghĩa có cảm tình với Xoan và Xoan cũng có cảm tình với Nghĩa ngay từ cái lần Nghĩa đưa Xoan về quê.

Mùa nước nổi, trận địa chốt ở biên giới ngập phăng trong nước. Đơn vị lui quân về tuyến sau huấn luyện. Nơi đơn vị dừng chân lại chính là quê hương của Xoan. Thế là Nghĩa và Xoan lại có dịp gặp nhau. Họ gần gũi và quyến luyến với nhau hơn. Nghĩa bộc bạch nỗi lòng mình cho Tứ nghe. Tứ thành tâm mừng cho bạn và vun vén cho hai người. Ba tháng mùa mưa trôi qua, đơn vị trở lại trận địa trên biên giới cũng là thời gian mà tình yêu của Nghĩa và Xoan đã đến độ mặn nồng, say đắm. Cuối tháng đó, Tứ bị thương rồi có quyết định chuyển ngành. Anh về quê lấy vợ, sinh con và gần hai mươi năm qua công tác tại Hà Nội. Những lúc nhớ về quá khứ thì hình ảnh sâu nặng nhất trong anh là Nghĩa, là Xoan và mối tình của hai người mà anh từng chứng kiến, từng vun vén. Trong thâm tâm, anh vẫn hằng tin Nghĩa và Xoan đã thành vợ chồng, đang chung sống với nhau hạnh phúc. Cách đây gần mười năm, Tứ gặp một người bạn, người bạn ấy cho anh hay, Nghĩa đã ra quân, mang theo cô vợ người Nam Bộ rất xinh và cháu trai gần hai tuổi. Thông tin này càng củng cố trong anh điều tốt lành về mối tình của hai người. Anh viết thư vào cho Nghĩa ở Linh Sa nhưng không có hồi âm. Chán nản, Tứ lặng luôn. Bây giờ có mặt ở quê Nghĩa anh mới vỡ lẽ. Nhưng khi được chủ tịch xã, em họ của Nghĩa nói rằng, vợ Nghĩa tên Miên chứ không phải tên Xoan thì Tứ thấy buồn buồn và không còn hiểu ra làm sao…

Chiều ấy, chủ tịch xã đèo Tứ đến chỗ Nghĩa rồi quay lại ngay, do bận họp đột xuất, anh không thể nán lại. Lúc Tứ đến chỉ có mỗi mình vợ Nghĩa ở nhà. Anh đứng như chôn chân nhìn chị. Đó là một phụ nữ trạc bốn mươi tuổi có khuôn mặt khá đẹp và lại trẻ hơn rất nhiều so với tuổi. Nghe giọng nói, Tứ biết chị là người Nam Bộ. “Không phải Xoan!”. Đó là câu đầu tiên anh thốt lên khi chợt nhìn thấy chị. Người phụ nữ cũng ngường ngượng khi bắt gặp ánh mắt của khách nhìn mình. Chị phải quay đi để tránh ánh mắt của anh. Khi được người em họ chồng giới thiệu qua về khách thì chị vui vẻ, chuyện trò dăm ba câu rồi xin phép đi gọi chồng. Tứ bước ra khỏi ngôi nhà cao rộng, xinh xắn, đầy đủ tiện nghi, thong thả đi qua sân và dừng lại trước cổng, nhìn ra xa. Quả đúng như người em họ của Nghĩa nói lúc sáng. Một màu xanh ngút ngàn của cây lá đang trải dài chế ngự trước mắt anh. Một con đường đất đỏ thẳng tắp chia cái màu xanh ấy ra làm hai phần. Một bên là hồ tiêu đang kỳ ra lộc, trỗ hoa. Một bên là cà phê đang kỳ thu hoạch. Nếu hồ tiêu như khoác trên mình chiếc áo choàng màu trắng sữa của lớp lớp lá non thì cà phê lại như được điểm xuyết bằng những chiếc cườm cẩm thạch màu xanh, màu hồng, màu gạch, màu huyết dụ…của vô số những chùm quả lấp ló trong các vòm lá. “Đẹp quá!”. - Tứ bất giác kêu lên. Có tiếng chân hối hả bước từ phía sau. Tứ quay lại. “Nghĩa!”. “Tứ!”. Cả hai chỉ kêu lên như thế rồi nhào đến ôm chặt lấy nhau. Tứ và Nghĩa cùng cười và cùng rưng rưng nước mắt. Miên - vợ Nghĩa - lúc ấy cũng có mặt. Chị ngây ra đứng nhìn hai người. Thấy chồng và khách biểu lộ với nhau tình cảm quá lòng chị cũng cảm thấy xao xuyến, xúc động theo.

Đêm ấy, Tứ và Nghĩa ngồi trò chuyện với nhau tới tận khuya. Suốt cả buổi chiều, vợ chồng Nghĩa dẫn bạn đi thăm khắp lượt trang trại của mình. Do bị cuốn hút bởi cà phê, hồ tiêu, lại lúc nào cũng có Miên cặp kè bên cạnh, Tứ chưa tiện hỏi bạn điều thắc mắc trong lòng. Bây giờ, trên gác hai của ngôi nhà sang trọng, bốn bề trăng gió lồng lộng, đón chén rượu từ tay Nghĩa, hớp một ngụm, Tứ hỏi: “Cậu nói đi, tại sao lại là Miên mà không phải là Xoan? Hồi ấy cậu và Xoan yêu nhau đến như thế cơ mà”. “Đúng, tôi và Xoan rất yêu nhau! - Nghĩa trả lời giọng buồn buồn - Nhưng có phải tình yêu nào cũng may mắn đem đến hương vị ngọt ngào cho ta đâu”. “Tại cậu hay tại Xoan?”. “Không tại ai cả mà tại chiến tranh - Nghĩa đáp lạnh lùng rồi rót rượu ra chén, ngửa cổ uống ực một cái. Nghĩa nói tiếp - Tại chiến tranh Tứ ạ! Chiến tranh đã cướp mất Xoan của tôi”. Tứ bàng hoàng thấy cay cay ở khoé mắt. Đây là điều anh hoàn toàn không ngờ tới, càng không bao giờ anh dám nghĩ tới. Cả lúc này, khi đã nghe Nghĩa nói, Tứ vẫn không muốn tin đó là sự thật. Anh chỉ biết im lặng vì không biết phải nói gì. “Dẫu bây giờ tôi đã có Miên - Nghĩa nói - Và dẫu thời gian đã lùi lại phía sau khá dài, nhưng mỗi lần nhớ lại chuyện này ruột gan tôi vẫn như có muối xát...”.

Tiếng Nghĩa như chìm đi trong tiếng gió xào xạc từ các ngọn cây quanh nhà: “Hôm ấy là chiều hai tám tết, khi tôi đang ở chốt thì có lệnh của ban chỉ huy gọi về. Tôi nghĩ chắc có việc quan trọng nên hăm hở đi ngay. Đến nơi, ngay từ ngoài cửa tôi đã nghe có tiếng phụ nữ nói cười trong lán chỉ huy. Bước vào, tôi thấy Xoan và mấy chị, mấy cô đang ngồi nói chuyện với chính trị viên. Thú thực, lúc ấy tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng rất sung sướng. Tôi nhìn Xoan, Xoan nhìn tôi. Bốn con mắt nhìn nhau như muốn hút lấy nhau. Chính trị viên tươi cười nói với tôi: “Hôm nay, các chị, các cô đây đại diện cho hội phụ nữ các xã biên giới lên thăm và tặng quà cho đồn biên phòng chúng ta, - Chính trị viên chỉ tay vào Xoan nói vui - đồng thời cô Xoan muốn đặt vấn đề xin được rước cậu về dưới ấy làm đám cưới, ý cậu thế nào?”. Xoan đỏ bừng mặt, còn tôi lại thấy phấn khởi. Thì ra chính trị viên gọi tôi về đây chỉ là để tôi được gặp người yêu. Lợi dụng lúc mọi người đang xúm lại chuyền tay nhau những đòn bánh tét, những chùm trái cây…tôi nháy Xoan ra ngoài, rồi dẫn cô ấy ra vườn chuối sau nhà. Cả tôi và Xoan cùng vồ vập ôm lấy nhau. Một lúc sau, Xoan bỗng đẩy tôi ra, dí ngón tay vào trán tôi, hai mắt nhìn tôi nghiêm nghị: “Liệu liệu đi ông tướng...”. Tôi ngây ra không hiểu gì cả. Xoan nói tiếp: “Thì như anh chính trị viên nói vui ý”. “Làm đám cưới ư?”. - Tôi lại ngây thơ hỏi. “Ừa! - Xoan nhìn tôi đằm thắm hơn - Em có thai rồi, chúng ta sắp có con rồi, anh biết không? ”. Tôi hơi bị bất ngờ trước tin vui này nhưng vẫn nhớ rất rõ rằng, có một lần tôi về thăm Xoan, cũng trong một vườn chuối như vườn chuối này, chỉ vài ba tàu chuối khô rải ra đất, Xoan đã trao cho tôi tất cả. Tôi hôn Xoan và nói rất chân thành: “Anh sẽ trình bày với ban chỉ huy và chúng mình sẽ làm đám cưới, sẽ sống với nhau trọn đời”. Xoan khoe với tôi: “Anh biết không, em đã sắm cho con hai chiếc áo sơ sinh, hai đôi tất tay nhỏ xíu và một cái mũ len tự tay em đan lấy. Rồi em sẽ làm cho con một chiếc gối hình trăng khuyết nữa anh ạ! Rồi Xoan hỏi tôi - Anh thích em sinh con trai hay con gái?”. “Trai gái gì cũng được, - tôi đáp - nhưng anh muốn chúng mình có con gái đầu lòng để nó giúp đỡ cho em”…Nghĩa ngừng kể, rót rượu ra chén. “Cậu uống đi chứ! - Nghĩa nói - Sao lại ngồi đực ra thế?”. Tứ nâng chén rượu lên: “Tại câu chuyện của cậu đang cuốn hút tôi. Nào, uống!”. Cả Tứ và Nghĩa cùng dốc cạn chén. “Cậu cầm đũa  đi - Nghĩa lại nói - Thịt dê nướng, mực nang xào, thịt bò hầm cách thủy này là Miên vừa điện cho nhà hàng “Sao rừng” nổi tiếng nhất vùng này đem lên đấy. Còn các loại rau húng, ngổ, quế, xà lách, sả, ngò, răm…đều do Miên tự trồng lấy. Chỉ một khoảnh đất nhỏ thôi mà đủ ăn quanh năm cậu ạ”. “Cậu kể tiếp đi” - Tứ giục. “Ừ...hôm ấy, tôi và Xoan đã nói với nhau rất nhiều. Chúng tôi nói về quá khứ, về hiện tại và nói rất nhiều về tương lai. Chúng tôi cũng không biết thời gian đã trôi đi bao lâu. Và Tứ ạ! Tôi đã không ngờ đó là lần cuối cùng tôi gặp Xoan, nói chuyện với Xoan và những nụ hôn đắm đuối ấy lại là những nụ hôn cuối cùng chúng tôi dành cho nhau...”

Nghĩa nâng chén rượu lên nhấp một ngụm: “Do thời gian đã quá chiều, trận địa chốt lại vào giờ cao điểm, các chị, các cô phải chia tay đơn vị ra về. Chính trị viên và tôi tiễn Xoan và mọi người một đoạn đường rồi quay lại. Vừa về đến lán ban chỉ huy tôi đã nghe tiếng gió rít trên đầu và tiếp theo là một loạt tiếng nổ. Từ bên kia biên giới, các loại pháo, cối…của địch dập dồn dội sang. Đất trời mịt mù khói lửa. Tôi đang định quay lại chỗ Xoan thì có một chị đang chạy từ phía ấy lại, vừa chạy chị vừa kêu to: “Anh Nghĩa ơi, các anh ơi! Nhanh, nhanh lên”. Đoán có chuyện chẳng lành, tôi nhảy lên khỏi hào, chạy thục mạng về phía đó. Đến nơi, trong khói lửa chưa tan, một cảnh tượng đau lòng hiện ra trước mắt tôi: bên một gốc cây, Xoan của tôi trúng đạn nằm sõng soài như một con chim lớn. Tôi hét lên một tiếng thất thanh rồi quỳ xuống ôm lấy Xoan lay gọi một cách tuyệt vọng. Nhưng ...Xoan đã chết. Một mảnh pháo trúng ngực Xoan, máu thấm đỏ cả vòng ngực. Người Xoan vẫn ấm nóng, mềm mại. Đôi mắt vẫn hé mở. Cặp môi khép hờ, lộ ra nửa phần hai hàm răng đều đặn, trắng bóng. Nhìn Xoan, nhớ lại chỉ mấy phút trước…tim tôi thắt lại đau đớn. Tôi phải cắn chặt vành môi đến rớm máu cho khỏi bật ra tiếng khóc. Nhưng không thể được, tôi đã ồ lên khóc như một đứa trẻ”.

Nghĩa dốc cạn chén rượu, đưa hai tay lên vuốt mặt. Rồi anh nhìn  ra xa, vào đêm tối: “Đêm ấy, tôi đưa Xoan về quê. Đã hai lần rồi tôi đưa Xoan về quê. Lần trước thì như cậu đã biết. Lần ấy tình yêu đã đến với tôi. Còn lần này, cũng con đường ấy, cũng con người ấy nhưng mà thương đau, mất mát bao nhiêu! Lần cuối cùng khi vĩnh biệt Xoan, tôi đã âu yếm hôn lên đôi môi giá lạnh của cô. Tôi đã chôn theo Xoan tất cả tình yêu của tôi và chôn theo cả giọt máu của tôi, của Xoan mới chỉ bắt đầu được hòa làm một”. Nghĩa im lặng không nói thêm gì nữa. Hai mắt anh rưng rưng lệ. Tứ thấy nhói đau trong lòng và anh thốt lên: “Đau đớn quá!”. “Ừ, đau đớn vô cùng! - Nghĩa nhắc lại - Tôi đã đau nỗi đau ấy đến mấy năm mới nguôi ngoai dần”. “Nghĩa là cho đến lúc cậu gặp Miên phải không?”. - Tứ hỏi. “Chưa hẳn thế! - Nghĩa đáp và nói - Tôi gặp Miên và đến với cô ấy trong một hoàn cảnh chẳng thể đừng”.

Ngoài trời, vài tiếng vạc lẻ loi, tiếng cá quẫy tanh tách cạnh hòn non bộ và cả tiếng ì ì của một chiếc thuyền máy nào đó đang chạy trên sông. “Khi chiến tranh biên giới kết thúc - Giọng Nghĩa trầm hẳn lại - Tôi chuyển về công tác ở một đồn biên phòng cửa khẩu đường sông, làm ở trạm kiểm soát. Tình hình biên giới Việt Nam - Cămpuchia lúc mới giải phóng vô cùng phức tạp bởi nạn vượt biên, buôn bán trái phép thường xuyên xảy ra. Trong một phiên trực đêm, do trước đó có uống mấy chén rượu, nên lúc có chiếc thuyền máy đi qua, tôi gọi hoài không ghé trạm, thế là máu nóng tôi nổi lên. Thay vì dùng súng bắn chỉ thiên để họ biết dừng lại, tôi lại găm thẳng súng vào đuôi thuyền mà bóp cò. Rủi thay, viên đạn vì rượu ấy đã không trúng chiếc thuyền cố ý vượt biên mà lại lạc vào chiếc tam bản của ông lão đang giăng câu gần đó, làm cô con gái của ông cùng đi trên thuyền bị thương khá nặng”. “Trời ơi! Sao cậu dại thế?”. - Tứ kêu lên. “Ừ! Tôi cũng không hiểu vì sao tôi lại hành động dại dột như vậy - Rồi Nghĩa nói tiếp - Hậu quả là sau đó đơn vị phải mất mấy tháng trời chăm sóc chạy chữa cho cô. Phần tôi, do nhận ra lỗi lầm, đã dành dụm số tiền phụ cấp ít ỏi mua quà đến thăm cô, xin lỗi cô và gia đình cô. Đúng ngày cô gái ra viện thì tôi phải ra trước hội đồng kỷ luật. Mặc dù đã được đơn vị và gia đình cô gái đứng ra bảo lãnh, tôi vẫn bị kỷ luật. Đến lượt cô gái và gia đình cô đều đặn hàng tuần đến thăm tôi. Hết hạn kỷ luật, tôi trở về đơn vị. Cha con cô gái thân hành đến tận cổng đơn vị đón tôi. Thế rồi, suốt cả thời gian nghỉ công tác, chờ quyết định xuất ngũ, tôi thường đến chơi nhà cô. Cả nhà cô đối xử với tôi như một người thân. Chính cô và gia đình cô là ngọn lửa sưởi ấm trái tim lạnh giá của tôi trong những ngày đông giá. Và rồi tình yêu giữa tôi và cô gái ấy đã đến với nhau lúc nào không hay. Rồi tôi được xuất ngũ và lễ thành hôn  của chúng tôi tổ chức. Người con gái ấy chính là Miên, vợ tôi bây giờ”. “Tình yêu của vợ chồng cậu thật quả rắc rối - Tứ gần như kêu lên - Nhưng cũng là một mối tình đẹp, đầy chất lãng mạn. Không thế thì sao vợ chồng cậu lại có được hạnh phúc như hôm nay, đúng không?”. Nghĩa im lặng, Tứ lại nói: “Và vợ chồng cậu quả đúng như người em họ của cậu đã nói: năng động, táo bạo, dám nghĩ, dám làm”. “Cũng không còn cách nào hơn - Nghĩa nói - Túng thì phải tính thôi. Những ngày đầu lên đây, vợ chồng tôi khổ lắm! Vốn liếng không có. Nông cụ sản xuất không có. Chỉ có đất đai là dư thừa và sức khỏe trời cho là vốn quý nhất thôi. Nhưng còn phải tính toán nên làm gì, trồng cây gì để đem lại nguồn lợi cao nhất mới là điều quan trọng. Hồi ấy, cây cà phê, cây hồ tiêu được xem là sáng giá nhất ở vùng đất này nhưng đã mấy ai quan tâm, mấy ai chịu trồng. Vợ chồng tôi bàn bạc mãi và quyết định  chỉ trồng hai loại cây này ”. “Và bây giờ thì vợ chồng cậu đã trở thành những ông chủ, bà chủ, những triệu phú vườn đồi”. - Tứ mỉm cười nói với bạn. “Ôi dào, phú phơ gì - Nghĩa thở dài buồn rầu nói - Cuộc đời đâu chỉ lắm tiền nhiều bạc, giàu sang phú quý là hạnh phúc đâu Tứ ơi! Thế nên, còn chuyện này nữa tôi muốn tâm sự với cậu. Chuyện này ngoài vợ chồng tôi ra chưa ai biết. Tứ ạ! Cái vết thương tôi gây ra cho Miên ngày đó hết sức hiểm nghèo. Hiểm nghèo đến mức các bác sĩ đã phải cắt bỏ cả hai buồng trứng của cô ấy và hậu quả là vợ tôi vĩnh viễn không bao giờ còn có khả năng sinh nở nữa. Điều này tôi biết ngay từ khi tôi đến thăm cô ấy ở quân y viện. Còn cô ấy không hề hay biết gì. Mãi sau này, qua vài năm chung sống, thấy không có con, cô ấy thắc mắc hỏi, tôi mới nói ra sự thật. Thế là cô ấy khóc. Khóc thương cô ấy thì ít, mà khóc vì thương tôi, quý trọng tôi thì nhiều….”. Nghe đến đây Tứ chồm dậy ngạc nhiên hỏi Nghĩa: “Sao cậu lại nói thế? Vợ chồng cậu có cháu An đang học đại học cơ mà”. Nghĩa cười lạnh lùng, chua xót: “Thì tôi đâu có cãi. Đúng! Vợ chồng tôi có cháu An đang học đại học. Nhưng….biết nói thế nào nhỉ? Và Nghĩa lấp lửng một cách khó khăn - Tôi …tôi…vẫn xem cháu là…là…con đẻ của tôi. Tôi thương yêu quý mến cháu vô cùng”. “Thế…thế…nó là…là con nuôi của vợ chồng cậu à?”. - Tứ ngớ ra hỏi bạn. Chính tiếng anh cũng lắp bắp, lúng túng khi hỏi. “Sao lại con nuôi? - Nghĩa vặn lại rồi đáp gọn - Cháu là con đẻ của vợ chồng tôi đó”. Tứ càng ngạc nhiên hơn: “Vậy ra vợ cậu có con riêng? Sao hồi nãy...”. “Đúng thế! - Nghĩa cắt ngang - Vợ tôi có con riêng. Cô ấy đã mang thai trước khi mổ, gia đình cô ấy do biết con mình không thể sinh nở được nữa nên đã yêu cầu cho để lại cái thai”. Nói rồi anh nâng chén rượu lên, nhấp một ngụm và cầm như thế trong tay. “Cô ấy đã có chồng?”. - Tứ hỏi. “Không!”. “Người yêu?”. “Biết nói với cậu thế nào nhỉ?”. - Nghĩa lúng túng. Tứ sốt ruột: “Sao cậu cứ úp mở thế? Không chồng, không người yêu, không lẽ cô ấy cũng dẫm phải dấu chân lạ như bà mẹ Thánh Gióng trong truyện cổ tích?”. Miệng Nghĩa méo xệch lại: “Điều này nói ra đau lòng lắm Tứ ạ!”. Tứ thông cảm nhìn bạn: “Có chuyện gì mà ...”. Không đợi Tứ hỏi hết câu, Nghĩa nhẹ nhàng đặt chén rượu đang cầm trong tay xuống mâm rồi nhìn Tứ nói nhanh: “Cô ấy bị hãm hiếp. Một lính Khơme Đỏ đã hãm hiếp cô ấy trong một lần chúng tấn công sang đất ta”. “Trời ơi! - Tứ kêu lên - Khủng khiếp quá!”. “Chuyện là thế đấy - Nghĩa thở phào như vừa trút đi được gánh nặng - Tình yêu của tôi và Miên đã lặng lẽ, âm thầm trôi đi như thế đấy - Rồi anh hỏi bạn - Có thể gọi đó là vị đắng tình yêu phải không Tứ?”. Cả Tứ và Nghĩa cùng im lặng. Thời gian trôi đi thật nặng nề.

Ngoài trời, tiếng gió vi vu, xào xạc. Ánh trăng tràn trề tuôn qua kẽ lá chảy ngang cửa sổ vào nhà, đọng lại vô số những vòng tròn lấp lánh trên nền nhà, tường nhà và chấp chới, run rẩy trên vai, trên mặt hai người. Xa xa tiếng gà eo óc gáy. Tiếng nước chảy của dòng sông thượng nguồn xô vào ghềnh đá, nghe trầm hùng, bất tận. Hương hoa hồ tiêu theo gió thoảng qua nồng nồng, cay cay…

N.K.N

NGUYỄN KIM NGỌC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 234 tháng 03/2014

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground