Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cây mẫu đơn hoa trắng

Bên hiên nhà bác Tùy dịch về phía đầu hồi, chỗ bậc hè bước xuống vườn, cạnh giếng nước cạn có một cây mẫu đơn hoa trắng, quanh năm lá xanh bóng, không cao vóng lên như cây mẫu đơn đỏ trước cửa đình mà xòe tán rộng trùm hết lên miệng giếng, hoa nở cả bốn mùa.

Tôi ngồi trên hè đất, lấy que rào vạch ô ăn quan, lẩn mẩn chơi một mình với đống sỏi trắng. Bác Tùy múc nước bằng cái gáo dừa cán tre từ chum nước mưa đội nón mê cạnh thân cau già tưới vào gốc mẫu đơn, lầm bầm như nói một mình: “Chả biết cây hoa này mọc từ bao giờ. Ngày tao về đây dựng lều ở tạm đã thấy có rồi. Mà lạ! Đất vườn rắn như đá, có cây nào không lụi cũng chết khô. Chỉ duy nhất cây mẫu đơn này là tốt. Chả chăm bón gì mà hoa cứ ngợp lên. Lại còn là mẫu đơn ta thơm về đêm mới quý”. Rồi bác mắc gáo vào cây cọc tre cạnh chum nước, quay vào: “Chia lại đi! Tao chơi với! Quan năm hay quan mười?”.

Hai bác cháu ngồi bệt trên đất từ xế chiều đến khi nắng tắt, thả khói xanh rêu xuống vườn, chúi đầu vào đống sỏi và những vạch ô vuông. Kết cục, bác Tùy đứng lên trước sau khi đã thua cả năm ván: “Chán quá! Tao nợ mày bao nhiêu quân? Sáu lăm hả? Thôi tính sáu mươi cho tròn! Mai chơi tiếp tao trả!”. “Bác cho cháu mấy chùm mẫu đơn, cháu xóa nợ cho!”. “Không được! Mai tao giật cho chùm hoa bưởi đầu ngõ. Cây mẫu đơn này không được động vào!”. “Sao thế bác?”. “Chả biết! Chỉ biết rằng không nỡ chạm vào nó! Thế thôi!”.

 

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

 

Bác Tùy không phải họ hàng với nhà tôi mà chỉ là hàng xóm, người tận mạn trong, sau đận loạn, phiêu dạt về làng, gia tài chẳng có gì ngoài cái mũ lá tướp vành và cái tay nải móp xọp, bạc phếch những mụn vá, lang thang ngủ ngoài quán chợ. Bà tôi gặp, thương tình, gọi về nền đất hoang bên kia ngõ, bảo dựng túp lều mà ở. Nếu tính kế lâu dài thì cho giật tạm ít tre, ít rạ. Bao giờ có thì trả. Không có cũng thôi. Bùn từ ao, đất từ vườn đấy, vật lên, bỏ công bỏ sức cố lấy một gian, vừa có chỗ che mưa che nắng, vừa thêm người cho xóm bớt quạnh. Đồng đất này, đậu đâu là nhà, giàu thì khó nhưng chẳng bỏ đói ai bao giờ.

Thế là từ ngày ấy, bác Tùy ở lại với cái xóm nhỏ nghèo xơ xác cuối làng, dựng một gian nhà tường tranh vách liếp giữa khu vườn trơ đất gan gà xám ngoét, mọc rặt một giống cỏ gừng, trên cái nền cũ bỏ hoang. Đó là một bục đất hình chữ nhật, cao ngang ngực tôi, rộng chừng hơn chục thước vuông, cúc dại xen dương xỉ lút đầu. Hàng năm, cuối đông hết mùa, cành khô cúc lụi, bà tôi dành một buổi phát quang, gom vào giữa nền, châm một mồi đóm. Lửa om lép bép, cuộn thành dòng. Lúc đầu xám mờ, sau chuyển sang xanh đục. Vị khói ngọt và nồng. Cả năm, chỉ duy nhất buổi chiều rừng rực lửa ấy là tôi dám bước chân sang vườn, trèo qua bậc cấp lên cái nền hoang. Còn lại hơn mười năm, từ lúc còn lẫm chẫm đến khi đã cứng cáp, mỗi buổi sáng biết chống thanh gậy tre, mở dãy dại trước hiên đón nắng và gió vào hong cho cái nền nhà đất khỏi om hơi nước, nhìn qua ngõ sang vườn tôi đều thấy toát dọc sống lưng. Ban ngày đã thế, còn ban đêm, nhất là những đêm trăng lu, trong đục lờ màu trắng như nước gạo loãng, cái nền hoang sẫm đen quánh lại. Nếu nhìn lâu sẽ lừ lừ dựng cao dần lên thành một khối kì dị, che khuất cả tầm nhìn, che khuất cả hai nấm mộ thui thủi cuối vườn - mộ của chủ nhân mảnh đất ngày xưa. Hai ông bà có một trai một gái, nhưng người con gái không hiểu sao mất tích. Người con trai sau khi bố mẹ chết cũng bỏ đi biệt xứ. Mà bỏ đi cũng phải. Chỗ này là thẻo đất độc. Cây cối ở đâu tươi tốt chứ cứ về đến cửa vườn là khô nhựa, chết vàng. Người sống thì héo hon. Mà nghèo truyền kiếp.

Bà tôi vừa ôm đống cây khô tấp thêm vào lửa, vừa kể chuyện rì rầm. Kể về cái đêm trước khi bỏ đi, người con trai của ông bà thiêu rụi căn nhà lá. Đêm cuối đông, gió bấc, lửa cuốn rèo rèo. Trong chốc lát chỉ còn lại đống tàn tro trên cái nền đất gan gà đanh như đá.

Nhoáng cái mà đã hơn hai chục năm rồi.

Mảnh đất bỏ hoang từ bấy, cho đến tận khi bác Tùy tìm đến.

Tôi bắt đầu mon men sang đầu ngõ, rồi lân la vào tận trong sân xem bác vật bùn cái trộn rơm trát vách, xem gắn cái khung cửa sổ tre đầu hồi. Và sau này phát hiện ra, nếu đẩy tấm liếp che cửa lên cao, khung cửa sổ ấy sẽ là một khung tranh. Góc dưới cùng, bên trái lấp ló chùm mẫu đơn trắng. Giữa khung, qua khoảng xám bạc đất vườn, qua một khúc đường đồng ven mương um duối dại là trọn vẹn khối sẫm im lìm, bốn mùa thẫm đen như bóng tối - bóng cây đa phủ xuống một cái gò lớn toàn mây nếp, gai chồng gai, cợp lên thành lũy - gò Đống Móc.

Khung cửa sổ đầu hồi nhà bác Tùy chiếu thẳng vào đấy. Không sai một li.

Làng tôi nhiều gò đống, gò nào bốn mùa cũng bị quần nhộn đến nhức óc tiếng trẻ con tìm duối chín, sung xanh, tò vò, thèn đen tranh ăn với lũ chào mào, sáo sậu… Gò nào cũng nhẵn dấu chân. Chỉ trừ gò Đống Móc. “Những đêm vắng, lắng tai nghe sẽ thấy tiếng người từ đấy vọng về. Tiếng con gái. Không phải khóc mà là gọi. Chẳng biết gọi ai. Mấy chục năm rồi đều thế. Tôi cũng nghe thấy”. Bà tôi vừa cuốc đất vun vào gốc sắn tàu vừa kể. “Con ở gần nhất. Đêm nào cũng lắng xem mà chẳng thấy có gì. Mọi người cứ nói thế! Chỉ tiếc chỗ dây mây ấy. Già mà bóng. Đan được mỗi nhà bộ bàn ghế”. “Thôi! Tôi xin anh! Nhỡ động chệ gì. Thiệt thân!”. “ Bà yên tâm! Con cũng muốn gặp ma một lần cho biết. May nhặt được cô đèm đẹp, rủ về ở cùng cho đỡ kiếp bồ côi vợ”. “Phỉ phui cái mồm! Đừng bảo là tôi không nói trước!”.

Bác Tùy ra đống lấy dây mây vào một ngày trung tuần. Tôi nhớ rõ vì buổi sáng hôm ấy, trời đã tỏ nhưng trăng vẫn còn tròn nguyên, vàng sẫm trên nền trời xanh nhẹ màu lơ. Bấy giờ là cuối thu, cây mẫu đơn cũng vào mùa hoa vãn, đôi chùm đã quắt lại, chỉ chờ một cơn xao động là lả tả buông cánh xuống vườn. Tôi đang ngồi trên bậu hè lẩn thẩn nhặt từng cánh hoa tàn, đong đầy lòng bàn tay những cánh lao xao, chỉ cần chà nhẹ rồi khẽ buông là tan như bụi theo chiều gió, thấy bác Tùy vác rựa qua vườn liền cắm cổ chạy theo: “Cháu đi với!”. “Ở nhà! Chơi quẩn quanh thôi! Lúc nào tao gọi thì ra cổng vườn kéo dây mây về. Sang đống, bà thấy chửi tao bằng chết!”. “Thế có quả đa, bác vặt cho cháu một ít!”. “Ừ quả đa! Cả quả mây nữa!”. “Bác làm cho cháu cái ghế ngồi chơi ô ăn quan!”. “Ừ! Làm hai cái luôn!”. “Bác…”. “Con này nói lắm thế nhỉ? Quay về trông vườn kẻo gà vào vặt trụi. Tao đi không trưa rặt ra rồi!”.

Khi tôi kéo nốt những thân mây cuối cùng về xếp thành đống trước hè thì cũng là lúc trời sập tối. Trăng mười sáu đã lên vành vạnh sau lùm đa Đống Móc thẫm đen. Bác Tùy quăng rựa vào góc hè, múc gáo nước mưa trong chum, tu ừng ực: “Này! Đất ngoài gò lì như đá. Hình như cùng một rẻo với đất vườn này”. “Có gì sợ không bác?”. “Chỉ là cái gò chứ có cái gì. Nhưng sâu phía dưới có phiến đá xanh. Tao bạt được một góc. Mai làm tiếp”. “Cháu đi với!”. “Tao không nghe chửi được. Ở nhà!”.

Đêm cuối mùa thu trong vắt. Tôi nằm gối đầu lên khoảng trăng rời rợi đầu giường, nghe bác Tùy hát trống quân trong lúc ngồi chuốt những sợi dây mây bàng bạc trắng. Rồi bỗng yên lặng. Nghe thấy cả tiếng trăng chảy tràn trong đêm tĩnh, tiếng lách cách quen quen - tiếng sỏi trắng va vào nhau trên những ô vuông ăn quan vẽ trên hè đất, nghe tiếng gọi thì thầm. Và thấy chân mình chạm trên cái lạnh tê của nền đất ẩm, sang vườn bên, ngồi trên thành giếng cạn, thấy dưới sâu thăm thẳm không đáy thấp thoáng có bóng người. Cành mẫu đơn sà thấp xuống, mùi hương ngọt loang thành dòng. Những viên sỏi tròn lọt qua kẽ tay tôi xuống thành giếng, âm thanh lăn tròn rồi hút hẳn vào đêm. Nghe thấy tiếng thì thầm: “Về nhà mình đi!”. “Nhà nào cơ?”. “Nắm lấy tay chị này! Bước khéo! Hè cao lắm!”.

Và tôi ngửi thấy mùi ẩm mốc thân thuộc, nồng và ngái, thấy trăng rọi qua mái lá trống, lan thành quầng như sương, thấy tiếng gọi: “Đi ngủ đi con! Đêm nào cũng chờ anh thế làm gì!”, nghe tiếng trả lời vọng vào từ ngoài hiên: “Anh con sắp về rồi thầy ạ! Tầm này hôm qua là về rồi!”.

Và tôi nhìn thấy tôi, cùng tuổi ấy nhưng gầy gò và rách rưới, ngồi thu lu đầu hè ngóng qua vườn sang cánh đồng, chờ đến khi xuất hiện một bóng người lầm lũi trong sương. Rồi nụm nịu mớ tép gạo thân trắng bạc, nghe tiếng búng mình lách tách, xôn xao ướt trong lòng tay, quẩn quanh cất đậy mãi rồi mới quay vào, nghe anh dặn: “Lần sau đừng thức chờ anh nữa. Cứ ngủ đi! Mai còn ra chợ sớm!”.

Rồi tất cả lại lặng yên… chỉ còn nghe tiếng người con gái bên tai rì rầm kể trong tiếng sỏi chơi ô ăn quan lách cách.

Nhà mình đấy! Thầy u ốm quanh năm. Tất cả chỉ trông chờ vào một mình anh. Ngày làm thuê làm mướn. Đêm đi vó đi nơm. Sương gió quanh năm nhưng một manh áo lành không có. Chị cũng quẩn quanh bòn mót, ai thuê gì làm nấy. Và thành lệ, đêm nào cũng ngồi ở đầu hè, thẩn tha với đống sỏi trắng, thức đợi anh về.

Cứ lặng lẽ và bình yên như thế đến năm chị mười bốn tuổi.

Một buổi chiều muộn, khi trời đã sâm sẩm tối, có hai người lạ mặt tìm đến nhà. Họ nói gì với thầy u lâu lắm, lúc về cứ nhìn chị chằm chằm, rồi cầm tay, vuốt tóc, xoắn xuýt khen, hẹn mai kia quay lại. Thầy bảo đó là hai vợ chồng - người ở làng bên, giàu có lắm nhưng hiếm hoi, muốn xin chị về làm con nuôi cho mát mẻ. Chị níu lấy u, khóc bảo: “Thầy u đừng cho con đi! Con lớn rồi. Ngày con đi làm mướn, đêm đi vó, đi lưới cùng anh”. Thầy im lặng. U gục đầu xuống thành chõng nghệu ngạo khóc bảo cho chị vào cửa nhà giàu biết đâu sung sướng hơn chăng. Còn anh lùi lũi quay ra xếp nơm, xếp đó, chỉ nói một câu: “Có đói cũng để em ở lại. Đừng cho em đi. Tội nghiệp!”.

“Thế rồi chị có đi không?”. “Có!”. “Sao lại thế?”. “Ừ! Chẳng ai muốn thế. Nhà mình đấy, thầy u, anh mình đấy… Nghèo thì nghèo, ai nỡ rứt ruột chia lìa. Nhưng khi ngồi chờ anh đi nơm về như mọi đêm, chị bỗng thấy sực lên mùi gạo mới, chợt nhớ ra hai thúng gạo vợ chồng người ấy để lại, bảo biếu thầy u trước lúc về. Lần đầu tiên chị được thấy nhiều gạo như thế - những hạt gạo rộng và đều, mướt lòng tay, không thâm đen vì đất bụi như những hạt gạo nhà mình vẫn ăn từ thóc chị mót lúc vào mùa. Rồi chị thấy thầy u nằm đấy, ốm quanh năm nhưng ăn còn chẳng có lấy đâu ra tiền thuốc. Thấy anh mình thui thủi, đầu sông cuối bãi tàn đêm, lưng trần phơi cả bốn mùa mưa nắng. Và nghĩ… nếu xin được cho thầy u tiền và gạo? Nếu nhà bớt một miệng ăn?”

Chị đi làm con nuôi nhà người ta cũng vào một buổi chiều cuối ngày sâm sẩm tối. Bước ra khỏi ngõ là không quay đầu lại, mặc cho thầy đứng nhìn theo chết lặng đầu hồi, mặc cho u chạy theo nức nở: “Con ơi! Thế này ra thầy u bán con à?”. Chỉ nhân lúc bố mẹ nuôi không để ý, dặn anh: “Anh chăm sóc thầy u hộ em. Đừng đi đêm nữa! May một tấm áo lành nhé! Em sẽ về! Mọi người cứ chờ em!”.

Nhà bố mẹ nuôi của chị rộng mênh mông nhưng âm u toàn bóng nhãn, bao quanh bởi bốn bức tường quanh năm xanh sẫm màu rêu. Khi cánh cổng gỗ lim sập lại, đứng trước tòa ngang dãy dọc lặng như tờ, mẹ nuôi vuốt tóc chị, dịu dàng: “Con về ở với chúng ta đừng buồn! Nhà ta hiếm hoi nên quý người, không để con phải khổ”. Rồi quay sang, gióng giả: “Vú già đâu?”. Từ đầu dãy nhà ngang gập vuông hình thước thợ với tòa chính, một người phụ nữ vội vã chạy ra, ú ớ chào. “Vú già đấy! Từ nay bà ấy phục vụ một mình con. Muốn gì con cứ nói! Bà ấy nghe được đấy! Chỉ câm thôi!”.

Vú già đưa chị đến căn buồng đầu hồi nhà ngang, giáp vườn, trông sang nhà chính nhưng tách biệt hẳn với khu người ăn kẻ ở. Một mình chị ở đấy, quẩn quanh với vú, chẳng hỏi được gì, chỉ biết kể cho vú nghe về thầy u chắc ngày nào cũng thương cũng ngóng, kể về anh không biết đã có tấm áo lành? Và đêm nào cũng thế, cũng mở hé cánh cửa sổ đầu hồi, nhìn xuyên qua vườn đêm, ngóng về phía nhà mình, chờ anh đi nơm, đi vó về như thường lệ. Chỗ đầu hồi ấy có một cây mẫu đơn hoa trắng. Đêm nào chị cũng cố nhoài người ra, chạm tay vào nó, nghe làn hương quấn quýt trên những ngón tay. Vú già biết điều ấy nhưng không nói gì. Chỉ ra hiệu tắt đèn, đẩy chị ngồi sát vào bóng tối. Chị nắm tay vú thì thầm: “Vú giống u con quá! Con nhớ nhà! Không biết thầy u con có thuốc uống đã đỡ chưa”. Chị kể cho vú nghe đêm nào cũng có bóng người nhòm qua khe cửa nhìn vào phòng chị rất lâu. Chỉ thấy là bóng trắng, chẳng biết người hay ma. Thấy cả những bóng đen đi xuyên vườn ra cổng sau rồi khuất dạng vào đêm. “Vú có làm thế nào cho con về thăm nhà được không? Ở đây con sợ lắm!”. Vú lặng đi rồi ôm lấy chị. Cả hai im lặng khóc.

Tiếng người con gái vẫn thì thầm, mơn man trên tóc, kể cho tôi nghe về cái đêm vú dẫn chị lẻn ra ngoài, men tường sau đến bên cửa sổ nhà trên, bấm tay chị ra hiệu lặng im để lắng nghe câu chuyện thì thào của bố mẹ nuôi với người đàn ông da thiết bì, mắt lươn, có hai hàm răng xít chặt mà mẹ nuôi bảo chị phải gọi bằng bác. Qua khe cửa hẹp chị thấy họ đang chụm đầu trên một tấm sơ đồ chi chít chữ: “Công việc chuẩn bị thế là xong. Bây giờ ông bà nghe tôi dặn kĩ. Lệch đi một li cũng là hỏng việc. Cả vùng này chỉ có cái gò ấy là đắc địa. Thế thủy dưỡng mộc. Thẳng phía trước mặt, cách đúng hai mươi bước là cái đầm nước. Bên phải là cây đa hai thân. Thân chính thẳng. Thân phụ sà xuống. Đứng ở phía nào nhìn lại cũng ra hình cánh tay bị gãy. Hôm nay là rằm. Chờ đến mười tám, lúc mười hai giờ đêm, bóng thân đa chính sẽ chiếu thẳng đúng giữa miệng hầm. Không bao giờ sai. Tôi đã tính vận sáu cho ông bà - có nghĩa là sáu mươi năm nữa chỗ đất này cũng không có gì thay đổi. Đất gò cứng như đá. Chỉ thấy mây gai. Xong việc, ta dấp thêm ít nữa rồi đặt bùa yểm kị người. Bao giờ đi lấy của về cũng phải chọn đúng ngày ấy, giờ ấy. Không được sai. Chuẩn bị người đi. Ba hôm nữa tiến hành. Không có vấn đề gì chứ?”. “Thầy yên tâm! Đầy đủ hết rồi! Nhưng con chỉ sợ chỗ ấy gần nhà nó quá!”. “Gần hay xa quan trọng gì. Khi tôi đã ra chú, đã yểm bùa, nó thành thần giữ của cho nhà mình, chỉ quanh quẩn gò đất ấy, đi đâu được nữa. Lúc ấy, chỉ có người nhà mình gọi mới mở. Nếu không phải thì đến người nhà nó nó cũng vật chết! Nhưng từ ngày mai phải trông chừng cẩn thận. Sơ sảy là hỏng việc. Mai sang nhà nó, dúi thêm cho ít tiền. Bảo cuối tháng cháu sẽ về chơi. Xong việc, mình đi. Có giời mới biết. Nhớ hôm ấy phải cho uống thuốc, kẻo nó giãy giụa, lộ hết!”.

Chị lạnh run người, phải dựa vào vú cho khỏi ngã, biết họ đang nói về gò Đống Móc, về chị, về nhà mình. Vú dìu chị về rồi lẩn ngay đi, trước khi cái bóng mờ lại xuất hiện trước cửa, chằm chằm nhìn vào phòng. “Thế rồi chị làm thế nào?”. “Có sự lựa chọn nữa hả em? Ý vú bảo chị trốn ngay trong đêm còn kịp. Lúc đầu chị cũng nghĩ hay đi một thời gian, sau này yên ắng lại tìm về. Nhưng rồi lại nghĩ nó chôn mình làm thần giữ của cho nhà nó, sao mình không giữ của ấy cho thầy u, cho anh mình, đánh đổi kiếp nghèo cho phận người bớt rẻ rúng?”. “Nhưng nó trấn, nó yểm, chị giữ làm sao?”. “Chị cũng không biết. Chỉ biết rằng từ lúc ấy cứ nhẩm đi nhẩm lại tên thầy u, tên anh. Nhắc mình rằng đầu hồi nhà mình có cái giếng cạn. Từ Đống Móc về đó đúng hai trăm bước, hướng Tây. Ngày còn ở nhà, ra đống chơi, chị đếm kĩ rồi. Chị bảo vú già: “Nếu sau này thoát ra được con cứ nhớ tên ấy, nhớ đường ấy mà về.”. Vú nhìn chị khóc, ý bảo rằng sẽ tìm cách báo với thầy u cứu chị ra.

Nhưng hai hôm trước khi chị đi, vú mất tích. Đích thân mẹ nuôi mang cơm nước đến. Chị hỏi vú đâu. Bà ấy ậm ờ bảo vú về thăm người thân. Nhưng chị biết vú làm gì còn ai thân thích. Và cũng biết chị chỉ còn lại một mình.

Đêm hôm ấy là đêm mười tám hạ tuần. Trước khi đi, chị ngắt một cành mẫu đơn hoa trắng giắt vào vạt áo rồi uống chén nước mẹ nuôi đưa, biết mình tê liệt hoàn toàn dù vẫn còn tỉnh táo, được đưa đi trong tiếng bước chân vội vã, tiếng thì thào: “Cậy mồm nó ra! Cho sâm vào!”. Thấy một lá bùa cài vào lòng bàn tay đang đặt lên ngang ngực, thấy tiếng nói vào tai: “Sống không phải người nhà họ Vương nhưng chết thành thần giữ của cho họ Vương. Một trăm ngày nữa hết sâm thì chết phải nhớ câu thần chú này. Sau này ai đọc đúng thì mở cho vào lấy của. Không đúng cứ vật chết”. Hắn đọc câu thần chú nhưng chị cố không nghe, chỉ nhẩm trong đầu tên thầy u, tên anh, nhắc về cái giếng cạn đầu hồi với đống sỏi trắng chơi ô ăn quan chắc thầy u vẫn để nguyên chờ chị”. Lại nghe tiếng thì thào: “Nó khóc kìa!”. Tiếng trả lời xít qua kẽ răng: “Nó biết hết đấy! Phải trẻ đẹp thế này, chết oan ức mới thiêng.”.

Rồi tiếng sập cửa hầm. Chỉ còn mình chị trong tối tăm và lạnh lẽo. Biết là chết nên cứ tỉnh lúc nào chị lại nhắc mình cố nhớ. Nhớ lối về giếng nước đầu hồi cách hai trăm bước hướng tây, nhớ bậc hè có đống sỏi trắng chơi ô ăn quan chạm vào nhau lách cách. Chị gọi mãi: “U ơi! Bao giờ con về u nấu cơm cho con ăn nhé! Con ước một bát cơm trắng đầy, không độn rau má, độn củ chuối, độn khoai. Thầy ơi! Thầy dậy đi! Thầy xem hộ con lũ chim ri trong cái tổ đầu hồi giờ đã cứng cáp chưa. Ngày con đi lũ chim con vừa nở. Thầy che mưa cho chúng nó. Trời chuyển mùa, con rét lắm! Thầy rút rơm rải ổ đi thầy! Ngày mưa như thế này không ai mướn, anh em con ngồi trong lòng ổ, nói chuyện rì rầm và chơi ô ăn quan. Con nhớ tiếng anh cười. Anh ơi! Anh đừng đi tìm em nữa! Nhà họ rời đi ngay trong đêm ấy, không còn dấu tích gì đâu! Thầy u ơi! Con chết lên đến ngực, đến cổ rồi đến mắt. Con không nhìn thấy gì nữa. Con khấn ông trời thương cho con thoát ra được, con về nhà mình. Cách có hai trăm bước. Hướng tây…”.

Chị muốn về báo mộng cho mọi người nhưng bùa trấn không thoát được. Cho tận đến khi cây đa bị sét đánh, Đống Móc chôn chị sạt một góc, bắt lửa, cháy suốt đêm. “Em biết rồi! Bà kể. Đúng hôm mẹ sinh em đấy!”. “Ừ chị thoát ra được một phần hồn. Tìm về đến nhà nhưng chẳng còn ai”. “Bà cũng kể sau đêm ấy, bên giếng cạn xuất hiện cây mẫu đơn hoa trắng. Có phải chị đấy không?”. “Là chị. Chị chờ hơn chục năm rồi. Hôm nay bác Tùy ra đống, bật nốt một phần lá bùa trên nắp hầm, chị mới thoát hẳn được ra, về tìm em. Em bảo bác Tùy đi tìm hộ anh mình với!”. “Sao lại là bác Tùy chứ không phải ai khác?”. “Bác ấy biết anh mình đấy. Lúc bạt dây mây, chị thấy bác ấy hát: “Hàng trầu hàng cau. Là hàng con gái. Hàng bánh hàng trái. Là hàng bà già. Hàng hương hàng hoa. Là hàng cúng Phật. Có ăn thì gật. Chẳng ăn thì thôi. Tàn dân hết rồi. Phần Hương tất cả”. Bốn câu cuối là anh mình đặt ra đấy. Chơi ô ăn quan với chị, ván cuối nào anh cũng hát như thế. Tên chị là Hương. Anh chưa chết đâu. Nếu chết chị đã gặp. Chỉ phiêu dạt, nhưng không biết nơi nào. Chị không tìm được vì đã nguyền chỉ về được đến đất này thôi. Nhờ bác tìm anh hộ, bảo về lấy của. Chị giữ cho anh đấy!”.

Tôi vẫn nằm gối đầu lên cả một miền trăng mênh mang sáng, nghe bàn tay mềm vuốt tóc, nghe chị thì thầm: “Ngủ đi em! Sau này anh về…”.

*

Thế là bác Tùy khăn gói chuẩn bị lên đường ngay sau đêm hôm ấy. Đi tìm người anh trai cho cô gái Đống Móc - Bác bảo thế. Biết là chim trời cá nước nhưng vẫn phải tìm. “Mày bảo với cô ấy rằng cứ yên tâm đi. Hóa ra là người quen cả. Tao ở đồng rừng với chú ấy dễ gần chục năm. Trong tay nải của nó có một đùm sỏi trắng. Rảnh là bỏ ra chơi. Ván cuối bao giờ cũng hát bài ấy. Nghe mãi thành quen. Tao biết chơi ô ăn quan cũng là vì thế. Nếu còn sống thì kiểu gì cũng thấy. Yên tâm đi! Nhưng cơ khổ! Chia lìa đến thế thì tiền bạc mà làm gì!”.

Đêm hạ tuần nhưng trăng vẫn sáng. Trên bậc hè đất nện, tôi vạch bàn chơi ô ăn quan mới hình tam giác dành cho ba người. Bác Tùy hát: “Hàng trầu hàng cau. Là hàng con gái...”. Sỏi trắng đã rải. Tiếng lách cách rộn ràng. Tôi và bác Tùy lặng lẽ chờ. Cây mẫu đơn loang màu hoa trắng lẫn vào sương. Rồi nghe tiếng chị vang từ trong lòng đêm tĩnh: “Chờ cháu chơi với! Quan năm hay quan mười?”.

N.H.Y

 

NGUYỄN HẢI YẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 306

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

9 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

10 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground