Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chị Sương

C

hị không còn thời thiếu nữ nhưng bây giờ nhìn chị tôi cam quả rằng thời trước chị rất đẹp. Bước qua tuổi bốn mươi, chị còn duyên lắm. Mấy đứa con nít trong khu tập thể - không hiểu trẻ con ngày nay nó tìm đâu ra từ như thế - chúng bảo chị Sương có nét, có đứa bảo chị đẹp lão. Chị nghe chỉ cười, nụ cười lóe lên trên khuôn mặt vuông vức pha chút ưu tư mới đẹp, nhân hậu làm sao. Tôi thương chị lắm, nhất là nghe chuyện hồi chị ở trên cứ, chị rất bạo gan. Làm cấp dưỡng cho hàng trăm cán bộ, bộ đội, một mình chị ngày đêm len lỏi đi hái rau rừng, chế biến món ăn tài tình ra phết. Một số ông có chức sắc bây giờ ở tỉnh, ở Trung ương nữa, thỉnh thoảng họa hoằn đôi lần rẽ thăm còn nhắc, nói rằng bây giờ dự tiệc chiêu đãi lớn vẫn không quên món ăn của chị, nó mặn mà, đằm bụng biết bao. Duy chỉ có một điều người ta không nhớ là bao nhiêu năm chị vẫn sống vậy - thui thủi một mình đơn chiếc. Nghe kể hồi đó có một ông tên Lam yêu chị. Ông là cán bộ vùng. Một thời gian nghe bàn tán chuyện ông cán bộ lãnh đạo hủ hóa với chị cấp dưỡng, ông ta biến mất, có lẽ ông sợ. Hòa bình, chị có gặp ông một lần nhân dịp lễ kỷ niệm gì đó, ông Lam không dám nhận chị. Chị thôi không hỏi - mà hỏi làm chi, giờ ông có chức quyền có vợ con đề huề sớm tối. Có lần  tôi thấy chị đem ảnh ông ra coi rồi khóc một mình. Chị nói đã quên ông Lam, căm thù ông ta lắm nhưng tôi biết chị không thể quên ông - cái con người bội bạc kia.

Nhiều lúc nghĩ về cuộc sống đã qua, chị Sương tủi phận - ai bảo chị không  chọn để rồi bây giờ khổ - mà chọn làm sao được. Hồi đó ở rừng về, tổ chức hỏi chị muốn đi học gì, chị lắc đầu nguầy nguậy. Học gì được, ngày lên cứ chị mới học hết lớp 7. Bây giờ bỏ lâu rồi, học chi nổi. Cuối cùng chị chọn nghề cấp dưỡng, cái nghề mà chiến tranh đã đưa đến cho chị. Người ta phân công chị về làm cấp dưỡng ở Trường Sư phạm mẫu giáo này.

Chợ búa - bếp núc - thanh toán, cái vòng tuần hoàn đó như một điệp khúc trôi đi. Chị có 20 năm làm cấp dưỡng có dư. Nếu có ai đó nghĩ ra một huân chương dành cho người cấp dưỡng, tôi chắc chị được cấp chứng nhận. Thời bao cấp ăn uống kham khổ, làm cấp dưỡng người ta săm soi từng ly từng tí, dòm ngó trước sau. Nhưng ai không biết chứ cán bộ học sinh của trường không ai nghĩ chị tơ hào một đồng. Nhìn bữa ăn thì biết - ngày chế độ mấy đồng bạc mà cơm có canh, có cá (tuy là cá cán bộ - tên loại cá vụn mà dân bán cá hay gọi), có khi còn có thêm món xào đậu, rau… Tàm tạm được trong thời buổi khó. Có kẻ thiệt tình nhưng ác miệng bảo: “Chọn cấp dưỡng người độc thân là an toàn nhất, đỡ bớt xén”. Nói vậy, nhưng ở cái khu tập thể thế này ai cũng quý chị. Tôi ở ké trong khu tập thể cũng thích chị. Ông Thà hiệu trưởng của trường vợ mất cách đây hai năm ở với con cũng rất thương chị, bảo chị đi lấy chồng nhưng chị biết lấy ai. Suốt ngày sấp mặt với bếp núc, chợ búa.

- Hay là tôi cho chị nghỉ phép một thời gian - ông Thà bảo chị thế.

Chị Sương cười bẽn lẽn:

- Thôi vậy, công việc bận rộn, tôi bỏ đi được à!

Thế rồi chị cứ tay làm quần quật suốt ngày, suốt đêm không nghỉ. Một dạo ông Thà đau, chị Sương săn sóc cơm cháo cho ông thật chu đáo. Thấy vậy, mấy bà trong khu tập thể bàn nhau.

- Thôi hay vận động chị với ông Thà cho xong. “Con nuôi cha không bằng bà nuôi ông”. - Dân gian chả nói thế là gì. Còn bọn trẻ nít ở trong khu tập thể - lại cái lũ nhóc con, chúng bảo: Thế là xong. Nhưng xong thế nào được, nghe người ta vận động, ông Thà bảo; “Bậy nào, tôi con cái, dâu rể cả đống ra đó. Thiên hạ cười cho”. Còn chị Sương – nghe hàng xóm khuyên vào khuyên ra, chị khóc: - “Ai mà lấy tôi - người ta là…còn tôi…” Chắc ký ức người cũ - cái ông Lam ấy chưa nguôi quên. Chị còn tìm nguồn an ủi - ngót nghét 20 chị em thời ở rừng cùng chị, chỉ có may mắn 2 chị sang ngang sau hòa bình, còn lại đều như chị, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều là “lính phòng không” như hồi nào.

Năm sau đó, ông Thà nghỉ hưu về quê, làm bạn với một người, nghe nói cũng là một bà lỡ thì nhưng có chức sắc, ngoài ra còn có nhà cửa, phương tiện. Những người có tuổi lần lượt về hưu, ra đi khởi khu tập thể này. Người có tiền, làm ăn xoay chạy được - thời cơ chế thị trường mà… họ cũng trả lại nhà tập thể, về với căn hộ mới xây. Chỉ còn chị, những giáo viên nghèo rớt mồng tơi, dăm ba khóa học lèo tèo. Học sinh vào trường ít đi. Còn tôi, thằng sinh viên không có tiền thuê nhà trọ vẫn chung thủy với cảnh ở ké anh bạn trong căn hộ khu tập thể này.

Một hôm, chị Sương sang phòng tôi, chị định hỏi tôi điều gì đó nhưng rồi nín thinh. Tôi gặng hỏi mãi, chị mới bâng quơ một câu hỏi vô hồn:

- Em biết ông Thà về quê lấy vợ thật à?

- Ẹm cũng nghe thế - Tôi đáp.

Chị không nói gì nữa. Tôi nghĩ thì ra chị có cảm tình với ông Thà thực sự. Nào biết đâu mấy hôm sau mới vỡ lẻ, có một ông mai bà mối tốt bụng nào đó giới thiệu cho chị một đám kha khá. Tôi tò mò thực sự, thỉnh thoảng tạt qua căn hộ của chị, thấy chị thức khya lắm, sắp xếp lại căn phòng, rồi chị soi gương tay mân mê từng mớ tóc, làm da. Người ta bảo đàn bà tuổi chị hay sống dở hơi lắm. Tôi tin vậy.

Rồi cái đám ấy đến thật. Một ông trạc tuổi ngoài 40, mắt lấm la lét chẳng mấy cảm tình. Họ nói chuyện với nhau rỉ rả tận tới khuya, rỉ rả như cơn mưa phùn dai dẳng. Trời lạnh, thỉnh thoảng tôi đi ra đi vào mua thuốc lá nghe lõm bõm vài câu đối thoại chắp vá:

- Tôi nghe giới thiệu chị là người tốt bụng, chưa có ai…?

- Ờ.. ờ… người ta quá khen.

- Tôi nghĩ thế này - Lão người lạ thủ thỉ - Hay tôi với mình về sống với nhau (lão chuyển sang gọi mình, tôi từ lúc nào không rõ). Tôi may vá kiếm ít tiền, mình coi nhà cửa bếp núc…

- Rồi mình sẽ có con - Chị bẽn lẽn.

Cả khu tập thể ban đầu xem đó là chuyện thường - Thôi nồi nào úp soong nấy - Nhưng rồi cứ nhìn cái lão già có cái mũi khoằm, mắt lấm la lấm lét ấy dắt xe cúi mặt vào khu tập thể, không ai mấy cảm tình. Tôi cũng chúa ghét cái lão ấy làm tôi mất ngủ, với lại có lão, ở lại, tâm sự rủ rỉ suốt đêm, chẳng thèm để ý đến ai xung quanh. Có hôm tôi thấy họ bàn nhau sửa soạn đồ dùng để về sống chung. Họ bàn kỹ lắm, chủ yếu là sắm sanh đầy đủ, còn cưới hỏi thì già rồi, làm qua loa để trình báo với họ hàng, bạn bè… Chị Sương nghe đến phổng mũi rồi đưa tiền cho lão sắm giường, tủ… Chị hy vọng lắm, thế là đời còn ban phát hạnh phúc cho chị.

Bà hàng xóm lắm mồm có lần đến khuyên chị chuyện này là chuyện quan trọng, có gì chị cứ báo cơ quan, rồi về bên nhà lão ta để tìm hiểu thêm. Thời này biết tin ai được. Một lần nghe, chị rối rít cảm ơn, hai lần chị băn khoăn do dự, ba lần nghe, chị nổi nóng chửi chị hàng xóm.

- Về nhà lo việc nhà bà, đừng phá hạnh phúc của người khác.

- Thôi, tôi chả dám phá hạnh phúc nhà chị.

Bà hàng xóm bỏ ra về, nhiều người không nói nữa. Chị Sương vẫn vậy, làm lụng, chợ búa, lẳng lặng sống, chỉ khi có lão khoằm tới là chị vui. Hắn báo cáo “Mình đã lo xong chuyện này, chuyện kia, chỉ còn lo thêm vài thứ lặt vặt nữa là đón chị về”. Chị khóc, hắn khóc. Ơ, lão cũng khóc. Hạnh phúc thật, tình già có khác. Rồi đèn bật tắt, ngọn đèn trong khu tập thể đã tắt - Đêm bình yên. Ngoài trời, mưa vẫn rỉ rả, dai dẳng…

Tôi lên lớp về muộn, đã thấy khu tập thể đứng vây kín căn hộ của chị. Tiếng cười nói, bình phẩm râm ran. Dựng vội chiếc xe, tôi chạy đến. Chị Sương nằm vật vã như bị ai đánh. Không ai đánh chị cả. Chị tự xỉ vả mình, chị vật vã khóc. Thì ra tuần rồi không thấy lão mũi khoằm tới, chị chờ, chờ từng ngày, chờ từng đêm, rồi không chờ được nữa, chị nhờ người đưa chị về ngoại ô thăm lão, kẻo sợ lão đau ốm gì đó.. Hỏi đường về tới nơi nghe nói có hiệu may lão giới thiệu. Chị lao vào nhưng không gặp lão. Một người trạc trung niên bảo chị, ông ta là chủ hiệu may, ở đây không ai có cái tên như chị nói và không có ai có cái mũi khoằm cả. Đau đớn, vật vã, chị trở về. Buồn, tủi, nhục, cả mấy chục năm chắt chiu được bao nhiêu tiền chị đưa lão hết rồi. Tuần trước lão nói chị đưa thêm ít tiền mua đồ may sắm áo quần cưới, còn chị mượn cả tiền nhà bếp đưa cho lão…

Tôi khuyên hàng xóm ra về để chị được yên tĩnh. Tội nghiệp, nhìn chị lúc này thật thảm hại. Đôi mắt thâm quầng của những đêm đợi chờ hạnh phúc, chờ đã bao năm… Không ghìm được nữa, tôi kêu lên: “- Chị nói đi chị Sương, lão mũi khoằm ấy ở đâu, tôi sẽ gặp nện cho lão một trận nên thân…”. Chị không nói gì cả, gục mặt vào chiếc gối trắng vừa qua có hình hai con chim bồ câu và chữ hạnh phúc. Tôi cố nén nỗi căm tức lặng lẽ rút lui để chị ở lại với một triền ký ức hoang lạnh. Trên bức tường xám ngắt, vẫn còn đó tấm hình của chị chụp thời con gái ở Trường Sơn - Khuôn mặt trẻ trung, cứng cỏi trong vành mũ tai bèo.

M.T

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7 tháng 04/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground