Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chia tay lần cuối

M

ùa nào cũng vậy, ông Trương hay ngủ trưa.

Cơn mơ trưa nay trở về một buổi trưa xa lắc, im ắng lạ thường. Có thể nghe thấy nước sông Ba Lòng chảy ào ào phía dưới động Toàn. Trạm quân y tiền phương khuất dưới những tán cây cao và kín. Gió phe phẩy đám vải băng mới giặt, còn lờ mờ vết máu. Y sĩ Trương xếp những cuộn bông băng vào túi cứu thương, thêm mấy gói lương khô vào ba lô cóc. Nước sông vẫn vọng tới đều đều, thúc giục, sốt ruột. Ừ thì đi! Tao đi ngay đây! Bên công trường Bảy, trận đánh sáng nay, anh em bị thương khá nhiều. Thương ơi! Đi thôi!

Cậu lính trẻ có cái tên con gái đã buộc bao xe đạn phía trước bụng.

- Đi hả anh?

- Đi!

Họ cắm cúi bước. Khu rừng thấp vo ve tiếng muỗi, văng vẳng sóng nước sông Ba Lòng. Dốc núi cao dần, chót vót như đường lên trời. Dép cao su vấp phải những cành cây cháy xém, đổ gục. Trương nghe trong đầu ùng oàng tiếng súng trận. Thấp thoáng giữa sắc lá héo vàng, những khuôn mặt đồng đội.

Cậu Thương lạch bạch đằng trước, chỉ vào vạt rừng bên trái.

- Hố bom kia anh nhớ không? Nơi thằng Hồi bị…

- Ừ! Nhớ! Thằng bé mới mười tám tuổi, mặt đầy lông tơ, hai tay ôm đống ruột trước bụng, miệng kêu khẽ: - Anh Trương ơi! Cứu em với!

Trương đã cố hết sức, nhưng đêm ấy thằng bé nhắm mắt.

Loạt bom B52 phía trái cánh rừng rùng rùng nổ, một cục đá cuối đà, làm lật văng chiếc mũ cối.

Ông Trương choàng dậy, mồ hôi ướt đẫm mặt phản gỗ. Tiếng chuông điện thoại chíu chíu giống tiếng đại liên của bọn UH1A. Ông chùi mồ hôi trên mặt, bóp trán. Đứa nào gọi điện giờ này? Đồng hồ điện thoại chỉ 12h45.

- A lô! Ai gọi đấy? Ông Trương bực bội.

Giọng phụ nữ nghẹn ngào, rưng rức.

- Là vợ nhà Quân đây anh Trương! Chồng em yếu lắm rồi! Bị đột quỵ anh ạ! Nói muốn gặp anh lần cuối.

Ông Trương quýnh lên:

- Trời ơi! Sao lại thế? Thím nói với chú Quân chờ tôi nhá!

- Dạ!

Chiếc xe giường nằm chạy suốt đêm mà ông Trương cảm thấy nó chậm như rùa bò.

Năm giờ sáng ông có mặt ở thị trấn, mặc cả lấy lệ với tên chạy xe ôm mặt mũi bặm trợn rồi ngồi lên phía sau, nhắm mắt nghe gió réo ù ù, để nửa giờ sau tới nhà Quân. Mọi người đang chuẩn bị hậu sự, có nghĩa là chú Quân sắp đi. Hình như người ấy chỉ chờ có mặt ông Trương. Cặp mắt đục lờ nhìn vô hồn lên trần nhà, chợt sáng lên khi nghe tiếng ông.

- Chú thấy trong người thế nào? Có nhận ra anh Trương không?

Giọt lệ trong vắt ứa ra, nằm im trong khóe mắt. Tay ông Trương vuốt nhẹ dọc thân thể người hấp hối. Da thịt vẫn đẫy đà, bắp đùi vẫn tròn căng. Kéo ống quần pijama của ông Quân lên, cẳng chân phải cụt gần đầu gối. Bàn tay ông Trương xoa lên đầu mỏm chân nhăn nhúm giống con nhện lớn, cảm giác nó lạnh ngắt, không nóng hầm hập như lần đầu tiên ông đụng vào. Thằng Bắc con trai cả của ông Quân xếp ra tấm chiếu những quần áo, đồ đạc sẽ “mang theo” cho cha. Ông Trương thấy có chiếc hộp thuốc cá nhân của lính màu xanh lá thì cầm lên xem. Thằng Bắc chắp tay nói:

- Ba con nói chiếc hộp thuốc này là của bác Trương. Ba quý lắm. Bác cho phép con mang theo cho ba?

Ông Trương đã nhận ra chiếc hộp thuốc cá nhân của mình hồi chiến tranh. Màu xanh lá loang lổ nhiều vệt xam xám, do bùn đất hoặc máu thương binh. Rất nhiều vệt máu dính trên ấy, của nhiều người lính trận, trong đó có máu của người lính đối phương như ba thằng Bắc. Bất chợt, ông nhớ lại hôm ấy.

Trương và Thương đi vào sâu trong rừng, tránh những hố bom B52 lổn nhổn, những vệt bom còn vẳng tiếng kêu, thấm đẫm vệt máu của đồng đội. Cành lá quệt qua chân loạt soạt. Dốc núi chỗ này gần như dựng đứng, có chỗ phải nắm vào dây rừng mà trèo lên. Thương bỗng dừng lại, lắng tai.

- Anh ơi! Có tiếng người!

Trương cũng đã nghe thấy tiếng rên rỉ vọng ra từ nơi nào đó. Tiếng rên đau đớn, tuyệt vọng đặc trưng của thương binh. Người lính nằm gục bên một vũng nước mưa cạn. Có lẽ anh ta cố bò lết tới để tìm nước uống. Trương nhẹ nhàng kéo tấm thân trát kín bùn đất lên chỗ khô ráo. Người lính hé đôi mắt lờ đờ:

- Cứu... tui với!

Giọng Quảng Trị. Cậu ở đơn vị nào? Chỉ thấy đầu khẽ lắc, ngón tay chỉ vào bên chân phải sưng bầm. Khi chiếc kéo rạch một đường trên ống quần. Trương phát hiện thương binh này mặc quân phục phía bên kia. Một lính địa phương quân. Bọn lính này nhát chết số một, không bù cho đám thủy quân lục chiến lì lợm, liều mạng và cũng thiện chiến hơn.

- Ồ! Lính ngụy à? Mặc xác nó anh Trương! Đi thôi!

- Chờ tí! Cái chân hắn bị thương nặng đấy! Để tao băng bó lại đã.

- Anh chỉ ôm rơm nhặm bụng! Nó mà lành lặn thì đã tặng anh em mình nguyên quả lựu đạn rồi. Thắt lưng nó còn hai quả kia kìa.

Trương không nói gì, chỉ chăm chú nhìn vào vết thương của tên lính. Mảnh cối hoặc pháo phá nát bàn chân phải, củ khoai chân nát bấy, da thịt tím bầm. Một đám kiến đen đã bu kín phần miệng vết thương. Bị hoại tử rồi!

- Cậu vợ con chưa?

Trương nhìn vào bộ mặt nhăn nhó đau đớn, lấm đầy bùn, hỏi. Hắn lắc đầu.

- Phải cắt bỏ phần chân bị thương! Chứ thế này, vết thương hoại tử nhanh lắm, chết đấy! Tôi cắt nhé?

Phương án bất ngờ đưa ra, làm cả cậu Thương và tên lính ngạc nhiên. Đôi mắt khép hờ lóe lên nỗi hi vọng lẫn hoài nghi. Hắn khẽ cựa mình, cố nhấc cái chân lên mà không được, cất tiếng rên đau đớn. Bắt gặp ánh mắt đầy lo lắng và thương cảm của Trương, hắn có phần yên tâm, gật đầu.

- Nhưng sẽ không có thuốc mê đâu! Cố chịu đau!

Thời gian không còn nhiều. Thương sốt ruột ra mặt, căm ghét nhìn cái chân hôi thối mà Trương đang nâng trên tay.

- Cậu đừng nhăn như khỉ ăn gừng nữa! Lấy băng ra, ga-rô phía trên gối cẩn thận!

Ống quần bị cắt tới bẹn, hở ra phần đùi trắng trẻo. Trương nắn ống chân kiểm tra xem xương bị gãy tới đâu. Cái chân sưng tấy, nóng hầm hập, chỉ bị dập nát phần dưới cổ và bàn chân. Anh bôi cồn sát trùng ba lượt, lấy ra chiếc cưa nhỏ, sáng loáng. Thương đã bẻ một khúc cây khô bằng ngón chân cái, ngáng ngang miệng tên lính, dùng băng buộc ra sau gáy. Tiếng lưỡi cưa bắt đầu chạm vào xương ống chân, kêu ken két. Tên lính trợn ngược mắt, cắn chặt hàm răng vào khúc cây, người cong lên chịu đựng cơn đau. Trương thận trọng từng đường cưa, miệng mỉm cười, động viên:

- Cố lên! Một tí là xong thôi!

Nhưng cái “một tí” ấy dài như thế kỉ, cơn đau xoáy vào óc, dai dẳng. Khi khúc chân đứt lìa, cũng là lúc tên tính hộc lên, ngất xỉu.

Trương băng bó lại khúc chân cụt, tiêm thuốc kháng sinh.

- Khéo hắn chết rồi anh ạ!

Thương nói nhỏ. Trương bắt mạch, thấy nhịp tim vẫn còn.

- Không chết được đâu! Trừ khi bị nhiễm trùng hoặc đói khát! Đào cái hố chôn khúc chân này đi!

Thương phồng mồm bực tức, nhưng vẫn rút chiếc xẻng ra, lúi húi đào. Trương kiểm tra vết thương một lần nữa. Anh để lại hộp thuốc cá nhân, một bi đông nước và hai bánh lương khô bên cạnh tên lính, bẻ một cành lá che lên mắt hắn cho khỏi bị chói. Vĩnh biệt nhé! Chúc may mắn, anh bạn bất đắc dĩ. Chiến tranh là vậy đó. Cố sống sót mà trở về.

- Đi thôi!

Anh giục Thương, mà mắt còn nhìn lại tấm thân nằm bất động trên cỏ.

Chiến trường Quảng Trị mùa xuân năm 1973 có vẻ dễ chịu hơn nhờ Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam bắt đầu có hiệu lực. Những lá cờ nửa đỏ nửa xanh bay phấp phới cạnh những lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đã có những “ngôi nhà hòa hợp” mọc lên sát vùng giáp ranh giữa ta và địch, lính hai bên có những lúc dẹp súng đạn sang một bên, cùng chơi bóng chuyền, đấu cờ tướng. Đơn vị của Trương rút về đóng ở một xã thuộc Hải Lăng. Sáng hôm đó, tiểu đội quân y lỉnh kỉnh ba lô tới trước một căn nhà nhỏ, mái tôn rỉ sét còn in mờ mờ dấu vết một hình cờ vàng sơn trên mái. Cây bông bụt bên trang thờ ngoài sân nở một bông duy nhất, đỏ thắm. Anh cán bộ xã đội chỉ vào trong nhà:

- Mấy anh nghỉ ở đây! Bà chủ nhà rất có cảm tình với quân giải phóng! Mệ Lành ơi mệ Lành! Cho gởi mấy anh giải phóng hỉ!

Bà già bước ra hiên, dáng vẻ hiền lành, tấm lưng hơi còng trong chiếc áo bà ba đen sờn bạc.

- Mấy chú vô đi! Nhà cửa chật chội! Mong mấy chú cảm phiền!

Tiếng cười nói, tranh cãi của cánh lính trẻ làm căn nhà nhỏ trở nên ấm cúng. Tết sắp tới gần, cây mai còi cọc cạnh lu nước đã lốm đốm nụ. Bà già chống tay lên cột nhà, miệng cười đỏ nước quết trầu.

Trương rủ Thương ra thăm cái nhà “hòa hợp” xem nó thế nào. Anh cẩn thận bỏ vào túi áo hai bao thuốc Điện Biên bao bạc, nếu có gặp anh em lính Việt Nam Cộng hòa thì sẽ mời họ hút cho vui, nhân tiện địch vận luôn. Nhà hòa hợp cách ranh giới hai bên khoảng sáu, bảy mét. Đó là chiếc lán dựng bằng những cây tre còn tươi và lợp bằng phên tranh. Nếu ngồi chật, chỉ đủ chỗ cho mười người lính. Bên ta cho dựng mấy căn nhà như vậy, để cho lính hai bên tới gặp gỡ vui chơi. Hương Tết nồng nàn vương lẫn trong mùi khét của khói súng. Những lá cờ xanh đỏ và cờ vàng ba sọc vẫy phần phật trong gió sớm, như tranh giành nhau những khoảng không gian he hé màu xanh dịu dàng. Một cặp vợ chồng trẻ bồng con nhỏ đi phía sau. Họ nói cũng muốn ra coi “nhà hòa hợp”, muốn nói chuyện với binh lính Việt Nam Cộng hòa, mời họ về ăn Tết cùng gia đình. Bộ bà ba đen của người vợ được gió thổi sát tấm thân gầy guộc. Người chồng bị cụt chân, vai phải nghiêng hẳn lên chiếc nạng gỗ. Đầu nạng không nhấc lên được cao, kéo lết về phía trước, vạch lên cát một đường thẳng ngắn. Anh ta lúc lắc đầu, cười với đứa con chừng mười tháng tuổi, đang đánh đu bên nách vợ.

- Ô! Chu choa! Đi nhanh vậy! Chờ ba với!

Trương dừng chân, hỏi người chồng.

- Cậu bị thương trận nào vậy?

Chiếc gậy bỗng dừng lại, loạng choạng. Nụ cười đang rạng rỡ trên môi người chồng cụt chân tắt ngấm, chuyển sang chữ O tròn vạnh. Ống quần phải buộc túm lại, đu đưa khúc chân cụt. Hàng ria mép cắt ngắn nhúc nhích:

- Ô! Anh bác sỹ!

- Tôi không phải bác sỹ!

- Anh không nhận ra em sao?

Những gương mặt thương bệnh binh ở các đơn vị thoáng qua rất nhanh trong trí nhớ, nhưng anh không nhận ra người này.

- Cậu ở đơn vị nào?

Người vợ bồng con tất tả quay lại:

- Dạ! Chồng em tên Quân, là thương phế binh Việt Nam Cộng hòa, thưa mấy anh!

- À... à... à!

Trương chưa thốt xong lời ngạc nhiên, người chồng đã tiếp lời vợ:

- Anh bác sĩ giải phóng ni là người đã cưa chân cứu anh đó!

Ba bốn cái miệng cùng ồ à, ngạc nhiên, sửng sốt. Trương đã nhớ ra. Hồi đó, cậu ta nằm giữa vũng bùn, mặt mũi lấm lem, chỉ nhìn thấy ánh mắt. Giờ khỏe mạnh, sáng sủa thế kia, ai mà nhận ra. Cậu Thương cũng quay lại, reo lên.

- Tìm thấy người quen năm trước ở động Toàn rồi hả anh?

Quân xúc động ngồi giữa hai nhóm người trong căn nhà “hòa hợp”. Một bên là nhóm bộ đội giải phóng và mấy chị, mấy o trong thôn. Một bên là nhóm binh sĩ quốc gia. Quê hương đã im tiếng súng, điều mà anh van vái, mong ước từ khi chống nạng về quê với mạ. Quân nói nhanh, có lúc bị lắp bắp, kể lại câu chuyện mùa thu năm ngoái.

- Anh giải phóng ni đây!

Quân chỉ vào Trương.

- Anh đã cưa chân cho tui! Nhờ có bi đông nước và lương khô, thuốc trụ sinh mà tui vượt qua ba ngày gian khổ bò lết ra tới đường Chín.

Một chiếc xe GMC chở đạn dược đã phát hiện ra Quân. Họ đưa anh ta lên xe, sau đó trực thăng đưa tiếp vào Đà Nẵng, rồi được giải ngũ sau nửa năm sau đó.

Viên trung sĩ thủy quân lục chiến nhìn Quân, hai mắt y trợn tròn.

- Chuyện chiến hữu kể như là cổ tích vậy!!

Trương cười hiền lành:

- Chuyện bình thường, có gì đâu các bạn!

Anh lấy bao thuốc Điện Biên, bóc ra mời mấy người lính bên kia. Họ rụt rè nhận thuốc, ánh mắt tò mò, khâm phục.

- Sao hai người không kết nghĩa huynh đệ đi!

Viên trung sĩ lại cất lời. Quân cười, hàng ria con kiến cựa quậy, tinh nghịch.

- Có được không anh Trương? Mà thôi! Để bữa mô tụi em qua thăm mạ, anh em gặp nhau rồi tính. Mấy anh đang ở trong nhà mạ em đó!

Trương nhận Quân làm anh em kết nghĩa. Ấy là thời gian anh được phục viên cuối năm một chín bảy sáu, về nhận vai Trưởng trạm y tế xã. Tuy không có nhiều thời gian, nhưng tình cảm đối với người em kết nghĩa không vì vậy mà nhạt phai. Tình cảm của hai người lính như duyên nợ tiền kiếp, cứ dính chặt lấy nhau. Năm Trương cưới vợ, Quân dẫn cả vợ con ra chơi, lỉnh kỉnh gạo nếp với mấy con gà, hạt tiêu, đường phổi...

Ông Trương im lặng vuốt mái tóc bạc của người em kết nghĩa bết trên trán. Thôi anh em mình chia tay lần cuối cùng nhé chú Quân. Vết thương chiến tranh, anh có thể cứu được chú, nhưng ông trời gọi thì anh chịu thua. An tâm mà nhắm mắt đi em. Cuộc đời ai cũng đến lúc này. Mình sống sót qua cuộc chiến là may mắn lắm rồi. Ông đưa chiếc túi cứu thương cho thằng Bắc:

- Này! Mang đi cho ba con! Để kiếp sau nếu có gặp lại nhau, chúng tao còn nhận anh em.

Ông Trương cười, giơ tay chùi nước mắt.

 

P.P.Q

 

Phùng Phương Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292 tháng 01/2019

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground