Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện con trâu


Bà Lộc ngồi nhặt rau ở hiên, đảo mắt nhìn chồng từ ngoài ngõ đi vào. Thấy điếu thuốc ở miệng ông nghi ngút tỏa khói và dáng đi nằng nặng, bà biết ông không được vui. Làm bạn với ông gần ba mươi năm nay nên bà rất hiểu tính ông. Ấy là mỗi khi ông quấn điếu thuốc rê to hơn thường ngày và khi hút ông thường ngậm nó lệch về một bên miệng, rồi nhả khói nghi ngút, thì y như rằng lúc ấy ông đang có chuyện bực mình.

Đúng thế thật, ông Lộc đi vào sân, chẳng nói chẳng rằng, cởi ngay cái quần dài vắt lên dây. Suốt cả buổi sáng nay, vì nó mà ông vốn đã bực mình lại càng thêm bực mình. Với ông, xưa nay mặc quần cộc quen rồi. Bất đắc dĩ phải đi đâu mặc cái quần dài, ông xem như một cực hình, cảm thấy vướng víu, khó chịu vô cùng. Sau khi dụi tắt điếu thuốc dán lên cột nhà, vơ vội cái khăn lau qua mồ hôi ở mặt, ông lẳng lặng đi ra chuồng trâu. Bà Lộc nhìn theo dáng đi lật đật quen thuộc của chồng thì thở dài, rơm rớm nước mắt. Bà chép miệng: “Tội nghiệp! Đã thành một thói quen, không ngày nào là ông ấy không ra với cái chuồng trâu, tuy chỉ là cái chuồng trâu bỏ không...”.
Gần một tháng nay, kể từ bữa con trâu nhà bà bị chết thì không khí trong nhà đổi khác, lúc nào cũng buồn bã. Không nghĩ đến thì thôi, chứ nghĩ đến, bà lại thấy nẫu cả ruột. Con trâu nhà bà to béo, đẹp mã, cày bừa khỏe như thế, tự dưng sa xuống hố bom, què luôn một chân, rồi nằm liệt một chỗ, không đứng dậy được nữa. Ông bà đã thuê hẳn một chuyến công nông đưa nó từ ngoài đồng về, nháo nhào đi tìm cán bộ thú y, tốn mấy trăm tiền thuốc. Rồi lại phải thay nhau thức đêm thức hôm với nó, vỗ về nó, xoa bóp cho nó. Vậy mà chẳng vực nó dậy được, đành phải bán nó đi. Thật khốn khổ cho nhà bà. Đã nghèo lại càng nghèo thêm!

Chao, con trâu mới tốt giống làm sao! Cứ như một con voi con, béo núc ních, bốn chân như bốn cái cột đình. Hai cái sừng thì tròn trịa, nhọn hoăn hoắt. Da nó đen, lông mượt, ai nhìn thấy nó cũng phải mê. Còn việc cày bừa của nó thì cả cái làng Bùng này, cả cái xã Đoài này, chẳng có trâu nhà ai sánh kịp. Một sào ruộng, năm trăm mét vuông, nó chỉ vèo một lúc là xong. Chẳng bù với trâu nhà ông Hào, ông Vỹ, hai người bạn láng giềng. Trâu gì mà ốm nheo ốm nhách. Cày bừa thì ì à, ì ạch. Lại lúc nào cũng phải cày đôi. Trâu nhà ông không thế, chẳng bao giờ phải cày đôi. Từ đất đồi khô khốc như đá, đến ruộng lầy, ruộng trũng... nó cũng kéo cày đi băng băng như máy. Hồi năm ngoái, hợp tác xã mở hội thi trâu, con trâu nhà bà đã “đăng quang” giành tất cả mọi giải nhất. Tiếng lành đồn xa. Có hai người làm nghề sơn tràng đã về tận nơi đòi mua nó với giá rất cao, nhưng ông bà một hai từ chối. 

Nay thì phải bán đổ bán tháo nó cho gã hàng thịt. Thật rủi ro! Chỉ sểnh một chút thôi đã mất toi mười mấy triệu bạc. Số tiền ấy là cả một tài sản lớn đối với vợ chồng bà, dù có làm cật lực cả năm cũng chẳng dễ gì có được.

Thương cho gia cảnh nhà mình ngặt nghèo đã là một nhẽ. Còn ông ấy... Cứ nghĩ bà càng thấy xót xa cả lòng. Từ ngày con trâu bị què, đến lúc phải bán nó cho lò mổ, ông ấy như già đi mấy tuổi, suốt ngày chỉ thở ngắn thở dài, đi vào đi ra. Rồi đến khi gã hàng thịt bỏ nó lên xe chở đi, ông cứ đứng lặng nhìn theo. Con trâu vẫn chưa chết, hai mắt  vẫn mở to nhìn ông, đôi tai vẫn ve vẩy với ông, như chào ông vĩnh biệt. Ông nhìn nó, nó nhìn ông, rồi tự dưng không nhịn được, ông gục mặt vào cửa chuồng khóc nấc lên. Thấy chồng khóc, bà không cầm được lòng, cũng khóc theo ông. Mấy người hàng xóm thấy vậy xúm vào động viên: “Thôi đừng khóc nữa hai bác ạ! Của đi thay người. Ông trời sẽ thương hai bác, cho hai bác khỏe mạnh, mát tay mát chân, nuôi lại một con khác nhất định sẽ khỏe hơn, đẹp hơn. Con trâu ấy không ở được với hai bác cũng là cái số!”.

Đã thế nó lại “đi” vào đúng cái lúc phải cày ải ruộng mới rầy rà to. Ruộng của làng trên xóm dưới, ai ai cũng cày cả, mà ruộng của nhà bà vẫn cứ trơ ra. Có nhiều nhặn gì cho cam, chỉ có bốn sào ruộng cấy lúa với hai sào đất trồng màu. Ông bà được hai cô con gái thì đã gả chồng xa. Thế nên, già thì già cũng phải bám lấy ruộng, lấy đất mà làm ăn. Vả lại, ở nông thôn, không bám lấy ruộng lấy đất thì còn biết làm gì. Trâu chết, không nhờ được con được cháu thì nhờ thiên hạ, ai họ chẳng cày cho. Nhưng nhờ là nhờ một đến hai vụ thôi, chứ chả nhẽ lại đi nhờ cả đời. Thế nên, gì thì gì cũng phải mua lại một con trâu mới. Cày bừa là một nhẽ. Còn nguồn phân? Không nuôi trâu, lấy phân đâu mà chăm bón? Với lại, từ thuở cha sinh mẹ đẻ, đến nay gần sáu chục tuổi đầu, quanh năm lam lũ với đồng ruộng, con trâu như người bạn thân, nó gần gũi một nắng hai sương, nay bỗng dưng không có nó, không được chăn dắt vỗ về nó, ông bà cảm thấy nhơ nhớ thế nào ấy. Chả trách ngay từ ngày xửa ngày xưa người ta đã gọi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là bạn của người nông dân.

Thôi thì phải lo thu xếp mà mua ngay một con trâu mới. Từ nửa tháng nay ý nghĩ ấy cứ thôi thúc ông bà. Ngặt một nỗi, muốn mua trâu lại chẳng đủ tiền. Lại là tiền triệu mới thật gay go. Số tiền bán con trâu què giờ cũng đã sứt mẻ chẳng còn nguyên vẹn. Tiền vô nhà khó như gió vô nhà trống mà. Ông bà cũng đã nhịn mồm nhịn miệng lắm rồi đấy, chứ mà thả phanh thì có còn ra khối. Bà cũng đã chắt bóp, bòn nặn từng đồng bạc lẻ từ quả chanh, mớ rau bán được hàng ngày. Rồi ông cũng phải bớt uống rượu đi để dành dụm. Thế mà xem ra số tiền để dành vẫn chẳng thấm vào đâu so với số tiền cần có. Mà con trâu mới định mua ông bà đã chọn rồi. Nó là của nhà ông Phú ở xã bên. Con trâu này chỉ mới hai năm tuổi và đã vực cày. Đầu, cổ, mông, chân, xoáy lạc... của nó, mọi mặt đều tốt. Lại là trâu đực, giống Ba Vì, to lớn, cày khỏe. Ông bà quá ưng ý. Ông Phú nể tình người làng, lại thấy ông bà gia cảnh túng bấn nên đồng ý chỉ lấy chẵn chục triệu và cần lấy tiền ngay để làm nhà. Ông Phú hẹn năm ngày sau ông bà phải dắt trâu vì có mấy người nữa cũng đang muốn mua con trâu ấy. Tấm tình bè bạn như ông Phú thật quả như bát nước đầy, còn gì hơn? Người ta thương mình, thông cảm với mình, mình cũng phải tỏ ra biết điều chứ! Phải sòng phẳng, tiền trao cháo múc với người ta. Vả lại, đã hứa với người ta thì bất luận thế nào cũng phải thực hiện. Đã hứa mà không thực hiện thì hóa ra mình là trẻ con, rồi làm hỏng việc nhà người ta, biết ăn nói với nhà người ta ra làm sao!

Chỉ vì chuyện tiền nong mà suốt mấy ngày nay ông bà Lộc như đứng trên tổ kiến, cứ rối tung rối mù cả lên. Phải hỏi ai, vay ai số tiền ấy? Bà đi một đường, ông đi một nẻo, đã mấy ngày nay khắp làng trên xóm dưới mà chẳng được tích sự gì. Sự đời thật lắm nỗi trớ trêu. Người gần gũi, thân quen thì họ ngặt nghèo không có. Mà người có thì họ lại xa lạ, không thân thích nên đòi lãi quá cao. Vậy nên ông bà cứ chần chừ không còn biết tính sao. Khi thì họ bàn quyết định vay, lãi cao cũng cứ vay. Khi thì họ đổi ý cho rằng lãi cao biết làm gì ra mà trả cho xuể. Ông Hào hàng xóm nghe vậy một mực khuyên ông bà Lộc làm đơn lên ngân hàng vay. Ông còn giải thích thêm rằng, bây giờ vay ngân hàng không còn khó như ngày xưa nữa. Rằng người giàu, người nghèo ai cũng có thể vay được. Rằng vay ngân hàng lãi suất cũng sẽ thấp hơn rất nhiều so với vay ngoài. Ông Vỹ chen vào nói rằng vay tiền nhà nước thì phải có thế chấp. Phải đem nhà cửa, tài sản ra mà thế chấp với ngân hàng. Có như vậy mới vay được. Khi vay được rồi thì phải trả nợ đúng hạn. Không trả nợ đúng hạn thì người ta kê biên, niêm phong nhà cửa, tài sản, bán cho người khác để thu hồi nợ. Mới nghe ông Vỹ nói vậy, ông bà Lộc đã tái mặt. Từ trước tới giờ, ông bà đã đi ngân hàng vay tiền lần nào đâu mà biết khó hay dễ, thuận hay nghịch? Nhưng cứ như cách ông Vỹ nói thì xem ra cũng có lý. Người ta cũng phải nắm đằng chuôi. Nghĩ vậy nên ông bà Lộc không dám đi ngân hàng vay như gợi ý của ông Hào nữa.

Đêm qua, trong lúc nằm ngủ, ông Lộc chợt nhớ tới một người bạn vốn thân nhau từ hồi đi dân công tải đạn tiếp tế cho chiến trường đánh Mỹ. Người bạn ấy hiện đang sinh sống làm ăn ở thị trấn huyện lỵ. Ông nảy ra ý định đến cầu cứu bạn mình. Chỗ này, theo dự tính của ông chắc chắn sẽ vay được. Ai chứ ông bạn giàu này thì chục triệu bạc có bõ bèn gì. Với lại, cứ nghĩ tới tình bạn, tình đồng đội cái hồi bom rơi đạn nổ là đã động lòng chảy nước mắt ra rồi. Sáng ra, ông bàn qua với vợ rồi ra đi rất sớm. Và... bây giờ thì ông đã trở về. Nhìn bước đi nặng nề và điếu thuốc rê to như ngón tay cái nằm lệch bên miệng ông nghi ngút tỏa khói, không cần hỏi, bà cũng biết thế là chồng bà toi công cả buổi sáng nay.

Cơm canh đã chín không thấy chồng vào ăn, bà Lộc đành phải lên tiếng gọi ông. Ông Lộc lững thững đi vào, dụi tắt điếu thuốc dán lên thân cột, rồi lậm lụi ngồi xuống cạnh mâm cơm. Bát canh rau khoai bà nấu suông với mấy tai nấm mỡ, ông vừa húp xoàn xoạt, vừa khen ngon. Thấy chồng có vẻ vui vui, bà Lộc liền hỏi chồng về chuyến đi sáng nay. Ông Lộc húp thêm một bát canh nữa mới thủng thẳng kể: “Nhà ấy thì giàu thực sự nhưng dạo này cũng đang kẹt lắm bà ạ! Nào là lo cho con học đại học, nào là đang thi công tầng hai ngôi nhà...”. Bà Lộc sốt ruột cắt ngang: “Chắc là nhà ấy không muốn cho mình vay nên làm khó kể ra như thế chứ gì? Tôi còn lạ gì bụng dạ của mấy người giàu có. Rào trước đón sau, thủ thế thủ miếng, vốn là bản chất của họ đó ông ơi!”. Ông Lộc nói khẽ: “Thì tôi đã hỏi nhà ông ấy vay mượn gì đâu. Mới chỉ kể chuyện con trâu chết chưa có tiền mua lại...”. “Thảo nào!” - Bà Lộc cười - “Ông nói thế chẳng hóa ra ông có ý định hỏi vay người ta chứ còn gì nữa! Rồi sau cùng ông có hỏi nhà ấy vay không?”. “Không! Tôi chẳng hỏi vay nữa. Nói rằng tiện đường ghé thăm rồi về”. Giọng bà Lộc trở nên buồn bã: “Tôi đã khuyên ông ngay từ hồi sáng mà ông nào có chịu nghe. Ông lại cứ nói như đinh đóng cột, chắc chắn vay được, nhất định vay được. Ông ơi! Bạn bè hồi ấy khác, bây giờ khác. Người ta có dư thừa thật đi chăng nữa thì người ta cũng không dại gì một lúc cho mình vay không chục triệu bạc đâu. Thời buổi bây giờ nó khác lắm rồi ông ơi! Ông đừng nhầm!”.

Tự nhiên, ông Lộc đặt bát cơm xuống, thần mặt ra nghĩ ngợi. Ừ, sao hồi chiến tranh cuộc sống khó khăn, cơ cực đến như thế mà ai ai cũng thương nhau, có cái gì cũng nhường nhịn, san sẻ cho nhau. Ngay như nhà ông đây, sau chiến tranh, vợ con đi tản cư trở về, cái nhà không có ở, tấm quần manh áo không có mặc, đến cả hạt gạo, củ khoai, củ sắn cũng không có đủ để ăn. Sờ vào đâu cái gì cũng thiếu. Thế mà rồi làng xóm mỗi người một tay xúm vào, người góp cái này, kẻ ủng hộ cái kia, mà rồi vượt qua được cái đận khó khăn tưởng như không thể vượt được ấy. Tình làng nghĩa xóm thời ấy sao mà tốt đến vậy. Còn ngày nay sao lạ quá! Cái gì cũng phân định rạch ròi. Thiếu một chút công bằng là ngấm ngầm ganh tị, đấu đá. Tình láng giềng, chòm xóm thì có vẻ bằng mặt không bằng lòng. Ai cũng bo bo nghĩ cho mình, lo cho mình. Nó tầm thường, nhạt nhẽo, nó ích kỷ, hẹp hòi. Con trâu nhà ông chết hẳn không ít người thương xót cho ông. Và chắc chắn cũng có không ít người tỏ ra dửng dưng trên sự đau khổ của ông. Thời buổi bây giờ nó khác. Đúng như bà ấy nói. 

Ông Lộc bùi ngùi nói với vợ: “Tôi không ngờ cái sự đời nó lại thế”. Rồi ông hỏi: “Bây giờ phải làm sao đây hả bà? Chỉ còn ba ngày nữa là hạn dắt trâu. Mình không lo được tiền, không giữ đúng lời hứa với người ta, người ta chê cười mình, mà con trâu ấy sẽ vào tay nhà khác. Khó mà tìm lại được một con trâu tốt giống như thế bà ạ!”. Ngừng một lát, ông lại hỏi: “Hay là mình cứ vay bà Đồng, lãi hai phẩy cũng vay, chứ chả nhẽ ngồi mà nhìn nhau hả bà?”.

Bà Lộc đang mải nghĩ điều gì đó nên không để ý đến những điều than vãn của chồng. Mãi đến lúc nghe chồng giục vay tiền bà Đồng thì bà mới giật mình, quay lại nhìn ông. Bà “hứ” một tiếng rồi lẩm nhẩm làm phép tính: “Hai nhân một là hai, hai nhân mười là hai mươi...”. Rồi bà nói to: “Mười triệu lãi suất hai phần trăm thì nguyên tiền lãi một tháng đã là hai triệu đồng. Nếu ta vay nửa năm thì vị chi là mười hai triệu. Thôi đi ông ơi! Đừng dại mà làm giàu cho kẻ ngồi không hưởng lợi. Tôi không vay đâu!”. “Thế bà định sao?”. “Ông cứ bình tĩnh để rồi tôi tính…”.

*

Sáng hôm sau bà Lộc diện cái quần lụa đen với cái áo bà ba màu xanh da trời cô con gái cho dạo Tết, rồi xách túi ra đi. Bà không nói với ông bà đi đâu mà chỉ nói đi đến trưa mới về. Và đến trưa thì bà về thật. Ông Lộc đang hí húi buộc lại tấm phên chắn gió ở chuồng trâu thì bà đã vào đến ngõ. Ông nhào ngay ra đón bà và hỏi ngay câu hỏi mà ông đã chuẩn bị từ sáng: “Có vay được không bà?”. Bà Lộc không vội trả lời, cứ đi thẳng vào nhà, ngồi xuống giường, lật nón ra quạt. Ông Lộc cũng đi theo vào và ngồi xuống cạnh bà. “Có không bà?” - Ông hỏi lại và thọc tay vào túi, lôi ra bọc thuốc rê. Ba ngón tay ông chụm lại dón một nhúm thuốc. Vẻ mặt ông đầy lo lắng, hồi hộp. Bà Lộc nhìn chồng bật cười: “Thì ông phải để cho tôi thở đã chứ!”. “Nhưng có chứ bà?” - Ông lại hỏi. “Có!” - Bà Lộc đáp khẽ. Ông Lộc bỗng thở phào, vẻ mặt tươi tỉnh hẳn lên. Nhúm thuốc rê trong tay ông lập tức trở về vị trí cũ. Ông nhìn vợ: “Bà nó tài nhỉ!”. Bà Lộc nguýt chồng: “Chứ lại như ông ấy à?”. “Thế bà vay ở đâu mà tài thế? Hồi sáng chẳng cho tôi hay biết...”. “Tôi vay ở trên phố!”. “Bà Đồng à?”. “Tôi thèm vào vay bà Đồng!”. “Chả nhẽ ngân hàng?”. “Không, ngân hàng thì làm gì mà nhanh thế được hở ông?”. “Vậy bà vay ở đâu bà nói cho tôi biết đi!”. “Tôi vay ở... ở hiệu cầm đồ”. “Hiệu cầm đồ?” - Ông Lộc tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại. Khi đã rõ mười mươi thì ông bỗng xịu mặt lại. Rồi ông run run nói với bà như mếu: “Tôi đã hiểu ra rồi! Thì ra bà đã giấu tôi đi làm cái việc ấy. Bà ơi, tại sao bà lại làm như thế? Có phải bao lần bà nói với tôi rằng, dù có ngặt nghèo, túng thiếu đến đâu đi chăng nữa bà cũng không bao giờ đem bán những thứ ấy cơ mà. Bởi đó là kỷ vật của các cụ để lại cho bà. Sao bà lại nỡ tâm đem bán chúng đi hở bà! Không tính được cách này thì ta liệu cách khác...”. - Nói rồi ông lặng lẽ bỏ ra ngoài sân.

Bà Lộc ngồi lại một mình suy nghĩ trước sau. Đúng là nhiều lần bà đã từng nói với chồng, là bà sẽ không bao giờ cho phép bà được đem bán đi những kỷ vật của bố mẹ bà để lại. Đó là một chiếc áo dài bằng gấm và một đôi khuyên tai bằng vàng. Hồi Pháp thuộc, nhà bà tuy không giàu có gì hơn ai, nhưng nhờ bố mẹ bà chăm chỉ làm ăn, lại biết tiết kiệm nên đã tích trữ được ít đồ nữ trang. Khi các con khôn lớn lấy vợ, gả chồng, hai cụ đã cho chị em bà mỗi người một ít, gọi là của thơm thảo do bố mẹ để lại. Bà là con gái út được chiều chuộng nhất nhà, nên ngoài đôi khuyên tai như các chị, bà còn được mẹ bà cho thêm chiếc áo gấm. Đôi khuyên thì hồi còn trẻ, vào những dịp lễ, Tết, đám cưới, đám hỏi... thỉnh thoảng bà có đeo nó vào tai. Còn chiếc áo gấm thì chưa một lần bà đụng tới. Chẳng phải là vì nó không vừa, không đẹp, mà là vì nó quá sang trọng, nên bà ngại. Cả hai kỷ vật của bố mẹ để lại sau này được bà cất kỹ. Bà định đến một lúc nào đó bà sẽ trao nó lại cho con gái bà. Nhưng rồi đến cái lần quá bí này, không còn cách gì gỡ rối được, bà đã quyết định giấu chồng mang nó ra hiệu cầm đồ. Cũng may là hiệu cầm đồ ấy đã không nỡ lòng mua đứt bán đoạn kỷ vật của bà, mà họ đã đồng ý cho bà được quyền chuộc lại khi bà có đủ số tiền trả họ.

Bà gọi chồng vào nhà giải thích cho ông nghe. Ông Lộc nghe xong thì thở phào rồi buông một câu: “Vậy cũng còn được!”. Rồi ông mỉm cười, quấn một điếu thuốc rê châm lửa hút. Bà Lộc nguýt chồng: “Chưa chi đã cuống cả lên!”. Rồi bà nhìn chồng. Cái nhìn như cách đây gần ba mươi năm về trước bà từng nhìn ông. Bà cũng nhận thấy rằng, đây là lần đầu tiên kể từ bữa con trâu bị chết, chồng bà mới lại vui vẻ, cười đùa. 
Mấy ngày sau, người làng Bùng đã lại thấy ông Lộc một mình dắt con trâu mới mua ra đồng chăn. Cũng như con trâu trước, chẳng bao giờ ông Lộc thả rong với trâu của lũ trẻ. Theo ông, chăn trâu thả rong kiểu đó, người giữ trâu có khỏe thân đôi chút nhưng bụng trâu chẳng bao giờ được no. Chăn riêng, ông chịu khó dắt trâu vào những nơi không thể thả rong được. Những nơi ấy, cỏ tốt tươi quanh năm, trâu chỉ gặm một lúc là no căng. Vừa cho trâu ăn, ông vừa dùng một cành lá đập nhẹ vào lưng trâu để đuổi ruồi, đuổi muỗi cho nó. Cũng có lúc ông tìm bắt những con rận cho trâu. Mỗi khi dắt trâu về chuồng, dù trưa hay tối, bao giờ ông cũng dắt trâu ra sông tắm cho nó. Ông kỳ cọ khắp mình trâu. Buổi tối, ông vẫn thường nhúm một đống trấu để đuổi muỗi cho nó.

Con trâu về nhà ông chỉ chừng một tháng sau đã đổi khác. Sạch sẽ, trơn tru, bóng mượt. Người tinh mắt chỉ cần nhìn qua cũng thừa nhận nó béo, đẹp hơn trước. Thỉnh thoảng, thường là vào buổi chiều, khi dẫn trâu về chuồng, ông Lộc vẫn cưỡi lên lưng trâu. Mà ông cưỡi rất khéo, rất oai, trông cứ như lính cưỡi ngựa thời xưa. 

N.N.

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 317

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground