Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện của xoài

- Má! Sao má chặt cây xoài?

Điểu đi câu về tới nhà, nghe tiếng động lạ vội quăng cần chạy ra vườn sau. Ở đó, nó thấy chuyện kinh thiên động địa. Má đang chặt cây xoài cưng của nó.

- Ủa, tao tưởng mày muốn xóa hết chuyện thằng Thiên, thì giờ chặt luôn cây xoài đi chứ để chi. Cây này nó trồng chứ ai. – Má dừng tay, cười, xối ánh mắt chòng chọc vô Điểu.

Điểu đứng ngây ra một lúc. Nhìn thân cây đã lộ những chỗ thịt trắng, tưởng như máu cây đang rỉ ra và gió níu cành lá vẫy vẫy nó như than rằng đau quá Điểu ơi. Nó không nói không rằng, chạy tới giằng cây búa khỏi tay má. Nó quăng cây búa ra xa, đứng chắn trước cây.

- Cây xoài của con chớ bộ! Hổng cho má chặt! – Điểu giận thật sự, làm như nó mới là người bị thương chứ không phải cây xoài.

- Ờ, tùy mày. Một hai đòi đốt bỏ hết đồ thằng Thiên cho cũng là mày, giờ đòi giữ cây thằng nhỏ trồng cũng chính mày. Tao hiểu hổng nổi tụi bây. - Má nhún vai, bước tới lụm cây búa lên.

Điểu tưởng má chưa bỏ ý định, giang tay thủ thế. Má không lại gần cây xoài, mà bước tới cắm phập lưỡi búa vô gốc mít cụt đằng xa. Má quay lại nhìn Điểu một cái, không hiểu có ý gì, rồi quày vô nhà. Bỏ Điểu ở lại ngực còn phập phồng vũ điệu hồi hộp của tim, chưa kịp có những suy nghĩ rõ ràng.

Đầu Điểu như ruộng mùa hạn. Má đi khuất rồi, cơn mưa ý niệm mới về. Óc ách đầy, ngổn ngang. Điểu mặc kệ, ngồi bệt xuống, đưa tay xoa xoa những vết chém trên thân xoài như an ủi người bạn lâu năm. Làm như cây cũng hiểu, tiếng gió lùa qua kẽ lá nghe như tiếng khóc rưng rức.

Cũng đã một tháng trôi từ ngày anh Thiên bỏ xứ đi, vì câu nói của Điểu.

* * *

Minh họa: Xuân Huy

Minh họa: Xuân Huy

Điểu vừa lùa cơm vừa lấm lét thăm dò ý má, quên cả gắp đồ ăn. Má thấy con gái lấm la lấm lét ăn cơm không, bỏ dĩa cá lóc yêu thích nằm chơ vơ, má vừa mắc cười vừa thương.

- Ráng canh đi nha. Tao mà thấy đi đâu tao ra tao chặt. – Má dừng đũa, đứng lên ra võng nằm coi cải lương.

Điểu điếng hồn, buông đũa cái cạch. Nó thấy no ngang, nuốt hết muốn vô. Tưởng má nói chơi, hoặc má quên rồi, ai dè má cương quyết vậy. Làm như cây xoài có thù với má không bằng…

Điểu thu dọn chén đũa, lẹ lẹ vô buồng ôm mền gối. Má liếc theo, biết thừa nó ra gốc xoài ngủ. Má ráng nhịn cười, phóng theo một câu:

- Nuôi mười mấy năm bự chảng mà nó lo cho cây xoài hơn lo cho má nó. Khổ thân tui!

Điểu tính cự lại, nhưng thôi. Dùng dằng là trúng kế má. Nó hít một hơi, phăng phăng bước ra vườn, không quên đem theo đèn cầy. À đem mùng nữa, ngoài đó muỗi dữ lắm.

Gió vườn lạnh. Những chiếc lá khô bị gió đùa giỡn chạm nhau kêu lạo xạo, nghe như tiếng bước chân. Điểu không thấy sợ, chỉ thấy lo. Nó biết ma quỷ chỉ là trò dọa nạt của người lớn, thứ đáng sợ đích thực chính là những rắc rối mà cuộc sống cứ ghì người ta xuống rồi đè dán lên. Như chuyện của anh Thiên.

Điểu nằm trong mùng, nhìn lên tán xoài. Trong bóng đêm thăm thẳm, lá cũng như cành, khước từ cố gắng của mắt, chỉ thấy đen là đen. Đen như trăm ngàn suy nghĩ quấn rối, chồng lắp, khít nhau không kẽ hở. Thật kì quặc làm sao. Ban ngày, là lá non tía nhìn cái thèm bánh xèo gói đọt xoài, là lá già cứng cáp xanh khỏe, là đám bông li ti, là lứa trái con chờ lớn. Giờ, chỉ còn toàn màu đen.

Cây xoài này, anh Thiên mua ở tận Cần Thơ đem về. Hồi Điểu còn nhỏ xíu. Gốc xoài và Điểu hệt như hai đứa trẻ cùng nhà, số phận cũng tựa như nhau. Cây còi cọc tưởng không chịu đất thoi thóp trụi lá, nhờ anh Thiên tìm cách chăm bón mới vực dậy. Người Điểu thuộc loại suy dinh dưỡng, ba bữa bệnh rồi nửa tháng nhập viện một lần. Hồi đó, anh Thiên hay đi cùng ba bắt cóc về để má nấu cháo đậu xanh bồi dưỡng cho Điểu. Thứ cháo kì diệu mà người ta mách nhau là thuốc bổ cho những đứa trẻ ốm đói. Chắc nhờ tình cảm nhiều người trút vô, dồn lại, mà linh nghiệm thật. Khi cây xoài dần quen đất trổ lá xanh um thì Điểu cũng phổng phao có da có thịt dần.

Dường như kí ức của những ngày cũ mang theo ánh sáng, mỗi một hình ảnh hiện về Điểu lại thấy rõ phía trên hơn một chút. Nó đã thấy được cành lá lòa xòa đang cố chạm nóc mùng, như chào nó.

Điểu nhớ nó từng nghĩ rồi một ngày kia nó sẽ cao hơn cả cây xoài. Nó sẽ cao hơn anh Thiên, khỏe hơn ba. Nó sẽ kiếm thật nhiều tiền mua thuốc cho ba, mua nhiều sách cho anh Thiên đọc. Ảnh ham học lắm, mà nhà nghèo, đang lớp bảy phải nghỉ. Rồi mấy năm sau má ảnh mất, ảnh mình ên tự sống. Má Điểu kêu ảnh dọn qua nhà ở chung, ảnh từ chối. Phải mà hồi đó ảnh gật đầu, có lẽ mọi chuyện đã dễ chấp nhận hơn…

Nhưng cây xoài không thèm chờ Điểu, mỗi năm nó mỗi cao hơn. Ba cũng không chờ Điểu nổi, ba đi theo bà nội rồi. Cả những cuốn sách của anh Thiên cũng vậy, anh bán nó mua cho Điểu cái áo mới đi học cấp hai. Cớ sao mọi người cứ vậy, chẳng cho Điểu làm gì? Chẳng thèm đợi Điểu?

Điểu đã thấy tới chùm xoài non mị trên cao. Không biết chúng có lớn được không, có thành những chùm xoài căng mọng, có đợi được chín vàng? Hay sẽ bị sâu đục, dơi ăn, hay qua một cơn gió quật rồi sẽ rụng đi. Chẳng ai biết được ngày mai, dù là ngày mai của một chùm xoài non.

Ngày đó, anh Thiên giận Điểu chắc cũng bằng Điểu giận anh bây giờ. Anh không thèm nhìn mặt nó cả tháng, coi nó như trái úng, lá rụng, hay cục sình bên đường. Anh đã biết lúc đó, hay trước nữa? Rồi sao mà anh vượt qua được? Phải mà anh chỉ cho Điểu biết cách. Như anh đã từng chỉ nó tập bơi, chỉ nó làm bài tập. Má nói anh Thiên có “tố chất sư phạm”, tức là dạy đâu người ta hiểu đó chẳng cần nạt nộ rầy la. Ờ, ảnh cũng ước sau này trở thành thầy giáo. Ước mơ cụt ngủn, chết non như như chùm xoài rụng. Thứ xoài nhỏ xíu, ủng vàng, đám con nít chê không thèm lượm chấm muối.

Sao anh không đòi những thứ thuộc về mình, hả anh Thiên?

Điểu chỉ nghĩ được tới đó, mắt đã trĩu nặng nước mắt. Chúng díp lại, dính vô nhau, xô Điểu té vô giấc ngủ. Cơn mơ chập chờn sóng vỗ, tưởng như Điểu chết đuối. Anh Thiên bơi xuồng ngang qua, nhìn Điểu lạnh lùng, rồi khua dầm đi.

Điểu chới với, chìm dần.

Câu “anh Thiên ơi” bể thành bọt nước.

* * *

Cây xoài xum xuê vậy mà không che hết nắng. Nắng đều đặn nhảy nhót trên mặt Điểu, mỗi lúc một mạnh dần, tới khi chói gắt đánh thức nó dậy.

Trưa rồi. Giấc ngủ sâu mà nặng trịch. Người Điểu đau như những ngày ra ruộng phụ má. Vội vội bước khỏi mùng, mắt nó đụng trúng cây búa vẫn còn cắm trên gốc mít cụt. Như nhắc nhở. Phải mọi thứ hiển hiện và cắt đứt dễ dàng bằng một nhát búa thì tốt quá.

Má đi công chuyện đâu không thấy. Trên bàn còn dĩa khoai luộc sẵn, đã nguội và khô lại, chắc má chừa cho Điểu ăn sáng. Cầm củ khoai, Điểu nhớ tới anh Thiên nữa rồi. Ảnh khoái món này. Lý do cũng thiệt thà, nó no lâu hơn cơm, đi làm cả ngày cũng đỡ mệt. Điểu ngần ngừ ăn khoai, tự hỏi chẳng biết có món nào ảnh thích chỉ vì ngon không? Sao mà kí ức chỉ toàn những món no bền, ăn được lâu, rẻ, bổ. Sao cái con người gì sở thích cũng cơ cực quá đỗi như vậy? Sao mà…

Điểu kiếm nước uống, nó bị nghẹn bởi những “sao mà”. Bên tai văng vẳng tiếng nhạc xuân nhà nào đó mở sớm.

“Tết đến đoàn tụ cùng ở bên bếp hồng.

Và nồi bánh chưng xanh chờ Xuân đang sang”

À, Điểu chợt nhớ anh Thiên khoái bánh mứt Tết. Ảnh có cách ăn nhẩn nhơ giống má. Làm như, cả một năm đã quá xuôi ngược, ảnh chỉ cho phép bản thân thư thả mấy ngày xuân. Ảnh đặc biệt ưa mứt dừa dẻo má làm. Mứt xoài nữa. Xoài bẻ từ cây xoài sau vườn, năm nay không hiểu sao mà trái trễ. Ừ mà, rồi năm nay có ai làm mứt cho anh Thiên ăn không? Chắc chỗ ảnh tới cũng có bán. Nhưng sao ngon bằng má Điểu làm được chớ.

Má về, xách theo lủ khủ đồ. Có cả bọc kiệu bự chảng, chà, sắp phải lặt kiệu còng lưng. Tết tới hồi nào vậy ta? Giờ đã phải chuẩn bị từ từ rồi.

“Phát lộc tài ở khắp nơi phố phường

Một năm mới an khang, bình an bên nhau.”

Bài nhạc vẫn tiếp tục hớn hở. Mắt má chạm mắt Điểu, có lẽ cùng câu hỏi. Rồi anh Thiên ăn Tết với ai? Ảnh còn ai thân thuộc trên cõi đời này? Hơn nữa, ở một nơi xa lạ…

Má sợ Điểu quên chuyện chính, tay thì chất đồ ra, miệng thì hăm dọa:

- Đợi tao làm xong ề kiệu này, cây xoài của tụi bây tới công chuyện với tao.

Điểu hoảng quá chạy lẹ ra giữ cây xoài. Vừa đi, đầu nó vừa ong ong, ba chữ “của  tụi bây” nghe như một vết cứa đau râm ran trong lòng.

* * *

Lại một đêm Điểu ngủ giữ cây xoài. Điểu đem thêm mền, gió bấc buốt quá. Hay là thôi, không giữ nữa. Vô nhà cho ấm. Từ chái bếp, đèn dây tóc hắt ra ánh sáng vàng mời gọi ấm sực. Cơ thể Điểu bứt rứt không yên, muốn đi vô nhà. Nhưng lý trí thì từ chối. Điểu kiếm cớ, đốn uổng muốn chết, mỗi năm bán xoài được biết bao nhiêu là tiền. Cây xoài này của nó chớ bộ, công nó gánh nước sông tưới mỗi ngày, có phải của ên anh Thiên đâu.

Điểu có phải đang dối lòng không? Nó cũng không biết. Cây xoài này ý nghĩa gì chứ, nếu anh Thiên đã đi khỏi xứ này. Có thể, ảnh vẫn sẽ sống tốt. Như cái cây này đi, lạ lẫm lay lắt vài năm, cũng gượng được. Nhưng sau đó? Người ta sẽ sống bằng gì kia chứ, nếu không phải bằng yêu thương?

- Nếu tao đuổi mày đi, mày có sống được không xoài? – Điểu thấy mình khùng, tự nhiên nửa đêm nói chuyện với cái cây.

Dường như cây xoài đang suy nghĩ, tiếng gió chạm cành lá như tiếng chắc lưỡi cân nhắc. Cuối cùng, nó nói thầm, bằng một trận lá trút. Cả trái non. Không sống nổi đâu bạn ơi. Sẽ buồn rụng sạch lá, rồi chết queo. Một cây xoài bị đuổi là một cây xoài cô đơn. Mà ai lại tàn nhẫn và ngớ ngẩn đuổi một cây xoài?

Ừ, nhưng người ta vẫn đuổi nhau đi, ác nghiệt và cay độc. Chỉ bằng một cơn bốc đồng đó thôi.

Điểu tự biên tự diễn như vậy, cho tới lúc lún sâu vô giấc ngủ.

Giấc mơ bị đảo ngược, lần này Điểu là người trên xuồng. Anh Thiên chới với bên dưới, đôi mắt hoảng loạn giơ tay cầu cứu. Đôi mắt hệt lúc Điểu đuổi anh đi.

Điểu phải làm gì bây giờ?

* * *

Má nhắm mắt vờ như ngủ, lẳng lặng dõi theo đứa con gái cứng đầu. Tới khi chắc chắn nó đã tìm được mảnh giấy ghi địa chỉ thằng Thiên, má mới yên tâm trở mình. 

Điểu rời nhà, chống xuồng dọc theo kênh. Đi đường sông nhanh hơn đi bộ. Điểu đã thấy ngoài sân mai lác đác nụ. Điểu đã thấy bên nhà anh Thiên hiu quạnh hoang tàn. Dây leo nuốt luôn cả cửa, che kín dấu vết người. Sự đối lập càng khiến Điểu muốn đi gấp gấp.

Đi kiếm anh Thiên về ăn Tết. Nhà của anh ở đây mà. Tết nhất, ai cũng phải trở về chớ. Chẳng ai có quyền đuổi anh đi, kể cả Điểu.

Điểu nhận ra mình giận anh chỉ vì anh giấu sự thật quá lâu. Và Điểu nhận ra chuyện anh là con riêng của ba không phải thứ khiến hai người gắn chặt. Nó đi tìm anh về, vì những tháng ngày cả hai lớn lên cạnh nhau. Như cây xoài kia, giống hạt là thứ bắt đầu, nhưng đất mới chính là thứ nuôi nó, làm nó lớn xanh, ra bông, kết trái.

Những kí ức là điều làm nên con người. Chúng ta cố gắng ở hiện tại để tạo nên những kí ức mới và sửa chữa những điều cũ. Mỗi ngày, mỗi giờ trôi, chúng ta lớn lên. Cây xoài của Điểu và anh Thiên, không thể chặt vì gắn liền kỷ niệm của cả hai. Quá khứ đã làm nó trở nên thiêng liêng vô cùng.

Điểu vừa bơi xuồng, vừa mấp máy môi học cho quen. Chà, hai chữ “anh Hai” sao mà gượng miệng quá. Nhưng, nó tin nó sẽ làm được. Bởi yêu thương xứng đáng vậy mà!

P.D

Phát Dương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 32 tháng 05/1997

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground