Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồ bại làng Thử

M

ấy hôm ni trời mưa. Cứ rỉ rả ngày này sang ngày khác. Thủy đi học muộn. Sáng ni mạ ngủ quên không kịp luộc nồi khoai để Thủy ăn mà đi học cho sớm. Mạ khoác cho Thủy chéo ni long đã cũ, đội cho Thủy chiếc nón đã cời. Thủy vội vàng đi. Trèo qua "Cồ bại", đi qua những gốc mù u, những cây mưng quen thuộc, những cây dương cổ thụ đứng ủ rũ trong mưa, không thèm đung đưa cành lá chào đón Thủy như mọi khi. Thủy không để ý mà đi nhanh ra bãi biển. Cả một dãy bờ biển chạy dài từ làng Thử đến làng Liêm cứ hun hút, hun hút. May sao, không biết từ khi mô, người dân làng biển đã trồng lên đó cả rừng dương, không thì gió như ri cát đã thốc vào mắt, vào mũi Thủy rồi. Mãi nghĩ ngợi, Thủy đã ra đến bãi biển tự khi nào.

Nhìn trước nhìn sau chẳng có một bóng người. Thủy chạy gằn mà vẫn  không kịp đứa mô hết. Bọn bạn răng hôm ni đi học sớm rứa. Không thèm gọi. Không thèm đợi Thủy như mọi khi. Bỗng rầm...rầm...rầm... Tiếng sấm rền trong mưa, như nổ tung trên đầu Thủy. Gió bắt đầu thổi mạnh hơn. Mưa ào ào như trút. Thủy vẫn cứ chạy. Gió giật tung chiếc nón cời trên đầu Thủy bay lông lốc.. Thủy quay ngược lại đuổi theo chiếc nón, vừa chạy, vừa đưa tay vuốt nước mưa tuôn xối xả vào mặt. Biết không thể đuổi kịp chiếc nón, Thủy tủi thân, đứng lại khóc tức tưởi. Răng hôm nay Hiên cũng đi sớm. Hiên tệ rứa à. Nếu mà như mọi khi, Hiên đã xuất hiện, sẽ nhặt nón cho Thủy, và dỗ dành Thủy đừng khóc. Thế mà hôm nay cũng không thấy bóng dáng đâu. Thủy vừa nghĩ vừa đi như vô định trên bãi biển đầy gió mưa và sóng biển gào thét đang như muốn hất tung cả người Thủy ra biển.

Trường cấp hai của Thủy nép mình dưới rặng dương xanh. Mái tranh tre nứa lá, cách xa nhà hàng mấy cây số, sát với làng Liêm ị Quảng Bình. Cứ mỗi mùa mưa đến, Thủy và bạn bè lại chịu khổ sở vì gió mưa như thế. Hôm nay thì chỉ một mình Thủy đi học muộn. Thật là một ngày đen đủi. Rồi Thủy cũng đến lớp. Chậm mất mười lăm phút. Cô Ngoãn "mũi đỏ" dạy văn không trách mắng Thủy mà ngừng giảng bài, lấy khăn để Thủy lau mặt. Ao quần ướt bệt vào người, cô phải đi lấy cho Thủy mặc tạm áo quần của cô rộng thùng thình. Sau khi định thần vào chỗ ngồi, Thủy liếc xuống chỗ Hiên ngồi. Chỗ ngồi trống trơn. Hiên ốm hoặc bị làm sao mà không đến lớp rồi. Rứa mà chưa chi Thủy vội thầm trách Hiên cho tội nghiệp. Hiên ở làng Liêm, nhưng đi học ngoài nớ xa hơn vô trường cấp hai của Thủy ở làng Thử vì thế mà Hiên đi học trong này.

Làng Liêm ị Quảng Bình cách làng Thử ị Quảng Trị một troong nước (khe nước) chảy ra biển. Đó cũng là ranh giới của hai tỉnh. Không biết troong nước bắt nguồn tận đẩu tận đâu. Quanh năm suốt tháng chảy ra biển không hề cạn, cho dù chỉ là một lạch nước nhỏ, mùa hè có thể sải một bước là sang đến bờ bên kia. Ây thế mà mỗi lần mùa mưa đến, nước từ trên nguồn đổ về, sóng lớn từ ngoài biển vào. Những lúc như thế có thể nhìn thấy những con sóng cao bằng mái nhà đổ ụp xuống, tràn vào. Khe nước bé tẹo trở thành một dòng sông lớn hung dữ. Vì thế mà mỗi mùa mưa đến, Hiên lại vào nhà Vĩnh ở trọ.

Hiên cao to, mắt sáng, da ngăm ngăm mặn mòi của người làng biển. Thủy ngồi bàn đầu. Mỗi lần quay lui, lúc mô Thủy cũng thấy ánh mắt sáng của Hiên nhìn mình. Thủy thẹn thùng quay lên. Răng mà cứ nhìn người ta hoài rứa. Hiên và Thủy đều là những học sinh giỏi. Nhất là từ khi cả hai đứa cùng sinh hoạt trong đội cờ đỏ của trường, cùng đi thi học sinh giỏi toán, có điều kiện gần gũi, trao đổi bài học với nhau nên ngày càng thân thiết. Nhiều lần bắt gặp ánh mắt Hiên nhìn mình cháy sáng, Thủy lại thấy ngại ngùng, lẩn tránh. Mỗi lần đi học chưa lúc nào Hiên đi cùng Thủy đến lớp. Khi thì Hiên đi trước một quãng, lúc lại đi phía sau và bao giờ khoảng cách đó cũng không thay đổi. Năm nào cũng thế, mùa mưa đến, rều rác từ trên nguồn đổ ra biển rồi dạt vào, chứa chấp cả lũ rắn đẻn, cạp nong... Bọn con trai nghịch ngợm bắt rắn dọa, thế là tụi con gái chạy tóa lọa có khi vứt cả cặp sách mà chạy. Mỗi lần như thế, Thủy bao giờ cũng được Hiên che chở không cho bọn con trai bắt nạt. Rồi mỗi lần Thủy lỡ đi học muộn, vẫn Thấy Hiên đi từ từ đằng trước như chờ đợi. Cô đã quen như thế rồi. Vậy mà hôm nay, Hiên vắng vì lý do gì, Thủy không hay biết. Nhưng lòng vẫn thấy Hiên có lỗi, thầm trách Hiên tệ?

Cơn mưa vừa ngớt, thì cũng là lúc lớp học tan. Cả lớp ùa ra về, hò reo, trèo qua “Cồ bại”, đi qua những hàng dương, những cây mưng. Hôm nay trời mưa nên không đứa nào đùa nghịch, đứa nào đứa nấy im lặng đi. Chứ như những ngày nắng, dù trời trưa, bụng đói, cả bọn vẫn ùa vào “Cồ bại” mà chơi trốn tìm, đánh trận giả một hồi rồi mới ra về. Ra đến bãi biển, tất cả bọn Thủy đứng khựng lại. Có chuyện gì xảy ra vậy? Phía ngoài troong nước, người đứng đông nghịt hai bên bờ. Tiếng khóc đau thương rền cả một khúc sông. Cả lớp chạy đến. Trời ơi! Hiên! Hiên nằm bên bờ khe nước, trong vòng ôm của bà Lành. Mẹ Hiên ôm đứa con mềm oặt trên tay mà ngất xỉu. Thủy rụng rời tay chân, khuỵu xuống. Hiên ơi! Sao lại thế này. Thủy khóc nấc lên. Cả lớp Thủy òa khóc theo. Tiếng khóc rền trong tiếng gầm gào của sóng biển nghe tang tóc cả một đoạn dài bờ biển. Gợi lại cảm giác thời chiến tranh ác liệt, bom Mỹ dội xuống làm chết hàng loạt người dân. Khi đó thì lòng căm thù thằng Mỹ lấn át đi nỗi đau chết người mà họ không khóc. Còn bây giờ...

Thủy và bạn bè trên lớp không biết rằng, khi cả lớp đang chăm chú nghe cô Ngoãn giảng say sưa bài "Đoàn thuyền đánh cá" của nhà thơ Huy Cận. Ngợi ca sự giàu có của biển cả, ngợi ca cuộc sống ấm no của người dân biển, thì Hiên đang vật lộn với sóng dữ để cứu em Hồng và bác Dương... Bác Dương người làng Liêm, dẫn bé Hồng về làng Thử quê ngoại để ăn giỗ từ hôm trước, trở về, gặp lúc troong nước đầy sóng, bác chần chừ định quay lui. Nhưng bé Hồng không chịu. Bé đòi về để chiều kịp đến lớp. Bác Dương cõng bé Hồng vừa lội qua được một quãng thì trượt chân vào chỗ nước xoáy, cùng lúc sóng từ ngoài biển ào vào cuốn trôi hai cha con bác Dương ra biển. Hiên đi học từ sớm, chưa thấy Thủy nên đi từ từ có ý đợi. Từ xa thấy mất hút bóng người ở troong nước, biết có chuyện chẳng lành, Hiên chạy tới rồi ào ra biển giữa sóng lớn, giằng co với sóng cõng được em Hồng vào bờ. Hiên lại lao ra cứu bác Dương. Nhưng không kịp nữa rồi. Một con sóng hung dữ khác ập tới nuốt chững cả hai người. Bé Hồng van khóc khản giọng. Lúc mọi người chạy đến thì biển chỉ trả lại hai thi thể đã mềm oặt.

          ***

Thủy cứ day dứt không nguôi vì cái chết tang thương của Hiên. Cô không cắt nghĩa được vì sao làng Liêm của Hiên và làng Thử của c« lại khổ thế, có cái gì đó cứ na ná nhau. Bao nhiêu năm tháng, từ đời này sang đời khác, dân làng Thử và làng Liêm sống nghèo lắm. Biển bãi ngang ít được mùa. Cây khoai lang là lương thực chính. Người ta gọi đùa quê Thủy là quê "ăn cơm bữa diếp". Tức là ba ngày mới ăn được bữa cơm, còn là ăn khoai trừ bữa. Việc đó là thật. Vì thế mà Thủy không thấy giận, chỉ buồn. Thủy đi chơi hay đi học về chỉ cần bưng rổ khoai xuống đánh một trận đến căng bụng là được, không cần cơm thịt, không cần những thức ngon khác... thế mà Thủy và những đứa con nít trong làng cứ lớn phổng phao, khỏe khoắn nhờ những rổ khoai lang luộc lúc mô cũng được cha mẹ để sẵn ở trên tra (gác bếp) như thế... Mà cái đất cát quê Thủy đến lạ, vừa mưa xuống đã tan chảy, nắng lên lại rang bỏng chân người. Mỗi lần gió bão, cát lại hất ràn rạt, ràn rạt, bay từ chỗ này sang chỗ khác. Nếu ai để ý một lúc sẽ thấy đôộng cát nơi này sẽ di chuyển thành một núi cát ở phía bên kia chỉ trong chớp mắt. Thế mà, chỉ cần đánh luống lên, ủ lá dương, rải một lớp phân chuồng rồi lấp ngọn rau lang xuống. Sau ba tháng thôi là củ đã lúc lỉu. Mỗi lần đi giỡ khoai, Thủy thích lắm, chỉ cần khỏa đất hai bên luống xuống là củ to củ nhỏ đã lộ ra. Giỡ ít luống đã được hai rổ đầy ắp.

Rồi Thủy, cùng bạn bè học lên cấp ba trường huyện. Không còn những ngày mưa hun hút và thông thốc gió lùa dọc chân sóng nữa. Cô cũng như Vĩnh lớn vổng lên thành những chàng trai, cô gái. Họ cảm nhận được cái điều buồn tủi nơi làng quê mình. Ôi một vùng quê bãi ngang nghèo khó của quê hương. Cho dù, bây giờ Thủy, Vĩnh và bạn bè cùng trang lứa ít có dịp bước qua cái bờ dương ngày xưa, nơi mà làng Thủy gọi là "Cồ bại" ấy. Nơi đầy ắp kỷ niệm tuổi học trò ngày thơ bé. Thủy làm sao mà quên được. Bởi đó là những kỷ niệm dẫn dắt Thủy đi lên trong cuộc đời. Nơi đó, tuổi thơ của Thủy, Vĩnh và bạn bè ngày hai buổi men chân sóng đến trường, trước khi bước ra khỏi làng để men theo chân sóng, phải trèo qua Cồ bại ấy. Cái "Cồ bại" mà mỗi lần nghe Thủy kể chuyện, bạn bè trên lớp tròn mắt lại hỏi: "Cồ bại" là cái chi? Cô lại được dịp dốc bầu tâm sự, được dịp kể với bạn bè về "Cồ bại" của làng cô, về những kỷ niệm tuổi thơ yêu dấu của mình. Ừ, "Cồ bại" chỉ là một hệ thống đê cát dọc bờ biển. Xếp lớp lớp những đụn cát to nhỏ, cao thấp, tròn dẹt khác nhau cứ nối dài, nối dài dọc theo bờ biển không biết đến tận mô. Có lẽ do sự xếp đặt của thiên nhiên để ngăn cách biển với đất liền mà hệ thống đê cát đó luôn cao hơn mặt nước biển. Trên những đụn cát cao thấp, to nhỏ nối nhau đó lại mọc lên thứ cây sắc nhọn, bám chắc vào cát. Người làng gọi là cây lông chông. Kể cả hoa của nó cũng từng chùm tròn, xếp lớp lớp những cánh dài sắc nhọn. Có l để phù hợp với khí hậu và sự khắc nghiệt ở đây mà cả lá và hoa của lông chông nhọn sắc như thế. Người dân làng biển từ khi lập làng sinh sống, họ trồng lên thêm trên đó nào là cây mưng, mù u, cây dưới, cây dương chống sóng lớn từ ngoài biển vào. Và nhờ hệ thống đê cát đó mà những làng biển tránh được cái nạn cát bay, cát lấp. Còn bọn con nít như Thủy khi lớn lên thì đã thấy những cây cổ thụ ở trên đó rồi. Trừ những ngày mưa gió rét mướt, còn là những ngày tháng vui biết bao nhiêu. Nhớ nhất mỗi buổi trưa đi học về, cát rang bỏng chân, Thủy và bạn bè lại được "Cồ bại" đón vào chở che...dưới những bóng râm. Chiều về, cả bọn lại ra "Cồ bại" chơi trò đuổi bắt, trốn tìm. Cả bọn chia thành hai phe. Một phe đi trốn, một phe đi tìm. Nếu bên đi tìm mà tìm thấy hết quân của phe trốn là coi như thắng. Thằng Vĩnh ở phe đi trốn. Nó chọn được gốc mù u cổ thụ bị bom Mỹ khoét rỗng một lỗ thời chiến tranh bị các cành lá rậm rạp che lấp. Cậu ta yên chí chui vào ngồi khuất bên trong. Tiếng reo hò náo nhiệt. Đến lúc nghe tụi bạn réo gọi tên mình, Vĩnh càng đắc chí ngồi im. Một lúc lâu thấy vắng lặng quá, chui ra thì bạn bè đã về hết. Nó giận đến mấy hôm mới làm lành. Bọn con gái thì thích nhất mùa hoa mưng nở. Khi từng chùm hoa tim tím hồng rủ xuống như những chùm râu ông tiên trong chuyện cổ tích, cả bọn lại hái về kết thành chuỗi đeo vào cổ, vào tay để ghẹo nhau. Tụi con trai thì khác, chờ cho những cây dưới quả chín vàng xuộm, ngọt lịm, là leo lên cây giành nhau. Thủy lúc nào cũng được Vĩnh và Hiên dành cho cả nắm quả... Mỗi buổi sớm mai, lại rủ nhau ra "Cồ bại" để ngắm mặt trời lên. Trên mặt biển tím biếc, phẳng lặng, mặt trời đỏ rực từ từ nhô lên, nhấc mình khỏi mặt nước từ lúc nào. Thủy cùng bạn bè cùng dõi mắt ra khơi xa, ngắm đảo Cồn Cỏ như con rùa khổng lồ nổi trên mặt biển mà reo hò, mà đoán những chuyện trên trời dưới biển của tuổi thần tiên...Thủy làm sao mà quên được. Nhớ cái ngày Thủy còn bé tý, không biết Thủy đau bệnh gì, bác sĩ Uynh nói với mẹ, để cho Thủy được ở lại làng với dân quân. Nếu mà để Thủy ở mãi trong hầm trú ẩn, bệnh sẽ trầm trọng. Mẹ lo hết hồn, phải nghe theo lời bác sĩ, thế là Thủy được ở lại trên "Cồ bại" với dân quân trực chiến. Thủy được chứng kiến các cô chú bắn máy bay Mỹ, bắn pháo hạm của chúng ngoài khơi, được nhìn tận mắt những chiếc thần sấm con ma Mỹ bốc cháy lao ra biển. Có lần Thủy ngồi ở cửa hầm trú ẩn, thấy máy bay Mỹ bổ nhào, những quả bom rơi xuống, những cột khói đen kịt đùn lên, rồi người chết, nhà cháy... Mới đó mà đã hơn ba mươi năm. Bây giờ, mỗi lần có dịp lễ hội hay sự kiên gì đó ở làng ở xã, bọn con nít lại được học về truyền thống của làng, được nghe kể chuyện đánh tàu chiến, bắn máy bay Mỹ của dân quân du kích làng ngay trên “Cồ bại” như nghe chuyện huyền thoại của quê hương...

Sau c¸i v ra ®i ca Hiªn vµ b¸c D­¬ng, ng­íi d©n lµng Th, lµng Liªm cµng cê ý thc gi÷ g×n “Cơ B¹i”. Hô kh«ng chƯt cµnh, b l¸, cng kh«ng ® cho c¸t tr«i, c¸t ch¶y. Hµng n¨m, d©n lµng mua c©y d­¬ng con v trơng mi ® thay th. Bịi gi÷ cho “Cơ B¹i” cßn th× lµng Th cng nh­ nh÷ng lµng bin mi tr­íng tơn cng thíi gian, kh«ng cßn gƯp nh÷ng c¶nh ®au lßng nh­ tr­c x¶y ra. Làng Thử, làng Liêm nằm nép dọc theo chiều dài bờ biển, chiều rộng chỉ non dăm trăm mét. Ngăn cách làng với biển bằng bờ dương chắn sóng, nơi mà dân làng Thử gọi là "Cồ bại". Còn sau làng là dãy đôộng cát trắng kéo dài đến nhức mắt. Thủy đi xa, mỗi lần về trèo qua đôộng cát để về nhà. Những lúc đứng một mình giữa đôộng cát chang chang nắng như thế, Thủy lại nao lòng nhớ nơi này mỗi lần cô và bạn bè đi hái củi về. Thả những bó củi dương khô cho lăn từ trên đỉnh đôộng cát xuống, rồi tất cả cùng lăn theo, khi cả lũ lăn đến dưới chân động cát, nhìn lại đứa nào đứa nấy cát bám trắng đầy mặt mà cười vang cả rừng dương. Nhưng rồi, cô lại chạnh lòng khi nghĩ đến sự nghèo khó của quê mình. Thủy ước sau này học một nghề gì đó thật có ích, giúp cho quê mình bớt khổ.

   ***

Tốt nghiệp đại học, Thuỷ trở thành cô kỹ sư nông nghiệp. Cái ước mơ làm một việc gì đó có ích giúp cho quê mình bớt khổ, cơ chừng Thủy khó mà làm được. Bởi đó cũng chỉ là mơ ước tuổi học trò mà thôi. Cô được điều đi nhận công tác xa, ở Viện nghiên cứu giống cây trồng, tại Thủ đô Hà Nội. Bạn bè cũng mỗi người một phương. Vĩnh trở thành nhà kiến trúc sư, làm việc tại thành phố biển Nha Trang. Họ ít được gặp nhau, nhưng mỗi lần có dịp, Thủy và Vĩnh lại nhắn tin, gọi điện thoại rủ nhau về quê. Mỗi dịp như thế hai đứa lại dẫn nhau về làng Liêm, thăm bà Lành, mẹ Hiên. Ngày xưa học hành bên nhau, Thủy chưa bao giờ nghe Hiên nói đến cha mình. Ai cũng nghĩ Hiên mồ côi bố. Tuổi thơ hồn nhiên chẳng ai quan tâm điều đó. Lần này, Thủy về thăm bà, không hiểu sao cô lại tò mò hỏi: - Răng con chưa bao giờ nghe mẹ kề về bác trai? Bà Lành lục trong chiếc rương gỗ cũ kỹ đưa cho Thủy một tấm ảnh nhỏ: - Cha thằng Hiên đó. Thủy trân trối không tin vào mắt mình. Trong ảnh là chú Bảng, em bố, chú ruột của Thủy. Ở nhà cô, trên bàn thờ cũng tấm ảnh như thế này phóng to lên. Chú Bảng của cô là liệt sĩ. Trời ơi, hèn chi lâu ni Thủy ngờ ngợ. Nhìn nụ cười và ánh mắt sáng của Hiên, cô thấy thân thiết, quen thuộc và gần gũi đến thế. Thủy không cắt nghĩa được. Cô nghĩ về một đời con gái của bà Lành đi qua trong cô độc, xót xa, mà thương bà Lành vô hạn. Cô ôm lấy bà Lành: Thím ơi!...

                                       ***

Bến đò Nhật Lệ những năm sáu bảy, sáu tám là một trong những điểm tập kết hàng quan trọng chi viện cho chiến trường miền Nam. Những đội vận tải của làng Thử, làng Liêm theo đường biển ra cửa Nhật Lệ nhận hàng hóa từ đạn dược, thuốc men, đến lương thực rồi lại theo đường biển đưa hàng vào tận Bến đò A ở Cửa Tùng, rồi từ đó chuyển tiếp vào Nam. Địch ngày đêm bắn phá ác liệt hòng ngăn chặn sự chi viện của ta vào chiến trường. Những đợt bom rền. Những đợt pháo hạm ngoài khơi bắn vô. Biển Nhật Lệ mù mịt khói bom khói đạn. Đại đội pháo cao xạ của Bảng đóng trong bờ dương dọc hai bên bờ biển. Những khẩu pháo vươn cao nòng đón chờ những chiếc máy bay Mỹ tới. Hôm ấy trời vừa chập choạng tối, đội vận tải của Lành gồm năm chiếc thuyền vào đến cửa Nhật Lệ. Nhận và bốc xếp hàng hóa xong bỗng đâu máy bay Mỹ lao đến bắn phá. Tiếng bom nổ đinh tai nhức óc. Thuyền của Lành trúng đạn, nước đang tràn vào khoang. Bảng và anh em trong đại đội pháo lao ra khỏi công sự chạy ào về phía thuyền hàng. Để cho mọi người cứu hàng, còn Bảng dìu Lành lên bờ. Lành bị thương vào cánh tay, máu ra nhiều, đỏ cả vạt áo Bảng, cô ngất đi. Anh đưa Lành vào hầm trú ẩn sơ cứu, băng bó vết thương. Lành tỉnh dậy, ngượng ngùng vì thấy ngồi bên mình là một người con trai. Lành bật dậy, vô tình làm cánh tay đau điếng, ngã trở xuống. Bảng nhanh tay choàng lấy người Lành. Lành không về được cùng đội vận tải mà phải ở lại dưỡng thương. Bốn thuyền hàng còn lại sau khi đã gửi gắm, nhờ đại đội pháo chăm sóc Lành, họ lặng lẽ cho thuyền vượt biển ngay trong đêm... Thời đó có được phút giây bình yên thật là hiếm hoi. Có lần, trong rừng dương, dưới hầm chữ A Bảng nói với Lành: "Xong chiến dịch này chúng mình sẽ làm lễ cưới". Lành không nói gì, nép vào Bảng tin cậy. Bởi Lành nghĩ, nói gì bây giờ cũng vô nghĩa. Biết đâu, chỉ ít phút nữa thôi, đạn pháo của Mỹ từ hạm đội ngoài khơi bắn trúng hầm chữ A nơi họ đang trú ẩn thì sao? Lành chỉ biết mình đang rất hạnh phúc. Cô lịm dần trong vòng ôm đến nghẹt thở của Bảng... Họ không ngờ rằng đó là phút giây hạnh phúc đầu đời con gái con trai của họ, cũng là giây phút cuối cùng họ được ở bên nhau. Sớm hôm sau, đại đội pháo của Bảng có lệnh điều vào chiến trường miền Nam. Bảng ra đi rồi vĩnh viễn không về. Lành có thai, bị kỷ luật đuổi về địa phương. Lành sinh con trong nỗi âm thâm cô quạnh, và đau đớn khi biết tin Bảng đã hy sinh ngoài chiến trường.

Thủy ngồi lặng, nghe bà Lành kể chuyện. Cô nghĩ về chú Bảng về bà Lành, về Hiên, về những cuộc tình mãi mãi tuổi hai mươi trong chiến tranh. Có lẽ không riêng gì làng Thử, làng Liêm mà trên đất nước Việt Nam này, có bao nhiêu mối tình âm thầm như thế. Trong cuộc chiến khốc liệt, sống chết chỉ là gang tấc. Họ dâng hiến hết mình, chiến đấu vì độc lập dân tộc mà không nghĩ đến tình riêng.

                                  ***

Cuộc sống ngày một đổi thay. Hai làng Liêm và làng Thử không còn cái nghèo cái khổ đeo bám nữa. Bây giờ làng Thử đã được xây dựng tuyến đường quốc phòng ven biển. Ở những khe nước chảy ra biển, những cây cầu nhỏ xinh xinh đã được bắc qua. Những lứa tuổi học trò sau này không phải chịu những con sóng dữ dằn như trước nữa. Tuyến đường quốc phòng nối dài từ Cửa Việt, Cửa Tùng chạy dọc theo "Cồ bại" làng Thử ở Quảng Trị ra tận làng Liêm ở Quảng Bình. Và còn chạy xa lắm... ra tận những làng biển phía bắc. Thủy sung sướng nghĩ rằng, rồi đây tuyến đừơng quốc phòng này song hành cùng đường Hồ Chí Minh huyền thoại, sẽ là điều kiện tốt nhất cho mỗi vùng quê nghèo khó như làng Thử, làng Liêm phát triển đi lên. Làng Liêm của Hiên bây giờ cũng thay đổi không kém gì làng Thử. Những lần về thăm bà Lành, Thủy không còn phải lội bộ trên cát. Cô phóng xe theo đường nhựa, đường bê tông vào tận ngõ nhà bà. Những dãy nhà xây hồng tươi mái ngói san sát bên nhau, đường làng dọc ngang đã được bê tông hóa. Thủy nhìn nụ cười rạng ngời trong mắt trẻ thơ dọc đường đến trường mà lòng vui lây.

***

Lần này Thủy và Vĩnh trở lại thăm làng Thử, thăm “Cồ bại. Họ bâng khuâng trèo qua bờ dương ngày nào để ra biển. Cô đứng lặng trước biển, nhìn theo những chùm hoa lông chông lăn tròn trong gió mà thấy lòng chùng xuống rưng rưng. Thấp thóang, ẩn hiện đâu đây hình dáng những cây mưng, cây mù u, cây dưới cổ thụ, xù xì. Những bụi lông chông rậm rịt chĩa những nhánh lá sắc nhọn lên trời... Vẳng trong gió lộng, trong ầm ào sóng biển như còn tiếng thét gào của gió, của sóng dữ khi tràn qua “Cồ bại”. Và bạn bè. Và Hiên. Ôi ánh mắt, dáng hình của người bạn trai thời thơ dại cứa vào lòng Thuỷ tê buốt...

Thủy cứ đi, tha thẩn mãi ở cái nơi mà lẽ ra đi một bước là vướng những cành lá lòa xòa, những bụi dây gai, và những nhánh lá sắc nhọn lông chông chích vào bắp chân đau điếng... Nhưng bây giờ chỉ còn trong tưởng tượng của Thủy mà thôi. Tất cả cứ trống băng, trắng lóa một màu cát. “Cồ bại” không còn nữa. Người ta đã đào tung “Cồ bại” để khai thác quặng ti tan rồi. Cô thấy lo lo. Nếu bão lũ lại đến, sóng lớn ập tới, liệu làng Thử có bị làm sao không, khi mà “Cồ bại” đã bị bới tung lên?... Thủy biết Thủy chỉ lo hão thế thôi. Bởi đã có những người cán bộ đầy trách nhiệm về việc này cơ mà. Nhưng dù sao trong suy nghĩ của mình cô ước ao “Cồ bại” vẫn được giữ nguyên như thế... nhưng không bao giờ có lại được nữa rồi. Cô bâng khuâng thấy mình trở lại như ngày xưa, bé thơ, lung linh, diệu vợi. “Cồ bại”ơi! Bạn bè ơi! Ôi làng Thử, làng Liêm của Thủy, của Hiên!

           T.S

 

Nguyễn Thúy Sâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 154 tháng 07/2007

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground