Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cưới vợ cho con

N

gười ta dựng vợ cho con thì vui mừng, còn bà lại thấy lo lo. Bà lo là phải. Đứa con trai của bà cũng gần ba mươi rồi, mấy ngày gần đây nó nằng nặc đòi bà cưới vợ. Trời đất! Không dưng lại đòi mẹ cưới vợ. Mà cưới ai bây giờ? Ai người ta chịu lấy con bà. Con ơi là con! Mẹ thương con, mẹ cũng muốn con có một cuộc sống như người ta nhưng mẹ biết làm cách nào bây giờ. Bà than trời kêu đất như có ai xát từng nắm muối vào bụng. Đau ơi là đau!

Buổi sáng, thấy đứa con mình cứ dậm chân thình thịch, miệng phụng phịu: “Không cưới vợ không đi chăn trâu…”, sau một hồi buồn nẫu ruột bà phải ngon ngọt dỗ dành: “Được rồi, để hôm nay mẹ xuống xóm Thượng xem có cô nào thật xinh, mẹ sẽ hỏi cưới cho con!” nó mới chịu lùa trâu ra đồng. Ngày mai cũng diễn ra như thế nhưng bà lại bảo với nó là xuống xóm Đông, ngày kia xóm Tây… Ruột bà đang đau thắt, bà có định khóc đâu nhưng nước mắt cứ ri rỉ bò ra. ới mấy cô xinh thật xinh ở xóm Thượng, xóm Đông, xóm Tây ơi, có cô nào lấy con trai tui không?!

Thằng con trai của bà đáng thương lắm! Bà sinh được hai đứa, một trai một gái. Như vậy là có nếp có tẻ rồi. Nhưng bà có mừng được lâu đâu. Càng lớn, thằng cả càng ngu ngơ, ngật ngờ. Nói năng thì độp đoạp, câu được câu chăng. Không lẽ cứ phải “con đầu không sâu thì điếc” mới được hay sao? Mà cũng đâu phải vậy, chắc tại do chồng bà hít phải cái chất độc quái gỡ ấy mà thôi. Thành ra con bà giờ mới ngô nghê như thế này đây. Ngày mới sinh, nó cũng bậm bạp lắm, trông rất đáng yêu nữa. Ông và bà lúc nào cũng đòi bế nó. Năm sau ông về phép thì sinh thêm đứa con gái. Rồi ông giao toàn bộ “tài sản” lại cho bà để vào chiến trường. Ông hăm hở ra đi, có biết đâu ở nhà bà cơ cực đến thế nào. Ông đi được vài năm thì có giấy báo tử về nhà thêm nữa đứa con trai của bà càng lớn càng tỏ ra không bình thường. Bà như đứt từng khúc ruột, đêm nào cũng ôm hai đứa con và khóc. May mà niềm động viên duy nhất của bà là đứa con gái vẫn phát triển bình thường, lại còn tỏ ra thông minh nữa. Không biết có phải bao nhiêu tốt đẹp thằng anh đã nhường hết cho nó hay không?

Thằng anh lớn lên có biết làm việc gì đâu, chỉ biết đi chăn trâu cùng với mấy đứa trẻ con trong xóm. Quần áo mẹ và em gái cũng phải giặt cho. Vậy mà bây giờ lại đòi mẹ cưới vợ. Có phải ai đã xui nó nói như vậy không? Bà đã đau lòng lắm rồi, sao ai nỡ làm bà càng đau hơn. Nhưng thấy con mình cứ nằng nặc một hai đòi cưới vợ bà tin là không phải ai xui khiến nó.

Đã thế thì nỡ lòng nào bà lại để mặc con như vậy. Nhưng bà chẳng dám nói với ai, sợ người ta lại cười vào bà, vào đứa con ngây dại của mình. Bà chỉ biết sang hàng xóm, tỉ tê với người bạn già. Hàng xóm tắt đèn tối lửa có nhau, không giúp nhau những lúc như thế này thì còn lúc nào nữa. Bà vừa nói vừa lấy gấu áo chậm chậm nước mắt:

- Bà ơi! Có ai lại khổ như tui không hở bà? Cái thằng Huy nhà tui ấy, bây giờ nó lại đòi cưới vợ bà ạ!

Niềm xúc động dâng trào, xông lên mũi cay xè, nó chẹn ngay cổ họng khiến bà nói khó khăn hơn:

- Bà xem, nó mà bình thường, khôn khéo như người ta thì chẳng nói làm gì. Đằng này nó lại dở dở, ương ương, thích thì làm không lại đi chơi với mấy đứa trẻ con trong xóm. Bây giờ nó đòi cưới vợ. Ai người ta chịu lấy thằng Huy nhà tui đây hở bà? Thực sự tui đau ruột lắm bà ơi!

Nói đến đây thì bà khóc. Từ hai hốc mắt sâu hoắm của bà còn sót lại mấy giọt nước, giờ thi nhau bò ra. Cái xấu xa của con mình, người mẹ nào nỡ lòng đem kể với người ngoài. Bà Thu là chỗ tin tưởng vậy mà bà vẫn thấy lòng nhói đau. Thương con quá con ơi!

Bà Thu đưa miếng trầu cho bà rồi chậm rãi:

- Thôi bà ạ! Chuyện đến đây rồi thì cũng phải nhắm mắt đưa chân. Nồi nào úp vung nấy. Nhà mình nồi méo thì tìm vung méo.

- Thì cũng biết là vậy. Nhưng thử hỏi trong làng này có cô nào chịu lấy thằng Huy không, bà ơi!

- Trong làng không có thì ngoài làng. Tui có đứa cháu gái giỏi mai mối. Để hôm nào nó về, tui thử bảo nó xem sao.

- Trăm sự nhờ bà! Chứ tui thương con mà không biết làm thế nào, bà ạ!

Bà tróm trém nhai miếng trầu bà Thu đưa cho. Ngày thường bà nhai trầu có duyên lắm, miếng nào miếng nấy đỏ chon chót. Vậy mà chẳng hiểu sao hôm nay nó lại vừa cay vừa nồng đến lạ. Bà ăn mà mồ hôi vã cả ra. Ngồi nói chuyện với bà Thu một lúc, bà phải về nấu cơm kẻo thằng Huy đi chăn trâu sắp về. Khổ! Hôm nào đi chăn trâu về, gặp bữa đói bụng mà chưa thấy mẹ nấu cơm, nó lại lăn đùng ra giữa nhà, vừa khóc vừa giãy đành đạch. Bà lật đật ra vườn hái cho nó quả ổi rồi mới vào nấu cơm. Lớn rồi mà vẫn như trẻ con!

Bà điện cho đứa con gái trên thị xã nhưng phải mấy ngày sau nó mới về được. Vừa về đến ngõ, con gái bà vội hỏi:

- Có chuyện gì mà mẹ gọi điện cho con thế?

Bà ngước hai mắt tèm nhèm lên nhìn, nhận ra đấy là con gái mình liền oà khóc:

- ớ Hoa ơi là Hoa ơi! Mày về đây mà xem này, thằng anh mày mấy bữa nay nằng nặc đòi mẹ cưới vợ. Mẹ phải làm sao bây giờ.

Cô con gái vội chạy lại đỡ mẹ dậy, nước mắt cô cũng chực ứa ra:

- Thì mẹ cứ từ từ đã nào! Thế anh Huy hôm nay đi đâu?

- Nó theo mấy đứa trẻ con đi tát mương rồi. Rõ khổ!

- Ai xui anh ấy nói như vậy?

- Thì có ai xui đâu, tự nhiên lại trở chứng ra như thế đấy chứ! Mấy bữa nay nó làm mẹ cực lắm!

Cô con gái trầm tư một lúc rồi mới nói:

- Nói gì thì nói, anh ấy cũng là một con người. Mẹ cứ tìm vợ cho anh ấy. Biết đâu khi có vợ rồi anh Huy sẽ bớt ngơ, bớt dại thì sao?

- Mẹ cũng mong vậy nhưng tìm ở đâu bây giờ?

Sực nhớ ra lời bà Thu nói hôm trước, bà liền nói với con gái rồi cả hai mẹ con cùng sang bên nhà bà Thu. Bữa ấy đứa cháu gái bà Thu cũng về chơi, bà liền cầm tay, nói bằng giọng van vỉ:

- Duyên ơi, cháu thương bác thì cháu tìm giúp bác một cô, chẳng cần xinh đẹp đâu. Chỉ cần người ta đối đãi tử tế với mình là được…

Cô con gái bà cũng nói thêm vào. Cháu gái bà Thu vui vẻ nhận lời. Khỏi phải nói là bà vui đến cỡ nào. Huy ơi! Cố gắng chờ nhé, rồi mẹ sẽ đưa về cho con một cô vợ. Từ bữa đó, trong lòng bà như đang được thắp lên một niềm hy vọng. Ngày nào bà cũng sang nhà bà Thu để hỏi thăm tình hình. Ngày nào mà bà Thu bảo “chưa có gì” là ngày đó bà ăn không thấy ngon miệng, đêm ngủ cũng trằn trọc mãi.

Có lẽ trong “sự nghiệp” mai mối của mình, đây là lần khó nhất đối với chị Duyên. Các lần trước, chị chỉ cần nói mấy lời là họ đồng ý gặp mặt; sau đó thì tiến tới hôn nhân. Lần này chị cũng có gặp mấy đám, đám nào cũng ưng nhà bà nhưng khi kể sự tình về con trai bà thì ai cũng chối đây đẩy. Khổ thế đấy! Người ta cũng có lý của người ta, bà làm sao trách được. Lấy chồng cốt để nhờ chồng, mà con trai bà như vậy thì còn nhờ vả gì nữa. Lòng bà lại phập phồng hy vọng.

Cuối cùng chị Duyên cũng tìm được một người và cô ta cũng đồng ý với hoàn cảnh nhà bà. Luân sống ở làng bên với anh trai và chị dâu, thuộc dạng quá lứa lỡ thì. Chẳng biết vì sao khi nghe chị Duyên nói về hoàn cảnh nhà bà, Luân lại khóc rấm rứt nhưng cái đầu thì gật gật (?).

Nghe tin chị Duyên đã tìm được cho mình một cô con dâu, bà sung sướng lắm. Bà vội vàng gọi điện cho cô con gái rồi cùng anh em họ hàng sang làng bên ngay. Bà làm việc gì cũng gấp gáp cứ như không làm như vậy thì Luân sẽ nghĩ lại và mọi chuyện lại đâu vào đấy. Ngay lần gặp đầu tiên, bà thấy mình bỗng dưng có nhiều cảm tình với Luân. Luân không đẹp, mà trái lại còn thô kệch, cứng người. Được cái Luân hiền lành, tháo vát. Bà chỉ cần có thế thôi! Bà có linh cảm là sống với anh chị có vẻ Luân vất vả nhiều lắm. Nhưng con ạ, mẹ đây cũng chịu nhiều cơ cực rồi, con về rồi mẹ con mình thương yêu nhau, có rau ăn rau, có cá ăn cá. Con bằng lòng lấy thằng Huy, mẹ thấy cũng thương chứ không vui sướng gì đâu!

Cái hôm bà và mấy người trong họ sang nhà Luân chơi cũng là hôm thống nhất ngày cưới. Bà nghĩ rồi, cưới vợ phải cưới liền tay. Đấy, mới có mấy ngày thôi mà cả làng đã xôn xao về cái chuyện con trai bà lấy vợ. Có người thông cảm nhưng cũng có người lại lấy đó làm đề tài thú vị, lúc nào cũng có thể ngồi nói với nhau. Họ lo con trai bà người không ra người, ngợm không ra ngợm, lấy vợ về sợ cũng chẳng biết làm ăn gì. Có người lại lo sau này con vợ khôn nó chẳng bán thằng chồng đi. Miệng lưỡi thế gian, chẳng biết bao giờ mới hết. Thương con bà bỏ mặc ngoài tai tất cả.

Con gái ở xa, bà một mình tất tả ngược xuôi lo đám cưới. Nào thì lo thuê bát đĩa, tìm thợ nấu giỏi…, rồi đi mời họ hàng… Có mấy ngày thôi mà trông bà già đi nhiều lắm. Bây giờ trên khuôn mặt bà, để tìm một chỗ da căng, cũng khó lắm! Bà mệt nhưng trong lòng thì chộn rộn, vừa mừng lại vừa tủi. Con cái người ta có bố có mẹ lo cho. Đằng này con bà vốn đã không được khôn như người ta, đến ngày vui của mình cũng chỉ có người mẹ già này. Bà muốn khóc quá nhưng trách nhiệm của một người mẹ bảo bà phải vui lên. Gặp ai bà cũng cười, cũng đon đả chào mời. Bà Thu vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nói:

- Dẫu sao tui cũng xin chúc mừng bà! Chẳng có gì phải buồn cả, bà cứ vui lên!

Lời của bà Thu khiến bà như vững tâm hơn. Phải, con bà lấy vợ, bà phải mừng mới đúng chứ?!

Nhưng đến ngày cưới, bà không còn buồn nữa mà lo. Tài chính đã có con gái gửi về, cộng thêm số tiền trợ cấp của ông mà bà dành dụm bấy lâu. Cái bà lo đó là không biết sau đám cưới này, con trai bà sẽ sống thế nào. Ơn trời, thằng Huy của bà mà tỉnh táo ra, biết thương yêu vợ, lo lắng cho vợ thì không có gì đáng nói. Còn nếu nó vẫn ngờ nghệch như thế thì lòng bà đau lắm. Bà thương con dâu của mình biết chừng nào. Bà cũng từng làm dâu nên bà biết, lấy chồng về không dựa dẫm, nhờ vả vào chồng còn biết trông cậy vào ai. Với lại trông hoàn cảnh của Luân bà cũng thấy thương. Chắc là hoàn cảnh của Luân cũng éo le như thế nào nên mới lấy con bà vậy mà về ăn ở với nhau biết có nhờ chồng được tí nào không (?). Chao ôi! Bao nhiêu mối lo lắng ngổn ngang trong lòng bà. Biết thế bà lựa lời khuyên giải con ngay từ đầu, giờ có phải yên chuyện rồi không. Nhưng mà con trai bà cũng là một con người kia mà, bà làm sao tước đi cái hạnh phúc của con mình được (!).

Bà con lối xóm đi thành từng tốp sang chúc mừng bà. Bà vừa xúc động vừa vui, đến nỗi thành quýnh quáng, chẳng còn đi đứng được nữa, đành phải ngồi một chỗ, ai sang thì lại chỗ bà rồi ngồi nói chuyện, ăn trầu. Mấy đứa trẻ chăn trâu nghe tin con trai bà hôm nay được làm chú rể thì kéo nhau sang kín đặc ngoài ngõ. Bọn chúng muốn sang trông thằng Huy làm chú rể có khác với ngày thường không (?). Quả thực con trai bà khác nhiều lắm. Hôm nay Huy diện vào mình bộ comlê màu đen, trông chững chặc và đứng đắn hẳn lên. Đến chỗ nào, gặp ai cũng toét miệng cười. Bà nhìn con trai sánh vai cùng cô dâu mà thấy lòng nao nao. Chắc là nó vui lắm đây mà! Ông ơi! Ông có linh thiêng thì về đây mà xem con trai mình này. Hôm nay nó cưới vợ đấy! Vậy là tôi đã lo đầy đủ chồng vợ cho cả hai đứa rồi đó ông ơi! Tôi chỉ mong dưới suối vàng ông cứ yên lòng và phù hộ cho mẹ con tôi. Ông làm sao đó giúp thằng Huy bớt ngây bớt dại, nó tội nghiệp lắm ông à! Bây giờ nó đã có vợ, nó phải giúp vợ nữa chứ ông? Rồi sau này vợ chồng nó sẽ sinh ra những đứa cháu cho tôi và ông. Ông nhỉ?! Bà vừa lấy ống tay áo chậm chậm nước mắt vừa suy nghĩ vẫn vơ. Hồi cưới cho con gái, bà cũng mệt nhưng không vui lẫn lo lắng như thế này.

Đêm khuya, khách khứa đã về nhà, cô con gái cũng vội vã bắt xe lên thị xã cho kịp công việc ngày mai; ngôi nhà bỗng trở nên yên ắng, trái ngược với không khí lúc chiều. Lẽ ra cả ngày bận bịu tiếp khách, mệt đến mức thở không ra hơi, bây giờ bà phải đi ngủ nhưng bà không tài nào chợp mắt được. Bây giờ ngôi nhà chỉ còn lại ba người, cũng là nhiều hơn ngày thường. Trước đây, trong nhà chỉ có hai mẹ con bà, giờ có thêm một người nữa mà sao không khí như u ắng hơn(?). Màn đêm như co lại cùng với nỗi lo của bà. Sao mà có nhiều thứ để lo vậy không biết. Bà đã lo lắng cả ngày hôm nay rồi, giờ có thêm một nỗi lo nữa, choán đầy trong lồng ngực. Bà rón rén xuống giường, xỏ dép vào chân rồi nhẹ nhàng đi về phía buồng trong. Bà đứng bên ngoài, áp tai vào cánh cửa buồng rồi chờ đợi. Thật sự bà cũng chẳng muốn làm như thế này, nhưng nếu thằng Huy của bà khôn khéo thì bà đã có thể lên giường đi ngủ từ lâu. Bà cứ lầm lũi một mình, rón ra rón rén như một người đang đi ăn trộm. Nghĩ mà thêm đau lòng!

Đêm nay là đêm tân hôn của con trai bà. Bà sốt ruột vô cùng. Tự nhiên bây giờ bà thấy thiên hạ lo cho thằng Huy cũng không sai. Chính nỗi lo thằng Huy không biết làm gì làm bà không tài nào chợp mắt được. Nỗi lo này không ai có thể chia sẻ cùng bà. Bà đứng một mình ngoài cánh cửa, những nhịp thở bị nén lại khiến bà cảm thấy ngột ngạt. Chuyện chồng vợ với một người bình thường không cần nói cũng biết. Đằng này thằng Huy của bà là một đứa dở dại, nó có biết làm gì đâu ngoài đi chăn trâu, tát mương với lũ trẻ con. Cho nên bây giờ bà lo nó cưới vợ về rồi chẳng biết làm gì, cứ nằm trơ trơ như khúc gỗ. Không lẽ lúc chiều bà lại gọi con dâu ra chỗ kín rồi nói về chuyện tế nhị này. Làm thế nào được! Con dâu bà mới về, nó cũng ngại chứ? Với lại đã có người mẹ chồng nào lại đi nói chuyện này với con dâu bao giờ chưa.

Trong bóng đêm, bà đứng chết lặng như một pho tượng. Bà không dám nhúc nhích; mặc muỗi đốt, bà cũng không dám đưa tay lên gãi. Chắc có lẽ chẳng có ai như bà đâu. Đêm tân hôn của con trai, mẹ lại rón rén đi quan sát như kẻ trộm rình đồ(!). Cũng tại vì bà thương con trai quá đấy mà. Đừng có ai cười tui nha!

Bà chăm chú lắng tai nghe, hình như trong buồng đã có tiếng cót két và những tiếng thở dồn nóng. Như để kiểm chứng lại âm thanh ấy, bà ghé tai thật sát vào cánh cửa. Đúng rồi! Một tiếng thở nhẹ nhỏm buông ra, bà trách mình không dưng lại đi lo một nỗi lo thừa. Tự nhiên bà thấy vui vui. Lúc bà quay ra để về giường, chẳng may vấp phải chậu thau nhôm gần đấy làm nó kêu loảng xoảng. Bà đang gượng dậy một cách khó nhọc thì con dâu chạy ra, hỏi dồn:

- Ai đấy?

Trong ánh điện hắt ra từ gian buồng, bà thấy con dâu quần áo xộc xệch, có lẽ vì mặc vội. May mà bóng đen đã giúp bà giấu đi sự luống cuống. Bà trả lời ấp úng:

- Mẹ đây! Mẹ sợ con Mực đói nên dậy đi tìm cơm cho nó. Ai dè đến đây lại vấp phải chậu thau…

Nhận ra mẹ chồng, Luân vội đến đỡ bà về giường. Bà tự trách mình lẽ ra không nên dậy làm gì, tự nhiên trở thành kẻ phá đám. Nhưng hình như lúc này đây bà cảm thấy thoải mái hơn lúc nào hết. Đặt tay lên trán, bà cố vỗ về giấc ngủ muộn.

Ngoài đồng vang lên tiếng dế rỉ rả trong mùa tìm nhau…

H.H.S

 

Hồ Huy Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 155 tháng 08/2007

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground