Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đàn tranh

T

răng sáng, sáng vằng vặc, soi tỏa khắp ngõ ngách của xóm nghèo ven sông và cây cầu đá. Ánh trăng làm nản cả ánh sáng những ngọn đuốc của đám gia nhân đi đòi nợ. Tiếng chó sủa chen lẫn tiếng trẻ con giật mình khóc thé làm náo động cả xóm. Đám gia nhân đạp chiếc cổng tre nhà cụ Lý Thảo, xông thẳng vào đập cửa dồn dập. Chiếc cửa gỗ vừa mở ra thì gần chục con người lao thẳng vào trong, đứng chật trước gian tiền đường. Chiếc đèn dầu trên tay cô con dâu từ từ tỏa những quầng sáng làm lộ vẻ mặt nửa ngái ngủ nửa sợ hãi của hai cụ già. Một trong những tên gia nhân của nhà họ Trần cao giọng quát:

- Lão già, thằng con trai lão nợ ông chủ Trần nhà chúng tôi hai vạn đồng. Hôm nay là hạn cuối. Nếu các người không giao đủ số nợ, chúng tôi sẽ bắt người.

- Sao…Hai vạn đồng? Chẳng phải nó nợ có hai trăm đồng. Hôm nay, trước khi nó đi lính cho quan Tây, các quan đã cho nó đủ số tiền để trả nợ ông chủ Trần rồi chứ? Phiền các người về bảo ông chủ xem lại cho lão!

Cụ bà đang đứng còn ngái ngủ bỗng chốc rụng rời. Cô con dâu vội vã xốc nách bà lên, cô cũng không tin vào tai mình nữa.

- Giấy biên nợ rành rành ra đây này. Không nói nhiều với lão già. Lão mà không giao đủ số nợ ra đây, chúng tôi sẽ bắt cô con dâu lão trừ nợ. Con trai lão đã mang vợ ra thế chấp, điểm chỉ rõ ràng đây.

Tên gia nhân vừa nói vừa đưa tờ biên nợ đến trước mặt cụ Thảo, cụ không biết mặt chữ liền ra hiệu cô con dâu lại. Sen nhìn tờ biên nợ trên tay cha chồng, mặt cô biến sắc:

- Thưa cha, đúng nét chữ nhà con, chỉ đôi chỗ nắn nót quá, không giống phong cách của chàng. Theo như tờ biên nợ thì nhà con đã mang con ra thế chấp lấy hai vạn đồng!

- Không thể như thế được, thằng Dân không bao giờ nói dối. Chắc chắn là các ngươi đã dở trò. Thằng Dân chưa bao giờ nói dối!

Tên gia nhân mặt hằm hằm, trợn đôi mắt cú vọ quát:

- Giấy trắng mực đen rõ ràng ra đấy. Lão có giao đủ số nợ không? Chúng mày, bắt cô gái này về cho ông chủ!

- Xin cậu thư thư cho mấy bữa. Lúc này chúng tôi lấy đâu ra có số tiền lớn như vậy chứ! Cậu về thưa với ông chủ Trần cho chúng tôi khất lại mươi ngày, ngay khi lo đủ hai vạn đồng, cha con tôi sẽ mang đến gửi tận tay!

- Ông chủ đã dặn, không có đủ tiền đồng thì bắt người về. Chúng mày, trói cô gái đưa về. Thằng kia, nhớ mang cả cây đàn…

Hai cụ già kẻ ngất lịm, người bị xô nằm bất động giữa tiền đường. Người con dâu vẫy vùng không lại sức lực điền vật hổ của đám gia nhân. Nhanh chóng, chúng dời khỏi nhà cụ Lý Thảo. Cũng nhanh chóng, làng xóm đổ tới, trẻ gọi già, già bảo trẻ mời thầy lang đến xem bệnh cho hai cụ già. Ánh trăng túa vàng trả lại những lời ước hẹn đêm nào cho người con gái. Nó làm nước mắt cô như những khối vàng được đánh bóng tạo hình tinh xảo. Và tự nhiên, ánh trăng làm một cơn mưa vàng nặng trĩu trên bi kịch của người con gái mang kiếp cầm ca.

 

B.

Ở góc nhìn này, người ta thấy ánh trăng vàng chạm đỉnh đầu bức tượng Nữ thần tự do. Những dãy phố đèn sáng trắng xen kẽ với những khoảng sáng vàng êm dịu của ánh trăng. Trên đường phố ấy, cô kĩ sư đã không kịp nhận ra điều này. Cô nhướn mắt phóng xe vun vút đến bệnh viện thành phố, nơi mà người ta báo tin cha cô đang cấp cứu. Khi vào đến phòng cấp cứu, cô thấy cha mình đang nằm bất động trên giường, tay ông ghì chặt chiếc đàn vào ngực. Các bác sĩ tìm mọi cách thuyết phục ông già để họ giữ hộ cây đàn và cấp cứu cho ông nhưng bất thành. Cô kĩ sư đến bên bố, nhìn ông yêu thương nghẹn ngào. Cô hôn lên những ngón tay hình củ lạc của ông và từ từ cậy từng ngón tay một khỏi thân đàn. Mắt cô vẫn nhìn ông đầy thân thương và tin tưởng. Cuối cùng, các bác sĩ đã phải đồng ý để cô con gái bệnh nhân già họ Lý ôm cây đàn ngồi gần bàn phẫu thuật, nhằm đổi lấy sự im lặng ngoan ngoãn của ông cụ.

Đã có vụ đột nhập vào ngôi nhà của cha con nghệ sĩ Lý Thu. Hai tên trộm đã không lấy những thứ đồ giá trị trong ngôi nhà. Chúng chỉ cố gắng cướp cây đàn tranh. Ông già họ Lý ôm chặt cây đàn, thoăn thoắt di chuyển, tránh đòn bằng những miếng võ dân tộc. Trông những đường quyền thế cước của ba con người có vẻ như cùng một thầy dạy. Cuộc tỉ thí không cân sức đã diễn ra hơn mươi phút. Lạ thay, dù xuất quyền đả cước kiểu gì thì bọn trộm cũng không thể nào lấy cây đàn khỏi tay ông già. Cảnh sát tuần tra đi ngang qua nghe tiếng vật lộn trong ngôi nhà liền áp sát truy đuổi. Trước khi chạy trốn, một trong hai tên trộm đã dùng gậy vụt mạnh vào đầu ông già khi ông đang cố gắng tung người đỡ chiếc đàn bay giữa không trung.

 

C.

Trong chính đường của nhà họ Dương, ông chủ Trần Trung đang bày yến tiệc đãi các ông chủ buôn vải trong thành. Phía buồng trong, Sen ngồi lặng lẽ nhìn con bướm trắng đậu trên dây đàn. Đã mấy tuần trăng từ ngày có tin đồn tiểu đoàn của chồng nàng bị xóa sổ trong một trận phục kích của nghĩa quân Đề Thám, ngày nào con bướm trắng cũng đậu trên chiếc nôi của cậu con trai, thi thoảng, nó bay đến cạnh cây đàn tranh. Con bướm dõi theo từng nhát tỉa, từng nét chạm của Sen trên thân đàn cho đến khi bức hình đôi trai gái giao hoan dưới ánh trăng hoàn thành. Ngay sau khi Sen mang ra thợ nạm ngọc bức hình đó trên thân đàn, hình như con bướm trắng đã khóc. Sen thấy một giọt nước nhỏ đậu trên khuôn mặt ngọc người con trai khi con bướm từ đó bay lên cửa sổ. Từ ngày bị bắt về, nàng cấm khẩu, lúc nào cũng lặng lẽ gửi hồn vào tiếng đàn và ngắm nhìn con bướm. Con bướm giật mình bay lên phía cửa sổ, một kẻ hầu vào truyền lời Trần Trung bảo nàng ra chơi đàn đãi khách. Hầu nữ vội vàng thay xiêm áo cho nàng. Nàng hôn nhẹ lên đôi mắt đang chìm trong giấc ngủ của đứa con nhỏ rồi ôm cây đàn đi ra.

Sen thờ ơ với những lời tụng ca kim cổ của mấy ông chủ buôn. Những ông chủ ngày thường đường hoàng giữ lễ, ấy khi men đã ngà ngà đôi mắt cũng dò xét, lần lần trên cơ thể nàng đầy ham muốn. Nàng chăm chú nhìn ngắm con bướm trắng bay ra theo nàng và đậu trên chiếc đèn lồng ngay trước mặt. Sen đeo móng gảy và bắt đầu lướt những ngón tay thon dài trên những sợi tơ đàn.

Khúc Vọng nguyệt do chính nàng phổ vào cho những ngày tháng yêu thương ngọt ngào vang lên. Bàn tay trái uyển chuyển trên phím đàn vẽ ra đôi thiên nga đang múa nhịp nhàng dưới ánh trăng. Tiếng đàn rung lên như ánh trăng tan ra làm muôn hạt sáng rắc xuống vạt cỏ mặt hồ. Có đoạn, tiếng đàn vút lên như cánh thiên nga vút cao trong gió mỏng. Thoảng, những ngón tay trái lại vuốt, lại nhún vẽ ra những nụ hôn mê dại của đôi thiên nga. Con bướm trắng đằm vào tiếng đàn, dang cánh múa như quên mình là bướm, nó múa như một vũ công siêu hạng của tạo hóa.

Tiếng đàn làm cho ánh sáng trong những ngọn đèn lồng chợt tỏ chợt nhòa, lả lơi mờ ảo. Những vị khách nhà họ Trần bị tiếng đàn thôi miên dắt dẫn vào cõi mộng nào dịu dàng êm lắm. Tiếng đàn vừa dứt thì mọi người cũng tỉnh. Ngây ra một lúc, các ông chủ buôn vỗ tay tán thưởng ran cả bàn tiệc và hết lời tụng ca tài sắc của bà Tư. Ông chủ Di rót rượu mời Trần Trung:

- Hay, hay tuyệt. Di tôi xin chúc mừng ông chủ Trần đã cưới được một nàng “Chiêu Quân” thứ hai. Bà Tư sắc đã nhất thành, đàn lại hay nhất thành, thật hiếm có người con gái nào được như thế!

Ông chủ Đinh cũng rót rượu tràn ly, đứng lên ồm ồm cất giọng:

- Từ thời cha sinh mẹ đẻ, đây là lần đầu tôi được chứng kiến một người con gái xinh như thế, đàn hay như thế. Không hổ là truyền nhân của Đệ nhất Cầm tử Bạch Vân Thanh. Đinh Tài tôi xin cạn chén này mừng cho ông chủ Dương. Khà khà!

Tri huyện Đinh Công Tự chậm rãi vuốt râu, lên tiếng:

- Xin mừng ông Trần cưới được bà Tư nhất sắc nhất tài! Lại mừng cho thiếu công tử tròn một tuổi. Đúng là song hỉ lâm môn! Chúc mừng chúc mừng!

Ông chủ Trần đứng lên chắp tay cảm tạ các vị khách. Lòng ông thấy vô cùng sung sướng, một điều gì tự hào cao ngạo dấy lên trong ông. Trần Trung thấy mình đứng ở trên cao biết chừng nào. Đang nguồn hứng cảm, ông sang sảng bảo: “Phu nhân, nàng hãy đàn thêm mấy khúc để các vị thượng khách của ta thưởng lãm”.

Sen còn đang chập chờn theo ảo giác về những ngày tháng bên người chồng cũ, còn đang say đắm theo vũ điệu tuyệt vời của con bướm. Nàng khẽ chỉnh cung đàn, khi ngước nhìn lên thì không thấy con bướm trắng đâu nữa. Con bướm trắng giận nàng, nó trốn biệt sau cánh cửa. Nàng hẫng lòng như vừa đánh mất một điều gì quý giá nhất.

Ngón bịt kéo dài, tiếng đàn thảng thốt như sương mờ phủ kín trước mắt. Hai hàng lệ của nàng từ từ lăn trên khuôn mặt đẹp như trăng mười sáu. Sen trở về với thực tại đau lòng của mình. Trở lại với nỗi đau, nàng và chàng giờ đây âm dương hai ngả, nàng giờ đã làm ma nhà người khác, đã nằm trong vòng tay kẻ khác, đã phạm vào lời thề nguyện trăm năm. Những ngón tay mổ xuống dây đàn như trăm nghìn nhát kiếm đâm vào tim, như ánh mắt con thiên nga bổ nháo bổ nhào tìm tình nhân. Đôi tay vẫn lướt trên phím đàn, lúc vuốt lên day dứt làm những ngọn gió bạt ngang, khi nhấn xuống làm cho lũ chim đang bay về tổ ấm bỗng loạn cánh, rụng xuống vì đau lòng sổ ruột.

Tiếng đàn trầm đục, trục trặc như dắt lòng người đến núi cao vực thẳm, đến ngọn nguồn thác sa lốc cuốn. Mọi người đang thưởng tiệc, khi nãy còn ngẩn ngơ say đắm, nay đều thột mặt ủ rũ như cây cỏ gặp hạn. Ông chủ Tường không cầm nổi xúc động khóc rống lên như đứa trẻ.

Trần Trung tối mặt đi lên phía Sen, ông che tay nói nhỏ nếu nàng còn làm cho các vị thượng khách ủ rũ trau mày, làm hỏng công việc làm ăn, làm sập tiệm vải nhà họ Trần thì nàng sẽ phải chết. Khi nghe đến việc sẽ được gặp chồng ở nơi suối vàng, lòng nàng chợt dào lên một cảm giác vui mừng khôn tả. Nỗi đau chồng chết không ngày chịu tang, đã lại lên giường với người chồng mới, trải dài lên mười sáu cung đàn rơm rớm máu.

Mây sa gió bạt, phút chốc ánh trăng biến mất, tiếng đàn ai oán như tiếng oan khuất từ chín tầng trời vọng xuống. Cả căn phòng u u lạnh ngắt, những ngọn đèn lồng chiếc tắt chiếc le lói. Khuôn mặt sắt của Trần Trung chuyển bợt bạt khi nghe trong tiếng đàn là những tiếng rủa nhiếc và những lời đòi mạng từ ba bà vợ trước của ông ta.

Trần Trung lệnh cho gia nhân đưa bà Tư vào trong, tên gia nhân còn lúng túng chưa biết làm thế nào thì bản nhạc đột ngột đứt quãng. Tiếng đứa nhỏ khóc thất thanh phía phòng Sen kéo nàng về thực tại. Nàng vội vàng cúi chào mọi người rồi ra hiệu xin phép về phòng.

Sen giật mình khi thấy con bướm đổi màu vàng như ánh trăng, đang đậu ngay trên mũi con mình. Nàng vội vàng quỳ thụp xuống van xin, rồi ôm chặt đứa nhỏ vào lòng. Nàng ra hiệu cho hầu nữ ra ngoài hầu rượu, còn mình ngồi độc thoại trong tâm tưởng. Nàng nói với con bướm như nói với chính người chồng cũ. Nàng biết hôm nay làm hỏng buổi tiệc rượu làm ăn của Trần Trung, kiểu gì nàng cũng chịu chung số phận như ba bà vợ trước của hắn. Thân con bướm vẫn ánh lên những luồng sáng vàng lấp lánh. Sen đứng dậy, rút tấm dải lưng xanh và vắt lên trần nhà. Nàng vừa trèo lên chiếc ghế vừa nhìn con bướm, nghẹn ngào. Nàng biết khi xuống dưới suối vàng, ngày ngày nàng lại được quây quần bên chồng và chơi đàn cho chàng nghe.

Lạ thay khi nàng vừa kéo chiếc thòng lọng bằng vải xuống cổ thì con bướm lóe lên một tia sáng nhiều màu, khi những mảng màu tan biến cũng là lúc con bướm trở về màu trắng thân thuộc. Nó vờn vũ cố làm đứa bé khóc nấc lên, rồi nó vẫy cánh đậu lên vạt áo Sen, níu lại, cứ thế cứ thế, con bướm lúng túng bay đi bay lại. Sen lắc đầu ú ớ trong dòng lệ trào như suối. Ánh mắt đứa con trai giữ nàng lại ngay khi nàng định đạp đổ chiếc ghế dưới chân mình.

 

D.

1h 30 phút sáng, các bác sĩ tại bệnh viện thành phố vừa hoàn thành ca phẫu thuật hộp sọ cho bệnh nhân tên Lý Thu, tuổi 62, Quốc tịch 1: Việt Nam, quốc tịch 2: Hoa Kì, giáo sư âm nhạc… Cô kĩ sư ngồi trầm ngâm nhìn người cha đang hôn mê bất tỉnh, thi thoảng lại ngắm nghía chiếc đàn tranh cổ mà ông đã liều mạng bảo vệ.

Cô kỹ sư ngồi lặng lẽ, trong đầu cô đang nhớ lại hình ảnh người cha đáng kính sau mỗi lần dạy nhạc lại ngồi kể cho con gái nghe về tuổi thơ và nơi ông chôn rau cắt rốn. Năm tuổi ông mồ côi cha, được tiền bối giỏi chơi đàn nhất thành truyền lại cho tất cả ngón nghề và lãnh ngộ đến đỉnh cao của việc chơi đàn dân tộc. Công tử họ Trần, đó là một điều gì vừa sợ hãi vừa nể trọng của các vương tôn công tử trong thành với một một cậu ấm hào hoa, luôn đẩy mọi thứ đến điểm cuối cùng của nó.

Hai mươi tuổi, ông nhận cú sốc thứ hai của cuộc đời. Ấy là khi vú nuôi của ông, cũng chính là người hầu nữ của mẹ ông khi xưa cho ông biết toàn bộ sự thật. Cái sự thật tày đình rằng người cha mà hằng ngày ông vẫn kính trọng, vẫn chơi đàn cho ông ấy nghe chính là kẻ đã phá vỡ hạnh phúc của gia đình ông, kẻ gián tiếp bức tử mẹ ông. Sự bàng hoàng và đổ vỡ khi ông biết cái danh cái họ mà ông vẫn mang trên mình lại không phải là của mình đã giết chết bản tính của một công tử.

Ngay khi hay biết hết sự thật, ông liền tu trọn một bình rượu, đến thắp hương ở bàn thờ mẹ. Lúc chuẩn bị vác kiếm sang phân rõ ân oán với cha dượng thì ông nhận được tin của sư phụ do bồ câu đưa đến. Tin nhắn vẻn vẹn mấy chữ: “Nhận được tin, con hãy đến ngay Bạch Vân Sơn gặp ta, vạn sự để sau, không được chậm trễ”. Cùng lúc đó người hầu cho hay là ông chủ Trần đã đi đến các tiệm vải ở ngoại thành. Ông đành ngậm hận, dắt ngựa ra và phi thẳng đến gặp sư phụ. Đến nơi, ông đã thấy sư phụ mình ngồi trước một bàn đá tự nhiên trên đỉnh Bạch Vân Sơn. Ông mang hết nỗi lòng mình thổ lộ với người sư phụ râu tóc bạc phơ như tiên. Cụ Bạch Vân Thanh nghe xong không nói gì cả. Cụ nhấc tấm nhiễu đỏ khỏi cây đàn và bắt đầu so dây. Thực ra tất cả nội tình cụ đã biết rõ, cụ cũng tiên liệu trước cái ngày mà đệ tử mình khám phá ra sự thật. Cụ bắt đầu đàn, tiếng đàn nhẹ như không có một âm thanh nào cả, tưởng như một chiếc lông chim rớt xuống cũng không êm ái và nhẹ hơn được như thế. Trong tiếng đàn có thập ân của người mẹ hiền, có công dưỡng dục của người cha, có ánh sáng hào hoa của chàng trai trẻ, có nỗi đau của mỗi con người ấy, mỗi người thân của mỗi con người ấy, nỗi đau nào cũng chung cung cùng bậc, cũng châu tuần về nỗi bi thảm của nhân gian.  Tiếng đàn như một quả cầu gió vô hình vô lượng cứ từ từ cuốn sạch hận thù đau khổ trong lòng ông. Ông ngồi đó, mắt nhìn thẳng vào sư phụ của mình. Sư phụ già tay biến hóa trên phím đàn mà rõ như là cụ không đàn chi cả, mắt cụ nhìn thẳng vào mắt đệ tử của mình. Bên ngoài, gió thổi bay chòm râu trắng của sư phụ hệt như một đám mây ghé chơi.

Ngay ngày hôm sau, nghe lời chỉ dạy của sư phụ Bạch Vân Thanh, ông khăn gói lên đường sang trời Tây để nghiên cứu âm nhạc bác học của Châu Âu. Đệ Nhất Cầm Tử một thời rất muốn đệ tử của mình không chỉ thông tuệ âm nhạc dân tộc mà còn phải hiểu rõ âm nhạc của thế giới. Trước khi đi, ông đã viết lại một bức huyết thư gửi cha dượng của mình, cùng với một bức tuyệt bút của mẹ ông nói rõ thân thế dòng máu của ông, một lọn tóc và một thanh đoản kiếm. Trong thư ông nói rằng từ nay ông không còn là con cháu của họ Trần nữa, ông sẽ trở về với chính họ của mình, Lý Thu. Ân oán giữa ông và gia đình họ Trần từ nay chấm dứt, ông chỉ hi vọng Trần Trung nhang khói đừng để lạnh nơi mộ phần người mẹ xấu số của ông. Người ta kể khi Trần Trung đọc xong lá thư giật mình sờ lên mái tóc thấy bị xén ngang một lọn. Hắn ngã người xuống, mắt trợn tròn. Ngay sau đó, hắn liệt nửa người, chỉ nằm một chỗ. Ngày ngày, hắn cho mời các nghệ sĩ đến chơi đàn, họ chỉ mới dạo đàn hắn đã khua tay bảo không giống tiếng đàn của thằng Thu, rồi đuổi họ đi. Ngày nào cũng thế.

Cô kỹ sư nhớ đến đây thì òa khóc nức nở, cô hôn lên đôi mắt đã  nghiền ngẫm các thư viện âm nhạc khắp Châu Âu, đôi tai đã lắng nghe hết thảy những bản nhạc kinh điển của thế giới, đôi tay đã chơi hàng vạn nhạc cụ Á, Âu, Phi, Mỹ. Giờ ông đang nằm đây, đối mặt với thần chết. Cô kỹ sư khóc mãi, khóc mãi.

Cả đời ông Lý dành cho âm nhạc. Kể từ ngày sống li hương nơi đất khách, ông đã lập ra nhà hát mang tên Tiếng quê. Đã nhiều lần ông Lý Thu trở về đất Mẹ. Sống ở quê rồi, ông lại không yên lòng khi những đồng bào nơi đất khách xứ người còn u mê không biết đường về cố hương, nhiều đồng bào vẫn chờ mỗi tối thứ bảy để được nghe những nhạc phẩm dân tộc do chính ông biểu diễn. Rất nhiều bản nhạc vọng cổ, dân ca quan họ hay những bản nhạc do ông phổ vào cây đàn tranh và một loạt nhạc cụ khác. Âm thanh nào, khúc nhạc nào cũng ấm áp tình quê.

Chị bán hàng tạp hóa bảo nghe nhạc ông Lý để nhớ về dáng mẹ già và lời ru thủa nhỏ. Anh kiến trúc sư bảo nghe ông Lý chơi đàn để nuôi nấng một cái gì đó lẩn khuất trong mình đang ngày càng rõ hình hài vóc dáng. Một tay vận động viên bóng chày bảo nghe nhạc ở nhà hát ông Lý Thu để cho những cảm giác dịu dàng của bờ tre bến nước tái sinh. Một em nhỏ bảo nghe ông chơi nhạc để học phần hồn của hai mươi chín chữ cái tiếng mẹ dạy. Một kẻ mắc bệnh AIDS bảo mỗi lần đến nhà hát Tiếng quê là một lần cảm thấy những đôi tay ấm áp vô hình dìu dắt mình sống…Họ nói về nhạc của ông Lý Thu như nói về một tôn giáo bảo vệ và nuôi dưỡng họ nơi xứ người.

Cô kĩ sư ôm cây đàn tranh, cây đàn trở thành người tình thứ hai của cha cô khi mẹ cô qua đời. Chỉ tối mai thôi, ông sẽ có cuộc biểu diễn thứ một nghìn với nó tại nhà hát của mình. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình của bang. Đặc biệt hơn, sau buổi biểu diễn, ông sẽ đưa các sinh viên trẻ của trường đại học Thánh Gióng về thăm quê hương tổ tiên của chúng. Đây chính là tâm huyết lớn nhất trong những ngày cuối đời của ông.

Trăng cứ vàng mãi như dấu niêm phong những trang ký ức của người con gái về cha mình.

 

E.

Trong gian từ đường nhà họ Dương, linh cữu Trần Trung được quàn ngay chính giữa. Con cháu mặc đồ tang trắng đang quằn quại khóc than trong tiếng trống kèn sầu não. Người vú già nhìn nhanh lên bát nhang thờ bà Tư, trong ký ức của người vú già lại hiện lên hình ảnh bà Tư đau đớn với những lời trăng trối. Ngày đó, thiếu công tử Trần Thu đã tròn năm tuổi, công việc làm ăn của nhà họ Trần lâm vào khốn khó. Để cứu cửa hàng khỏi sập tiệm, Trần Trung đã gả bán bà Tư cho tên quan Tây mê âm nhạc bản địa. Đổi lấy việc hắn sẽ bảo kê để nhà họ Trần bán vải lậu.

Vào cái đêm cuối cùng làm bà Tư, và cũng là cái đêm cuối cùng làm người, Sen đã cho người hầu nữ biết tất cả sự thật về thân thế của cậu chủ Trần Thu. Nàng cậy nhờ người hầu nữ đưa con trai mình đến núi Bạch Vân tìm sư phụ Bạch Vân Thanh, nhờ sư phụ dạy đàn cho con mình. Người hầu nữ cố gắng can ngăn nàng nhưng vô ích. Trong cuộc trò chuyện qua giấy, Sen viết đại ý rằng, thực ra nàng đã muốn chết từ lâu, nhưng vì Trần Thu còn quá nhỏ nên chưa thể. Làm vợ người khác coi như đã phụ chồng, nàng không còn mặt mũi nào lại đi làm thiếp của tên Tây lai, thà rằng chết đi để được đoàn tụ với chồng của nàng. Sau khi dặn dò mọi điều, Sen ra hiệu cho người hầu nữ dắt Trần Thu ra ngoài, rồi nàng đóng cửa lại treo cổ tự vẫn. Người hầu nữ từ đó trở thành vú nuôi của Trần Thu, bà đã lần lượt chứng kiến cái chết của bốn bà, và giờ đây là cái cái chết của Trần Trung. Có một điều gì đó vừa như vui mừng, lại vừa như vô cảm lẫn lộn trong cảm xúc của người vú già.

Trong những ngày chứng kiến Trần Trung cận kề với cái chết, bà lại thấy thương ông chủ của mình. Ngày nào Trần Trung cũng đòi được nghe Trần Thu chơi nhạc. Con trưởng của hắn đã cử người đi khắp nơi tìm Trần Thu mà không được. Chúng còn đến tận núi Bạch Vân tìm cụ Bạch Vân Thanh nhưng cụ không còn ở đó nữa. Không ai biết cụ đi đâu. Chỉ có một chiếc lều nhỏ nằm chơ trên mỏm đá cao, gió thổi vào trống hoác. Cứ thế, Trần Trung chết dần trong sự mỏi mòn mong ngóng tiếng đàn và người con trai của mình. Trước khi tắt thở, ông chủ Trần chỉ gọi tên Trần Thu và đòi nghe tiếng đàn tranh do con trai mình gảy.

Sau đám tang, các con của Trần Trung họp nhau lại lập lên lời thề: Con cháu họ Trần bằng bất cứ giá nào cũng phải đưa cây đàn tranh của bà Tư về trước bàn thờ của Trần Trung. Người vú nuôi già lặng lẽ trở về quê cũ, bà không còn muốn chứng kiến xem lời thề đó có còn thực hiện được hay không. Bà giật mình nhận ra mình đã gần lắm với thế giới bên kia. Bà nghĩ đến lúc mình cần được nghỉ ngơi một chút, biết đâu, kiếp sau bà lại làm thân trâu ngựa hầu hạ người khác.

 

F.

Mười ngón tay cô kĩ sư nhẹ lướt trên phím đàn từng giai điệu của bài dân ca quan họ Bèo dạt mây trôi. Đây là bản nhạc vỡ lòng mà ông già Lý đã dạy con gái mình từ khi cô lên mười tuổi. Trong không gian hẹp của phòng cấp cứu, cô kĩ sư thả hồn mình vào mười sáu cung tơ. Ngoài trời, ánh trăng càng về khuya càng vời vợi một nỗi niềm thân thuộc. Cô kĩ sư say sưa đàn mà không hề hay biết cha cô đã tỉnh dậy từ lúc nào. Ông lặng lẽ nằm nghe tiếng đàn của con gái mình. Trên miệng ông, một nụ cười tựa như mãn nguyện cứ dịu dàng nở ra giữa màu trắng của băng bông ga đệm. Khi mười ngón tay như cò bay hạc đậu trên phím đàn dừng lại cũng là khi trời sáng. Cô kĩ sư đón nhận nụ cười của cha mình với một niềm ngạc nhiên quá đỗi. Cô lao về phía giường và đặt những nụ hôn yêu thương lên hai dòng nước mắt hạnh phúc lăn trên đôi má của cha mình. Sau giây phút đó, còi cấp cứu kêu inh ỏi, tiếng bác sĩ, y tá í ới gọi nhau, tiếng khóc cất mãi sau cái lắc đầu của ông bác sĩ điều trị.

Buổi tối, dòng người từ khắp nơi ùn ùn đổ về hướng nhà hát Tiếng quê. Nhà hát với sức chứa năm nghìn người chật kín, bên ngoài nhà hát, cũng khoảng chừng ấy con người tập chung xem qua màn ảnh rộng mà ban tổ chức đã lắp đặt. Dẫn chương trình của đài truyền hình bang bình luận rằng: “Có lẽ trên thế giới hiếm có buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc nào ở ngoài lãnh thổ nước đó mà lại có số khán giả kỷ lục như đêm nay”. Anh ta còn nói thêm, Lý Thu là một trong vài người có tầm ảnh hưởng lớn nhất với cộng đồng người Việt tại thành phố, đó chính là lý do đài truyền hình bang truyền hình trực tiếp chương trình này.

19h 30 phút, buổi biểu diễn bắt đầu. Dàn nhạc cổ truyền như thường lệ luôn xuất hiện giữa những tràng pháo tay giòn giã, nào đàn bầu, sáo trúc, nào trống cơm, nhị, nào đàn nguyệt, đàn T’rưng, đàn đáy... Trong buổi biểu diễn đặc biệt này, nhân vật chính đã ngồi trong một không gian được che bằng tấm mành nhỏ. Dẫn chương trình hôm nay lại là một giọng nữ trong trẻo thay vì ông chủ nhà hát như thường lệ. Mọi người hồi hộp chờ đợi những sự bất ngờ tiếp theo. Hơn mười ngàn khán giả bắt đầu rơi vào mê trận của âm nhạc và những sợi tơ đàn. Họ lại cùng nhau trải qua những cảm giác của hân hoan, tha thiết, có lúc khoan thai dịu dàng; phút giây nào đó, hai phần ba trong số họ đã rơi nước mắt, lại có những khi cả nhà hát dang tay ôm lấy những người cạnh mình thắm thiết như anh em bầu bạn. Khán giả như bị tiếng đàn thôi miên huyền bí. Đã bao lần họ mua vé của nhà hát mặc dù biết rằng đến đây có thể mình sẽ khóc. Cũng đã bao lần, buổi biểu diễn kết thúc mà khán giả chẳng ai muốn rời khỏi ghế ra về.

Mọi người ngạc nhiên sửng sốt khi nghe MC giới thiệu về khúc nhạc cuối cùng của ông già Lý. Họ thảng thốt hỏi nhau, họ dồn cảm giác bất an lên những ánh mắt ngơ ngác, nghi ngờ. Tiếng đàn tranh cất lên thật dịu dàng như mái chèo khua nước đêm trăng, trong tiếng đàn có tiếng của mầm cây đội đất mọc chồi, có tiếng chim non mổ vỏ chui ra, có ánh sáng của nắng mai ngủ trong sương sớm, có cánh mai vàng bung khỏi lớp màng mỏng đón nắng xuân. Càng về cuối bản nhạc, tiếng đàn càng trong như cánh chim bay xa dần, khuất dần trong đám mây…

Khi tiếng đàn kết thúc cũng là lúc tấm mành che giữa sân khấu được kéo lên. Cả khán trường nháo nhác như ong vỡ tổ, trước mặt họ không phải ông già Lý đáng kính mà là cô con gái của ông. Họ nổi giận, họ la hét. Cô kĩ sư ôm chiếc đàn tranh có khảm ngọc hình đôi trai gái giao hoan dưới ánh trăng trên tay tiến về phía khán giả. Cô ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi lên tiếng:

- Kính thưa các bác các cô chú các anh chị các bạn và các em. Ông già Lý của chúng ta đã ra đi… Vâng, ông đã rời bỏ chúng ta vào sáng nay tại bệnh viện thành phố.

Cả khán đài chết lặng trước tin sét đánh. Cô kĩ sư nâng chiếc đàn tranh lên trước mặt, nghẹn ngào:

- Thưa các bạn, những kẻ xấu đã cố gắng lấy cây đàn này nhằm phá hoại buổi biểu diễn đêm nay. Chúng tấn công cha tôi khi ông cố gắng bảo vệ cây đàn, và ông đã ra đi... Nhưng chúng đã không thể ngăn cản buổi biểu diễn này. Ông già Lý đã vì cây đàn, vì chúng ta chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!

- Buổi biểu diễn đêm nay chính là tâm nguyện của ông. Trước khi ra đi, ông đã rất muốn nói một điều, rằng ông yêu tất cả mọi người, yêu bà con đồng bào. Ông dặn tôi thay ông đưa các bạn trẻ và mọi người về thăm quê, điều mà ông chưa làm xong. Ông cũng muốn thi hài của mình được chôn cất tại nơi chôn nhau cắt rốn để linh hồn ông ở thế giới bên kia có căn cước, có nơi đi chốn về…

 

G.

Thùy Trang mở cửa phòng và khởi động máy phát nhạc, cô nhìn vào bộ phận mắt thần khẽ chớp mắt. Lập tức những bản nhạc khô khốc, có gì bực dọc như chính tâm trạng cô lúc này cất lên. Thùy Trang thấy chán ngấy cái máy phát nhạc theo tâm trạng này rồi. Cô không nghĩ khoa học lại làm cho con người ta mệt mỏi hơn như thế. Tắt máy nghe nhạc, Thùy Trang đi vào nhà tắm. Đang xối nước lên bộ ngực chũm cau của mình, cô chợt nhớ đến cây đàn cổ mà bà cô mới tặng lại cho cô, bà cô nói đó chính là cây đàn của cụ ngoại cô. Thùy Trang chạy vô phòng khách, nhấc cây đàn ra khỏi chiếc hộp thủy tinh siêu nhẹ. Một chút là lạ và tò mò. Có điều gì khác giữa một cây đàn có dây cổ kính với một loại âm thanh riêng biệt và một cây đàn với vô số bảng mạch điện tử, con chíp có thể cùng lúc chơi tất cả các thể loại nhạc cổ kim. Thùy Trang đưa những ngón tay mình lướt trên dây đàn. Cô rùng mình khi âm thanh cô nghe được là những tiếng rất lạnh, chứ không phải những âm hưởng đầy tò mò ngạc nhiên như chiếc máy phát nhạc theo tâm trạng kia. Điều này càng thôi thúc sự tò mò của Thùy Trang. Cô ngắm nghía bầu đàn, thân đàn hạc đàn, mê mẩn như trẻ con nhận một món đồ chơi mới lạ.

Bức hình khảm ngọc trên thân đàn làm Thùy Trang bất ngờ nhất. Cô ngạc nhiên nghĩ rằng trào lưu quan hệ tình dục ngoài thiên nhiên dưới ánh trăng của giới trẻ hiện nay không mới, nó được tổ tiên của chúng ta thực hiện từ rất nhiều năm rồi. Cô tưởng như thế hệ mình biết tất cả nhưng lại dốt vô cùng. Không ai biết tự tay chơi nổi một bản nhạc cho người yêu thưởng thức. Không ai biết chế biến một món ăn cho ra hồn cho gia đình, đan một tấm khăn tặng mẹ hay đơn giản làm ngồi làm một tấm thiếp nhỏ tặng thầy cô. Mọi thứ đều có sẵn bày ra trước cuộc sống nhiều khi làm Thùy Trang nghĩ mình là một con ngốc.

Chợt Thùy Trang thấy xấu hổ, cô nhìn bức hình đôi trai gái giao hoan dưới ánh trăng và thấy tấm thân trần của mình đục đi một phần. Cô bước vội vào phòng tắm mặc chiếc váy lụa mỏng rồi trở lại với cây đàn. Đưa những ngón tay lên mười sáu sợi tơ, những thanh âm rời rạc làm Thùy Trang thích thú. Vừa nghịch đàn cô vừa tưởng tượng mình là nghệ sĩ chơi đàn lừng danh.

Bà kỹ sư già từ nhà con út về nhìn thấy cô cháu gái đang nghịch chiếc đàn tranh. Bà thở dài, một nỗi sợ hãi vô cớ xâm chiếm trong ý nghĩ của bà…

T.C

Tiến Cường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 196 tháng 01/2011

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

2 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

8 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground