L |
ệ thường, sau mỗi bận công tác ngoại tỉnh, khi tới bến xe, bao giờ tôi cũng lao thẳng về nhà, vừa là để tắm táp và nghỉ ngơi cho lại sức, vừa là muốn tận hưởng không khí đầm ấm bên vợ con sau những ngày xa cách. Vợ chồng tôi còn trẻ, mới cưới nhau được vài năm, nên chỉ dăm ngày vắng mặt, tựa hồ nhưng không sao chịu nổi.
Nhưng, giờ thì khác hẳn. Tụt khỏi xe khách, tôi không về nhà mà bắt ngay xe ôm, phi thẳng một lèo tới nhà chị.
Lòng tôi chỉ tơi bời, canh cánh một mối lo âu khôn tả, bởi tai nạn bất ngờ đã ập đến với chị tôi. Tin này ào tới khi tôi vừa rời khỏi nhà có một hôm, ấy là do vợ tôi báo lại khi tôi từ thị trấn gọi điện về. Liệu chị tôi có mệnh hệ gì chăng? Đã là tai nạn xe máy, đâu phải chuyện đùa! Gãy chân tay còn là phúc, chỉ e rằng chấn thương sọ não thì coi như đi tong cả một đời!
Chị ơi… sao lại khốn khổ đến vậy! – Hàng đêm, tôi cứ vật vã và thốt lên những câu từa tựa như thế. Người tôi nôn nao đến nghẹt thở, bồn chồn một nỗi sợ hãi mơ hồ. Nếu có mênh hệ gì, làm sao tôi sống nỗi trên cõi đời này khi vắng hẳn bóng chị!
Tôi tự ý rút ngắn lịch trình chuyến đi, mặc dù thừa biết tầm quan trọng của đợt công tác này. Mọi thứ đối với tôi đều trở nên vô nghĩa trước sự sống chết của chị tôi. Cho dù có bị kỷ luật tới mức buộc phải thôi việc đi chăng nữa, tôi cũng chẳng còn bận tâm.
Trong những giờ nghỉ xen kẽ của chuyến công tác, tôi cũng bỏ luôn thói quên thăm thú những cảnh đẹp thiên nhiên hay những khu chợ thường là nơi thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của vùng đó. Tâm trí tôi chỉ quẩn quanh mỗi việc là lần mò đến nhà các già làng, trưởng bản để kiếm tìm những bài thuốc đặc hiệu, phòng cho cả căn bệnh tai biến mạch máu não lẫn xương cốt. Sau khi tầm đủ số thuốc gồm những laoij lá cây, rễ rừng, tôi chia chúng thành những gói nhỏ, rồi gài cẩn thận một mảnh giấy hướng dẫn cách thức sử dụng vào bên trong. Đi đâu tôi cũng ôm khư khư cái bọc ấy như thể một báu vật.
Rời Tây Bắc, lòng tôi cứ buồn tênh trong cái mệt rã rời, nhưng bù lại, vẫn còn được vuốt ve bởi sự dịu êm của khí trời. Nào hay, về tới đồng bằng là tức tốc bị gió bấc táp liền vào da thịt. Chớm hạ rồi mà cái lạnh vẫn đậm đặc ra trò. Thứ gió bấc này như hoa quả trái mùa, gây một cảm giác não nề, khó ở. Chẳng bù cho trước đó, nắng hạn đến oi nồng, kéo theo cái nháo nhác của dân tình. Cả mùa xuân chả có lấy một hạt mưa. Nói chi tới mưa dầm gió bấc. Nghe đâu, sau trận rét này sẽ là những ngày bão mưa tầm tã, xối xả triền miên. Thời tiết đã trở nên quá ư bất thường! Thế mới biết, hậu El-nino lần Al-nina nguy hại đến nhường nào. Cái bất hòa của thời tiết lồng vào mối giao hòa thế kỷ, tạo nên những quay cuồng điên đảo trong lòng người. Chiến tranh khu vực diễn ra miên man, tàn khốc. Trong nước, các loại dịch tràn lan, đang hoành hành tứ phía. Khỏe mạnh vô tâm còn oặt ẹo, huống hồ những người luôn mẫn cảm với chính trị, thời tiết, tật bệnh lại gặp phải tai nạn rủi ro như chị tôi, cao huyết áp và đái tháo đường như anh rể tôi.
Đà này, không khéo lại thêm anh rể tôi đổ bệnh, bởi âu lo về thế sự, bởi vất vả trăm đường vì không có ai đỡ đần sớm hôm. Buồn nỗi, có được hai thằng con trai, anh chị lại cho đi du học ở nước ngoài cả. Thằng lớn tại trường đại dọc Harvad (Hoa Kỳ). Đứa nhỏ, ở trường đại học
Thâm tâm tôi chỉ một lòng nhất nhất với anh chị cũng là bởi một một duyên do. Hoàn cảnh tôi không được vẹn tròn như bạn hữu. Cha mẹ mất sớm, tôi lớn khôn trong tình yêu thương và sự tảo tần khuya sớm của chị. Chị chăm chút, nâng niu, nuôi dạy tôi nên người. Trong tiềm thức của tôi, chị như người mẹ hiền. Tôi chỉ rời khỏi vòng tay chị khi nghề nghiệp đã ổn định với một mái ấm gia đình riêng…
Tới cổng nhà anh chị, người tôi đã rã ra từng khúc, mệt đứ đừ; cả khớp xương, cơ bắp tê mỏi, ê dại như vừa trải qua trận dịch cảm cúm.
Cửa ra vào đóng kín, bên trong nhà anh chị lặng im như tờ. Xung quanh không biết bao nhiêu người, đứng túm tụm thành những tốp nhỏ bên đường, nhưng ánh mắt lại cứ chằm chặp hướng vào tòa nhà. Một số nhìn tôi lắc đầu, vẻ ái ngại. Số khác, sự căng thẳng khỏa đầy trên gương mặt. Người tôi toát lạnh. Không lẽ điều run rủi đã xẩy ra với chị tôi?
Một hồi ngơ ngẩn xen lẫn những thảng thốt, tôi lại nhảy lên xe ôm phi ào đến bệnh viện. May sao trong lúc tâm thần hoảng loạn, tôi vẫn còn một chút tỉnh táo để phán đoán hướng đi. Ngồi sau xe, tôi mường tượng chị đang nằm bất động, băng quấn quanh người như khối thạch cao, miệng úp phểu thở ô xy, phía trên là màn hình với biểu đồ nhịp tim gián đoạn.
Một đoàn xe tang dài dằng dặc, cơ man những vòng hoa, đang lặng lẽ, nặng nề chạy qua cỗng bệnh viện. Phía đầu xe đặt một bức ảnh viền trắng đen. Người quá cố là một thiếu phụ trạc tuổi chị tôi và thoáng qua có những nét hao hao giống. Tim tôi bỗng đập thình thịch như điên loạn. Chân tay cứ bủn rủn, nhưng lại có cảm giác bị bó chặt như thân chuối. Vừa chực lao tới đầu xe, tôi đã ngã dúi dụi xuống lòng đường vì bước hụt vào rảnh nước. Vẫn tư thế ấy, tôi cố rướn người, nghênh nghênh cái đầu để dán mắt vào tấm ảnh. Bên đường tiếng xì xào bàn tán: “Tội nghiệp! Chắc là sắp lên cơn động kinh!”. Có ai đó thương tình chạy ra đỡ tôi dậy để dẹp đường cho đoàn xe tang. Tôi vội ngoái lại, ngước nhìn tấm ảnh người quá cố khi chiếc xe tang dẫn đầu đang tiến đến gần. Không tin vào mình, tôi lại nhắm tịt hai mắt rồi mở to và thở một cái rõ mạnh như vừa trút được khối âu lo ra khỏi lồng ngực.
Nhưng, nỗi lo này tạm lắng thì nỗi lo khác lại đùng đùng trỗi dậy!
Như con thiêu thân, không còn biết trời đất là gì cả, tôi lao vào cổng bệnh viện tới thẳng buồng cấp cứu. Trên giường bệnh và băng ca là những hình người méo mó, biến dạng. Mỗi người một tư thế. Người quấn băng đầy đầu, chỉ chừa ra đôi mắt. Người bó kín phần ngực. Người chân có chân duỗi, nẹp chặt vùng xương chậu. Nom ai cũng thở lặc lè, yếu ớt.
Thấy tôi trong dáng vẻ hoảng hốt, đang ngó ngó nghiêng nghiêng và dí mặt vào bệnh án nơi đầu giường bệnh nhân, một chị chắc là bác sĩ trực, đánh tiếng:
- Anh muốn tìm bệnh nhân nào?
- Dạ… thưa chị… - Tôi lắp bắp – Tôi… tôi muốn tìm chị tôi.
- Chị anh làm sao? Vào bệnh viện khi nào?
- Dạ… bị tai nạn xe máy cách đây mấy hôm.
Tôi nói tên tuổi chị mình, nét mặt bác sĩ hơi căng ra rồi bỗng nhiên trầm lặng. Chị kéo tôi ra phòng bác sĩ trực và giở cuốn sổ theo dõi bệnh nhân:
- Anh là thế nào với bênh nhân? – Chị hỏi dè dặt.
- Dạ… là em ruột – Tôi nói gấp gáp – Tôi mới đi công tác về…
Giọng chị như nghẹn lại:
- Thành thật… xin chia buồn cùng anh! Chị ấy đã ra đi được mấy hôm!
- Nhưng vì nguyên nhân gì hả chị?
- Chấn thương sọ não, anh ạ.
- Trời… Thế là muộn mất rồi… Nước mắt tôi tràn ra chảy xuống má – Em không còn được gặp chị nữa… Chị ơi!...
Tôi vò đầu, bứt tóc, hai tay vã liên tục vào mặt mình bởi sự tắc trách trước máu mủ tình thâm. Có lẽ cám cảnh trước nổi bi thương thống thiết của tôi, bác sĩ sực tỉnh:
- Xin lỗi thế nhà chị anh ở đâu?
- Dạ… số 1 ở phố Quan.
- Số 1 phố Quan – Bác sĩ lặp lại – Đó có phải là nhà đồng chí…
Không khảo mà xưng, tôi kể vanh vách một thôi một hồi về anh chị mình. Bác sĩ nghe như nuốt lấy từng lời, nhất là khi tôi đọc liền một mạch tiểu sử anh rể tôi một cách tự hào.
- Hóa ra… Anh là em vợ đồng chí ấy?
- Dạ vâng.
- Ôi… tưởng đâu xa lạ, chứ đồng chí ấy thì cả thành phố này ai chả biết – Bác sĩ cười hỏn hẻn, đổi cách xưng hô. Tối qua, vợ chồng em cũng vừa tới đó. Chả là… anh rể anh là thủ trưởng của nhà em mà. Té ra, đều là chỗ thân tình với nhau cả.
Tôi gần như gắt:
- Tôi muốn biết về chị tôi!...
- Dạ… chị ấy đang điều trị tại nhà.
- Thế sao cô vừa bảo…
Bác sĩ thoáng đỏ mặt, ỏn ẻn như biết lỗi:
- Dạ… đấy là do em sơ suất, không hỏi rõ địa chỉ, nên nhầm lẫn tí chút. Mong anh bỏ qua.
* * *
Lúc này đã tầm trưa, phòng khách nhà anh chị đang ắp đầy những người. Nom vẻ mặt ai cũng ngùi ngùi một nối xúc động xót xa. Tôi linh cảm như chuyện chẳng lành vẫn còn đó.
Anh rể tôi phốp pháp, lịch duyệt trong bộ comple Anh quốc, bước ra. Nét mặt anh đầy căng, tươi rói, thản nhiên như không. Anh vỗ vào vai tôi:
Thế nào… Chuyến đi vất vả chứ?
- Dạ… Cũng tàm tạm anh ạ - Nhìn anh, tôi có phần yên tâm hơn – Chị đâu hả anh?
- À, chị đang nghỉ trong buồng.
Có lẽ trong bộ dạng lếch thếch, nhem nhuốc cũng như hành lý cồng kềnh trên tay tôi, anh cười nói:
- Chắc cậu chưa về nhà?
- Dạ, chưa ạ.
Anh hướng sang mọi người, giới thiệu:
- Cậu em vợ mình vừa đi công tác về - Anh quay sang tôi – Còn đây là các anh chị cùng làm một chỗ với anh.
Có thể vì mọi người quá ư tôn kính anh rể tôi, nên tôi cũng được thơm lây sự trân trọng. Họ trao cho tôi những ánh mắt đầy thiện cảm, những cử chỉ rất đổi chân thành. Người thì chắp tay trước ngực, đầu nghiêng bên trái một chút. Người lại hơi khom lưng, xoa xoa hai bàn tay, kèm theo nụ cười e ấp đã thường trực sẵn trên môi. Một vài người nhìn tôi như chèo kéo, như muốn tỏ bày tình thân thiện. Gần chục người, không ai bảo ai, cùng véo von một điệp khúc:
- Dạ. Xin chào anh ạ.
Mặt tôi rân đỏ vì ngượng ngùng trước sự ái mộ quá mức của mọi người. Tôi chỉ còn biết khẽ gật đầu đáp lễ, rồi bước vội vào phòng trong.
Chị tôi đang ngồi trên giường, tựa lưng vào tường, trên tay là một cuốn sách dày cộm. Gương mặt chị hồng hào, sắc nét, không có biểu hiện gì của ốm đau. Thấy tôi, chị ngẩng lên:
- Ồ… cậu về rồi đấy ư? – Chị với tay kéo chiếc ghế quay gần đó – Nào… ngồi xuống đây. Sao trông cậu phờ phạc thế? Ốm phải không?
Tôi không trả lời, cặp mắt cứ chằm chằm nhìn chị:
- Nghe nhà em bảo, chị bị tai nạn cơ mà?
- Ừ, sơ sơ thôi. Không có gì nghiêm trọng cả.
Tôi thở phào nhẹ nhõm:
- Thế là em mừng rồi. Vậy mà em cứ tưởng…
- Tưởng là không gặp được chị nữa chứ gì? – Chị đùa.
Hai chị em tôi cùng nháy mắt, cười vui. Nét mặt chị ngập tràn vẻ hồ hởi, phấn khởi. Chị kể:
- Bữa ấy, huyết áp bỗng tụt xuống, xa xẩm hết mặt mày, chị không còn điều khiển nổi phương tiện. Xe của chị cứ loạng choạng trên đường phố. Lúc đó, một chiếc xe máy tạt qua, không tránh kịp nên va vào xe chị. Chị gục ngã và khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong buồng cấp cứu của bệnh viện. Cũng còn may. Chỉ bị xây xát phần mềm, không ảnh hưởng gì đến não và xương. Thật đúng là nhà ta có phúc lớn, cậu ạ.
Tôi nổi máu lính tráng:
- Thế… Có tóm cổ được cái thằng gây ra tai nạn không? Em mà ở nhà ngữ ấy phải nhừ đòn.
- Lỗi là ở mình – Chị chép miệng – Bắt vạ người ta làm gì, cho tội.
Tôi đề nghị:
- Theo em, từ giờ chị đừng có đi xe máy nữa. Nguy hiểm lắm!
- Ừ, có lẽ phải thế thật. Ngẫm lại cứ hút cả hồn…
Chị em tôi hàn chuyện một hồi thì anh rể bước vào. Tôi đứng dậy, xin phép anh chị để về nhà. Anh đến bên bàn, lấy hai túi lớn, dúi vào tay tôi. Trong đó, một túi lỉnh kỉnh nhiều loại sản vật đắt giá. Anh bảo:
- Thôi, tranh thủ mà về nhà, kẻo mợ và cháu trong.
- Chị ốm… - Tôi dừng dằng với hai túi quà anh vừa trao – Em đã không có gì thì thôi, lại còn…
Anh rể tôi nghiêm mặt:
- Ơ hay, người trong nhà cả mà sao cậu khách khí thế? Cứ cầm về cho mợ và cháu. Những thứ này, anh chị đâu có thiếu gì. Cậu nhìn kìa.
Anh khoát tay một vòng. Tôi dõi mắt nhìn theo. Chỗ nào cũng thấy ăm ắp, ngổn ngang những túi to túi nhỏ. Tôi nghĩ, hẵn là quà của mọi người đến thăm chị tôi.
* * *
Không nói ra, nhưng lòng tôi sướng rơn. Tôi trở về nhà trong niềm hân hoan đến tột đỉnh. Cái mệt nhọc dường như tiêu biến. Mừng hơn cả là chị tôi tai qua nạn khỏi. Mừng nữa là lại có quà cho vợ con, trong khi tôi quên khuấy việc ấy.
Tuy trong tay là hai túi đầy, chật ních những quà, nhưng tôi vẫn thấy thiếu hẵn thứ gì đó. Tôi nghĩ mãi rồi sực nhớ, đó là hành lý cùng túi thuốc ắp đầy là cây và rể rừng đang để nơi đàu giường của chị. Có thể vì mãi mê với hai túi quà, tôi đã không còn để tâm tới chúng.
Lúc này, vợ tôi không có nhà, chắc là bế con đi đâu đó.
Tôi mở ngay túi quà thứ nhất để phân loại. Thứ nào mau hỏng phải cho ngay vào tủ lạnh. Hai tay banh miệng túi, mồm tui xuýt xoa, mắt tròn xoe thích thú. Tôi nhẹ nhàng, cẩn trọng lấy ra những vật phẩm, toàn cỡ chất lượng cao. Vừa thao tác, tôi vữa lẩm nhẩm trong mồm như hát ca. Xoài, ta…cho vào tủ lạnh. Quả này còn ương, để ăn dần. Trái kia hơi nẫu, xếp lên trên, sẽ xử lý ngay sau bữa cơm chiều. Chà, nho Ý mới tuyệt vời làm sao, quả to như trái nhãn lồng. Loại này chắc là phải thơm mát bổ ra trò. Cho vào ngăn hoa quả. Chao ôi, mấy túm vải thiều nữa chứ. Thứ này ngọt như đường, hạt lại bé tí tẹo tèo teo, Cún Bông thích phải biết. Chưa dùng vội, ta… để thắp hương mới phải đạo. Ôi dào, lại còn thêm mấy hộp thuốc bổ, mang nhãn hiệu Made in
Thoáng chốc túi quà đã rỗng không. Tôi định lăng cái túi sạch trơn ra góc nhà. Nhưng kìa, thứ gì thế kia? Tôi bỗng trợn tròn mắt khi nhìn thấy dưới đáy túi có một chiếc phong bì. Thế này thì không được rồi. Họ tặng quà cho anh chị, chắc có dụng ý đây? Tôi mở tủ lạnh, xếp vội quà vào túi, định bụng mang ngay đến nhà anh chị. Lưỡng lự một chút, tôi lại thôi bởi máu hiếu kì nổi lên. Chắc gì anh chị đã biết? Cứ bóc thử xem sao, rồi dán lại như cũ, lúc ấy cũng chưa muộn.
Tôi hồi hộp mở phong bì. Trời ơi! Tiền! – giật mình, tôi rên lên khe khẽ. Tôi mê mẩn đếm từng tờ một. Cả thảy, gồm ba triệu tiền mặt, toàn loại bạc năm chục nghìn đồng, mới toanh, cùng mấy dòng chữ:
“Thưa anh!
Chị gặp phải tai nạn, đó cũng là cái vận hạn không may. Vợ chồng em không biết làm cách nào để có thể được gần gũi, được phục dịch anh chị. Chúng em chỉ mong sao chị mau chóng bình phục. Có vậy, anh mới bớt lo âu, đỡ phần vất vả.
Em
Nguyễn Văn Hợi”.
Nào, bây giờ đến túi thứ hai. Trông có vẻ gọn ghẽ, kín đáo đây. Bên trong túi ni lông là hộp cát tông như thùng bia. Tôi cẩn thận dùng dao lách nhẹ lớp băng dính. Rắc rối quá, lại hai hộp cát tông nhỏ xếp cạnh nhau, cứ như một ẩn số, gợi niềm đam mê và cuốn hút người trong cuộc.
Tôi mở hộp thứ nhất và gần như bổ ngữa vì quá bất ngờ. Bên trong không phải là sơn hào hải vị hay sâm nhân quế phụ mà lại là một đôi giày ngoại đen bóng. Mặt da mềm mại, trơn nhẵn tựa như nhung. Phía dưới đế khắc chìm hàng chữ Made in Italia và một miếng giấy nhỏ đề giá 1500 Frăng Pháp. Người nào quan tâm chút ít về thị trường thì sẽ hiểu ngay, đây là sản phẩm Ý bán trên đất Pháp. Theo tỉ giá hối đoái hiện hành, đôi giày này cũng phải trên 3.000.000 đồng Việt
Tôi mở tiếp hộp thứ hai và lại thêm kinh ngạc. Đó là một chai rượu Cognac Pháp, loại hảo hạng, còn nguyên hộp. Từ bao bì đến hình thù là chai rượu đều sang trọng khác thường, ít thấy bày bán ở các cữa hàng chuyên doanh rượu ngoại. Chắc là wuys lắm đây. Cỡ dân sành điệu, mở mồm là nói đến rượu Tây, chưa hẳn là đã dám xài loại này.
Một tay mân mê chai rượu, một tay vuốt nhẹ mặt giầy, đầu ốc tôi chợt lởn vởn sự hồ nghi. Tác giả của nó hẳn đã lẫn địa chỉ hoặc trong lúc vội vã đã nhầm loại quà cũng nên. Dứt khoát là vậy. Đi thăm người ốm, ai đời lại biếu giày và rượu. Mà lại toàn là thứ dành cho đàn ông. Nếu không nhầm lẫn thì chí ít cũng phải có duyên do?
Ồ, lời giải đây rồi! Tôi khẽ reo lên khi chợt nhìn thấy một chiếc phong bì nhỏ được đặt kín đáo ngay phía trong hộp sắt tây đựng rượu. Cẩn trọng, tôi lần mở phong bì. 200 đô la Mỹ kẹp giữa một lá thư khá dài:
“Thưa anh!
Em vừa đi công tác về thì nhận được tin chị ốm. Em lo lắng đến kinh hoàng. Cũng may, nhờ hồng phúc của anh chị, chị không làm sao cả. Em chỉ ân hận là những ngày đầu không có mặt để được chăm sóc chị.
Thưa anh!
Em nghĩ rằng, sức khỏe của anh cũng đâu kém phần quan trọng. Anh mệt không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, mà còn nguy hại cả một guồng máy, liên quan đến hàng nghìn hàng vạn con người.
Dạo này thời tiết thất thường, nhất là vào độ chuyển mùa, em biếu anh đôi giày để phòng bênh tê thấp. Còn chai rượu, em nghe nói, vào buổi tối rất công hiệu cho việc bồi bổ khí huyết, tăng cường thể lực.
Thưa anh!
Tính em vốn vụng về, nên chẳng biết mua quà gì biếu chị. Em mong anh bớt chút thời giờ vàng ngọc giúp em, anh nhé.
Cuối cùng, em kính chúc chị mau hồi phục, chúc anh dồi dào sức khỏe.
Kính anh
Lê Cơ”
Lê cơ nào nhỉ? Tôi bóp trán nghĩ ngợi. Nom nét chữ và lời lẽ chân tình trong thư thì quen lắm, không thể là người khác được.
Cách đây dăm tháng, trong một lần hội lớp, tôi đã nghe bạn bè kháo nhau là Lê Cơ thành đạt lắm, hiện đang đảm trách cương vị phó giám đốc một công ty mạnh. Nghe vậy, tôi lân la hỏi chuyện, nhưng cậu ta chỉ cười: “Lúc nào mình sẽ gặp riêng cậu. Có nhiều việc phải nhờ cậu đấy”.
Cùng ngồi với nhau suốt năm năm trên giảng đường đại học, tôi còn lạ gì cậu ta. Có thể nói, đó là một thanh niên cá biệt, luôn làm thầy cô và bạn bè trong lớp bẽ mặt. Không một môn học văn hóa nào, cậu ta vượt qua điểm trung bình, ngoại trừ hai môn thể dục và quân sự. Việc thi lại đã là cơm bữa. Với trách nhiệm là cán sự học tập, tôi lo lắm. Tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở Lê Cơ: “Cậu nên đầu tư thời gian để học tập cho tốt. Không khéo trượt tốt nghiệp thì uổng công năm năm đèn sách”. Chẳng những phớt lờ lời khuyên bảo, cậu ta còn bỡn cợt: “Việc gì cậu phải sốt sắng thế. Nói thật… là mình học cho bố mẹ mình thôi. Chuyện tốt nghiệp đã có phụ huynh, lo gì”.
Thế rồi vào thời điểm chuẩn bị thi tốt nghiệp, trong khi cả lớp còn đang sốt vó với hàng loạt môn thi thì bỗng nhiên, cậu ấy làm một việc động trời. Đang đêm, bảo vệ của trường đã bắt quả tang Lê Cơ và một số nữ sinh lớp khác diễn cái trò Mèo mả gà đồng ngay trong nhà ăn tập thể. Như vết dầu loang, cùng với hàng loạt tội danh trước đây, Lê Cơ đã bị nhà trường đuổi học. Chuyện lẽ ra là thế, nhưng với áp lực của ông bố, chỉ vài ngày sau, quyết định ấy đã không còn hiệu lực thi hành. Và sau đấy ít lâu, cậu ta nghiễm nhiên nhận tấm bằng cử nhân.
Tuổi trẻ là vậy, thiếu gì những luc nông nổi đáng trách. Biết đâu, giờ đây Lê Cơ đã chẳng tiến bộ?...
Cân nhắc một hồi, tôi quyết định mang trả giầy, rượu và hai chiếc phong bì cho anh chị. Kể cũng tiếc thật. Ngần ấy thứ đâu phải dễ gì kiếm được. Nếu vợ tôi ở nhà, ý định này khó bề mà thực hiện được. Một lô cái dại sẽ được cô ấy liệt kê, phân tích tỉ mỉ. Nhưng với tôi, chuyện này đã không còn là đơn giản. Tôi mà có lòng dạ nào thì thật là phải tội ới trời phật. Khác gì làm hại người ta. Anh tôi đâu có thể thấu tỏ hết tấm lòng thành của họ. Hơn nữa, anh đã chẳng từng dạy tôi là phải luôn giữ mình thanh sạch, luôn sống trung thực với đời, mới nên người đó sao?
* * *
Tôi trở lại thì anh đã ở công sở. Trong nhà lặng im như tờ, tịnh không một tiếng người. Tôi bấm mã số khóa, cửa ngoài bật mở. Thấy vậy, một vài người đang ngấp nghé quanh đấy vội te cái nhào tới, lắc lư những túi to, túi nhỏ trong tay. Khi nhận ra tôi không phải là chủ nhân, nét mặt họ tiu nghỉu, ỉu xìu như bánh đa nướng gặp nước, rồi lại tản đi. Tôi liếc sang quán nước bên đường, có dăm người ngồi đó và xế một chút nữa, cỡ khoảng chục người không quen biết nhau, đang uể oải dựa lưng vào cột điện hay tường nhà hàng xóm. Họ cùng một bộ dạng như nhau. Ăn vận lịch sự, vẻ mặt háo hức đợi chờ, sẵn sàng thánh thức với thời gian. Trong tay họ khư khư chiếc túi mỏng, chật căng những quà.
Tôi bước vào phòng khách. Chị tôi đang ngả mình trên bộ sa-lông phô tơi, xem ti vi. Chị đón tôi bằng nụ cười thân thương:
- Đã bảo cậu cứ nghỉ ngơi cho lại sức, đừng có lo lắng gì về chị. Cậu không thấy sao, chị đã hoàn toàn khỏe mạnh rồi.
Tôi chỉ tay bên đường:
- Em thấy… nhiều người đang lấp ló. Hình như là khách của nhà ta? Họ đến thăm anh chị thì phải?
- Ừ… họ đến thăm chị ốm, nhưng phải đợi anh về mới chịu vào nhà.
- Sao lạ thế hả chị? –Tôi thắc mắc.
- Có gì lạ đâu! – Chị khẽ thở dài – Chuyện đời ấy mà!
- Họ là ai vậy?
- Tất cả bọn họ thì chị không hay, nhưng trong số đó có một vài người là chánh phó các công ty trực thuộc.
Tôi tò mò:
- Thế còn lúc trước?
- À… một số lãnh đạo cục, vụ, viện.
Vừa lức ấy, ngoài cửa vang lên tiếng còi ô tô. Chị tôi bụm miệng cười, nháy mắt ra hiệu:
- Anh về rồi đấy. Ta lên gác đi cậu.
Cách nói chuyện dấm dẳng của chị làm cho tôi càng khó hiểu, cứ như thể lạc vào chốn mê cung, cổ tích đầy bí hiểm. Tôi chạy ào ra ban công, ngó xuống.
Anh rể tôi vừa bước ra khỏi xe thì chao ôi, người đâu mà nhiều thế, cứ như thể trồi lên từ mặt đất. Những người đang uể oải dựa lưng nơi cột điện hay tường nhà hàng xóm đều vụt thẳng đứng, hất vội mái tóc, sửa sang lại sống áo. Những người đang ngồi quán nước thì bật dậy, vuốt vội ly quần và rút khăn phẩy nhẹ đôi giày. Ấy là chưa kể một số người từ các hướng đang hớt hải lao đến, vừa chạy vừa ôm chặt túi quà cho khỏi xộc xệch vừa giữ mái tóc cho khỏi lệch ngôi. Họ ùa tới đậm đặc để cốt sao nhoi qua cánh cổng sắt vốn được thiết kế sẵn cho ô tô con ra vào; ầm ào như con sóng táp vào bờ, tranh thủ liếm láp những tràng cát rồi mới chịu trở về với biển. Có người thế nào luýnh quýnh thế nào tụt cả giày, văng cả kính. Có người bổ chửng xuống mặt đường. Lại có người loạng choạng về phía sau, suýt nữa thì xe máy tông phải. Dù là ngã ở tư thế nào, tụt giày hay văng kính, nhưng dứt khoát khoản quà mang theo phải kè kè bên hông, vẫn là vật bất ly thân. Mặc, ai ngã cứ việc ngã. Đám đông vẫn thẳng tiến. Nhìn cảnh ấy như gợi lại trong tôi về cái thời tem phiếu nhọc nhằn mỗi khi gạo hẩm, bánh mỳ 125g, thịt thủ lợn, cá mè ranh, tóp mỡ ép rau muống già về tới cửa hàng mậu dịch quốc doanh.
Đang bước vào nhà, anh tôi bất thần quay phắt. Đám đông chùm lại, nhớn nhác, thần ra như phỗng đực.
- Trời ơi, sao đông thế này! – Giọng anh bực bội – Các cậu phải để cho mình nghỉ ngơi một chút chứ?
Đám đông câm lặng. Một ông đứng trên cùng, người thấp đậm, da ngăm đen, đầu hói nhâm nhoam như củ su hào gọt dở, lửng liểng túi quà nơi khủy tay, thẽ thọt:
- Mong anh bớt giận. Dạ, thưa anh, chúng em đã chờ anh suốt mấy tiếng đồng hồ…
- Thông cảm cho mình. Mấy hôm nay tiếp khách… mệt quá – Anh tôi nhượng bộ - Thôi được. Để các cậu vất vả, mình cũng thấy phiền lòng. Nhưng phải nhanh lên đấy nhé. Thế từng người vào một có được không?
Đám đông đang khom người tựa bầy tôm, chợt thẳng lưng, hất mặt về đích như tuyên thệ:
- Dạ, được quá chứ ạ…
Nhìn cảnh ấy tôi chẳng còn biết là nên vui hay nên buồn. Tôi trở lại bàn và ngồi xuống bên chị. Không quên phần việc của mình, tôi lấy ra hai chiếc phong bì từ túi áo, đặt lên bàn:
- Em thấy chúng trong hai túi quà anh cho. Tôi giơ cái túi quà đựng giầy và rượu mang theo. Lại còn cả cái hộp này nữa. Em gửi lại anh chị.
- Cậu cứ cầm lấy mà tiêu, mà dùng – Chị tôi phẩy tay – Lộc của anh mà
- Nhiều thế, em không dám nhận đâu. Nhìn chúng, cứ hoa hết cả mắt. Họ kiếm đâu mà biếu anh chị nhiều thế?
- Cậu mới vào ngạch viên chức, nên chưa thông tỏ hết sự đời - Chị mủm mỉm cười, đầy hàm ý - Họ đâu phải sắt đá, tránh sao khỏi những lúc tật bệnh hay rủi ro. Lúc đó, thiếu gì người lại tìm đến thăm họ.
Nghe chị nói, tôi đã dần dần hiểu được đôi phần. Tuy thế, trong lòng vẫn không khỏi có những băn khoăn. Tôi mím môi một hồi, rồi hỏi:
- Thế nhỡ ra, mỗi lần người nhà thủ trưởng anh ốm thì sao?
Chị tôi tặc lưỡi:
- Cũng không nằm ngoài quy luật! Biết làm sao được? Đời mà! Nó cứ quẩn quanh như chiếc đèn cù cậu ạ!
Tôi chép miệng, khẽ thở dài, rồi liếc nhanh những túi quà chất đầy tủ và nằm la liệt nơi chân tường. Tôi cứ phân vân và thầm nghĩ. Đường, sữa, bánh trái nhiều đến thế, anh chị làm sao dùng cho hết được. Kiểu nay, chắc chị lại gửi mấy bà đại lí quanh đây bán hộ. Chưa biết chừng, số quà trên tiếp tục rơi vào tay các ông bà đến sau, rồi ngược trở lại nhà anh chị cũng nên.
Tôi lo lắng nhìn chị:
- Nhận quà nhều thế này, anh chị không ngại sao?
- Lúc đầu chị cũng ngài ngại, sau quen dần – Chị hóm hỉnh – Bây giờ, cảm thấy thích là đằng khác. Lâu lâu, không có chuyện xẩy ra, đâm nhớ và cảm giác thiêu thiếu cái gì đó.
- Chị đừng có gở mồm như thế!
Chị tôi trợn tròn mắt:
- Cậu làm sao vậy?
- Bộ chị muốn lặp lại tai nạn sao? – Tôi khẽ gắt.
- À... ừ nhỉ. Chết thật! – Chị vỗ nhẹ tay vào miệng mình – Phỉ phui cái mồm cậu.
Nhìn chị, tôi bật cười. Chị cũng cười theo. Chị đưa lại hai chiếc phong bì, bảo tôi cất đi. Tôi lắc đầu nguây nguẩy:
- Họ biếu chị để bồi dưỡng sức khỏe. Em nhận thế nào được?
Chị lườm tôi tỏ ý không hài lòng:
- Họ mượn chị để biếu anh! Cho nên, anh đã cho thì cậu cứ nhận. Đó là lộc giời. Sao cậu lằng nhằng thế?
Hà Nội, 6.5.1999
H.N.S