Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi qua thời gian

“Một ngày như mọi ngày”

(Trịnh Công Sơn)

“Mẹ mất. Anh về ngay”

Tôi nhận được điện vào buổi trưa lúc đang đứng ở chỗ cao nhất trên đảo nơi mà tôi gọi là Đỉnh Mù Khơi. Tôi sống quanh năm ở đó để ghi chép về thời tiết, nắng mưa. Hình như do nghề nghiệp mà tôi cảm nhận được thời gian sớm hơn mọi người. Mũi tên của thời gian buốt nhọn và gay gắt, giá lạnh và cô đơn thì ai cũng đã biết. Sống với nhau mấy chục năm, tôi biết dưới dòng chữ đơn sơ kia là nước mắt và nỗi buồn của vợ tôi. Thế là bà cụ đã đi. Tôi nghĩ mình bạc. Lấy được con gái nhà người ta rồi bỏ đi biền biệt quanh năm, chả mấy khi có mặt ở nhà, đồng quà tấm bánh cũng ít khi nghĩ tới. Bà cụ thật hiền lành. Vợ tôi một nách hai thằng con dại, chạy chợ ngược xuôi, thỉnh thoảng lại đảo qua mua thức ăn, mua quà biếu mẹ. Như tất cả thằng đàn ông kém cỏi khác không làm ra tiền, tôi “động viên tinh thần”, làm yên ổn  “hậu phương” bằng những lời lẽ thống nhất qua mỗi bức thư, rồi hứa đền nọ đền kia tếu táo. Vợ tôi là một người cổ điển, chu đáo, ít tính chất tân thời, viết cho tôi đầy yêu thương, tin tưởng “Anh yêu quý, anh cứ giữ gìn sức khỏe cho tốt thế là mẹ con yên tâm, phấn khởi. Anh là trụ cột của nhà ta. Mợ vẫn bình thường và luôn nhắc đến anh…”. Không gì yên tâm hơn là vợ con hòa hiếu. Hồi còn trẻ, tôi hay làm bò cõng hai thằng con nhong nhong, hát: “Hòa bình về ta rồi, Độc lập là vinh quang…”. Chúng nó cười nắc nẻ vì thấy bố mẹ không cãi nhau nữa. Trẻ con trong những gia đình lục dục sớm khôn. Mãi sau này khôn ra tôi mới hiểu ý nghĩa cao quý của một câu châm ngôn đại khái không có gì rẻ bằng sự lễ độ. Mà lễ độ với vợ là khôn nhất. Âm dương được cả. Đàn bà chỉ là tai quái khi thằng đàn ông định cựa quậy thôi. Còn ngoài ra, họ coi đàn ông chỉ là trẻ con ham chơi, hay nói dối cả. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi”.

Cũng phải nói thêm hai thằng con nhà Trời của tôi. Tất cả sự học hành, ăn mặc của chúng được như ngày nay đều do một tay vợ tôi lo cả. Trách nhiệm áy náy của một thằng làm bố như tôi đôi khi cũng chỉ hỏi được một câu những lúc về nhà: “Độ này mày học hành thế nào?”. Nó không trả lời, loay hoay một lúc rồi lỉnh xuống bếp làm gà với mẹ. Hỏi như thể để yên tâm mình, cũng để làng xóm láng giềng thấy nhà vẫn còn có nóc. Người ta sống ở đời rất khổ sở vì dư luận. Làng tôi quanh năm nhìn sang thế giới con mắt, cái miệng của bà bán trứng vịt lộn, bà bán bún riêu, bún ốc, cháo lòng, cháo trai… Được cái vợ tôi ít lời ít điều. Những lần về nàng lại phàn nàn người nọ người kia xóc mói. Tôi gạt đi. Không phải chuyện của mình. Victor Hugo bảo nếu Thượng đế sinh ra người phụ nữ trước thì Người sẽ thôi không tạo ra các loài hoa nữa. Không biết trong những người phụ nữ mà Victor Hugo nói đó có phụ nữa quê hương tôi không? Tôi nhìn thằng con kềnh càng, hỏi: “Mày định thi vào trường nào?”. “Bố cứ yên tâm công tác. Con sẽ vào một trường hết ý.” Chả biết hết ý là gì, nhưng tôi thấy tưng tức hình như mình bị coi thường. Giữa bố và con trai hình như bao giờ cũng có một cuộc xô xát âm thầm. Người thì muốn đánh mà không được, kẻ lại chỉ muốn giành độc lập, tự do ngay từ thủa thiếu thời hoang dại. Cứ thế thời gian chảy đi như nước sông hoang vắng, thoắt cái, đứa con trai đã trở thành người xa lạ. Với mẹ nó, nó cũng có quyền như bố: ăn xong là ngồi nghe nhạc, uống chè, café thuốc lá tất đi xong vứt gầm giường, gầm ghế; giỗ chạp gì nó cũng cứ nghiễm nhiên ngồi mâm trên… Rồi bàn bạc việc gia đình… rất chi là dân chủ, gia trưởng. Bây giờ trông chúng lẳng nhẳng, ngây ngô thế, nhưng độ mươi năm nữa chúng có vợ có con rồi là vẻ mặt thỏa mãn, tầm thường ngay. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi chặc lưỡi. Mình già rồi, độc đoán đến bao giờ. Vợ tôi cũng đã lốm đốm tóc bạc. Kệ chúng nó. “Đời cua,cua máy…”. Mới lại, bà ấy cũng bênh chúng nó. Đàn bà họ chỉ yêu những người hành hạ, làm khổ họ thôi..

* * *

Người ta nhìn nhau thế nào? Người thân yêu nhìn nhau khác với người đời, đã đành. Người thân yêu vĩnh biệt nhau nhìn nhau cũng khác. Cái nhìn nào cũng có nội dung. Nhưng nội dung của thời gian xa xôi và có nội dung của thời gian mới mẻ.

Trang phục tang ma theo lối cổ truyền. Con gái, con dâu khăn trắng, áo xô gai như nhau. “Dâu con, rể khách”. Đàn ông thì đã đành là nên đặt mình đứng ngoài công việc nội tộc của nhà khác, nhưng sự bất công dai dẳng là đàn bà, con gái lớn lên lại chỉ chăm chăm nghĩ đến cái gia đình tương lai thực sự của họ là ở nơi khác. Đã được giáo dục từ trong tiềm thức là sẽ phải phụ thuộc vào nhà khác, người phụ nữ không bao giờ băn khoăn vào việc mình bị đồng hóa như thế. Đàn ông không thế. Con trai gậy vuông khuôn không khúc đốt, đi giật lùi theo lối “cha đưa, mẹ đón”. Áo xô, mũ rơm. Con rể “đơn sơ” hơn: khăn trắng cùng vãi với áo có dây gai buộc ở bụng.

Ô tô đỗ lại. Mọi người xuống xe. Có mấy cái váy màu đi ngang qua ruộng. Chân ruộng già nứt nẻ, gốc rạ khô. Những tiếng nói rì rầm. Một vài hàm răng trắng lấp lóa dưới bóng mát gốc cây ở đằng xa. Trẻ con chạy đi bắt châu chấu cho vào một cái vỏ nhựa đựng nước khoáng La Vie. “Một phần tất yếu của cuộc sống”.

“Cẩn thận nhé! Cầm dây thừng thả từ từ thôi. Ghìm chân chắc vào!” Cái áo quan từ từ đi xuống, tịnh tiến vào lòng đất. Tiếng những cục đất rơi khô khóc trên nắp quan tài. Em khóc. Các vòng hoa được xếp chồng lên nhau theo quy cũ, trật tự. Khói hương. Những tiếng sụt sịt. Bức ảnh đen trắng trong khung mờ ảo, buồn bả. Có một vệt nắng hư vô đọng trong đáy mắt em qua làn nước. Người thân yêu nhìn cuộc đời theo cái nhìn của người thân yêu. Người không thể nhìn theo kiểu khác. “Mẹ mất. Anh về ngay”. Ít khi vợ tôi nói năng gấp gáp như thế. Trong đó, tôi còn nghe thấy sự hoảng hốt, buồn đau.

* * *

Nắng mùa thu trong trẻo. Bốn bề im lặng. Những chân ruộng già khô nứt nẻ, những gốc rạ nâu. Châu chấu bay từng đàn. Có một đứa bé gái độ bảy, tám tuổi trắng trẻo, ngoan ngoãn đang cắp nách đứa em trai chỉ độ hai, ba tuổi đứng nhìn đoàn người. Đằng xa trên cao những đụn mây ánh bạc ngũ sắc cuồn cuộn bay. Thoắt cái, đám mây biến thành nàng tiên màu trắng có gương mặt của những người phụ nữ đầu thế kỷ, cũng vấn khăn, cũng ăn trầu môi cắn chỉ. Rồi đám mây lại biến thành đứa trẻ đang ẳm em… Gió thổi mỗi lúc một mạnh dần. Những ảnh hình nhiều biến ảo. Có lúc mây lại dát mỏng ra như một trang giấy, trên đó có những vẩn li ti như những dòng chữ. Dòng chữ hát ca, dòng chữ lại thở than, buồn bã… Đi qua thế gian này có mẹ, có chị và em nữa; những chịu đựng buồn đau, những tấm hình trắc trở; hết thảy đều phù du, vô nghĩa, chỉ có lòng yêu thương còn lại với đất đai, với lòng người ngay cả khi phố xá mọc lên tưng bừng mỗi ban mai nhộn nhịp, những đô thị chói chang, náo động nhạc Jazz, tiếng kèn đồng vang vọng buổi hoàng hôn trong các Bar ngoại vi thành phố; những cô gái trẻ quần bò môi son đi vào thung lũng yêu thương hối hả, những phố ăn đêm, những người ăn mày ngửa tay xin về nơi chốn cũ, những đổ nát và tái sinh đang diễn ra; những con đường trái ngược nhau ra nghĩa trang và đến nhà hộ sinh như bao đời tấp nập và quen dần đi đến độ mất thiêng liêng; tiếng còi xe rú vào bình minh náo động, một ngày mới lại bắt đầu lam lũ, sinh sôi; người muôn đời ngược xuôi sắng xở, ngày hôm qua đã thành quá khứ lãng quên; học sống, ăn, hít thở khí trời, cưới xin, làm tình, tang ma theo tục lệ đã định ước, nói một thứ ngôn ngữ của cha ông trong những ngày trọng đại. Bỗng đám mây biến thành cái phướn mà huyết dụ “Thiên thu vĩnh biệt” cuộn lại như một ống tay áo bà ba giơ ra vẫy vẫy… Trên những cái phướn đều có những cô tiên thêu chỉ màu, những tua riềm lụa ánh vàng rung ring theo nhịp bước, theo gió thổi. Cuộc đời như gió thổi, như mấy nổi, như chiêm bao… Con bé ẵm em vẫn nhìn theo đoàn xe nối nhua chở người vào thành phố.

* * *

Chủ nhật, hai mươi mốt giờ hơn gì đó sau cuộc chẩn đoán, giới thiệu giằng giai với các bác sĩ, xe cấp cứu rú còi, nhấp nháy đèn đưa cụ vào bệnh viện. Khoa hồi sức cấp cứu bảo: “Không còn giường”. “Tôi là thầy dạy của cô mà cô không biết à?”. Nhờ ông anh rể đốc-tờ của vợ tôi can thiệp như thế nên mọi việc xuôi lọt. Nhà có hai thằng rể. Tôi thấy mình lóng ngóng, vẩn vơ. Ống nhựa ô-xy trong suốt. Màng nhấp ngáy chạy đều. Sao bây giờ không thấy mùi ê-te như ngày xưa nhỉ? Những thân người quờ quạng, thấp thoáng ngoài vườn đang thổi nấu. Đang rì rầm trò chuyện. Họ ở tỉnh xa về chăm sóc, trong nom người nhà. Mùi ê-te, giường trắng tinh, hành lang tĩnh lặng, những chiếc blu trắng lướt qua… ánh đèn huỳnh quan tỏa dịu là những kỉ niệm trong thời ấu thơ của tôi về bệnh viện. Ngoài kia, những cây cổ thụ cao lớn, một công trường bụi bặm đang thi công, những ánh đèn cao áp sáng rực, những tiếng búa máy rền vang… Những dòng đèn pha xuôi ngược sáng chói, còi xe inh ỏi về đêm. Vành trăng thật mảnh. Mây vùn vụt trôi qua. “Mồng sáu thật trăng…”.

* * *

“Mẹ mất. anh về ngay”. Đêm nay ngột ngạt quá. Có nhiều đám mây vần vũ. Mai chắc mưa. Làm về thời tiết, do đếm thời gian đã lâu, ít khi tôi sai lạc. Nhưng đêm nay tôi không dám chắc. Thấy như mất một niềm tin yêu, một chỗ dựa. Người ta sống ở đời cũng không cần gì nhiều lắm. Ra đi nào có mang được gì. Một cuộc đời đã đi qua để lại bao nhọc nhằn, mồ côi, tần tảo nuôi một đàn con, để lại một đàn con nuôi một đàn con khác… tiếp nối vĩnh cửu như thế, cái mà người ta gọi là hạnh phúc. Bây giờ mẹ mới được nghỉ ngơi. Ý muốn sinh sản khiến người ta phải mãi mãi tiếp nối sự cần lao, sự bất tử như Schopenhauer bảo. Không thể chấm dứt được dòng giống, loài người đã tạo cho ngành điện tính (sau này là tin học) có việc làm. Dòng chữ ngắn ngủi trên đây mang trong nó một cuộc đời dài với những kỉ niệm thương yêu. Với nhiều vất vả, cả buồn đau nữa. Ai mà không khổ đau khi phải sống trên đời? Trẻ con đã phạm tội gì mà phải ra đời? Nhà triết học u ám đặt một câu hỏi như thế về nhân sinh. Trong câu hỏi nhuốm màu bi quan đó người ta nghe thấy tình xót thương của Schopenhauer với trẻ con nhiều hơn người ta tưởng về sự khinh rẻ tính dục trong suốt cuộc đời dài không vợ, không con và ở quán trọ của ông. Trẻ con ra đời thì phải có trường học. Có trường học thì phải có cô giáo. Ấy thế là Trường Cao đẳng sư phạm thân yêu ra đời. Bây giờ có rất nhiều trường học ở khắp nơi. Đầu vào đầu ra tấp nập… Nhưng học hành, tăng dân số nhiều như thế có cải thiện được nhân sinh không? Thế nào là hạnh phúc. Hình như có một câu châm ngôn đại ý khi không còn ham muốn gì cả thì anh đã gần giống Chúa trời. Sống an nhiên, bình dị, tâm không náo động là một cuộc đời sống xa lánh sự sợ hãi, lo âu, một đời sống gần với chân lý hơn cả. Trong câu nói “Sống gửi thác về” có một ý nghĩa giáo dục sâu xa bên ngoài quan niệm vô vi của nhà Phật. Thời gian tràng hạt luân hồi…” Một ngày như mọi ngày….” Công trường búa máy đang nhộn nhịp thi công, ánh đèn cao áp, một mảnh trăng, một đám mây bay…

“Ma chê cười trách” bây giờ hình như đã lạc hậu về ý nghĩa. Xã hội công nghiệp dịch vụ song song với cổ truyền đẻ ra những lề luật tươm tất khỏi chê khỏi trách. “Trong lúc tang gia bối rối…” là một nghi lễ tối thiểu mà sự khiêm tốn đòi hỏi lên tiếng. Cái lưng của tang chủ bắt buộc phải cúi xuống ba lần đáp lễ. “Ba lần, nhớ nhé ba lần”. “Vâng”. Có ai đó trả lời sẵn sàng. Vợ tôi sụt sịt. Tôi đứng cạnh an ủi. Chốc nữa có khách viếng, đội hình đã được căn dặn theo thứ tự là: trai, gái, dâu cuối cùng đến rể. “Nhớ nhé. Đừng lộn xộn. Vào diễn tập trước đi”. Có tiếng đổi chân. Vợ tôi tái xanh, nhợt nhạt. Những đứa bạn quần bò, giày Adidas của thằng con. Bàn tay trẻ con thắp hương như đốt pháo. Vừa lóng ngóng, vừa tò mò. Hiệu quả tức thì của tiếng pháo là tiếng nổ. Hiệu quả tức thì của hương là gì? Đau khổ ngoài tầm với. Những bàn tay rắn rỏi, thành thạo xiết chặt: “xin chia buồn”. Những ánh mắt cúi xuống nhìn qua ô kín nắp ván thiên. Hôm quá, điện thoại bảo: “Nhớ nhé. Mang son phấn của nhà đi”. Chốc nữa sẽ có các đoạn tre tươi chẻ đôi, xếp ngang lần lượt lên đó. Cái váy xanh vải mỏng thật ngắn cắm đôi chân thoi nhún nhẩy đi vào cùng với một vài ống quần khác. Đôi chân thon may mắn đó nghĩ gì? Nghĩa vụ đòi hỏi ở đây là cho xong việc. “Chả lẽ…”. Những chiếc phong bì (đa phần) tìm lại địa chỉ, tuần tự từng đợt một, được thả rơi xuống chiếc làn đỏ thầm lặng, chu đáo để dưới chân quan tài tiếp giáp với bàn viếng, khuất trong tấm ni-lông trải bàn. Ông anh rể của vợ tôi thật như con trai trong nhà chứ không phải là khách như dân gian vẫn thường nói sai bấy lâu nay nữa.

Thế gian này đã có một người mẹ. Vợ tôi là một người buồn nhất. Tôi biết. Có một bà già chắc là họ hàng, hoặc láng giềng gì đó chậm chạp bảo tôi: “Bà cụ thật hiền lành”. Tôi: “Vâng”. Thấy trong lòng day dứt, xót xa. “Mẹ mất. Anh về ngay.” Hình như trong câu nói đó còn có cả lời trách móc nhẹ nhàng, có cả lời ra lệnh yêu thương không có dấu than, nhiều thương cảm. Tiếng gọi nhân từ, mẫu tử với đứa con hư lang bạt đi hoang của người mẹ vốn vẫn có trong mỗi người phụ nữ vang lên trong một câu ngắn ngủi.

* * *

Ngày mai trả phép. Đến khuya khách khứa đến chia buồn mới về.

Trên trời một mảnh trăng suông. Những đụn mây trắng cuồn cuộn. “Trên trời mây trắng như bông. Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây, mấy cô má đỏ hây hây…” Bây giờ trên thị xã cũng có khối cô má đỏ hây hây, chả biết là son phấn hay hây hây thật? Có cơn gió thổi mơn man trên mặt. Tôi lơ mơ, chập chờn nhớ lại những sự kiện của mấy ngày vừa qua…

Những cái đầu khăn trắng vịn theo xe. Ba cái gậy chống lùi lùi ở đầu xe. Đoàn người chầm chậm đi sau xe. Có tiếng thì thào: “Hai anh con rể làm gì?”. “Hình như làm đốc-tờ mới lại dạy học…”. “Dạy cái gì?”. “Dạy cái gì hay ghi chép cái gì đấy về thời tiết, hình như không có nghĩa lắm”. “Thế làm đốc-tờ thì có nghĩa à?”. “Không biết”… Tôi đi giữa dòng người. Dòng người đi giữa tôi. Nắng mùa thu nhạt nhòa. Lại nhớ ngày xưa còn đi học… “Trong đời chỉ có một điều ấy thôi: là yêu nhau”.

“Thưa các bà, các chị, các ông, thưa các quý vị đại diện cho các cơ quan đoàn thể, thưa các anh chị em bạn hữu….”

Ô tô dừng lại. Dòng người im ắng. Lời cảm ơn được lắng nghe. Tiếng còi xe ô tô, xe máy vang vọng. Sự náo động không ngừng của đời sống tách biệt hẳn với thế giới từ nay âm dương cách trở. Người ta nhìn nhau bằng cách nào? Người thân yêu nhìn theo cái nhìn của người thân yêu. Có một tiếng khóc tăm tối, ngột ngạt dâng lên quặn thắt và bất lực.

Gió mùa Đông Bắc đã về. Thấp thoáng những chiếc lá rơi. Cuộc đời vừa lớn lao vừa ngắn ngủi.

                                                                                                Đ.D.H

Đào Duy Hiệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 67 tháng 04/2000

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

5 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground