Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giật mình xốn xang

1.Con nhỏ vội vàng cầm điện thoại để lên mạng. Nghe mấy chị cùng công ty bảo trên siêu thị điện tử còn bán đồ ăn nhanh như mỳ tôm, bánh phở, phải nhanh tay đặt mới kịp. Và nếu ai đó hỏi nó rằng, sao mày không ra chợ mua đồ tươi sống mà nấu? Thì dám chắc một điều, con nhỏ sẽ lắc đầu thở dài hụt hẫng. Mỳ tôm còn chẳng có, nói chi những loại hàng hóa xa xỉ khác…

Ờ xa xỉ! Ngỡ như chuyện cười đầu hẻm. Mới cách đây độ hai tháng thôi, mỗi ngày con nhỏ đi làm sẽ tay xách, nách mang đủ thứ trên đời. Túi bên này là tài liệu. Bịch bên kia đựng hộp cơm trưa nhét thêm hai trái xoài, bịch cóc dầm muối ớt để giữa buổi chị em ngồi giải lao buôn chuyện. Thỉnh thoảng đang nhập liệu buồn mồm nhạt miệng, chị Vân béo bàn trên sẽ quay xuống thủ thỉ rủ rê:

- Gọi cái gì ăn đi mày?

- Bánh tráng, bánh xèo hay ăn chè?

Những lúc ấy, con nhỏ còn đắn đo kén chọn thật lâu xem món chi ngon, bổ, rẻ hoặc lạ lẫm. Nhiều bận mấy chị em tính tới, tính lui vẫn chưa nghĩ nổi những thứ khoái khẩu cho dứt cơn thèm. Ăn riết nên cái chi cũng chán. Nó sẽ vênh mặt chê trà sữa toàn đường ngọt khé cổ. Hay chị Vân béo vì hôm đẹp trời nào đó dở chứng muốn ăn kiêng, bĩu môi chê bánh bông lan trứng muối ngấy nhức nách. Những lựa chọn nằm ngổn ngang trong mấy khung chữ nhật đặt đồ ăn. Và chỉ cần nó chốt đơn, áp mã, chừng mươi mười lăm phút sau người ta đã giao tới tận cổng khu tập thể hoặc cửa phòng công ty. Tiện lợi, nhanh gọn vô cùng.

Con nhỏ buông điện thoại. Nó nhìn mấy ô vuông xanh mướt đang nhảy giá theo mỗi giây trôi qua, nắn lại cái ví bủng beo mỏng dính trong tay, vẻ mặt đầy mệt mỏi xen nguồn cơn tuyệt vọng. Mua chi nữa. Ăn một bữa, nhịn cả tuần mất thôi. Âu lo chộn rộn dâng lên trong lồng ngực. Cái luồng không khí nặng nề bủa vây xung quanh khiến nó thấy nghẹt thở.

Gió lùa bay mành rèm. Phố xao xác lá rụng. Ráng chiều nghiêng rơi những tia nắng cuối ngày leo lét hắt ánh sáng ấm áp. Mình con nhỏ ngồi yên dưới sàn nhà lạnh lẽo. Cảm giác nhớ quê, nhớ mẹ chợt ùa về.

Khi cái bụng réo từng hồi òng ọc, con nhỏ mới đứng dậy đi vào gian bếp đơn sơ của mình. Nấu gì đây nhỉ? Rau hết. Gạo hết. Tay nó cẩn thận bóc gói mỳ tôm thả vào chiếc bát chờ rót nước sôi. Ơn trời chưa cắt điện, ngắt nước, nếu không thì đành gặm sống. Rồi nó leo lên giường đắp chăn ru mình ngủ. Người lăn bên nọ, lộn góc kia nhưng mắt mở thao láo và bụng vẫn réo vang vài hồi òng ọc.

Những chiến sĩ áo trắng - Tranh sơn mài của Trịnh Hoàng Tân

Những chiến sĩ áo trắng - Tranh sơn mài của Trịnh Hoàng Tân

 2. Xóm này là xóm ngụ cư. Con nhỏ thường nghe mọi người trong khu trọ gọi vui như thế. Toàn dân tứ xứ lên đây neo đời lập nghiệp. Hai dãy nhà cấp bốn, một bến nước dùng chung, ở giữa có cây trứng cá bốn mùa xanh mướt. Chủ trọ thì lâu lâu thu tiền mới gặp, còn nguyên dân trọ tụ tập ở với nhau. Vốn dĩ chẳng ai biết ai. Cứ ở chung làm hàng xóm vậy mà dần dà quen thân.

Phòng con nhỏ nằm lọt thỏm cuối dãy, dưới bóng cây trứng cá gần bến nước dùng chung. Chiều chiều tan sở, nó thích ngồi trong phòng nhìn mấy anh chị công nhân lấy nước trò chuyện rôm rả. Chốc chốc có vài đứa trẻ con nô đùa nghịch ngợm đuổi nhau khóc inh ỏi. Dường như việc ngắm nhìn nhịp sống sinh hoạt rộn ràng khiến lòng nó bớt nhiều khoảng trống. Con nhỏ không nhớ mình đọc đâu đó rằng: những tâm hồn tỉnh lẻ nặng gánh nỗi cô đơn…

Nó chỉ biết một mình ở thành phố này đôi lúc thấy tủi thân phát khóc. Khi cánh cửa phòng đóng lại, con nhỏ sẽ đối diện với bốn bức tường vây tròn khép kín. Và gian phòng tối như chiếc lồng giam. Nó giống con thú bị nhốt sau song sắt. Thế giới ngoài kia đập vào mắt bằng khoảng trời tự do rộng lớn đầy dụ hoặc. Nó khao khát được vẫy vùng, bay lượn nhưng rồi lại nín nhịn lặng thinh, e sợ đủ điều. Nhất là những ngày ốm yếu, cơn sốt đánh úp bất ngờ, vật ngã những quật cường tạo dựng bấy nay. Con nhỏ thèm một bát cháo gà, thèm nồi lá xông mẹ nấu. Thèm ơi là thèm! Mà rồi có được đâu…

 Miệng trệu trạo nhai miếng bánh mỳ không, uống hai viên thuốc và mong ngày chóng qua. Thứ hai tới, nó quay cuồng làm việc. Để chữ “quên” luôn thường trực trong đầu. Giống dạo mới chuyển về đây, chị hàng xóm là nhà văn đã khuyên nó:

- Tính lập nghiệp thành phố thì tập quên đi em.

 - Quên gì chị?

- Quên cái cần quên chớ sao.

Chị cười hì hì cốc đầu nó đau điếng. Khoảng không rũ những lá cây trứng cá nhỏ xíu xoay vòng vòng rơi xuống mảnh sân. Trời vần vũ nổi giông. Gió rít dài từng cơn qua mái tôn ầm ĩ. Con nhỏ chạy vội về phòng thu cái dây quần áo cất vào nhà. Đầu vẫn văng vẳng câu nói của chị. Quên gì đây nhỉ? Ở thành phố, nó đâu có nhiều bạn hay mượn mỏ, nợ nần ai thứ chi chưa trả để phải quên với nhớ.

Giây lát, xóm trọ rền vang tiếng mưa rơi nghe lộp độp ngoài hiên. Mưa dội trắng trời trên hai hàng mái ngói. Nó nhìn những bọt nước lăn lóc vỡ vụn rồi lắc đầu cười nhẹ, chắc chị thấy trời u uất quá nên phát bệnh nghề nghiệp. Dân văn chương đa sầu, đa cảm lắm. Chỉ bắt gặp một chiếc lá rụng, vài nhành hoa nở chị cũng ngẩn người nửa ngày hoặc viết vài trang giấy. Cứ như nó sống nhờ các con số thông tin văn phòng, quen trình tự logic, thấy mưa là mưa, thấy nắng là nắng. À mà quên gì đây nhỉ? Sao nó nghĩ mãi không ra…

3. Hồi con nhỏ quyết định Nam tiến dựng nghiệp, mẹ nó mắng ghê lắm. Nó ngồi đầu hè, mẹ chửi đầu hè. Nó ngồi trong nhà, mẹ chửi trong nhà. Ai đời con gái, con lứa hai mấy tuổi đầu lại cứ đòi đi xa. Ở quê thiếu gì việc. Bằng tuổi mày người ta chồng con đề huề, gia đình yên ấm.

Con nhỏ im lặng nghe, nào dám cãi nửa lời. Riêng suy nghĩ luôn đáp trả triền miên. Nó còn rất trẻ. Tuổi hai mươi ba xanh phơi phới trổ hoa. Dòng máu nhiệt huyết chảy xuôi trong lồng ngực. Khi trái tim âm vang rộn rã những khao khát rực cháy, đam mê hừng hực thôi thúc bàn chân bước. Con nhỏ biết mình phải ra khỏi lũy tre làng đến “miền đất hứa”. Nhưng, mẹ đâu có hiểu. Thế giới của mẹ khác. Thế giới của nó khác. Lũ chim non ra ràng sẽ tìm cách bay lượn. Chúng rời chiếc tổ quen thuộc để khám phá những khoảng trời lạ lẫm, dẫu cho chim mẹ cấm cản, chúng vẫn cứ bay xa thật xa. Tụi nó bỏ lơ những lời cằn nhằn mà các bà mẹ bực bội mắng vốn “mày có giỏi, đi luôn đừng về!” rồi tặc lưỡi cười xòa, chắc mẹ nói thế thôi. Chờ vài hôm bớt nóng, mẹ chả điện vào liên tục, hỏi han đủ kiểu không hà.

Ngày ấy, nó ra đi. Lũy tre làng ở lại. Khoảng trời xanh ở lại. Gió chờn vờn bên tai.

4. Loa phường thông báo người dân chuẩn bị xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm. Mỗi người đứng cách nhau hai mét, khẩu trang bịt kín mít, có bác cẩn thận phòng xa còn đội cả mũ chắn giọt bắn virus. Nhân viên y tế khoác những bộ đồ bảo hộ xanh ni lông trông y hệt ninja. Bình thường nhìn mắc cười, chớ giờ thì không ai còn tâm trạng mà vui đùa nữa.

Người nối người xếp hàng dài trong sân nhà văn hóa. Nhân viên y tế dưới cái nóng bỏng rang vẫn kiên trì bám trụ chốt trực. Mồ hôi rịn trên làn da trắng bệch sau lớp khẩu trang bảo hộ dày cộp. Nhìn những dáng người gầy gầy tận tụy lấy mẫu liên hồi đó, con nhỏ thấy thương vô cùng. Nó nhớ bận trước có cô bé con thấy mẹ trên tivi khóc òa lên thật lâu. Rồi bao người gục ngã xuống thềm nhà, hành lang. Chắc họ mệt mỏi lắm! Nhiều đêm nằm một mình coi tin dịch, nó chỉ ước ai đó ban phép màu bắt con virus ấy ném đi thật xa, để mọi thứ trở về bình thường, thế thôi là được.

Nhớ bận mới bùng dịch, con nhỏ đi làm về gặp mấy anh chị cuống cuồng xách hành lý ra cổng. Nó đến gần hỏi:

- Anh chị đi đâu đấy?

Họ rụt rè lùi xa con nhỏ, đáp lí nhí:

- Chúng tao về quê. Mày chưa về à em?

Con nhỏ lắc đầu buồn bã. Cảm giác nấn ná lan tỏa trong lòng. Phố vẫn là phố mà giờ vắng ngắt buồn tênh.

5. Phòng chị nhà văn sát bên phòng nó. Cái góc nhỏ xíu chưa được ba chục mét vuông ấy là nơi chui ra, rúc vào của hai mẹ con chị. Những ngày giãn cách, nó hay sang đó chơi. Ngoài kia, phố xá ồn ào náo nhiệt với những tạp âm chống dịch ráo riết. Trong này của mấy chị em lại quá đỗi an bình. Mấy ngày rồi chẳng mua được đồ. Chợ đóng cửa. Siêu thị thì luôn quá tải trước dòng người đông nghìn nghịt. Nhiều bận, chị xếp hàng khi trời vừa hửng sáng nhưng trưa về cái giỏ vẫn trống không. Tủ lạnh dần rộng rãi. Nó và chị phải dùng dè sẻn mọi thứ. Mùa dịch đi lại không dễ dàng nên thứ gì cũng sang quý.

Con nhỏ quen với những giấc ngủ dài triền miên. Ô cửa sổ phòng trọ lúc nào cũng đóng kín. Cả dãy dài im lìm giữa không khí ngột ngạt. Không mấy người ra ngoài. Và giả dụ ở sát bên nhau như chị em nó, phải tin tưởng lắm mới dám sang chơi. Ngồi đối diện, mỗi người một khẩu trang. Chuỗi ngày giãn cách dài như thế kỷ. Nó tìm cho mình thú vui giết thời gian là đọc sách, xem phim hòng tạm quên những lo âu dịch bệnh.

Mà lắm lúc ngẫm kỹ càng, nó lại thấy thành phố này kỳ cục lắm. Dịch bệnh khó khăn thế. Hàng hóa thì khan hiếm. Nhưng hôm trước, có bác gái đầu xóm trọ bỗng dưng gõ cửa cười hì hì bảo:

- Bác có mấy quả trứng, người nhà gửi ra nhiều quá chia cho mọi người ăn đỡ, rồi mấy cọng hành bỏ vô cho thơm nghen con.

Nó bịn rịn nhận món đồ cứu trợ, nhìn theo bóng người nhỏ thó đằng xa. Con nhỏ chẳng nhớ bác ấy tên gì chỉ biết lòng tự nhiên ấm áp. Nó quay vô nhà để nhóm đồ cứu trợ lên giá bếp. Lát sau, cánh cửa lại lần nữa vang tiếng cộp cộp:

- Chị có mớ cá khô với năm cân gạo cho mày. Nay người ta phát từ thiện trên phố, chị xếp hàng lĩnh, biết mày không đi được chia ra chị em dùng chung nhé.

Nói xong, chị hàng xóm giúi vô tay nó bịch gạo cùng năm, sáu con cá nục. Rồi chị đi nhanh lắm. Như sợ ai đuổi theo đằng sau trả lại hết túi đồ. Nó cứ đứng trân trân ở cửa, lòng ấm nóng rưng rưng những thân tình khó kể. Thoạt nhiên con nhỏ nhớ mấy bận ăn chực bên nhà chị nhà văn, chị kêu đồ người nọ, người kia cho đó nhưng nó chẳng tin. Thậm chí, cô bé con nhà chị cũng thắc mắc:

- Sao mẹ có giao du với họ đâu mà người ta vẫn cho?

Chị cười cười:

- Ai mà biết…

Ừ ai mà biết. Con nhỏ chẳng thể lý giải rõ ràng. Thành phố lâu nay vẫn y chang thế. Chỉ là điều bình thường này diễn ra quá nhiều nên nó không nhận ra. Nó nghiêng mình ôm bịch gạo, túi trứng vào sâu trong lòng hít hà cái hương vị gì đó đang đong đầy tâm trí. Thơm quá trời thơm.

6. Điện thoại con nhỏ báo tin nhắn ting ting. Mấy chị ở công ty độ này hay hỏi những câu lặt vặt. Nay mày ăn gì? Mua được thịt không? Nếu con nhỏ kêu em hết cái nọ, cái kia thì chị Vân béo hay ai đó lại lanh chanh xung phong nhắn “để tao gửi cho”. Dẫu con nhỏ nhiều khi thấy ngại. Nó bẽn lẽn cảm ơn nhưng anh chị cười xòa vẫy vẫy bỏ qua, chuyện tí xíu hà không có chi đâu cưng. Nụ cười mờ mờ sau màn hình khiến nó giật mình thảng thốt.

Từ hôm ổ dịch mới phát hiện với số ca nhiễm leo thang kỷ lục, mẹ con nhỏ lo lắng lắm. Ngày nào mẹ cũng gọi video hỏi thăm tình hình. Rồi cứ giục giã sốt sắng:

- Mày về đi! Ra bắt xe ngay.

- Dạ… mẹ cứ để từ từ con tính.

- Tính toán cái gì? Về là về!

Hồi đầu nghe mẹ khuyên riết, con nhỏ thấy xuôi xuôi. Nhưng có thứ gì đó lấn cấn trong lòng. Chả lẽ nó giống những người bỏ phố kia chăng? Cũng nối gót họ sấp ngửa tìm về miền quê bỏ lại kia ư? Nhức đầu quá, nó không thèm nghĩ nữa.

Mẹ giục miết, nó đành sắp quần áo vào ba lô. Khi ngang qua phòng chị nhà văn, thấy hai mẹ con yên vị những nếp sống thường ngày. Nó tò mò:

- Hai người không về quê sao?

Chị cúi mặt gõ phím, ngón tay lạch cạch hơi khựng lại rồi tiếp tục nhảy nhót. Giọng chị nhẹ bẫng tỉnh bơ:

- Về đâu hả mày?

Con nhỏ giật mình sửng sốt. Về đâu nhỉ? À chị làm gì có quê. Ba má chị mất cả rồi. Anh em giờ mạnh ai nấy sống. Mà bữa ba chị mất, con nhỏ cũng chứng kiến sao nó lại quên được cơ chứ. Bữa đó chị đóng cửa nhốt mình thật lâu. Bé con gửi nó trông. Nó còn nghe người xung quanh than thở thương hại. Tội nghiệp! Ba mất mà không về chịu tang được. Về làm chi? Xong cả rồi còn đâu…

Ấy là cái giật mình quy thuộc chị nhà văn. Như cái giật mình khi nó nhận quà mùa dịch từ chị Vân béo, từ bác hàng xóm dễ mến. Hay bận nó lấy hết dũng khí khai thật với mẹ, thôi con không về nữa. Thành phố mùa này heo hút vắng vẻ. Người ít hơn. Tĩnh lặng nhiều hơn. Nhịp sống tẻ nhạt hơn. Nhưng những cảm xúc gắn kết vô hình cứ nối liền không dứt.

Tối tối lũ dế râm ran gọi bầy, chị nhà văn ngồi bên cửa sổ sáng tác, nó tựa vách tường vôi, hai người tâm sự tỉ tê đủ thứ. Rồi thỉnh thoảng con nhỏ bịt khẩu trang, ghé sát lại lùng bùng hỏi khẽ:

- Chị nhớ nhà không?

Chị ngắt bông hoa hồng nở rực rỡ trong chậu cắm vào bình, ngập ngừng:

- Nhớ… mà tao quên rồi…

Con nhỏ giật mình tiếp. Cái giật mình này vắt sang cái giật mình khác. Nó nghĩ chắc không riêng gì ai, dân neo đời phố thị dù mới học cách tập quên hay sành sỏi trải đời, có lẽ lâu lâu cũng giật mình thổn thức…

7. Con nhỏ háo hức bóc thùng hàng mẹ gửi. Sau những giục giã bất lực, cuối cùng mẹ đành chấp nhận cho con ở thành phố. Nó lấy từng túm, từng túm đặt dưới sàn kiểm kê. Nào mắm tép. Nào cà muối, rau khô, lại có cả hành tỏi, trứng vịt. Mẹ gửi nhiều lắm, toàn đặc sản quê nhà. Mình nó ăn chẳng hết.

Rồi nó ngó sang phòng chị nhà văn, qua ô cửa ngọn lửa bếp gas leo lét cháy. Bất giác, nó nhớ đêm nọ kể chuyện của chị với mẹ. Bà nghe xong trầm ngâm nén cơn thở dài. Qua mấy bận bỗng dưng mẹ gọi điện kêu, tao mới gửi đồ vào, ăn sao thì ăn, chia cho người ta với, thôi thì đứa có quê đùm đứa không có quê nhé con.

Mắt con nhỏ mờ đục ánh nước. Bụi đâu bay vào không biết. Nó vén tay áo lau những giọt lệ cay nồng ấm nóng, lanh lẹ phân loại đồ đạc mẹ gửi thật nhanh cho kịp giờ cơm chiều. Gói này phần nó, gói kia cho chị, gói nữa phần bác gái đầu hẻm. Bằng này đồ, mấy chị em cũng phải ăn trọn tuần lễ, mỗi người một ít cùng san sẻ nắm tay qua mùa dịch. Nó tin rằng thành phố rồi sẽ ổn cả thôi. Dây sẽ gỡ, phố phường sẽ đông. Con nhỏ sẽ lại thấy những cái giật mình bình thường xốn xang… 

L.N

Lê Ngọc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 324

Mới nhất

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Tết năm Nhâm Thìn trong thơ Minh Mệnh và hình tượng rồng của người Việt xưa

14/03/2024 lúc 17:34

Tết đến xuân về cùng với tục khai bút (lấy bút ra viết một bài văn, một bài thơ, giải một bài toán, hoặc viết cặp câu đối) đầu năm, người Việt xưa còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Xưa vì viết bằng bút lông nên việc khai bút là rất quan trọng, phải mài mực, áo dài khăn xếp đốt hương trầm làm một bài thơ, một câu đối, một bài văn. Các bậc vua chúa xưa cứ đến ngày đầu năm mới sẽ tự mình khai bút, họ thường làm những bài thơ bằng chữ Hán hay chữ Nôm với tiêu đề như Nguyên đán thí bút, Nhâm Thìn Nguyên đán...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground