Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gió của mùa sau

- Có lẽ tao phải vào trại! Dũng ạ!

- Mày im đi. Thế cô ấy đã chẳng khổ lắm rồi sao? Mày bỏ đi, nghĩa là mày đẩy cô ấy…

- Không, tao… Trên đời này tao đã yêu, và yêu chỉ một mình cô ấy, không thể một người đàn bà nào khác ngoài cô ấy. Cô ấy đã chịu bao nhiêu vì tao… Cô ấy có thể mang con đi, nhưng cô ấy đã không làm thế, thậm chí chẳng bao giờ nghĩ thế. Cô ấy là cả thời thơ ấu của tao, của chúng mày, là cả thời trai trẻ, và… cả thời này nữa, chứ sao! Tao đã sống qua những lần bị thương, qua những trận đánh, bởi tao biết cô ấy chờ tao, cô ấy mong tao trở về . Tao chẳng trách gì cô ấy cả. Tao vui lòng hay sao nếu ngần ấy năm cô ấy côi cút khép chặt cõi lòng mình để chờ đợi một gã đàn ông trở về, người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm, một đứa con cho cô ấy cũng không thể… Bao nhiêu năm trời rồi…

Có ai đang tâm nhìn người đàn bà mình yêu héo hơn đi bởi khổ ải, thiếu thốn, bởi cả cái khát khao yêu đương còn tràn trề mà không thể… Bây giờ, tao có phải là đàn ông đâu…ba ngày sống với nhau, tao chẳng kịp để lại cho cô ấy cái gì cả, ngoài nỗi níu buộc vợ chồng. Ngày đó mới chỉ là chàng trai mới lớn thật khờ, chưa kịp trở thành đàn ông. Tàn chiến chinh trở về thì vĩnh viễn đã bỏ quên điều đó ở tận chân trời nào rồi…

Mưa cuối ngày nặng hạt, gió mỗi lúc một lớn. Mùa thu xao xác những lá rèm bay. Nghe đã có hơi may của một mùa chưa kịp đến… Thằng bạn ấu thơ của tôi, tóc bạc phân nửa mái đầu, cứ trầm tư kể, bất chấp thời gian, bất chấp không gian, cả gió, cả mưa, cả tôi mà hình như chẳng phải để cho tôi nghe, mà chỉ đơn giản là cho cõi lòng nó lắng nghe. Ừ thôi đi! Mày tưởng chỉ có mày là biết yêu người đàn bà ấy thôi ư? Cả tao, những ngày xưa và suốt trọn kiếp tao, đã yêu, đã đau khổ và hiểu rằng cô ấy thuộc về mày, mày được quyết để giữ nàng nhưng mày đã không giữ nổi, cho mày cho chúng tao, song mày đã buộc chân nàng lại, buộc chân nàng… Tao chẳng thành người lính như chúng mày, cũng không có cơ hội thấu hiểu chiến tranh như chúng mày. Khi chúng mày xông vào lửa thì tao đã tếch sang một khung trời xa, ở đó chỉ có những bản Tango và vô số mắt xanh, mắt nâu, duy chỉ thiếu vắng đôi mắt thăm thẳm của nàng. Nhưng rốt cuộc tao đã tự bỏ tù đời tao nơi xó quê có nàng, người cuối cùng đã chọn mày chứ chẳng phải là tao, cũng không phải là những thằng khác. Tao may mắn hơn hay bất hạnh hơn chúng mày, khi tao không thấu hiểu chiến tranh, cũng như không thể hiểu biết chúng mày? Nhưng có gì để ghét bỏ, để thù hận chúng mày cơ chứ? Giá mày lành lặn hơn một chút thì tao đỡ xót biết bao! Tao đỡ đần mày được cái gì bây giờ? Tiền thì mày quăng trả, tình tao thì chẳng làm mày bớt nghèo đi, mày và nàng, chẳng lẽ chỉ bắt tao ngồi hứng những câu chuyện kể đi kể lại về cuộc đời chúng mày, về khổ đau của chúng mày? Con mắt duy nhất còn nguyên vẹn của mày, đôi mắt thăm thẳm loáng ướt của nàng đều làm tao đau. Chúng mày… nhưng suốt đời tao vẫn cứ vướng bận với chúng mày, với cuộc chiến của lòng mày, rồi còn của tao nữa chứ… Nhưng có cớ gì mà ghét bỏ chúng mày…

- Tao dự định thế từ lâu rồi, cái ngày mới trở về, biết trong ngôi nhà chỉ có Hạnh đợi tao, mà cả thằng Thành, cả con bé Thủy. Mười lăm năm rồi, tao chưa kịp thực hiện ý định của mình, và có lẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ kịp. Tao không đủ sức dứt khỏi Hạnh, và bé Thủy. Cũng chẳng thể bỏ thằng Thành lại mà không phải là chính tao nhang khói. Dù sao thì chính họ đã làm nên cuộc đời tao…

- Và mày sẽ tiếp tục làm khổ Hạnh, như mười lăm năm nay?

- Có thể… Những lúc tỉnh trí, tao chỉ muốn đập đầu vào đá, để Hạnh hiểu. Tao… tao nào muốn thế, nhưng hễ cứ lên cơn điên là y như cái mầm hận thù, ghen tuông nó nằm đâu nhảy trôi lên, nó lồng lộn, nó bắt tao dày vò Hạnh đến kỳ Hạnh tả tơi, rũ rượi ra mới hả. Lắm lúc tỉnh lại, nước mắt tao chan với nước mắt Hạnh, nhưng để được gì đâu mày…

Ừ, để được gì đâu! Thằng bạn đang ngồi trước tôi kia, kẻ tàn cuộc chiến trở về. Và nàng, và tôi…Tôi trai trẻ, tôi béo tốt, tôi giàu có hơn nó nhiều lần, vẫn cứ cảm thấy thua thiệt, muốn được ghen với nó. Tôi chẳng bao giờ, từ ngày đó dám nhìn thật thẳng vào mắt nàng, tôi chẳng bao giờ được vỗ về như là nó mỗi lần lên cơn điên thiếp đi. Cả tôi cũng từng cùng với nàng vỗ về nó, thằng bạn tôi, tóc đã bạc phân nửa mái đầu…

- Nếu thằng Thành sống, tao sẽ vật nó ra, đần cho nó một trận, rồi thì hãy quên. Nhưng nó không còn, và tao không có quyền trách thằng bạn, thằng đồng đội đã nằm lại để tao trở về, dù không lành lặn, gặp Hạnh, gặp mảnh đất quê đã giã từ ra đi… Tao, mày hoặc Hạnh, không ai được quyền phán xét nó. Tao sẽ đập vào mặt đứa nào dám phán xét nó, kể cả Hạnh, hoặc mày…

Khói thuốc vẫn bay tỏa trùm cả hai đứa tôi, tôi và nó. Con mắt còn lại của nó vằn lên, cánh tay cụt đặt hờ lên gối, nhưng không phải là hận thù, mà là một thứ gì đó tôi không hiểu, nó hay nàng, hay là một thứ gi đó tôi không hiểu, nó hay nàng, hay ai nữa cũng không thể hiểu. Có quá nhiều ám ảnh đã cắm sâu, đã bám chặt vào nơi tận cùng nhất của tâm hồn nó, muốn rứt bỏ nhưng làm thế nào mà rứt bỏ. Tôi hay nó, hay nàng sinh ra để mà như thế…

Lại sắp đến ngày giỗ thứ mười sáu của Thành, cũng cái giỗ thứ mười có tôi chung lưng kể từ khi tôi về nước. Chúng tôi vẫn ở cạnh nhau, bộ tứ của những ngày xưa kia, cho đến tận chót đời. Có sao đâu, chúng tôi sinh ra để mà sống như thế…

***

Hai hôm nữa là đến ngày giỗ Thành. Mười mấy năm nay, bao giờ cũng thế, suốt những ngày lo đám giỗ, anh ấy tỉnh táo lạ, rồi khi tàn cuộc với bạn bè đột nhiên lên cơn, lại rít lên với tôi: Tại sao? Tại sao?...

Chính anh ấy đã đóng cái bàn thờ này, đặt ảnh Thành lên đó, hàng ngày tự tay lau chùi, đốt nhang, mỗi ngày giỗ vẫn chắp bàn tay lành với cánh tay cụt thì thầm: Tao, vợ tao, con tao, thằng Dũng,…

Mười lăm năm trời nay, tôi sống chung với hai người đàn ông, một người chồng có cưới xin, một có đêm tân hôn, một còn sống nhưng không lành lặn, và một lạnh lùng trên bàn thờ bao giờ cũng ngăn nắp. Nước mắt tôi đã chan suốt cuộc đời, kể từ khi chín tuổi. Biết làm sao được, khi tôi là của những người đàn ông ấy, những người đi ra từ chiến tranh, về tìm nơi tôi chốn trú ngụ…

Tại tôi tất cả thôi, từ những ngày còn ấu thơ. Tại vì tôi đã chơi với họ, ba người con trai, rồi gần như là yêu thương cả ba, có những lúc, vào thời ta mười bảy mười tám, muốn lấy cả ba làm chồng mà đừng phải lựa chọn một ai. Có lẽ tôi sẽ vĩnh viễn của cả ba, hoặc sẽ không là ai cả. Nếu họ cứ sống cùng tôi, cứ vây quanh tôi. Nhưng Dũng sắp sửa đi học nước ngoài, và dù Dũng là người đầu tiên nói lời yêu tôi thì tôi cũng chỉ cười.

Tôi yêu cả ba kia mà, sao lại phải chọn Dũng? Kế đến Thành vào đại học. Nhưng cũng không thể là Thành. Sao lại phải chọn Thành? Tôi cũng cười, lòng buồn hơn một chút. Thành có cái nhìn sâu như đêm, mênh mang như thể đất và trời, nhưng tôi lại yêu cả ba. Mười ngày nữa Nam vào chiến trường, anh chàng gầy nhất, xấu nhất trong bao chàng trai của tôi. Thế là ngày thứ năm, tôi nói với Nam. Em yêu anh! Em muốn làm vợ anh, ngay bây giờ… Nam điện lên Hà Nội tìm Thành. Hà Nội bao la, nhưng Thành đã về, và tôi thành vợ Nam, ba ngày trước khi anh lên đường. Như là cổ tích, nhưng đó là sự thật. Vậy mà đến ngày tôi tiễn Nam qua sông, tôi vẫn là con gái. Có phải bởi vì tôi đã yêu cả ba…

Tôi sẽ chờ Nam, dẫu chiến tranh có thể nào đi nữa, có kéo dài ba mươi năm hay năm mươi năm, kể cả khi biết Nam của tôi không trở về, tôi vẫn đợi. Nhưng cuộc chiến bao giờ cũng đến lúc tàn, và có những người đàn ông trở về. Vậy thì phải có ai  đó đợi họ, ai đó dọn nhà mở cửa trải manh chiếu mới đón họ về. Có làm sao đâu, bao nhiêu đàn bà trên đất nước tôi đã đợi, bao nhiêu đàn bà trên trái đất đã đợi. Tôi sẽ là một nàng vọng phu, như đất nước tôi, có rất nhiều đàn bà đã hoá đá, và muôn đời sau người ta ngưỡng mộ họ. Có sao đâu… Sao tôi lại không thể đợi được, dù phải bỏ phí một thời con gái, hay là cả cuộc đời…

Nhưng, Thành đã trở về, không, chưa phải là trở về mà là ghé về, nhưng không từ Trường Tổng hợp, mà là từ chiến trường, với mảnh đạn găm qua phổi. Tôi đã đến thăm Thành, đã vực Thành dậy và đón Thành trở về ngôi nhà của tôi, nằm ven cánh đồng làng, ven bãi sông một thuở thả diều của chúng tôi. Thành đã về đấy, cái nơi trú ngụ của thời con gái đã sang sông của tôi. Thành phải đến đây, dù là thoáng chốc thôi, rồi hãy ra đi, như là chồng tôi, và hãy về, bởi tôi tin họ sẽ trở về, tôi nguyện cầu cho họ trở về. Nhưng tôi lại không thể không khóc khi nghe rằng sáng sớm mai, Thành sẽ ra đi, và tôi chỉ còn có một mình, một mình cất giữ thời con gái giữa cả bình yên lẫn bom đạm. Và có người đàn ông nào chẳng mềm lòng bởi nước mắt đàn bà, huống hồ nước mắt tôi đang trong veo thời con gái, trong veo những nỗi niềm chưa được đốt cháy… Tôi nắm bàn tay những chàng trai của tôi, tôi thắp đuốc trái tim để họ thấy đường đi khai phá những cõi miền hoang vu diệu vợi và tôi hồi sinh của chính họ…

Tôi sẽ là nàng vọng phu…

Nhưng Thành đã đến đó và đã ra đi, mang theo thời con gái của tôi. Tôi tin là anh trở về, như tôi tin Nam của tôi trở về…

Nhiều năm tháng: Tôi chẳng nói với họ được gì. Những con ngưòi này tôi đã yêu, suốt cả thời ấu thơ, suốt cả vĩnh hằng nơi nào linh hồn tôi có thể bay đến. Ngày ngày tôi thấy họ dằn vặt nhau, rồi khóc, rồi cười, họ hôn nhau, để sau đólại dằn vặt nhau. Nhưng tôi chẳng nói được gì với họ cả. Họ thành kính cất giữ hình bóng tôi, những kỷ niệm về tôi tận nơi thiêng liêng nhất, bởi vậy, dù có điều gì đó muốn nói, có lẽ tôi cũng không dám nói. Phá vỡ ở họ cái đã băng kín làm gì. Nhưng tôi không thể biến mất khỏi cuộc đời họ, mà dường như những khổ ải trong đời họ đều bắt nguồn từ tôi, đều bởi vì tôi.

Bao nhiều năm trời, đi qua bao nhiêu đoạn đường, trải qua rất nhiều những tàn khốc phũ phàng, chỉ có tôi là còn trẻ. Thằng bạn tôi kia, thằng Nam của tôi tóc đã bạc trắng, đã ở bên kia dốc đời già nua. Tôi trọn kiếp mặc áo trắng học trò, nó thì giữ nguyên tấm áo của một thời quân ngũ, một thời tôi và nó khoác chung. Thằng Nam của tôi kia, bây giờ đã gầy yếu và tang thương quá. Nhiều đêm nó dậy thắp hương, tôi không nhận ra nó. Bên má phải nó một vết thẹo chạy dài, con mắt phía đó không còn, cả bàn tay, và một đầu đạn còn đâu đó trong não đày đọa nó suốt đời. Chỉ có tôi là vĩnh viễn trẻ trung, như cái thuở mười chín ngập ngừng bước vào khoa văn trường Tổng hợp. Hạnh đã giữ thời trai trẻ của tôi lại. Hạnh bắt tôi vĩnh viễn trẻ trung. Nhưng Hạnh có lỗi gì kia chứ? Tôi chỉ buồn là không giữ được thời con gái cho Hạnh, để bây giờ Hạnh thành người đàn bà héo hon. Tôi khóc, mà chẳng biết cho ai, cho Hạnh, cho Nam, cho thằng Dũng, hay cho tôi? Hay cho những khúc đường tôi đi qua thấy đồng đội mình nằm chết chưa ai kịp vuốt mắt, cho những trận đánh ghi lại không phải bằng thơ mà bằng máu, nhuộm xuống đất đai?...

Tôi vẫn cười nụ cười thuở xưa. Và đêm đêm trong hương khói phảng phất, lại ngân rung những bài thơ đã vĩnh viễn chôn vùi đâu đó trong một cánh rừng sâu. Tôi chưa kịp đọc. Hạnh không đọc, Nam, Dũng…không đọc. Những bài thơ cho thời trai trẻ đã bị Hạnh cầm giữ, cho tuổi thơ không chịu theo tôi vào chiến trường mà khăng khăng ở lại trong vòng tay em…

Tôi của một thuở xa xưa áo trắng tinh khôi nụ cười vĩnh hằng và ánh sáng choang trong khung kính mà chẳng nói với ai được gì…

Tại làm sao nhỉ? Tại sao chúng tôi lại yêu có mỗi Hạnh, mà chẳng là ai khác? Hạnh biết đâu, cả Nam, Dũng nữa, tôi đã dấu cái lệnh nhập ngũ trước cả khi Nam vào chiến trường. Hạnh em biết đâu tôi đã cười rất nhiều những ngày xa xưa để chuẩn bị phòng cưới em và thằng bạn. Tôi không muốn bỏ lại em một mình mà chẳng có ai để đợi, tôi không dám hẹn em bởi cái sự mong manh bộ tứ những ngày trước giông… Nhưng cả ba chúng tôi sẽ đi, cả ba chúng tôi đã bỏ lại em một mình, như quả cam đã mong khát khao được ấp ủ trong bàn tay người. Đằng nào em cũng là kẻ ở lại, còn chúng tôi thì đi. Nhưng để em định đoạt, cả số phận em lẫn số phận chúng tôi, và em đã định đoạt đấy thôi, lần thứ nhất, lần thứ hai để thành đàn bà… Có ai phán xét Hạnh đâu, cũng như không một ai phán xét tôi, kẻ chỉ được quyền sống, thời trai trẻ mà thôi…

Giá như tôi cứ thế mà đi… giá như Hạnh đừng đến thăm tôi… Nhưng chẳng còn gì để giá như.

Đêm vằng vặc trăng sương lạnh, đên có gió thoảng mùi lúa đồng vừa trổ, và đôi mắt thăm thẳm của em đã cầm giữ thời trai trẻ của tôi. Nghĩa cuộc đời tôi mới vỡ vạc, nhưng bài thơ phong kín, và thằng Nam của chúng ta đang đắm say một cái hôn dài đâu đó nơi góc rừng Trường Sơn. Nó và tôi khác gì nhau, khi tàn trận đánh, thiếp đi một chút là bồng bềnh những miền hoang tưởng, lắm khi thật tội lỗi, nhưng là bâng khuâng để sớm mai biết có mặt trời mọc và lại tiếp tục nhả đạn. Nhưng mà Nam ơi, sao mày lại bắt Hạnh làm con gái cho đến lúc tao trở về?

Tao đã qua sông sớm hôm ấy, bên này là Hạnh mong manh đầy nước mắt, bên này là mày đằm đẳm những cái hôn dài trong mơ…và tao chỉ được quyền sống bằng thời trai trẻ, không thể khác…

***

Tôi đã là sinh viên vào đại học. Ba bảo: Con phải vào khoa Văn trường Tổng hợp. Tôi mười tám và ba vẫn hằng vuốt tóc tôi mà nói rằng: Thủy ơi, con là thời con gái của mẹ, con là thời trai trẻ của ba… Tôi không hiểu nhiều về thời con gái của mẹ, không hiểu nhiều về thời trai trẻ của ba. Mẹ trầm buồn đằng sau héo hon tuổi tác là một nhan sắc đã mờ phai. Lắm lúc mẹ xa xăm nhìn vào đâu đó. Một mình mẹ, mẹ đóng cửa, phần hồn lại với tôi, và tôi choáng ngợp trước ánh huyền thăm thẳm của đôi mắt mẹ. Hèn gì ba tôi đã yêu mẹ, suốt đời, yêu đến nỗi mỗi lần lên cơn là ghen với mẹ, dằn vặt mẹ, dù mẹ đã chỉ biết có ba, đã chung thủy đợi ba về để sinh ra tôi. Ba kể chuyện nhiều về mẹ, như kể về một thần tượng. Ba bây giờ già nua nhiều, mắt đã mờ, tóc đã bạc, và còn một vết đạn nằm đâu đó nên mới trái gió trở trời lại đau. Nhưng ba ngày xưa, tôi vẫn tự cười mình khi tưởng tượng về thời trai trẻ của ba, có lẽ oai phong, lẫm liệt lắm. Có thế mẹ tôi mới yêu! Thuở nhỏ, tôi sợ ba nhưng mẹ thì chẳng sợ. Mỗi khi ba lên cơn đau, gào thét, đập phá, mẹ lại vuốt ve, dỗ dành ba. Mẹ nói rằng: Ba đã bỏ gần hết cuộc đời ở chiến trường, mẹ và tôi, cả mọi người không có quyền trách ba… Tôi lớn lên, và đã yêu bởi chính tình yêu của mẹ.

Mẹ và ba tôi đã yêu nhau, lắm lúc thật khổ sở, nhưng đó là cái khổ sở của hạnh phúc. Tôi yêu ba, yêu mẹ, yêu bác Thành, người mà ba bảo tôi gọi bằng ba, người mà ba mẹ đã thờ cúng rất thành kính từ thuở nào tôi còn bé tẹo đến bây giờ. Bác Thành đã từng học khoa văn tổng hợp. Vì vậy ba bắt tôi phải vào đó?

Tôi yêu cả bác Dũng, người vẫn hay đến nhà tôi và ba, mẹ hay tôi, mỗi lần lên Hà Nội lại đến ở nhà bác. Ba nói rằng khi nào tôi vào đại học, bác Dũng sẽ lo cho tôi, bởi vì tôi cũng là con bác Dũng. Và tôi đã lên Hà Nội, thành sinh viên, đã yêu nữa kia, cũng một người lính. Bác Dũng bảo, thế là tốt. Tụi bạn cùng phòng thì cứ tị với tôi, bởi tôi có nhiều ba, và ai cũng tốt, nhất là ba Dũng người mà mỗi thứ bảy vẫn đến đón tôi về. Tôi hạnh phúc rất nhiều, bạn tôi nói thế. Bác Dũng cũng có lần nói: Con thật hạnh phúc vì con là con của người lính…

Vâng, tôi là con của người lính, và tôi yêu hết thảy, mẹ tôi, ba tôi, bác Thành, bác Dũng, và Hà Nội lần đầu tiên tôi đến, để yêu… Hà Nội vào thu xao xác lá me bay…

***

Cây sầu đông già là tôi không phải bao giờ cũng thích áo mới, nhưng mỗi năm xuân cứ đến một lần…

Chớm đông, 1994

                                                                                         T.T.H

Trần Thanh Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7 tháng 04/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground