Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hạt ban mai rực rỡ

Pang nín thở, trườn nhẹ nhàng từ sau khu vườn rậm rạp vào đến trước nhà. Rồi như một cơn gió, Pang lướt những bước thoăn thoắt lên cầu thang. Có tiếng rên hừ hừ và ho khan đằng sau tấm màn hoa cũ kỹ. Pang lia cái nhìn sắc lẹm về phía bà mẹ già đang nằm, tiến sát đến chiếc rương gỗ. Hít thật sâu vào lồng ngực, Pang sẽ sàng lần mở. Một xấp tiền polyme mỏng với những tờ hai mươi ngàn đồng màu xanh da trời giấu kỹ trong lớp giấy bóng bung túa ra, nhảy nhót reo cười trước mắt Pang.

Ở phía đầu giường lại có tiếng mẹ Pang trở mình, lại thêm vài tiếng ho khan, rồi ho sặc sụa. Nghe con Lín nói bà già bị ốm cả tuần rồi, cái bụng cũng muốn ghé qua thăm xem có ăn uống được gì không nhưng cứ lần lữa mãi. Hôm qua gặp Kray So bên suối, nó bảo bà già mày mới bán được sắn cho nhà máy, nghe đâu được tận mấy trăm ngàn đồng, lòng Pang rạo rực, bồn chồn như con trai mới lớn chờ đến trời tối để đi sim. Đúng là chết đuối vớ được cọc. Cả tháng trời, mỗi lần đi qua quán mụ Mưn thì Pang không còn là con người nữa mà chỉ đáng bằng con lươn, con chạch. Nhìn trước, ngó sau, nháo nhác như thằng ăn trộm. Pang sợ tia nhìn sắc nhọn, sợ đôi môi đỏ choe choét sẵn sàng tuôn ra những lời gai góc, khó ưa của mụ, chí ít cũng là tiếng rền rĩ khiến tâm can của những con nợ như Pang phải nhức buốt. Bây giờ thì xấp tiền polyme đã nằm gọn trong lòng tay ấm nóng của Pang. Pang sẽ hùng dũng hiên ngang tiến thẳng vào quán, ném thẳng tiền vào mặt con mụ tham lam, lắm điều; kế đó là gọi riêng một đĩa lòng lợn đầy tú ụ, tất nhiên là không thể thiếu chai rượu trong văn vắt như mắt mèo. Gắp một miếng lòng lợn vừa luộc nóng hôi hổi kèm theo vài cọng rau răm; đưa chén rượu thơm nức vào miệng mà tu cho xốc đến tận óc rồi khà một tiếng rõ to. Quả thật đời không có gì sướng bằng!

- Đi đâu mà hớn hở vậy anh Pang?

Tiếng gọi giật từ sau lưng khiến Pang trở lại thực tại. Thì ra là bộ đội biên phòng Tú. Đang vui hơn hớn thì lòng Pang chùng xuống, tụt hết cả hứng khởi. Không hiểu gã biên phòng mặt non choẹt, môi đỏ chót như con gái kia có ma lực gì mà khiến cả bản này phát cuồng, phát dại, rồi răm rắp nghe theo như nghe lời thầy cúng, thầy mo.

Đầu tiên là vận động mấy đứa trẻ con thò lò mũi xanh bỏ học phải đến trường. Con nít thì cũng có cái lý của con nít. Tung tăng vào rừng săn bắt, bẫy thú thì chắc là vui hơn nhiều lần so với ngồi gò bó trong lớp với mấy con chữ ngoằn ngoèo. Mà học cho lắm thì cũng vậy, cũng chẳng đổi chữ được thành tiền mà mua rượu, mua thức ăn. Pang đâu cần học nhiều vẫn sống vui, sống tốt. Có tiền thì vào quán mụ Mưn ngây ngất với rượu và mồi. Không có tiền thì đi bóc sắn, nhổ sắn thuê, mỏi lưng một buổi là có ngay tiền tươi để uống rượu, không làm giàu được nhưng cũng không bị chết đói, chết rét. Mà đói sao được khi lâu lâu lại có đoàn người Kinh đến bản, cho gạo, cho muối. Cũng không chết rét được vì có người Kinh lên phát áo ấm, chăn bông. Nhà nào tốc mái hư hỏng thì đã có bộ đội Biên phòng đến tận nơi giúp sửa chữa; có khi còn cho thêm cả tấm lợp.

Kế tiếp là việc làm chuồng để tránh rét cho trâu, bò và gia súc. Từ khi sinh ra đến giờ, Pang chỉ thấy dân bản thả rông trâu, bò ngoài rừng, không ai rỗi công mà làm nhà cho động vật, lợn gà thì cứ việc lăn lóc dưới sàn. Ngày xưa chỉ mở mắt đã nhìn thấy rừng. Bây giờ rừng lùi xa bản hàng cây số, đã vậy mà phải lặn lội vất vả để tìm vật liệu làm chuồng trại tốn bao nhiêu công sức.

Pang phàn nàn những điều Pang nghĩ với mấy thằng bạn rượu, ai cũng thấy Pang nói chí lý. Nhưng chỉ mới mở miệng đã bị bộ đội biên phòng Tú đo ván, bảo Pang không được quen tính ỷ lại. Gạo, áo quần, bộ đội chỉ phát cho người già, trẻ con, người không có sức lao động. Còn trẻ khỏe thì phải lao động, lao động là nghĩa vụ, là vinh quang. Pang có cố cũng không thể nào hiểu được cái lý của bộ đội biên phòng Tú. Còn kém Pang tận mấy tuổi mà lúc nào bộ đội biên phòng Tú cũng lý sự như ông cụ non. Chuyện của nhà nào trong bản cũng vanh vách như ma xó, rồi nhảy vào can thiệp như chuyện nhà mình.

Ngay như chuyện con Lín - em ruột của Pang, mười bốn tuổi lấy chồng thì có gì sai? Ba Pang mất, mẹ Pang già yếu, đau ốm quặt quẹo, tiền không có mà ăn, phải nghỉ học ở trường Dân tộc nội trú để lấy chồng là đúng cái lý quá rồi, vậy mà Lín cứng đầu cứng cổ không chịu, quyết nghe theo lời khuyên của bộ đội biên phòng Tú. Lín bảo thời đại văn minh rồi, chưa lấy chồng sớm, phải học cái chữ để sau này làm y tá, làm cô giáo giúp bản. Pang thì không ưng cái bụng, sốt ruột lắm. Chờ ngày Lín được làm y tá và cô giáo thì chắc còn lâu, lâu lắm, phải qua thêm nhiều mùa rẫy nữa, mà cái bụng của Pang và bà mẹ già thì đã nóng hừng hực như chảo lửa. Ông già Pang mất, bây giờ Pang là “quyền huynh thế phụ”, sao Lín không nghe Pang mà chỉ chăm chăm nghe theo lời bộ đội Tú?

*

Những ngày biên giới đầy sương mù, mở mắt nhìn đâu cũng chỉ thấy một màn hơi trắng xám. Những đám lau lách vây quanh đồn Biên phòng cũng được tắm bằng màn hơi sương lạnh lẽo. Dưới mắt nhà thơ, nhạc sỹ, cảnh vật ấy thật huyền ảo, mơ màng nhưng với những người lính biên phòng, những ngày sương giăng khiến con đường tuần tra như dài ra và vất vả cũng thêm chất chồng. Trở về đồn sau chặng đường vất vả tuần tra biên giới, mọi đồ vật giường, chiếu, chăn màn đều ẩm ướt. Mấy ngày nay, chiếc tivi dù bảo quản cẩn thận cũng đã hỏng không thể sử dụng được. Buồn, Tú muốn gọi điện cho Huyền nhưng điện thoại chỉ vang lên một điệu nhạc vui tai rồi tắt ngấm. Bất chợt, Tú nhớ đến mấy vần thơ của Trần Đăng Khoa in trong Tạp chí Văn nghệ quân đội với cái nhìn rất sâu, rất cảm và đầy chia sẻ nhân văn về những người lính biên phòng ở nơi núi cao heo hút: Những mùa đi thăm thẳm/ Trong mông lung chiều tà/ Có bao chàng trai trẻ/ Cứ lặng thinh mà già… Rồi cả mấy câu trong bài thơ “Trở về Bát Xát” của nhà thơ Lê Đình Cánh: Về đâu bác trưởng đồn thâm niên thượng úy/ Ngôi sao cầu may chưa đậu xuống vai già/ Thân gà trống ngại ngùng đi bước nữa/ Điếu cày khuya lưỡng lự vào ra!…

Mẹ Tú, một cô giáo dạy văn trường huyện cứ mắng yêu: Làm chiến sỹ biên phòng rồi, phải cứng rắn lên. Thơ thẩn nhiều khiến con người yếu mềm đi. Còn Huyền thì chu đôi môi đỏ chót ngoe nguẩy: Bằng mọi giá, cuối năm nay anh phải xin chuyển về thành phố, chứ quanh năm sống nơi khỉ ho cò gáy, đi ra đi vào rồi thơ thơ thẩn thẩn là không xong với em.

Tú cười cười: Không xong thì em làm gì? Huyền cong cớn: Thì dẹp, không cưới, không xin gì cả chứ làm gì nữa…

Từ ngày Huyền nói câu “cảnh cáo cuối cùng” ấy với Tú đến giờ đã gần hai năm. Huyền xem chừng đã sốt ruột lắm. Tháng trước về thành phố, gần đến biệt thự nhà Huyền, Tú thấy chiếc Audi láng cóng đỗ xịch trước cổng. Rồi Huyền sang chảnh váy áo hàng hiệu bên cạnh gã trung niên đầu hói, bụng cá hú ú mỡ. Tú lùi vội ra sau cổng của một ngôi nhà cuối phố, alo cho Huyền. Huyền bảo, Huyền đang bận. Tú hỏi đang bận gì? Huyền hơi gắt: Hỏi gì ngố thế? Cuối năm, làm ngân hàng ai chẳng bận tối mắt, tối mũi. Một cảm giác buồn ngập ngụa lan tỏa đến từng mạch máu của Tú. Hối hả vượt hàng trăm cây số từ rừng núi heo hút về thành phố, ngỡ sẽ được gặp người yêu, sẽ được ríu rít nói cười với nhau cho thỏa bao tháng ngày mong nhớ. Vậy mà trớ trêu thay, lời mẹ Tú nói lại là sự thật mặc dù Tú chẳng thể nào muốn tin: Nghe nói có một ông Giám đốc đứng tuổi đang bám sát con Huyền, con thử dò hỏi thực hư ra sao?

Năm lần bảy lượt điện thoại hẹn Huyền ra nói chuyện, Huyền lần lữa từ chối. Loanh quanh bên mẹ vài ngày, dù chưa hết thời gian nghỉ phép nhưng Tú phải quầy quả lên lại miền rừng núi xa xôi. Con đường ngày thường đã xa giờ càng xa tít tắp. Nhất là khi những cuộc gọi của Tú đến Huyền luôn bị ngắt nửa chừng cùng những tiếng tút tút lạnh lẽo, vô cảm.

Tú trở về Đồn lúc trời dần về trưa. Mưa càng lúc càng nặng hạt, mưa xối xả mù mịt cả đất trời. Tú tắm rửa qua loa rồi đến nhà bếp kiếm chén cơm lót dạ. Nhìn màn mưa trắng xóa và nhớ lại gương mặt hớn hở sáng bừng của Huyền bên người đàn ông xa lạ, Tú thở dài, miếng cơm nuốt vội nghẹn nơi cổ họng đắng chát.

Keng… Keng... Keng… Những hồi kẻng báo động dồn dập vang lên, Tú buông vội chén cơm ăn dở chạy nhanh đến điểm tập hợp.

- Có năm em học sinh trường nội trú đang không thể qua sông. Tranh thủ lúc mưa chưa lớn, nước sông chưa quá cao, phải nhanh chóng giúp các em vượt qua sông về bản. Không thể để các em dầm mưa cả đêm trong rừng. Đồng chí Tú, Hùng…. Theo tôi!

Mặc vội chiếc áo mưa, Tú và các đồng đội bươn mình ra màn mưa trắng trời ào ạt, tiếng gió rít bên tai những âm điệu ma quái rờn rợn. Chặng đường từ đơn vị đến con sông bản Pá Lình dài hơn 6km, quanh co, nhiều dốc. Những viên đá to nhỏ nhấp nhô cản lối, chỉ cần không cẩn thận sẽ ngã té nhào. Mặc kệ, Tú và đồng đội vẫn tiến về phía trước. Trước mắt Tú giờ là con sông cuồn cuộn chuyển mình, hung hãn cuộn xoáy đỏ ngầu. Sống ở Đồn đã mấy năm nhưng chưa bao giờ Tú lại thấy con nước dâng nhanh, dâng mạnh như vậy.

- Bộ đội biên phòng ơi, đưa giúp con bé nhà miềng qua sông với. Tiếng một bà mẹ run rẩy bên tai Tú.

Bóng một người khác chạy vụt qua rồi bất chợt quay ngoắt lại, tiến đến trước Tú. Pang! Tú nhận ngay ra cậu trai bản lêu lỏng, cứng đầu của bản Pá Lình. Khuôn mặt Pang tái nhợt, cắt không ra được hạt máu, cất tiếng lắp bắp:

- Đưa cả con Lín nữa bộ đội biên phòng ơi. Nó cùng cô giáo người Kinh ở trường nội trú huyện lên bản chơi cuối tuần, giờ đang ở bên kia sông.

Hít một hơi thật dài tận sâu lồng ngực, Tú và một đồng đội tất tả trèo lên con đò nhỏ. Hai người trên con đò chòng chành, mong manh giữa con nước chảy xiết đỏ ngầu, mênh mông thật khủng khiếp, không khác gì chiếc lá dập dềnh vô định khi trời đang giông bão. Nhất là khi các đợt gió mạnh liên tiếp ập tới, ràn rạt đẩy con đò chao đảo, ngả nghiêng. Tú bậm chặt môi, khoát tay ra hiệu đồng đội chèo ngược đò lên phía trên, cách xa bến bên kia vài chục mét mới có thể đưa đò cập bến. Dầm mình dưới mưa gió lạnh lẽo, Tú nhanh chóng dìu các em học sinh và cô giáo trẻ lên đò. Một lần nữa, con đò lại vật lộn với mưa gió và sóng dữ để sang bờ bên kia. Đang đưa tay lên vuốt dòng nước lạnh táp thẳng vào mặt, tiếng thét thất thanh làm Tú giật bắn mình.

- Có người bị rớt xuống sông. Cứu, cứu bộ đội biên phòng ơi! Nhanh như cắt, Tú đảo ánh mắt ra phía trước, bắt gặp Lín đang chới với, vật lộn giữa dòng sông. Những đợt sóng dữ xô đẩy, nhấn chìm Lín xuống dòng nước lạnh lẽo, đục ngầu. Đầu Lín nhô lên vài giây rồi biến mất, chỉ còn cánh tay nhỏ bé, yếu ớt tuyệt vọng đưa lên vẫy vẫy cầu cứu.

Không chút đắn đo suy tính, Tú nhảy bổ xuống dòng nước cuồn cuộn. Nước sông lạnh ngắt khiến Tú bất chợt rùng mình. Nhưng Tú định thần ngay lập tức. Những sải tay lực lưỡng của Tú đè lên những con sóng đang cuộn lên như muốn nhấn chìm tất cả. Sau một lúc bập bềnh, chìm nổi, đánh vật với dòng chảy xiết xoáy, Tú mới dìu được Lín vào bờ. Không kịp sơ cứu cho Lín, Tú nằm vật xuống bờ sông ẩm ướt, kiệt sức ngất lịm…

Tú tỉnh dậy khi nghe tiếng chim hót véo von bên ngoài căn phòng bệnh xá của Đồn. Trời đã dần ngớt mưa nhưng trên những cành lá, những giọt nước long lanh vẫn còn đọng lại. Một điệu nhạc vui tai vang lên từ radio khiến lòng Tú thấy vui, lâng lâng nhẹ nhàng quá đỗi. Thu mình vào chiếc chăn ấm áp, Tú oằn mình tận hưởng những phút giây thư giãn thoải mái, hiếm hoi của buổi sáng cuối tuần.

- Chào bộ đội biên phòng Tú. Bộ đội đã khỏe lại chưa?

- Cô giáo trẻ ơi, bộ đội biên phòng Tú ốm rồi, phải chăm sóc bộ đội khỏe lại nhanh để bộ đội còn đi tuần tra biên giới.

Tiếng cười nói ồn ào, vui vẻ tràn vào căn phòng Tú đang nằm cùng cả chục người lố nhố xuất hiện. Tú đảo mắt nhìn và cười thật tươi thay lời chào với bà con dân bản. Lũ học trò hôm qua bết bê trong mưa gió nay đã váy áo thổ cẩm sặc sỡ như những cánh bướm trong rừng. Một cô bé có đôi mắt đen láy, sáng rực đến bên Tú, dúi nhẹ vào tay Tú một chai mật ong rừng:

- Chú Pang mang chai mật ong rừng đến cho bộ đội biên phòng Tú bồi dưỡng. Chú Pang bảo, Lín dần khỏe rồi, lúc nào khỏe hẳn, Lín sẽ đến Đồn chơi. Chú Pang cũng sẽ không bắt Lín ở nhà lấy chồng nữa. Để Lín tiếp tục đi học trường nội trú, sau này làm ý tá chữa bệnh cho dân bản Pá Lình.

- Thế chú Pang đâu?

- Chú Pang đã đến tận cổng Đồn rồi, không hiểu sao lại không chịu vào, bảo còn ngại với bộ đội Tú. Chỉ nhờ cháu đưa dùm chai mật ong. Còn đây là quà của cô giáo Trang. Cô bé dúi vội cuốn sổ xinh xắn vào tay Tú. Biết chú thích thơ, cô giáo đã thức cả đêm để chép vào đấy toàn bài thơ hay, chắc chú sẽ thích.

Tú lật cuốn sổ còn thơm mùi giấy mới, trang đầu có những dòng chữ nghiêng nghiêng thanh thoát: “Không gì đẹp hơn những chiến sĩ mang quân hàm xanh, là núi của núi, là sông của sông, là ruộng của ruộng, là đất của đất, là nước của nước nơi cương vực. Và con đường trập trùng, đầy gian nan thử thách mà các anh đi qua là những hành trình đỏ gìn giữ bình yên và gieo mầm cuộc sống mới nơi biên cương: Đèo Sa Mù mây bay/ Chúng tôi đi trong hành trình đỏ/ Gieo xuống đất biên thùy hạt ban mai rực rỡ”

Bất giác Tú nhìn lên, bắt gặp ánh mắt dịu dàng của cô giáo trẻ đang chiếu đến mình rồi ý nhị quay đi khi vô tình bắt gặp ánh mắt anh. Và đến tận lúc này, Tú mới nhìn thấy tà áo dài màu xanh da trời của cô giáo trẻ thật mơ màng, cứ như một làn gió nhẹ lướt qua căn phòng rực nắng…

P.M.Q

 

 

PHẠM MINH QUỐC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 294 tháng 03/2019

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

23 Giờ trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground