Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hội nhà tầng

Q

uê Tôi là một thị trấn nhỏ thuộc một tỉnh nghèo ở miền Trung. Sau chiến tranh, thị trấn là một vùng đất hoang tàn. Tôi đã từng chứng kiến nỗi cực nhọc, vất vả của người dân trong cuộc mưu sinh. Tiếng là thị trấn nhưng nhìn lại thấy không bằng nông thôn nơi khác. Nhiều người đã rời quê nghèo vào nam làm ăn...

Khi quê tôi bước vào cơ chế thị trường thì tôi đã ra Hà Nội công tác, lấy vợ và định cư luôn ngoài đó. Bạn bè hồi cấp ba rất đông, chúng đều đi xa, có nghề nghiệp ổn định cả. Năm nào vợ chồng tôi cũng về quê ăn tết. Cứ mỗi lần về quê, tôi đều đến thăm vợ chồng thằng Lâm-đứa bạn thân nhất trong đời. Nhà nó ở ngoại vi thị trấn. Cũng như tôi, học xong cấp ba, Lâm thi đỗ vào trường đại học nông lâm. Tốt nghiệp, nó được phân về công tác tại phòng nông nghiệp của một huyện miền núi và yêu một cô gái người miền Bắc công tác ở huyện bên, làm nghề thú y. Thời bao cấp rất khổ. Anh chị cưới nhau được vài tháng là xin thôi việc, về sống với bố mẹ, sau đó xin đất làm nhà ở riêng. Vợ Lâm đẹp người đẹp nết, lặng lẽ về sống tại quê chồng, không hề oán trách số phận. Nhà nó chẳng dư dật gì, nhưng được cô vợ đảm đang nên lúc nào gia đình cũng ấm cúng, hạnh phúc. Vợ chồng Lâm làm đủ nghề: Chồng đi xe đạp thồ, ai thuê việc gì làm nấy, cốt có thu nhập hàng ngày là được. Vợ ở nhà nuôi lợn, làm một sào vườn và hai sào ruộng, chăm bẵm hai đứa con trai. So với cuộc sống của Lâm thì tôi khá hơn rất nhiều. Lâm ít nói, chí thú làm ăn. Cứ mỗi lần về quê, tôi được Lâm dẫn đi chơi nhà những người bạn nó mới quen sau này, toàn là những đứa giàu có. Thời những năm chín mươi của thế kỷ hai mươi, cái thị trấn nhỏ của tôi rải rác mọc lên những nhà cao tầng. Thế là họ tụ hội nhau thành lập Hội Nhà Tầng, hàng năm sinh hoạt một lần vào dịp tết. Lâm không có nhà tầng nhưng vẫn được họ mời đến chơi với hội, từ chối không được. Lần nào về quê, tôi cũng được Lâm rủ đi với hội nhà tầng. Tôi không đi, Lâm không chịu, dần dần thành quen cũng vui. 'Hội nhà tầng' toàn là những đứa nhiều tiền. Không hiểu tiền chúng kiếm đâu mà nhiều thế không biết? Trong số sáu 'đại gia' của hội, đáng chú ý một vị trạc tuổi tôi, ăn nói dõng dạc, coi tiền như rơm rác. Có một lần nhậu phê phê, anh ta tuyên bố:

- Sắp tới, hội chúng ta kết nạp thêm ba thành viên, như vậy hội có chín hội viên, con số trực sinh quá đẹp. Ba hội viên này là đàn em của tôi, sang năm về mua đất và làm nhà ở thị trấn này- Anh ta cười mãn nguyện và nói tiếp:

- Mấy đứa này giàu lắm, làm nghề buôn gỗ...

Tôi ghé tai Lâm hỏi:

- Cậu ta làm nghề gì?

Lâm úp miệng vào tai tôi:

- Cán bộ có chức quyền ngành kiểm lâm tỉnh.

Tôi à lên một tiếng và kịp im lặng ngay. Cũng lúc ấy, anh ta quay sang hỏi Lâm:

- Lâu nay làm ăn nhì nhằng có đủ sống không? Cần bao nhiêu tao cho mượn. Nếu thích, tao bày cho cách làm ăn rất nhiều tiền.

Lâm cười:

- Cũng tạm đủ sống. Chưa nghĩ kế hoạch gì cả.

Mấy 'đại gia ' cũng tỏ ra nhiệt tình muốn giúp Lâm về tiền bạc. Họ hưởng ứng theo lời của vị đàn anh kia. Lâm chỉ nói:

- Cảm ơn, có gì nhờ các cậu sau.

Những người giàu trong khi ngà ngà say, họ rất thực bụng và sẵn sàng hứa những lời to tát. Thực ra, họ có tiền nhờ mánh khóe, may mắn, nên có vung ra một ít cũng thấm tháp gì đâu?

Lâm kể cho tôi nghe nhân thân của từng thành viên 'Hội Nhà Tầng'. Nó chép miệng:

- 'Họ đều may trong cuộc đời, chả phải đau lưng mỏi cổ gì cả mà vẫn hái ra tiền. Ở vào hoàn cảnh khác thì bọn chúng cũng như tao bây giờ mà thôi.'

Qua lời kể của Lâm, tôi hiểu rằng: Họ đều làm những nghề lúc nào cũng gắn với tiền bạc trên trời rơi xuống. Chẳng hạn vị quan chức kiểm lâm thì luôn được đàn em cung phụng, tiền bạc dư dã, còn năm anh chàng kia làm các nghề: Cai đầu dài bọn đào đãi vàng, kỹ thuật giám định công trình thủy lợi thuộc các dự án, một số buôn hàng cấm qua cửa khẩu. Họ giàu là phải. Riêng tôi cứ ám ảnh một điều gì đó sau mỗi lần đến với hội nhà tầng. Ở thị trấn, người ta xì xào về cái hội này. Có người nói với tôi:

- Cậu ở xa không biết, mấy thằng gọi là giàu có đó chẳng qua chưa ai sờ  gáy thôi. Chúng ra mặt khinh thường mọi người xung quanh. Đó là cái hội ngạo mạn của những tên có tiền, thiếu văn hóa, chơi ngông. Ở thành phố, nhà tầng đầy rẫy mà có ai lập ra cái hội nhí nhố ấy đâu. Để xem...

Tôi nghe và biết vậy thôi, không bàn gì. Đi với cái hội này cũng hay hay, ăn nhậu thả sức. Tuy nhiên, tôi chợt nhớ đến lời nói của một tay trong cái hội kia lúc say lè nhè:

- Cứ mở toang cửa sổ tầng hai cho thoáng, hát ka-ra-ô-kê cho đã. Sợ đếch gì  mấy nhà hàng xóm thấp lẹt đẹt, nghèo kiết, cứ chõ miệng ngăn cản chúng ta vui vẻ. Có giỏi thì làm giàu như bọn này, còn khuya...

Cái giọng lè nhè bất cần đời ấy là của anh chàng cán bộ kỹ thuật ngành thủy lợi. Anh ta có nhà hai tầng, hai vợ chồng hai xe máy xịn, đồ đạc trong nhà toàn đồ ngoại bóng lộn, sang trọng, trong nhà có nuôi hai con chó béc-giê to như hai con bò. Tôi nghĩ: 'Trời làm nhiều trận lũ lụt thì tên này còn giàu to...'. Nghĩ xong, quên ngay. Sự đời, việc ai nấy biết, mình có phải công an hay cơ quan pháp luật đâu mà lo cho mệt xác. Buồn cười nhất, có một lần, một thành viên hội nhà tầng chỉ tôi rồi hỏi Lâm:

- Anh bạn này đang làm gì, ở đâu?

- Ở Hà Nội, làm công chức.

- Ồ, công chức thì làm sao mà khá được? Lương ba cọc ba đồng, cả đời lo toát mồ hôi...

Nó nói với tôi vẻ cảm thông:

- Bỏ quách nghề về đây với thằng Lâm đi làm vàng với hội này vài năm là bằng cả đời lương công chức.

Nó cười đắc chí:

   - Nói vậy thôi, giàu sang có số. Trời cho ai nấy được. Tao nhờ ông anh làm quan chức to ở tỉnh bao bọc, túc tắc hái ra tiền.

Nói xong, nó rút ra một xấp đô-la đập xuống chiếu:

- Trị giá hơn ba trăm triệu đồng Việt Nam đấy, tao chỉ làm hơn một tháng thôi.

Nó say nên không giấu sự thật. Thì ra anh chàng là cai đầu dài đào đãi vàng. Đến với hội nhà tầng thấy hay hay. Mỗi đứa có một cách làm ra tiền riêng. Tôi không muốn tìm hiểu mánh khóe làm tiền ấy. Chẳng có gì hay ho cả. Nhiều người đã nói về những kẻ làm giàu bất chính rằng: 'Những kẻ gọi là giàu có và sang trọng ấy là những kẻ chưa bị bắt quả tang, chẳng có tài cán gì.' Thú thực, tôi cũng như Lâm, cũng mong muốn sự giàu có, hoặc ít ra cuộc sống cũng đầy đủ như nhiều người khác. Mỗi lần dẫn tôi đến vơí “Hội nhà tầng' về, Lâm ít nói hơn, đăm chiêu suy nghĩ, tôi bảo:

- Lâm xem nghĩ cách gì làm ăn khác hơn, cứ làm nghề 'thợ đụng' cực lắm.

Lâm đồng tình:

   - Cũng phải. Tao đang tính.

Hồi học cấp ba, Lâm giỏi các môn tự nhiên. Ước mơ của nó thi vào đại học bách khoa. Nhưng không hiểu sao nó thay đổi ý định, thi vào đại học nông nghiệp, trở thành kỹ sư trồng trọt làm ở huyện, để rồi giờ đây trở về cuộc sống lận đận khổ cực. Tôi rất thương nó. Nhưng nó lạc quan với công việc hiện tại, thế mới lạ. Nó bảo tôi rằng:

- 'Sông có khúc, người có lúc. Tao không muốn nghèo hèn, nhưng tao cũng không làm giàu theo cách của chúng nó. Vợ chồng tao đang tính cách làm ăn bằng cái nghề đã học...'

Lúc ấy thực tâm tôi không tin Lâm nghĩ đúng. Cái nghề trồng trọt và thú y của vợ chông Lâm làm sao khá lên được, nếu không dựa vào cơ quan nhà nước? Tôi không dám nói với Lâm điều đó, sợ nó buồn. Tôi động viên: 'Ừ. Cố gắng lên, sẽ thành công.'

***

Đã hơn năm năm, hôm nay tôi có dịp về quê thăm tết. Bởi hai lẽ: Thứ nhất, mấy năm qua, vợ tôi đang tập trung học, nghiên cứu làm luận văn tiến sỹ, tôi không thể rỗi; Thứ hai, tôi đã đưa bố mẹ ra sống chung với vợ chồng tôi. Ở quê, bên nội không còn ai, bên ngoại chỉ có bà dì thúc bá. Chỉ có vợ chồng Lâm là nỗi nhớ khiến tôi lúc nào cũng muốn về thăm xem chúng nó có thay đổi gì không? Chỉ liên hệ nhau qua điện thoại, khó đoán biết được cuộc sống của nhau.

Trước khi lên xe, tôi điện vào, Lâm bảo: 'Cứ đến bến xe thị trấn, tao đón' Ngồi trên xe, tôi miên man nghĩ về hình ảnh của nó. Tôi cứ tưởng tượng một thằng Lâm già trước tuổi, cuộc sống tất bật lo toan cho con cái ăn học, hết cơ hội vươn lên làm giàu. Tôi lại thương cho cô vợ người miền Bắc của Lâm đã vì chồng con mà lận đận, lao đao ở quê người: Đất miền Trung quê tôi chỉ có nắng - gió là thừa thải, ngoài ra cái gì cũng thiếu, cũng khốn khó. Đã có lúc tôi nghĩ: 'Phải sinh ra trên xứ sở nghèo khó này, thật khốn nạn.' Nhưng rồi tôi tự an ủi mình: 'Người miền Trung chân chất, tính ngay thẳng, ở đâu cũng sống được, ai cũng quý mến.' Không phải như vậy tại sao cô gái Hà Nội- con của một quan chức cấp quận lại yêu tôi, nên vợ thành chồng? Chính đó là điều an ủi tôi, làm cho tôi tự hào về miền Trung khắc khổ -là nơi cắt rốn chôn rau. Ngồi bên cạnh vợ, tôi thiu thiu ngủ khi nào không hay. Tôi đâu biết rằng: Vợ tôi đang ôm đầu tôi vào lòng, ngắm nhìn tôi âu yếm. Tôi đang ngủ say, vợ tôi lay gọi:

- Anh! Đến bến xe thị trấn rồi !

Tôi choàng dậy.

- Ồ, thị trấn đây rồi nhưng sao khác lạ quá!

Bến xe ngày xưa lầy, đọng nước, bùn đất, nay đẹp như ga tàu. Cái chợ xép bên cạnh bến xe, nay là một chợ lớn chẳng khác gì chợ thành phố. Hai vợ chồng vừa bước xuống xe thì có một thanh niên ăn mặc lịch sự đến hỏi:

- Anh chị có phải là bạn của anh Lâm không?

- Đúng rồi.

- Mời anh chị lên xe, em đưa về nhà nghỉ.

Tôi ngạc nhiên:

- Ồ không. Vợ chồng tôi đi xe ôm cũng được.

Anh thanh niên đáp:

- Anh Lâm bảo em đón anh chị về nhà nghỉ. Vợ chồng anh ấy bận công chuyện, tối mới về.

Vợ chồng tôi đành theo anh thanh niên bước lên chiếc xe sang trọng để về nhà nghỉ cách bến xe chưa đầy năm trăm mét. Khi đến nơi tôi bảo:

- Đây là công ty trách nhiệm hữu hạn, có phải nhà nghỉ đâu?

- Dạ phải. Anh chị nghỉ ở đây, tối anh Lâm đến đón.

Tôi cứ nghĩ: Cái thằng thật lạ, sao mà bày vẻ khách sáo thế. Công ty toàn người lạ, họ đón tiếp vợ chồng tôi như người thân. Tôi đoán: Đây chắc là một thành viên trong hội nhà tầng mà Lâm thân nên nhờ đón vợ chồng tôi cho đẹp mặt. Chừng một giờ sau, chiếc xe con lúc nãy đã đưa vợ chồng Lâm đến gặp vợ chồng tôi. Suýt nữa tôi không nhận ra Lâm, vì trông nó ăn mặc như một vị quan khách, vợ nó cũng thế. Khỏi phải nói tình cảm bạn bè sau bao năm gặp lại. Tôi trách:

- Sao cậu bày vẻ đón tiếp kiểu này cho tốn kém? Thôi, về nhà cậu đi, tao không nghĩ đây đâu...

Lâm cười:

- Bày vẻ gì đâu. Nhà tao đây mà.

Tôi không tin:

- Mày đừng đùa nữa.

Vợ Lâm nói xen vào:

- Thật đấy. Chuỵên dài lắm. Anh Lâm sẽ kể cho anh chị nghe sau.

Lâm vỗ vai tôi:

- Vợ chồng tao mới đi ký một hợp đồng về. Tao dặn anh em trong công ty không tiết lộ đây là nhà tao để hai bạn ngạc nhiên cho vui.

Tôi thực sự ngỡ ngàng. Lạ quá! Trước mắt tôi, hai vợ chông Lâm đúng là ông bà chủ. Sao lại có chuyện bất ngờ này? Nghĩ vậy nhưng tôi không nói ra. Tôi hỏi:  -Con cái đâu cả rồi?

- Hai đứa đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ nhà còn lại hai vợ chồng son cùng với anh em của công ty thôi...

Cơm nước xong tôi hỏi Lâm:

- Dạo này Lâm có đi chơi với hội nhà tầng không? Có gia nhập hội ấy không?

Lâm thở dài:

- Tan rồi! Hội ấy có đứa nào ra hồn đâu. Toàn một bọn láu cá. Đứa thì đi tù, đứa bị đuổi việc, có đứa phải bán nhà, về quê. Lâm khẳng định.

- Tao biết ngay, sự đời không dể dàng như vậy được, làm gì có chuyện cứ đưa tay lên là bắt được chim trời. Nhờ lừa lọc, mánh khóe, chức quyền để lấy tiền người khác bỏ vào túi mình, không sớm thì muộn cũng lộ chân tướng loại bất tài gặp chút vận may.

Vợ tôi đi đường mệt, ngủ sớm. Lâm và tôi hàn huyên đến tận khuya. Thị trấn càng về đêm càng hấp dẫn. Sương khuya buông xuống, làm cho dãy đèn cao áp màu vàng thêm mờ ảo, quyến rũ. Những dãy nhà với đủ các màu sắc của ánh điện dìu dịu trên những ô cửa sổ bằng kính trông thật vui mắt. Thị trấn như đang thao thức, đang nghĩ suy một điều gì đó chưa nói thành lời. Lâm đã kể cho tôi nghe chuyện làm ăn của nó... Bước ngoặt của cuộc đời Lâm bắt đầu từ vốn kiến thức trong trường đại học. Khi cơ chế chuyển đổi, vợ chồng Lâm mở một trại nuôi lợn và lập đại lý dịch vụ Nông nghiệp-Thú y. Nông dân các xã trở thành khách quen của đại lý. Có sẵn kiến thức đã học, hai vợ chồng áp dụng vào thực tế hiện tại. Gia đình nuôi năm mươi con lợn, thuê người chăm sóc. Vợ chuyên bán hàng. Chồng đi liên hệ các cơ sở phân bón, thuốc thú y ngoại tỉnh, mua hàng về phục vụ nông dân. Ai yêu cầu đưa hàng về tận nhà, vợ chồng đáp ứng ngay. Việc làm ăn cứ tấn tới, vợ chồng mua đất ở trung tâm thị trấn, thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, mua một xe tải, một xe con, hợp đồng sáu công nhân phục vụ...

Tôi hỏi:

- Tiền đâu mà cậu có được cơ sở thế này? Không lừa lọc đấy chứ?

Lâm nói rất thực lòng:

- Chẳng giấu gì mày. Có sẵn ít vốn dành dụm, vợ chồng tao vay thêm ngân hàng hai trăm triệu đồng để tập trung vào nguồn hàng. Mua vài lần thành khách quen, chủ hàng cho nợ, trả sau. Nợ cơ sở vài trăm triệu là chuyện thường, bán xong trả hết nợ. Mà tao mua hàng nhiều nơi chứ phải một chỗ đâu. Hàng lấy tận gốc, giá thấp hơn các đại lý trong vùng, thế là khách mua ngày càng đông. Hai phần ba nông dân huyện này đều mua hàng công ty của tao. Vui lắm.

Nghe Lâm kể, tôi cảm phục nó vô cùng. Có lần nó nói, "tao đang tính", thế mà thật. Vui miệng, nó nói:

- Đất vợ chồng tao trước đây, giờ cho thằng em. Nó cũng có trại nuôi lợn khá lắm. Nhà bố mẹ tao cũng xây rồi. Còn ở thị trấn này, mày coi, nhà tầng như nấm, cả loạt tỷ phú. Cơ chế thị trường hay thật.

Tôi khen:

- Mày giỏi lắm!

Nó gật gù, giọng buồn buồn:

- Mày có nhớ cái tay cán bộ kiểm lâm không? Hắn ta đi tù vì chuyện ăn hối lộ, tiếp tay cho lâm tặc, bị tố cáo. Vợ hắn bán nhà, theo một bợm chuyên đánh bạc, thua mất vài trăm triệu, cùng nhau trốn vào phía Nam rồi. Còn tay kỹ sư thủy lợi hay nói mạnh mồm, bị đuổi việc vì ăn đút lót, để cho bọn xây công trình không đúng chất lượng kỹ thuật, vỡ đê, trôi mấy nhà dân. Còn mấy tay buôn lậu, đào đãi vàng, nhiều tiền nên dửng mỡ, học đòi ăn chơi hút xách, đánh bạc nên xẹp cả. Có đứa phải bán nhà gán nợ. Của nước nổi, không bền lâu được...

Thế là cái "hội nhà tầng"tự nó tiêu rồi. Không ai còn nhớ đến cái hội đã có một thời ồn ào cả gốc phố,khiến nhiều người mất ăn mất ngủ. Của bọt bèo đều tan theo mây khói. Giờ đây người dân thị trấn đang hối hả làm ăn. Phố xá mọc lên vô khối cơ sở sản xuất, dịch vụ. Người giàu, từ bàn tay làm ra của, họ càng biết quí cái do mình tạo nên. Tôi không còn nhận ra gương mặt quê hương thuở khắc khổ, túng bấn. Bây giờ đường nhựa, đèn cao áp, nhà tầng kế tiếp nhau san sát. Tôi phấn khởi trong lòng: "Ai bảo miền Trung là nơi không có tiềm năng làm giàu?"

Lâm bảo tôi:

- Ngày mai, tao và mày về dưới quê thăm anh bạn trong hội nhà tầng bị thua bạc, để động viên nó kẻo tội nghiệp.

Tôi đồng tình ngay. Bây giờ tôi hiểu, Lâm đi chơi với hội nhà tầng không phải ham vui, mà để có thêm tích lũy cho cuộc đời. Tôi phục thằng bạn đã có một thời lao đao với cái ăn cái mặc hàng ngày nhưng vẫn âm thầm tìm một hướng đi cho riêng mình. Nó kể cho tôi nghe dự định tới, vợ chồng nó sẽ đầu tư vốn mở một cơ sở chế biến mủ cao su ở một địa bàn kinh tế mới, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân. Tôi tin nó sẽ làm được...

***

Chuyến về thăm quê lần này buồn vui lẫn lộn. Vui vì quê hương đổi thay bất ngờ. Vui vì bạn tôi từ chỗ nghèo hèn đã trở thành tỷ phú. Buồn vì có những kẻ từ chỗ giàu có, không biết tu thân giữ nết nên đã sa cơ lỡ vận, dấn thân vào ngõ cụt. Tôi bỗng yêu mến những người dân quê mộc mạc, bề ngoài sạm đen vì nắng gió mà tấm lòng sáng trong, cần mẫn làm ăn, vươn lên giàu có, không thoáng gợn chút mánh khóe, lừa lọc, chước quĩ mưu ma. Tôi hiểu rằng: Ở đời còn đầy rẫy kẻ tự nhiên giàu có vô lý không bắt nguồn từ khả năng của họ. Mặc kệ, có trời với đất, ai ăn mặn thì khát nước. Vậy thôi! Tôi thấy rạo rực trong lòng khi nghĩ đến lời hẹn của Lâm:

- Sắp tới, vợ chồng tao ra Hà Nội, nhớ đón nghe...

                                                                                           

      L.N.H

 

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 154 tháng 07/2007

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

11 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

11 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

11 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

11 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground