Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kẻ chạy trốn

Chán ngắt và vô bổ, đã tìm mọi cách nhưng cuối cùng hắn vẫn phải dự lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng. Là giám đốc một tổng công ty nhà nước, với hắn, lớp học này thật uổng phí thời gian.

Mấy hợp đồng kinh tế béo bở dang dở, một số công việc quan trọng phải uỷ quyền cho anh chàng cấp phó. Đành vậy, hắn thở dài buông xuôi, một lần cho xong, chứ năm nào cũng bị gọi lên gọi xuống, mệt lắm. Những ngày đầu học lí thuyết, giáo án vào tai này ra tai kia, hắn chỉ tập trung việc chỉ đạo cấp dưới những vấn đề cần thương lượng với phía các đối tác làm ăn. Tới chương trình thực hành trên thao trường, hắn càng ngán ngẩm. Nhìn học viên ai nấy vui vẻ, miệt mài tập luyện mồ hôi nhễ nhại, bụi đất bết bát trên những bộ quân phục màu xanh lá cây, hắn không khỏi ngạc nhiên, tự hỏi không biết họ học vậy để làm gì.

Thế nhưng, chiều cuối tuần học đến khoa mục kĩ thuật bắn súng thì xảy ra một chuyện. Ngay cả hắn cũng không ngờ. Một sự bất bình thường như có chủ đích, dù biết xác suất ngẫu nhiên dẫu chỉ một phần tỉ tỉ vẫn có thể xảy ra. Dù biết, có thể đó chỉ là một khẩu súng khác có một vết giống hệt. Nó là cái gì của tâm linh, linh hồn những đồng đội hắn đã ngã xuống, chủ đích lôi thứ hắn đã cố gắng dìm xuống đáy và trét bùn nó trong kí ức lên. Bắt hắn nhớ lại, đau đớn và sám hối.

Hôm ấy, bàn tay hắn cầm súng như tấy mủ. Khẩu K54 hướng về mục tiêu rung bần bật gục mũi xuống đất. Hắn phải dùng cả hai tay cố giữ nhưng bất lực. Một nỗi ám ảnh vây nghẹt.

Vết xước bởi viên đạn cắt ngang phía trên hình ngôi sao làm một vết xước khác, trong kí ức hắn, nằm im lâu nay chợt rỉ máu.

* * *

Đầu năm 1979, đơn vị Trạm được điều động chốt tại cao điểm K nằm gần kề biên giới, địa phận Lạng Sơn. Đó là quả đồi cao chừng bốn trăm mét với địa hình bên thoai thoải, bên dốc cao, đỉnh khá rộng và bằng phẳng, được phủ mờ bởi màu xanh lợt cây rừng trong trắng lễnh loãng sương. Chạy dọc sườn và thung lũng bao quanh là rừng hoa đào, mận khoe sắc. Từ cao điểm K phóng tầm mắt qua đó, có thể quan sát được dọc tuyến biên giới và trận địa của đối phương phía bên kia. Biên cương những ngày đầu năm thơ mộng, quyến rũ và yên bình, ai nghĩ chiến tranh rình rập. Vừa hành quân đến chốt, đơn vị khẩn trương chuẩn bị hầm hào, công sự và triển khai các phương án sẵn sàng chiến đấu. Gần một tuần vắt kiệt sức, hệ thống hầm hào công sự cũng hoàn thành. Trạm nghĩ, cấp trên quá cẩn trọng chứ địch nào tấn công nên vẫn thản nhiên thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng, không mảy may lo lắng.

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

Một đêm, sau Tết nguyên đán, vừa bàn giao phiên gác cho Lương, mới thiu thiu ngủ thì bất thần, ngàn vạn tiếng rít ghê tai, váng óc. Tiếng nổ vây bọc, đất đá bay rào rào, cả ngọn đồi chìm trong chớp lửa. Mảnh đạn găm vào công sự, cây cối. Khói đen đặc khét lẹt xộc vào công sự, hầm hào khiến cổ họng Trạm đắng nghét. Tiếng Lương thất thanh gì đó. Rồi tiếng Trung đội trưởng hô vào hầm trú ẩn.

Chạy vào hầm, Trạm tái mét mặt, ngồi ép mình vào vách lầm bầm cầu khấn. Với đám lính mới như Trạm, những gì đang diễn ra quả thực vượt quá sức tưởng tượng.

Khoảng một tiếng sau, tiếng nổ thưa dần rồi im bặt. “Vào vị trí chiến đấu!” - Tiếng Trung đội trưởng hô vang, tất cả nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí công sự được phân công. Trời bắt đầu sáng, sương thấm đẫm trên bờ thành công sự, gió bấc thổi buốt, rát rạt hai mang tai. Trạm phóng tầm mắt nhìn bao quát trận địa chốt. Một cảnh tượng khác thường khiến Trạm bàng hoàng, kinh ngạc. Như vừa có một trận bão siêu mạnh càn quét, phía ngoài giao thông hào, cây cối bật gốc nằm chỏng chơ, cháy xém, cành lá xác xơ. Nhiều thân cây bị phạt ngang gãy gục, nhựa vẫn đang ứa ra. Xung quanh trận địa chi chít hố đạn pháo, đất đá bị xới tung ngổn ngang. Chợt Trạm sững sờ. Dưới khu vực thung lũng và xung quanh chân đồi, trong lớp sương mờ đục từng đợt đầu người lố nhố. Tiếng trung đội trưởng đanh gằn: “Địch xuất hiện! Các tiểu đội sẵn sàng nổ súng khi có lệnh!”. Bốn tiểu đội án ngữ bốn hướng đánh địch theo phương án tác chiến. Hỏa lực mỗi tiểu đội gồm một súng trung liên, một B40 (hoặc B41) và AK, lựu đạn… Nhìn biển người đang tiến gần mà trận địa chốt lặng như tờ, Trạm bỗng rùng mình, chợt thấy ướt nóng ri rỉ ở bẹn. “Bắn!”. Phía dưới, dòng nước phụt mạnh dọc đùi khi tiếng thét đanh gọn vang bên tai và tiếng AK xung quanh chát chúa vang lên, khẩu súng trong tay Trạm cũng giật liên hồi rồi dừng lại. Hóa ra, ngón tay Trạm ngoéo chặt cò súng từ lúc nào, đạn vung vãi lên không trung đến khi không còn một viên. Nhìn quầng lửa từ những khẩu B40, B41 phụt ra phía sau, đạn trùm lên địch, rồi tiếng AK xung quanh như ngô rang, Trạm mới trấn tĩnh phần nào. Tay run lẩy bẩy, mãi Trạm mới rút nổi hộp tiếp đạn khác trong bao xe để thay vào súng.

Đối phương dùng chiến thuật “biển người” hòng nhanh chóng áp chế nhưng không lường trước hệ thống hầm hào chằng chịt nối với các công sự chiến đấu rất linh hoạt của ta. Khoảng mười giờ sáng, chúng bị bật xuống chân đồi, xác la liệt từ lưng chừng trở xuống. Lực lượng trung đội hi sinh và bị thương mười đồng chí.

Trưa hưng hửng, gió dìu dịu thổi từ dưới thung lũng lên. Ắng lặng. Sự ắng lặng rờn rợn của không khí trước cơn bão tố. Có lẽ địch đang bổ sung thêm lực lượng, vũ khí chuẩn bị cho những cuộc tấn công mới. Trung đội trưởng giục mọi người tranh thủ băng bó lại cho các đồng chí bị thương, củng cố hầm hào, công sự tiếp tục chiến đấu. Trạm tựa lưng vào thành công sự vừa nhai miếng lương khô vừa nhìn hút xuống. Chân đồi vẫn lô nhô bóng người. Có tiếng bước chân lại gần, rồi tiếng Lương:

- Lực lượng của địch rất đông mà đạn có hạn, ông nên điểm xạ ba phát một thôi cho hiệu quả, chứ đừng bắn kiểu vãi đạn như vậy.

Chưa dứt lời thì tiếng nổ, tiếng đạn rít xoẹt, viu, chíu trên đầu. “Pháo địch!” Trạm tái nhợt mặt, ôm đầu lao vội vào hầm ếch. Tiếng đạn cối, pháo to nhỏ các cỡ rền rã, chát chúa như giã giò. Một quả nổ ngay gần miệng hầm làm Trạm xây xẩm mặt mày, hai tai đặc ù, choáng váng... Trạm cứ thế ôm đầu ngồi thu lu trong hầm ếch. Cả tiếng sau pháo mới ngớt. “Vào vị trí chiến đấu!”. Vừa bò dọc giao thông hào đến công sự chiến đấu, mắt Trạm như muốn nổ đom đóm, toàn thân run rẩy. Đối phương dày đặc, không đếm xuể tiến lên theo hiệu lệnh kèn. Trạm bóp cò. Lần này ngón tay lẩy bẩy nên loạt đạn kéo đến sáu, bảy viên. Cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt và dai dẳng suốt buổi chiều. Hơn nửa quân số trung đội thương vong. Trung đội Trưởng bị trúng đạn vào bả vai trái, một viên xuyên qua mu bàn tay cầm khẩu K54 lúc một tốp địch vào quá gần, khẩu AK hết đạn, phải dùng gấp đến nó, máu túa ra ướt đầm. Lực lượng của trung đội phải phân tán đều ra các hướng. Những người bị thương chuẩn bị súng, lựu đạn sẵn ở các vị trí cho đồng đội cơ động từ hai đến ba vị trí gần nhau để chiến đấu nên đối phương vẫn không thể nào chiếm được trận địa chốt.

Trời xẩm tối, tầm nhìn bị che khuất và không phán đoán được lực lượng của ta, đối phương tạm ngừng tấn công.

Ngồi tựa mình vào chiến hào, khuôn mặt nhuốm đầy bụi đất, bạc phếch vì mất nhiều máu, Trung đội trưởng điểm danh từng người rồi phổ biến: “Quân địch đã vây kín, với số anh em bị thương nặng thế này, chúng ta không thể đột phá vòng vây được. Không còn cách nào khác, phải cố giữ bằng được trận địa chờ quân ta tiếp viện”. Trung đội trưởng nhìn một lượt, rồi tiếp: “Bây giờ tranh thủ chăm sóc anh em bị thương, mọi người ăn nghỉ ngay tại công sự của mình để lấy lại sức. Khi có địch là lập tức đánh trả được ngay. Đêm tối, địch có thể không dám tấn công ồ ạt nhưng phải hết sức cảnh giác, đề phòng chúng đột kích bất ngờ. Tôi phân công hai tổ cắt cử anh em thay phiên nhau canh gác. Cụ thể: Tổ một hướng Đông, Bắc. Tổ hai hướng Tây, Nam”.

Mọi người lặng lẽ trở về. Trạm nhìn lướt qua tờ giấy phân công gác thấy mình ở hướng Đông Bắc, Lương hướng Tây Nam, thầm nghĩ, hướng Đông Bắc tiếp giáp với biên giới, địa hình dốc đứng hơn Tây Nam, sẽ ít địch.

Gần chín giờ đêm, trời đen đặc, gió buốt bắt đầu ngấm vào da thịt sởn gai ốc. Lấy chiếc chăn chiên ra quấn chặt quanh người, Trạm co quắp như một bào thai trong công sự, đôi mắt ríu lại thiếp đi. Trong giấc ngủ Trạm thấy người yêu đang cùng những nữ sinh trong tà áo dài trắng thướt tha thấp thoáng bên hàng phượng vĩ đỏ rực dọc con đường tới trường. Đôi mắt thẳm sâu, chiếc mũi dọc dừa cao thẳng băng trên đôi môi hồng chúm chím, bàn tay nõn nà, thon dài vẫy vẫy Trạm. Hồ Tây thoang thoảng gió. Mặt nước lóng lánh ánh vàng, rung rinh… Bất chợt một bàn tay vỗ nhẹ vào người khiến Trạm bừng tỉnh. Trạm như người mất hồn miễn cưỡng ngồi dậy.

- Đến phiên gác của ông. Phải hết sức đề phòng, cảnh giác nhé! - Người trực vừa nói vừa đưa tờ giấy phân công gác và chiếc đèn pin cho Trạm.

Trạm để nguyên cả chiếc chăn chiên trên mình rồi ôm khẩu súng đi ra. Trời đêm mênh mông, âm âm u u, gió hun hút lạnh, côn trùng rả rích, tiếng chim đêm khắc khoải, đom đóm lập loè… Lạ kì thế, bom, đạn như mưa sa, bão táp không chừa một chỗ nào vậy mà chúng chẳng hề hấn gì. Một mình giữa mênh mông của núi rừng u linh với cái thanh âm ru hồn, thê lương ấy càng làm Trạm trống vắng, cô quạnh. Ý nghĩ quân địch đông gấp bội đang bao vây bốn phía, lực lượng, đạn dược ta cạn kiệt, quân chi viện biết bao giờ mới đến cứ quẩn trong đầu.

Đang học năm thứ hai tại một trường đại học danh giá ở Hà Nội, Trạm được lệnh nhập ngũ. Mọi chuyện đến quá nhanh, chỉ sau chưa đầy một ngày đêm trên chiếc xe Zin 157, Trạm đã có mặt tại một vùng rừng núi phía Bắc. Buồn. Buồn đến não ruột. Từ một chàng sinh viên đầy khát khao, mơ mộng ngày hai buổi cắp sách đến giảng đường với nhịp sống phố phường bộn bề, hối hả, giờ đây trước mắt Trạm là núi rừng trùng điệp, âm âm, u u, suốt ngày khói mây bao phủ, dập dờn trôi như giữa trùng khơi. Lính tráng tập luyện riết ráo không kể ngày đêm, mưa nắng. Hết học đội ngũ, bắn súng đến chiến thuật, lăn lê, bò toài... Quần áo lúc nào cũng thấm đẫm mồ hôi, vá lỗ chỗ, phơi mấy ngày chưa khô. Trời lạnh như cắt da cắt thịt vẫn phải vượt sông, lội suối. Chẳng đêm nào không hành quân dã chiến hoặc báo động có địch, có đêm hai, ba lần. Với cường độ chóng mặt, lính tráng thở không ra hơi để rồi sau gần hai tháng, chẳng được nghỉ ngơi, họ được bổ sung ngay cho đơn vị chốt tiền tiêu. Cả trường đợt ấy nhập ngũ hơn năm mươi đứa, nhưng chỉ có Trạm và Lương được biên chế cùng một trung đội tại điểm chốt K.

Mình phải rời khỏi nơi này, đây là cơ hội duy nhất để có thể sống sót. Ý nghĩ ấy lóe lên trong đầu Trạm. Chỉ ngày mai, địch sẽ chiếm được trận địa chốt, lúc đó… Trạm liếc vào phía trong. Tất cả đều ngủ say như chết sau một ngày chiến đấu căng thẳng. Có tiếng ú ớ sau đó rú lên rồi nghẹt lại è è như bị ai bóp cổ của người nào đó nằm mớ khiến Trạm khẽ co người sâu vào chăn. Trạm rùng mình, gai ốc sởn khắp người. Hệt lúc phát hiện địch tấn công, tay Trạm lập cập khiến khẩu AK suýt rơi khỏi vai. Lại dòng nước nóng ri rỉ ở đùi. Trạm nhớn nhác lách người khỏi vọng gác. Tiếng báng AK va vào bao xe có hộp tiếp đạn cạch cạch rót vào đêm. Chân Trạm ríu lại. Tiếng vang ấy khiến Trạm tỉnh ra. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu: Luồn rừng mà mang AK sẽ vướng, dễ lộ, lại nặng nữa, khó cơ động. Trạm liếc về phía hầm Trung đội trưởng, trong đầu chợt hiện lên khẩu K54 với vết xước đạn phía trên ngôi sao chỗ tay cầm đẫm máu mà chính Trạm đã đỡ lấy nó để băng bó bàn tay bị viên đạn AK xuyên qua của Trung đội trưởng. Rón rén ngược lại nơi công sự chỉ huy, ánh đèn pin bằng hạt đỗ vừa đủ để Trạm xác định chỗ khẩu K54 cùng mấy hộp tiếp đạn đặt cạnh khẩu AK báng gấp. Éc… éc. Tiếng chim lợn bỗng rít lên phía trên núi. Hèm.. hèm… Trạm giật bắn, run lẩy bẩy khi trung đội trưởng bỗng há miệng hắng mấy cái để đẩy cái nghẹt khói đạn trong họng ra. Rất may, chỉ một chút, tiếng ngáy nhè nhẹ lại vang lên. Nín thở, Trạm thò tay lấy khẩu K54 cùng mấy hộp tiếp đạn đút vào túi rồi bò ngược ra.

Trạm nhòa vào đêm buốt giá. Bầu trời vời vợi lác đác vài vì sao mờ nhòa xa tít cùng. Tiếng nước róc rách chảy, tiếng chim rừng ăn đêm rinh rích, tiếng cây lá xao xác gió mang theo cả mùi thuốc súng khen khét. Trạm chết lặng khi nghe tiếng bước chân nhanh như thú rừng, tiếng người xì xầm. Hình như chúng là lính sơn cước đang tổ chức đột kích theo hướng Trạm trốn xuống… May mắn đã đồng hành khi Trạm nín thở ép mình trong một khe đá chờ chúng đi qua. Cuối cùng, Trạm cũng thoát khỏi khu đồi cao chết chóc trong nỗi khiếp sợ.

Chợt tiếng AK nổ rền rã phía đỉnh chốt.

Không dám quay đầu lại, Trạm mò mẫm lách qua những bụi rậm đầy gai, bãi đá nhọn, băng suối, vượt đèo. Quần áo ướt sũng, mặt mũi tươm máu, người mệt lả, đôi chân dại tê nhưng Trạm không dám dừng lại, cố gắng càng xa chỗ tiếng súng nổ càng tốt. Trời sáng hẳn, gió se se thổi, ánh nắng le lói xuyên qua những vòm lá xanh rì còn đẫm sương đêm. Trạm thực sự kiệt sức, nhìn thấy tảng đá to ở trước mặt, Trạm tựa lưng vào đó định nghỉ một chút rồi chạy tiếp. Cái lạnh thấm vào da thịt tê buốt, Trạm thấy ngây ngấy trong đầu, tất cả trước mắt cứ mờ dần, mờ dần… 

* * *

Trước khi kết thúc khóa học, Lớp bồi dưỡng có chuyến đi thực tế ở tỉnh Lạng Sơn. Địa điểm là cây hương tại một quả đồi nằm gần biên giới nơi đã diễn ra trận đánh quyết tử, không cân sức của bộ đội ta trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Với lực lượng chỉ một trung đội bộ binh, nhưng đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường với một trung đoàn chính quy của địch ròng rã hơn một ngày đêm. Người giới thiệu là một quân nhân đã lớn tuổi, dáng người khắc khổ, nhưng đôi mắt sáng trong, anh vừa kể vừa rưng rưng, nghẹn ngào: Hôm ấy, tôi ở bộ phận đến cứu viện. Chúng tôi đã đến chậm so với địch mất một đêm… Trên đường hành quân tới chốt, chúng tôi gặp một người quần áo rách bươm, toàn thân xây xước máu kiệt sức nằm ngất xỉu bên tảng đá. Đó là người lính duy nhất của trung đội rút khỏi điểm chốt an toàn khi địch đột kích, còn lại, tất cả đã anh dũng hi sinh. Một trung đội ta, đấu với một Trung đoàn địch khiến chúng thất điên bát đảo. Sau khi chiếm lại được chốt, chúng tôi phát hiện ở một hố đạn pháo to nhất, vương vãi rất nhiều bộ phận thi thể bị mìn xé của bộ đội ta. Nó chính là chỗ của ngôi mộ này. Mãi đến những năm gần đây, anh em chúng tôi mới có điều kiện xây thành cây hương để khách thập phương vào viếng.

Hắn đứng chết lặng, mặt cúi gằm. Trong suốt những năm tháng qua, hắn cố tìm mọi cách để chạy trốn, che lấp nhưng cuối cùng hắn cũng không thoát khỏi cái quá khứ hư hoại, tội lỗi của mình. Và hôm nay, hắn không ngờ lại quay về ngọn đồi định mệnh với ngôi mộ tập thể này. Hắn liếc nhìn lên tấm bia ở cây hương. Những dòng tên xếp thành đội ngũ khắc tạc trên đó biến thành những đôi mắt nhìn hắn khinh miệt. Hắn rùng mình, từ đầu đến chân tê rần, chới với kiệt sức. Những đôi mắt lẳng lặng rời khỏi ngôi mộ, xếp thành một vòng tròn, chiếu ánh nhìn xuyên qua hắn như những vạch đạn. Pằng. Pằng pằng pằng. Hắn thấy trong đầu rất nhiều tiếng nổ. Quay cuồng, chới với hắn đổ sập xuống.

 * * *

Một thời gian sau, nơi cây hương có ngôi mộ liệt sĩ tập thể trên ngọn đồi gần sát biên giới (Cao điểm K), người ta thấy có một người đàn ông suốt ngày lúi húi dọn cỏ xung quanh, chăm chút, thắp hương rồi quỳ lặng hàng giờ. Có người bảo người đàn ông ấy sau một cơn chấn động tinh thần quá lớn nên bị bệnh tâm thần, giờ lên trên này chăm mộ đồng đội để tĩnh dưỡng. Có người nói rõ hơn, người đàn ông ấy là một Giám đốc doanh nghiệp nhà nước rất giàu có ở một tỉnh dưới đồng bằng nhưng không hiểu sao lại nghỉ việc rồi lên xin thầu bảo vệ toàn bộ cánh rừng và chăm sóc khu mộ liệt sĩ tập thể ở đó. Ông ta trồng thêm rất nhiều đào mận. Năm nào cũng vậy, mỗi khi xuân đến ở cây hương luôn có những cành đào, cành mận đẹp nhất rực rỡ hoa.

                                                                                                         V. X

Văn Xương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 331

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground