Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mai Hiên ngông cuồng

T

hực ra tên chị là Mai Thị Hiên, nhưng cùng phòng làm việc của chị cũng có một chị Hiên nữa, Lê Thị Hiên, nên mọi người gọi các chị là Mai Hiên và Lê Hiên cho tiện. Dần dà, ai cũng gọi theo. Thoạt đầu, mới nghe mọi người gán cho mình cái tên ấy, chị cũng ngường ngượng khi trả lời, cứ như mọi người vừa mới đặt cho chị một cái tên mỹ miều, chứ không phải vẫn cái tên của chị chỉ bớt đi chữ “thị”. Sau chị cũng quen đi. Và rồi hình như, hoặc là, Vân giàu trí tưởng tượng hơn mọi người, cô nhận thấy: cứ gọi chị là Mai Hiên thì tự chị lại trở nên mềm mại, dịu dàng, đầy vẻ phụ nữ. Còn gọi chị là “Hiên” không cụt lủn, thì vẫn là chị lại bỗng trở nên cứng nhắc và rắn đanh lại như một khẩu súng trường. Có lẽ cánh đàn ông phát hiện ra điểm đó sớm hơn cánh phụ nữ. Họ luôn miệng: “Em Mai Hiên ơi! Em Mai Hiên hỡi!” khi có việc gì cần nhờ đến chị. Ngay cả những cậu thanh niên chưa có vợ, có khi còn kém chị đến dăm bảy tuổi, cũng a dua theo. Nghe nói đường tình duyên của chị cũng đầy trắc trở. Chị rất hết lòng với giới mày râu, nhưng tụi đàn ông thường chỉ tòm tem với chị dăm bữa, nửa tháng, hứa hươu hứa vượn một hồi rồi biến mất.

Sau này, khi sự việc đáng tiếc xảy ra. Vân vẫn còn như thấy hiện ra trước mắt mình, rõ mồn một cái căn phòng bé xíu đó. Chị Mai Hiên một thân, một bóng ở gác xép tầng bốn, sát sân thượng. Hôm đó, nhà có khách. Vân đi ngủ nhờ nhà chị Mai Hiên. Hai người nằm úp thìa trên chiếc giường một. Khoảng nửa đêm, cô bỗng tỉnh giấc vì những tiếng thì thầm to nhỏ. Vân mở mắt ra nhìn, và thắt cả tim vì sợ hãi trước cảnh tượng đang diễn ra. Chị Mai Hiên đang ngồi sừng sững nơi cuối giường. Lúc ấy, bóng tối nhạt nhoà trong phòng. Trăng nghiêng chênh chếch qua cái khuôn cửa sổ nhỏ, chiếu xéo một luồng sáng, in lên trần nhà một mảng sáng to bằng hai trang báo. Nổi lên lồng lộng giữa khung cảnh mờ ảo ấy là khuôn mặt hư hư thực thực nhưng không thể nhầm lẫn được với bất cứ một khuôn mặt nào khác bởi một nốt ruồi to bằng hạt đậu xanh ngay giữa sống mũi gần sát trán của Mai Hiên. Chiếc nốt ruồi trên sống mũi cao thanh tú làm cho khuôn mặt chị lúc ánh lên một vẻ lạnh lùng, kiêu kỳ, sắc sảo như có một con mắt thứ ba xuyên thấu tâm can những người đối thoại, lúc lại làm cho khuôn mặt ấy tối sầm lại như một dấu ấn riêng quy định nỗi bất hạnh cho một số phận.

“Sao mà ta cô độc thế,- Mai Hiên bỗng thốt lên- Ta cô độc từ tháng này sang tháng khác. Đơn độc không phải chỉ từng ngày, từng giờ, mà còn đến từng phút giây, từng ý nghĩ. Nỗi cô quạnh cứ ngày một thêm quánh đặc… Ta khát khao đến một xáo đổi, một tiếng động bỗng vang lên trong căn buồng lạnh lẽo trống trải của ta, mỗi khi đi làm về…- Giọng Mai Hiên bỗng trở lên rờn rợn như trong cơn mê sảng-… Lẽ nào tôi không ở trong quy luật của muôn vàn sinh linh cây cỏ? Ta không bằng muông thú, ta chỉ có nửa mình. … Lẽ nào người tôi đợi lại nằm trong số hàng ngàn người con trai bỗng vĩnh viễn rời khỏi cuộc đời trong cuộc chiến tranh ác nghiệt, chẳng còn đến gặp được tôi như duyên kiếp đã định, bỏ mặc tôi lang thang trong cõi sống, đi tìm anh cả cuộc đời? Ôi, cái giấc mơ khủng khiếp! Cứ luôn luôn đơn độc đứng trước hoàng hôn là nỗi hãi hùng không biết đã lặp đi lặp lại bao lần. Mỗi lần choàng dậy được, mình lại sợ hãi đến cùng cực. Thực tế thì từ giấc mơ đến sự thật cũng không xa. Căn buồng này như một cái hộp, ngăn cách mình với mọi người..” Mai Hiên lại lầm rầm, lầm rầm, thì thào, thì thào.

Từ lúc nào, ánh trăng đã lùi qua góc đình màn, đến lưng chừng bức tường, chiếu một luồng sáng như dọi đèn pha vào chị, như một đoạn cận cảnh trong phim, sáng từ ngang vai Mai Hiên lên đến tận đỉnh đầu. Cả khuôn mặt chị trên chiếc cổ thon thả nổi lên trên nền tóc đen như dài ra, trắng nhợt. Trong ánh trăng, dường như… chị không có tuổi, những vết nhăn nơi vầng trán, khoé mép chìm mờ. Chiếc nốt ruồi bí ẩn lại ánh lên kiêu kỳ. Đôi mắt lùi sâu vào sau hàng mi đậm đen hướng nhìn vào mặt trăng với một vẻ buồn bã, mơ mộng, xen một nét gì man dại khó hiểu. Vân cảm thấy rờn rợn nơi gáy. Hình như người phụ nữ trước mặt không còn là chị Mai Hiên quen thuộc hàng ngày, vẫn ăn nói một cách bỗ bã, bốp chát nữa, tuy vẫn mặc bộ đồ trắng chấm hồng, cái bộ đồ cô đã mua hộ chị Mai Hiên trong chuyến đi công tác miền Nam lần trước. Hình như Mai Hiên đang nói hộ chính trái tim của chị ấy hoặc là đang nói với một cái gì đó ngoài tầm nhìn thấy của cô, như đang nói với không trung, với cái vĩnh hằng so với cuộc đời ngắn ngủi của con người trên mặt đất. “Hôm qua…- Giọng Mai Hiên lại đều đều, rành rọt vang lên trong không gian tĩnh lặng-… mình tỉnh dậy giữa lúc mưa to. Lúc đó, chưa bao giờ mình lại cảm thấy một cách rõ rệt đến thế chiều cao của căn buồng so với mặt đất. Mình cố kéo nó xuống, cố níu xuống, cố tự bảo mình rằng nó cách mặt đất chỉ khoảng mười bốn, mười lăm mét thôi. Và bên dưới căn buồng này là cả một toà nhà trong đó có bao nhiêu người vẫn đang sống. Vậy mà không. Giữa tiếng mưa tuôn âm âm, tiếng nước đập rào rào vào mặt kính cửa sổ, mình cứ thấy căn buồng bay lơ lửng giữa trời. Không dừng được, mặt đất cứ trôi tuồn tuộn tuột dưới mình. Y như mình đã bị đẩy ra khỏi trái đất. Lúc đó, mình ao ước có bên cạnh một người đàn ông vững vàng, có đủ ý chí và sức mạnh để che chở cho mình. Để mình có thể an tâm, nép đầu vào ngực người đó mà khóc cho khuây khoả…” Vân không hiểu Mai Hiên đã phát điên lên vì cô độc hay chị ta đã từng là ma quái. Có muốn hét lên vì sợ hãi. Nhưng cả hàm cô cứ cứng lại, không thốt nổi lên lời. Chân tay cô nặng trịch. Cô cảm thấy ngột ngạt quá. Rồi có lẽ cô đã ngất đi…

Sáng hôm sau cô dậy rất muộn, đầu cứ ong ong. Vội đi làm, cô cũng quên đi những chuyện đã xảy ra trong đêm. Sau này, lúc vui chuyện nhớ lại cô kể cho chồng nghe. Chồng cô cười sặc sụa rồi đùa cợt “Chắc em thấy chị ta đẹp quá, sợ anh sẽ mê, nên doạ chị ta là yêu tinh cho anh sợ chứ gì?” Cô phật ý: “Theo em, có lẽ tâm thần chị ấy không được ổn định. Nghe nói hồi trong chiến trường, cả tiểu đội thông tin con gái của chị ấy đều bị bom vùi chung trong một hầm, người ta chỉ bới ra và cứu sống được mỗi chị ấy. Nghĩ cũng tội. Quê quán thì xa. Hình như còn đi quá Kỳ Anh những gần trăm km. Cũng lạ, chẳng thấy họ hàng đến thăm nom bao giờ! Nghe đâu chị ấy mồ côi từ bé, lại là con một”.

Thực ra, Mai Hiên cứ tự gò mình vào nỗi cô đơn hiu quạnh đấy chứ. Riêng trong khu tập thể này, nữ quân nhân xuất ngũ và nữ thanh niên xung phong không kể chị Mai Hiên còn có ba chị nữa. Chị Hoa, bộ đội phục viên, ba mươi sáu tuổi mới lấy một ông thiếu tá cùng quê. Ông đã về hưu. Buồn một nỗi, tuy đã lấy nhau nhưng ông vẫn ở quê làm vườn, còn chị Hoa ở Hà Nội. Cứ thứ bảy hàng tuần, chị Hoa lại đạp xe đạp mười bảy km về thăm ông: “Vất vả thì cứ kể lể thế thôi, chứ trong cái khổ cũng có cái vui- Chị nói vậy- méo mó có hơn không!”. Cái vui của đàn bà kể cũng lạ: chỉ cần có ai đấy để mà chăm sóc, mà chiu chắt, vất vả vì người ta. Chẳng cần gì hơn là cảm thấy mình cũng có ích cho một ai đấy. Thế ra chị cũng hạnh phúc lắm đấy chứ. Vậy mà mọi người cứ nhìn chị bằng con mắt ái ngại, đầy “cảm thông”. Chị Thuý thì khác. Chẳng ai dám hé miệng một điều gì về chị. Năm nay chị ấy đã ba mươi lăm tuổi. Chẳng phải không có điều gì để mà nói, mà là nhỡ ra lời nói gió đưa, chị ấy lại xông thẳng đến nhà mà xỉa xói cho thì khốn. Đến bà vợ ông nhân tình của chị ấy đến đánh ghen mà còn phải kinh hồn bạt vía bỏ chạy nữa là. Chỉ có điều ông ta cũng mất hút luôn theo bà vợ. Đã mấy tháng rồi, chẳng ai thấy tăm hơi ông ta đâu nữa. Chị Xuân lại an phận thủ thường, đi xin cô em gái một đứa cháu về làm con nuôi. Nhưng thằng nhóc Toản thật là mất dạy. Suốt ngày nó hạch sách, đòi hỏi chị đủ điều. Toản là một nỗi kinh hoàng thất đảm cho tất cả các loại súc vật, gia cầm của khu tập thể. Chính Vân đã có lần chứng kiến tận mắt chú mèo con nhị thể của mình đang kêu gào thảm thiết trong chiếc xô cao bằng tôn, với những con cua bê bết bùn đất lủng lẳng trên mình. Còn thằng nhóc chín tuổi có chiếc trán dô vĩ đại dưới mái tóc đỏ quạch, một tay giúi con mèo xuống không cho nó nhảy ra khỏi xô cua, một tay cầm que tre kẹp xóc cua vung lên nhịp nhịp vẻ mặt rất trang trọng như đang làm nhạc trưởng. Nỗi đau đớn hãi hùng đến nỗi chú mèo con bây giờ hễ thoắt thấy bóng dáng của thằng Toản là y như rằng lại đi đứng cóm róm, mặt mũi hốt hoảng, trông đến tội. Chị Xuân cứ cầm roi lên là lại nhớ ra nó là con của em gái mình.

Đối với Mai Hiên những cách sống như trên là không thể nào chấp nhận được. Còn cái chuyện “đi kiếm một đứa con” mà báo chí dạo này đang ra sức gây dư luận nhằm ủng hộ và giúp đỡ những phụ nữ quá lứa nhỡ thì, với chị là một giải pháp hết sức mơ hồ và gây xúc phạm. “Kiếm à? Với ai mới được chứ?- Có lần nghe Vân hỏi, chị đã nhếch mép giễu cợt.- Những người tử tế thì người ta còn phải yêu vợ người ta. Với cái quân không tử tế thì lại đẻ ra cái quân không tử tế. Pháp luật cho phép đi kiếm con, nhưng pháp luật lại không cho phép được ngoại tình. Vả lại pháp luật là một chuyện còn dư luận lại là chuyện khác. Người ta không nói thẳng ra, không chê trách, nhưng sống trong ánh mắt thương hại của toàn thể mọi người thì cũng thê thảm lắm. Lại còn đứa con tương lai của mình nữa chứ? Nó có muốn một đứa trẻ không cha không? Quyền làm mẹ ở đây dĩ nhiên là nhân đạo với người mẹ, nhưng lại không nhân đạo với đứa bé…” Lúc ấy Vân thầm nghĩ: Bà này đến là lạ. Cách nào bà ấy cũng chê được. Thế bà định giải quyết thế nào chứ? Thực tế mình đang khốn khổ lại cứ viển vông: Con cái sau này ra sao? Ôi dào đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, hơi đâu mà lo đến đời cu ti cu tỉ cơ chứ! Chắc bà lại mơ cao chứ gì? Còn xuân sắc gì nữa đâu cơ chứ! Bốn mươi tuổi đến nơi rồi.

Một lần cô rụt rè hỏi: “Nếu em không nhầm thì chị cũng đang có một người đeo đuổi phải không ạ? “Ai cơ?- Mai Hiên ngoắt lại nhìn Vân với ánh mắt ngờ vực, soi mói- “Vân muốn nói đến cái lão Thi Phát ở trên Ban thanh tra tổng cục hồi trước đấy à?” Vân giật mình hãi hùng. Thôi chết kiểu này bà ấy tự ái rồi. Cô muốn co rúm, thu nhỏ người lại trước đôi mắt ánh lên vẻ vừa khinh miệt vừa thương hại của người đàn bà. Nhưng không hiểu sao, cô không cử động nổi đến từng ngón tay. Cả người Vân cứ trơ ra chềnh ềnh trước mặt Mai Hiên. “Vân cũng nghĩ như mọi người à? Vân cho rằng người ấy có thể bù đắp được những nỗi mất mát của mình? Người ấy có thể che chở cho cái thần kinh vốn đã bị chấn thương do chiến tranh của mình thoát khỏi những cơn mộng mị ghê rợn? Người ấy có khả năng ấy không? Vân hãy trả lời mình đi xem nào? Vân lặng thinh, cô chẳng thể trả lời được điều gì. Vân biết nói gì với người đàn bà đã lỡ thì mà vẫn còn nhiều tham vọng yêu đương cơ chứ? Đành rằng về nét chị ấy còn đẹp hơn Vân. Có lẽ thời trẻ Mai Hiên cũng thuộc loại sắc nước hương trời chứ chẳng thường đâu. Nhưng những nét đẹp đẽ, sắc sảo của tuổi trẻ thường lại trở nên tàn nhẫn, độc địa cho tuổi già. Những nét thanh tú, mảnh mai qua năm tháng thường biến thành nhọn hoắt, xương xẩu vì mất đi da thịt mỡ màng của tuổi thanh xuân. Mặt chị Mai Hiên giờ đây đã bắt đầu lờ mờ xuất hiện những ngoặc đơn, ngoặc kép nơi khoé mắt, viền môi. Chẳng lẽ cô lại dám nhẫn tâm nói với chị rằng chị đã già rồi, chẳng còn xuân sắc gì nữa, rằng cái thời của chị đã qua rồi. Một người dù bét dem nhất trong số những người đã từng say mê ngưỡng mộ chị thời xa xưa, nay cũng có quyền đeo đuổi một cô trẻ hơn chị đến mười lăm, hai mươi tuổi mà chẳng ai chê cười. Đời là vậy. Về thời gian, đàn ông bao giờ cũng lợi thế hơn đàn bà. Chẳng lẽ chị lại không thể tự hiểu nổi điều hết sức bình thường đó. Với tuổi bốn mươi trong năm tới, chị đã bước vào tuổi làm bà của những cô có con sớm.

Mai Hiên buồn bã tiếp: “Mình biết là Vân không muốn nói thật ý nghĩ của Vân. Vân này, đã bao giờ Vân cảm thấy bị sỉ nhục vì được một người nào đó yêu chưa?”. Trong óc Vân quá khứ vụt loé lên như ánh chớp. Trong tích tắc, một sự kiện với đầy đủ hình ảnh, màu sắc, âm thanh, niềm vui ngây thơ, cùng nỗi luyến tiếc một thời son trẻ cùng ùa đến. Mới đó mà tưởng như đã xa xưa lắm rồi. Cô bật cười nhỏ: “Rồi chị ạ. Hồi đó em mới hai mươi mốt tuổi. Bao nhiêu anh chết mê chết mệt mà không dám thổ lộ tâm tình. Anh Tiến nhà em bấy giờ chỉ là một kỷ sư quèn trong đám vệ tinh ấy. Vậy mà có một thằng tâm thần, vô công rồi nghề cứ theo em lẵng nhẵng khắp nơi. Trong thì lôi thôi, lếch thếch, mũi lại thò lò. Mỗi lần em ngoái nhìn lại thì nó lại đứng đực ra, mắt đờ đẫn trông như mắt bò, đến ngớ ngẩn. Em không tài nào làm gì được, mà cũng chẳng có cớ gì để mắng mỏ, xua đuổi. Anh ta cứ đi theo như vậy thôi, cách một quãng xa xa, như một tên mật thám, đủ để em không thể thoát khỏi. Em xấu hổ và tủi cực muốn chết đi được, khi bọn bạn em phát hiện ra em chính là thần tượng của hắn. Còn may là bọn chúng cũng tế nhị không bao giờ đùa cợt về chuyện ấy. Về phần mình, sự ngưỡng mộ của hắn cứ làm cho em cảm thấy bị một vết nhơ về lòng tự trọng”.

Mai Hiên ngắt lời “Thế thì chắc Vân cũng hiểu mình. Vậy mà mọi người lại cứ hùa vào: Được đấy. Thôi thế là ổn rồi. May mà gặp được ông Thi Phát đấy”. Vân chêm vào: “Vâng, mọi người đều tiếc khi chị đập bàn đuổi anh ấy ra khỏi nhà. Họ bảo rằng nếu chị đừng làm vậy thì may ra đã lấy được chồng rồi”.

Đang thật thà kể lể, Vân bỗng hoảng sợ, im bặt. Mai Hiên đang cắn chặt môi, hai tay vòng lên bấu lấy hai vai, người run lên nhè nhẹ. Mãi sau chị mới nói, giọng nghẹn ngào: “Mọi người chắc cũng đều muốn tốt cho mình thôi. Nhưng anh ta là ai mới được chứ? Trước đây là một gã nhờ viết được chữ đẹp, bay bướm mà được vào làm cái chân sao chép hồ sơ của Ban thanh tra. Chỉ có thế mà đi đâu cũng khoe mình là cán bộ thanh tra. Rồi nay bỗng nhiên lại tự cho mình là một nhà thơ thiên tài mà mọi người chưa nhận ra. Anh ta xin nghỉ việc để có thể dốc hết sức lực vào phụng sự sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ. Ngay hôm đầu tiên bước vào nhà, anh ta đã nói rằng có người bảo ở đây có một người phụ nữ có thể đáp ứng được những yêu cầu của anh ta . Người đó có thể lo toan hết tất cả những chuyện vặt vãnh của đời thường, không hề đòi hỏi một điều gì ngoài chuyện được cưới làm vợ. Anh ta nói rằng: “Tôi sắp thành công rồi. Tất cả các phòng hành chính trị sự của các nhà xuất bản, các toà soạn báo đều đã có những bản thảo của tôi gửi đến. Tôi sắp bận lắm. Tôi cần phải có một người giúp việc, lo lắng những chuyện cơm nước, củi lửa vớ vẩn… Dù biết rằng cô đã từng yêu người này, người kia rồi bị bỏ rơi. Có thể cô cũng chẳng còn trinh nữa. Nhưng về hình thức, trông cô cũng xinh. Lại có cả công ăn việc làm đàng hoàng nữa, tôi không có gì phải lo lắng cho cô cả. Vì thế, tôi sẵn sàng bỏ qua quảng đời hư hỏng của đời cô thời trẻ- Anh ta chậc lưỡi- Tuổi trẻ, a dua, đua đòi là chuyện thường tình!” Khốn kiếp! Anh ta là cái thá gì mà dám phán xét cuộc đời tôi cơ chứ. ừ thì tôi đã có người này, người kia đấy. Nhưng người ta lừa tôi thì tôi có tội à? Anh ta, một tên trốn nghĩa vụ quân sự, anh ta biết gì về những ngày ở Trường Sơn của tôi? Những ngày, có lẽ là tôi đã sống một cách có ý nghĩa nhất, những ngày là niềm tự hào của tôi. Tôi mắng thẳng vào mặt anh ta: “Nói để cho anh biết: Cuộc đời của tôi, có thể anh cho là ngông cuồng, ngu dại, song đối với tôi, nó không có một quãng nào đáng bỏ đi cả. Mà dù sau này nếu có, thì tôi cũng chẳng nhờ đến cái mặt anh bỏ qua cho tôi. Tôi không phải là hạng cố kiếm lấy một người đàn ông gọi là cho có chồng, đến nỗi phải vơ bèo vớt bọt mà lấy…”

Vân kiên nhẫn lắng nghe Mai Hiên bộc bạch tâm tư. Cô không dám ngắt lời chị, cũng không dám nhìn vào mặt chị. Tình yêu! Tình yêu! Nào có ai cấm chị được yêu đâu? Thì chị cứ yêu đi, nếu chị gặp được người đáng để yêu. Nhưng với ba mươi chín tuổi, ai dám bảo rằng chị cứ đợi rồi tình yêu sẽ đến, trong cái thời buổi sau chiến tranh, đàn ông hiếm hơn đàn bà này. Thật viễn vông! Vả lại ngay cô đây, trẻ trung tươi mát thế này, cũng đâu phải là đã hoàn toàn mỹ mãn trong hôn nhân. Trước khi lấy chồng, cô chỉ thấy ở Tiến một sự đảm bảo vững vàng cho cô một chỗ làm trong cái Bộ giao thông vận tải này. Dẫu là trái ngành trái nghề còn hơn là phải xa Hà Nội.

Nếu cô lấy Tiến, ông bác của anh sẽ nhận cô vào cơ quan của ông. Đành rằng cô cũng có cảm tình với anh, một người hiền lành, chu tất trong sinh hoạt hàng ngày. Song cũng không thể chối cãi rằng chính cái chỗ làm việc êm ái mà anh đã đề xuất sau mấy lần gặp gỡ, đã đánh đổ tất cả những chàng trai thông minh hào hoa, nhưng lại vô tích sự trong cái vấn đề quan trọng bậc nhất này. Sau đám cưới thì lại là con cái. Tiếp đến là hàng vạn những lo toan vụn vặt hằng ngày phải nghĩ tới để đảm bảo cho cái gia đình bé nhỏ này trụ được giữa một xã hội vẫn còn vô vàn những khó khăn thiếu thốn.

Cô có còn thì giờ nghĩ đến tình yêu không? Cô có yêu Tiến không? Hay cô chỉ cần Tiến kiếm chỗ làm cho cô ở Hà Nội? Vậy, cô có tình yêu không? Chẳng hoá ra cô cũng không hơn gì chị Mai Hiên là mấy. Chỉ có khác là cô thì bám chặt lấy cái ao tù, còn Mai Hiên thì mơ ước được vùng vẫy nơi biển khơi. Cô thì hết cách rồi. Đối với cô, giờ đây con cái mới là vấn đề thiết yếu nhất. Vả lại cô cũng chẳng có đòi hỏi gì ghê gớm lắm. Cô hoàn toàn bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Có chăng cũng chỉ là mong muốn đời sống vật chất khấm khá hơn. Từ nay cô sẽ để ý trong đám người quen xem có ai chưa vợ phù hợp với chị Mai Hiên không. May ra, cô sẽ mang lại được niềm vui và hạnh phúc cho người phụ nữ ngang ngạnh có tâm hồn rộng lớn ấy chăng.

Cái đêm lạ lùng ấy rồi cũng nhanh chóng nhoà mờ trong óc Vân. Những ý nghĩ tự hẹn sẽ giúp Mai Hiên cũng chưa có lúc nào rảnh để thực hiện được. Thằng Hoan, con trai cô hết ho gà, lại lên sởi… Vân cứ tất bật hết ngày này sang tháng khác. Thỉnh thoảng, cô vẫn gặp Thi Phát đi vào khu tập thể này. Nghe đâu bọn trẻ con bàn tán với nhau là anh ta đang bị ai đó thách đố “cưa đổ cô Mai Hiên”. Chúng còn nói rằng ngày nào “Thi Phát Hâm” cũng mang một bông hoa đến nhà cô Mai Hiên. Hoa và một bài thơ tình. “Mỗi ngày chú ấy làm một bài thơ tình và gọi cô Mai Hiên là “Niềm cảm hứng bất tận của lòng tôi”. Anh ta đọc những bài thơ đó cho lũ trẻ nghe. Tụi nhỏ nhớ bập bõm vài câu và nghêu ngao khắp khu tập thể. Những lúc anh ta đến, bọn trẻ nhâu nhâu chạy đến trước cửa phòng Mai Hiên báo cho chị biết trước “Thi Phát Hâm- người cầu hôn đang đến!”

Hôm nào cũng vậy, anh ta tần ngần đặt bông hoa lên trên bài thơ tình nơi thành cầu thang trước cửa phòng chị, đứng ngẩn ngơ trước cánh cửa khép chặt một lát, rồi ra về, bụ theo sau là một lũ trẻ con rồng rắn, cười đùa trêu chọc nhau, trêu chọc anh ta ầm ĩ. Đầu têu lại vẫn là cái thằng Toản tóc đỏ ấy: “Chú Thi Phát ơi! Cô Mai Hiên đồng ý chưa?” “Chú nhà thơ lớn ơi! Chú Thi Phát ơi! Cô Mai Hiên bảo bao giờ thì làm đám cưới?” Anh ta chỉ quay lại cau mặt đe doạ chúng với một vẻ chẳng có gì làm cương quyết và đáng sợ cho lắm, khiến bọn trẻ như càng bị kích thích, càng trở nên hỗn xược và đùa bỡn với anh ta như cá mè một lứa. Đám người lớn, lúc hùa theo, lúc lại chép miệng: “Cái nhà chị Mai Hiên, già rồi mà chẳng nghĩ đến tương lai gì cả. Thì cứ ừ đi kiếm lấy đứa con mà nương tựa tuổi già chẳng hơn ư?” “Anh ta tuy thế nhưng là người tốt, không cờ bạc, rượu chè gì cả. Anh ta lại yêu thương mình nữa. Như thế chẳng hơn là lấy một thằng tồi tệ nào đó bất cứ lúc nào cũng có thể thượng cẳng chân, hạ cẳng tay à?”. Các bà già chặc lưỡi: “Thời mới bây giờ các anh các chị chỉ vẽ, chứ thời chúng tôi ngày xưa ấy à, chẳng có yêu đương gì sất. Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nồi tròn thì úp vung tròn, nồi méo thì úp vung méo. Cậu Phát cũng đến bốn ba tuổi rồi ấy chứ nhỉ? Đàn bà về già mà hiu quạnh một mình thì cũng khổ lắm”. Có bà còn tỉ tê nói thẳng những ý nghĩ đó ra, nhằm khuyên giải chị: “Rõ dại! Hay là định chết già?”.

Nhưng Mai Hiên vẫn gạt tất mọi lời khuyên nhủ ra khỏi tai, vẫn cuồng lên chống đối, kiên quyết không gặp mặt, không nói chuyện với Thi Phát. Điều đó có vẻ lại càng chọc cho quyết tâm chinh phục Mai Hiên của Thi Phát càng trở nên cuồng nhiệt và sắt đá hơn bao giờ. Như thể anh ta mà không lấy được chị thì lòng tự trọng của anh ta bị lăng mạ một cách quá đáng. Anh ta như phát khùng lên, chẳng còn coi dư luận xung quanh vào đâu nữa.

Câu chuyện biến thành khôi hài, trước con mắt của mọi người. Nó như một cơn gió mát xua bớt những oi bức, nực nội của không khí giá cả đang tăng lên vùn vụt, như một chất xúc tác làm giãn bớt thần kinh căng thẳng của mọi người vì những bon chen vất vả thường ngày. Thỉnh thoảng, lúc rỗi rãi, vui vẻ, đám người lớn lại mang câu chuyện yêu đương của Thi Phát ra để bông đùa: “Anh ta chỉ phải cái hơn hâm hâm một chút thôi, chứ về hình thức thì cũng khá đấy chứ: To cao, trắng trẻo. Đẹp trai là đằng khác!” Một ông đế theo: “Mà xét cho cùng thì anh đàn ông nào mà chẳng có một chút ương ương, gàn gàn, nếu không ở khía cạnh này thì cũng ở khía cạnh khác. Còn đám phụ nữ thì cũng chẳng khá hơn, cứ đi say mê các dạng điên điên khùng khùng. Anh nào mà nhuần tính lại bị các bà chê là quê, là đụt” Người khác lại cao hứng hơn: “Mà khéo anh ta là thiên tài thật chứ chẳng chơi. Thiên tài nào mà chẳng khác người. Mà con người, phàm cái gì là khác mình, cái đó là điên, là ngu. Khi nào anh ta nổi tiếng khắp thế giới, thì lũ chúng ta cứ gọi là trắng mắt ra. Cô Mai Hiên lúc đó lại đâm tiếc…!”

Cứ thế, mỗi người góp một câu mà mình cho là hóm hỉnh nhất. Và câu chuyện thường là theo mọi người về giường vào lúc đêm khuya. Trở thành cái cớ của các đôi vợ chồng trẻ trêu chọc nhau, và cũng là cái cớ để họ thêm yêu nhau đêm đêm. Cũng chẳng ai nghĩ xa hơn xem cái đám rước vui vẻ, ngộ nghĩnh của trẻ con kia rồi sẽ đi đến đâu. Cũng chẳng ai ngờ rằng có một ngày những người cảnh sát khu vực sẽ dẫn Thi Phát đi, trước ánh mắt bối rối, vừa thương hại vừa ghê sợ của mọi người. Còn diện hơn cả thường ngày, đủ cả comlê, ca vát, chỉ có điều là nom xộc xệch, lôi thôi. Mớ tóc bôi vazơlin rũ xuống thành một đường chéo cánh sẻ. Anh ta lắp bắp: “…tôi… tôi có có làm gì, gì đâu… yêu… yêu mà mà…” Vân cứ như nhìn thấy theo sau cái tội ác vô tình đó đối với ước mơ về một tình yêu đích thực, chính tâm hồn cô, cái tâm hồn mà cô vẫn nghĩ rằng nói chung là tốt ấy, cũng đang bị dẫn đi.

***

Cụ bà cạnh nhà Vân nói: Mấy hôm nay chị Mai Hiên bị ốm. Vân tự trách mình quá lơ đãng nên không biết. Chiều, cô đi làm về sớm, mua mấy quả cam lên thăm chị. Chưa có mấy người đi làm về. Tụi trẻ kéo nhau đi đâu hết. Khu tập thể vắng vẻ một cách khác thường. Vừa đến cầu thang dưới chân phòng Mai Hiên, cô sững sờ thấy Mai Hiên và một người đàn ông đang lặng lẽ giằng co, xô đẩy nhau ngay nơi cửa ra vào. Nghe thấy tiếng guốc phụ nữ đi lên. Người đàn ông ngoái đầu lại- Thi Phát!

- Anh kia, bỏ ra! - Vân hét lên- Anh làm cái trò gì thế?

Lợi dụng lúc sơ hở, chị Mai Hiên bất ngờ đẩy anh ta bắn ra ngoài, đóng sầm cửa lại, không nói một lời. Huých vào cửa phòng nhưng không mở nổi, Thi Phát điên tiết quay sang nổi khùng với Vân:

- Đồ phá đám! Cô biết gì mà chõ mõm vào việc của chúng tôi?

- Biết gì à? Anh định giở trò bỉ ổi, ai mà chẳng nhìn thấy? Tôi có mù đâu?- Vân quát lên - Cút đi!

- Có nhà cô cút đi ấy!- Anh ta quát lại- Cô ấy là vợ tôi!

Vân trợn tròn mắt, nhìn anh ta trừng trừng rồi phá lên cười:

- Ai bảo chị ấy là vợ anh- Vân hầm hè- Ai thèm làm vợ cái đồ dở hơi nhà anh? Có mà điên!

- Xì! Thế mà cũng đòi biết!- Gã hạ giọng, hớn hở khoe- Cô ấy đồng ý, đồng ý rồi… Cô ấy còn ngủ với tôi rồi ấy chứ! - Gã mỉm cười ngượng ngùng- Cô không tin à? Để tôi nói cho cô biết nhé: ở bên hông phải của cô ấy có một nốt ruồi bằng ngón tay út. Cứ hỏi cô ấy xem có đúng không?

Vân ngỡ ngàng, chưa kịp hiểu anh ta nói gì thì cánh cửa đã bật mở. Mai Hiên thò đầu ra, mặt đẫm nước mắt: “Đi đi rồi mai đến đây!” Một tay kéo Vân vào nhà, một tay chị sập cửa sầm một cái. Vân chưa kịp định thần, chị đã ôm chầm lấy cô và oà khóc.

- Vân ơi, sao mà chị khổ thế? Nhục nhã đến thế cơ chứ? Chị đã… đã… hôm qua…

- Thôi chị ơi!- Vân vội ngắt lời chị- Đừng kể nữa!- Sống mũi cô cay sè và nước mắt giàn giụa- Em hiểu rồi! Em thương chị quá!

- Ôi, cái thân xác xấu xa, nhơ bẩn của tôi!- Mai Hiên vẫn nức nở.

Vân vội đỡ chị nằm xuống giường, đắp chăn cho chị, và lục ngăn kéo lấy hai viên sêduxen cuối cùng trong vỉ cho chị uống. Mai Hiên nằm quay mặt vào tường, mắt mở trừng trừng. Chị không nói gì nhưng thỉnh thoảng người lại rung lên từng chặp. Vân ngồi bên, đợi đến khi Mai Hiên ngủ mới ra về. Cô không ngờ tối hôm đó Thi Phát quay lại.

Tối đến, khoảng tám rưỡi. Trăng mười sáu sóng sánh, vàng rượi, toả ngời đến từng lá cây, ngọn cỏ mới láng sương đêm. Mặt đất bỗng như rộng dài ra mênh mông, bao la và không gian trở nên thăm thẳm, vô tận, những ngôi sao dường như thu nhỏ hơn, lùi ra xa tít tắp, lánh lấp trên nền trời nhung mượt mà, trong suốt. Tiếng trẻ nhỏ tập hát đâu đây.

Khung cảnh bình yên đến thanh thản. Tưởng như đã từ ngàn đời, mặt đất không hề chao nghiêng. Con người chưa từng biết đến chiến tranh và trận mạc, chỉ biết đến nỗi đau của bệnh tật, tuổi già. Và những chiếc lá cũng chỉ rời cành khi đã vàng úa. Chỉ có khoảnh nước đằng sau khu tập thể ôm cả một vầng trời lóng lánh trăng sao cứ run rẩy, cứ trăn trở hoài trong lòng cái hố bom, sau mỗi ngọn gió ngòn ngọt, say say thoảng hương hoa thanh táo; như vẫn còn đau cái nỗi đau của chiến tranh, là bằng chứng hiển nhiên của tội ác đã dội xuống mặt đất hiền lành, vẫn như một giọt nước mắt vĩ đại không bao giờ cạn, lặng lẽ ứa ra vì những vết thương day dứt không nguôi từ trong lòng đất.

Lúc đó, những người ở tầng bốn chỉ nghe thấy chị Mai Hiên thét lên câu gì không rõ, và tiếng chân hối hả lao từ cầu thang phòng chị xuống hành lang.

Khi Vân từ trong nhà chạy vội ra cửa thì một bóng chim lớn từ hành lang đã dang cánh lao vào khoảng không gian bao la vô tận của đất trời. Cô cứ như mường tượng thấy chị Mai Hiên, vẫn trong bộ quần áo trắng chấm hồng hàng ngày của chị. Một cánh chim trắng khổng lồ như trong những câu chuyện huyền thoại, rực rỡ sáng tựa một ngôi sao sa, băng mình qua những toan tính trần tục thường ngày của người đời, xuyên qua tiếng hát, lấp lánh bay lên trong ánh trăng. Vân bàng hoàng nhắm mắt lại.

N.T.A.T

 

Nguyễn Thị Anh Thư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 155 tháng 08/2007

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

10 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground