Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một chút đời thường

Gặp lại em ở thành phố ngổn ngang vôi vữa và gạch ngói, suýt nữa tôi không nhận ra. Em tươi tắn và hạnh phúc. Trên tay em đứa bé hồng hào bụ bẫm nhoẻn miệng cười thơ dại.

Bên cạnh em là hắn. Hắn vẫn như ngày xưa, cao lớn và dữ dội. Thiên thần và ác quỷ. Hắn gườm gườm nhìn tôi, nhưng lại mỉm cười khi em hích vào tay, anh Đức bạn em đó, chào anh đi. Chào anh, vâng, vợ chồng chúng tôi đang cố làm xong ngôi nhà này trước tết.

Hắn tất tả đi mua thuốc lá mời tôi. Tôi ngơ ngác nhìn theo. Em bảo bộ anh lạ lắm sao? Tôi lắp bắp, có phải… phải… Em phá lên cười, đúng đó, anh quên rồi sao? Anh ấy “ra” mới hơn năm nay thôi. Tôi chống chế, làm đám cưới lúc nào mà không báo anh, dù sao ngày xưa cũng là hàng xóm mà. Em cười e lệ, chúng em không làm đám cưới, đón anh ấy về cùng nhau đi đăng ký rồi sinh con, thế thôi anh à.

Bảy năm trước, hắn là một tội phạm buôn hàng quốc cấm, còn tôi một trinh sát hình sự mới ra trường đầy nhiệt huyết. Dạo đó em còn bé lắm, nhà ở cạnh tôi, sáng nào cũng khệ nệ bê thau quần áo sang ao nhà tôi giặt nhờ. Tôi không để ý đến em, vì thực ra em chỉ là một cô bé không có gì đặc biệt. Nhưng một tối nọ tình cờ tôi thấy em tựa đầu vào vai một người đàn ông cao lớn trên sân ga và khóc nức nở. Linh cảm nghề nghiệp mách bảo tôi rằng người đàn ông to lớn trên sân ga là hắn, một đối tượng hình sự mà đội trinh sát chúng tôi có nhiệm vụ truy quét. Tôi thận trọng áp sát mục tiêu. Đột nhiên như có bản năng mách bảo, hắn vùng chạy và biến mất vào bóng đêm chỉ trong tích tắc.

Anh bạn đồng nghiệp của tôi dẫn em về đơn vị, hỏi em mãi về quan hệ giữa em và hắn. Em chỉ khóc, không hề hé răng, dù bạn tôi hỏi bằng cách nào cũng vậy. Tôi bảo lãnh cho em về nhà với lời khuyên nên nói thật về hắn với tôi hoặc với bạn tôi. Nhưng em vẫn lặng thinh.

Sau này một đôi lần nữa, tôi vẫn nhìn thấy hắn và em có gặp nhau trên sân ga. Không hiểu sao tôi vẫn đứng lặng nhìn, dù biết rằng xử lý tình huống trong nghề nghiệp như vậy là sai. Nhiều năm sau này tôi tự hỏi mình tại sao lại không làm nhiệm vụ của người trinh sát lúc đó. Có thể là tôi sợ phá mất những phút giây bình lặng của hắn bên em, những phút giây hắn trở về hoàn toàn là người. Nhưng cũng có thể tôi sợ em buồn, bởi tôi tin em không đua đòi. Tôi tin ở tấm lòng nhân hậu và độ lượng của em đối với hắn.

Năm tháng dần trôi, em lớn phổng lên thành cô thiếu nữ. Mái tóc buông xõa xuống ngang vai. Đôi mắt to đen thăm thẳm buồn. Tôi sững sờ ngó theo em vào mỗi buổi ban mai em qua ngõ nhà tôi. Mẹ tôi mến em, muốn em là con dâu của mẹ.

Tôi sang nhà, em ngượng ngùng ra tiếp. Tôi bối rối trước em. Lạ chưa kìa, chén nước sóng sánh trên tay, con tim tôi thầm thì lên tiếng. Em cúi đầu e thẹn, má ửng hồng. Tôi hẫng hụt chơi vơi khi biết trái tim em đã dành cho hắn từ dạo em còn bé con. Em hiểu hắn và thương. Bố mẹ bỏ nhau, hắn trở thành kẻ cù bất cù bơ tự mình kiếm sống. Em nói rằng cuộc đời của hắn cần em hơn tôi. Em hiểu giá trị cuộc đời này không tự nhiên mà có, không tự nhiên ấm no hạnh phúc được, phải vun đắp và dựng xây. Còn ít tuổi em nói như bà già, có lẽ cũng vì từ tuổi thơ em đã phải thay cha mẹ chăm em nhỏ lúc chẳng may bố mẹ qua đời sớm. Tôi có thể lấy người con gái nào tôi yêu làm vợ. Còn hắn chỉ có em, em là nơi tựa tinh thần cho hắn khi bị xã hội xua đuổi. Em xin lỗi, không thể chung sống cùng tôi.

Tôi lặng thầm giấu nỗi buồn vào tận trong tim, nhưng những đêm trở về nhà sau phiên trực nghe tiếng thở dài đến não nuột của mẹ vì em không phải là con dâu khiến lòng tôi buồn tê tái. Hàng xóm chê cười và xa lánh em vì em đã có tình với hắn, và chê cười tôi đã ngỏ lời tình cảm với em, một kẻ nặng lòng với tội phạm đang có lệnh truy nã trên toàn quốc. Em lặng lẽ và buồn rầu. Tôi âm thầm chờ mong ngày em đến với tôi.

*

Hắn cúi mặt nói nho nhỏ, tôi không thể phụ bạc cô ấy được, bao năm rồi cô ấy chờ đợi tôi, cực nhục vì tôi. Té ra trên đời này vẫn có người yêu thương tôi.

Tôi sững sờ ngơ ngác. Đó không phải là tiếng nói của kẻ gầm gào rít lên khi đối mặt với hàng quốc cấm và những trò chơi thác loạn đã từng trải qua, khác lắm rồi.

Tôi bối rối mở trang sách đang mang theo mình: “Oán không diệt được oán, chỉ có tình thương mới diệt được oán thù”. Lần đầu tiên tôi kiểm chứng được từ sách vở với cuộc đời là một. Tiếng em cười vui khiến lòng tôi thanh thản hơn nhiều.

Bảy năm rồi cách xa, em vẫn thế, dịu dàng và nhân hậu. Hắn bên em, khuôn mặt sáng ngời hạnh phúc và niềm tin với cuộc đời. Tôi chợt hiểu, ngày ấy em có lý khi chối bỏ tôi để đến với hắn. Chỉ có điều an ủi tôi là giờ đây em đang hạnh phúc.

 

Hứa

 

Đi cầu xin suốt ngày cũng chỉ được mấy đồng lẻ, không đủ mua bát phở cho bữa ăn của một ngày lao động, những người dân xóm nghèo đồng cảm chỉ cho bà ăn mày đến ngôi nhà sang trọng của người đàn ông có lời nói nhẹ nhàng và gương mặt có vẻ hiền từ, may ra sẽ có bữa ăn.

Vừa may, ngay lúc ấy chiếc xe bốn bánh dừng trước cổng sau ngày làm việc. Người đàn ông chủ nhà bệ vệ bước ra:

- Ông làm ơn…

- Không sao, bà chờ chút xíu.

Bà ăn mày mừng rơn xúc động quá, nụ cười trên môi và lời nói ngọt ngào mới dễ nghe làm sao, cả quãng đời xin ăn chỉ là những lời nói thô tục, chửi bới, xua đuổi trước khi bố thí những đồng bạc lẻ nhàu nát cho bà. Bà chờ, tin, và hy vọng.

Một đêm trôi qua, trời đã sáng.

Không có ai cho bà cái gì cả, không có.

Cánh cổng khóa im lìm suốt đêm.

Trời lạnh, muỗi, đói.

Bà chống gối đứng lên, đeo bị cói vào tay. Ơ kìa, chiếc xe con lại xuất hiện. Người đàn ông có gương mặt hiền từ trong xe chưa che kính tới công sở cho một ngày làm việc. Bà ăn mày lập cập chìa nón:

- Ông ơi, ông làm ơn, chiều hôm qua ông nói…

- Thế à, không sao, bà chờ chút…

Bà ăn mày xúc động, đã toan bỏ đi kiếm ăn, bụng đang sôi réo vì đói, nhưng rồi bà lại ngồi chờ, hy vọng. Chiếc xe đã chuyển bánh. Bà loay hoay tìm chỗ ngồi chờ đợi, dù sao ở nơi ngồi này vẫn không bị xua đuổi.

Một ngày nữa đã trôi qua.

Chiều tà, đã thấy chiếc xe quen thuộc từ đằng xa, bà vội vàng chống gối. Nhưng… sao lại hoa mắt thế này, đứng lên được thì chiếc xe đã chui qua cổng vào nhà, hàng rào xung quanh cổng đã khóa chặt. Bà rơi người xuống đất.

Sáng hôm sau.

Chiếc xe bốn bánh rì rì chui ra từ cánh cổng sơn vàng. Người đàn ông có vẻ hiền từ đưa tay vuốt mái tóc chải ngược ra sau có vẻ tự mãn với bài phát biểu quan trọng đã chuẩn bị kỹ càng cho cuộc hội nghị hôm nay về công tác từ thiện. Người lái xe chợt kêu khi xuống xe chạy ra ngoài cổng bảo bà ăn mày tránh đường cho xe đi.

- Xếp ơi, báo cáo xếp…

- Gì thế?

- Xếp trông kìa, bà ăn mày ngồi đây từ hôm qua, đang gục đầu xuống, hình như chết rồi, gọi không nghe gì cả.

Xếp nhăn trán:

- Ngồi đây từ lúc nào mà mình không biết nhỉ? Thôi, gọi điện ngay cho công an phường và sở thương binh xã hội.

Chờ anh lái xe gọi điện thoại, xếp bực:

- Mất thời gian quá.

Một lát sau, chiếc xe lại rì rì chuyển bánh, người lái xe mẫn cán đưa người đàn ông có vẻ phúc hậu đi dự cuộc họp quan trọng bàn về vấn đề công tác từ thiện lâu dài.

 

Cô ấy là học sinh

 

Tôi không để ý đến bạn bè, không còn thời gian để nghĩ về họ nữa. Tôi đang lo cho đứa con ốm yếu, ông chồng nát rượu, đứa em không có việc làm, cha mẹ bệnh tật già nua… Đầu tôi thì bé tý, những điều cần suy nghĩ thì quá nhiều. Người tôi gầy rạc đi, ngày càng xa bạn hơn, mặc dầu có một thời, thời học sinh đẹp nhất của một đời người, chúng tôi thân thiết và sống hết lòng vì nhau.

Vào một ngày, hình như đã cuối xuân đầu hạ thì phải, thời tiết thất thường làm hỏng cả tính tình của con người. Bạn tôi, cả ba người: To Béo, Tóc Xoăn, Ít Nói đã mời tôi bằng được đi dự liên hoan chiêu đãi giải thưởng gì đó. Tôi không thể từ chối, họ đã từng mừng tôi tưng bừng khi sinh con trai đầu lòng. Tôi đi theo, nhưng tâm hồn vẫn để ở nhà, im lặng ăn uống và lắng nghe. Tôi đau đầu vì ông chồng nát rượu.

Đột ngột To Béo vỗ vai tôi:

- Thế nào Buồn Rầu? Sống vô tư cho bản thân một tý đi, lo nghĩ nhiều quá. Đã biết kỹ lý do gì có bữa tiệc hôm nay chưa?

Tôi cảm thấy ngượng ngùng:

- Quả thật… mình… quả thật… không rõ lắm.

To Béo chỉ sang Tóc Xoăn:

- Nó được giải thưởng mà, tên gọi là gì đấy mày? Tâm lý, lý sự gì đó, đại loại là giáo dục nhân cách làm người.

Tất cả đều nâng cốc. Không khí trong bữa tiệc sôi động hẳn lên. Không ai chú ý đến xung quanh nữa, tất cả đang mải mê, say sưa bình luận về giải thưởng giáo dục nhân cách làm người trong tương lai. Tôi nhìn thấy một cô gái đang bước vào nhà hàng, quần áo lành lặn nhưng nhàu nhĩ, gương mặt xinh xắn nhưng nhem nhuốc, chỉ có đôi mắt mở to trong veo đến dại khờ:

- Cút đi, đồ điên, thật là đen đủi - Người đàn bà chủ hàng phốp pháp nhìn thấy cô gái liền bước ra và rít lên.

Tiếng thét vang lên bất ngờ khiến mọi người ngừng ăn uống đổ xô cái nhìn về cô gái. Cô ta bước nhanh quỳ xuống chân Tóc Xoăn:

- Chú ơi, chú hứa giúp cháu rồi đấy nhé. Chú muốn gì cháu cũng chiều, nhưng chú phải sòng phẳng, không được quỵt của cháu.

Tóc Xoăn ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xẩy ra!

Cô gái hơi mỉm cười, lôi trong cặp mang theo bộ quần áo học sinh đã bị xé tả tơi, bộ hồ sơ xin việc vung vẩy trong tay. Tôi chợt rùng mình, cô gái đang bị điên!

- Điên thế mà đẹp - Ít Nói lên tiếng - Mà nó nói cái gì ấy nhỉ?

- Đồ điên, mày có cút đi không? - Bà chủ hàng nắm tay đẩy ra đường, cô gái níu lại nói với Tóc Xoăn.

- Nhớ chú nhé, chú cũng đã đưa cháu vào nhà hàng này rồi mà, chú đã hứa…

Cô gái cố nói và bị bà chủ đẩy ra đường.

- Các anh thông cảm - Bà chủ cười bả lả - Cô này đang là học sinh, trước đây cũng đã nhiều lần vào nhà hàng chúng tôi, nhưng hồi ấy không điên như bây giờ. Tôi tưởng nó quay lại để xin tiền, nhưng không phải, lần nào cũng tìm người nào đó để nói câu lúc nãy rồi tự nguyện bỏ đi. Đúng là đồ điên.

Tóc Xoăn thở dài.

To Béo lên tiếng:

- Vậy là một bữa tiệc mất ngon.

- Cô bé đẹp thật, nhưng thời đểu này, tâm hồn mau hủy hoại, hình thức mau tàn phai - Ít Nói chép miệng.

Còn tôi, đưa tay vuốt má, giật mình vì nước mắt đã chảy xuống từ lúc nào mà không biết.

Đ.Q.N

Đàm Quỳnh Ngọc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground