Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Năm thằng cao kều

T

hật không ngờ! Toàn Ngố lại trở thành thầy giáo. Mà lại là thầy cấp phổ thông trung học dạy môn Văn tiếng Việt thuộc tốp siêu của thành phố.

Vừa giáp mặt nhóm bạn thân thủơ xưa, sau vài câu thăm hỏi về công việc và gia đình thời hiện tại, Toàn đã hỏi luôn:

- Này mình mới gặp lại cô Dương trong kỳ thi giáo viên dạy Văn giỏi toàn quốc đấy! Các cậu có nhớ cô giáo sinh thực tập hồi chúng mình học lớp ll không nhỉ?

Ba ông bạn kia ồ lên:

- Nhớ chứ?

Và tôi, đương nhiên là tôi cũng nhớ. Chớp mắt mà đã ll năm trôi qua.

Hồi đó. Tôi vừa 'vỡ giọng". Cất lời lên là ồm ồm, nghe như tiếng vang trong thùng phi gỉ.

Tôi cũng mới bất ngờ được cơ thể tặng cho một hàng ria mép xanh mờ trên viền môi trên.

Tôi vừa cao vọt lên một mét bảy mươi trong năm vừa rồi.

Nhưng cao như vậy vẫn chưa là cái đinh gỉ gì so với thằng Toàn. Nó cao một mét tám mươi chẵn.

Lớp llA của chúng tôi có năm đứa con trai cao ngất nghểu từ mét bảy tới mét tám.

Lùn nhất là tôi. Tôi là Vinh, biệt hiệu Vinh Ti, vì hồi tôi còn bú tí mẹ, mẹ tôi đọc báo thấy nói rằng trẻ con ngậm vú giả sau này hàm răng sẽ đều và đẹp nên mẹ cho tôi ngậm vú giả suốt ngày cho đến năm bốn tuổi đi mẫu giáo mới thôi. Trong lớp có mấy đứa ở cùng khu tập thể nên tục danh này gắn với tôi đến tận phổ thông trung học vẫn không sao xóa được.

Thằng Tú cao một mét bảy tư, có biệt hiệu là Tú Già. Chẳng phải chi vì nó đi  lòng khòng như một ông già mà còn vì nó cáo nhất... chuyên nghĩ ra lắm trò tinh quái, nhưng lại toàn kích chúng tôi hành động, chứ nó chẳng ra tay bao giờ. Lũ chúng tôi khối đứa sứt đầu mẻ trán vì oan Thị Mầu khó thanh minh. Biết là dính với nó có  ngày gặp họa, nhưng chúng tôi vẫn thích chơi với nó vì nó là đứa thông minh, học giỏi nhất lớp. Gặp bài khó chúng tôi bó giáo quy hàng thì nó rất nhiệt tình giảng giải cho chúng tôi. Hai thằng Phượng và Hoàng cao một mét bảy hai, luôn luôn ăn mặc giống nhau, để đầu tóc giống nhau là hai anh em song sinh. Người ngợm chúng giống nhau như hai bản phô tô chỉ trừ một thằng có một cái nốt ruồi to ở bụng ngay gần rốn. Hai anh em chúng nó lúc nào cũng đạt điểm thuộc lòng cao nhất lớp vì chúng phân công nhau luân phiên học bài. Nếu thằng Hoàng hôm ấy đến phiên học bài thì dù thầy cô gọi 'Phượng lên bảng', thằng Hoàng vẫn phải lên. Và ngược lại, nếu thằng Phượng đến lượt học bài thầy cô gọi thằng Hoàng, thằng Phượng vẫn cứ lên. Thầy cô nào tỏ ý nghi ngờ là cả lũ học sinh ở dưới lớp nhao nhao lên đề nghị:

- Cô bắt nó vén áo lên!

- Thầy bắt nó cho xem rốn!

Các thầy cô chẳng ai dám làm cái điều không được giáo học pháp cho lắm ấy. Vả lại nếu có xem được nốt ruồi thì cũng chẳng biết chính xác được đứa có nốt ruồi là Phượng hay đứa không có nốt ruồi là Phượng, đành cho anh hoặc em hai cái đứa sinh đôi ấy về chỗ mà lòng bán tín bán nghi.

Cái mánh này của hai anh em chúng nó chỉ có cô Vân chủ nhiệm lớp mới diệt được vì cô toàn gọi hai anh em chúng nó lên bảng liên tiếp theo nhau.

Còn thằng Toàn thì rõ rồi: hình như đứa nào đầu óc lơ ngơ thì tứ chi cũng phát triển hơn người. Thằng Toàn cao lộc ngộc nhưng lại lớ ngớ quá nên được bố mẹ nó âu yếm gọi là Ngỗng. Ý của bố mẹ nó là nó ngố như một con ngỗng vườn. Nhưng cái tên Ngỗng hình như vận vào nó theo kiểu khác vì hễ đến môn văn bị thầy cô gọi lên bảng

trả bài là tên nó biến thành ' Toàn 2'. Bởi nó không sao thuộc nổi cả một bài thơ hay một đoạn phải học thuộc lòng. Cả lớp thương quá, gọi chệch Toàn Ngỗng thành Toàn Ngố cho nó khỏi đau lòng. Nhóm năm thằng cao kều chúng tôi liên kết với nhau vì có chung nhiều cảm xúc mới: những trò mới nhất của game online; những buổi chát mướt mít trên mạng với những 'em' dù biết rằng: nick đó có khi chẳng phải là một em thật, có khi chỉ là một gã đực dựa nào đó ưa đùa dai; và những bức xúc vì dù đã cao hơn cha mẹ đến cả cái đầu nhưng khi cha mẹ đuối lý là các cụ lại 'cùn' lên choảng ngay cái lẽ: 'Vắt mũi chưa sạch, lại cứ đòi trứng khôn hơn vịt'

Ôi cái lý lẽ của người lớn. Cái lý lẽ 'bó tay @.com' bưng bít không cho thế hệ trẻ được quyền mở miệng, được hành động như một người đã lớn. Đây chính là câu bình luận về người lớn cô đọng, xúc tích nhất, là mẫu mã ngôn ngữ hiện đang được ưa dùng của lũ trẻ chúng tôi.

Nhưng nói vậy thôi. Tụi tôi đâu có chịu 'bó tay toàn tập'. Hễ có cơ hội để thể hiện mình cũng là người lớn là chúng tôi thể hiện ngay. Mà cơ hội thể hiện thì lúc nào mà chẳng sẵn. Ví như một lần, cô Vân chủ nhiệm dẫn ba cô gái trẻ măng vào lớp thông báo

- Lớp chúng ta vinh dự được nhận giáo sinh thực tập. Xin giới thiệu với các em: đây là cô Mai dạy Kỹ thuật công nghiệp, cô Hòa dạy Sử và cô Dương dạy Văn. Các cô sẽ vừa thực tập chuyên môn vừa thực tập chủ nhiệm lớp, nên cô sẽ giao lớp cho các cô giáo sinh phụ trách một tháng. Các cô giáo sinh sẽ có toàn quyền trong việc chỉ đạo lớp lao động vào các chiều thứ bảy, hoặc đưa lớp đi dã ngoại nếu các cô ấy thu xếp được vào ngày nghỉ. Và đặc biệt, tôi xin thông báo để các em rõ: điểm kiểm tra mà giáo sinh chấm sẽ được coi là điểm chính thức ghi vào sổ.

Cả lớp nháo nhác không biết giáo sinh sẽ cho điểm đắt hay rẻ. Năm thằng chúng tôi cũng túm vào nhau bàn tán.

Thằng Hoàng tỏ vẻ khinh thường:

- Cô giáo gì mà mặt non choẹt trông bấm ra sữa. Thảo nào người ta gọi là 'giáo xinh' .

Thằng Tú Già bĩu môi:

- Suy cho cùng thì họ chỉ như là anh chị mình thôi. Đại học năm thứ nhất bây giờ người ta gọi là phổ thông lớp 13, năm thứ hai là lớp 14, năm thứ ba là lớp 15, các chị này là phổ thông lớp 16.

Tôi góp:

- Lúc nãy giờ ra chơi, ở ngoài sân trường, tao nhìn thấy Toàn Ngố tình cờ đi ngang cô Dương, rõ là cô ấy đứng vừa tới nách nó.

Thằng Toàn Ngố cười:

- Cô Dương giáo sinh lớp mình trông hơi bị xinh, mặt lại còn non hơn cái Hằng em gái tao.

Thằng Phượng lè lưỡi:

- Non à? Thách mày dám thể hiện phong cách nam nhi với teacher(l) ấy đấy!

Thằng Tú Già khích:

- Có gì mà thằng Toàn Ngố không dám. Suy cho cùng thì các chị này mới chỉ thử tập làm cô giáo nên mưới được gọi là giáo sinh, tức là hơn học sinh một bậc giống như trung sĩ thì hơn hạ sĩ một tí, vả lại chúng mình cũng chỉ được mượn để giả làm học sinh của họ trong một tháng thôi chứ có phải là học sinh thật của họ đâu.

Tôi nhún vai lắc đầu:

- Tao thì tao chịu thôi. Cô Vân nói rồi điểm giáo sinh cho là điểm thật đấy.

Thằng Tú cười cười:

- Mày đúng là thằng Vinh Ti, biết bao giờ mới rời vú mẹ được? Thằng Toàn nó có làm gì sai trái đâu. Nó chỉ nhìn cô Dương kiểu hơi đắm đuối quá một tí thôi.

- Kiểu si tình á?...Tôi và hai anh em nhà thằng Hoàng Phượng cùng thốt lên sửng sốt.

Thằng Tú Già cau mặt vừa cười vừa mắng:

- Ai bảo chúng mày là nó nhìn kiểu si tình? Nói thế để bị tóm lên Ban giám hiệu à? Sao ngu thế. Đó là nhìn kiểu ngưỡng mộ... Còn ngưỡng mộ đến mức nào đó thì chỉ thằng Toàn với giáo xinh Dương biết mà thôi. Ai mà bắt được ánh mắt làm tang chứng.

Toàn Ngố phì cười, gật gù:

- Kể ra nếu có vài tình huống đặc biệt để cô ấy có kinh nghiệm cho việc làm cô giáo thật sau này cũng hay...

Tưởng chỉ nói đùa tếu táo với nhau vậy thôi, ai ngờ thằng Toàn Ngố ấy lại nghe theo lời Tú Già xui dại. Hôm sau suốt hai tiết cô Dương ngồi bàn cuối cạnh tôi, chăm chú theo dõi giờ dạy của các bạn cùng thực tập, thằng Toàn Ngố nghiêng đầu, chống tay vào cằm cứ nhìn cô Dương chằm chằm, mắt nheo nheo, cái cách nhìn mà nó cho là thể hiện sự say đắm. Khi cô Dương nhìn lại, nó liền lảng sang giả vờ đang nhìn tôi.

Vài lần như vậy, nó luôn cố ý làm cho cô Dương phải biết nó đang nhìn cô. Thấy bọn thằng Hoàng, thằng Phượng ngồi bên cạnh thằng Toàn bụm tay che miệng cười, cô Dương nhìn tôi nghi ngờ. Tôi cảm thấy náy náy, nhưng thằng Tú Già ngồi ngay đầu bàn của tôi cứ tỉnh khô như không hay biết tí gì.

Hai tiết sinh hoạt cuối ngày thứ bảy tuần ấy, cô Dương dạy môn văn được coi là chủ nhiệm chính đứng ra chỉ đạo lớp. Cô cầm sơ đồ để gọi tên học sinh phân công mang dụng cụ lao động. Cô Dương không hề biết rằng mọi khi hễ đến tiết sinh hoạt, hầu như học sinh cả lớp không còn ngồi theo sơ đồ nữa mà chạy sang ngồi cùng bạn thân của mình. Thằng Toàn cũng bỏ chỗ chạy sang ngồi cạnh thằng Tú Già. Cô chỉ thằng Lượng và gọi tên theo sơ đồ là Hiền, làm cả lớp không kìm được cười rũ rượi. Từ trước đến nay, cả lớp vẫn chế hai đứa với nhau. Cô Dương hình như cũng cảm thấy có chuyện sai sót gì đó, nhưng cô vẫn cố bình thản chỉ vào cái Tuyết gọi tên theo sơ đồ là 'em Lan'. Cả lớp lại cười rú lên. Thằng Phượng bô bô: cô ơi, nó không phải là Lan Cong, nó là Tuyết Vẹo'.

Cô Dương chỉ vào Phượng: 'Em tên là gì?'. Phượng cười rất hớn hở: 'Em là Hoàng ạ!'. Cả lớp lại cười nghiêng ngả. Thằng Toàn Ngố cười to nhất. Nó còn nhả nhớt nheo mắt: 'Cô bắt nó chó xem rốn. Thằng Hoàng không có nốt ruồi?'

Đến lúc này thì mặt cô Dương đỏ bừng lên rồi lại tái đi. Có lẽ cô cảm thấy mình đã bị biến thành trò đùa. Từ trên bục giáo viên cô chỉ vào thằng Toàn hỏi to:

Em tên là gì?

Tôi thấy thằng Tú Già ngả người ra sau lưng thằng Toàn nhắc khẽ: 'Không Ai Cả”. Thằng Toàn ngồi đó nhìn vào mắt cô cười cười lưỡng lự không trả lời. Cô Dương  nhắc lại một lần nữa với một giọng chậm rãi:

- Em...tên... là...gì?

Tôi thấy thằng Tú Già lại xúi bẩy thằng Toàn một lần nữa: “Không Ai Cả'. Lần này thằng Toàn cười cười lặp lại như một cái máy:

- Không Ai Cả!

Như có vẻ không tin vào tai mình, cô Dương hỏi lại bằng một giọng dõng dạc, rõ ràng

- Sao? Em tên là gì? - Giọng nói của cô Dương có một vẻ cương quyết đến mức cả lớp tôi im bặt, không một đứa nào dám cười nữa.

Thằng Toàn cũng không cười nữa, nó sầm mặt xuống nhưng vẫn nhắc lại câu vừa nói dù với một giọng rời rạc và chán nản

- Không...Ai...Cả!

Mặt cô Dương tái đi, đôi mắt cô mở to ánh lên một vẻ sửng sờ, đau đớn, như thể cô vừa bị trúng một vết thương chí mạng. Không khí trong lớp có vẻ đông lại, căng thẳng và ngột ngạt trước thái độ hỗn xược của thằng Toàn. Có đôi ba đứa khẽ giục: 'Xin lỗi cô đi!', 'Kìa, nói em xin lỗi cô đi chứ?' Nhưng thằng Toàn quay mặt nhìn ra phía ngoài cửa sổ, câm như thóc, dứt khoát không xin lỗi

Cô Dương lặng đi một lát lâu rồi nhìn vào nó nói một cách từ tốn và buồn bã:

- Được thôi, nếu em thích thế.- Rồi cô quay lại, từ từ đi lên bảng nhắc lại nhiệm vụ của cả lớp trong buổi lao động chiều như không có việc gì xảy ra.

Khi tan học ra về, cả lớp chúng tôi hết sức lo lắng cho thằng Toàn. Nếu cô Dương mà mách chuyện này cho cô chủ nhiệm, hoặc cho Ban giám hiệu thì gay to. Hoặc cô ấy trù cho nó vài con O vào môn Văn thì thằng Ngố này năm nay đúp lớp là cái chắc. Thằng Toàn lầm lì chẳng nói năng gì, chiều hôm ấy, nó tự ý nghỉ không đi lao động. Tôi bảo nó:'Hay là mày tìm đến ký túc xá của trường Sư phạm, xin lỗi cô Dương'. Nhưng thằng Toàn lừ mắt nhìn tôi. Bây giờ trông mặt nó chẳng còn ngố chút nào.

Sáng thứ hai vừa vào tiết học giảng văn, cô Dương đi xuống cuối lớp chỉ ngay vào thằng Toàn:

-Nào! Mời em lên bảng!

Toàn đứng lên có vẻ lúng túng, lật đi lật lại quyển vở nắm chặt trong tay hỏi lại:

- Em ấy ạ? .

- Đúng, em đấy? Kiểm tra bài cũ! Đọc thuộc lòng bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Cô Dương nhắc lại một cách cương quyết rồi đi lên ngồi vào ghế giáo viên.

Cả lớp tôi thót tin. Chuyến này thì thằng Toàn Ngỗng khéo biến thành thằng Toàn Không đến nơi rồi.

Thằng Toàn cầm quyển vở mới tinh đi lên bảng. Tôi không biết là từ chiều thứ bảy đến giờ nó mải miết soạn bài mới, học đi học lại bài cũ không biết bao nhiêu lần.

Thằng Tú Già đầu têu gây tội, hối lỗi vô cùng. Chưa bao giờ nó lại sốt sắng truy bài giúp thằng Toàn hăng hái đến thế.

Cả lớp sững sờ không tin nổi khi thằng Toàn đọc thuộc lòng vanh vách, trả lời câu hỏi đâu vào đấy, như thể nó vốn là học sinh giỏi văn xuất sắc của lớp.

Cô Dương mỉm cười vui vẻ nói với Toàn:

- Em rất thuộc bài, trả lời tốt các câu hỏi, soạn bài kỹ, vở sạch sẽ. Em xứng đáng được 10 điểm.

- Cả lớp ồ lên phấn khởi.

- Nhưng, trong sổ điểm của lớp tôi không thấy có học sinh nào tên là Không Ai Cả? Cô Dương vẫn vui vẻ nói.

Cả lớp lại ồ lên tiếc rẻ cho Toàn: Cô Dương đưa tay lên môi ra hiệu cho lớp yên lặng rồi nhìn thẳng vào mắt Toàn hỏi:

- Tôi không biết em có muốn lấy điểm này vào sổ điểm? Nếu có thì hãy chỉ cho tôi biết tôi phải ghi điểm này vào tên của ai?

Thằng Toàn kéo quyển sổ điểm của lớp lại cúi xuống dò tìm tên mình. Bây giờ trông nó ngoan ngoãn như một chú học sinh tiểu học, dù rằng nó đứng dưới sàn lớp mà vẫn cao hơn cô Dương đang ngồi trên ghế giáo viên trên bục giảng đến cả cái đầu.

Sau hôm ấy thằng Toàn trở nên thích học môn Văn, nó nhìn cô Dương không còn với ánh mắt si mê giả vờ nữa mà là ngưỡng mộ thật sự.

Thậm chí hôm lớp đi tham quan Toàn còn nằng nặc đòi các cô giáo đưa xe đạp của các cô cho các bạn khác đi hộ còn năm thằng to con chúng tôi sẽ thay phiên đèo các cô giáo sinh, vừa để các cô đỡ mệt, vừa là có ý bảo vệ các cô.

Bảo vệ các cô? Vậy mà chiều chủ nhật ấy tôi hèn nhát bỏ chạy nhanh như gián. Nhoáng một cái chẳng còn hiểu được mình đang làm gì, tôi đã thấy mình đứng trên mặt đê với chiếc xe đạp trong tay. Đằng trước tôi khá xa thằng Tú Già đi trước, rồi Hoàng và Phượng đang đèo cô Mai và cô Hòa cùng một số bạn học trong lớp đạp xe thanh thản ra về. Họ chẳng hề biết lũ trẻ con trong làng ở khu du lịch chùa Núi đang ùa tới ném những hòn đá to bằng cả nắm đấm túi bụi vào những bạn học của mình đi phía sau.

Từ trên mặt đê nhìn xuống, tôi thấy cô Dương đang vừa đẩy Toàn ra khỏi cái xe đạp bị đổ của nó vừa hô to: 'Chạy đi Toàn ơi! Cứ để xe đây cô giữ cho!'

'Ba năm võ Tàu không bằng một chầu củ đậu', đám bạn học còn lại của lớp tôi, cũng như tôi kinh sợ những cục đá, cục gạch to tướng ấy trúng vào người không sứt đầu cũng mẻ trán, nên mạnh ai nấy chạy như vịt lên đê.

Tụi trẻ con đang ném đá đây chính là bọn trẻ con sáng sớm ấy, khi lớp tôi vừa tới chân núi đã tranh nhau trèo lên trước đòi dẫn đường. Chúng tôi gạt đi không khiến vì cái khu du lịch này khá gần nhà, có đến một phần ba lớp chúng tôi đã đi nhẵn các nẻo đường lên núi.

Vậy mà lũ trẻ con cứ lẵng nhẵng lải nhải như đỉa đói. Chúng tôi vừa lên đến địa điểm tập trung lớp là chúng ùa đến đông tới gần hai chục đứa, đòi tiền công dẫn đường. Mà lại còn đòi với giá cao ngất: hai nghìn một người.

Cô Dương vừa trả tiền cho một đứa bé, thế là cả lũ chúng xúm lại đứa nào cũng đòi mình phải có tiền. Cô giảng giải mãi về sự vô lý của chúng nhưng chúng vẫn không nghe. Một thằng nhỏ chỉ khoảng 8, 9 tuổi có vẻ là cầm đầu, hung hăng nhất nhặt luôn một cục đá lớn ven đường ném vào cái Tuyết lớp tôi, làm cái Tuyết tím một bên má.

Đến lúc ấy thì thằng Toàn không chịu đựng được sự vô lối ấy của lũ trẻ con trong làng, nó bước tới ấn tờ bạc hai ngàn đồng vào tay thằng nhỏ hung hãn nhất trong bọn trẻ:

- Này thí cho mày...Toàn đá nhẹ cho nó một cái vào mông...Cút mau?

Không ngờ thằng nhỏ vất tiền xuống đất, vừa giàn giụa nước mắt vừa giơ nắm đấm lên:

- Rồi chúng mày sẽ biết tay ông?

Tưởng thằng nhỏ chỉ đe dọa để chửa thẹn, nào ngờ nó tụ tập bọn trẻ con trong làng lại. Buổi chiều, khi những người cuối cùng của lớp chúng tôi vừa ra khỏi làng là chúng xúm lại ném đất đá vun vút vào những người đi cuối của lớp tôi.

Cô Dương với chức trách là chủ nhiệm chính của lớp nên phải đi cuối đoàn để bao quát lớp, không để ai bị sót lại phía sau. Toàn xung phong đèo cô Dương nên cả hai là những người cuối cùng còn lại của cả đoàn bị rớt vào giữa vòng vây của bọn trẻ.

Chúng kéo đổ xe của Toàn, khiến cho Toàn phải xuống xe, không thể đèo cô giáo được nữa. .

Thằng Toàn bị cô Dương đẩy ra khỏi xe, nó vừa chạy né tránh thằng nhỏ hung hãn nhất đang nhè nó ném đá vừa ngoái cổ lại giục cô Dương:

- Chạy đi cô ơi?

Nhưng cô Dương sợ lũ trẻ sẽ phá tan cái xe của thằng Toàn, nên dứt khoát không bỏ của chạy thoát thân. Cô nâng chiếc xe của Toàn dậy, đứng giữa làn đá ném vun vút của bọn trẻ con thu hút bọn chúng cho học sinh của lớp tôi chạy thoát.

Thằng Toàn ngoái cổ lại lần nữa đúng lúc một cục đá bay trúng vào đầu cô Dương làm cô loạng choạng. Toàn hét lên: ' Ôi, cô ơi!' rồi nó chạy ngược lại như bay về phía cô Dương. Vừa lúc đó mấy người bảo vệ của khu du lịch được tin có xô xát đã chạy ra đuổi bắt lũ trẻ và xua chúng tôi: 'Các cháu chạy nhanh đi. Để chúng tôi ngăn bọn trẻ con cho.'

Toàn bỏ xe đó dìu cô Dương lên mặt đê. Tới lúc đó tôi mới chợt tỉnh vội xuống dốc dắt xe cho Toàn. Cô Dương sờ tay lên chỗ bị đá ném bảo: 'May quá cô bị bêu đầu một chút thôi, không chảy máu tí nào'.

Tối muộn hôm đó chúng tôi mới về đến nhà, chia tay nhau thật là vui vẻ. Câu chuyện lớn đầu như thế này mà bị lũ trẻ con rượt đuổi chạy như vịt hôm đi du lịch chùa Núi có vẻ sẽ là một kỷ niệm vui của đời học sinh vô tư yêu đời.

Sau đó, bẵng đi đến mấy ngày, chúng tôi không thấy cô Dương đến lớp. Chúng tôi cứ nghĩ cô bận đi dạy ở các lớp khác, giống như lớp tôi cũng có các cô giáo sinh khác đến dạy; nên không quan tâm nhiều lắm. Chỉ có thằng Toàn tò mò hỏi cô Mai.

Cô Mai nói cô không cùng lớp của cô Dương nên cũng không rõ lắm, hình như cô Dương bị cảm, nhức đầu gì đó.

Thế rồi đùng một cái cô Vân chủ nhiệm thông báo với cả lớp:

- Xin báo với các em một tin buồn: cô Dương bị hỏng mắt. Hình như cô Dương ngã vào đâu đó chấn thương sọ não mà không biết. Mấy ngày sau cứ thấy đầu nhức và buồn nôn nên phải nghỉ dạy. Bạn bè nghĩ rằng cô ấy bị cảm. Nhưng rồi cô Dương ngày càng đau đầu dử dội hơn, mắt đỏ lên như toàn máu. Bạn bè cùng lớp phải đưa cô đi cấp cứu Nhưng không kịp, mắt cô mổ rồi vẫn không nhìn thấy gì. Bác sĩ mổ cho cô nói rằng: 'Có lẽ cô chỉ bị mù tạm thời. Hy vọng một thời gian sau mắt cô sẽ sáng lại'.

Bây giờ gia đình cô ấy đã đưa cô ấy về tít thị xã Thái Bình. Có lẽ năm nay cô ấy sẽ không thi tốt nghiệp được.

Thằng Toàn lặng người đi. Tôi thấy mặt nó bỗng già đi bao nhiêu tuổi. Một lát sau nó nói với cái giọng khào khào lạ lùng:

- Ôi giáo sinh xinh xinh, bé tí! ..Rồi nó quay đi giấu diếm quệt những giọt nước mắt đang trào ra gò má.

Hôm nay cả năm thằng cao kều chúng tôi tụ tập nhân kỷ niệm 10 năm ngày ra trường của lớp. Đứa nào rồi cũng thành người lớn cả. Nhưng riêng Toàn Ngố tôi biết nó trưởng thành vào hôm nghe cô Dương bị nạn.

  N.T.A.T

 

 

Nguyễn Thị Anh Thư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 152 tháng 05/2007

Mới nhất

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

6 Phút trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground