Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngáp

Truyện ngắn dự thi

Sự xuất hiện của tiến sĩ Sang trong đám ma sếp Thiện gây bất ngờ hơn hẳn việc túc trực mấy ngày liền của ông chuyên viên và ông Việt kiều - anh ruột ông chuyên viên. Từ cổng đến chỗ đặt quan tài, tiến sĩ nhẩn nha hết mười phút. Nhưng việc tiến sĩ bật òa, nức nở không kìm được trước di ảnh của sếp mới thật sự làm mọi người ngỡ ngàng, làm gián đoạn bài điếu văn chi tiết, lâm ly mà hào sảng. Về cuối bài điếu, khi ai cũng rớm rớm thì tiến sĩ lại ngáp dài.

Ngáp là phản xạ tự nhiên và dễ thương nhất trong thế giới động vật đặc biệt đối với con người. Biểu hiện thông thường của ngáp là há miệng rộng và thở ra hơi thật dài. Hơi thở này khác với thở dài thông thường. Khi ngáp, các cơ mặt, cơ lưỡi và cơ cổ co mạnh, áp lực trong khoang miệng đột ngột tăng lên. Áp lực này tác động lên khoang mũi, ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ tuyến lệ tràn ngược lên. Nhưng dĩ nhiên ngáp khác hẳn khóc. Về phương diện sinh học, ngáp báo trước một sự gia tăng hoạt động, hoặc là mong muốn chuyển sang việc khác. Ngáp là một hoạt động vô thức, một động tác ngoài sự chỉ huy của thần kinh trung ương, ngoài ý muốn của chủ nhân, làm thành một chu kỳ hô hấp cực điểm mà yết hầu mở rộng hơn bốn lần so với khi nghỉ ngơi, mũi cũng giãn nở rộng. Gần như sự thỏa hiệp ngọt ngào, ngáp thể hiện “lực bất tòng tâm”. Vậy, ngáp là miễn cưỡng chấp nhận, phản kháng chiếu lệ, như một phiếu trắng nơi đại hội bầu cử mà anh có bỏ hay gạt cũng chẳng tí ti ảnh hưởng đến cục diện.

Cứ nghe ông chuyên viên đón huy chương nói lời cảm tạ thì biết. Bệnh nghề nghiệp khiến giọng ông trở nên nghiêm trọng mà nội dung thì có vẻ lạc đề. “Cảm ơn chính quyền, các ban ngành đoàn thể để đồng chí Thiện…đạt được thành tựu này”. Ông đã dự vô thiên lủng, kính thưa các loại lễ, nhận giùm huy chương không biết bao nhiêu người bao nhiêu cơ quan rồi. Riêng ông, số huy chương bằng không.

Rồi lau mắt. Ngáp dài. Xong.

Dù trông có vẻ không được lịch sự gì cho lắm, nhất là trước mặt bá quan văn võ trong lúc ma chay cũng mong độc giả lượng thứ, chín bỏ làm mười cho ông. Ngáp để cơ thể thích ứng với hoàn cảnh. Nhiều nhà khoa học nhận thấy ngáp là một biện pháp để cho cơ thể giữ được tỉnh táo trong những trường hợp do tính đơn điệu của tình thế, của các tác động bên ngoài mà cơ thể vẫn phải luôn luôn sẵn sàng. Quý vị có thấy những người lái xe ô tô thường ngáp nhiều khi đi trên đường tốt? (Chứ không phải đường xấu đòi hỏi phải luôn xử lý tình huống). Khi hội họp, ngáp là hiện tượng phổ biến. Cũng những người ấy khi xem xiếc thì chả ai ngáp cả.

 

 

***

Mình lâm trọng bệnh. Biết điều đó mình choáng. Suy sụp tinh thần. Chán đời. Có ý định tự tử. Sau, thấy đỡ nhiều. Mình luôn đặt trong tâm thế “sống chung với lũ”. Dân trí thức như mình không được đầu hàng, đấu tranh với bệnh tật cho đến ngày cuối cùng. Mình bắt đầu có thói quen đếm thời gian còn được ở trên cõi người này. Tiên liệu xấu, mình không sống được bao lâu nữa. Di căn. Chữ đơn giản thế mà mình thấy sức nặng kinh khủng. Dạo này mình nhiễm thêm tật: điểm lại cuộc đời, nghiệm lại mọi việc đã qua. Nhờ nó mà mình ngộ ra vài điều. Tự hào là mình đóng góp kha khá cho ngành, cho xã hội. Nhưng có hai chuyện đến nay vẫn ám mình. Lỗi của mình không phải là nhỏ, càng nghĩ nó càng lớn hơn. Ngày ấy mình còn quá trẻ, đầy tham vọng. Mình năng nổ nhiệt tình trong công việc và thích được cấp trên khen, ưa lời bợ đỡ, sự nhũn nhặn của cấp dưới. Thành tích được mình trân trọng, yêu thích vô cùng. Mình làm bất cứ điều gì miễn là đảm bảo thành tích mà không ảnh hưởng “quan lộ”. Nếu không cả nể chủ tịch huyện, mình đã tránh được tai nạn nghề nghiệp đầu tiên.

Em Trần Thị Hồng Mây, học sinh lớp 6, đang nhìn qua phía bạn khi cô Loan nhẹ bước kiểm tra tình hình thi học kỳ II. Biên bản được lập. Giấy mời được gửi về phụ huynh. “Phải thật nghiêm vào anh à, thi cuối năm chứ đùa đâu. Em Mây chưa thành thật nhận lỗi mà còn cãi bướng nữa đấy”. “Thiếu ý thức tự giác… Gian lận trong thi cử là hỏng rồi”- Mình đồng ý ngay với cô Loan, con gái rượu ông chủ tịch, hiệu phó chuyên môn nhà trường, trợ thủ đắc lực của mình.

Tại phòng hiệu trưởng, mình trực tiếp làm việc với em Mây và mẹ em. “Trăm sự nhờ thầy. Con tôi chăm ngoan, suốt cấp I toàn giỏi”. “Thưa thầy, bạn Hiền mở tài liệu. Em nhìn thử có đúng không để nhắc thì…”  “Vậy cô Loan vu oan cho em sao?”. Nhiều nước mắt thay câu trả lời. Mình mời hai mẹ con về. Quan hệ với huyện được đặt lên trên, mình vô tư để cô Loan chỉ đạo cuộc họp đưa em Mây vào diện rèn luyện hạnh kiểm trong hè. Ngày mười lăm tháng tám năm ấy nhà trường không nhận được bản kiểm điểm về việc rèn luyện hạnh kiểm hè của em Mây nên hội đồng xét em ở lại lớp 6. Tuần sau đó mình gặp lại hai mẹ con. Vẫn là những giọt lệ ấm ức của con, nỉ non của mẹ. Vâng, mình sợ ánh mắt của mẹ con họ với nỗi buồn thăm thẳm, sự trách oán thất vọng ê chề. Mình gượng gạo: “Về nguyên tắc, trong buổi họp xét rèn luyện hè, thi lại, lên lớp, ở lại, em Mây phải nộp bản kiểm điểm có xác nhận của địa phương. Đến giờ vẫn không có cơ sở nào để chứng minh rằng em Mây đã tiến bộ cả”.

Khai giảng năm học vắng em Mây và thật đau đớn là 13 năm nay vẫn vậy! Hiện hồ sơ học bạ của em đã xỉn mốc, phủ dày lớp bụi thời gian! Việc làm thiếu trách nhiệm của mình gây hậu quả nghiêm trọng, làm hỏng cuộc đời một con người. Mây ơi, thầy không mong em sẽ tha thứ, chỉ cầu khẩn trời đất thương tình cho em một người bạn đời thấu hiểu cảm thông với em để tâm hồn em bớt héo úa và cuộc sống vơi nhọc nhằn. Thầy chỉ dám ước thế thôi.

Mình đang trả giá cho những lỗi lầm đây.

Còn việc này nữa, có phải nghiệp chướng? Năm 28 tuổi mình lên tới chức phó trưởng phòng giáo dục. Cái di động và máy tính xách tay đời mới mà ông Việt kiều Mỹ biếu làm mờ mắt mình. Mình lập tức đưa ông em đang thất nghiệp của ông ta vào làm nhân viên văn thư vi tính phòng giáo dục rồi cử đi học tại chức. Sau vài năm mình chạy được giấy điều động cái ông đại học tại chức đó về một trường gần nhà làm hiệu phó ngoài giờ. Công việc nhàn, ít trách nhiệm, lương cao. Chỉ mỗi việc đầu tuần dán tờ phân công lao động lên bảng thông báo mà ông phó làm không xong. Hiệu trưởng nào cũng chê tới chê lui. Dân địa phương xầm xì, vì làm việc ngoài giờ nên giờ hành chánh thầy ngồi quán. Cứ tối đa 2 năm là mình phải “gửi gắm” trường khác. Các trường sau rút kinh nghiệm phân ông phó đi họp thay hiệu trưởng, hiệu phó chuyên môn, chủ tịch công đoàn… Họ khỏe mà ông phó cũng oai nữa. Yên ổn dăm năm, ông lại bị chuyển vì nghiện rượu, hay lè nhè, coi thường lãnh đạo. Những năm gần đây ông không đủ uy tín để đi họp thay nữa nên người ta chuyển ông sang lĩnh vực chuyên dự hội nghị, hội thảo, lễ lạt và đặc biệt là nhận bằng khen, huy chương cho các trường.

 

***

 

Vợ tiến sĩ Sang nhớ lại năm chị quyết định cột đời mình vào gã dở dở ương ương, lo làm văn thay vì làm ăn. Một buổi sáng chủ nhật có chiếc xe con dừng trước nhà chị. Cửa xe mở. Ông chuyên viên gì gì đó (chị nghe chồng loáng thoáng thế) bước xuống. Theo sau là một người đàn ông trung niên tầm vóc vừa phải, ăn vận khá lùi xùi xuống từ cửa tài xế. Ông chuyên viên hôm nay sang thế, dám thuê xe mướn tài chở đi chơi. Chị đưa hai người vào nhà rồi gọi cho gã. Mấy tuần nay, có tiền nhuận bút phóng sự “Những tồn tại trong công tác phổ cập giáo dục”, gã hay lai rai với bạn bè, say sưa trong mộng ảo.

            - Chào người đẹp, sao đám cưới không mời anh? - Người lái ô tô nói.

            - Đây…

            - Ông anh ruột của tôi, - Ông chuyên viên đỡ lời chị - người nhiệt tâm đóng góp quỹ từ thiện hỗ trợ giáo dục huyện nhà đấy. Chị cầm mấy hộp thuốc thần kinh cho ông xã uống. Anh tôi biếu, của Mỹ đấy.

            Bữa đó tiến sĩ Sang và anh em ông Việt kiều nhậu tới trưa. Chị thấy ông Việt kiều rất bình dân. Ốc xào, gỏi cá, rượu gạo mà ba ông đều khen, dzô tới bến. Rượu vào, lời ra.        

Xong cuộc, khi họ uống trà đá, hút Trị An, ông em bảo:

            - Anh Hai có cho em vay một ít.

            - Lo công ăn chuyện làm cho cậu rồi còn gì. Làm bển cũng cực lắm. Anh chị ngày kiếm chưa được trăm đồng bạc. Mà lớn thuyền lớn sóng…

            - Gấp gần chục nần nương em.

            Tiến sĩ Sang đầu gục gục, lắc lắc, huơ tay:

            - Lương nhà nước ở Việt Nam cao nhất thế giới. Trưa trật cán bộ mới tới cơ quan để uống trà, đọc báo, gọi điện, chít chát, chơi game miễn phí. Rảnh thì tán dóc hay tìm chỗ hổng kiếm tí đỉnh. Moi óc xem hôm nay có nơi nào hội nghị, lễ lạt, liên hoan, sơ tổng kết không còn tới dự bữa trưa. Nhậu đã, chiều nghỉ sớm rồi nhậu tiếp. Kêu thêm mấy thằng lính mới hoặc đối tác mập đến tính tiền rủ đi tiếp. Khuya về mua xấp hóa đơn đỏ để đó lâu lâu…

            - Thôi anh!

            - A, vợ hiền. Anh chưa say. Khỏi lo, chồng em viết sáu đêm được thưởng năm triệu. Tính ra lương giờ là hai chục đô, thua chi bển…

            - Mua xe hơi giờ - Ông chuyên viên chêm vào.

            - Sếp ơi, sếp à, tuần thầy lên trường hai buổi phải không? Hiệu phó lao động đầu mỗi tuần dán một tờ phân công lao động. Lương tám triệu. Vậy mỗi tờ giấy mà thầy in ra, dán lên bảng, nhà nước trả hai triệu bạc. Thời gian còn lại nhậu. Cần chi tiền Mỹ?

            Ông Việt kiều lanh trí chuyển hướng câu chuyện sang thuốc tây:         

- Nhớ đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

            Thế là kết thúc gọn gàng bài diễn văn về vấn đề việc làm và lương bổng ở các nước trên thế giới.

 

***

 

Mình chẳng có vấn đề gì với tiến sĩ Sang nhưng ông phó lại gặp chuyện. Theo lời ông phó thì tiến sĩ Sang khinh ông ra mặt, ăn nói méo mó xỏ xiên ông. Biệt hiệu tiến sĩ do ông phó đặt trước còn tiến sĩ Sang gọi lại ông phó là chuyên viên đón huy chương. Mình đã dài tay nhúng vào chuyện của họ. Đi thanh tra trường học, mình cố ý vào dự giờ tiến sĩ Sang.

- Xếp bút nghiên chuyên tâm phấn bảng đi. Cậu chả có khiếu sư phạm. Cứ thao thao bất tuyệt. Để học sinh nói với chứ. Phương pháp giảng dạy kiểu này không ổn chút nào, mà phong trào lớp chủ nhiệm của cậu lẹt đẹt quá, thứ nhì từ dưới lên cơ đấy. Xem nào, cậu thiếu nhiệt tình trong các hoạt động khác, thường quên nhiệm vụ. Này, này giờ họp ghi chép cẩn thận, chớ có làm thơ! Mình quay sang ban giám hiệu - Các cậu phải chăm dìu cậu này. Tăng cường dự giờ chuyên môn đột xuất kể cả dự giờ sinh hoạt chủ nhiệm, nhắc nhở việc bám trường bám lớp. Cuối học kỳ báo cáo trực tiếp tình hình thầy Sang cho tôi.

Chỉ thị miệng của mình được nhà trường thực hiện quá nghiêm túc. Năm ấy tiến sĩ Sang khốn khổ vì bị chăm sóc chu đáo tỉ mỉ. Tiến sĩ luôn ở trong tâm trạng nặng nề, dè chừng, nhìn trước ngó sau. Áp lực công việc khiến tiến sĩ suy nhược thần kinh. Sau khi lập gia đình, bệnh tình của tiến sĩ Sang trở nên trầm trọng hơn: vui buồn cáu giận vô cớ. Tiến sĩ lúc thì thừ người ra cả ngày không nói, lúc lảm nhảm một mình. Việc trường lớp bê trễ thường xuyên. Sự việc tiến triển theo chiều hướng mà ông phó (và cả mình nữa) mong muốn. Tiến sĩ bị buộc thôi việc. Sao mình nhẫn tâm thế? Trên đường đi làm ngày nào mình cũng phải giáp mặt một người đàn ông không cao không thấp, không mập không ốm. Khuôn mặt không trẻ không già, hiu hắt buồn và le lói chút hào quang ngày nao. Người đàn ông vừa thơ thẩn bán dạo nhang, dầu lửa, muối vừa lẩm bẩm triết lí về cuộc đời. Lòng mình chua xót lắm. Tiến sĩ Sang đấy. Vậy mà chẳng hiểu sao lúc mình bị ung thư gan, tiến sĩ lại biết mà đến thăm. Tiến sĩ nói nhảm về sự giải thoát rồi hxả gì gì đó nhưng mình thấy ấm lòng và cảm giác áy náy, tội lỗi vơi bớt. Cuộc sống, mình nghiệm lại, luôn có những thay đổi bất ngờ, hoặc xấu đi hoặc tốt lên. Con người vô cùng phức tạp. Ông phó mừng ra mặt khi biết tin mình bị bệnh nan y. Trước đó huyện tính chuyển mình sang chánh văn phòng. Trưởng phòng giáo dục nhắm ông phó thay chỗ mình. Mình phản đối quyết liệt. Không phải mình trở mặt, làm mình làm mẩy hay ganh ghét. Lúc ấy mình nhận ra một cách mơ hồ rằng tầm của ông phó mà ngồi ở vị trí đó thì hỏng hết. Mình không hề hối hận; mình tự hào vì sự can đảm hiếm hoi còn sót lại của bản thân dẫu hơi muộn màng. Mình bắt đầu từ chối quà cáp của anh em ông ta. Đối với anh em ông ta, nếu mình chết thì vấn đề trở nên đơn giản: ông phó (lúc này đã được rút về phòng, làm ở tổ phổ thông) sẽ hưởng lợi. Đó là một trong những lí do để mình chiến đấu đến cùng với bệnh tật, chiến đấu đến cùng với những kẻ cơ hội. Hơn nữa mình có những món nợ chưa trả xong. Mà lạ thật nhắc ông phó là mình nhớ tiến sĩ Sang và ngược lại. Sự nổi trội và hơi lập dị của tiến sĩ tạo nên những tị hiềm, những nhìn nhận phiến diện từ người khác. Là người nặng tình, tiến sĩ chuyển từ k sư dầu khí sang k sư tâm hồn để về gần người mà tiến sĩ yêu lúc còn học phổ thông. Tiến sĩ được phân công dạy sinh hóa cấp II. Đầu óc cũng như gương mặt của tiến sĩ sáng láng. Tiến sĩ luôn comlê, cà vạt. Tóc chải bóng mượt và giày đánh bóng loáng. Nói tới giày mình mới nhớ. Đời thế mà vui.

***

 

 

Việc mang giày tưởng đơn giản lại hay đáo để. Nó giúp sếp Thiện thấy được những góc khuất, nhận ra nhiều khía cạnh của một vấn đề.

Bước chân lên hành lang cơ quan, sếp có cảm giác là lạ, thiếu tự tin. Sao mình lại có vẻ khép nép, rón rén? Chả giống tư thế một lãnh đạo phòng giáo dục chút nào. Nghe thiêu thiếu. A! Phải rồi. Tiếng giày côm cốp, tiếng giày đĩnh đạc mà sếp Thiện thường nện xuống đầy kiêu hãnh. Lỗi là tại đôi bata sếp mang đi bộ tập thể dục khi sáng. Thì ra sếp xỏ lộn giày. Đến phòng làm việc, sếp Thiện nghe rõ mồn một.

- Có gắng đi nữa thì cũng được năm cùng, anh Hai à, ung thư giai đoạn cuối rồi. Anh nói vào giùm em một tiếng. Em không quên đâu.

- Còn xem cậu có hợp ý đã. Lại phải tham khảo ý kiến. Nếu sở, huyện hậu thuẫn, nếu cái ghế vô chủ thì…

Sếp Thiện đứng chết trân. Sếp là vật cản, là cái gai ư? Khó tin. Hèn chi, khác tiến sĩ Sang, ông phó dạo này giáp mặt sếp - bất kể trạng huống, không gian thời gian - cứ leo lẻo: Anh thấy trong người ổn chứ? Em no quá.

Sếp mang tội nhớn rồi, để cấp dưới chờ nâu quá, đội ngũ kế cận no!!!

Mình phải sống, nhất định phải sống. Các người chớ vội mừng. Cho đến khi thiên lôi giơ búa, đồng hồ chạy ngược sếp vẫn tự nhủ lòng như vậy.

 

***

 

 

Lễ an táng sếp Thiện.

Trời lắc rắc mưa. Đoàn người đưa sếp về nơi an nghỉ cuối cùng dài gần hai cây số. Người dân đau buồn khóc than thương tiếc người thầy cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục, tận tụy với phụ huynh, học sinh. Những năm cuối đời thầy đã bỏ tiền túi xây tặng cho xã trường mẫu giáo Tình thương, đóng góp phần lớn cho quỹ Hỗ trợ học sinh nghèo và kiên định đấu tranh chống tiêu cực, trả lại sự trong sáng cho ngành. Riêng vợ tiến sĩ Sang nhận từ tay bà Thiện quyển sổ tiết kiệm “để hàng tháng chị lo thêm thuốc men, bồi dưỡng cho chồng”.

Khi những nắm đất được thả xuống thì mưa nặng hạt. Người thưa dần. Bộ mặt tiến sĩ Sang lộ ra. Tiến sĩ ngồi gục bên mộ, mặt đẫm nước mưa lẫn nước mắt. Trước cảnh thương tâm đó ông chuyên viên dưới cây dù đen ngáp dài. Khi ngáp trông khuôn mặt ông chuyên viên dịu đi, hiền hơn, phảng phất chút phúc hậu. Trong văn học người ta ít khi nói về hành động ngáp. Văn nghệ sĩ e tính thẩm mỹ sẽ giảm đi nếu mô tả hành động đó hay sao ấy?

Và trời vẫn mưa.

Vẫn mưa…

Vẫn mưa...

Vĩ thanh

Đưa ma thầy Thiện về, ông trưởng phòng giáo dục thấy nặng nề. Người nhà thầy Thiện trao cho ông bì đựng hồ sơ dán kín. Trên cùng có dòng chữ nghuệch ngoạc “gửi các cấp thẩm quyền. Ông chột dạ. Mở bì, ông đọc suốt buổi chiều mưa ấy, bỏ luôn cơm trưa lẫn công việc trên phòng giáo dục. Nhiều bí mật chỉ nên giữ cho bản thân, không nên tiết lộ, ông nghĩ. Rốt cuộc, ông đi đến kết luận, tài liệu này không thể công bố, lợi bất cập hại.

                                                                                                         N.T

Nguyễn Trung
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 291 tháng 12/2018

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

12 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

13 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground