Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ rừng

Sinh năm Nhâm thìn 1952 tại Lệ Thuỷ, Quảng Bình tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường Đại học tổng hợp Hà Nội. Từ năm 1971 là lính lái xe tăng lữ đoàn 202. Hiện là phóng viên đài phát thanh truyền hình, hội viên Hội VHNT Quảng bình. Năm 1985 bắt đầu in truyện ngắn, ký trên các báo. Tạp chí TW và địa phương, Huy Chương vàng liên hoan phim truyền hình toàn quốc lần thứ 10 năm 1993.

 

Ôi thời oanh liệt nay còn đâu!

Suốt cả mấy tháng nay bà Lãnh luôn phải rầu lòng với chồng. Không hiểu điều gì đã làm cho ông Lãnh dở chứng. Đang vui sống cảnh điền viên với vợ con và các cháu, bỗng nhiên ông âm thầm hẳn đi một dạo rồi trở nên cáu gắt. Gần đây ông dở hơi hơn nữa. Ông chặt hai cây ổi tàu đang sai quả, đào bật cả gốc lên, trồng thế vào đó hai mụt mây to như măng tre. Trời đất, ở cái vùng “ruộng cạn lúa gieo” này ai lại đi trông mây bao giờ. Không ra cây cảnh cũng không phải cây kinh tế. Cây mây quái quỷ ấy mà lớn lên thành bụi thì phải biết là gai góc và rắn rết. Trước đó, sau mùa hè nắng nóng tới tiết thu mát mẻ, khi mấy đứa cháu đang chờ đám củ lay-ơn lụi từ năm trước lên mầm, thì ông thủng thẳng gánh đâu về hai bụi sim to và một bụi bông trang trồng chờm lên, suốt ngày hì hục tưới nước. Thôi thì cũng được đi một nhẽ. Bụi bông trang thì để cúng. Thời ông bà cha mẹ cũng thường cúng bông trang. Hai bụi sim cũng chẳng tốn bao nhiêu đất, tháng ba lại ra hoa thì đẹp mắt, không chừng có vài ba quả chín cũng làm vui con trẻ. Cả nhà cứ thấy ông lầm lụi làm không ai dám ngăn. Hỏi, thì ông cứ ậm ừ trong cổ họng, rồi thả cuốc vô rót rượu uống. Uống xong ra ngồi trước thềm nhìn về hướng núi, mặt thừ ra. Lần này, ông lại đi biệt đâu hai ngày, tối về lụi hụi thắp đèn mãi ngoài bờ ao. Bà Lãnh tưởng ông vớt cá lên rán nhậu, lật đật trở dậy để làm giúp ông, nhìn ra thì thấy ông đào đào cuốc cuốc. Bà trở vô ấp cháu, lòng nghi nghi hoặc hoặc. Sáng, bà Lãnh ra bờ ao thấy một cái cây cao chừng đầu người lớn, thân thẳng, rắn rỏi, da mốc, phất phơ chùm lá li ti trên ngọn. Trở vô không nén nổi tò mò, bà hỏi:

- Cây gì đấy hở ông?

- Lim, ông Lãnh đang ngồi uống rượu đáp gọn.

- Ông bảo cây gì?

- Điếc à, cây lim, cây gỗ lim.

- Trời ơi! Ông trồng gỗ lim làm gì cơ chứ. Ông soi gương coi trên đầu còn sợi tóc đen nào không mà trồng gỗ lim. Một trăm năm nữa liệu ông có còn sống mà thu hoạch. Mà cái loại cây thiết mộc ấy độc lắm, ông ơi! Nó mọc trên núi đá trong rừng xanh, ai bảo ông tha về đây.

- Im ngay, ông Lãnh dằn ly rượu hậm hực đi vô vuốt ngắm bộ da cọp.

Lần này nữa bà Lãnh cũng nhịn được. Nhưng đến đêm chờ ông Lãnh ngủ say, bà Lãnh trở dậy thắp hương khấn vái ông bà cha mẹ. Bà yên trí là ông Lãnh đã bị tâm thần. Rất có thể những năm sống trong rừng ông đã bị người Vân Kiều “thu”. Khấn xong bà Lãnh lần ra ao chỗ cây Lim mới trồng. Bà run rẩy sờ tay vào lay khẽ rồi bắt đồ nắm chặt thân cây lôi mạnh. Không được, bà dặc dặc mấy cái rồi rán sức lôi. Cũng không ăn thua. Cái cây nhỏ con mà rắn cấc ngang ngạnh. Bà thở hổn hển trở vô vừa đi vừa nhìn lại như thể sợ ma. Ai ngờ cái cây thân gỗ bằng cán chổi mà chắc đến vậy. Bà ngồi bó gối trước hiên nhà hồi tưởng lại những năm tháng đã đi qua cuộc đời son trẻ của bà, một người phụ nữ chốn đồng màu nghèo khó…

***

Cách đây hơn ba chục năm, vùng quê bà mới bước ra khỏi cuộc chiến với thực dân Pháp. Bà Lãnh, lúc ấy là cô Lý, một thanh niên xung kích trong phong trào vận động xây dựng hợp tác xã. Một chiều gánh khoai về, Lý thấy một chiếc xe mô-nô đậu trước cửa. Người lái xe đang nói chuyện với mẹ. Ngoài vườn có một thanh niên mặc áo xanh công nhân đang cuốc đất. Cô lạ lắm, hỏi mẹ mới biết xe của Lâm trường Ba Rền đi chở vật liệu và thực phẩm ghé nhờ nấu cơm. Những lần sau không thấy xe mô-nô đâu chỉ có người thanh niên mặc áo quần công nhân ấy quang gánh đi bộ rảo các chợ, ghé qua nhà uống miếng nước rồi lại quày quả gánh đi. Những lần nghỉ lại anh thường giúp mẹ cạp lại rổ rá chuốt cây đòn gánh, kê vại nước, rào lại vườn. Trông anh lam lũ thầm lặng. Cô chưa đến Lâm trường Ba Rền, chỉ nghe nói xa lắm, vào miết rừng sâu. Một lần, cô ướm thử cái gánh thực phẩm bầu bí rau mướp của anh mà thất kinh, nặng tưởng sụn lưng. Người đâu mà tội nghiệp, gánh nặng thế kia mà đi hai chục cây số đường rừng còn chi là người. Cô đem lòng thương anh từ đó. Không một tiếng pháo, không nhẫn cưới, không quần lụa, áo the, cô thành vợ anh sau một cuộc liên hoan chè xanh đặc thăn lưỡi. Phải năm trời làm đại hạn thất bát thiếu đói, Lãnh thường từ rừng xanh về với một gánh hột sót, hột dẻ, vài bắp chuối rừng, vòng qua các chợ mua rau, bầu, cá, khô, nước mắm, lật đật gánh đi. Lấy Lãnh,  cô vẫn ở nhà làm hợp tác nuôi mẹ, để sòn sòn sáu năm, bốn đứa con.

Chiến tranh phá hoại nổ ra, Lý tha con hết chui hầm lại sơ tán lên suối cạn. Ngày trốn máy bay, đêm về cấy lúa trồng khoai. Hạt thóc củ khoai thấm máu người. Đội khai thác của Lãnh vào sâu tít trong rừng xanh làm đường cho quốc phòng chuyển quân. Bốn năm sau anh mới về thăm làng. Ngày ấy, sau khi đi thắp hương trên mộ mẹ trở về Lý thấy mắt chồng đỏ hoe. Lần đầu tiên Lý được nghe chồng tâm sự với giọng điệu âu yếm về cuộc đời và gia cảnh của mình:

- Anh nghèo quá, mồ côi mồ cút cả cha mẹ từ nhỏ, lớn lên làm người Nhà nước, coi mẹ đây như mẹ đẻ đặng làm nơi nương tựa tình cảm. Bây giờ mẹ mất chỉ còn hai đứa mình thương nhau.

Lý cũng khóc, một phần thương mẹ phần vì thương anh. Hồi ấy là năm 1969, chiến tranh tạm lắng. Chị Lý lần đầu tiên theo chồng lên thăm lâm trường, thăm động khai thác của anh. Đi bộ hai mươi cây số vào cái nơi gọi là “Lâm trường bộ” với lèo tèo năm ba dãy nhà lá phên nứa, nghỉ lại một đêm sáng hôm sau tuông rừng ngót một ngày nữa mới vào đội anh. Suốt đêm, anh xách súng vào rừng lùng sục. Lý nằm thao thức lo phấp phỏng, mấy lần trở dậy hỏi anh em công nhân, ai nấy đều cười:

- Anh Lãnh tuổi Dần, là chúa rừng xanh, chị khỏi lo. Chúng em đã chuẩn bị muối ớt và rượu tăm để sáng đánh chén.

Sáng ra Lãnh về mắt đỏ ngầu vác theo một con mang lớn.

Từ dạo ấy, Lý không bao giờ có dịp vào lâm trường nữa. Dăm ba năm anh về phép một lần mang về cho mẹ con Lý chai mật ông rừng vài cân thịt nai khô, giỏ phong lan tươi hớn.

Ba mươi năm vèo qua cuộc đời họ như gió hú đại ngàn để lại những sợi bạc trên đầu và sự nhẫn nhục chịu đựng cam khổ trong trái tim bà Lãnh. Những đứa con lớn lên lần lượt nhập ngũ hoặc theo cha vào lâm trường, gửi lại cho bà những đứa cháu đỏ hỏn và cô vợ trẻ làm dâu nhà bà, bắt đầu số phận xa chồng như bà thở nào. Bởi thế cách đây vài tháng, ông Lãnh về mang theo quyển sổ hưu bìa vàng, bà Lãnh mừng lắm dẫu muộn màng thì từ nay trong vườn nhà bà đã có một người đàn ông mạnh mẽ và can trường đi sát cuộc đời bà. Ai ngờ, chưa được bao lâu thì ông đã dỡ chứng như vậy. Cơ sự này đáng ra bà phải lên báo cáo cấp uỷ, chính quyền và hội bảo thọ cho ông đi bệnh viện, phải đưa ông ấy đi bệnh viện thôi.

Khi bà Lãnh đốt tuần hương thứ hai, lụi hụi vô buồng nằm cũng là lúc ông Lãnh trở dậy. Không hiểu do khát nước hay mùi hương trầm ngào ngạt đầy nhà làm ông không ngủ được. Ông ra ao xách nước tưới bụi bông trang, khẽ vít cây lim non đứng trớ trêu bên bờ ao. Đi ngang qua bụi mây, dường như cố ý ông để cho áo mắc vào gai mây rồi hì hục gỡ, ra chiều bận rộn lắm. Trăng hạ tuần gác lên ngọn tre cuối làng, gà gáy xao xác. Với ông, lũ gà nhà là một lũ công tử bột không cất cánh bay nổi hai mét. Hồi mới về hưu ông đã làm bà Lãnh với xóm làng phải một phen hú vía. Hôm ấy có ông bạn già cùng đơn vị cũ đến chơi. Ông bảo bà nấu nước chuẩn bị thịt gà. Bà Lãnh le te lấy cái chụp với nắm thóc ra nhử để úp gà, ông gạt đi. Bà Lãnh mới quay vào bếp được một lúc đã nghe gà chạy táo tác. Trở ra thấy ông khách đang cầm sào quơ tứ tung vào đàn gà. Một con gà mái đẻ bay lên đậu ngay mép lu nước. Ông Lãnh rê súng theo: Pằng! Con gà lăn chiêng dãy đành đạch. Hai lão già cười lên ha hả gật gù với nhau.

Duy nhất lần ấy ông cười.

Ông Lãnh lụi hụi bưng thẩu rượu ra, trịnh trọng đặt xuống hàng hiên. Mùi hương trầm váng vất trong nhà làm ông chạnh buồn gợi lại điều gì sâu xa lắm. Ông ít khi nhớ lại thời ấu thơ. Vì bận quá hay vì chính tuổi thơ ông cực nhọc quá. Đêm nay ông như thấy thấp thoáng trong làn sương mù thời gian đặc quánh những hình người vật vờ trên đám ruộng lúa non xé đòng đòng nhai ngau ngáu. Mẹ ông mất sớm, Lãnh cùng bốn đứa em sống với dì ghẻ. Bố Lãnh hoạt động cách mạng sau làm chính quyền. Năm 1945, anh em Lãnh kéo đoàn rồng rắn đi coi tập quân sự, coi họp đoàn thể, học bình dân học vụ rồi vác bát đi xếp hàng nhận cháo phát chẩn. Năm 1947 Lãnh mới mười hai tuổi, một hôm bố Lãnh tạt về nhà, vai đeo súng, nắm lấy hai vai Lãnh dặn:

- Cha đi lâu mới về, mà chắc cũng không về đâu. Nếu cha chết, con ráng nuôi các em, đừng trộm cắp, đừng đi ở đợ cho ai.

Lãnh chạy theo ra đầu làng thấy cha nhập với một nhóm đàn ông đeo súng và kiếm nhắm hướng rừng xanh vừa đi vừa hát: “Bao chiến sĩ anh hùng lạnh lùng vung gươm ra sa trường…”.

Hai năm sau, khi Lãnh đã choai choai, nghe người lớn thì thầm rằng: lực lượng kháng chiến đã hạ sơn. Đâu có tiếng súng nổ, bọn tề ngụy nháo nhác. Hòa bình lập lại, ba Lãnh về người xanh như tàu lá nhưng đôi mắt lấp lánh vui. Ông đến trụ sở chính quyền trao lại khẩu súng mút-cơ-tông, trở về thắp hương trên bàn thờ lạy bốn lạy, xoa đầu Lãnh rồi hai cha con vác cày ra đồng. Có lẽ trong ba năm được cày ruộng chăn trâu là thời kì hạnh phúc nhất trong thời ấu thơ của Lãnh. Lúa của cha con anh tốt nhất làng, khoai, sắn, bắp bời bời ăn không hết. Bỗng một hôm ba Lãnh đi họp thôn về mặt tối sầm, mắt vằn tia máu. Lãnh sợ lắm nhưng không dám hỏi. Hôm sau hai cha con chuẩn bị ra đồng thì có hai du kích cầm súng cắm lưỡi lê cùng với một người đàn ông lớn tuổi mặc áo đại cán tới nhà đọc lệnh bắt cha Lãnh. Ông già lậm lụi đi không nói một lời. Lãnh run lên lao đến, chạm ngay ánh thép lưỡi lê sắc lạnh. Lũ em với bà dì ghẻ khóc ầm làng nước. Chiều Lãnh chạy lên thôn hỏi gặp người đội trưởng đội cải cách. Ông ta lạnh lùng nói: “Cha mày là Quốc dân Đảng, tội nặng lắm”. Nửa tháng sau cũng chính người đàn ông ấy cho du kích về gọi anh em Lãnh lên đưa xác cha về. Ông đã tự sát. Trong gần một năm trời anh em Lãnh âm thầm chịu đựng tang cha cho đến khi đội sửa sai về.

Tuy ba của Lãnh không dược công nhận liệt sĩ nhưng riêng anh lại được tổ chức để ý. Lãnh được đưa vào diện cảm tình đoàn thanh niên. Ngày thôn Hạ dóng trống mở cờ vào hơp tác xã, Lãnh hăng hái lắm. Anh nộp đơn đầu tiên. Lá đơn thấm đầy mồ hôi viết to như trứng vịt bầu, viết một lèo không có chấm phẩy. Năm đầu gặp thời tiết thuận lợi hợp tác xã trúng vụ, ai dè năm sau tiểu mãn giữa chừng cả làng thất bát. Lãnh cùng tổ “thanh niên cảm tình” lên huyện nhận lúa trợ cấp. Qua năm bảy cửa xin chữ ký, đến phòng cuối cùng Lãnh gặp một người đàn ông đeo kính trắng ngồi sau bàn giấy. Anh sững người: chính người đàn ông ấy đã ký lệnh bắt ba Lãnh về tội “ Quốc dân Đảng”. Lãnh ném lại tờ giấy cho chúng bạn về làng quang gánh lên rừng lấy củ mài, nhặt hột sót, hột muồng về nuôi em, nuôi dì. Một bữa Lãnh đói lả nằm lại dưới một gốc cây thiếp đi. Khi tỉnh lại thấy mình đang nằm trong trạm xá lâm trường trong rừng. Cạnh giường có bát cháo bốc khói. Một tháng sau Lãnh trở thành cán bộ tiếp phẩm của lâm trường.

Một lần cách đây đã lâu có đoàn cán bộ của tỉnh đi xe con lên thăm lâm trường. Lãnh được lệnh về chợ mua gấp thực phẩm với số lượng tăng gấp đôi. Trưa, trời nắng như đổ lửa, vừa lặc lè gánh gà, vịt, thịt lợn về đến lâm trường bộ thấy trong phòng giám đốc nhiều người đang xúm xít quanh một cán bộ cao cấp đeo kính, da trắng trẻo, nghe như nuốt lấy lời, Lãnh bỏ gánh nhòm qua cửa sổ chợt bàng hoàng cả người. Chính con người ấy, con người năm xưa, Mối hận bùng lên trong trái tim anh. Chiều, Lãnh xách súng ra cửa rừng đón đường. Chiếc xe com-măng-ca xì khói chaỵ qua. Người đàn ông đeo kính ngồi ghế trước vui vẻ giơ tay chào Lãnh. Anh đứng ngẩn tò te một lúc rồi xách súng ra về. Từ đó Lãnh không bao giờ về làng nữa. Anh “ký” với lâm trường một hợp đồng lao động đến khi chết và xin vào làm ở đội xa nhất trong rừng Trường Sơn. Ba mươi năm ở rừng ông trở thành một thiện xạ có một không hai ở lâm trường. Mỗi lần Lãnh nâng súng lên là đội có thịt cải thiện. Duy nhất một lần ông không bắn. Đang tuông rừng tìm lối cho voi lên kéo gỗ thì ông gặp cọp. Lãnh đứng sững lại trước một bụi lau to. Giữa bụi lau là một con hổ vằn đang ngồi chằm chằm nhìn ông. Trong một giây suy tính, Lãnh biết mình không thể có đủ thời gian để quy lát khẩu súng trường. Chỉ cần hai bước nhảy con hổ sẽ biến anh thành một đống xương thịt vấy máu. Con hổ vằn chằm chằm nhìn anh như quan sát mọi động tác của địch thủ. Lãnh nhẹ nhàng ngồi xuống nhìn thẳng vào mắt hổ khẽ khàng thấy thuốc lá quấn một điếu, hút. Người và vật nhìn nhau. Cỡ chừng tàn nửa điếu thuốc con hổ bỗng nhẹ nhàng vẫy ngược đuôi uể oải bước vào rừng.

Từ chuyện này, công dân trong cả liên hiệp lâm công nghiệp tôn anh là chúa rừng xanh. Nhưng suốt ba mươi năm, chúa rừng xanh không có cách gì có thể thuyết phục vợ lên ở với mình. Bà Lãnh không thể nào chịu đựng cảnh heo hút của núi rừng.

***

Trời hửng sáng, rượu đã ngà say, ông Lãnh mới bê thẩu cất vào tủ. Dường như ông cố ý kéo lê đôi chân một cách thiếu tự nhiên. Những ngày đầu mới về nhà nhiều lúc đang đi, ông dừng lại tự cười mình không hiểu sao giữa đường làng bằng phẳng mà vẫn cứ lên gân bắp chân trong mỗi bước đi. Mỗi lần bà Lãnh nhờ ông gọi cháu về ăn cơm, ông ra cổng đứng rồi bất giác cất lên một tiếng hú dài làm chó, mèo, gà qué chạy nháo nhác. Ông vào buồng định đánh thức vợ dậy nấu cơm cho lũ cháu nội ngoại ăn để đi học, thấy bà Lãnh còn thiêm thiếp ngủ. Ông dừng lại nhìn chằm chằm vào mặt bà như một gã say mèm nhìn miếng lòng tạp còn thừa trên dĩa. Trong ánh dương buổi bình minh dang rạng dần, gương mặt bà Lãnh hiện lên đầy vẻ thánh thiện nhẫn nhục. Từ đuôi mắt, những nếp nhăn đuổi nhau chảy xuống gò má những gợn sóng đè lên nhau rất cam chịu. Ông Lãnh bỗng thấy thương vợ. Ba mươi năm trong cuộc tình bay vèo qua mặt ông như tia chớp. Ông. Một công nhân, một cán bộ Nhà nước về hưu không một đồng vốn. Tài sản duy nhất của hai vợ chồng là căn nhà do chính vợ ông gom góp dựng nên. Ra khỏi cửa rừng ông mới sực nhớ trong tay không một thước gỗ.

  Ông mang về một bộ da hổ, một khẩu súng săn, một cái gậy mây song chuẩn bị cho tuổi già. Ba mươi năm ông đã không đủ sức đưa bà lên cùng ông “ăn của rừng’ sao hôm nay, lúc về già ông lại khuân cái thói quen “người rừng” về đây ám vào cuộc đời bà. Đã không phải một lần ông đi bộ lên lâm trường, tuông rừng vào nơi khai thác, đứng rất lâu cạnh con voi Bạc-nòi để hít thở cái mùi hôi mốc khô khan quen thuộc từ bộ da, nhìn sâu vào đôi mắt thịt nghĩa tình của nó, xách súng săn đi lang thang suốt đêm, ngày hôm sau uống một bữa rượu say mèm với “chiến hữu’ rồi về. Khổ cái, khi ở quê thì nhớ rừng quay quắt", nhớ bạn bè nôn nao. Lọ mọ lên được rừng thì chạnh lòng nhớ vợ, nhớ cháu. Và rồi dần dần ông Lãnh vượt quãng đường hơn hai mươi cây số một cách khó nhọc hơn. Lần cuối cùng gần đây ông phải đi nhờ xe ô tô của lâm trường. Ngang qua cây lim già thuở trước từng đói bụng ngã xỉu nằm lại, ông xuống xe đốt vài que hương cắm dưới gốc cây loanh quanh tìm bứng được một cây lim con mang về.

Lúc bà Lãnh giật mình choàng dậy thì thấy mặt trời đã lên cao chiếu qua cửa sổ. Các cháu đã đi học cả. Dưới cánh tay bà là cánh tay gân guốc khô cằn của ông Lãnh. Bà ngồi dậy vấn tóc ngạc nhiên nhìn ông. Ông Lãnh đang ngủ hoặc như đang giả vờ ngủ. Gương mặt ông dường như không còn vẻ ngang ngạnh gàn rỡ của những ngày qua. Người thanh niên lầm lụi cuốc đất năm nào với cái gánh thực phẩm nặng oằn lưng vụt hiện lên. Bà Lãnh khẽ khàng bước ra khỏi màn lụi đụi đi đun nước pha một ấm trà.

                                                                                        N.T.T

Nguyễn Thế Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7 tháng 04/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground