Những trảng cát mênh mông mé đường lộ bây chừ đã khác lắm phải không? Hồi đó, chắc gió còn hơn ri nữa hè? Định nói thêm nhiều điều nữa nhưng ngại mấy câu đó đôi khi khiến người ta nghĩ mình mang ý dò hỏi, nghi ngờ xác nhận, nên chi chị đánh trống lảng lung tung. Lảng một hồi thành ra nhạt thếch, gợi mãi cũng chẳng tìm ra niềm thân thiết nào. Nghĩ lại ba năm trước, khi anh trai con dì Hoa xóm bên trở về, vừa gặp ở cửa dì đã ôm chầm lấy anh khóc nức nở, kêu con tui, con tui. Người trong xóm bảo nên làm xét nghiệm máu hay dò coi mấy vết sẹo trên người trước, chứ mạ con bặt tin nhau mấy chục năm căn cứ điều chi mà vừa trông thấy dì đã chắc mẩm đó là con mình. Dì cười chảy nước mắt, bằng trái tim người mẹ, bằng những mòn mỏi đợi chờ năm này qua năm khác, dì nắm tay anh rồi khẳng định là hắn chứ ai. Năm đó, chỉ vì tuột tay mà lạc nhau.
Mạ nói nếu không lanh tay thì năm đó mạ cũng lạc anh Hòa rồi. Dòng người chen chúc, xô đẩy nhau dưới cái nắng rát mặt, ai cũng cố chạy thật nhanh để đến vùng sơ tán. May mà không lạc, chứ không mạ chẳng còn mặt mũi để ăn nói với tổ tông. Bởi, anh Hòa hay gắt mạ đoạn này, mạ sống một đời đàng hoàng đâu làm chi ai mà lúc mô cũng cúi gầm mặt. Mỗi lần ai đó hỏi đến ba, mạ đều cúi mặt như thể mình trót làm sai, ở vị trí này là quá sai. Trên đường đi, mạ im lìm chẳng dám ngẩng mặt chuyện trò như mấy o, mấy dì bên cạnh. Mạ dặn anh đừng nhìn bên đường nhưng con nít tò mò, ngồi trong triêng gióng mạ gánh, anh mải miết run rẩy ngó những gì diễn ra trước mắt. Một con bò nằm trước chợ tỉnh, bụng toác ra và cái mõm đầy máu. Người chết nằm chơ vơ bên đường, không một manh chiếu đậy. Thị xã ngổn ngang, cháy rụi và lởm chởm những cột khói mang khét lẹt ngút trời. Gió lùa theo cát lất phất hệt mưa phùn, có điều thay vì hạt mưa tấp vô mặt thì đây lại là cát.
Tiếng nổ vang lên khi cả đoàn người chạy gần đến Đông Hà. Mạ vứt đôi triêng gióng và nhanh tay túm lấy anh Hòa. Phía trước, cách hai mạ con mấy bước chân, vài người ngã xuống nằm bất động, thân thể bê bết máu. Sau này, trong mấy tháng trời ở Vĩnh Linh, đêm nằm ngủ anh vẫn giật thót mình vì mường tượng tiếng bom rơi. Bữa cơm nào mạ cũng cúi mặt xin lỗi gia đình o chú đã cưu mang hai mạ con vì đêm qua anh hét lớn làm họ mất ngủ. Bữa thì xin lỗi bởi anh đánh nhau với thằng con trai nhà đó. O chú hiền lắm, mặt mũi con mình trầy xước hết thảy nhưng họ vẫn cười hiền, bới đầy cơm cho mạ con anh, không chút hằn học trách móc.
Minh họa: NGUYỄN ĐĂNG PHÚ
Chị vẫn thương mạ làm chi cũng nhún mình mặc cảm. Nỗi mặc cảm ấy sau này lớn chị mới nhận ra. Không phải mặc cảm bởi thằng con trai lúc nhỏ nghịch phá thường bị người ta xách áo đến nhà chửi rủa đồ không biết dạy con mà mặc cảm bởi chồng trót ở phía bên kia, cầm súng bắn ngược làng xóm, quê hương mình. Nên tới hồi giải phóng, ba sống sót trở về mà niềm vui trong mạ cứ trở mình lục đục. Lúc mạ hay cái chân khập khiễng kia là tự ba làm để khỏi ra chiến trường, mạ càng thêm cúi mặt. Đến khi ba bảo trong kia đã có con với người ta, hay tui đi vô để mạ bây ngẩng đầu mà sống. Mạ không coi đó là cái cớ nặng nề chi cả, chẳng gào khóc níu giữ ba bên mình, dù đêm nào nằm cho con bú, mạ đều chảy nước mắt. Coi như hơn một năm về nhà, thứ ba để lại cho mạ là chị lúc đó còn đỏ hỏn.
Hình như, mãi tới khi gặp lại dượng, mạ mới ngẩng mặt lên tự tin nhìn người, nhìn đời. Dù nhà thêm một miệng ăn, mạ chẳng lấy đó làm niềm than thở khổ cực. Đi bộ đội về, phía thân dưới của dượng chỉ còn từ bắp đùi trở lên. Ruột thịt của dượng không còn ai nên mạ làm lơ không đành, với lại hồi trước cũng là bạn thiếu thời với nhau. Hồi đó, con nít thấy dượng là sợ lắm nhưng chị không sợ. Mùa nóng, dượng tháo chân giả ra rồi lết giữa nhà, chị còn chạy tới xoa hai cùi chân trắng hếu mà cười khanh khách. Dượng rất thương anh em chị. Bữa ăn những năm khốn khó, mở nồi ra thấy sắn nhiều hơn cơm, mấy lần chị ăn sắn đến say. Dượng thường dành phần nhai bo bo hoặc sắn để trút hết cơm vô bát cho chị, ngắm chị ăn rồi cười hiền.
Thời gian anh Hòa theo mấy chú trong xóm đi rà phế liệu, nhà mới có đồng vô đồng ra. Hồi đó, cả làng rủ nhau đi làm nghề này. Sắm chiếc máy rà, sớm ra anh đùm cơm rồi đi đến tối mới về. Những buổi làm gần nhà, mạ sai chị mang cơm ra tận nơi cho anh. Chị thích lắm, được chạy nhảy trên động cát, lò dò theo mấy con kỳ nhông xem nhà của nó ở đâu hay có bữa ngồi xuống say sưa moi ổ cút cút. Nhẩn nha một hồi, con bé còn bẻ lá dứa mang theo để lát nhờ anh mần chong chóng. Lần nào chị mang cơm ra, anh Hòa cũng ngồi kể chuyện ngày xưa cho chị nghe rồi mông lung tính mai mốt sẽ cho chị đi học thứ này thứ nọ.
Chỉ bữa trưa đó, khi chị vừa mang cơm đến, anh đã hối về nhanh kẻo nắng. Gió bữa ấy chắc đang ở giữa mùa nên thổi rát hơn mọi ngày, hơi nóng hầm hập phả vào mặt. Nhón chân đi trên cát, cảm chừng như mình đang đi trên than lửa. Mắt lúc nhắm lúc mở vì gió thốc cát bay mịt mù. Đi suốt qua bao mùa gió, mùa nắng xứ mình, chị thấy chẳng cơn nắng gió nào hầm hập và rát đau như bữa nọ.
Cầm chiếc mũ đựng đầy sim mà anh vừa cho, chị nhảy chân sáo quay lưng chạy về nhà. Hồi đó, sim tím rịm cả vùng, hôm nào anh cũng giúi vào tay chị cả bọc sim, ăn đến tím lưỡi vẫn không chán. Nhưng từ bữa trái sim lẫn cát lạo xạo trong miệng khi đứng dậy sau tiếng nổ hãi hùng ấy, chẳng bao giờ chị tìm hái sim ăn. Tiếng nổ vang lên làm con bé mười tuổi giật mình, ngã úp mặt xuống cát. Chục năm trước, khi anh bắt gặp tiếng nổ mơ hồ trong giấc mơ, tuổi thơ anh đã chấm hết. Tuổi thơ của chị hình như cũng thôi từ buổi đó. Người ta đổ ra nhanh lắm, ai cũng chần chừ để nhặt anh cùng hai người nữa cho trọn vẹn. Thứ quả nổ nằm trong cát có thể hất tung một chiếc xe tăng thì thử hỏi ba người ngồi bên cạnh nó đâu còn chút chi. Chỉ những hột cơm nguyên lành bị gió bạt bay vung vãi khắp nơi, lẫn vào cát và đỏ lòm.
Mạ nhiều đêm khóc nấc bởi ý nghĩ anh đi khi bụng còn đói, chưa kịp có hột cơm vô bụng. Phải chi hồi đó chị đi nhanh chút, đừng nhẩn nha tung tảy giữa đường để đem cơm sớm cho anh. Dượng xoa dịu mạ bằng lời thủ thỉ coi như anh phận ngắn. Mấy đêm liền nằm giật mình, la hét quẫy đạp, chị chỉ thấy bàn tay dượng vỗ về vào lưng. Đến khi con bé chìm vô giấc ngủ, dượng mới lết lại giường, nằm bên thở dài cùng mạ. Mạ nói phải chi ba hắn về thắp cho hắn nén nhang. Hay là tại tui, tại tui nên con mình bạc phước. Phải chi tui đừng khó chịu để ba hắn không khó xử mà bỏ đi, đáng ra tui nên giữ ba hắn lại. Hắn đã nói, mai ni lớn không có ba thì ai đi hỏi vợ cho con. Mạ vừa kể với dượng, vừa khóc tức tưởi.
Dượng thở dài, thâm tâm ông luôn mang nỗi mặc cảm mình đâu nguyên lành nên mấy việc vui vẻ như đi hỏi vợ cho anh, dượng lần khần không dám nhận. Dành dụm được chút tiền, dượng sắm cho mạ bộ đồ lụa với cái nón găng cài quai nhung thiệt đẹp. Trước để mạ đi đám cưới cho bằng với người ta, sau mang đi hỏi vợ cho anh. Bộ đồ đó mạ chưa dám mặc lần nào vì sợ cũ. Bữa mạ nhắm mắt, chị run rẩy lấy ra mặc vô người mạ, vẫn thấy thơm mùi vải mới, thứ mùi đậm đà chưa qua lần giặt, lần phơi nắng nào. Hóa ra chừ mặc vô rồi đi về dưới để mục rữa cùng đất cát. Hôm tiễn mạ ra đồng, gió thổi rát không thua chi buổi trưa cuối cùng chị đem cơm cho anh Hòa.
Mai này lớn, nhất là khi chứng kiến cảnh trùng phùng của mạ con dì Hoa sau mấy chục năm lưu lạc, chị đã có ý đi tìm ba. Dù rằng chẳng một tấm ảnh, chẳng một hình dung hay ký ức nào. Có chăng bao hình dạng của ba được mạ nhắn nhủ trong vài lời ít ỏi, “thằng anh con giống ba lắm”. Mà hình dung về anh, chị đâu dám nhớ, nỗi nhớ sẽ lung lạc rồi trở về buổi trưa ồn ào, gió rát kinh khủng bữa đó.
Chỉ là tìm để nhắn ba về thắp hương cho mạ, cho anh và kể rằng dượng tốt với chị lắm. Không phải tốt là bởi đời này dượng chẳng thể có con cùng mạ hay bất kỳ người phụ nữ nào khác mà tốt như một người cha thật sự. Hồi nhỏ, dượng nói nếu sinh con, dượng sẽ đẻ ra những đứa em xấu xí, đáng thương và đáng sợ, không xinh đẹp như chị. Buổi trở trời, lấy khăn lau người cho dượng, nghe dượng rên hư hử khi trời nóng như than, chị hay ước phải chi xứ mình chẳng có gió, chẳng có nắng. Trời đất cứ êm đềm, mây xanh nắng nhạt phải hay không.
Trước khi theo mạ, dượng âm thầm giúp chị thực hiện ước mơ mở một cửa hàng giày dép nhỏ bên chợ tỉnh. Với ý nghĩ giản đơn rằng những người ghé qua đây sẽ phải cởi dép từ ngoài cửa, họ sẽ để bàn chân mình trần trụi như thể mặc chị ngó kỹ coi trong số ấy có ai là cha mình. Dượng lăn tăn mãi về chuyện này, phải chi chân dượng lành lặn, dượng đã đủ sức đi tìm ba cho con. Máu mủ ruột rà trôi tận đâu cũng cần gặp lại. Dượng còn trăn trở thêm chuyện chồng con của chị, về dưới chẳng biết ăn nói chi với mạ bây. Dượng nắm tay chị rồi nói lời cuối, có khi dượng mất rồi, chị lấy chồng dễ hơn chừ.
Tuổi của mình, chị đã đếm bằng những mùa gió. Nên sự chung chạ với người khác, đôi khi vừa bắt đầu gió rát đã thấy tàn cơn, chị thấy đơn độc và khó khăn để nhập cuộc vào những vui cười sum họp như người ta. Mùa gió thứ hai khi dượng đi, cũng là mùa gió thứ năm mạ không còn, người đó xuất hiện. Bữa ấy trở trời, gió chớm về lao xao ngoài cửa. Có lẽ ông mang hình dạng của ba và hơn hết ông bảo với chị, là ba đây con. Cố lắm cũng không tìm thấy chút cảm xúc nào nhưng chị vẫn đón ông vào nhà, chăm ông tận tụy từng chút một. Nét thân quen của anh Hòa, chị cố hình dung lắm nhưng vẫn không cảm nhận được gì, mặc ông đinh ninh chi tiết bàn chân cụt và đi lính bên kia, vậy là đủ.
Ông hay hút thuốc rồi thở dài kêu ở đây buồn quá, xứ chi mà nắng gió gay gắt, nóng nảy khó chịu trong người. Những lúc ấy, chị hay ngó bàn chân rời rạc của ông. Có lần định nói bàn chân của người góp sức sinh ra chị hình như cụt bốn ngón bên chân phải, ngón còn lại thì toe toét xấu xí lắm. Mạ dặn vậy. Còn bàn chân người đang ngồi trước mặt, cũng cụt đôi ba ngón mà đâu bên chân trái, rõ là chân trái.
Xứ mình, gió vẫn về đúng hẹn nhưng trên đồi cát, cây cối nay được trồng nhiều. Rừng tràm bạt ngàn đã chắn cát bay, chắn bớt gió, bớt mưa lũ đi. Những bà mẹ chạy chợ không phải gánh triêng gióng rải chân trần trên cát, đường nhựa nay chạy dài ra tới biển. Trong lòng đất, tiếng nổ không còn vang lên bất chợt để ám ảnh một ai. Chỗ đồi cát hồi anh nằm lại, lần nào ngang qua cũng nghe thơm nức mùi ném. Thế nên, nóng rát đem so với hồi xưa, thì nay đã đỡ rất nhiều rồi. Gió bạt ngang, bạt dọc mấy đi nữa cũng không dễ làm lay động những thân hình một mình ốm o.
D.A