Lúc nhà mình qua đây, mẹ cũng dứt áo đi bằng một cuộc chạy trốn. Dù cuộc trốn chạy của mẹ, nghe ra chẳng ai tin nổi, bởi lý do quá hời hợt so với những bất hạnh, những đường cùng của người khác. Tôi thì nghĩ mọi so sánh bao giờ cũng khập khiễng, bởi mỗi người có một giới hạn chịu đựng khác nhau. Mức tột đỉnh của người này, đôi khi chưa hề hấn chi với người khác và ngược lại. Ở sức chịu đựng của mẹ, mẹ cảm thấy vậy là “không thể sống ở đó được nữa” nên mẹ rời đi, vậy thôi.
Dì Hạnh mạnh miệng, phải tui, tui tát cho vỡ hàm mấy đứa đặt điều nhiều chuyện đó. Họ nói mà mình không có thì phải mần um lên chứ, mắc chi nín nhịn xong im lặng rời đi, làm rứa họ nghĩ mình có chi mới trốn đó. Lời đó buông ra xong có chút tròng trành, dì Hạnh sợ mẹ giận nên vớt vát thêm một câu. “Không phải tui không tin chị nhưng ý của tui là có chi cũng phải giãi bày, chẳng mắc mớ chi ôm con đi trong yên lặng”. Quán có khách, dì Hạnh te tái chạy về, thả lại câu chuyện lửng lơ.
Nhìn dáng người đàn bà lanh lợi, vui vẻ bây giờ thật khác với dáng vẻ lam lũ lúc đùm khăn gói qua biên giới, trốn người chồng vũ phu. Mà lạ đời, dì Hạnh ăn nói bỗ bã, có vẻ hung dữ nhưng lại sợ chồng khép nép. Dì không cách chi phản kháng lại người chồng nhậu nhẹt, cờ bạc hay đánh đập nên mới ôm con rời đi. Lúc qua tới đây, thằng Vĩnh mới mười tuổi. Bây giờ nó đã là anh thanh niên hơn hai mươi. Mười mấy năm ở đất Thà Khẹt này, dì nói nơi đây hiền thiệt. Nếu có chết ở đây dì cũng bằng lòng. Ra đường là gặp người mình, nói tiếng mình hay tiếng họ cũng chẳng khác chi, mà người mình hay người họ cũng tốt, cũng lành như nhau.
Có điều, dì băn khoăn không biết thằng Vĩnh, con trai dì thì có chọn ở yên đây không. Nó ít nói, suy nghĩ để yên trong lòng nên cũng chẳng biết nó đang tính toán hay lấn cấn điều chi. Hồi dì dắt tay Vĩnh tới quán nhà tôi, mẹ tôi đã cưu mang mẹ con dì. Hai mẹ con dì ở trong nhà tôi mấy năm, đến khi có vốn làm ăn, có tiền thuê nhà thuê quán mới ra riêng. Tôi và Vĩnh lớn lên cùng nhau, tôi xem nó như em trai mình nhưng nhiều khi cũng chẳng biết tâm tư Vĩnh nghĩ gì. Những đứa con trai thiếu vắng cha khi lớn lên hình như đều có một khoảng trống lớn trong lòng, nửa mạnh mẽ, nửa suy tư không giải thích được. Huống hồ, với Vĩnh, ký ức về cha chẳng mấy đẹp đẽ ngoài những trận đòn roi mà ông dành cho mẹ con nó.
Đợt này đang mùa mưa nên Vĩnh nghỉ việc ở nhà máy sắn. Mấy năm nay, việc của Vĩnh xoay chuyển theo mùa. Lúc qua tới Lào, chuyện học hành của Vĩnh bị lở dở. Đến khi làm giấy tờ đi học thì trễ mất một năm, cao lớn hơn bọn trẻ trong lớp nên hay bị chọc ghẹo, chán nản nên Vĩnh bỏ học từ sớm, đi học đủ thứ nghề. Mỗi tội, nghề nào nó cũng học một thời gian ngắn, không thấy thiết tha gắn bó lâu dài. Chỗ nào cũng tới coi ngó chuyện làm ăn nhưng chưa quyết định. Mẹ tôi bảo tại nó còn nhỏ, chưa xác định được cái chi ưng cái chi không ưng. Tốt hơn là mở cho nó một cửa hàng, một cơ sở ổn định ở ngay Thà Khẹt cho gần mẹ gần con rồi còn lấy vợ. Dì Hạnh nghe mẹ, dành dụm kiếm tiền, kiếm mặt bằng thuê cho Vĩnh. Khi dì bảo đã gom đủ tiền để mở cho nó cửa hàng sửa xe máy thì Vĩnh bảo còn cân nhắc. Chẳng hiểu cân nhắc chi. Người ta nói máu mủ trước sau cũng tìm về nguồn cội, dì thở dài, bảo có khi nào nó sẽ bỏ dì đi khi nơi này chẳng phải quê hương xứ sở, chẳng có chút chi ngọt ngào giữ chân nó. Có lần, nó nói ý định về quê, dì nghi có khi ba nó thủ thỉ, rủ về bên đó không chừng.
Phải có điều gì đó đậm sâu để níu chân Vĩnh ở lại. Và điều đó, dì đã nhìn thấy trong ánh mắt lấp lánh của thằng con trai khi nó luôn hướng nhìn Yeng, cô gái người Lào vẫn thường ghé tạp hóa dì Hạnh mua đồ mỗi cuối tuần. Dì quý người ở đây và biết Yeng cũng dễ thương tốt tính nhưng hình dung có đứa con dâu trong nhà mang dòng máu khác, sau này cháu nội của mình cũng vậy, tự nhiên lại lấn cấn, ái ngại. Chỉ có mẹ tôi gần gũi với dì Hạnh, mới hiểu đằng sau cái ào ào náo động đó, dì trầm tư, suy nghĩ nhiều lắm. Mẹ tôi nói mẹ biết ơn đất này, ăn gạo ở đây, uống nước ở đây thì luôn mang ơn, dù không phải quê hương. Và từ lâu, mẹ cũng chẳng phân biệt những giống nhau, khác nhau giữa người mình người họ. Có bao nhiêu cặp đôi trai gái Lào Việt cưới nhau rồi, dì Hạnh lăn tăn mấy chuyện trời ơi quá. Hơn nữa còn mâu thuẫn, thích gắn bó mãi ở đây mà lại ngại có một nàng dâu xứ này.
Phải nói là dì lo xa, lo quá xa. Thằng Vĩnh nói, nó đúng là có tình ý với Yeng nhưng vẫn giữ trong lòng, chưa dám mở lời làm quen con gái người ta. Thế nhưng, sự e dè đó, dì báo trước cho Vĩnh biết. Dì đoán được đứa con trai của mình luôn chần chừ băn khoăn trước nhiều dự định là vì chuyện này. Lâu nay, Yeng đi đâu, Vĩnh lặng lẽ theo đó, nó học nghề nơi này nơi kia vài ba bữa cũng bởi si mê cô gái Lào kia. Yeng lên nhà bà con trên thành phố ở để phụ việc, Vĩnh chạy lên đó học sửa xe. Yeng về thị xã, Vĩnh theo về học sửa điện thoại. Thời gian Yeng qua Việt Nam học tiếng, Vĩnh nuôi ý định về quê. Biết chuyện này, tôi vừa buồn cười, vừa thương nó.
Nhiều người Việt qua đây làm ăn nhưng không phải ai cũng chọn đất này để ở lại vĩnh viễn. Ban đầu thì làm thuê, ở thuê, buôn thúng bán bưng rồi dần dần mỗi người đều tìm hướng đi phù hợp. Những quán xá người Việt mọc lên ngày càng nhiều, họ làm ăn buôn bán có của ăn của để, từ nhà trong hẻm ra mặt tiền, từ làm thuê lên làm chủ. Bây giờ, nhìn qua ai cũng có cơ sở làm ăn, không vất vả như hồi mới sang nữa. Người dân và chính quyền ở đây tạo điều kiện tốt cho bà con mình làm ăn thuận lợi, chuyện kết hôn trai gái giữa hai dân tộc được khuyến khích. Thế nhưng, cũng đôi người giữ quan điểm như dì Hạnh, có chút lấn cấn khi con cái mình đề cập đến chuyện hôn nhân.
Như lý do của chú Tấn, chủ quán bún lớn nhất thị xã, chú nghĩ chỉ ở đây để làm ăn. Chừng nào của ăn của để đề huề, chú vẫn muốn quay về quê cha đất tổ. Mỗi tội, giờ đất đai ở quê nhà không phải rẻ, hồi trước túng quẫn, chú bán để trả nợ, giờ cũng đất đó mà lên giá mấy chục lần. Vợ chồng chú nhất quyết ngăn cấm cuộc hôn nhân của đứa con gái với một anh con trai người Lào. Hai đứa học cùng nhau, yêu nhau sâu đậm mấy năm rồi. Nhà kia cũng vì tự ái, nghĩ con mình chẳng thua kém gì mà bị cấm đoán nên họ đồng tình việc chia cắt đôi trẻ. Chú Tấn nhanh chóng đem đứa con gái về Đông Hà, cho ở nhà người bạn, mong khoảng cách xa xôi có thể làm tụi nó sớm quên nhau. Nhà kia có điều kiện nên cũng gửi cậu con trai đi du học. Chẳng biết chuyện tình đôi trẻ như thế nào, nhưng trường hợp này cũng làm người này người kia thở dài tiếc nuối. Bây giờ, khoảng cách về địa lý đâu thể cản trở tình yêu như thời trước. Nhất quyết gắn bó thì dù có cách xa bao nhiêu cũng không dễ đổi thay.
Tính ra, mẹ tôi qua đây trước nhà dì Hạnh vài năm. Mẹ chọn Thà Khẹt vì người Việt ở đây nhiều, mẹ có bạn bè ở đây nên sẽ không bỡ ngỡ khi chưa biết tiếng. Giờ thì nơi này gần gũi thân thuộc hơn cả quê nhà. Những buổi chiều muộn, hai mẹ con hay ra bờ sông, cùng đi bộ dưới hàng cây thốt nốt. Mẹ bảo thích nhất ở Thà Khẹt là lúc nào cũng thấy bình minh sáng rõ, sáng sớm hay chiều về, nhìn ra phía sông, thấy bên kia là nước Thái, cảm giác sự xa gần của khoảng cách địa lý chẳng đáng sợ bằng những cách trở can ngăn của lòng người. Tôi hỏi mẹ nhớ nhà không, mẹ nói nhà mẹ ở đây chứ đâu nữa mà nhớ. Cứ tới tháng chạp bên mình, người người nhà nhà rộn ràng chuẩn bị về quê ăn tết. Nhà nào mới qua, chưa có điều kiện thì chưa về. Nhà nào kinh tế khá giả thì đóng cửa, về cả nhà. Những công nhân, người lao động sang đây làm thuê cũng vậy, người háo hức về, người buồn hiu ở lại. Kể ra, những người sang đây lâu năm, hình như chỉ có mẹ và dì Hạnh không về ăn tết. Thế nhưng, hai người soạn đủ mâm cơm tất niên, soạn đồ cúng giữa trời, gói bánh chứng bánh tét, cũng vui vầy đón tết cùng nhau.
Mùa tết Lào thì vào giữa tháng tư, khi gió tây nam thổi. Lúc đó, dự báo một mùa mưa nữa sắp về. Người bản địa hào hứng, rộn ràng chuẩn bị đón tết. Hai năm rồi dịch bệnh nên nhiều hoạt động bị hạn chế, khách du lịch vắng bóng. Năm nay, người ta sang đây chơi đông lắm. Thị xã ngày nào cũng đông vui, tấp nập người qua lại. Mẹ dặn mấy vị khách người Việt nhớ mang áo quần thoải mái, cần thiết thì cầm theo đồ thay vì thể nào tí ra đường cũng được tát nước. Ai nấy hào hứng vui vẻ, lâu lắm rồi họ mới có khoảng thời gian thoải mái như vậy. Nghe nói, anh thanh niên người Lào, người yêu của con gái chú Tấn đi du học mấy năm nay đã về. Ngày tết, anh vào nhà chú chơi rồi thưa chuyện nghiêm túc với gia đình. Con gái chú, mấy hôm trước cũng lấy lý do để qua thăm cả nhà. Chú Tấn trầm ngâm, bảo thế này là tụi nó “lên kế hoạch từ trước”.
Hàng xóm mỗi người động viên góp ý một câu cộng với không khí tết nhất vui vẻ, thế nên chú Tấn dù còn hậm hực nhưng cũng tỏ ra hài lòng với chàng rể tương lai. Mấy năm nay, anh chàng chăm chỉ học tiếng Việt, giờ thưa gửi, nói năng tròn trịa. Nhà bên đó cũng ưng bụng đứa con gái dễ thương của chú. Hai bạn trẻ thuyết phục âm thầm, từ tốn đã khiến gia đình đồng ý, vun vén cho chuyện lâu dài. Vĩnh chép miệng nói, ước gì, chuyện của tụi nó cũng được vậy.
Chẳng biết có phải do câu nói đó của con trai nên dì Hạnh chạnh lòng hay không. Từ nhỏ đến lớn, tôi hay nghe dì nói với Vĩnh rằng, con làm vậy mẹ buồn lắm. Nên, đứa con trai tội nghiệp kia, làm gì cũng sợ dì buồn. Dì thấy mình ích kỷ, dù không nặng nề nhưng lâu nay cứ thở ngắn than dài khiến con trai mình lúc nào cũng trầm ngâm. Thôi thì, chuyện lớn nhất vẫn là ưu tiên hạnh phúc của con cái, mấy chuyện lấn cấn, kể ra cũng chẳng đáng chi. Mẹ tôi qua rủ dì đi chùa, thủ thỉ với dì thêm vài câu, biết dì xuôi xuôi rồi thì nhắn tôi báo với Vĩnh. Chẳng cần đợi lâu, đâu tầm tuần sau Vĩnh dẫn Yeng về chào dì. Hóa ra, hai đứa quen nhau bữa giờ. Vĩnh sợ dì phản đối ầm ĩ nên không dám nói ngay mà phải dò ý từ từ thành ra vậy.
Vĩnh cũng sắp xếp công việc êm xuôi, nó chuẩn bị mở cửa hàng sửa chữa buôn bán điện thoại. Chỗ mặt bằng dì Hạnh thuê hướng về phía mặt trời mọc, phía đó, sẽ thấy rõ bình minh lên…
D.A