Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Số kiếp chim hoạ mi

C

him hoạ mi ủ rũ đậu trên thanh ngang trong lồng hai mắt buồn bã nhắm nghiền, cổ rụt hẳn vào, bộ lông xù ra, hệt như chú gà con mắc cúm. Hoạ mi bỏ ăn đã mấy hôm, đến hôm nay thì bỏ cả uống nước. Một mình nó lẽ loi trên tầng cao của ngôi biệt thự sang trọng, yên tĩnh. Đôi lúc bừng tỉnh, Hoạ mi rướn người, lắc lắc cái cổ nhỏ và rũ rũ bộ lông để xua đi những con ho, con muỗi vằn, mằn hăn...vo ve quanh mình, rồi lại gục xuống, tiếp tục mơ màng...

Nơi ấy, có một khe rừng xanh tươi, cây cối rậm rạp, dây leo quấn quít nằm giữa hai sườn núi, thưa vắng dấu chân người. Một dòng suối ngoằn ngoèo, róc rách chảy qua những hòn đá tảng to lớn đầy rêu mịn. Quanh đó, có những khóm rì rì xanh tốt, những khóm hoa hệt như một đàn bướm trắng đông hàng vạn con bay đến nghỉ ở ven suối. Mà thực ra bướm cũng nhiều lắm, khó lòng phân biệt nổi đâu là bướm, đâu là hoa nữa...Dòng nước tiếp tục băng băng trôi đi trên cuội sạch, trên cát vàng tạo lại một giải đất hẹp và dài như lưỡi kiếm rỉ, với vạt chuối rừng xanh ngắt bập bùng hoa đỏ. Men theo phía bờ kia của suối là những loại cây ưa nước, như cây trộp, cây trồi; Mấy cây sung, cây ráng thỉnh thoảng lại thả bõm những quả chính đỏ trôi theo dòng nước. Thi thoảng, còn bắt gặp một dây hoa vông vang đỏ vắt ngang những bụi giang rậm rịt, như những chiếc khăn voan của cô gái nào lơ đãng bỏ quên.

Tiếp sát hơn về phía chân núi, tuy vẫn khá bằng phẳng, nhưng hiếm khi có nước lũ dâng chạm đến, những bụi cây bục bạc tụ tập nhau thành vạt rộng, khi thu qua, đông đến lá đổ tơi bời. Bục bạc chỉ làm củi đun. Khu đất thấp này còn đầy những cây có thể ăn quả như gôm, chua ke, cây mộc, cây dâu da xoan, cây lá sắn, cây chân chim dùng nấu canh đắng, cây chua ngút thì nấu canh chua...

Ngước nhìn lên sườn núi hùng vĩ, nếu thấy một khoảnh rừng xanh đen thẩm lại, dù gió bão, cành chánh vẫn gân guốc hiên ngang, ắt hẳn đấy là nơi đứng chân của lão lim cường tráng rồi đấy. Dổi, vàng tâm ngọn xoè ra một cái tán đỏ như cây trạng nguyên khổng lồ, về chất lượng gỗ chẳng khác nhau là mấy, tuy nhiên, vàng tâm nhẹ hơn nên thường được dùng để đóng hòm chôn người chết. Dạo chân trong rừng, nếu bắt gặp một cây thẳng suôn dài, thân có vảy như ổ ong vò vẽ thì đích thị là cây táu rồi. Cây dao đi rừng vô tình vạc vỏ một thân cây, ta thấy nồng nồng mùi trầu không thì đúng là cây gỗ de. Những cây cồng lá trên đen, dưới trắng, sấp ngửa trong gió, gỗ trắng, nhẹ không mọt, dùng làm đồ trên của nhà như vì kèo, hạ, rui, mè rất tốt. Săng vì, sú thân to, xẻ làm dong, làm phản. Nhưng cây vạng thân thẳng vút, kiêu hãnh, lá to như lá đa, trên xanh, dưới trắng lại chỉ làm củi đun như bục bạc mà thôi. Cây dầu máu thẳng như chò chỉ, gỗ đỏ như gỗ gối cũng chỉ làm củi đun.  Lại còn cây gió trầm nữa chứ, cành dai, làm củi cũng không nổi, nhưng lại chứa kỳ nam, trầm hương trong những vết thương liền sẹo. Cây gió thực là trai ngọc của rừng già...

Dưới những tán rừng cao thì dĩ nhiên là tán rừng thấp, của những cây yếu hơn, nhỏ hơn. Có những khóm dây leo chằng chịt ôm lấy bụi nứa già, ống to như bắp chân; mây, song quấn quýt. Dây vỏ dẻ mốc thếch như con trăn nhỏ, chặt lấy một khúc ngậm nút nước ngọt mát vô cùng; rồi dây chặc cóc bền dai như dây cáp, dây khoai mài, dây bã mía, dây chạc quạch có thể ăn trầu thay chay...dây lá ngón chớ có nhấm vào mồm mà vong mạng.

Mặt đất rừng khá sạch sẽ. Lá khô vun đống lại ở những chỗ gờ, lõm tạo thành những tấm thảm êm êm. Những cái dũi trùn tươi sống hệt như nhũ đá. ụ mối trông như mả mới đắp bùn. Những khúc gỗ mục đầy những nấm. Nấm độc màu thường sặc sỡ, nấm lành thường mộc mạc, giản dị. Dọc theo các lối đi nhỏ, các khe nước, cây lá dong, sa nhân, mè té, sắn sục, môn thục...mọc xanh tốt. Nơi đây núi cao, khí hậu mát mẻ, nên sên muỗi không nhiều; Chỉ ngại nhất trời mưa, nghe động bước chân người là chúng rào rạo dựng đứng lên, ngo ngoe, ve vẩy, trong phát khiếp.

Cây quý làm việc lớn, cây không quý làm việc nhỏ, cây chắn che gió bão, cây giữ nước, giữ đất khỏi xói lở, cây có thể giết người, cây làm thuốc trị bệnh... Khó mà kể sự phong phú của rừng nhiệt đới.

Anh lính trẻ thường lén trốn bạn, một mình men theo vách rừng, đi qua cây huyền linh đổ sang phía bên kia, nơi có mấy tảng đá lớn, bằng phẳng dưới gốc si già, râu rủ tua rua xuống mặt nước. ánh nắng chiều qua tán lá như những đồng xu vàng, làm những vần thơ trong cuốn sách anh mở đọc như mọc cánh bay lên. Những nốt nhạc buông ra từ cây đàn ghi ta của anh, như những viên ngọc rơi rào rào xuống dòng nước. Anh yêu đời, anh nhớ nhà, nhớ người yêu hay cảm động trước vẻ đẹp của thiên nhiên thì không thể nào đoán được, nhưng gương mặt trẻ trai của anh lúc thì dịu dàng suy tư, lúc say mê bồng bột. Anh ước sao có thể lột tả được vẻ đẹp của khe rừng, của thiên nhiên đất nước này, và điều đó làm anh nhíu mày ra chiều khổ sở...

Anh lính chợt ngước nhìn ra thung lũng. Trận quyết đấu một mất một còn của Hoạ mi với kẻ tình địch đang đến hồi gay go quyết liệt nhất. Hết cuộn tròn lấy nhau trên mặt đất, đôi chim lại vụt lên thinh không, lại nhào ngay xuống...Chúng dang ra, rồi lại đâm thẳng vào nhau với tốc độ của một mũi tên. Mỏ chúng tướp máu, lông bay lả tả. Vài chiếc lông cánh lảo đảo như những chiếc lá xanh ứa nhựa rơi xuống chỗ anh lính. Và rồi, trong tiếng kêu đau đớn, kẻ tình địch chập choạng bay hút về phía mỏm núi xa.

Hoạ mi kiêu hãnh sà xuống mỏm cây cụt đứng giữa thung lũng. Cái cây bị sét đánh gãy đã lâu, được nắng mưa chải gội trở nên cứng bóng, lì làu như đá hoa cương trở thành lễ đài, nơi Hoạ mi hót vang bài ca chiến thắng, bài ca danh dự, của tình yêu, sinh nở.

Khi Hoạ mi cất tiếng hót, tất cả cánh rừng đều lặng yên nghe theo tiếng hót kỳ diệu của chim. Cây lá ngẩn ngơ thôi xào xạc, lũ chào mào, sáo sậu, chi ri, đa đa hoàn toàn im tiếng. Ngay cả bậc danh ca như chim khướu cũng ngậm ngùi tìm bắt sâu ăn, để quên đi nỗi tủi hỗ kém tài. Lũ khỉ thôi chí choé trên những cây dâu da xoan. Cho dù hú vang mấy quả đồi, những vượn cũng im lặng ra chiều tư lự. Nai co chân quên thả xuống trên đám lá khô. Rùa vàng chậm rãi thò cái đầu múp míp ra nghe ngóng. Chồn thôi nham hiểm, mà cáo cũng bớt xảo quyệt đi. Lợn cũng sụt sịt đất nhưng hình như do cảm động chứ không phải tìm thức ăn. Nhím buông ngay củ măng gặm dở. Trong tiếng hót của Hoạ mi, ngay cả con công đỏm dáng đang xoè cái đuôi như chiếc quạt giấy có đính những vì sao ve vãn bạn tình, cũng trở nên kệch cỡm như một con gà trống trong sân vậy...

Anh lính nghe trong tiếng chim sức sống tràn dâng của khe rừng, tiếng trôi của thời gian, tiếng xào xạc chuyển mùa, mưa nắng. Anh nghe được trong tiếng chim mùa xuân chín rộ, khi bầy ong bắt đầu đi lấy mật, khi chim muông kết bạn tìm đôi. Anh nghe tiếng mưa rừng rã rích như một điệu nhạc êm đềm. Anh như nghe thấy trong những đêm trăng, cả khu rừng yên lặng cô đặc lại thành những hình thù gồ ghề, giản dị, đỉnh núi cao như vời vợi hơn, tiếng côn trùng rỉ rả dưới những đám lá khô, tiếng cây tách vỏ, tiếng hoẵng tác, vượn hót, nai kêu, những con dơi mơ màng đập cánh bay tìm quả trong đêm. Trong đêm trăng, dòng suối ngoằn ngoèo toả ánh bạc mờ mờ lấp lánh như lân tinh rồi khuất vào những cây cổ thụ cong queo phía xa xa. Khi bình minh lên, ánh mặt trời toả ra những tia nắng lóng lánh chiếu lên các tán cây loáng ướt. Những cụm sương cất mình dần lên, thành các tấm khăn bông choàng qua ngọn núi. Nắng lên cao hơn, những cụm sương nhỏ dần, nhỏ dần bay lên nhập vào các đám mây trắng bồng bềnh trên bầu trời xanh thẳm. anh cảm thấy được mảnh chuối rừng bập bùng loang loáng trên khe suối, hoa nở đỏ, quả chín vàng. Mùi hoa mộc, mùi gỗ mục ẩm mốc...tất cả tạo thành một thứ tình yêu, thứ hương rừng, đằng đặc, ngai ngái, ngọt ngào.

Anh lính cảm động nghĩ: Không có Hoạ mi thì chẳng thể nào mà hiểu hết được cái rừng nhiệt đới có khí hậu gió mùa này, bao nhiêu là loài cây, loài hoa, loại động vật, thực vật như thế. Thật kỳ diệu, thiên nhiên đã sinh ra những cánh rừng thì cũng sinh ra những nghệ sĩ ca ngợi cái đẹp của nó.

Anh lính đột ngột cúi xuống lia lịa ghi cảm xúc của mình vào vở.

Những khi không tha cành làm tổ cùng chim mái, Hoạ mi thường đứng trên lễ đài cất tiếng hót, còn anh lính thì yên lặng lắng nghe. Rừng vắng, anh thường nói to ý nghĩ của mình. Tổ quốc ta đẹp biết bao nhiêu, thật sung sướng, thật kiêu hãnh khi được cầm súng bảo vệ đất nước. Những dòng thơ, những nốt nhạc tuôn chảy từ trái tim anh tràn trề đầy khu rừng. Hoạ mi mê chết giọng đọc ngân nga, những nốt nhạc trong trẻo. Nó nghĩ, được phục vụ con người mới là điều ý nghĩa nhất. Ước chi, một ngày nào đó, ta sẽ về thành phố đem vẻ đẹp của khu rừng đến với mọi người.

Thế rồi anh lính xuất ngũ, Hoạ mi đậu trong cái lồng nhỏ đan vội bằng cây nứa tép theo anh. Xe cứ chạy mãi, chạy mãi, chạy mãi...núi thấp dần, đồi thấp dần, rừng cây thưa dần mà người thì càng ngày càng đông, không còn hương đất, hương hoa, hương nhựa cây nữa, thay vào đó là khói bụi và tiếng còi xe thỉnh thoảng lại thét lên...

Chim Hoạ mi lăn ra ốm. Anh lính lo sốt vó, làm đủ cách chăm sóc chim. Nhưng bố anh, một ông giáo già nói

- Hoạ mi bị ngã nước đấy!  Không sao, rồi sẽ quen thôi! Chuyện ấy để tôi. Còn anh lo mà học hành cho xong đi, cũng chã trẻ trung gì nữa đâu. Tôi chết mà anh chưa thành nghiệp, thành gia thì biết ăn nói gì với mẹ anh dưới đất.

Ông giáo lên tận làng Vác mời về một ông già làm lồng, cùng tất cả vật liệu cần thiết.

- Chào chàng trai của rừng già! Ông cụ vừa nói, vừa lấy giấy nhám chuốt những thanh nan lồng làm từ tre già ngâm nước hàng năm trời, rồi quét phủ một lớp dầu làm chúng càng đen bóng lên. Thép còn rỉ chứ tre ngâm này thì đừng hòng.

Dưới đáy lồng, ông cụ lót một tấm  nhôm tròn, có gờ để chỉ cần dội nước nhẹ là mọi thứ chất bẩn sẽ trôi đi. Tiếp đó, ông cục bắc ngang mấy thanh gỗ cong queo, gồ ghề, gợi cảm để Hoạ mi có thể chuyền đậu. Một cái chậu bằng platic trong suốt đầy nước để chim tắm; Còn nước uống là cái bình thuỷ tinh dài  như quả mướp lộn ngược, có lỗ miệng nhỏ nơi cái cổ cong, nước luôn trong sạch, chim muốn uống có thể ghé mỏ vào đó Cái bát nhỏ làm từ đáy quả dừa để đựng thức ăn...Cầm cái móc thép cong như dấu hỏi ở đỉnh lồng, ông cụ băn khoăn cảm thấy thiếu điều gì. Đúng lúc đó, em gái anh lính đi chợ về, bị ngã. Cái ô cô cầm đang xoè ra, vướng vào cánh cổng sắt bị gãy gụp, mấy cái nan ô không còn tác dụng căng vải nữa. Đây rồi, ông cụ cầm tấm vải ô vừa lột bỏ soàng soạc những cái nan, vừa nói

 - Chính là thiếu cái này đây.

Cụ cắt lấy một vòng tròn làm thành cái mũ đội lên đỉnh lồng.

- Mưa nắng cũng đều không việc gì nhé

Ông cụ quay sang nói với ông giáo

- Tôi quý cụ là người thanh nhã, nên làm hộ thôi, còn công xá thì tuỳ. Là dân chuyên nghiệp, tôi nói thật. Đây là cái lồng vĩnh cửu.

Lồng chim được treo dưới dàn thiên lý, cùng với những giò phong lan đu đưa. Phía dưới sân gạch, những châụ bon sai, hoa sứ, hoa trà được đặt rải rác ven lối đi, quanh quanh hòn non bộ có dòng suối giả, lúc nào bật, cái mô tơ lên kêu xè xè lại tuôn chảy róc rách...

Thế là cậu được ở cái giang sơn thu nhỏ của rừng già rồi nhé. Anh lính nói:

- Hót lên chim ơi! Được phục vụ con người mới là điều ý nghĩa nhất của nghệ thuật.

Ông giáo là người chăm sóc chim. Ông kỳ công dùng bột, trứng, thịt giã nhuyễn và nhiều thứ nữa rây, nặn thành viên thức ăn nhỏ, mà mỗi khi Hoạ mi ngậm vào miệng nó tự tan trôi xuống cổ. ông cụ còn thay nước, dọn rửa thường xuyên, làm cho nơi ở của Hoạ mi lúc nào cũng sạch sẽ, thoáng đãng. Mỗi khi đi đâu về, hoặc có thời gian rãnh, anh lính lại ra đồng ngoại thành bắt về những con sâu, cào cào, những quả dại mà Hoạ mi thích. Hoạ mi hơi đẫy ra. Để tỏ lòng biết ơn nó cất giọng hót vang, những bài ca mà anh lính đã từng nghe nơi khu rừng dạo trước.

Em gái anh lính, một cô nữ sinh nhỏ nhắn, mỗi khi chim hót lại ngước đôi mắt đen lay láy thán phục, ngắm  nhìn. Chính điều này mới kích thích nghệ thuật ghê gớm nhất, mỗi lần như thế Hoạ mi hót to hơn, lâu hơn, cổ khàn mất mấy ngày

Thời gian trôi đi anh lính trở thành cán bộ. Công việc mới làm anh bận tối ngày. Khi đảm nhiệm cương vị giám đốc, anh càng bận hơn, hôm nào về muộn, mặt cũng đỏ nhừ như mặt trời.

Rồi anh lính lấy vợ, còn cô gái nhỏ đi lấy chồng. Ông giáo già hẳn chẳng có gì xấu hổ khi xuống dưới suối vàng báo cáo tình hình với bà giáo. Ngôi nhà cũ được đập đi, thay vào đó là một kiến trúc đa tầng, đa phong cách. Chị vợ thuê cửu vạn phá dàn hoa đi, hòn non bộ cũng được xúc đi, một số cây cảnh mà người ta cho là đắt tiền, chị bưng chuyển lên đặt ở ban công các tầng. Những cây xấu, chị phun vòi cho sạch những giọt vôi bám vào lúc xây nhà, rồi cúng vào các chùa trong vùng. Hoạ mi được đưa lên treo ở tầng bốn.

Những viên thức ăn ngon lành do ông giáo nâng niu chế biến không còn. Chị vợ cho Hoạ mi ăn cám tổng hợp, loại năm nghìn một gói người ta vẫn bán đầy chợ. Tuy nhiên, nó cũng chẳng phàn nàn, vì anh lính vẫn yêu nó. Mỗi khi nhà có khách, anh lính, bây giờ gọi là ông giám đốc, thường tự hào giục chim hót. Có lúc Hoạ mi hót, có lúc Hoạ mi làm kiêu, chỉ nhảy nhót khoe bộ lông bóng mỡ của mình. Bất cứ ông khách nào cũng trầm trồ:

- Chà đẹp quá! Hót hay quá! Du dương hết chỗ nói! Giám đốc thật là người tao nhã và sành sỏi...

Chị vợ lục hỏi lại cách làm thức ăn của ông giáo ngày xưa, chế biến một ít, cất trong lọ thuỷ tinh nhỏ, có nắp vặn khít kín. Mỗi khi muốn chim hót, chị đưa mấy viên ra nhử. Hoạ mi giận quá kiên quyết không ăn. Đã thế thì cám chị cũng không cho ăn nữa. Hoạ mi đói. Những viên thức ăn thập thò nơi đôi bàn tay trắng trẻo của chị vợ làm nó buồn rầu và khổ sở quá. Nó đói quá rồi. Chim nhớ ông giáo già da diết. Chim hót vang bài ca của khe rừng, như tưởng niệm điều gì xưa cũ. Rồi nó nhẫn nhục mổ vào lòng bàn tay trắng trẻo của chị vợ.

Một lần do sơ ý, chị vợ làm cái ống uống nước thuỷ tinh bị vở. Thế là Hoạ mi phải uống nước mà nó nhảy xuống để tắm. Một lần khác, chị quên đóng cửa lồng, Hoạ mi nhảy được ra ngoài. Nhìn xuống mặt đất từ độ cao của tầng bốn, nó thấy chóng mặt nôn nao. Hoạ mi đập cánh loạng choạng nhảy bay lên, nhưng xương cơ của nó mềm nhũn. Đôi cánh mạnh mẽ xưa kia cứng đờ, như không phải của nó vậy. Không hiểu sao, nó cứ liên tưởng những cái xương cánh với những chiếc nan ô bị gãy. Nếu bây giờ bỏ đi, nó chẳng thể nhớ đường bay về khe rừng, chẳng thể săn mồi, kiếm thức ăn được nữa. Nếu gặp lại địch thủ là con Hoạ mi thua trận trước đây, ắt hẳn nó sẽ thua thôi. Nó nặng nề nhảy nhảy rồi tìm cách chui lại trong lòng, nơi có những hạt thức ăn ẩm mốc mùi chua thoang thoảng.

Chị vợ hốt hoảng từ dưới tầng đi lên, thảng thốt nói một mình:

- May quá đi nghe điện thoại một tí, quên đóng cửa lồng suýt mất con chim.

Chị ta bỏ vào lồng một nắm thức ăn ngon và như để tỏ lòng biết ơn Hoạ mi cất tiếng hót vang lừng.

Thời đại có đổi thay, người ta kiếm tiền nhanh đến chóng mặt. Ngôi nhà cạnh bên được một ông cán bộ mua lại, đập đi, xây lên một ngôi nhà cao tầng. Ông ta cũng mua về một con Hoạ mi trẻ khoẻ, với bộ lông nâu vàng, hệt như Hoạ mi của chúng ta thủơ nào. Hai ông "sếp" cho treo cùng tầng để hai bên hoạ tiếng với nhau.

Tuy béo và tiếng đã khàn đi nhiều, nhưng sự ghen tỵ của Hoạ mi vẫn bùng lên, nó cất tiếng hót. Lâu lắm rồi, nó mới hót hay, hót hừng hực như thế.

- Hoạ mi của chúng ta chưa già, chưa già, giọng hót còn hay lắm. Anh lính phấn khởi la lên.

Con hoạ mi kia do lạ lồng, lạ đất, bị ngã nước nên hoàn toàn im lặng. Nhưng rồi nó khoẻ, quen dần và rồi một ngày kia, khi Hoạ mi một, ngừng tiếng vì ho, thì Hoạ mi hai liền cất tiếng. Và cứ vậy, mỗi khi Hoạ mi một cất tiếng hót thì con kia liền đáp theo. Tiếng nó véo von, trong lành. Mọi người được nghe giai điệu mới về một khu rừng nào đó. Còn Hoạ mi của chúng ta vẫn hót những bài xưa cũ ngày xưa, nó cũng cố ngân nga nhưng giọng đã khàn lắm rồi.

Người phát hiện ra sự ganh đua, hơn kém đầu tiên chị vợ. Thực ra, chị cảm thấy Hoạ mi hai hót hay hơn là bởi vì giọng nó to hơn, chứ chị cũng không hiểu lắm. Vì phép xã giao, chị nói với ông cán bộ nhà bên:

- Ôi! Con chim Hoạ mi của nhà bác hót hay thật.

Hoạ mi đau đớn hơn khi anh lính cũng nói:

- Ôi! Con chim Hoạ mi của nhà bác hót hay thật.

Hoạ mi ngắm nhìn những giò phong lan còi cọc, khô khốc, chẳng bao giờ có hoa, những chậu cây cảnh tiêu điều không người chăm sóc, nhìn con đường khói bụi, đầy tiếng còi xe, những mái nhà lố nhố xa xa để sáng tác ra những giai điệu mới, nhưng nó bất lực. Từ đó, Hoạ mi ngừng tiếng.

Chị vợ vẫn đều đặn múc nước cho chim tắm và cho chim ăn bằng cám ở chợ. Để đỡ tốn tiền, chị thay cám chim bằng cám nuôi gà công nghiệp.

*  *  *

Giờ đây, Hoạ mi đang nằm ủ rũ trong lồng, lông cánh xù ra, mắt lờ đờ như mắt gà dịch. Nó lặng nhớ không gian thanh sạch của khe rừng, không biết Hoạ mi mái bây giờ ra sao, mùa này, có lẽ những bông hoa dẻ rừng đã nở. Nó cố hát lại lần cuối bài ca của khe rừng thuở trước, nhưng tất cả chỉ là tiếng khàn khàn yếu ớt phát ra từ cổ họng. Nó mỉm cười buồn bã lịm dần đi, và thật kỳ lạ chưa, trong giấc mơ chập chờn, nó cảm thấy được bài ca cũ ngày xưa, bài ca của khe rừng, của đêm trăng sương, của ánh bình minh lóng lánh, của hoàng hôn rực đỏ, của nhựa cây, của mùi hương đằng đặc, ngọt ngào. Nó mỉm cười mơ thời trai trẻ, về những bản tình ca, những trận đấu không quên bên rừng, nó mơ về những đứa con chưa một lần gặp mặt, trong khi thần chết kéo trịu mi mắt của nó xuống...

Ông giám đốc khóc thương Hoạ mi. Cùng với chim, một thời trẻ trai, say mê sôi nổi của ông vĩnh viễn chết đi. Ông cay đắng nấc lên nữa. Nhưng rồi vì công việc, ông đành rửa mặt, chải tóc, sửa lại cà vạt, khoác áo complet, bước lên chiếc ô tô bóng loáng để đi họp.

Chị vợ thấy ông chồng yêu quý chim chóc, bèn ra chợ mua về một con vẹt xanh đỏ, biết chào khách bằng bốn thứ ngoại ngữ. Xác Hoạ mi chị gói vào tờ báo cũ, lại gói một lần nữa vào túi ni long, rồi vứt vào hố rác.

 

Đ.H.N

 

 

 

Đậu Hải Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 152 tháng 05/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground