Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trên những mênh mông

Học hết mười hai rồi mà đi biển à bây, uổng quá. Thím vừa dứt câu đã thấy chú liếc xéo, thứ đàn bà tẹp nhẹp, biết chi mà nói tào lao. Lâm lục đục chuẩn bị xăng dầu, gạo muối, chạy tới chạy lui mần mấy việc chú sai, cười trừ cho chú thím khỏi trừng nguýt nhau. Bụng dạ đột nhiên thấy cồn cào, dù đây không phải là lần đầu tiên anh ra biển.

Từ nhỏ tới lớn, Lâm chưa bao giờ thấy biển. Nên cái mơ ước được hít hơi biển, gắn bó với biển, kể ra ấy là thứ khao khát khó tìm. Chú nói thanh niên trong làng bây chừ đố đứa mô làm nghề của cha ông. Tụi nó phần nhiều đi xuất khẩu lao động hoặc vô Nam, cũng đi làm thuê làm mướn chơ sướng sung chi. Đứa nào cũng sợ rủi ro, sợ bất trắc. Đời, đâu thể đòi hỏi êm đềm trước sau như một. Huống chi bất trắc, bây cứ nghĩ chỉ trên biển mới có, trên bờ cũng bất trắc tùm lum đó thôi. 

Ở xóm này, tính ra chú là một trong những người đi biển lâu năm nhất. Hồi trai trẻ, chú từng đi tàu thuê từ Nam ra Bắc. Tính chú nóng nảy, hiếm khi nói được câu nhẹ nhàng với bất kỳ ai. Nhưng chú ít la Lâm, có khi vì anh nhỏ nhất đội tàu nên được cưng. Hoặc có thể tại dáng vẻ anh ham học hỏi. Lòng chú đã đinh ninh nhiều dự định sau vài ba chuyến tàu mang Lâm theo. Cái cách thằng nhỏ say mê nhìn biển, hít hà gió biển bằng háo hức, chẳng thấy lạ xa, chẳng thấy ngán ngẩm khiến chú gặp lại mình của những ngày còn trẻ. Người ta, có thể đánh mất nhiều thứ và gặp lại nhiều thứ, nhưng đánh mất mình rồi gặp lại mình, cảm giác ấy lúc nào cũng bồi hồi xáo động. 

 

Minh họa: TRỊNH HOÀNG TÂN

 

Lâm hay thắc mắc, những thắc mắc ngờ nghệch của một cậu trai mới lớn không khiến chú tức giận. Nhưng lời giải thích của chú hiếm khi đi đến tận cùng, bao giờ cũng là “vì không nên”. Ví như tại sao đi tàu tránh ngày rằm vậy chú. Chú à ừ, vì không nên. Tại sao thím phải tránh mặt chú trước khi tàu rời. Vì không nên. Tại sao mấy con cá đó cũng to mà chú thả xuống. Vì không nên. Lạ lùng, những câu trả lời không có chút giải thích đó không làm cụt hứng thắc mắc trong Lâm, anh vẫn hỏi và suy nghĩ đăm chiêu. Chú hời hợt khi giải thích mấy điều kiêng cữ nhưng cần mẫn chỉ trỏ cho Lâm cách đoán tiếng gió, nghe tiếng cá động dưới mạn tàu. Thế rồi, cũng có lần ông hét lên, bây tập trung, nghe tau bày mới nhớ chớ đầu óc cứ bơi bơi đi khúc mô hả con. 

Đội tàu có năm người, đều xêm xêm tuổi chú. Lâm trẻ nhất nên chi anh là chân sai vặt, làm mấy việc nhỏ nhặt lung tung. Có điều, ai cũng thương Lâm, coi thằng nhỏ như con cháu mình. Mấy ngày đầu Lâm say sóng, người thì xoa dầu, người nấu cháo, người động viên. Lâm luôn có cảm giác khi trên biển, người ta bỗng khắng khít, tình cảm, đoàn kết vô cùng. Hơn nữa, mỗi người đàn ông khi đi tàu đều đảm đang không thua đàn bà. Họ lo cơm nước, tắm giặt tỉ mẩn, sắp xếp khoa học. Lênh đênh trên biển nửa tháng trời, họa phúc khôn lường, những người đàn ông rắn rỏi tự chăm sóc mình và chăm sóc nhau chu đáo. 

Đêm nằm chờ cá, không gian chỉ có tiếng sóng biển dập dìu, gió lộng ngoài khơi miên mải, bất tận không ngừng. Cảm giác ấy từ lần đầu trải nghiệm, Lâm thích thú đến nỗi không ngủ được. Anh ngồi nhỏm dậy, ngó vào màn đêm, hít gió biển, hít hương đêm say mê lạ lùng. Giữa biển bao la, con tàu của Lâm nhỏ xíu, những con người trên tàu cũng nhỏ xíu. Đôi bữa trời sáng mây trong, không thấy bóng dáng đàn cá nào, đám đàn ông trên tàu soạn rượu uống rồi nói vài ba chuyện táo bạo về đàn bà. Có lần, mấy chú trêu Lâm đã ngửi mùi đàn bà bao giờ chưa bởi nhiều chuyện thô thiển cả đám cười rung mà Lâm vẫn ngơ ngác.  

Lâm nhớ mùi của Nhi. Không biết đó có phải là mùi đàn bà như mấy chú nói hay không. Có điều nó lạ lắm, thơm và khó quên. Mùi tóc Nhi khi vô tình em xoay mạnh người, dí sát mặt vào Lâm. Mùi da thịt Nhi khi em áp mặt vào ngực Lâm. Trời sinh, Lâm nhát gái. Phải qua mấy bận, thêm vài tuổi đời, Lâm mới hiểu ý của Nhi lúc ấy. Con gái vẫn khôn hơn con trai, tỏ lòng và bày biện đó rồi nhưng thằng con trai là Lâm lúc đó đứng im như tượng. Giờ Nhi đã lấy chồng, nghe đâu vừa đẻ được thằng cu ba cân rưỡi. Phải mà hồi đó dạn dĩ hơn, có khi Lâm đã không đi biển như bây chừ. 

Cảm giác mỗi lần đứng trên tàu, ngóng bờ lùi dần và mất hút, trước mặt chỉ thấy mênh mông mặt biển mây trời, tự nhiên thấy mình nhỏ bé mà vĩ đại, đơn độc nhưng tự do. Chú nói, đàn ông làm nghề đi biển, tâm tư ít thôi. Chỉ cần ăn ngủ mạnh giỏi và cứng rắn trước gió trời, càng nghĩ ít càng nhẹ thuyền. Không lẽ tâm tư mình nặng đến nỗi con thuyền cũng chao đảo. Nhiều nỗi niềm vô hình nhưng sức nặng làm mệt mình lắm con ạ. Chú rít thuốc, vỗ vai Lâm dịu dàng. Lâm tính hỏi nhiều thêm nhưng đắn đo nên thôi. Mênh mông giữa biển lộng này, coi rộng thênh thang đó nhưng nhiều khi không biết nép giấu nỗi buồn vụng về ở đâu cho phải. 

Lâm biết, chú thương và muốn truyền nghề cho mình là gộp cả phần của anh con trai duy nhất. Phải mà không có chuyện chi, bây chừ chú đã có bạn đi tàu mạnh giỏi, chú sẽ truyền hết nghề cho anh, truyền hết niềm yêu biển cho anh. Nhưng sau cơn bệnh, giờ anh chỉ nằm bất động. Bao hy vọng và tâm sức, chú dồn cả vào Lâm. Ban đầu Lâm vui nhưng dần dần lại thấy áp lực, nhất là sau chuyện ông Vũ, trong Lâm bắt đầu hoang mang. 

Lâm không thể giấu nỗi sợ hãi của mình. Mà đâu chỉ mình Lâm, mấy người bạn tàu kia đã ở nhà. Người thì lấy cớ bận ăn giỗ, người kêu bận đi đám cưới cháu trong Nam, người thì báo đang sốt li bì. Căn cơ đằng sau chỉ có mấy bà vợ sớm ra lấy cá vẫn thậm thụt xì xào vụ chú ướp ông Vũ cùng bầy cá ở dưới khoang. Thằng cha đó nhẫn tâm, bất lương. Có nạn thì đem họ về, rứa mà cũng ướp người ta cùng cá cho bằng được. Và trù trừ lo xa, ngộ nhỡ chồng mình có bề chi, thằng cha đó cũng làm y vậy. 

Áy náy in lên mặt, thím cúi gằm khi đi ngang những nơi có người đàn bà nào đó ngồi túm tụm cùng nhau. Vợ ông Vũ từ nay chắc cũng không chạy qua chạy về nhà thím tám chuyện nữa. Như bận trước, chú thím sẽ cãi nhau cho um nhà nhưng nay thì không. Không ai nói với ai một lời. Mấy tháng qua, lần đầu Lâm thấy không khí trong nhà yên ắng như vậy. Những lời muốn nói, thím nuốt hết vào trong, cả thở dài cũng nín. 

Bữa đó, ông Vũ lấy thuyền đi câu mực. Lâm đòi trèo xuống thuyền câu cho biết nhưng chú cản lại, ở lại tàu nấu miếng cháo ăn, coi chi mà coi. Hì hụi mỗi người một việc, bẵng đi cả tiếng đồng hồ không thấy con thuyền thúng của ông Vũ, mọi người mới cuống cuồng tìm. Cũng may, hai tiếng sau thì tìm ra. Đó là lần đầu tiên Lâm nhìn thấy người chết, dù người đó vừa ít giờ đồng hồ trước còn vẫy tay rủ Lâm theo xuống thuyền. Ớn lạnh chạy xuống sống lưng, Lâm òa khóc. Chú bình tĩnh, bảo mọi người quấn ông Vũ lại rồi đem xuống dưới khoang, chừ phải ở lại làm mẻ cá chứ về không là lỗ nặng, có ý kiến chi khác không. Cả tàu im lặng, nặng nề. Quay về bây giờ xác định nợ cả đống tiền. Đợt này, xăng dầu gì cũng tăng giá, người nào cũng lấn cấn với vài ba khoản nợ nhỏ to. 

Bảy ngày đằng đẵng đó, Lâm không dám xuống dưới khoang. Ý nghĩ ông Vũ nằm dưới lạnh lẽo cùng bầy cá tươi rói khiến Lâm thấy rợn người. Lấm lét ngó về phía chú, bắt gặp gương mặt tỉnh táo đến lạnh lùng. Mấy người trên tàu co cụm vào nhau, run rẩy không thể hiện bằng thái độ hay lời nói mà là ánh mắt. Nhiều khi cũng thắc mắc như mấy bà vợ ở nhà, lỡ may mình như thế, thằng cha cũng ướp mình với cá, không đem về ngay cho vợ con. Phía dưới chỗ khoang đông lạnh, chú vẫn thường lui xuống thắp hương và lầm rầm khấn vái. 

Những chuyến tàu sau này của hai chú cháu cứ im lặng dần. Lâm không hỏi, chú không nói. Cho tới khi ngã bệnh, thều thào, chú níu tay Lâm hỏi có tự đánh tàu ra được cái chỗ mình hay neo lại không. Hóa ra, chú thừa biết thằng nhỏ non nghề nhưng đã lưu tâm và thắc mắc chỗ tàu vẫn hay đậu. Lâm gật đầu đầy tự tin. Mùa này dễ trúng mẻ cá cơm, nếu siêng trụ lại vài ngày ắt đủ để trả viện phí. Lâm biết sớm muộn chi anh cũng sẽ tự mình ra đó để giải tỏa những tò mò náo động của bản thân, để trả lời vài ba thắc mắc bấy lâu nay. 

Nghĩ lại lúc đó, chẳng hiểu sao Lâm không chút sợ hãi chi. Sự tò mò vượt qua nỗi sợ khiến anh chẳng suy nghĩ nhiều. Có gì đó ở dưới kia thôi thúc anh nhất định phải xuống xem. Đó không phải là bí quyết mà chú giấu mình nhưng ắt rằng phải có bí mật, phải có gì khác biệt ở góc biển mênh mông này nên lần nào chú cũng chạy vòng vòng hồi lâu rồi quay lại đây thả lưới. Cho đến khi tận mắt nhìn thấy những thứ vừa trông thấy, Lâm ớn lạnh người khi đã trồi lên cả tiếng đồng hồ. Anh bạn cùng tàu là anh họ của Nhi, đi theo phụ Lâm mấy ngày nay cũng xanh lét mặt mày khi thấy Lâm lặn một hồi lâu như vậy. 

Lâm luôn thắc mắc, chú mình đã tìm thấy mỏ cá nào ở dưới, mà sao cứ đẩy tàu ra, chuyến nào chuyến nấy đều có cá. Giăng lưới ra ắt có thu về đầy ắp. Có khi con tàu chìm nghỉm ở dưới là nơi trú ẩn lý tưởng cho bất cứ đàn cá nào ngang qua. Thẫn thờ hồi lâu, Lâm nghĩ mình cần kéo chú thoát ra khỏi khúc mênh mông quen thuộc này.

Lâm lên phía cảng vụ rồi dẫn người ra. Hụt hơi lắm mới nói rõ đầu đuôi, mất cả tiếng đồng hồ để chứng minh lời mình nói không dối, việc sắp làm không vô ích. Con tàu nằm im dưới đó hai mươi ba năm, bằng đúng số tuổi của Lâm bây chừ. Là dạng tàu cá loại lớn, có khi đắm vì cơn bão nào đó.

Sau mấy tháng trời tìm kiếm, đã có một đoàn người từ Bắc vào nhận thân nhân. Nghe nói tận mười lăm mạng người nằm dưới đó. Hôm đoàn thân nhân theo tàu cá ra đây, Lâm có đi theo. Khóc lóc khấn vái, ai cũng mong gọi hồn vía người thân về nhà mà không hay rằng những người đó lênh đênh trên biển có khi đã thành quen. 

Như người vốn quen nắng gió mây trời lồng lộng, giờ bất động sau cơn trúng gió, cứ nằm ngó vu vơ. Qua buổi méo mó miệng mồm, chú ngồi ngậm tăm, không giải thích đã biết con tàu đắm dưới kia bao lâu, sao không đi báo. Mấy câu hỏi đó, chừ cũng vô nghĩa. Thằng con trai nằm lăn lóc góc nhà, nước miếng phải thấm bằng cái khăn quanh cổ và người đàn bà hung dữ nói nhiều nay không thèm thở ra một tiếng, ngó chừng đó thôi đã thấy lấn cấn, phân bua lý giải chi thêm nữa.

Chỗ đó không biết có là nơi nghỉ chân buông lưới của con tàu nào khác hay không nhưng Lâm thì không. Anh nói với thím, mình cần tự khám phá những nẻo mênh mông bất tận mới để không phải chìm sâu trong tuyệt vọng. Thím hỏi, chừ chú bây không đi nữa, bây có đi không. Lâm lục đục vá lưới, nhớ ra tuần trước con của Nhi vừa thôi nôi mà em cũng đã thôi chồng, mình cần nghề nghiệp để nuôi mạ con người ta. Lâm cười bâng quơ rồi nói với thím, con không đi thì ai đi...

D.A

DIỆU ÁI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 308

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

7 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

8 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground