Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vui buồn sau trận đánh

B

ác Hồ có câu thơ “Tin mừng thắng trận nở như hoa…”. Và trong một bài hát của một nhạc sĩ có câu “Tin vui chiến thắng vang vang, vang là vang khắp xóm làng…”.

Mừng và vui với những chiến thắng là một điều hiển nhiên, và cần thiết nữa. Kết thúc một công việc, một công trình, nhân dân ta thường dùng những chữ “khánh thành” hay “lạc thành” - cũng như mừng vui sau một chiến thắng. Hoàn toàn đúng đắn và không có gì lạ.

Nhưng đằng sau một trận đánh, còn có gì đáng nói và cần nói hôm nay. Ngoài nguồn vui như ai cũng đều hiểu, còn có những nỗi buồn: buồn mất mát hy sinh, buồn thương tổn, buồn nuối tiếc. Dù dưới dạng này hay dạng khác, cũng không vượt ra ngoài hai chữ mất mát - vật chất hay tinh thần đúc đọng lại trên nỗi đau tình cảm của con người với con người với nghĩa rộng hay nghĩa hẹp!

Bác Hồ ân cần khuyên bảo cán bộ đừng dùng ngôn từ “trận đánh đẹp”(!) Bác thương cảm nỗi đau mất mát hy sinh của dân tộc ta, nhưng Bác cũng thông cảm cho nỗi đau của những người mẹ của phía bên kia chiến tuyến phải mất mát những đứa con hay chồng vì những quyền lợi ích kỷ của một tập đoàn người nào đó đã lợi dụng họ. Trong lòng Bác mênh mang một tấm lòng nhân đạo.

Không phải đến tận bây giờ đến các nghĩa trang liệt sỹ, đứng trước các phần mộ, chúng ta mới tràn đầy cảm xúc rưng rưng nhìn những con số năm tháng đứng dừng mãi mãi với một khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời.

Qua năm tháng chiến trận, cả đất nước đều được quyền vui hưởng trọn vẹn niềm hoan lạc khải hoàn, đánh đuổi hai đế quốc cũ và mới, nhưng trong lòng mỗi một người lính năm xưa hôm nay tóc đã bạc, tuổi đã cao, nhưng nỗi buồn về bạn bè đồng đội rất mực thân yêu bị mất mát hy sinh mà một thời không được phép biểu hiện bộc lộ gây nên cái yếu đuối dù phút chốc. Nỗi buồn đau ấy lặn sâu trong tâm khảm đã hun đúc cho chí căm thù  một sức mạnh. Và nó vẫn tồn tại mãi như nó đã từng có.

***

 Thế đấy! Vẫn trước mắt tôi… và trong lòng tôi…

Cuối năm 1950, địch chỉ còn có thể sử dụng được đoạn đường xe lửa từ Huế ra Quảng Trị. Dọc hai bên đường tàu là những lô cốt cao thấp, những lô cốt ngầm hoàn toàn bằng bê tông cốt sắt để giữ gìn con đường huyết mạch, cũng như thế với cả đường quốc lộ I.

Nhưng có gì có thể ngăn cản sức mạnh của quân và dân Bình Trị Thiên thuở ấy, để đến với những đoàn tàu của địch và trận đánh đã xảy ra.

Những ngày đêm mưa tầm tã. Xuất phát từ trong đêm giữa thôn Vĩnh An quanh vùng, che mưa với cái tơi lá, hoặc một tàu lá cọ, hoặc tấm lá chuối bọc ngang người chúng tôi vượt đường số I và đường tàu về trú quân tại vườn chè ông Năm giữa một vùng đồi núi trung du đầy sim mua lúp xúp trong khi hơn chục người lính đã độn thổ dọc đường tàu với những quả bom mười cân chờ nổ.

Đoàn tàu quân sự địch xuỳnh xuỵch vượt núi đồi Như Sơn tiến ra phía cầu Mỹ Chánh. Những tiếng nổ inh trời báo hiệu và đồng thời cắt đoàn tàu ra nhiều đoạn chết dí. Trận đánh diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, và trời cũng đã tạnh bớt.

Từ trên những mảng đồi, những đơn vị lao vun vút về phía đường tàu, trên lưng vòng ngụy trang đầy lá đu đưa chao động như cả một cánh rừng đang bay dưới những nhịp đạn cầu vồng súng cối của một Đại đội trợ chiến Trung đoàn bạn 101. Quân chủ lực Trung đoàn 95 đã làm chủ trận địa. Một đoàn tàu quân sự, nhưng địch đã thêm mấy toa tàu khách - hẳn chúng nghĩ, quân ta thường tránh không đánh đoàn tàu có khách là dân đi lại.  Nhưng bài toán của Trung đoàn 95 đã chính xác để những quả “bom độn thổ” không nổ vào những toa tàu có dân đi. Thời đại chưa có máy vi tính, nhưng độ chính xác đã hoàn toàn như mong muốn, và số hành khách đã lao xuống tìm lối thoát lên phía núi – phía chiến khu theo chỉ dẫn của những anh bộ đội Cụ Hồ. Có những người lính đã bế thốc những em bé hộ các bà mẹ sợ sệt bom đạn chuyển dần lui nhiều quãng xa cho những người dân công tải thương đưa lùi xa mặt trận. Một anh bộ đội cúi xuống bên một em bé mặc chiếc áo vàng nghệ loang lổ, nhưng bà mẹ đã nhanh nhẩu trả lời “Cháu mặc áo có vẽ bùa phù thuỷ, nước mưa làm nhoè ra đó thôi”(!). Một người mù cố níu một đứa cháu cố chạy cho kịp cũng được vác ngang bỏ mấy quãng đồi bom đạn hết cơn hãi hùng. Diệt địch và bảo vệ dân là hai nhiệm vụ song song trong một mục đích.

Đoàn tàu có hai toa bọc sắt trên gắn những đại bác Bô-pho (đại bác 40mm). Những toa bọc sắt phía cuối đoàn tàu đã bị cánh quân Đại đội 9 khống chế, và chính Đại đội phó Độ đã nhanh nhẹn nhảy lên cái khối sắt hung dữ và bắt một tên lính Đức đầu hàng tháo ngay khẩu pháo dưới mắt anh. Khẩu pháo dù thiếu chân, về sau đã lập công trong trận diệt đồn Phổ Lại.

Nhưng còn cáí lô cốt sắt phía trước? Địa hình trống trải đã khiến cho tiểu đội của Phan Nậy còn lại có mỗi một mình anh. Không thể rời bỏ vị trí, Nậy đã kéo những xác thương vong của đồng đội mình tạo nên một công sự máu và nhờ thế anh đã hoàn toàn hạ được cái “khối thép” ác độc kia! Ngón tay anh đã kéo cò súng trong nước mắt chan hoà. Và cái gì đã xảy ra sau trận chiến thắng? Phan Nậy đã đầm đìa nước mắt trong khi ngồi thái thịt chuẩn bị cho buổi liên hoan mừng chiến thắng. Và khi những mâm cỗ đã được dọn ra, bỗng thiếu vắng Nậy! Người trung đội trưởng vội vã chạy tìm. Đâu, ở đâu? – Nậy đang ngồi dấu mình khóc đằng sau cây rơm.

- Tại sao cậu bắt đồng bào và đồng đội ngồi chờ? Bất mãn hả?

Nước mắt càng lã chã trên mặt Nậy. Cuối cùng nén cơn thổn thức, Nậy mới có thể đáp:

- Ngồi thái thịt, em nhìn như những miếng thịt của đồng đội mình đang tơi tả trước mặt. Em không thể nào nuốt nổi những miếng thịt.

Người trung đội trưởng nín lặng, và bỗng ôm choàng lấy người lính đồng đội mình:

- Nậy, Nậy, và hương hồn các đồng chí ơi… ơi…ơi!

Bốn dòng nước mắt cùng đẫm áo ngực của nhau!

Sau niềm vui chiến thắng là như thế đó…

Cho đến tận bây giờ…

***

Và những anh Hùng Việt, anh Lê Bá Vận!

Anh Hùng Việt là một chiến sĩ giải phóng quân từ Việt Bắc vào mặt trận miền Nam Trung Bộ. Anh được điều động về làm trung đoàn trưởng Trung đoàn Thiện Thuật tức là Trung đoàn 95 - tỉnh Quảng Trị.

Một lần những người lính đang loay hoay tháo một quả bom, một thời đang thiếu sự thông thạo về bom đạn, anh đã tự mình thay thế họ, nhưng bất ngờ quả bom phụt khói, anh đã nằm xuống, ôm kín quả bom không để gây nên những thương vong lây cho đồng đội. Người chiến sỹ Việt Bắc ấy, người chỉ huy biết hy sinh thân mình ấy, giờ đang nằm một nghĩa trang nào trên đất nước, hương hồn anh vẫn quanh quẩn nơi mảnh đất thị xã Quảng Trị, và trong lòng bạn bè đồng đội nơi đây, trong nỗi buồn thương tiếc của những ngày đầu đánh giặc. Nước mắt mãi mãi chảy vào lòng…

Và anh Lê Bá Vận của cái thôn Bích La Đông xã Triệu Đông huyện Triệu Phong bây giờ. Đoàn quân 95 xuất phát từ cái thôn An Gia thuộc huyện Gio Linh. Một vùng chè mít đất đỏ kín bưng, thế mà chiếc máy bay “bà già” trinh sát địch cũng phát hiện, và hai chiếc B.26 đen bóng như hai con cá thu đã lao xuống ném bom vào đội hình.

Đồng thời cái tin anh Lê Bá Vận, một đội khố đỏ của quân đội Pháp trước cách mạng về sau đã thành đồng chí Trung đoàn trưởng Lê Bá Vận với nhiều chiến công nổi tiếng Hạ Cờ, Như Sơn, Mỹ Chánh, Ba Dốc, hy sinh trong một cuộc khảo sát trận địa bởi một quả mìn.

Tin người chỉ huy hy sinh được giấu kín bí mật mãi lâu về sau. Gia đình có lần gửi quà cáp cho anh, đều được gửi trả lại với cớ là anh “đang đi học ở Việt Bắc” (!).

Nỗi đau thầm lặng riêng gì với người lính 95, đồng đội thương người Trung đoàn trưởng dũng cảm tuyệt vời mà giản dị hết mực như một người binh nhì bình thường. Đồng đội thương cả những cái phút nóng của anh giữa chiến trận, đã thẳng cánh tát vào mặt một đại đội trưởng định rút lui trong tình huống căng thẳng, và chính nhờ cái tát “Trương Phi” ấy, người đại đội trưởng đã vượt qua một phút yếu đuối của chính mình. Chính mắt tôi trực tiếp thấy cái động tác ấy trong trận diệt đoàn xe địch ở Hạ Cờ! Nước mắt anh Lê Bá Vận đã đổ xuống về sự nóng nảy giữa khói súng trong buổi tổng kết chiến dịch.

Và người chỉ huy ấy cũng không còn nữa!

Vui buồn sau trận đánh! Nguồn vui lớn lao chan hoà, và nỗi buồn thì lắng sâu xúc động!

Vâng, những nỗi buồn đáng quý, và thời gian đã cho phép… nói lên!

Cảm ơn, cảm ơn sự tồn tại của những nỗi buồn - nỗi buồn sau trận đánh!

T.H

Tấn Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7 tháng 04/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground