Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ…
Chị bảo
- Đứa nào tìm được lá diêu bông
từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày em tìm thấy lá
Chị chau mày
- Đâu phải lá diêu bông
Mùa đông sau
Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười
Xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt
Chị không nhìn
***
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
- Diêu bông hời…
… Ới diêu bông!
… Thật chuyện riêng anh
Hao hao cổ tích mờ xanh tuyệt cùng.
(Hoàng Cầm)
Có phải vì thế chăng khi đọc “Lá Diêu bông”, tôi thường liên tưởng tới bài thơ của Lermôntốp. Người thách đố là nàng thục nữ - còn người cầu hôn - một hiệp sĩ tình si. Nhưng đó là chuyện cổ tích. Còn lá diêu bông chỉ hao hao cổ tích mà thôi. Người được gọi là Chị kia là một cô gái Kinh Bắc mặc váy Đình Bảng thẩn thơ trên cánh đồng chiều. Không phải nàng tiên, công chúa, tiểu thư khuê các cũng không. Người gái quê ấy từng một lần hồn nhiên chơi tam cúc, cái trò chơi con trẻ dân giã trong bài thơ “Cây tam cúc” giờ đây lại bày ra một trò chơi “mới”- một câu đố oái oăm, một lời thách.
Đứa nào tìm được lá Diêu bông
từ nay ta gọi là chồng
Thế là câu chuyện bắt đầu. Chỉ có một người chấp nhận lời thách đi tìm vật báu. Đó là chàng thi sĩ xưng Em. Chàng thật là hăng hái nhiệt tình, khẩn trương, bền bỉ. Hai ngày. Mùa đông sau. (Không biết sau bao lâu). Ngày cưới. Và cả khi người đẹp đã 3 con. Quá tam ba bận đủ chứng minh cho tấm lòng chàng. Nếu khi ngày cưới chàng nhận được một nụ cười rồi thôi tìm kiếm; hoặc theo cung cách của ca dao, đến đó chàng dậm chân kêu trời, trút một tiếng thở dài đầy tình hận:
Em có chồng rồi, anh giận (tức) lắm thay!
Thì đã đi một nhẽ. Điều phi thường còn hơn cả cổ tích, cực kỳ mãnh liệt và hiện đại chính là cuộc tìm kiếm không ngừng của chàng. Chính xác là cuộc gặp gỡ thứ tư của chàng, khi nàng đã ba con. Vâng vào cái ngày chưa xa gì, có thể có người đã năm con nhưng “Ra đường người tưởng còn son” hoặc có bao người con gái tàn phai nhan sắc cùng với những đứa con mang nặng đẻ đau:
Gái một con trông mòn con mắt
Gái hai con con mắt liếc ngang
Ba con cổ ngẳng răng vàng
(Cầu mong cho nàng không rơi vào tình trạng này). Nàng ba con mà chàng vẫn tìm tới đưa chiếc lá Diêu bông. Vậy là chàng đâu có mong thắng cuộc để được “gọi là chồng”. Việc tìm lá của chàng đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác…
Nhưng ta hãy dừng ở đây để xem phản ứng của nàng ra sao ở ba lần đầu và lần thứ tư đầy kịch tính, éo le.
Chị chau mày
- Đâu phải lá diêu bông
Chị lắc đầu
Trông nắng vãn bên sông
Chị cười
Xe chỉ ấm trôn kim
Xòe tay phủ mặt
Chị không nhìn
Cả ba lần trên người con gái đều chủ động. Chủ ngữ đặt ở đầu câu. Từ “chau mày” đến “lắc đầu” đến “cười”, mức độ kẻ cả, “kiêu sa”, nghiêm khắc cứ giảm dần nhường chỗ cho cảm tình thân thiện. Cả ba lần nàng không nhìn và không nói (trong văn bản, trước câu thơ “Đâu phải lá Diêu bông” có dấu gạch ngang người đọc cứ thế hiểu đó là lời của nàng, nhưng có lẽ nên hiểu rằng đó là điều đọc, thấy của thi nhân trong nét mày chau)
Lần thứ tư:
Xòe tay phủ mặt, chị…
Có sự đảo ngữ như vậy vì lần này là lần hết sức đột ngột, bất ngờ mà cũng do đó mà cực kỳ bối rối, cực kỳ cảm kích. Nàng bị động hoàn toàn, chống đỡ hoàn toàn theo bản năng. Chữ “phủ mặt” đọc nghe kinh rợn vù cái bàn tay kia như là tấm giấy… lúc lâm chung! Nàng đây có ngờ lời thách thức bâng quơ thuở nảo thuở nào mà lại thành ra một lời nguyền không giải được, ám ảnh một đời người khác. Chuyện hai ngày, chuyện một mùa, chuyện vài năm ngày xưa là chuyện bồng bột, trẻ người non dạ. Nhưng khi nàng đã ba con thì chàng đâu còn có thể đeo đuổi câu chuyện nông nổi ăn xuổi ở thì? Cũng là không nhìn. Nhưng ba lần trước là không tin, không nhìn. Còn lần thứ tư thì hoàn toàn tin rồi không cần nhìn nữa… Mà nàng nỡ nào nhìn khi sự thể là ván đã đóng thuyền. Đã quá muộn màng khi hiểu được lòng nhau…
Cái kết của ngang trái tất nhiên là điều không thể tránh khỏi. Khi chàng tìm được lá Diêu bông cũng là khi chàng mất nàng vĩnh viễn. Tưởng không nên tính được thua, còn mất trong chuyện tình yêu một cách quá sòng phẳng. Không có được nàng, nhưng chàng có lá “Diêu bông”, có “tín chỉ” – Tình yêu “đắc đạo”- yêu sau thử thách. Chàng đã đi vào vương quốc bất tử của sự chung tình. Chỉ còn gió quê gọi mãi, ngợi ca mãi “chiến công” hiệp sĩ của chàng, than thở mãi cho sự ngang trái của mối tình.
- Diêu bông hời…
… Ới diêu bông!
Tôi đặc biệt muốn lưu ý chữ “Ới” thần tình của câu thơ này. “Hời- Hỡi” thì hiền lành và yêu mến. “Hời ơi” thì ngọt ngào, như một lời ru. Cũng gặp “Hời… ới”, chữ ới với thanh trắc mà lại là dấu thanh sắc - vút lên thật mạnh mẽ, như cắt ngọt vào trái tim và khắc vào đó ba chữ “Lá Diêu bông”, một tín chỉ tượng trưng của tình yêu bền bỉ thủy chung nhưng có lẽ ngang trái.
V.N