H |
ội đồng chuột là bài thơ ngụ ngôn của nhà thơ lỗi lạc La Phôngten của Pháp ở thế kỷ XVII
Bài thơ kể chuyện như sau:
Chú mèo tên Trạng Mỡ
Nhè chân chuột gieo tai
Tống chúng xuống tuyền đài
Đến chỉ còn một nhúm.
Nhiều chuột bị mèo “thịt”. Số chuột còn lại sợ quá không dám ra khỏi hang
Chuột đói mẻo đói meo
Bữa ăn còn tẻo teo
Đâu được như thường lệ
Đối với những con chuột còn sống sót, “Trạng Mỡ” Mèo trở thành “Ông Lẹ” thành “con quỹ’, “con yêu”. Nhưng rồi một hôm, mèo Trạng Mỡ “lượn nóc nhà kiếm vợ”, sau đó say sưa với “bồ”. Được dịp các chú chuột còn sống sót bò ra khỏi hang, cùng hội họp tại xó nhà. Hội đồng chuột ấy bàn bạc tìm cách thoát khỏi “tai họa’ do mèo Trạng Mỡ gây ra:
Trùm chuột lõi nhất nhà
Có ý kiến đề ra
Rằng: “Càng sớm càng tốt
Quyết phải đem nhạc buộc
Vào Cô Trạng mới xong!”
Làm như thế để mỗi khi mèo Trạng Mỡ đi lùng chuột “biết ngay, độn thổ”
Đây là cách duy nhất còn có thể làm được, để cứu sống những con chuột còn lại khỏi “tai họa” do Mèo gây ra. Vì thế:
Cả họ chuột một lời
Khen cụ trùm chí lý
“Ừ cứu họ nhà Tý
Thượng sách chính là đây!”
Vấn đề còn lại cần giải quyết là cử ai “đem nhạc buộc” vào cổ mèo. Không một ai chịu nhận làm
Anh rằng: Tao chả ngốc
Chú bảo: Quá sức mình
Vì thế mà Mưu cao chẳng thực hành, Hội đồng chuột đành giải tán
BÌnh luận về Hội đồng chuột này La Phôngten viết:
Tôi đã thấy chán vạn
Kiểu bàn bạc ba hoa …
….Triều đình ví chỉ họp bàn
Quân sư nhặng xì lời tràn cung mây
Đến khi cần phải ra tay
Thì thôi chẳng thấy mặt mày một ai.
Bài thơ ngụ ngôn Hội đồng chuột của La Phôngten đã có lần được nhà thơ Nguyễn Đình (nay đã quá cố) dịch. Bài thơ phê phán mặt trái của chế độ quân chủ, phê phán các quan lại quý tộc của triều đình phong kiến Pháp ở thế kỷ XVII
Ba thế kỷ sau, trong bài thư trả lời ông H Nguyễn Ái Quốc đã nhắc lại câu chuyện Hội đồng chuột của La Phôngten để phê phán một nhân vật nói rất nhiều về “cách mệnh” nhưng thực tế có xu hướng cơ hội chủ nghĩa. Tác giả không cho biết rõ tên ông H, chỉ biết đó là cụ Nguyễn Thượng Hiền và đã có đời làm thư ký cho cụ Phan Bội Châu nhưng không có tinh thần yêu nước như hai cụ. năm 1907 đang làm quan, hưởng ứng phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền đã bỏ quan xuất dương sang Nhật. Năm 1914, khi Phan Bội Châu bị chính quyền ở Quảng Đông bắt giam, Nguyễn Thượng Hiền vẫn tiếp tục hoạt động trong phong trào Việt Nam Quang phục hội.
Nguyễn Thượng Hiền có người cháu ruột Nguyễn Thượng Huyền. Nếu “ông H”- theo cách gọi của Nguyễn Ái Quốc là Nguyễn Thượng Huyền, thì nhân vật này quả rất tệ hại vì năm 1925, trong vụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở Thượng Hải, có sự phản bội của Nguyễn Thượng Huyền.
Năm 1925, ông H đã gửi đến Nguyễn Ái Quốc một tập bản thảo dày bau mươi hai trang đánh máy, nhan đề là ‘cách mệnh”, nhờ đọc và cho ý kiến phê bình.
Nguyễn Ái Quốc đã viết Thư trả lời ông H phê phán xu hướng cơ hội của H, xu hướng muốn làm cách mạng mà ngại hi sinh, gian khổ, phê phán sự lầm lẫn cho tẩy chay là cách mệnh, và cách mệnh là tẩy chay. Nguyễn Ái Quốc liên hệ tâm lý của ông H. Với truyện ngụ ngôn Hội đồng chuột của La Phôngten. Nguyễn Ái Quốc viết: “Thơ ngụ ngôn ấy đại thể kể như sau: Trong một nhà kia có một chú mèo cật lực săn diệt chuột không thương tiếc. Chuột ra quyết định sẽ treo đục đạc (cũng gọi là lục lạc) lên cổ mèo để khi mèo bắt, nghe tiếng đục đạc, chuột biết mà kịp thời chạy trốn. Nhưng không có con chuột nào dám tình nguyện ra treo đục đạc vào cổ mèo cả”. Kể lại chuyện ngụ ngôn của La Phôngten, Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ sự tai hại của những người chỉ nói nhiều về “cách mệnh” mà không dám làm “cách mệnh”. Nhưng còn tai hại hơn là có những người nói nhiều về “cách mệnh” mà không dam lên án kẻ thù của “cách mệnh”. Nguyễn Ái Quốc viết: “Phải! Không một con chuột nào của La Phôngten nói trong thơ ngụ ngôn dám buộc đục đạc lên cổ mèo. Tuy vậy chúng đều ghét kẻ thù chung của chúng. Những con chuột ấy thật là hơn hẳn những con chuột Việt Nam vì những con chuột này không biết đoàn kết lại để bàn việc diệt những con mèo kia, chúng sợ rằng trong hàng ngũ chuột của chúng sẽ có con đi báo với mèo Pháp”.
Viết những dòng trên đây, Nguyễn Ái Quốc muốn chỉ rõ những quan điểm mơ hồ, sai trái của ông H về bản chất và tội ác của thực dân Pháp ở Việt Nam, phê phán những biểu hiện yếu đuối của các tổ chức và cá nhân nói nhiều về “cách mệnh” mà không dám thực sự làm cách mạng để giành độc lập cho dân tộc.
Qua Nguyễn Ái Quốc, bạn đọc có thêm điều kiện để hiểu rõ hơn Hội đồng chuột trong thơ ngụ ngôn của La Phôngten- một loại thơ độc đáo, không hùng hồn, không hoa mỹ mà sáng láng trí tuệ. Từ thế kỷ XVII cho đến thế kỷ XX, tính cách của Hội đồng chuột trong thơ ngụ ngôn của La Phôngten vẫn còn giá trị phê phán và nhắc nhở.
P.H.V