Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Thơ rượu rắn", quả là khó uống

N

hư lời tòa soạn trong CV số 4, cuộc tranh luận về Thơ và Lý luận thơ xung quanh tập thơ Nguyễn Quang Thiều đã đột ngột sôi động. Trên nhiều tờ báo (trong đó có CV), cuộc tranh luận xem ra đã tới hồi… bút chiến!

CV rất ham tranh luận, nhất là tranh luận về văn hóa, tuy thế CV cũng ngại “tên bay đạn lạc”. Bản báo đương nhiên có chính kiến riêng của mình, nhưng trên phương diện diễn đàn, chúng tôi rất công bằng với cả hai bên. Tuy vậy, chúng tôi chỉ mang, cuộc tranh luận về thơ nên hoạch định trong phạm vi thơ và cũng nên ở mức “tranh luận”. Hẳn bạn đọc của CV cũng mong các nhà lý luận như vậy. Hãy hát lên “bằng chính lòng yêu thơ thật sự của mình!”.

 

1. Đọc bài phê phán tôi trên báo Quân đội nhân dân thứ bảy (15-10-1994) thoạt đầu tôi không biết T.M.H là ai? Đàn ông hay đàn bà? Để chọn cách xưng hô cho tiện khi trao đổi lại. Có người bảo tôi: T.M.H là Trần Mạnh Hảo đấy. Vô lẽ! Ông Hảo từ khi ra quân phê bình đến nay, lần nào xuất hiện trên mặt báo cũng hiên ngang, hùng hồn xưng đủ họ tên, chẳng thèm giấu mặt. Hơn thế, ông còn khai cho biết ông vào trận là nể lời Trần Đăng Khoa vào Nam nhờ cậy: “Anh viết giúp em. Ngoài đó em mà viết thì bị đánh quá trời” (trả lời phỏng vấn, tạp chí Cửa Việt số 5, tháng 10-1994). Như vậy tôi làm sao tin được Trần Mạnh Hảo lần này lại bỗng dưng ký tắt tên mình là T.M.H. Đành phải sang tòa soạn báo hỏi vậy. Thì đúng T.M.H là Trần Mạnh Hảo thật, nhưng cái sự chữ tắt kia là do sơ suất của người xếp bài chứ không phải lỗi của tác giả. Có thế chứ, tôi vẫn tin là ông Hảo đàng hoàng. Và bây giờ tôi xin trao đổi về bài viết của tác giả Ly thân.

2. Trần Mạnh Hảo tôi thấy qua bài viết này lại lộ rõ là một người rất sính nghĩa đen của từ nhưng lại vẻ như không hiểu nghĩa bóng của chữ, của văn chương. Tôi nói đến tiếng hú của thơ Thiều, thế là ông Hảo say sưa luận bàn về các loài hú hít như mèo, khỉ, vượn. Tôi nói đến một thứ thơ rượu rắn, thế là ông Hảo lôi tuốt bò cạp, hổ mang ra và bảo loại rượu ngâm xà này phương Đông quen xài lâu rồi. Điều này Trần Mạnh Hảo đã chứng tỏ ở bài phê “Bóng chữ”. Đọc câu thơ Lê Đạt “ba lần con thiến gáy”, ông Hảo nghĩ ngay đến ba con biết gáy là chim, gà và dế rồi băn khoăn mãi không biết tác giả định thiến con nào.

Cách phê bình ở đây vẫn là cách quen thuộc của Trần Mạnh Hảo: đó là cái cách cắt xén tùy tiện câu văn, bẻ queo bẻ lệch ý của người khác rồi lấy đó mà phê lại. Tôi xin đối chiếu hầu bạn đọc ngay đây.

+ Câu “hát lên bằng nọc độc trong mình” là câu thơ của Thiều ở bài “Trong quá rượu rắn”. Trần Mạnh Hảo đọc Sự mất ngủ của lửa thế nào mà lại cho đó là “một lời khen tặng của nhà phê bình nghiên cứu văn học Phạm Xuân Nguyên đối với thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều”. Câu tôi viết: “Đó là một thứ thơ rượu rắn, uống vào sẽ say “hát lên bằng nọc độc trong mình”. Trần Mạnh Hảo hiểu: “thi ca không bao giờ có khả năng nọc độc trong mình như lời của nhà phê bình nghiên cứu văn học tầm vĩ mô kia đã tặng, đã gán ghép cho thơ Nguyễn Quang Thiều”. Xin Trần Mạnh Hảo đọc lại bài thơ của Thiều và câu này của tôi cho kỹ để biết là ai hát và nọc độc của ai nhé.

+ Tôi viết thẳng thắn, nghiêm túc nêu ngay nhận xét của mình: “Khoa có ý “nhại văn” của Hoài Thanh không, tôi không biết. Nhưng mượn cách nói của chính tác giả Thi nhân Việt Nam tôi muốn nói: từ cái “Tây” của Hoài Thanh để khẳng định một phong trào thơ đến cái “Tây” của Trần Đăng Khoa để hoài nghi một xu hướng thơ có sự cách biệt của hơn nửa thế kỷ của hai quan niệm thơ”. Trần Mạnh Hảo cáu hộ: “Vậy mà ông còn dám giễu Trần Đăng Khoa là “nhại” văn Hoài Thanh mới là khôi hài chứ. Xin Trần Mạnh Hảo đọc lại bài của Khoa bàn về giải thưởng Hội nhà văn 1993 (Văn nghệ Quân đội, 11-1993), phần đầu nói về thơ Thiều mà tôi có trích một đoạn trong bài, xem giọng điệu của “thần đồng thi sĩ” thế nào.

+ Trần Mạnh Hảo chê tôi dẫn nhiều đoạn của Hoài Thanh. Đó là tôi cố ý làm vậy và đã có mở một ngoặc đơn trong bài như sau: xin lỗi, lại phải trích Hoài Thanh, nhưng khổ nỗi, hơn nửa thế kỷ trước trẻ như Khoa, như tôi bây giờ, ông đã giải quyết việc này rất thơ, rất khoa học nên còn có ích cho chúng ta trong cuộc tranh luận về thơ hôm nay. Trần Mạnh Hảo đọc rồi mà quên thật hay giả vờ quên, khỏi bàn. Người trước đã nói, lại nói cách đây hơn chục năm, mà giá trị những lời ấy vẫn đúng, vẫn cập nhật, mà người nay một số vẫn không nghĩ được như vậy, thế thì chỉ cần trích thôi, khỏi phải bình luận gì nhiều. Còn như Trần Mạnh Hảo bảo “số trang còn lại thì cũng vẫn là lấy ý Hoài Thanh” (!), tôi để bạn đọc tự xét khi đọc bài ấy của tôi.

+ Tôi viết: “Nhưng vấn đề không phải ở sự bắt chước, mà ở sự tiếp nhận và chuyển hóa cái ngoài dân tộc thành cái dân tộc để tự làm phong phú mình thêm. Hơn một loài hoa đã rụng cành là Việt Nam hay Vợ Tiên là Trực chị dâu là Việt Nam?”. Trần Mạnh Hảo cắt mất câu đầu và quy cho tôi là giễu cợt cả cụ Đồ Chiểu: “Sao lại đưa cái nhược, mà là cái nhược rất nhỏ so với cái ưu của tiền bối để so sánh với cái ưu của hậu thế? Cứ đà này thì cả Nguyễn Du rồi cũng có thể bị người ta móc máy châm chọc không biết chừng”. Kiểu quy kết này Trần Mạnh Hảo đã làm với Hàn Vũ Hùng. Họ Hàn viết, khi bình một câu thơ của Nguyễn Quang Thiều: “Vị thần hay chó nhỏ đều như nhau. Chỉ là biểu tượng hàm chứa ý nghĩa: canh giữ, trung thành, nhẫn nại”. (báo Người Hà Nội, số 24/1994). Họ Trần cắt mất câu sau và tăng nặng vấn đề”… việc ông vừa chó hóa các vị thần như kết luận liều mạng kia quả là đã xúc phạm đến tình cảm của dân tộc, nếu không muốn nói rộng ra là tình cảm nhân loại” (báo Người Hà Nội, số 29-1994).

Đấy, đại để tư duy của Trần Mạnh Hảo là tư duy chuyện nọ xọ chuyện kia như vậy. Đến đây, thì giá như Trần Mạnh Hảo có ký là T.M.H tôi vẫn có thể đoán ra. Vô hình trung phản ứng của ông Hảo chứng thực nhận định của tôi: Thứ “thơ rượu rắn” này quả là khó uống đối với ông.

3. Bài viết của tôi trên Cửa Việt số 4 (9-1994) bàn về sự làm mới thơ, do đó tôi đối thoại với Trần Đăng Khoa là về cái cách nhìn nhận một số nhà thơ đang tìm tòi đổi mới hiện nay thông qua tập thơ của Nguyễn Quang Thiều được giải thưởng Hội nhà văn 1993. Trần Đăng Khoa, cũng như Trần Mạnh Hảo, Diệp Minh Tuyền… đều cho thơ Nguyễn Quang Thiều là như thơ Tây, thơ dịch. Tôi muốn tranh luận bắt đầu từ khái niệm: thế nào là thơ Tây? Thế nào là là thơ dịch? Thử liên hệ xem, khi bảo một bài thơ giống Đường thì đó là lời khen hay lời chê? Ông Khoa, ông Tuyền hơn những người khác chê thơ Thiều ở chỗ hai ông dám nói lên cách hiểu của mình về “tính Tây”, “tính dịch” đó. Diệp Minh Tuyền bảo sao lại đặt tên là Sự mất ngủ của lửa, tây quá, đổi tên là Lửa thao thức, có phải Việt hơn không. Ông Khoa mơ hồ hơn: “Nghề đánh đậm là nghề cổ truyền của dân ta, chỉ ta có, thế mà Thiều viết về cái nghề đặc ta ấy cũng vẫn chẳng ta tý nào”. Cứ theo đó thì thơ Thiều Tây là vì đã không “ta về ta tắm ao ta”, tức là ao dân tộc hiểu theo lối lập đẳng thức của Trần Mạnh Hảo: “ta”= “dân tộc”. Vẫn cái tư duy “xọ chuyện”, nói trên, đọc vào đâu sai đấy, nên không lạ gì Trần Mạnh Hảo lên giọng hạch tội tôi “dám bảo khái niệm “ta” tức là tính dân tộc là phi lý”. Ông Hải Âu đã phải tạm góp ý cho Trần Mạnh Hảo biết phân biệt ba từ khác nhau: nghĩa, ngữ nghĩa, ý nghĩa để dịch và hiểu cho đúng câu của P.Valery (tạp chí Tác phẩm mới số 9-1994). Nhân đây tôi cũng tạm góp ý cho Trần Mạnh Hảo là nên nhận rõ ba mặt chữ: ta, dân tộc, tính dân tộc, chúng khác nhau chứ không phải là một, đem đặt dấu bằng ba cái đó với nhau thì chỉ có Trần Mạnh Hảo “mình anh trong một thế giới” thôi.

Trần Mạnh Hảo mạn phép trích một câu văn của tôi nhưng lại sai hai chữ và sót ba chữ, xin dẫn lại đúng như trong bài của tôi đã đăng là: Thứ nhất, sự mơ hồ của khái niệm ta và sự vô lý , phi lịch sử của việc phải nhìn cái của ta theo cách ta. Cấu trúc câu mở đầu bằng “sự” là theo ngữ pháp Tây, đối với những người dị ứng Tây như Trần Mạnh Hảo loại câu này chắc khó hiểu nên đã hiểu sai. Tôi xin chuyển câu đó lại theo ngữ pháp Việt và diễn nghĩa nó ra cho Trần Mạnh Hảo dễ hiểu để hiểu được đúng người khác. Trong ý kiến của Trần Đăng Khoa, khái niệm ta là mơ hồ (thế nào là ta?) nhìn cái của ta theo cách ta là vô lý, phi lịch sử (cái ta nào? Cách ta nào? Thay đổi thế nào?). Nghĩa là ở đây đòi hỏi phải có một quan niệm khoa học chính xác về cái ta trong sự vận động của lịch sử và thời đại để không bó hẹp cái ta chỉ là cái ta mà không thành được dân tộc và không ra được với nhân loại. Trong bài tôi có dẫn hai câu thơ: Ngoài thềm rơi cái lá đa, Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng: câu đầu là Việt, câu sau là Tây vì nhờ Tây ta mới có cảm giác âm thanh hình khối ấy. Trần Mạnh Hảo đã lờ thí dụ này đi, dồn vào xuyên tạc tôi ở câu thơ đối chiếu Xuân Diệu, Nguyễn Đình Chiểu như đã nói trên.

4. Hơn nửa thế kỷ trước, hai nhà thơ mới nổi danh là Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu đã bàn về vấn đề “tính cách An Nam trong văn chương”. Lưu Trọng Lư thiên về truyền thống: “Cây cam xã Đoài dời qua một nơi khác vẫn sống, nhưng không còn là cây cam xã Đoài nữa. Văn chương Việt Nam chỉ giá trị khi nó là văn chương Việt Nam mà thôi”. Xuân Diệu say theo hiện đại: “Nước Việt Nam trước kia không có mỏ dầu, nhưng lúc người Tây khai thác được, thì Việt Nam cũng có mỏ dầu như các nước khác. Cái dầu hỏa mà khoa học Âu Tây tìm ra trên đất An Nam có phải dầu hỏa Tây hay không? Ở lĩnh vực tinh thần cũng thế. Nếu cái gì chưa có, không phải là không có mà do chúng ta chưa khai thác nó ra”.

Tôi lại không ngại trích dẫn. Mong Trần Mạnh Hảo đọc kỹ hai đoạn trích trên và nên ngẫm nghĩ. Tôi miễn bình luận. Chỉ xin nhắc: cả Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư khi viết những lời đó đều chưa đến tuổi ba mươi.

 

P.X.N

Phạm Xuân Nguyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 6 tháng 03/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground