Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tiểu thuyết đương đại thiếu những gì?

CON ĐƯỜNG? KẺ HÀNH HƯƠNG?

HAY NGÔI ĐỀN DÂNG CHỮ VÀ ĐÓN CHỮ?

N

gười Việt nói “Con không khóc mẹ không cho bú”. Với một nền tiểu thuyết đói khát tác phẩm, tác giả và giá trị bấy lâu nay, lẽ ra bạn văn phải “đòi bú” lâu rồi. Năng khóc thì năng bú, năng ngủ thì năng nhịn, sức đói của nền tiểu thuyết lẽ ra phải tương xứng với nhiều "tiếng khóc", tuy vậy do cơ thể thiếu dinh dưỡng, cuối cùng nền tiểu thuyết cũng đã cất “tiếng khóc”. Đó là một loạt bài mới đây “Thử cắt nghĩa về sự chững lại của tiểu thuyết” của Vũ Phương (Phụ san VNQĐ1/98), “Về thực trạng đói tiểu thuyết hôm nay” của Đỗ Ngọc Yên (Phụ san VNQĐ 2/98) và “Tiểu thuyết Nghệ thuật khám phá cuộc sống” của Ma Văn Kháng (Văn nghệ số 17/98). Cả ba bài viết, đều cất tiếng kêu cứu cho tình trạng xuống cấp của tiểu thuyết hôm nay. Đỗ Ngợc Yên viết “Trong hàng thập kỷ qua chúng ta không có một dòng tiểu thuyết đích thực” Vũ Phương viết “ở ta chỉ có người viết tiểu thuyết mà không có nhà tiểu thuyết, chỉ có tác giả mà không có tác gia” đặc biệt Ma Văn Kháng đã lột tả không khí tiểu thuyết thông qua những ý kiến của hai cuộc thảo luận gồm nhiều tác giả lớn ở báo Văn nghệ và trại sáng tác Đại Lải: “Năm năm mà không đọc tiếu thuyết cũng không sợ lạc hậu”, và “tiểu thuyết hôm nay không hấp dẫn bạn đọc vì rơi vào mòn cũ, né tránh các vấn đề gay cấn, chỉ có những gay cấn tình dục, phục vụ cho thị hiếu tầm thường".

Tiểu thuyết là loại hình lớn hơn cả để phản ánh nghệ thuật và cuộc sống. Khi mà cánh đồng mênh mông nhất này thất bát vụ mùa nghệ thuật của nó, thì không thể không làm chúng ta phải suy nghĩ, đối thoại để tìm một lối đi! Muốn cứu vãn một cánh đồng hạn hán, phải cứu vãn toàn thể từ nước, giống, sự chăm bón, đến cách thu hoạch. Bởi vậy, tôi muốn bàn từ “con đường” đến “kẻ hành hương” và ngôi đên dâng chữ - đón chữ:

1. Con đường tiểu thuyết

Muốn có một con đường thì phải có nhiều người đắp, các tác giả tiểu thuyết không làm nên nổi con đường, cùng lắm mỗi tác giả chỉ làm nên một hay vài nhà ga ở trên con đường đó. Con đường tiểu thuyết đòi tất cả bạn văn chúng ta - những cây bút - những nhà phê bình - những người đầu tư cho tiểu thuyết - và cả bạn đọc nữa phải chung lưng đấu cật xây dựng nó. Con đường tiểu thuyết nói riêng, nền văn học nói chung là nước đổ cho các lác giả vùng vẫy sáng tạo. Nước không cần lòe loẹt, càng lòe loẹt càng ô nhiễm, nước cần trong để nhìn thấy những “con cá” khoe muôn mầu muôn sắc. Tóm lại, nước cần trong suốt! Muốn trong suốt thì phải thuần khiết! Vậy mà chúng ta nhìn kỹ thử xem, có phải nền văn tồn tại không ít cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khuấy đục môi trường nước của văn chương? Cụ thể, tại hai cuộc hội thảo, nhiều tác giả đã thống nhất:

1. "Sáng tạo của nhà tiểu thuyết là sáng tạo quan niệm”.

2. "Tiểu thuyết hôm nay không hấp dẫn bạn đọc vì rơi vào mòn cũ... chỉ có những gay cấn tình dục, phục vụ cho cái thị hiếu tầm thường”...

Vậy mà trong đời sống văn học, không ít các tác giả lại đề cao lối viết “như không” hoặc lối viết nặng bản năng hay cảm tính. Đặc biệt hơn nữa, có quá nhiều các giải thuởng văn học hiện nay nhằm vào các tác giả đặc tả giới tính nữ, ái tình đắm chìm trong hơi thở dục vọng, các bản năng còn mải bơi lội trong những vũng nước nông choèn choèn cùa trực giác... Đây là một sinh hoạt làm mất khả năng định hướng cho đời sống tiểu thuyết, khiến các tác giả trẻ mới bước vào nghề thì hoang mang, còn các tác già đã đi dở chừng thì phân vân không biết tìm thái độ phấn đấu nào cho sáng tạo...

Đây là về sinh hoạt ý thức, còn về sinh hoạt thực tiễn, chúng ta càng thấy nổi lên nghịch cảnh của việc “Hò voi bắn súng sậy”. “Hò voi” - nghĩa là phải hạ sinh tiểu thuyết đồ sộ như những con voi, nhưng mà, chúng ta đã đầu tư cho cuộc hạ sinh đó bằng cách nào? Chúng ta hãy nghe ý kiến của cuộc hội thảo: “Cám cảnh cho văn xuôi nói chung và tiểu tuyết nói riêng hiện nay là số phận của nó nằm ở trong tay các nhà in ấn phát hành do tư nhân thao túng”. Đây có phải là nỗi cám cảnh mới chỉ dừng ở hiện tượng không? Chúng ta hãy đặt câu hỏi: tại sao nhà in ấn phát hành lại do tư nhân thao túng? Vậy nhà xuất bản Hội nhà văn thì sao? Nó có bị tư nhân thao túng không? Nó có nhận được những khoản tiền để đầu tư cho sáng tạo không? Và nó đã biết đầu tư đúng chỗ cho tiểu thuyết chưa?... Có không ít những câu hỏi như vậy nảy sinh, điều đó có nói lên rằng: Chúng ta chưa hợp sức nhất quán đổ đắp lên một con đường văn học đủ lớn, cho những “con voi” tiểu thuyết mở cuộc diễu hành nghệ thuật? (!)

2. "Kẻ hành hương”

Người Phương Tây có câu “Mỗi người phải vác nổi thập giá của mình”. Thập giá theo ý nghĩa biểu tượng là con đường khổ nạn, và trên vai các tiểu thuyết gia bao giờ cũng là những thập giá lớn nhất đi trên con đường hành hương dài nhất. Con đường dài nhất là con đường chông gai nhất! Nhưng cũng là con đường vinh quang nhất! Nhưng chúng ta có bao nhiêu cây bút văn muốn vác thập giá nặng của tiểu thuyết? Có phải đội ngũ viết tiểu thuyết quá mỏng, quá thưa thớt? Có phải những cuốn tiểu thuyết chưa làm nổi cuộc hành hương đến miền đất hứa? Để lỷ giải những vấn nạn này tôi xin bàn vào ba điểm:

2.1. Thiếu cây bút dám dấn thân vào tiểu thuyết.

Qua thực tế ngành văn nổi lên rất rõ một điều: Các cây bút thơ thì tăng dân số đến mức quá tải - trở thành lạm phát thơ, các cây bút tiểu thuyết thì thưa thớt như lá mùa thu, cac cây bút lý luận phê bình thì phất phơ như lá mùa đông. Điều này có nói lên sự lệch lạc nghiêm trọng trong thực tế cũng như nhận thức của ngành văn không? Trước hết, tôi xin thú nhận rằng “Thơ là thánh ngôn!” Nhưng một triết gia đã nói: “Trước khi mang hình ảnh người cõi trời chúng ta phải mang hình ảnh người cõi thế”. Muốn là thánh ngôn thì trước hết phải tu luyện trọn vẹn cọn người trần tục đã. Nhưng có không ít các nhà thơ bước vào làng thơ bằng một tâm tưởng “ta đã cắt đứt cuống nhau trần tục”. Họ chắc mẩm rằng: Tri thức ư! Để thành thầy giáo à!' Ngự pháp ư! Để làm kẻ đúc khuôn sao? Văn hóa ư! Làm sao có thể thành thơ được? Lôgip ư? Con đường cứng nhắc ấy làm sao có thể tương xứng với đôi cánh phóng túng của nàng thơ lúc thì bay ngang lúc thì bay dọc? Viết một cuốn tiểu thuyết ư? Chờ đọc, duyệt, giấy phép, tiền in, đầu phát hành... trời ơi lâu lắm! Nà nếu có in ra ngàn bản đến được mấy người? Còn làm thơ ư? Đọc tiện! Duyệt tiện! In trên báo cả vạn bản phát khắp nơi! Lại còn được cái lợi đi đâu cũng được ngâm xướng đọc cho mọi người nghe! Ghi nhớ nhanh! Lan tỏa nhanh... thật là tiện mọi đằng. Chính vì tâm lý “ăn xổi ở thì” “đánh nhanh thắng nhanh” nên người ta đổ xô làm thơ và in thơ. Đạo Phật có dạy “Duyên ngắn thì quả ngắn, duyên dài thì quả dài”, nấu cơm lúc sau đã ăn, nhưng trồng cây lưu niên phải ba năm sau mới hái quả. Tiểu thuyết là con đường đi xa, gieo “duyên dài” lâu hái quả, nên nhiều người ngại dấn thân vào, vì tâm lý sốt ruột, không muốn đợi chờ lâu mùa thu hái vinh quang.

2.2. Thiếu “vốn” lớn nên ngại “buôn” to.

Buôn to thì phải có vốn lớn! Đó là lẽ tất yếu ở đời. Qua đời sống văn, thấy rất rõ sự thực này, có nhiều cây bút viết truyện ngắn nổi tiếng cũng rất ngại chuyển làn sang viết tiếu thuyết vì e ngại: tiểu thuyết là một sân diễn bề thế phơi ra tất cả tư tưởng, tri thức, văn hóa, lôgic, bút pháp, định hướng, tình cảm của tác giả, nên rất dễ trở thành cuộc "lột xác" một lần tất cả vinh quang và thành công của mình vẫn đang còn ẩn ẩn hiện hiện trong dăm ba truyện ngắn. Vì chưa chuẩn bị đủ số vốn chữ nghĩa cần thiết nên nhiêu cây bút cũng lao sang khu vực “kinh doanh” thơ và truyện ngắn. Để cho nhanh! Và cho tiện!

2.3. Đầu tư bé thành quả bé.

Tại báo cáo của Ủy ban toàn quốc văn hóa nghệ thuật Việt Nam 12/1997 (do nhà văn Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch đoàn đọc) có dẫn một câu của Gớt làm tiêu chí tham chiến cho con đường văn học Việt Nam là: “Muốn có được tác phẩm nghệ thuật lớn của dân tộc, cần có mấy điều kiện. Một là, dân tộc ấy phải có gì đáng nói cho mọi dân tộc. Hai là, phải có một thiên tài đủ sức nói được những giá trị ấy. Ba là, thiên tài ấy phải sáng tạo tác phẩm chính của đời mình vào lúc sung sức nhất”.

Cái đáng nói của dân tộc ta quả là quá lớn và quá nhiều; nào Điện Biên Phủ, nào Điện Biên Phủ trên không, nào cuộc khải hoàn xẻ dọc Trường Sơn, nào công cuộc đổi mới... Nhưng do thiếu Đại trí để thực hiện một cái nhìn hệ thống hóa toàn bộ những sự kiện lớn trong một nhãn quan bao quát, nên các nhà tiểu thuyết của chúng ta vẫn đành cám cảnh “lực bất tòng tâm”. Như chúng ta đã biết, các thành tựu lịch sử đó chưa biến mình nổi thành các thành tựu văn học. Bởi một lý do: chúng ta chưa có được thiên tài. Thiên tài văn học phải do đào luyện qua trí thức, văn hóa, và đời sống văn học mới có được chứ không thể qua con đường chờ đợi thần đồng. Từ Hô-me đến nay, lịch sử nghệ thuật thế giới đã chứng tỏ rằng, có thể có thần đồng hội họa, thần đồng âm nhạc, nhưng không thể có thân đồng văn học. Vì văn học là quá trình tích lũy vốn sống, vốn tri thức, và vốn văn hóa. Tại hai cuộc hội thảo về tiểu thuyết cũng nêu rõ thực trạng: “Hiện thực hôm nay là mảnh đất màu mỡ của tiểu thuyết. Tuy nhiên, chất lượng của tiểu thuyết phụ thuộc vào tâm văn hóa, triết học và tài năng sự kết tinh của nhà văn”.

Sự kết tinh của nhà văn, ở đây qua kinh nghiệm các tác giả đã dùng một cụm từ hết sức chính đáng. Không thể có một nhà văn tài ba từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên, mà chỉ có nhà văn được kết tinh qua sự đào luyện thực tại đời sống và văn hóa. Đời sống nhộn nhịp của tiểu thuyết Trung Quốc vừa qua cũng đã cho bài học: những tác phẩm thiếu “đại trí tuệ” đã nhanh chóng rơi vào quên lãng, mặc dù chúng có gặt hái được những thành công tức thời lên đến đâu chăng nữa.

Qua thực tế của văn học Việt Nam cũng như văn học thế giới, liệu đã đến lúc chúng ta phải nói với nhau một cách chắc chắn rằng: con đường của tiểu thuyết gia chẳng là gì khác hơn ngoài con đường đào luyện bản lĩnh Đại trí tuệ của mình! (?) Và một tiểu thuyết gia tài ba chẳng là ai khác hơn là người đã tích lũy được con đường Đại trí! (?) Nếu đây vẫn là sự thật để phân vân, tôi nghĩ vậy, thì chẳng bao giờ chúng ta có nổi một nền văn học hùng mạnh đích thực cả.

3. Ngôi đền chữ - nơi tiếp đón tác phẩm và thẩm định tác phẩm.

Tiểu thuyết của chúng lại bị rơi vào tình trạng: đầu in ấn thờ ơ, đầu đón chào tác phẩm thờ ơ, và đầu thẩm định thờ ơ. Nói cách khác nó bị thờ ơ từ cả ba phía: nhà xuất bản, nhà phê bình, và bạn đọc cả trong giới lẫn ngoài giới. Nhìn sang ngành hội họa để tham chiếu, vừa qua một chuyên gia nước ngoài đã “gãi” đúng điếm yểu của hội họa Việt Nam rằng: “Tranh của các bạn không bán được cho người nước ngoài, vì chính các bạn còn không dám mạo hiểm xét đoán giá trị của nhau, thì làm sao khách hàng nước ngoài lại dám mạo hiểm móc ví mình ra đổ mua bức tranh hàng ngàn đô la”. Tương tự, tiểu thuyết bị mọi người thờ ơ đến nỗi thiếu “đất dụng võ” bởi lẽ nó không được chính các nhà văn mạo hiểm khen chê lẫn nhau, và vắng bóng các nhà phê bình phát hiện ra tác giả tác phẩm để giúp các nhà xuẫt bản đầu tư và bạn đọc sốt sắng tìm đọc.

Không giống thơ và truyện ngắn, trái lại nếu tiểu thuyết khó đầu tư để viết bao nhiêu thì lại dễ dàng để thẩm định bấy nhiêu. Một nhà thơ có thể làm ảo thuật với vài câu thơ tung hứng nhiều chiều, một nhà viết truyện ngắn có thể đánh lạc hướng bạn đọc trong một cánh rừng chữ nửa vời, nhưng mỗi tiểu thuyết giống như cả đoàn tầu, trên tay nhà văn không thể nào tung hứng được. Một truyện ngắn, một bài thơ vì độ dài của nó người ta có thể xem vô thưởng vô phạt, nhưng một tiểu thuyết thì không! Người xem nếu lướt qua vài trang, mà không thấy “đoàn tầu” đó chở mình về đâu cả, thì họ sẽ ném nó sang một bên. Thời buổi, thời gian là vàng, không ai dám phiêu lưu dành thời giờ cho vài trăm trang vô ích, vô nghĩa. Vậy phê bình tiểu thuyết là gì? Việc đầu tiên là tư tưởng tác phẩm, điều đó dễ như bỡn, nếu không hiểu thì hỏi chính tác giả (nhưng than ôi, vì tiểu thuyết của chúng ta ít tư tuởng quá, nên chẳng mấy ai phải bận tâm đi hỏi). Thứ hai, là vốn ngữ văn dù cho nó có êm đềm hay khúc khuỷu thì cũng chẳng thể che giấu nổi độ mênh mông cùng những con đường lao vút lên đỉnh thăng hoa của nó. Thứ ba, chẳng tiểu thuyết nào tránh được đối thoại (cho dù là độc thoại đi nữa), vậy thì làm sao có thể không nhận ra những kịch tính trong đối thoại: dữ dội, mãnh liệt, sâu sắc, cao cả...

Sự lười biếng thẩm định tiểu thuyết dẫn đến cuộc khủng hoàng thiếu hết sức lệch lạc và tiêu cực. Chúng ta đều biết theo cách đánh giá chung, thì dường như chúng ta chưa có nổi một tác giả nào đồ sộ, thậm chí mang tính chuyên nghiệp, vì có không ít tác giả đạt giải cao cũng chỉ viết được một cuốn là “lit” đường hạ sinh con để sáng tạo. Vậy là trong thực tế, vì thiếu sự thẩm định xếp đặt giá trị cho tác phẩm, nên đời sống tiểu thuyết dường như chỉ xoay quanh con đường “đoạt giải”. Sau khi đoạt giài, người ta có thể hạ mội câu “người này viết có văn, người kia viết không có văn", khiến cho những người cầm bút rất hoang mang. Đây có phải cách thẩm định văn và tiểu thuyết không? Chẳng nhẽ việc đánh giá một tác phẩm lại chi đơn giản là “viết có văn”? Theo định nghĩa của bách khoa thư, thì văn chỉ đơn giản là: “Khi người ta viết cái gì vượt lên thông tin thông báo thuần túy thì đó là văn”.

Việc thiếu thẩm định, còn dẫn đến tình trạng ảo tưởng về tác phẩm của mình, là thui chột khả năng tự vượt mình trong sáng tạo. Chúng ta đều biết, khi nhà văn Lỗ Tấn được đề cử làm ứng cử viên giải Nô-ben, ông đã từ chối, không phải vì lý do khiêm tốn (bởi lẽ trong nghệ thuật khiêm tốn đồng nghĩa với từ chối giá trị hoặc hãm tài), mà bởi phần trăm tầm văn hóa của mình ông tự xét tầm vóc của mình chưa ngang tầm giải Nô-ben. Phần trăm mà nền văn học của chúng ta, do thiếu không khí thẩm định và tự thẩm định, có không ít những cây bút ảo tưởng rằng giải Nô-ben là giá trị nào đó may rủi giống như số độc đắc ngày nào đó có thể lạc vào mình. Trong nghệ thuật đây là một cách nghĩ hết sức ấu trĩ, chúng ta đều biết: một chai rượu ủ thêm một năm giá đã tăng lên, một khúc gỗ làm đàn nếu ngâm trong nước lâu chừng nào thì tiếng đàn hay hơn chừng đó. Nếu chúng ta đồng ý với nhau rằng: “chất lượng của tiểu thuyết phụ thuộc vào tài năng kết tinh của nhà văn”, thì đừng bao giờ ảo tưởng về những giá trị được chăng hay chớ. Sở dĩ phải đề cập sâu vấn đề này là bởi đó là cách chúng ta dứt khoát khước từ một cách nghĩ ăn may trong nghệ thuật. Dế xây dựng một nền văn nghệ vạm vỡ đích thực dân tộc.

Không ảo tưởng, bắt đầu bằng một đầu tư thực tại, tôi nghĩ, đó cũng là bắt đầu con đường tiểu thuyết đích thực. Hãy bỏ sức đầu tư tầm văn hóa, tri thức, và vốn sống ẩm thực! Hãy viết đích thực! Hãy đối thoại đích thực! Hãy thẩm giá đích thực! Người ta bảo: Chừng nào nhà văn chưa dấn thân vào nghệ thuật một cách đích thực thì bạn đọc còn chua hết mình đón chờ tác phẩm của anh. Chẳng một độc giả nào bớt thời gian sống mình ra mà không định tìm kiếm một giá trị tác phẩm được vắt ra từ trái tim và khối óc hãy lớn lên! Trái tim hãy lớn lên! Và hãy đập điên cuồng... Chúng la hãy hy vọng: Đó là con đường duy nhẩt của tiểu thuyết!

                                                                                                                                                                      N.H.Đ

Nguyễn Hoàng Đức
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 46 tháng 07/1998

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

10 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground