Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tôi bắt đầu viết truyện ngắn như thế nào?

L.T.G: Tôi thở dài mà nhớ lại rằng: 7 năm qua, nhiều bạn - trong đó có những người đang giảng văn và học văn - gửi thư cho tôi hỏi về chuyện sáng tác. Thú thật, 3 phần vì lười, 7 phần vì nhút nhát nên tôi đã không hồi âm được. Hy vọng bài này sẽ thay cho thư trả lời. Còn riêng tôi vẫn cứ canh cánh câu nói của nhà văn Nguyễn Công Hoan: Muốn biết bơi thì hãy nhảy xuống nước. Đứng trên bờ mà ngó thì đến bao giờ mới biết bơi!

 

Có lẽ tôi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng ba bài thơ căm thù giặc Mỹ sâu sắc được chép nghiêm trang trên bảng: “Thông báo hàng tuần” của Trường cấp III Bắc Quảng Trạch - Quảng Bình năm 1973. Cũng ba bài thơ này tôi được giải ba cuộc thi thơ do Hội VHNT Quảng Bình tổ chức (1973-1975). Sau này anh Xuân Hoàng (thời đó là Chủ tịch Hội) có nói rằng đáng lẽ tôi được giải nhất nhưng vì biết tôi còn nhỏ tuổi nên để giải ba “cho nó khỏi kiêu ngạo sớm”. Lúc đó tôi tưởng chỉ ít lâu sau là tôi trở thành một nhà thơ danh tiếng, thế mà 10 năm sau 1984 tôi mới ra nổi nửa tập thơ in chung với Trương Điện Thắng trong tập “Kỷ niệm thời trai trẻ”.

Thực ra tôi mơ ước trở thành một nhà văn (chứ không phải nhà thơ) từ thời còn học phổ thông. Tôi chọn thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội vì ngây thơ nghĩ rằng phải đi vào công nông trường, xí nghiệp nhà máy mới có thể hiểu được hết cuộc sống một cách sâu sắc để viết văn. Thời đó tôi làm thơ vì không biết viết văn phải như thế nào, hơn nữa thời đó người ta còn náo nức với thơ ca lắm. Năm thứ hai Bách khoa Hà Nội tôi có viết truyện ngắn gọi là “Tình hoàng hôn”. Viết xong tự sướng mê mẩn, đưa cho bạn bè đọc ai cũng khen, lại càng ngây ngất. Tôi tăng tăng đưa cho anh Thái Bá Lợi (hồi đó ở trại viết văn Vân Hồ, cạnh trường tôi), một tuần sau thập thò ngoài cửa phòng anh, chỉ mong anh nhìn thấy và. A! tớ đọc truyện của cậu rồi, khá lắm!”. Ai dè tôi vào ngồi chơi khá lâu mà anh vẫn không đoái hoài gì đến truyện ngắn tôi đưa, đến lúc sắp về, không chịu được, tôi mới rụt rè nói: “Anh đã đọc truyện của em chưa?” “A! có, có!”, rồi rút trong hộc bàn tập bản thảo mười trang viết tay trao cho tôi, anh thở dài: “Thú thực nó là cái gì chứ không phải truyện ngắn”. Nhìn mặt tôi tím tái vì buồn thì ít mà xấu hổ thì nhiều, anh động viên: “Lập còn trẻ, lo gì, cứ cố đi, thế nào cũng thành”. Tôi lại đưa truyện ngắn đó cho anh Xuân Đức. Cốt để tránh phải đọc truyện dở hơi của tôi, anh Xuân Đức làm bộ quan trọng: “Thái Bá Lợi đã nói thì chắc đúng, tay ấy viết truyện ngắn cho anh nữa, nhưng lại hỏi: “Thế anh bảo truyện ngắn là cái gì?” Xuân Đức lắc đầu: “Tao đếch biết nó là cái gì. Mày hỏi thế bố tao trả lời cũng chẳng được”. Tôi ngao ngán hết chỗ nói. Đến như nhà văn Xuân Đức, viết tiểu thuyết Cửa gió bản thảo dày đến một gang, nhà cháy không thèm cứu thứ gì, bà vợ chỉ xả thân lao vào lửa ôm cho được bản thảo mà chạy, lại không biết truyện ngắn là gì lọ là tôi! Lúc đó tôi đinh ninh không phải Xuân Đức không biết truyện ngắn là gì mà chẳng qua anh dấu nghề, lại càng ngao ngán. Đoán ngay được ý nghĩ của tôi, anh Xuân Đức cười tủm tỉm “Mày tưởng tao giấu nghề à. Tao không biết nó là cái gì thật. Nếu biết tao đã viết mẹ nó rồi, đến lượt mày à?”. Một lúc sau anh kéo đầu tôi xuống thì thầm, với giọng điệu rất bí mật như vừa phát hiện một ông rất bự nào đang tham ô, hủ hóa không băng: “Truyện ngắn là một con gì đó, một con gì đó rất kỳ khôi”, Tôi cười khì khì, Anh tiếp: “Thật đấy một con gì đấy rất kỳ khôi, ở trong rừng văn học. Mày cứ liều mạng chui vào rừng tìm kiếm, thế nào có ngày mày cũng thấy, chỉ mày thấy thôi nhé, không thằng nào thấy đâu. Hoặc giả chúng có thấy cũng thấy khác mày”. Mười năm sau, khi có vài chục truyện ngắn trong tay, tôi mới hiểu cái kiểu cắt nghĩa tức cười của anh Xuân Đức hóa ra là hay. Nhưng lúc đó tôi hoang mang ghê gớm. Chẳng biết làm gì khác hơn, tôi lao vào tìm tất cả các truyện ngắn từ Tây sang Tàu về và đọc ngấu nghiến. Có thể nói trong vòng sáu năm từ 1978 đến 1984 tôi đọc đến ba bốn ngàn truyện ngắn, nói đúng hơn là tôi không biết đích xác số lượng truyện ngắn được đọc là bao nhiêu nhưng rất nhiều, từ những truyện ngắn của các nhà văn bậc thầy trong và ngoài nước. Càng đọc càng thấy chân trời văn học càng mờ mịt rối mù. Mãi đến năm 1984, giải ngũ về công tác tại Sở VHTT Bình Trị Thiên tôi cũng chưa dám thò bút viết truyện nào. Ngày hai buổi tôi nấu cơm hầu hạ thằng em ruột của tôi, tức Nguyễn Quang Vinh, viết tiểu thuyết. Tôi không thuộc diện lười biếng, nhưng có ba việc cực kỳ căm thù ấy là nấu cơm, rửa bát, giặt áo quần. Vậy mà tôi phải cắn răng làm đủ ba việc đó cho thằng em tôi chỉ vì nó biết viết tiểu thuyết. Thú thực tôi rất cú. Nhìn nó vừa viết vừa rung đùi, thỉnh thoảng châm điếu thuốc, ngửa mặt lên trời nhả khói, ra chiều tư lự lắm! Nó là cái gì? Tôi nghĩ - học hành chẳng đến đầu đến đũa, đọc điếc cũng chẳng bao lăm thế mà cứ rung đùi “chơi” hết gang bản thảo này đến gang bản thảo khác. Khốn thay, viết ra là được in, in ngay. Đài Tiếng nói Việt Nam trích đọc hết đêm này sang đêm khác. Thế mới kinh. Cú quá, tôi hỏi nó: “Tại sao mày toàn viết tiểu thuyết mà không viết truyện ngắn?” – “Em có biết viết truyện ngắn đâu mà viết!”. – ‘Thế mày chỉ viết được tiểu thuyết mà thôi à?”- “Chứ sao!” Thế mày biết tiểu thuyết là gì mà dám viết?”- “Chẳng cần biết nó là gì, cứ viết thế thôi!”. “Ủa? Nó không biết là cái gì cứ cắm cổ viết còn tôi không biết là cái gì mà phải nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo cho nó. Không được. Không chơi kiểu ấy được. Bố mày không dại, bố mày viết thôi. Cứ viết ra cái gì thì nó ra, còn hơn là nấu cơm, rửa bát, giặt áo quần! Vậy là tôi viết. Tôi vẽ một cái đầu đề mất sáu trang giấy, viết đi viết lại cái mở đầu mất vài chục trang, hí hoáy cả tuần cuối cùng truyện ngắn “Người lính ham nói trạng” cũng hoàn thành. Tôi đưa cho Nguyễn Quang Vinh xem, nó đọc xong uể oải nói: “Cũng được đấy, anh thử gửi sang Sông Hương xem họ có đăng không”. Đối với tôi lúc đó “cũng được” là tuyệt lắm rồi. Tôi gửi sang Sông Hương, cũng chỉ dám gửi bưu điện chứ không đến Tòa soạn. Ba ngày sau, bỗng nhiên có điện thoại anh Nguyễn Khoa Điềm mời tôi sang Tòa soạn. Tôi vù sang ngay. Anh Điềm thấy tôi nhếch mép cười, bắt tay rồi lạnh lùng bảo: “Vào đây”. Tim tôi quặn thắt không biết lành hay dữ sẽ xảy ra. Anh bảo tôi ngồi xuống rồi gọi hai ly cà phê sữa, rồi bảo: “Ông viết truyện ngắn được đấy, khá là đằng khác. Tôi nghĩ ông viết văn xuôi khá hơn làm thơ rất nhiều”. Phải nói không thể tưởng tượng tôi sung sướng như thế nào. Vậy là tôi viết được truyện ngắn, lại còn “khá là đằng khác” lại còn được nhà thơ khét tiếng Nguyễn Khoa Điềm gọi tôi bằng “ông”. Thật tôi sung sướng đến tận tủy.

Nẻo vào văn học của tôi là vậy, có thể nói thế này: Tôi đã quyết tâm viết văn chỉ vì tôi biết căm thù nấu cơm, rửa bát, giặt áo quần. Đến nay tôi cũng không biết truyện ngắn là cái gì nhưng vẫn tiếp tục viết. Có lẽ truyện ngắn cũng như tình yêu vậy. Chẳng ai biết tình yêu là cái gì. Nhưng cứ yêu đi rồi khắc biết. Yêu người này thì biết nó là thế này, yêu người nọ thì biết là thế nọ v.v… chẳng biết có đúng không?

 

N.Q.L

Nguyễn Quang Lập
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 6 tháng 03/1995

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground